Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
563
116.857.493
 
Sông Hàm Luông
Thanh Giang
Chương 1

Trên con đường vườn cặp bờ sông Hàm Luông về phía cù lao Minh, Phi Hùng, trưởng đồn Phước Hiệp trẻ trai, quân phục mới toanh với cấp hàm thiếu úy cùng tốp lính đi càn. Tư Râu Xồm vểnh bộ râu bó hàm dẫn đầu, gặp quýt hái quýt, gặp mận hái mận, vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm.   Lính bắt chước đồn phó làm theo. Phi Hùng mải mê chụp ảnh, chợt trông thấy, rầy:

– Anh Tư đồn phó đừng làm vậy; bà con họ rêu rao tôi.

Tư Râu Xồm chau đôi mày rậm đen, nháy mắt với lính. Bọn lính xầm xì:

– Trưởng đồn mới đổi về, coi bộ… lấy lòng dân dữ ha!

– Xụyt! - Tư Râu Xồm trợn mắt nạt khẽ - Câm!

Chĩa ống kính tê-lê máy ảnh ra dòng sông, bắt gặp hai chiếc ghe tam bản của đôi trai gái đang chèo qua sông, Phi Hùng sáng rỡ đôi mắt lúng liếng đa tình, reo lên: 

– Ôi! Tuyệt! Cảnh nầy vô ảnh, gởi lên Sài Gòn đăng họa báo thì thầy chú lé con mắt hết!

2
Sông Hàm Luông ở đọan nầy rộng mênh mông, ước hơn ngàn mét. May nhờ thiên nhiên tạo nên giữa lòng sông nổi lên cái Cồn Ốc - tên sơ sinh - lâu năm thành cù lao dài trù phú mang tên hai xã Thạnh Phú Đông và Hưng Phong, (hơi gần bên Bảo - cù lao mẹ gồm Thị xã và ba huyện, nên thuộc huyện Giồng Trôm), nằm làm bờ phụ cho đôi bờ qua lại nhau đỡ ngại ngùng khi sóng to gió lớn.

Thọat trông, một chiếc tam bản chèo một cây đằng lái, từ phía cù lao Cồn Ốc chèo về bên Minh - cũng cù lao mẹ gồm ba huyện. Hiện rõ dần người chèo là một cô gái: quần đen, áo bà ba màu hường, đầu trần, tóc kẹp suông dài đen mướt phất phơ theo gió. Phía sau  ẩn hiện một chiếc tam bản chèo đuổi theo. Người chèo là một chàng trai: quần đùi, áo pun lực lưỡng. Anh cất điệu hò Bến Tre ngân vang dòng sông buổi mặt trời vừa mới lên :

Cây da trước miểu ai biểu cây da tàn

Bao nhiêu lá rụng…anh thương nàng bấy nhiêu !…

Giọng nữ lảnh lót hò đáp:

Đèn Mỏ Cày đèn xanh đèn đỏ

Đèn Bến Tre ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em cũng đợi…mười thu em cũng chờ!…

    

Chàng trai ghe sau gọi lớn:        

– Út Hường! Đua!

Cô gái chẳng đáp, chèo cật lực, phô diễn dáng vóc thon thả uyển chuyển cùng đường nét đầy đặn của tuổi mười tám. Ghe sau chẳng mấy lúc vượt lên rồi chàng ràng cản mũi ghe trước. Cô gái la thét:

– Anh Hai Rô! Quỉ nà! Chìm ghe em bắt đền á!

Hai Rô cặp ghe mình vào ghe Út Hường:

– Chừng xong mùa cấy, héng?

– Xong mùa cấy rồi đi chài ăn.

– Hổng phải! Cha anh qua…

– Thì bác Bảy qua hoài!

– Hổng phải mà! - Hai Rô dương đôi mắt đen mun, lắc lắc mái đầu húi cua.

– Vậy chớ gì? - Út Hường uốn éo đôi môi hồng lấp lánh nắng sáng rất tươi.          

– Là cha anh qua trầu rượu với má Năm…

– Trầu nhà em có một vườn trầu; rượu nhà em có một hủ thuốc rượu.

– Ta nói hổng phải mà!…- Đôi mắt đen Hai Rô sập xuống làm bộ buồn.

– Thôi chèo mau vô bờ đi! - Út Hường giục - Nước đang lớn, coi chừng ghe trôi lên tới vàm Bến Tre bây giờ!

 

3

Hai chiếc tam bản chở mạ của đôi trai gái chèo vào bờ rồi quẹo vô con rạch lá dẫn sâu hút trong rừng dừa; tới một cây cầu khỉ thì đụng tốp lính của Tư Râu Xồm ách lại. Hắn xừng xộ:

– Ghe qua Cồn Ốc về, chở gì? Xét!

– Chở mạ về cấy đó, hổng thấy sao?

– Thấy cũng xét! - Tên đồn phó đánh đu cây cầu nhảy xuống ghe Út Hường, xóc những bó mạ lên, lầu bầu - Mấy ông Việt Cộng hễ đụng chuyện là chạy ra Cồn Ốc. Biết đâu chở lựu đạn về sao?

Theo dõi từ ngoài sông cái, Phi Hùng nhìn ngây người đẹp rồi bấm máy ảnh vừa hỏi nhỏ Bảy Ngón:

– Thôn quê mà cũng có con gái nhà ai đẹp quá trời vậy?

Bảy Ngón - tay chỉ điểm ác ôn từ thời Pháp, bị du kích bắn chết hụt, bàn tay phải chỉ còn  ngón út và áp út, dân gọi khuyến cáo thành danh - tỏ ra thông thạo, đáp:

– Con nhỏ đó tên Út Hường, con của Việt Cộng nòi đó. Thiếu úy học Sài Gòn mới về hổng biết. Ông già nó tên Nghĩa, dân kháng chiến cũ, bị Ba Gà Nòi dẫn biệt kích bắt được, mổ bụng moi gan xào ăn.

– Nói nghe ghê quá! Còn thằng con trai?

– Hai Rô là thằng đó. Có đi tập Thanh niên Cộng hòa mình.

– Bà con hay là gì với con nhỏ đó?

– Hai đứa nó thương nhau lâu, nghe đâu sắp làm đám cưới.

Từ dưới ghe, Út Hường dịu ngọt với Tư Râu Xồm:

– Thầy đồn phó, cho em về đem mạ cấy kẻo trưa!

Phi Hùng đến gần, bấm máy cận cảnh Út Hường, giọng quyền uy mà lịch sự:

– Người đẹp đã ăn nói ngọt ngào quá mà ông đồn phó!

Tư Râu Xồm đánh đu trở lên cầu. Hai chiếc ghe mạ xuôi theo con nước lớn vào sâu về xóm làng.

 

              4

Má Năm trạc ngoài sáu mươi tuổi, mặt phúc hậu, u trầm, tóc hơi điểm sương, tay cầm nọc cấy xăng xái đi ra đồng. Chợt trông thấy tốp lính từ xa, má quay nhanh trở về nhà. Ngôi nhà lá nhỏ, vách lá, cửa ván đang đóng, treo toòng teng tấm bảng sơn vàng, viết chữ đỏ: “Nhà ai chứa Cộng sản thì cả nhà bị tử hình bằng máy chém”! Nhanh chân, má bước vòng ra cửa sau, gọi khẽ Út Hường:

– Lính xuống! Báo động cho Hai Thành mau lên!

Út Hường rút con dao phay, chạy bay ra phía sau vườn. Má Năm trở lại vẻ điềm nhiên đi ra đồng.

Trong đám mía rậm, Hai Thành, Bí thư Chi bộ xã Phước Hiệp đang ăn cơm vắt, chợt nghe tiếng Út Hường gọi giật:

– Anh Hai! Lính!

Thu dọn nhanh đồ lề cho xuống hầm bí mật, ngụy trang, Hai Thành thắt thắt lưng đã sẵn võng, lựu đạn, dao găm, ni-long, vọt ra khỏi đám mía, rút cây tre bắc cầu qua mương vườn, qua tiếp luôn ba mương vườn nữa rồi rút cây tre giấu trong lùm ô rô; cỡi khăn rằn đang quấn cổ thắt nài leo một hơi lên ngọn dừa, bẻ trái dừa non ấn vào giữa đọt cho xòe ra rồi leo vô đứng giữa ngọn dừa. Bốn bề rừng dừa bát ngát.

Bảy Ngón dẫn toán lính cùng Phi Hùng tới đám mía thì gặp Út Hường từ trong ấy vác bó mía đi ra. Đồn trưởng hơi bất ngờ, không giữ đuợc nhã nhặn, hỏi đoán mò:

– Làm gì trỏng? Chạy báo Hai Thành hả?

– Đốn mía hổng thấy sao? - Hỏi xẳng đáp xăng, Út Hường toan vác bó mía đi.

– Cô Út ở lại coi! - Phi Hùng trở lại từ tốn.

– Mía nè! - Út Hường do dảnh - Ngài thiếu úy muốn ăn, tôi mời. Coi gì?

– Người ta đồn nhà cô chứa chấp Việt cộng. Bí thư  Chi bộ Hai Thành?

– Thì ngài cứ việc xét nhà! - Đáp cứng, Út Hường vác bó mía đi một hơi.

Trước tính cách gái quê mà điệu hạnh, có duyên, Phi Hùng lấy làm lạ lắm, bị thách thức không hề bẻ mặt, trái lại có cảm tình; hơn thế nữa hầu như đã bị chinh phục bởi một dung nhan thôn dã mà kiêu sa kiều diễm chưa hề gặp trong cuộc đời du học và rong chơi khắp chốn phồn hoa thị thành.

Trong khi trưởng đồn đứng ngẩn ngơ thì Bảy Ngón hậm hực cùng đồn phó đốc thúc lính lùng sục, xôm hầm trong đám mía rồi vào trong nhà má Năm. Không tìm thấy gì,

chúng kéo vô vườn, men theo các bờ dừa; tình cờ dừng dưới gốc dừa Hai Thành đã trèo lên. Tư Râu Xồm bắt nhãn cái nháy nhó của Bảy Ngón, liền chỉ một tên lính:

– Mầy trèo lên cây dừa nầy coi thử ?

– Dạ!…Em đâu biết trèo dừa! - Tên lính rụt cổ chối dài.

– Thôi thằng nầy vậy! - Đồn phó chỉ một tên lính khác; rồi chỉ tiếp hai ba tên lính nữa, tên nào cũng viện đủ lý do dông dài để không phải trèo.

– Thôi! - Thấy giằng co lâu lắc, Phi Hùng gạt ngang - Rừng dừa bạt ngàn. Tìm cầu may thì sao gọi là cao thủ? Đi về! Anh Bảy Ngón chỉ hụt tôi lần thứ hai đó nghe! Nhứt hóa tam. Lần thứ ba đừng để mất uy với tôi à?

Hai Thành ở giữa đọt dừa ghé mắt nhìn xuống, gỡ lựu đạn cầm tay, tay kia hờm dao găm, thấy bọn lính kéo đi, giắt lựu đạn trở vào; thở một hơi dài nặng nề! Lại thêm một lần thoát hiểm! Biết còn bao lần nữa, liệu có thoát cùng không? Anh bẻ một trái dừa nạo, dùng dao găm khoét lỗ uống nước; lòng nghĩ miên man. Chi bộ hồi mấy anh đi tập kết, ở lại hơn mười người, giờ chỉ còn Bí thư với vài đảng viên: Năm Tâm, Ba Vàng và  Sáu Quýt mà ổng thì cũng chỉ còn da bọc xương!

5

Cho gọi Tư  Râu Xồm vào phòng riêng rồi để hắn ngồi chờ, Phi Hùng lo lục soạn giấy tờ cùng mấy tấm ảnh cho vào xắc-cốt, vờ coi lại đạn trong cây col 12, một lúc mới mở lời mà chẳng nhìn vào đối tượng:

– Hai Thành trốn kỹ, khó bắt. Đám thanh niên Cộng hòa đáng nghi công khai dễ bắt. Bắt thằng dễ sẽ phăng ra thằng khó. Anh Tư nghĩ sao?

– Chính bắt tụi công khai mới khó; vì không  có lịnh. - Tư Râu Xồm tỏ ra cũng mưu sĩ - Như Ba Vàng, Tư  Đỏ, cả Hai Rô đều có đi tập đội ngũ Thanh niên cộng hòa. Còn phải tôn trọng dân sinh dân chủ…

– Cớ ta tạo, lịnh thì đã có luật Mười năm chín! - Vừa nói Phi Hùng lần tay cỡi chiếc nhẫn, bảo đồn phó đưa tay coi rồi đeo vào cho hắn ta, tiếp lời - Tôi mới về làm đồn trưởng kiêm cảnh sát. Tuy là trong quận Mỏ Cày cũng quê nhà, nhưng đi học Sài Gòn từ nhỏ, giờ lạ nước lạ cái. Anh Tư gốc ở đây quen thuộc. - Phi Hùng đứng lên nịt súng và khoát máy ảnh - Tôi về quận gặp ông chú. Anh coi đồn và lo chuyện tôi vừa nói. Nghĩa là biết cách làm khéo. Tôi biết điều mà!

– Xin thiếu úy yên tâm. Khó mười, khó trăm nữa tôi lo cũng xong.

Phi Hùng ra hiệu cho Tư Râu Xồm ghé sát tai, thì thầm:

– Với thằng Hai Rô thì…cho neo đá! Nhưng ném đá phải biết giấu tay!

– Dạ rõ! Dạ hiểu! Thiếu úy khỏi lo xa.

Khi trưởng đồn nổ máy chiếc Vespa Suprin đi rồi, Tư Râu Xồm ngồi mân mê chiếc nhẫn cẩn hột xoàn mà ngẫm ngợi. Dân giàu, có học thường chơi kèo trên. Điều chủ tâm khử tình địch thì nói sau cùng, còn chiếc nhẫn thì đeo trước. Đã ăn trước thì há miệng mắc quai ! Phận mình dân trôi sông lạc chợ, tấp vô bến nào hay bến nấy, làm lính dân vệ lấy lương nuôi vợ con, có công tố cộng mà lên đồn phó “mùa”, nghĩa là thay bao nhiêu đồn trưởng mới về, Tư  Râu Xồm vẫn cứ đồn phó. Chẳng cần lòng dân cái khỉ khô gì. Ăn cơm chúa thì múa tối ngày vây thôi. Nhớ tới việc phải làm, hắn cho mời Bảy Ngón tới bàn vịêc. Chưa bàn gì Bảy Ngón đã nói:

– Làm cảnh sát kiêm đồn trưởng kiểu “ nghệ sĩ ” như Phi Hùng thì có ngày dân ở đây nổi dậy cắt cổ hết cả tụi mình! Nghe nói vừa học sĩ quan Đà Lạt về, do thần thế ông chú quận trưởng Cai Tất xin mà sao coi quê quê hay có tật mê gái hổng biết?

– Nè! Bình phẩm hơi sớm đó. - Tư Râu Xồm cười cười phơi bộ răng ám khói thuốc lá vàng khè rồi nghiêm giọng - Tối nay anh Bảy dẫn tôi đi bao bắt tụi thằng Ba Vàng, Tư Đỏ nghe chưa?

– Hai thằng đó nó có ngủ ở nhà nó đâu mà đi bao?

– Nếu nó ngủ ở nhà nó thì tôi chẳng cần anh.

– Sao không bắt phức ban ngày đi cho gọn?

– Cấp trên dặn tôn trọng dân sinh dân chủ. Bắt ban ngày không gọn. Nghĩa là phải “bắt êm” hiểu chưa?

Chưa hết câu, Tư Râu Xồm đã xì ra một xắp tiền. Bảy Ngón thộp lấy, cám ơn ngài đồn phó rối rít, nói nịnh:

– Dân sanh đẻ ở đất nầy, cụm vườn nhà ai tôi thuộc như lòng bàn tay. Thầy Tư  chơi đẹp là xong ngay thôi!

Coi là nghề sinh sống, Bảy Ngón giờ như  tên lái buôn vừa ngã  giá xong một món hàng rất hời. Cuộc đời chỉ thu hút vào quán rượu và sòng bạc thì còn lương tâm đâu mà nghĩ đến sinh mạng những người khác…

Chương : 1   2    3    4    5   
Thanh Giang
Số lần đọc: 2725
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh