Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
816
116.678.113
 
Cái Mơn - Có một mùa xuân về
Thanh Giang

Buổi sáng tháng Chạp. Gió chướng mang thông điệp Tết reo xôn xao vòm lá lấp lánh nắng mới. Trên con đường vườn men ven sông Cổ Chiên, chị Ba đi cùng Hai Minh - Bí thư Huyện ủy huyện Minh Tân từ Hưng Khánh Trung đạp lên Vĩnh Thành. (Vùng đất liên xã, trước liên huyện, nay sát nhập một số xã Bắc Mỏ Cày vào huyện Chợ Lách lập huyện mới mang tên "chiến thuật": Minh Tân). Đang đi, chợt mùi thơm nức mũi níu chị Ba chậm chân, nhìn vào khu vườn sầu riêng đơm trái chen chúc oằn nặng cành! Đối với chị sinh trưởng ở Lương Hòa - Giồng Trôm cũng là miệt vườn cây trái thì đâu có lạ gì; nhưng đến đây: xứ sở của cây trái, hoa kiểng nổi tiếng, mỹ cảm thưởng thức bấy lâu lăn vùi trong chinh chiến chợt bừng dậy. Giữa không gian ngào ngạt hương hoa trái chan hòa tiếng chim líu lo, khiến cho lòng bâng khuâng hoài cảm thời tuổi thơ thanh bình...

 

Hai Minh khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, người cao ráo, bặt thiệp, khả ái, bắt gặp nụ cười đôn hậu sáng cả gương mặt chị Ba, anh cảm thấy Phó Bí thư Tỉnh ủy như chị hiền gần gũi, gợi chuyện thân tình:

 

- Sau những ngày Đồng Khởi căng thẳng, giờ đây hồn muốn bay lên, hả chị Ba! Có chị lên với cái huyện chót mũi cù lao Minh lâu năm mới thấy "mặt trời" Tỉnh ủy, tụi em nghe ấm lưng quá chừng!

 

- Trách khéo ghê ha! - Chị Ba cười hiền - Thì ra nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Lao, sang làm Bí thư Huyện ủy, cậu Minh vẫn còn thanh  niên tính lắm! Tôi cũng cám ơn cậu nhốt "con thỏ" lại để đưa tôi đi. Làm cho tôi lên đây gợi nhớ hồi ở quê nghe mấy nhỏ hát đưa em có câu:

 

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

 

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc thơm Mỏ Cày...

 

- Hồi đó nghe xứ nào cũng lạ mà đáng yêu, hằng mơ không biết bao giờ được đến! Chừng đi kháng chiến, năm bốn sáu vượt biển, tôi hân hạnh đến tại chỗ ăn nghêu Cồn Lợi; rồi nhiều năm ăn chịu với Mỏ Cày, đâu biết hút thuốc mà biết thơm, nhưng có giúp dân trồng thuốc giồng Mỏ Cày; nơi ấy tôi cũng từng hụt chết với Ba Cầu. Còn: Sầu riêng măng cụt Cái Mơn, câu hát giờ đây thành hiện thực với tôi rồi!

 

- Một chút nữa sẽ đãi chị Ba ăn mệt nghỉ - Hai Minh mau mắn - Báo cáo chị Ba yên tâm! Hôm anh Ba Đào tăng cường cho Minh Tân một tiểu đội với bảy súng, tôi phân công đến Vĩnh Thành, đã đột nhập võ trang tuyên truyền tại khu công giáo Cái Mơn, một họ đạo lâu đời nhất ở đây, giáo dân tỏ ra hiểu biết, ủng hộ cách mạng, giúp ta lùng bắt ác ôn, có một người hồi chín năm được cấp đất, cho con em tham gia vô dân quân và cùng đội võ trang phát triển lên thị trấn Chợ Lách. Sau đó phân tán phối hợp du kích các xã đột sâu lên Phú Phụng, gây cho binh sĩ địch hoang mang. Một số đồn dân vệ các xã và lộ 30 từ Ba Vát lên Cái Mơn, tuy không bằng hồi năm 1954 bị ta san bằng, nhưng hiện thời một số bị bứt rút, bứt hàng, một số hoảng chạy về chi khu Chợ Lách cố thủ. Bọn tề điệp ác ôn cũng chạy trốn vào thị trấn; số còn lại đã ra gặp mình, hoặc viết thư hứa hẹn hối cải, lo làm ăn lương thiện...

 

Vừa lúc đi qua cây cầu lót ván ngang có lan can cho trẻ con, chị Ba trầm trồ:

 

- Miệt nầy cây cầu cũng văn minh so với cầu khỉ tạm bợ miệt dưới mình.

