Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
555
116.852.097
 
Sông Hàm Luông
Thanh Giang
Chương 2

Chạy Vespa vòng vèo theo đườngvườn dừa cùng các loại cây ăn trái râm mát, Phi Hùng nghe lòng thơ thới, mở phanh ngực áo sáu túi, vọt qua cầu Ông Bồng ván lót khua lùm cùm vui tai rồi bon thẳng về thị trấn Mỏ Cày, rẻ vào dinh quận trưởng. Bỗng gặp cảnh lính lùa đồng bào đi chợ tập trung vào sân cỏ rộng gần bờ sông, bắt xem cuộc xử tử hình Việt cộng bằng máy chém, Phi Hùng hơi bần thần dừng xe bên ngoài, dấu súng trong lưng, đứng nhìn vào.

Cái máy chém ngạo nghễ dựng cao hai thanh sắt, treo lưỡi dao vạt xéo trông như ma quái từ âm phủ hiện hình. Những người ắp bị chém ngồi bên cạnh một hàng dài, hai tay bị trói quặt ra sau lưng. Dân chúng bị lùa vào, thối ngược trở ra, hổn loạn. Đại đội lính bảo an vất vả mới gom được một số người rồi dàn thành vòng rào ngăn giữ họ lại. Quận trưởng Cai Tất quân phục cấp thiếu tá Chi khu trưởng đứng trên bục cao cạnh bên máy chém, thấy dân chúng lộn xộn, hét vào micrô:

– Đồng bào chú ý! Alô! Luật Mười-năm-chín đã ban hành: loại Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ai là Việt cộng không cần đưa ra tòa mà bị hành huyệt ngay bằng cái máy chém nầy đây! Ai chứa chấp Việt cộng cũng đều bị như vậy. Để chứng tỏ hữu hiệu lời nói của tôi mời đồng bào hãy coi đây làm gương. - Cai Tất bạnh khuôn mặt thịt, cất giọng sang sảng gằng gằng - Nào! Đao-phủ-thi-hành-đi-i-i-i!

Một người bị đưa lên máy chém. Trong số dân bị lùa vào coi xử tử hình có má Năm, mábỗng nhận ra người đó là chú Ba em chồng của mình, kêu trời lên rồi yếu tim ngất xỉu; chị em đứng cạnh đỡ lên, định dìu ra ngoài nhưng bị lính xô trở vào. Chú Ba là cán bộ Huyện đội, được phân công ở lại nằm vùng chỉ đạo phong trào. Bấy giờ chấp hành cực nghiêm nghị quyết của Đảng không được võ trang, kể cả dùng dao con chó diệt ác ôn cũng bị kỷ luật, cho nên cán bộ bị lính lùng, có súng vẫn cứ lận lưng quần mà chạy, để rồi bị bắt, bị dút đầu vô máy chém! Đau lòng lắm! Kịp nhìn thấy chị dâu mình té xỉu, cùng những ánh mắt đám đông bừng bừng đau thương, rực lửa căm hờn, chú Ba đứng thẳng dậy, long thần sắc nhìn khắp lược, dõng dạc hô lớn:

– Dũng cảm lên! Hỡi bà con! Hãy làm bão nổi! Bão đã nổ-ổi-ổi…! Đất bằng dậy só-ó-óng!… Hồ Chí Minh muôn năm!…

Quận trưởng mặt hầm hầm, dậm chân như đứng trên ổ kiến lửa, hét vang:

– Đút đầu thằng cha đó vô máy chém lẹ đi-i-i!

Cảnh diễn ra dã man rùng rợn. Tiếng lưỡi dao từ trên cao chạy xuống theo thanh sắt kêu ré-éc-éc-éc…nhụ một mũi nhọn đâmthẳng vào tim gan đồng bào làm ai nấy bụm mặt kêu rú lên hãi hùng! Má Nămxỉu lên xỉu xuống, nấc ngược từng cơn! Đám đông càng bát nháo. Thừa cơ, bà Sáu Quýt và bà Ba Tại dìu má Năm vượt ra vòng rào lính, đưa xuống ghe, chèo nhanh về nhà.           

