Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
578
116.790.532

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
THÁI NGỌC SAN cái tên của lòng NHÂN HẬU và KHÍ PHÁCH
Tháng Bảy, mưa ngoi nam rơi trên thành phố Huế. Nhà thơ Thái Ngọc San , người anh em phong trào ra đi trong mưa, trong ngậm ngùi tiếc thương của biết bao người. Ngậm ngùi và tiếc thương bởi nhân cách sống của Thái Ngọc San đã để lại cho đời vô vàn điều quí báu, đáng trân trọng và ngợi ca.

     Trong phong trào đô thị miền Nam vào những năm 70, nhà thơ Thái Ngọc San đã là chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đường phố. Cùng với bom xăng, thơ Thái Ngọc San ngời ngời ánh lửa chống bạo quyền, xâm lược. Thơ Thái Ngọc San thành vũ khí sắc bén bảo vệ những tình tự quê nhà yêu dấu trước làn sóng ngoại lai. Thơ Thái Ngọc San luôn là Nguồn Mạch Mới giữa lòng dân tộc với ước mơ cháy bỏng về hòa bình, về một ngày đất nước mình thống nhất.

 

     Trong báo giới từ sau 1975 đến nay, ngọn bút nhà báo Thái Ngọc San cũng sáng lấp lánh ánh thép. Trái tim nhân hậu của nhà thơ thường cháy lên nỗi Khát Vọng vô bờ về sự bình yên trong cuộc sống ngày thường của người dân. Những bài báo của Thái Ngọc San rất nhân văn khi trang trọng cái thiện và rất quyết liệt, không khoan nhượng khi đấu tranh đẩy lùi cái ác. Nhà báo Thái Ngọc San thường quan tâm đến những số phận không may mắn trước cuộc đời; quan tâm những gương sáng trong lao động, học tập nhưng lại bất hạnh, khó khăn, trở ngại trong xã hội. Khi vừa nghe tin nhà báo Ngọc Thảo Nguyên mới ra đi, chị bán báo bên đường Lê Lợi thương cảm: Rứa là dân Huế mất đi một nhà báo biết đấu tranh. Tiếc lắm!

 

     Thế là Thái Ngọc San đã về với Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ...Những  nghệ sĩ tài hoa xứ Huế chắc chắn lại gặp nhau trong cõi vĩnh hằng. Sẽ không còn hình bóng một Thái Ngọc San bằng xương bằng thịt dưới những tàng cây Huế, bên những quán ven đường mỗi ngày ta gặp. Chỉ còn lại cái tên nhà thơ Thái Ngọc San, cái tên nhà báo Ngọc Thảo Nguyên trong tâm thức người người. Cái tên của lòng nhân hậu, của khí phách đang bền bỉ sống muôn thuở, muôn nơi.

 

Võ Quê

Viết cho SCL

 

 

San ơi, một trời thương nhớ!

 

Thái Ngọc San ngày đêm nằm ở trụ sở "nóng nhất" của phong trào thanh niên sinh viên học sinh đấu tranh TP Huế những năm đầu 1970, đó là ngôi nhà Tổng hội Sinh viên Huế số 22 đường Trương Định.

 

 

Ở đó, anh bước đi những bước dài trên hành trình tranh đấu, có mặt trong những đợt sóng lớn, biểu tình tràn ra phố, chiếm lĩnh cầu Phú Xuân, án ngữ Trường Tiền. Đêm về, họp mặt sau quán cà phê chị Giang mở bên trong trụ sở, với những cuộc trò chuyện văn nghệ mà anh là một tác giả dấn thân đầy lửa như có lần anh nói với Chủ tịch Tổng hội Lê Văn Thuyên, với Nguyễn Hoàng Thọ, với Văn Công Liên và Nguyễn Văn Long rằng: "các ông dẫn sinh viên ra phố biểu tình còn tôi dẫn thơ vào… trận". Thọ hỏi: "trận nào?". Anh đáp: "trận văn nghệ văn hóa chứ trận nào nữa" và đọc mấy câu thơ anh làm: “Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe. Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy”. Lửa đây là lửa những đêm không ngủ, đòi hòa bình, chống bạo quyền, xâm lược.

 

Cũng ở đó, vào đêm Noel 1971, bên ly cà phê sữa, anh hỏi tôi giọng ngọt ngào: "Này, cậu nghĩ gì về mình?". Tôi bảo trong các bút danh anh đã ký dưới nhiều bài viết đăng trên tạp chí Văn, Văn học, Trình bày, Phổ thông, Đối diện, Đất nước, Ý thức ở Sài Gòn tôi thấy có: Phan Thái, Song Nhật, Hoàng Thôn, Sử Vàng, Quả Sơn, Hoàng Sơn Tây, thì riêng bút danh Thái Ba Đào của anh nghe ngồ ngộ, nghe như "có tiếng sóng ở trong lòng" phải không? Anh cười, nói sóng thì có sóng, nói ba đào thì có lênh đênh thiệt, mà như hiểu theo nghĩa "ba lần đào ngũ" thì cũng khớp với trường hợp của mình. Vì, anh đã ba lần bị chế độ Sài Gòn bắt lính. Lần thứ nhất năm 1966 đưa vào quân trường Vạn Kiếp (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lần thứ hai năm 1968 đưa vào quân trường Lam Sơn (Khánh Hòa). Và lần thứ ba năm 1969. Cả ba lần anh vẫn đều là binh nhì, và đào ngũ thoát ra, nên lấy tên Thái Ba Đào (ba lần đào ngũ) cũng hợp vậy. Để tìm sống và trốn lính, anh đã vào Sài Gòn làm thơ và viết báo. Anh đi khắp nơi như thời nhỏ. Riêng Những ngày Sài Gòn đã vào thơ anh đậm đà: Nỗi khổ tôi là nỗi khổ tâm. Của kẻ đi tìm quê hương mất dấu. Mười năm bom đạn nổ trong lòng. Mà trái tim tôi đâu phải bằng giấy…. Và tôi đã thấy một Sài Gòn tự do. Được xây bằng vàng, rào bằng kẽm. Ở Huế, anh tham gia hoạt động trong phong trào đô thị và là cơ sở cách mạng từ tháng 8.1968, làm Tổng thư ký Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung (do thi sĩ Ngô Kha làm chủ tịch) năm 1971. Vào thời điểm đó, anh đồng hành với các nhà thơ, nhà văn Lê Văn Ngăn, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Lê Gành, Trần Hữu Lục, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Trần Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Sơn... tiếp tục những sáng tác mới có nội dung yêu nước và quật khởi. Đến 1972, khi cơ sở nội thành Huế bị vỡ, một số "thành viên thường trực" của ngôi nhà 22 Trương Định như: Võ Quê, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Phan Hữu Lượng, Lê Nhược Thủy bị bắt, anh đã thoát vòng vây, tìm cách lên chiến khu. Lúc bấy giờ, đường lên chiến khu theo ngả Thừa Thiên bị cắt đứt, Thái Ngọc San cùng các anh Trần Hoài, Nguyễn Thanh Minh, Huỳnh Phước, Nguyễn Đông Nhật và tôi phải trà trộn theo đoàn người di tản từ hướng Bắc đi bộ nhiều chặng qua đèo Hải Vân, vào sát Đà Nẵng, trú tại vùng Nam Ô, rồi được cơ sở bí mật móc nối theo sông Thủy Tú ngược lên chiến khu Quảng Nam. Từ đó, vượt sông Vàng, dãy Bạch Mã, ra Huế. Trên đường đi, vào một đêm trăng sáng mắc võng giữa rừng, anh nhìn lên trời, nói vọng: "Này ông, trời không chia cắt sao đất lại cắt chia hở ông?". Tôi nói việc đời không giống như việc nhà trời, mình đi theo cách mạng cũng là muốn việc đời đẹp như việc đã nghe nói ở thiên đường. Anh cười, bảo ý tưởng đó lãng mạn lắm. Năm sau 1973, anh ra Hà Nội chữa bệnh, rồi sang Hungari, Trung Quốc, chúng tôi chia tay từ đó.

 

Đến sau 1975 lại gặp nhau tại Huế. Bấy giờ ngôi nhà rực lửa 22 Trương Định tuy vẫn còn giàn hoa giấy lâu năm nhưng quang cảnh đã bắt đầu khác trước. Thăm lại nơi này, anh nói có ngày mình sẽ gặp hết anh em ở đây, vì đây là một ngôi nhà chung, là nơi đi về thăm hỏi của tất cả những ai đã sống như anh em ruột thịt trong cùng một phong trào lửa đỏ, kể cả những bạn bè văn nghệ vì thời thế đã phải tỏa đi các ngả đường khác nhau, như bài thơ anh viết: Tôi trở về đây trong sổ tay bằng hữu. Có đứa đã vĩnh viễn nằm yên. Có thằng bỏ lên rừng. Có thằng bỏ đi lính. Tôi không còn mơ mộng để đợi chờ. Một ngày sum vầy đông đủ. Ôi mai này sau ngày kháng chiến. Chắc rằng bạn bè tôi vẫn không quên. Những điếu thuốc khói bay vàng cửa sổ. Tôi không còn tuổi trẻ để yêu đương. Bên đống gạch vỡ. Cũng sau 1975, trước khi làm đại diện Báo Thanh Niên tại Huế, anh đảm nhiệm Chánh văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Huế, thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Mới đây, anh đã từ Huế vào Sài Gòn nhân kỷ niệm 30 năm đại lễ 30.4, ở cùng phòng với nhà thơ Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) tại một khách sạn trên đường Sương Nguyệt Ánh. Trong buổi sáng uống cà phê với Tùng, một bạn cũ ở Tổng hội Huế, anh buột miệng: "Vào Sài Gòn lần này chẳng biết có khi nào vào nữa không?". Tôi cũng nói một cách bâng quơ: "Sao lại không?". Nhưng rồi anh đã không vào nữa thật. Cách đây nửa tháng, anh bị xe tông chấn thương ở đầu rất nặng, vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đó anh nửa tỉnh nửa mê. Bạn bè văn nghệ hay tin đã từ Đà Nẵng, Qui Nhơn, TP Hồ Chí Minh ra Huế thăm anh. Tới khuya hôm qua, các anh Nguyễn Đính, Viêm Tịnh, Cao Hữu Điền, Nguyễn Đức Hùng, kẻ trực tiếp điện thoại, người nhắn tin vào TP Hồ Chí Minh cho bạn bè biết anh Thái Ngọc San đã qua đời vào khoảng 1 giờ sáng 25.7 ở tuổi 58. Vĩnh biệt anh, tác giả những bài thơ vang động một thời, cũng như những câu thơ mềm như lệ liễu: Tôi thèm đi trên những con đường. Có tiếng hát vành khuyên để được: âm thầm hát trong ngày viễn xứ. Nay, cuối hè phượng nở, bạn bè đang tiễn đưa anh trong ngày anh viễn xứ…

 

Lòng ngưỡng mộ

 

Gửi hy vọng cho người về đêm tối qua một dòng sông

Hút mù như đóm sao băng

Gửi lửa cho anh đốt cháy phi trường

Gửi đạn cho anh phá trại tù binh

Lòng ngưỡng mộ về rừng gửi lá cờ xanh trên cửa phố

Gửi vinh hiển cho người lăn vào chiến xa

Gửi lúa ngô mẹ già cho người kháng chiến

Bằng máu thịt xương thánh thiện ở rừng xa

Bằng lịch sử chín vàng đồng lúa

Bằng ngọn lửa cháy bùng trái tim

Gửi thù hận băng qua Thái Bình Dương

Khắc nhiệt tâm bằng cẩm thạch

Bắn rụng cánh chuồn chuồn bay (1)

Đêm tối gửi tương lai cho người trở về

Đốt ngọn đèn lịch sử

Nổi trống dậy khắp hoàng thành

Gửi màu xanh cho lòng chờ đợi

Gửi tàu bay thiết giáp vào lò nung sắt thép xây thành phố mới

Gửi cho tham vọng đế quốc một đống tro tàn

Gửi cho người người trong đau thương một nhành lúa mới Tôi ngưỡng mộ muôn người đã chết cho đất này được sống

Và muôn người sống cho quê hương này xanh tươi

Xin gửi tấm thân hèn mọn của thơ làm ngọn lửa ven đời

Soi dấu chân người chiến sĩ.

2/1972

 

(1) Cánh chuồn chuồn bay: chỉ máy bay lên thẳng

 

Thái Ngọc San

 

Trần Phá Nhạc

Trích TNO

VQ-TPN - TNO-SCL