 

Cầu bắc qua con rạch thông ra sông Cổ Chiên, đang có mấy chiếc ghe thương lái vào cặp bến; bỗng chốc người ra rộn rịp chuyển những hoa kiểng cùng cây giống xuống ghe. Đang trong không khí đồng khởi mà ở đây sinh hoạt vẫn bình thường, chị Ba thú vị dừng lại nhìn. Hai Minh gốc dân Chợ Lách, đầu kháng chiến chống Pháp còn là học sinh trường Phan Thanh Giản - Bến Tre, đóng vai chủ nhân, thuyết minh:

 

- Ngoài hoa trái, cây kiểng, còn có cây giống như: cam, quít, sapôchê, sầu riêng, măng cụt... cũng là đặc sản nổi tiếng của xứ nầy tỏa đi lập vườn mọi miền gần xa.

 

- Cái Mơn nằm trong xã Vĩnh Thành?

 

- Dạ đúng! - Hai Minh nhân đà cảm hứng - Cái Mơn còn là quê hương của học giả lỗi lạc Trương Vĩnh Ký! Bến Tre mình cũng đáng tự hào là đất "Địa linh - Nhân kiệt". Bên Bảo có những danh nhân như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị...; bên Minh có Trương Vĩnh Ký... Rất tiếc Trương Vĩnh Ký có thời gian làm việc cho Pháp. Hồi em còn đi học, có đọc một số bài thơ của các cụ xưa trách Trương Vĩnh Ký theo Tây. Mà cả người đương thời có học vị cũng trách cứ ông...

 

Nghe đến đây chị Ba trầm lặng, ngậm ngùi! Nhớ hồi nhỏ chị từng đọc cho má nghe: truyện Tàu, thơ Lục Vân Tiên, Gia huấn ca... và cả Kiều nữa, cũng thuộc tên tác giả, tên người dịch, hoặc biên soạn... Chị nhớ nhiều nhất là của Trương Vĩnh Ký. Nhưng chỉ nhớ một cái tên vậy thôi. Đến chừng chung sống cùng anh Ba Bích, từng kể chuyện về các bậc tiền bối danh nhân hào kiệt của Bến Tre, anh đàm luận nhiều về Trương Vĩnh Ký... Giờ nghe Hai Minh nói tới con người tài hoa nhiều cống hiến giá trị mà lúc xuống mồ vẫn còn cam chịu nhiều tai tiếng, chị càng xúc động thương ông! Nền nhà xưa nơi ông sinh ra hiện tọa lạc tại Cái Mơn đây. Nghĩ chưa tiện lúc đến viếng, chị Ba theo quan điểm của chồng là một nhà cách mạng, một nhà giáo bằng tú tài, trao đổi với Hai Minh:

 

- Ba thằng On hồi sinh thời có kể một học giả Pháp đánh giá Trương Vĩnh Ký là: "một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho chí ở nước Trung Hoa hiện đại nữa"(1) . Đó là bao hàm công lớn của ông về Văn hóa. Cậu Minh cũng thừa biết, riêng những cuốn thơ văn truyền bá chữ quốc ngữ, phổ biến sâu rộng trong dân gian cũng đủ chứng tỏ cống hiến công phu cả đời của Trương Vĩnh Ký... Đời ông sớm mồ côi cha, nhờ một cố đạo Pháp phát hiện chú bé Ký rất thông minh bỏ công nuôi dưỡng, rồi gởi cho học trường nầy trường kia, nên khi thành đạt lẽ nào vong ân. Mà đạo lý người Việt Nam là ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Ông ra làm Giám đốc trường Sư phạm và giáo sư các trường khác vẫn là trong lãnh vực văn hóa... tất cả chừng vài ba năm. Ngoài ra, ông làm ở Viện cơ mật cho triều đình Huế: tám tháng; làm thông ngôn cho phái đoàn đi Pháp do Phan Thanh Giản cầm đầu cũng có tám tháng... Khi nhân cách phán xét đâu là công đâu là tội, ông qui điền, chuyên tâm những công trình văn hóa như mọi người đều biết. Cứ nghiệm một lẽ: nếu ông đan tâm phản quốc cầu vinh thì tại sao không hề vun quén, để cuối đời ông phải sống một cuộc sống nghèo khổ túng thiếu?