Phi Hùng bấm máy ảnh vào ông chú, cảnh người bị chém, quang cảnh đồng bào bị xô đẩy…Bọn lính trông thấy anh chàng mặc thường phục, khóat ngoài áo sáu túi, tưởng nhà báo Sài Gòn xuống không dám làm khó dễ gì. Cuộc xử máy chém chưa dứt, nhưng Phi Hùng cảm thấy bất nhẫn, lên Vespa chạy lòng vòng rồi chạy thẳng theo đường lên Thơm. Đến ngang cây dầu đôi cổ thụ, bỗng nghe từ trong đình Hội Yên vang ra tiếng la rú hãi hùng, Phi Hùng dừng xe nhìn vào. Thấy mỗi gốc cột đình đều có người bị trói, có người đang bị đánh đập tàn nhẫn, anh ta dẫn xe vào và nhận ra tụi công an Ngô Quyền tra tấn Việt Cộng,họ bị đánh bằng cây trâm bầu ngập lút gai vào da thịt, máu tuôn ròng ròng; người thì bị lật nằm sấp, một tên ngồi trên lưng, một tên dựng hai chân người đó lên, cho một tên cầm cây dầu vuông đánh vào gan bàn chân; vừa đánh vừa đếm tới hằng trăm cây chưa thôi. Nhiều người ngất xỉu dội nước cho tỉnh lại để tra hỏi. Máu hòa trong nước đỏ lòm loang từ trong nền đình chảy ra lênh láng ngoài sân. Dù không phải thương yêu gì Việt Cộng, nhưng động lòng tình nhân loại, Phi Hùng buồn bã lắc đầu, chụp ảnh nhanh rồi quay ra, vừa khi bọn công an Ngô Quyền bước ra sừng sộ.

2

Nữa đêm, bảyNgón dẫn lính Tư Râu Xồm đi bao một căn chòi hiểm yếu trong cụm vườn rậm rạp, bắt hai anh em Ba Vàng, Tư Đỏ đem về đồn. Tư Râu Xồm trực tiếp hỏi cung ngay. Biết thóp Ba Vàng tánh tình hiền nhu nho nhã như gương mặt và vóc người, hắn giáng đòn tâm lý:

– Bắt hai anh emlà theo lịnh của xếp, chớ còn tôi cũng thừa biết Bí thư Chi bộ Hai Thành hiện đang được gia đình anh dung chứa. Tội nầy phát giác ra thì bị đưa lên máy chém. Nhưng nghĩ chỗ chòm xóm quen biết, tôi khuyên anh nên đem nộp Hai Thành, hoặc chỉ cần cho biết chỗ ổng ăn ở thì rồi hai anh em sẽ trở về nhà và gia đình bình yên, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Ba Vàng hơi yếu bóng vía, nhưng việc nầy là vận mạng sống còn của cả phong trào nên chẳng chút do dự, đáp cứng:

– Đó là ông đồn phó đặt điều. Còn gia đình tôi thiệt tình không biết gì về ông Hai Thành nào hết!

Tư Râu Xồm cười gằng, day sang ông em có bộ tướng kịch cợm, lầm lỳ, đang gầm bột mặt lạnh lùnh như sẵn sàng chống chọi mọi thử thách. Hắn hét lên thị uy:

– Còn thằng Tư Đỏ ? Hai anh em tên như màu cờ Việt Minh! Hai Thành hiện giờ đang ở đâu ?

– Tôi không biết!

– Không biết thì bị tra tấn đừng cótrách à nghen?

– Không biết nói không biết. Tra tấn cũng vô ích. - Tư  Đỏ bộc trực một cách ngạo mạn, bởi biết rằng vô tới đây thì chỉ có cắn răng chịu đòn.

Tư Râu Xồm vừa dọa vừa dụ, cuối cùng phải cho lính ra tay. Ba Vàng cùng Tư Đỏ một phen cắn răng chịu đòn rất cừ khôi. Sau khi tra trận đòn ác liệt vẫn không moi được gì về Hai Thành, đồn phó cho giam hai anh em Ba Vàng, Tư Đỏ trong phòng.

Sáng hôm sau, Tư Râu Xồm điểm lính tin cẩn đi bắt dânlàm khu trù mật Thành Thới do quận giao chỉ tiêu mỗi ngày. Cùng đi trong số người bị bắt, Hai Rô cố ý rà rê bên Út Hường rồi nắm tay cô lại, nói nhỏ:

– Đi làm khu trù mật chuyến nầy về, cha anh sẽ qua trầu rượu với má Năm…

  – Em đã nói rồi! - Út Hường cười mủm mỉm hồn nhiên, líu lo gần như hát - Nhà em có một vườn trầu…

– Anh nói thiệt tình, đừng có đùa! Chuyện trăm năm!

– Em mới mười tám! Lấy chồng sớm mắc cỡ chết! Con Lý, con Chanh cũng bằng tuổi em mà chua có gì. Tụi nó chộ, em chịu sao nổi?!

– Má anh bị đạn mất sớm. Ông già có một cây một trái. Cha già con muộn; giờ muốn có đứa cháu nội cho yên lòng theo ông theo bà!…

Út Hường chừng như xiêu lòng, lặng thinh một hồi rồi thụi nắm đấm vào bộ ngực rắn chắc của Hai Rô, chạy vọt lên cùng chị em.

Tư Râu Xồm đi sau theo dõi hai người, bấy giờ hất hàm ra hiệu cho tên lính đốc thúc dân làng đi nhanh lên. Còn hắn kè bên Hai Rô, giữ anh chậm lại, nói thì thầm gì đó đủ hai người nghe. Đến ngã ba, hắn dùng mũi súng tôm-xông điều khiển Hai Rô rẻ vào con đường dẫn về đồn. Nét mặt Hai Rô căng thẳng. Đôi mày rậm sụp xuống che gần hết cặp mắt đen lóng lánh vẻ dữ dằn tức tối! Đồn Phước Hiệp hiện ra bên bến nước. Qua cây cầu bắc bằng những tấm xi-măng đúc, anh liếc thấy một đống đá tảng bên rào kẽm gai sát bờ sông phía hông đồn. Anh dợm nhảy xuống sông, nhưng mũi súng tay đồn phó dã dí sát vào lưng. Hai Rô văng cộc cằn:

– Việc gì bắt tôi?

– Vào đồn rồi nói chuyện tử tế. Nhảy bậy bạ chết uổng mạng.

Vào đến đồn, Hai Rô bị trói ké, nhốt vào phòng giam, nhìn qua khe vách anh giật mình thấy hai anh em Ba Vàng, Tư Đỏ bị bắt êm hồi nào? Những cặp mắt long lên giao cảm nhau đầy lo âu và tiềm ẩn một năng lượng như sóng ngầm sôi sục.

Hờ cơ có mặt Bảy Ngón trong đồn, Tư Râu Xồm kêu vào phòng nói nhỏ:

– Bắt Hai Rô chỉ để mọi người biết là đi làm khu trù mật. Anh Bảy hiểu chớ? Kín miệng nghe hôn? Hở ra là sếp cạo mình sói đầu đó!

– Thì ra trẻ người mà già đời. Bắn một mũi tên trúng hai đích! - Bảy Ngón bỗng cảm thấy lo lo, bỏ nhỏ với đồn phó - Lỡ miệng hôm qua nói xếp quê quê…anh Tư  mình đừng học lại, tội nghiệp tôi nghen!

– Mấy thằng cha khôn nó biết che giấu bớt cái khôn mà làm ra vẻ khù khờ. Còn cái thứ hay làm tài khôn rốt cuộc mới là…là…

            3

Là người nhà quen thuộc, Phi Hùng vào văn phòng quận trưởng được lính công vụ mời nước rồi lui ra. Ngồi một mình nơi sa-lon, hắn trăn trở nhìn ngắm mấy tấm ảnh. Chợt ông chú quận trưởng bước vào, vừa ngồi đối diện liền hỏi:

– Về gặp chú làm việc, bộ tính triển lãm ảnh? Đâu đưa coi! - Xem ảnh nhưng chưa chú ý gì lắm, ông chú hỏi điều quan tâm - Về thị trấn có ghé thăm anh chị Hội đồng chưa? Anh Hai chị Hai có vẻ không muốn cháu về làm trưởng đồn ở cái vùng Việt Cộng nguy hiểm đó. Nếu cháu cũng…ngán thì chú sẽ đổi về quận làm việc văn phòng?

Phi Hùng hơi ngỡ ngàng, ngẩng lên:

– Dạ, đêm qua cháu về ngủ nhà. Đâu có nghe ba má cháu nói gì về chuyện nầy? Thôi, đấng mày râu như cháu vầy mà về ngồi cạo giấy ở văn phòng sao chú?

– Ngon! - Quận trưởng cười dài - Thằng nói nghe ngon! Vậy mới không phụ lòng chú đã xin cháu về từ thế lực quen thân ở xứ sở mình là đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ

– Hồi mới ra trường, họ bổ cháu về đơn vị sư đoàn. Hành quân mấy cuộc tiểu trừ Bình Xuyên. Lội rừng sác mệt! Cám ơn chú đã xin cháu về làm đồn trưởng…

Chợt ông chú chìa ra một bức ảnh, ngắt lời cái cụp:

– Đúng rồi! Dễ dầu gì kiếm chức trưởng đồn ở xứ vườn cây trái, gái đẹp thế nầy. Mới về mà mầy đã phát hiện ra một giai nhân tuyệt sắc như vầy thì giỏi thiệt! Rồi thì mê gái, quên mấtphận sự được giao là bắt Hai Thành, Bí thơ Chi bộ nguy hiểm?

– Thưa chú, có sá gì chỉ có một người lo trốn chui, trốn nhủi.

– Chà chà! - Cai Tất chìa ra tấm ảnh khác - Con ngựa non ơi! Mầy chụp cả ảnh tao với cái máy chém, hùnh hỗ trước dân chúng là có ý gì? Bộ muốn làm ký giả hả? Hay phản ứng chánh phủ?  Gần nhứt là “mạc-kê” chú ruột mầy?

Thấy ông chú nét mặt bỗng đỏ bừng, Phi Hùng xuống nước:

– Thưa chú! Con chụp chơi quen tật đómà! Ví…

– Ví sao?

– Thưa chú cho phép?

– Cứ nói!

– Con sợ… Ác giả,  ác báo!

Là người từng làm Cai tổng thời Pháp, giờ lên quận trưởng,  dân quen gọi kèm với tên là Cai Tất. Ông thừa bản lĩnh gạt qua tức giận thằng cháu: trứng muốn khôn hơn vịt, vừa xem lại kỹ từng bức ảnh, ôn tồn gợi mở:

– Những bức ảnh nói lên tư tưởng. Chú hùng hỗ với dân, sau lưng là cái máy chém và người bị chém bay đầu. Kể cũng ghê rợn thiệt! Còn đây là cảnh đánh đập ở đình Hội Yên nữa…

– Chú thử nghĩ… - Phi Hùng bị ông chú đưa vô cạm, càng thao thao bộc lộ ý tưởng - Lùa dân chúng bắt họ coi mình chém đầu bà con của họ bằng cái máy chém thời trung cổ mang nhản hiệu Hoa Kỳ, họ càng đau thương thù hận, chớ họ đâu có sợ. Ngược lại mình phải sợ dân chúng họ nuôi chí báo thù! Như hôm ông đại diện Xã Hoành điền chủ dựa thế chánh quyền, đòi lại đất đai hồi đó được Việt Minh cấp; dân họ biểu tình làm dữ. Bảo thi hành hiệp nghị Genève, Việt Minh đi tập kết miền Bắc còn có ngày trở về, chừng đó hai đằng nói với nhau. Cháu thiết nghĩ, chánh quyền trong tay mình, có quân đội chánh qui hùng mạnh thì nên xóa bỏ hận thù, thu phục nhân tâm, hòa hợp dân tộc. Ruộng đất là vấn đề sống còn của nông dân. Tại sao không để nguyên canh, nguyên cư? Phù hợp chánh sách hữu sản hóa nông dân? Lại phù hợp với hiệp định Genènve: hai năm tổng tuyển cử, nhứt định ông Diệm sẽ thắng thăm!

– Lập luận khá thông minh đấy! - Ông chú gật gù tán đồng - Quan trọng là chinh phục trái tim khối óc của dân chúng. Điều nầy chú đã biết cách đây nhiều năm trước khi về nhậm chức quận trưởng Mỏ Cày. Đó là về mặt lý thuyết. Tổng cục trưởng Tổng cục chiến tranh chánh trị trung tường Trần Văn Trung cũng từng giáo huấn như vậy. Ngài còn sáng tạo chiến thuật: “bàn tay sắt - bàn tay nhung” và vận dụng hữu hiệu nhiều nơi. Nhưng qua thực tế diễn ra nó không theo ý muốn của mình. Cháu hãy về cùng với tay đại diện Xã Hoành lo bình định dân Phước Hiệp và cái đồn của mình một thời gian nữa đi rồi thực tế sẽ cho cháu sáng con mắt. - Đưa trả lại xấp ảnh dụng ý để ảnh Út Hường lên trên, Cai Tất điểm huyệt thằng cháu - Có phải cháu đã phải lòng cô gái đẹp nầy và muốn lấy làm vợ, nên mới nghĩ ra cái thuyết: xóa bỏ hận thù, hòa hợp dân tộc?

Bị thấu cấy tâm lý, Phi Hùng cười gượng trông hiền hiền dễ thương, chống chế:

– Hành động thành tâm ấy mặc nhiên giống như quyền lợi thiết thực mà ta đem đến cho dân chúng; cũng như người cày có ruộng.

– Để rồi coi!…- Cai Tất buông lửng rồi tư lự nhìn phóng qua cửa sổ dõi theo từng giề lục bình trên sông Mỏ Cày nước ròng trôi ra sông Hàm Luông; có lẽ điều sắp nói ra khiến ông ta cân nhắc - Đời binh nghiệp sá gì hiểm nguy. Chú tiết lộ điều nầy để cháu cẩn thận. Năm ngoái ở xã Phước Hiệp có hai cảnh sát bị thủ tiêu; mặc dù luôn có gac-đờ-co bên cạnh. Một người trước bị đập đầu bằng bù-lon; vài tháng sau người kế nhiệm bị đâm chết tại giường ngủ. Cho nên anh chị Hai lo cho cháu cũng phải. Nhưng chú thì tin cháu. Ở cuộc đất ba xã hình ô-voan ấy, mặt ngoài giáp sông Hàm Luông, từ Vàm Nước Trong xuống đến sông Cái Quao đổ vô nối liền sông Mỏ Cày cho thấy mặt trong là sát bên thị trấn mình. Nhìn kìa. Đấy! Chỉ cách có con sông bề ngang non trăm thước. Đó là địa thế hiểm yếu cho Việt Cộng nằm vùng. Cái đồn của cháu là trung tâm, có vai trò quán xuyến cả vùng. Rõ chưa? Mấy tay trưởng đồn trước cháu cũng võ biền như Tư Râu Xồm; còn đại diện Xã Hoành thì chỉ lo quyền lợi. Có một mống Bí thơ Chi bộ Hai Thành màbắt hoài không được! Nên nhớ, cai trị dân sát sườn là cấp xã ấp, vẫn phải có trình độ văn võ song toàn. Mà xem ra trí tuệ vẫn là phần hơn. Thành công cũng như tự bảo vệ mình an toàn là sự khôn khéo và tinh thần cảnh giác cao. Chú tin tưởng cháu!…

Từ ác cảm hình ảnh ông chú với cái máy chém, chuyển sang tình cảm nể phục, Phi Hùng có phần phổng lỗ mũi nhổm dậy đứng nghiêm:

– Thưa chú! Cháu hứa chỉ trong nay mai sẽ bắt được Hai Thành!

Chợt có tiếng còi xe giật ngược. Quận trưởng nhìn ra sân thấy chiếc xe Huê Kỳ vừa dừng trước của dinh, giọng có vẻ lo:

– Phụ tá của Phủ Tổng thống xuống kiểm tra việc xây dựng khu trù mật Thành Thới, đã hẹn ngày Ngô tổng thống xuống cắt băng khánh thành! Thôi, cháu về; tới hôm đó chú kêu về dự.

4
Khuya vắng, bên bờ sông sát đồn Phước Hiệp. Dưới con mắt giám sát của Tư Râu Xồm, mấy tên lính xúm đè ngữa Hai Rô cho một tên bê hòn đá nặng dằn lên bụng rồi quấn dây buộc giáp vòng. Miệng bị nhét khăn, Hai Rô vùng vẫy trong tuyệt vọng! Bọn lính è ạch khiêng anh lên, lấy đà rồi đồng hè quăng mạnh xuống lòng sông.

Mặt nước “ùm” lên tiếng kêu thầm ngắn ngủi. Chỉ còn những ánh sao đáy nước vỡ ra, cộng hưởng ánh sao trời xôn xao lấp lánh hồi lâu theo vòng sóng loang rộng dần trên dòng sông mờ sương trong đêm đen.

Rừng dừa chợt ào cơn giông mưa xào xạc như có tiếng oan hồn thét gào…

Từ trong phòng giam, Tư Đỏ nhìn qua khe vách trông thấy Hai Rô bị neo đá, đau đớn không kêu được, tức tối đấm ngực bịch bịch! Trong khi Ba Vàng thở dài, ngồi gục đầu bó gối.

Tư Râu Xồm hằng nuôi tham vọng tâng công với xếp, vừa nghe Bảy Ngón chạy lên thì thào, hắn liền điểm quân, cho trùm áo mưa lặng thầm kéo đi…

Sao đầy trời phút chốc lặn mất hết. Cơn giông kéo mây đen trùm phủ đêm đen tối đen như mực. Mưa thu cuối mùa tuôn nặng hạt rào rào. Mưa rơi tầng lá trên giọt tiếp xuống nhiều tầng lá thấp, tạo nên âm điệu mưa trong vườn tạp thanh ồn ào lên dữ dội.

Hai Thành đội mưa từ sau vườn vào gõ ám hiệu cửa hậu nhà má Năm. Cửa vừa hé, Hai Thành lách mình vào chưa khỏi liền bị hai bàn tay má Năm “đỡ ngực” khựng lại. Giọng má thì thào phả hơi ấm vào tai anh:

– Lính rình! Hôi ổ rồi! Đừng tới lui nhà nầy nữa. Cơm vắt đây. Trở ra liền đi! Hai anh em thằng Ba Vàng bị bắt! Chú Ba nó bị lên máy chém! Tại không cho “võ trang” nên chúng nó lừng lắm! Thôi đi lẹ đi con!

Cắn chặt hai hàm răng kềm cơn đánh bò cạp lạnh run, Hai Thành nghe lòng đau như cắt, lủi nhanh vào khu vườn rậm thâm u…

Trở vào, lắng nghe động tĩnh, biết lính còn rình, má Năm lặng lẽ ngồi têm trầu nhai thầm. Cố kềm mà nước mắt cứ tuôn ròng ròng. Thương Hai Thành dầm mưa lạnh lẽo biết chừng nào! Phần thương hai con bị tra tấn trên đồn. Nhớ chú Ba nó bị lên máy chém, vận động bà con đấu tranh xin xác về chôn không được; chắc là tụi nó đã quăng xác xuống sông Hàm Luông như trước đây từng giết êm thả sông nhiều người; thây trôi tấp vô miệng đáy đến đổi khiến ngư dân phải bỏ nghề! Nghĩ đến chú Ba nó mất đầu chết thảm, càng thêm nhớ ba sắp nhỏ bị biệt kích mổ bụng moi gan, đem vô nhà, bắt con gái xào cho chúng nhậu rượu, con Út Hường xỉu lên xỉu xuống! Chừng lính về, mẹ con thắp đuốc đi tìm, khiêng thi thể đầm đìa máu me về chôn!…Lau nước mắt hoài không ráo, má Năm lên giường nằm, gát tay lên trán nghe mưa. Mưa ào ạt ngoài vườn, mưa lộp độp trên mái nhà, âm điệu mưa hòa phối nặng trĩu tưởng chừng như bầu trời trút cả bầu tâm sự xuống ngôi nhà lá nhỏ nhoi của má.

Chợt tiếng động ngoài hè. Tiếng giày lính rậm rật bao nhà. Cửa trước bị đạp bung. Anh đèn pin quét ngang quét dọc. Tư Râu Xồm cùng Bảy Ngón xọc vào.

– Hai Thành về giấu đâu? - Tư Râu Xồm nạt - Con bà, thằng Ba Vàng đã khai rồi!

– Không biết Hai Thành nào hết! - Má Năm đáp tĩnh tuồng.

– Chỉ có “bóp lòi” cái nhà nầy là ra Hai Thành. Lục xét, xôm hầm tụi bây!

Vừa ra lịnh, Tư Râu Xồm xông vào buồng tốc mền Út Hường. Cô bật dậyla làng:

– Bớ làng xóm làng xóm ơ-ơ-ơi! Đang đêm lính đồn xuống vô mùng con gái dở trò bậy bạ! Bớ làng xóm ơi!…

– Xưa quá! - Tư Râu Xồm cười khục khục rung cả râu - Thời buổi nầy la kiểu đó chỉ có rách họng thôi! Mà thôi nín! La rùm động ổ hết còn khỉ gì! - Hắn nạt xối lấy oai rồi trở ra. Một lúc lính báo lục xét xôm hầm không thấy gì, hắn lừ mắt với Bảy Ngón, lầm bầm - Sao báo giờ không có? - rồi ra hiệu kéo đi.

Tiếng giày rậm rật chen cùng tiếng chó sủa nghẹn ngang. Đến nghe hơi lính, chó cũng không dám sủa. Những ánh đèn pin quét trong mưa, chiếu lên từng cửa nhà đóng kín nổi tấm bảng sơn vàng chữ đỏ: “Nhà tôi không chứa Việt Cộng”.

Chương : 1    2   3    4    5   
Thanh Giang
Số lần đọc: 1466
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh