Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
826
116.633.467
 
Dấu ấn Đồng Quê
Trịnh Thắng
Chương 7

Hoài cảm

Đàn vịt đã lớn khôn, lanh lợi hơn nhiều. Mỗi chú đều có một đặc điểm riêng. Thỉnh thoảng vào những dịp mang cơm cho tôi ăn, bố cùng tôi ngồi ngắm vịt, nhận xét về đặc điểm của từng chú và đặt tên cho những chú vịt có phong cách nổi bật nhất. Nào là át Chủ Bài vì chú to khoẻ, nhanh nhẹn và xông xáo nhất đàn. Nào là chị Cà Kheo vì chị vịt này đi theo cách người ta gọi là cà nhắc. Nào là anh Thọt có một chân bị liệt ngay từ lúc mới sinh. Chú đen tuyền, bóng nhãy được tôi đặt tên là Bắc Kinh. Chị đỏ au được gọi là Cò Lửa. Những cái tên đó dần dần trở nên quen thuộc và là đề tài thảo luận sôi nổi của bố con tôi mỗi khi gặp nhau. ấn tượng nhất là át Chủ Bài. Nó là linh hồn của đàn. Bao giờ nó cũng đi đầu, xông xáo và táo tợn. Nó thường khám phá ra những chỗ có nhiều thóc và cá. Cũng vì thế nó thường là con đầu tiên được nếm mùi những thức ăn nó khám phá được. Nhiều lần nó tìm được ổ cá trong ruộng lúa vừa gặt. Mồm nó ngậm một con cá to (lúc thì là con giếc, khi là con rô, có khi lại là con trê) giơ lên vẫy vẫy báo hiệu cho đồng đội về một ổ cá béo bở. Khi nó vừa nuốt con cá vào dều thì cả đàn lập tức lao tới, lùng sục rào rào hòng bắt đến con cá cuối cùng.

Tôi quan sát từng chú vịt, căng thẳng chờ đợi chúng bắt mồi. Ah, Bắc Kinh đã bắt được con giếc. Cò Lửa bắt được con rô rồi. Song có lẽ niềm mong đợi lớn nhất tôi giành cho chú Thọt (vì chú yếu ớt và kém lanh lợi nhất trong đàn). Mỗi khi chú được con mồi, tôi đều vỗ rung nhẹ cờ lá chuối vào đầu chú động viên. Tôi thường lấy số lượng con mồi mà chú bắt được để đánh giá lượng thức ăn trong ổ cá. Chẳng hạn như hôm nào chú Thọt bắt được từ 4-5 con mồi, thậm chí nhiều hơn nữa tức là ổ cá rất phong phú và cả đàn sẽ được bữa no say. Còn nếu chú Thọt bắt được dưới 3 con mồi tức là ổ cá không nhiều lắm. Như vậy sẽ cần cho đàn vịt đi tìm một ổ cá khác. Thông thường chỉ sau lần càn quét thứ hai, cả đàn sẽ no nê. Nhiều hôm chú Thọt chẳng bắt được con nào. Tôi thương chú nên phải đích thân đi bắt cá cho chú ăn thêm. Khi cả đàn no say, tôi mặc át Chủ Bài đi tìm chỗ cho đồng bọn tắm. Các chú tha hồ khạc nhổ ra những chất cặn bã đã trót nuốt vào bụng, tha hồ làm sạch, chải chuốt bộ lông trước khi đánh một giấc ngủ ngon lành.

Thích nhất là những giây phút được ngắm đàn vịt lăn ra ngủ sau những bữa đánh chén no nê. Chúng lăn ve ra nền đất. Con thì gật gù như chưa thật say. Con thì say quá, để cả gương mặt ngây ngô tì xuống đất. Con thì thật vô ý, dạng cả hai chân ra giơ lên trời để lộ cả chỗ kín đáo nhất. Có con chẳng thích ngủ trên đất mà lại rúc đầu vào cánh, cứ thế thả mình trong nước, mặc cho gió đưa đi lềnh bềnh. Những chú như vậy thường ít được ngủ ngon, cứ chừng vài phút lại giật mình bừng tỉnh vì dòng nước đưa các chú quá xa bờ. Các chú không còn ngửi thấy mùi thơm của đồng đội nên thức giấc. Khua khoắng đôi chân một lúc, các chú áp sát bờ rồi lại gieo mình trong giấc ngủ phập phồng. Có hôm, át Chủ Bài vô tình chọn phải chỗ có nhiều kiến càng (một loại kiến đen to, hay sống trong các bụi cỏ gừng). Cả bọn bị kiến tấn công. Cứ ngửi thấy mùi tanh, kiến ta lao vào đốt. Giấc ngủ quá say, các chú vịt không tỉnh hẳn mà chỉ giật mình, cọ gãi để xua lũ kiến đang chen chúc lao lên bâu bám, cắn đốt vào mặt mũi.

Tình cảm của tôi giành cho đàn vịt ngày một sâu nặng. Nhưng càng sâu nặng thì tôi càng đau đớn khi đến một ngày phải chứng kiến cảnh đàn vịt tan đàn. Vào một ngày nắng đẹp, không cho tôi biết trước, bố dẫn một ông khách lạ đến thẳng đàn vịt đang say giấc ngoài đồng. Ông khách chỉ tay vào át Chủ Bài, vật nài với bố: “anh để em con này”. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra. Bố đã đồng ý bán cho người ta chú vịt đầu đàn để họ làm thịt. Vậy là từ nay sẽ chẳng được ngắm nghía và vui với chú nữa. Bố ngồi xuống, thật nhẹ nhàng, đưa tay vẫy nhẹ mấy ngón và gọi “cúc cúc.. cúc cúc”. Không ý thức được mối nguy hiểm đang cập kề, át Chủ Bài xông xáo lao tới rúc cái mỏ nâu óng, tươi rói vào lòng bàn tay bố. Chú đang định đùa với bố giống như tôi vẫn làm với chú vậy. Nhưng lần này thì khác. Bố vuốt ve đầu chú một lúc bằng những động tác thân thương nhất mà bố có thể làm. Chắc trong lòng, bố cũng thương con át chủ bài lắm. Xong bố không thể làm khác được. Bố dùng bàn tay chai sạm ấn lên lưng chú, ghì chú xuống mặt đất. Tay kia tóm gọn đôi chân chú. Chưa ai từng làm vậy với chú cả. Chẳng ai từng tóm vào chân chú cả. Từ hồi sống với tôi, tôi luôn tạo mọi cơ hội để đôi chân chú được vẫy vùng. Nên khi bố tôi tóm vào chân chú, chú lập tức biết được đang có chuyện gì không ổn. Chú ra sức giãy đạp trong vô vọng. Hai tay của bố cứng như hai gọng kìm siết chặt lấy chân chú và trói lại bằng một đoạn giây chuối hột mang theo.

Chẳng cân kẹo gì hết, ông khách ước tính con vịt nặng chừng 2 cân rưỡi nhưng bố lại bảo phải 2 cân bảy không hơn không kém. Bố còn đề nghị ông khách dùng cân để tính tiền nếu không chấp nhận mức cân ấy. ông khách này chắc cũng thuộc loại cáo già nhưng biết không thể nào chơi lại với bố nên đành chấp nhận 2 cân bảy, trả tiền đi thẳng. Bố nán lại an ủi tôi vì biết tôi đang đau đớn đến nhường nào. Bố ngồi xuống bên tôi, không nói câu gì cả, đưa tay xoa đầu rồi lưng tôi, rồi bàn tay tôi nữa. Bố thấu hiểu những nhọc nhằn của tôi với đàn vịt. Bố hiểu được tình yêu sâu sắc của tôi với con át Chủ Bài. Bố hiểu được chú là một phần cuộc sống của tôi nơi đồng quê vắng vẻ. Bố hiểu được át Chủ Bài là niềm tự hào của tôi từ những lần nói chuyện với tôi về nó. Vuốt ve tôi hồi lâu như để chia sẻ với tôi nỗi đau, bố an ủi: “Thôi con ạ. Đã đến lúc bố con mình phải bán đàn vịt để lấy tiền trang trải. Bố nhất định sẽ mua cho con một đàn vịt khác thật đẹp. Con sẽ có một con át chủ bài đẹp hơn, thông minh hơn…”

Thà bố đừng nói những lời như vậy còn hơn. Trong lòng, tôi chỉ muốn nói: “Bố ơi. Con xin bố. Bố đừng nói nữa. Con đang mất đi một người bạn thân nhất…” Nước mắt tôi trào ra, đầm đìa khuôn mặt ngây thơ nhưng sạm nắng của đứa trẻ chưa đầy sáu tuổi. Tôi bật khóc. Tiếng khóc thật to, thật lâu để nỗi đau trong tôi có thể được giải toả. Bố ngồi lặng như trời trồng, không nói gì hết. Chắc bố cũng muốn tôi khóc thật to cho vơi đi nỗi buồn mất bạn…

Từ ngày mất con át Chủ Bài, đàn vịt nháo nhác hẳn. Linh hồn của đàn không còn nữa. Chúng không thể tìm được người thứ hai lên thay thế cho át Chủ Bài. Từ nay, chúng không còn át Chủ Bài để xông xáo tìm kiếm thức ăn cho chúng, không còn át Chủ Bài để tìm nơi tắm rửa cho chúng nữa. Thay vì thế, chính tôi phải tự thân đi tìm ổ cá và chỗ tắm rửa cho đàn vịt. Nhưng bao nhiêu tôi làm không thể nào bù đắp được cho sự trống vắng trong lòng mỗi chú vịt. Cả lũ luôn nháo nhác trước bất cứ tiếng động nào mà chúng nghe được, với bất cứ con vật gì bay ngang hay chạy qua. Nhưng thứ mà chúng sợ nhất kể từ ngày át Chủ Bài bị người ta đem đi là bóng người qua lại. Hễ cứ nhìn thấy bóng ai đi qua, cả đàn lại xúm lại, xô đạp lên nhau và cùng nhau kêu toáng lên “Quoạc, quoạc” inh ỏi cánh đồng. Chẳng con nào trong đàn chú tâm đến ăn uống. Những đôi mắt đen óng, ngây thơ ngày nào của lũ vịt giờ đây chuyển thành màu nâu đục, khờ khạo. Chắc chúng cũng đau đớn và buồn bã giống tôi. Nhưng hơn thế, chúng đang đêm ngày lo lắng vì một ngày không xa sẽ đến lân chúng bị người ta bắt đi và làm thịt. Độ 2-3 ngày như vậy, đàn vịt “xuống mã” nghiêm trọng. Bố bảo đó là dấu hiệu tan đàn. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, các con vịt sẽ gầy đi, bán sẽ rất mất giá.

Bố đưa ra quyết định cuối cùng về việc bán cả đàn vịt. Tôi cũng không muốn chứng kiến cảnh đàn vịt phải sống trong sợ hãi và đau buồn vì mất bạn như vậy. Thôi thà người ta cứ đến đem cả đàn vịt đi để chúng được giải thoát và để rút ngắn thời gian đau khổ cho tôi.

Rồi bố gọi người đến bán vịt. Hai người đàn ông với vẻ mặt ranh mãnh đen nhẻm để lộ ra những chiếc ranh khểnh mà tôi thường gọi là răng “chín sáu ba không” nửa đen nửa trắng nom đến thô thiển. Họ khoác lệch lạc trên mình những bộ quần áo nửa tỉnh nửa quê màu sắc đủ loại cùng những cặp kính đen nham hiểm. Những điếu thuốc lá cuộn màu cháo lòng đang không ngừng đỏ lòm nhả khói từ miệng hai người đàn ông càng làm cho họ trở nên đáng ghét hơn bao giờ hết. Họ dựng hai chiếc xe cá ươn vào lề đường, buộc lại cho chặt những chiếc lồ đựng vịt gắn sau xe và giục bố tôi đi bắt vịt. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy đàn vịt xao xác đến vậy. Khi bố vừa bước chân xuống ruộng, cả đàn chạy xốn xác, kêu loạn xạ đến mức khản cả tiếng. Tôi còn nhớ rằng tiếng “quoang quoác” bình thường của đàn vịt mỗi khi thấy bóng người giờ đây thay bằng những tiếng khản đặc “khạc.. khạc…khạc khạc”. Bố phải nhoài người lao theo đàn vịt. Mỗi lần bố lao mình về phía trước và tung tay ra là một lần bố bắt được một hai chú. Không thể chứng kiến thêm cảnh tượng ấy một giây nào nữa, tôi bỏ chạy thục mạng về phía cuối cánh đồng nơi có một chiếc cống nhỏ và nằm lăn ra đó, cầu mong cho đàn vịt không bị đau đớn. Tôi mong cơn ác mộng này qua thật nhanh để chúng được siêu thoát nơi suối vàng. Lúc đó tôi nhớ lại lời bà và mẹ thường nói trước khi giết một con gà hay một con vịt là “Hoá kiếp cho mày thành kiếp khác”. Thế là tôi chỉ ước cho người ta bắt về hoá kiếp cho chúng thật nhanh để chúng không còn phải khổ.

Bất giác bố gọi vang trời “Tung ơi…. Tung ơi….” Vừa gọi, bố vừa đưa mắt nhìn bốn phía. Thấy tôi đang ngồi ủ rũ trên cống, bố chạy lại mang theo bọc tiền bán vịt. Bố rất vui vì có được những đồng tiền từ mô hôi nước mắt của cả gia đình, trong đó một phần không nhỏ là của tôi. Nhưng tôi không thể hào hứng chia vui với bố vì nỗi đau mất đàn vịt chẳng thể làm tôi hân hoan lên được.

Tôi vẫn giữ nét mặt đượm buồn quay lại chỗ người ta đã đến bắt đàn vịt mang đi. Họ không bắt hết. Lũ người khôn ngoan ấy chỉ bắt những con vịt to béo và đẹp nhất trong đàn chừa lại chú Thọt, chị Cà Khoeo và vài con còi cọc khác. Tuy nhiên bố cố tình giữ lại con Bắc Kinh để làm thịt liên hoan vì vụ vịt này.

Tối hôm đó, bố giết vịt mời ông bà nội, bà ngoại và các cô chú tôi sang liên hoan. Mọi người cười nói xôn xao, bàn tán đủ điều về món tiền bán vịt. Tôi còn nghe mọi người to nhỏ với bố rằng “Thằng Tung nhà anh thế mà khá. Tí tuổi đầu mà đã chăn được cả trăm con vịt…” Rồi bố tuyên bố lý do liên hoan, và hào hứng tận tay chặt hai đùi con Bắc Kinh cho vào đĩa đem đến cho tôi. Bố nói “Đây là phần thường giành cho con. Con là người có công nhất đối với đàn vịt…”. Tôi nhận hai chiếc đùi vịt từ tay bố, lòng thắt lại. Sau khi mời mọi người ăn, tôi đưa một chiếc đùi vịt lên miệng định bụng cắn một miếng. Nhưng vừa chạm môi, tôi lại ngừng lại, không thể nào tiếp tục được. Lòng tôi trỗi dậy niềm thương tiếc đàn vịt và đau xót khi phải ăn thịt một trong những người bạn. Niềm thương xót và nỗi buồn ấy làm miệng tôi khô lại, mất cảm giác thèm ăn. Mọi người thấy tôi cứ đưa chiếc đùi vịt lên môi rồi lại đặt xuống rất nhiều lần mà không hiểu lý do tại sao. Làm sao họ hiểu được cơ chứ. Đối với họ, trẻ con chỉ có ăn là nhất và còn gì ngon hơn hai chiếc đùi vịt. Song bố và mẹ là người thấm thía hơn cả. Hai người cùng vỗ về động viên cho tôi cố ăn đi một miếng: “ăn đi con. Rồi bố mẹ lại mua cho con đàn vịt khác. ăn đi cho bố mẹ yên lòng”. Tôi buộc  phải cắn. Miếng thịt vịt lẽ ra là thơm và ngọt lịm giờ đây đắng ngắt trong miệng tôi. Không có gì làm cho nó thơm ngon và béo bổ như người ta vẫn tưởng. Hình như miếng thịt vịt ấy được nhuốm những giọt nước mắt mà tôi cố nuốt vào trong vậy. Cố gắng lắm tôi cũng làm được 3 miếng, hết độ nửa cái đùi vịt. ăn thêm bát đàn miến lòng vịt được rắc hạt tiêu bắc và rau mùi cay xè, tôi đứng dậy, xuống chiếc giường một loèo khoèo dưới nhà bếp, quăng  mình ôm gối trong nỗi tiếc thương…/.

Xuân 2006-Chapel Hill, North Carolina, U.S.A

Chương : 1    2    3    4    5    6    7  
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1522
Ngày đăng: 06.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Cùng một tác giả