 

- Em cũng phù hợp tình cảm như chị Ba quá! - Hai Minh tiếp lời - Đúng ông là một con người nhân cách lớn, chị Ba ạ! Không phải hãnh diện ông là người quê hương mình mà tán tụng. Em còn thuộc bài thơ Tuyệt mệnh của ông, mà mỗi lần nhớ lại cứ rưng rưng nước mắt! Chẳng hạn ông tự mỉa mai học vị và công danh nghe mà giựt mình:

 

Học thức giữ tên: con mọt sách

 

Công danh rốt cuộc: cái quan tài!

 

Còn hai câu cuối ông tự phẩm bình rất trung thực khách quan, đọc muốn khóc!

 

Cuốn sổ bình sinh công với tội

 

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai!

 

Một thái độ nghiêm khắc, dũng cảm thọ lãnh, không né tránh thật đáng khâm phục và cũng ẩn chứa đầy tâm trạng khiến cho hậu thế phải ngậm ngùi tiếc thương!...

 

Đến đây Hai Minh dừng lời để đưa chị Ba vào một ngôi nhà kê tán ba gian có vuông sân rộng, bày trí điệu nghệ nhiều chậu kiểng cổ thụ quí giá cùng với vườn cây trái bao quanh trông trù phú mà bình dị, thấy đâu cũng ưa nhìn, càng gợi chị Ba liên hệ những năm tháng ròng rày đây mai đó, "chuyên môn" đạm bạc nhà dân, chị hầu như chưa dám mơ một ngày nào đó cũng được có căn nhà riêng! Đây là nhà một cơ sở giáo dân có truyền thống cách mạng từ chống Pháp, hiện có con đi tập kết miền Bắc, sở dĩ được ở yên là có thằng em của đứa đi tập kết làm sĩ quan trong quân đội cộng hòa. Loại gia đình nầy không phải hiếm ở miền Nam từ sau hiệp định Genèvơ năm 1954, được mệnh danh là: "gia đình hai chân", hoặc "gia đình đau khổ". Hai cụm từ tự thân mang hồn đau bi kịch! Chủ nhà niềm nở chào hỏi khách lạ, rồi lịch sự lánh mặt để Bí thư Chi bộ xã làm việc. Tất nhiên vẫn cho con gái tách sầu riêng và dọn trái cây ngon bưng lên mời.

 

Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Thành cũng trẻ cỡ Hai Minh, khi được giới thiệu chị Ba cùng chức vụ, mặt anh sáng rỡ, cung kính hai tay và cũng giọng điệu trách yêu như Hai Minh: gọi "mặt trời Tỉnh ủy" làm chị Ba càng áy náy trách nhiệm cán bộ cấp tỉnh nói chung lâu nay thường ngại đến vùng găng, vùng yếu. Không khí cuộc gặp ba cấp ở nhà một giáo dân diễn ra thân tình và bình yên khi có các trạm dân quân canh gác. Chị Ba thưởng thức trái cây gọi là chớ có phải thèm khát gì đâu mà ăn mệt nghỉ. Chăm chú lắng nghe dân tình, địch tình, những đặc điểm riêng của xã, chị Ba nêu vài nhận xét, có tính cách chỉ đạo:

 

- Qua nghe và thấy trên đoạn đường, tôi mừng sự triển khai đồng khởi của Minh Tân thu thắng lợi, ổn định làm ăn sinh sống cho dân; phát triển đội võ trang của huyện và đội du kích một số xã. Nhưng xem ra các đoàn thể chánh trị chưa được chú trọng đúng mức. Tới đây địch sẽ đối phó mạnh đó! Lực lượng võ trang mới nhen có một nhúm ăn thua gì so với hệ thống tổ chức quân sự hoàn chỉnh của địch. Cho nên vẫn phải kiên trì thế hợp pháp đấu tranh chánh trị của quần chúng, đặc biệt với giáo dân, gia đình binh sĩ, phải khéo tranh thủ là tạo được thế mạnh. Nên nhớ võ trang phải hỗ trợ, phục vụ đấu tranh chánh trị; phải tự tạo, tự thu vũ khí chớ đừng trông chi viện. Tôi thấy các đồng chí chưa chuẩn bị đối phó địch phản công? Chưa thấy làm xã chiến đấu, chưa nghe nói phát triển lực lượng binh vận thế nào?

 

- Báo cáo chị Ba! - Bí thư Vĩnh Thành bộc trực đáng yêu - Ở đây vườn cây trái liên hoàn, làm xã chiến đấu đụng chạm tài sản của dân!

 

- Thưa chị Ba! - Hai Minh lên tiếng - Hôm anh Hai Hà lên có nhắc vấn đề nầy, rồi ảnh được kêu về cũng chưa kịp chỉ đạo cho cặn kẽ.

 

- Bây nhiêu cũng đủ thấy là... ỷ lại rồi! - Chị Ba nghiêm mặt mà giọng điệu vẫn thân tình - Chuyện vậy mà cũng chờ chỉ đạo sao? Vậy chớ có tự động dán Bản quân lịnh trong thị trấn và các nơi khác? - Hai Minh đáp có, chị Ba hỏi tiếp - Có sơn cờ đỏ ngôi sao xanh chưa? Kẻ khẩu hiệu bằng sơn chưa?

 

- Báo cáo chưa! Chưa được chỉ đạo không biết sơn cờ ở đâu, viết nội dung gì?

 

- Chỉ riêng vẽ cờ, kẻ khẩu hiệu cũng là một hình thức xã chiến đấu. Đó là biểu hiện sự có mặt mọi nơi của cách mạng. Còn nội dung như mục đích yêu cầu của đồng khởi rút gọn lại. Nhớ là vẽ những công cộng, tránh vẽ vô cửa nhà giáo dân. Ngoài ra làm trận địa giả, đào hầm chông giả rồi cặm bảng tử địa lên. Đương nhiên là được phép chủ vườn và mách nước cho họ hù dọa, tác động binh lính.

 

- Thưa chị Ba, vậy thì dễ quá! - Bí thư Chi bộ hớn hở.

 

Chị Ba day qua với Hai Minh:

 

- Sẵn đây tôi nói luôn để có ý thức phối hợp. Tỉnh ủy chủ trương tổ chức thêm ba Ban nữa mới đáp ứng kịp tình hình. Đó là Ban Quân báo, Ban Quân giới và Ban Giao bưu vận. Riêng Giao bưu vận coi như "con đường thiết giáp", nối hệ thống liên hoàn lên Khu, lên Miền đến tận xã ấp; không những đưa rước cán bộ như trước nay mà còn vận chuyển nhiều thứ... Hai Hà về đang lo tổ chức mấy Ban đó. Về Binh vận có Phó ban là Trần Văn thay Hai Hà được quyết định Khu ủy rút về trên. Hai Minh sẽ liên hệ với Trần Văn để nắm thêm về công tác binh, địch vận...

 

Nắng mưa. Gió chướng rong mát lừng cả miệt vườn bình yên. Nếu như không bất chợt tiếng súng nổ rộ lên thì tưởng đâu đất nầy chưa hề diễn ra chiến tranh và cuộc đầu tư trí tuệ mưu lược đánh giặc của ba người ngồi đây trở thành như vô nghĩa.

 

- Có lẽ tụi bảo an Chợ Lách nống ra thăm dò. - Bí thư Chi bộ phán đoán - Nhưng đây lên Lách thì còn cách xã Tân Thiềng và Hòa Nghĩa.

 

Bí chư Chi bộ vừa dứt lời thì Hai Minh đề nghị đưa chị Ba về, chị cười:

 

- Tỉnh ủy từng bám trụ Bình Khánh, Phước Hiệp cách thị trấn Mỏ Cày có con sông, đúng hơn là con rạch chừng năm chục mét. Tất nhiên vấn đề không nhứt thiết là cự ly xa gần; chủ yếu là cái thế dân tình và địa hình.

 

Vừa lúc một thanh niên đạp xe về báo: Tân Thiềng chuyền tin: một đại đội bảo an Chợ Lách nống ra thăm dò, đụng đội võ trang của huyện và tự vệ xã Hòa Nghĩa nổ súng, đã rút lui. Hai Minh nghe vậy tỏ ra yên tâm, thôi đòi đưa chị Ba về.

 

Bấy giờ chủ nhà đã dọn cơm. Chị Ba không thể phụ lòng, và bày tỏ niềm cảm thông mình cũng có thằng con trai một đi tập kết miền Bắc. Trong câu chuyện đồng điệu với chủ nhà, chị Ba càng dậy lên nỗi nhớ con da diết. Hồi con mới sanh vừa ba ngày, anh Ba bị bắt; đó là vào cuối năm 1939. Tính ra năm nay On cũng đã hơn hai mươi tuổi rồi! Học trường học sinh miền Nam, không biết học hành, sức khỏe ra sao mà chẳng có thơ từ gì cho má! Nghĩ vậy mà rồi mắt rưng rưng...

 

------------------------------------------------------------------------

(1) J.Bouchot: Pétrus Ký, un savant et un patriote Cochinchinois.

(2) Rút trong chương XV tiểu thuyết Sông Hàm Luông của THANH GIANG

Thanh Giang
Số lần đọc: 2535
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích