Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
391
116.763.037
 
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm
Trịnh Thắng
Chương 9

9

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

 

Một chiều muộn cuối tháng bảy khi mặt trời đang chuẩn bị đi ngủ thì chú Trai, trưởng đoàn văn nghệ lưu động đang công tác tại xã từ một tuần nay vui vẻ vào nhà tôi chơi như thói quen của một vị khách từ thành phố về nông thôn sinh sống. Chú Trai kém bố tôi độ chục tuổi. Nhìn chú không có gì đặc biệt ngoại trừ dáng người nhỏ nhắn, nước da nâu bóng, đôi mắt sáng đen huyền bí, sống mũi thẳng dài và một cái miệng thật tươi không ngớt nói cười được phân biệt với những người đàn ông khác trạc tuổi chú bởi bộ ria mép đen bóng đầy chất nghệ. Khi đó cả nhà tôi đang ăn khoai lang luộc đựng trong một cái rổ xề thường được dùng để rửa rau lợn, kê trên chiếc đĩa sứ Trung Quốc, đặt ở giữa nhà. Khói từ rổ khoai vẫn còn bốc nghi ngút. Bố tôi mời chú ngồi uống nước ở chiếc bàn xà cừ giữa nhà còn mẹ tôi ôn tồn chọn mấy củ khoai to và nhẵn nhất đem lên bàn mời chú dùng khoai:

- Mời chú ăn khoai với gia đình tôi. Về quê chơi, chẳng có gì, chỉ có củ khoai củ ráy làm bạn thôi chú ạ.

Vừa mời, mẹ tôi vừa nở nụ cười hiếu khách vốn là đặc trưng của một phụ nữ chốn quê mùa.

- Vâng cám ơn chị. Cho em xin. Anh chị cứ để em tự nhiên.

Chú Trai đỡ một củ khoai từ tay mẹ tôi, rồi từ tốn đặt nó xuống bàn, nhìn chằm chằm vào mặt bố tôi như vừa khám phá ra điều gì làm bố tôi hơi bối rối nhưng cũng cố trấn tĩnh để hỏi chú xem có chuyện gì xảy ra:

- Chú ăn khoai đi. Có gì mà chú cứ nhìn tớ vậy?

- Anh Chiến ạ. Thú thực là em thấy nét mặt anh có nhiều điểm rất đặc biệt. Em chẳng nói giấu gì anh. Ông già thân sinh ra em là một nho học, rất giỏi tiếng Tàu và các bài về xem tử vi và tướng số. Không biết anh có tin em không nhưng ở anh em thấy có rất nhiều điều muốn nói. Nếu anh không cho là duy tâm, em xin được xem cho anh ngay ở đây. Cũng nói thật với anh. Em không hay xem cho người ta. Chỉ đến đâu mà gặp người, em cảm thấy có duyên thì mới xem.

 

Bố tôi là một người rất chín chắn và chuẩn mực về các vấn đề duy tâm. Chưa bao giờ bố cho xem bói là đúng cả. Nhưng hôm nay, thấy chú Trai nói vậy, chắc bố tôi cũng muốn thử xem chú ấy muốn nói gì thì lại tỏ ra niềm nở khác thường:

- Chú nói thật thế à. Vậy thì chú cứ nói cho tớ xem nào. Chú thấy gì trên mặt tớ thì chú cứ nói hết, không cần phải úp mở điều gì.

- Anh ạ. Em có thể nhìn mặt anh mà nói về hậu vận của anh. Nhưng hôm nay, em muốn dùng bảo bối ông già em dạy để xem cho anh.

 

Mẹ, tôi và mấy đứa em nghe chú Trai nói đến từ bảo bối thì tò mò lắm nên kéo cả ra ngồi quanh bàn nước chờ chú ấy xem tướng cho bố. Còn bố tôi thì lại nhấc củ khoai định đặt vào tay chú Trai cố mời chú ấy ăn nhưng chú nói một cách rất nhã nhặn:

- Cám ơn anh. Anh em mình có duyên mới gặp nhau. Nên em sẽ xem cho anh bằng tất cả những gì em biết. Anh cứ để củ khoai đó, xem xong cho anh, em ăn cũng chưa muộn. Bây giờ anh chị cho em mượn một cái bút và tờ giấy để em xem.

 

Do mặt chiếc bàn xà cừ lúc đó ướt nhèm và loang lỗ những vết chè tròn tròn đen đen, nên chú Trai bảo bố tôi ra ngồi trên chiếc giường đôi kê ở gian bên cạnh và cả nhà lại xúm quanh xem chú bói cho bố.

 

Cởi bỏ đôi giày đen bóng nhoáng (quê tôi gọi là giày I Lích Đờ Luých - Sau này được học tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi mới vỡ lẽ ra là các cụ nhà ta mượn từ tiếng Anh “English Delux” nhưng lại phát âm theo kiểu tiếng Pháp), chú Trai khoanh chân ngồi tĩnh tại trên giường. Tay chú cầm bút vạch vài cái xuống một góc giấy để thử mực rồi một mạch kẻ trên mặt tờ giấy (bây giờ gọi là giấy khổ A4) đen như màu rạ nát làm nên mấy ô vuông rồi lần lượt điền kín từng ô bằng một loại chữ (sau này tôi biết đó là tiếng Trung Quốc) trông rất ngoằn ngoèo mà cả nhà tôi không ai hiểu cả. Không nhìn ngó một ai, cũng không hề hỏi han bố tôi một câu, chú điền kín tờ giấy theo một thứ tự mà tôi nhớ láng máng là từ ô vuông bên trái trên sang bên phải trên rồi đi xuống dừng lại ở góc dưới trái. Mọi người im lặng căng thẳng dõi theo những nét chữ lạ lẫm làm cho không khí trong nhà trở nên tĩnh lặng, tạo cho tôi có cảm giác về một cái gì đó rất huyền bí xong rất đáng tin tưởng.

 

Vừa dừng bút, chú Trai cầm tờ giấy lên, vừa đọc vừa nhìn mặt bố tôi và nói rất rõ từng lời mà tôi vẫn nhớ như in:

- Nhà anh là có đất học. Sau này các con anh học rất giỏi. Anh chị cố gắng đầu tư cho các cháu. Sau này nhất định chúng nó sẽ báo đáp. Đặc biệt là thằng lớn, nó sẽ đi học nước ngoài. Nó sẽ rất thành công.

 

Nghe chú Trai nói đến đoạn đó, bố mẹ tôi và cả tôi nữa thấy khó tin quá vì đi Tây học đâu phải là dễ. Người ta phải giỏi giang thế nào mới có thể đi học ở Tây được. Đằng này, tôi học đến lớp sáu rồi mà năm nào các cô giáo chủ nhiệm cũng phải vào nhà phàn nàn với bố mẹ về sự học tập chểnh mảng và yếu kém của tôi. Thậm chí có cô giáo còn nói thẳng ra là “Thằng Tung nhà chị học dốt đặc ra. Anh chị phải xem xét dạy bảo cháu thế nào chứ chúng tôi đã làm hết bổn phận rồi.” Thấy chú Trai nói vậy, bố tôi mới tỏ vẻ phản ứng, đoạn cười nhạt nhẽo nói với chú:

- Chú nói thế nào chứ thằng cu lớn nhà tôi học dốt lắm (Bố tôi lên giọng và kéo dài ở từ “dốt lắm” xem như không bao giờ thừa nhận là chú Trai nói đúng cả). Nhưng chú Trai vẫn bình thản trả lời:

- Anh chị cần phải tin. Đó là lộc ông trời cho nhà anh chị. Bây giờ nó có thể chưa giỏi, nhưng nếu anh chị đầu tư và chăm sóc cháu cho tốt, nhất định mệnh trời sẽ là vậy. Anh chị cứ bình tĩnh để em nói tiếp.

 

Rồi chú căn dặn bố mẹ tôi trước khi lắp bút trả lại mẹ tôi và gấp tờ giấy đưa cho bố tôi:

- Anh chị nhớ giữ kín chuyện này cho em. Em không làm nghề xem bói. Hôm nay đến đây có duyên thì xem cho anh thôi. Không phải ai em cũng xem đâu. Hy vọng anh chị cố gắng đầu tư cho thằng lớn. Nó nhất định sẽ thành đạt đấy.

Nói xong, chú Trai ngừng không nói thêm gì nữa. Bố mẹ tôi cũng chẳng hỏi thêm được câu gì vì đang mông lung không biết tin hay ngờ. Còn tôi thì cứ thấy vui âm ỉ trong lòng nhưng không thể thốt lên được thành lời khi nghe chú nói vậy.

 

Cuộc viếng thăm ngẫu nhiên của chú Trai không ngờ lại có tác động lớn trong việc bố mẹ quyết định cho tôi không đi chăn vịt và bắt cá nữa. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được vì hai bố mẹ tôi cứ to nhỏ nói chuyện với nhau xung quanh việc học hành của tôi. Cả hai người có vẻ trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tôi nghe bố mẹ tôi kể lại những nuối tiếc khi xưa do không được học hành tử tế, nên giờ quyết định sẽ đầu tư cho chúng tôi ăn học nên người. Từ câu chuyện to nhỏ trong đêm, tôi hiểu bố mẹ tôi cay cú về việc thất học như thế nào. Bố tôi vào bộ đội năm đang học lớp chín và được chọn vào làm lính điện báo liên lạc. Hồi chiến tranh sắp kết thúc, ông thủ trưởng cất nhắc bố tôi đi học kỹ sư về điện báo nhưng khi xét về hồ sơ thì không đủ tiêu chuẩn vì thiếu bằng cấp III. Từ hồi đó, bố tôi lúc nào cũng luyến tiếc vì cơ hội đến mà không làm gì được chỉ vì thiếu học. Trong khi ấy, những người bạn học cùng bố tôi giờ đều đã thành đạt và thoát ly khỏi đồng ruộng. Còn mẹ tôi thì vừa kể lại tuổi thơ vừa khóc vì một thời vàng son của mẹ không đem đến kết quả gì mà vẫn phải quay về làm ruộng. Hồi cấp I và cấp II, mẹ tôi học giỏi lắm. Năm nào cũng là học sinh giỏi suất sắc toàn diện. Nhiều trường trong huyện lúc đó còn chăng khẩu hiệu là hãy học giỏi theo tấm gương của em “Lê Thị Mai Dung”. Vì học suất sắc như vậy nên cuối năm cấp II, mẹ tôi được vào thẳng trường Cao Đẳng trên tỉnh nhưng khổ nỗi trường này về sau giải thể nên mẹ tôi phải về lại quê và đan võng kiếm tiền phụ giúp bà ngoại, chịu cảnh thất học từ đó. Sau này nghĩ lại, mẹ chỉ còn biết khóc thầm. Sự cay cú về bị thất học và nỗi vất vả chốn quê mùa kéo theo cả lũ con nheo nhóc mà vẫn không có của ăn của để đã nhen nhúm trong lòng bố mẹ tôi từ hồi nào một ý nguyện cho chúng tôi ăn học thành người. Nhưng cuộc sống nghèo khó từ hồi ông bà cho ra ở riêng với hai bàn tay trắng là rào cản lớn khiến bố mẹ vẫn

chưa thể thực hiện được ý nguyện đó. Cho đến hôm nay, câu truyện ngắn ngủi của chú Trai lại thổi bùng lên ngọn lửa khao khát trong hai con người vốn có khả năng học nhưng bị hoàn cảnh cướp đi mất cơ hội thành đạt. Và hai người đã đưa ra quyết định.

 

Có tiếng gà gáy canh ba mà bố mẹ tôi vẫn chưa thể ngủ được. Tôi cũng chẳng thể ngủ được mà cứ nhắm mắt nằm vậy lắng nghe bố mẹ quyết định. Đoạn bố tôi nói:

- Thằng Tung nhà mình rất đam mê. Lúc có vịt thì suốt ngày chăm bẵm từng con vịt. Ban ngày ở ngoài đồng. Đêm đến thì nó lại vác đèn kỳ ra cho vịt ăn cá và cào cào. Rồi khi không có vịt thì suốt ngày đi mò tôm bắt cá, chẳng thiết tha gì đến học hành cả. Anh nghĩ, nó cũng là thằng nhanh nhẹn. Nếu mà nó ham học được như bắt cá chăn vịt thì rồi thế nào nó cũng học tốt. Trước đến giờ vợ chồng mình đã chểnh mảng đến việc học tập của con. Nhưng giờ đã đến lúc phải đầu tư cho con em ạ, không thì sau này nó lại suốt ngày lam lũ mà rồi vẫn nghèo xơ xác.

 

Dừng một lát như để mẹ tôi thấu hết nỗi niềm, bố mới nói như ra chỉ thị:

- Từ mai trở đi, không bắt con làm lụng gì hết. Vịt để đấy anh chăn. Cá mú không tham nữa. Có thì ăn, không có thì rán trứng hoặc thỉnh thoảng mua về mà ăn. Tham bong bóng bỏ bụng trâu. Cứ tham vậy sau này nó lại theo đít trâu thì cũng khổ cả con rồi cả đời cháu nữa. Mãi như vậy chẳng mở mày mở mặt được. Cả chuyện thằng Tung với con Bống nữa. Mai mẹ mày sang nhà bà Khang nói với bà ấy là cũng không nên cho con Bống suốt ngày cá mú nữa. Nên để cho nó học hành. Từ nay thằng Tung nhà mình cũng không gặp con Bống như trước nữa để tập trung vào mà học…”

 

Mẹ tôi vâng dạ liên tục đồng ý với quyết định của bố. Còn tôi thì lòng như sát muối vì từ nay chẳng còn được gặp Bống nữa. Tôi buồn. Tôi muốn chạy ào ra ngoài để đến với Bống nói rằng “Bống ơi người ta không muốn phải xa Bống. Người ta vẫn muốn cùng Bống đi bắt cá. Người ta vẫn muốn vui chơi cùng Bống.” Nhưng rồi tôi cũng hiểu rằng, đó là quyết định mà bố mẹ đã mất rất nhiều năm nay mới có được. Chẳng phải tự nhiên bố mẹ quyết định vậy nên tôi cũng bắt đầu hiểu được nghĩa vụ của mình từ năm sau trở đi là phải chăm chú vào việc học hành.

 

Do đã nghe hết câu chuyện giữa bố mẹ đêm qua nên sáng ngày ra hai người gọi tôi ra để nói về quyết định đó thì tôi không thấy còn gì là ngạc nhiên cả nên nét mặt rất bình thản vâng dạ đồng ý. Ăn vội mấy củ khoai luộc, tôi chạy sang nhà Bống. Khi nghe tôi nói từ nay hai đứa sẽ chẳng được gặp nhau nữa và rằng sẽ chẳng bao giờ được cùng tôi đi bắt cá trên những cánh đồng đầy dẫy kỷ niệm nữa thì mặt Bống buồn thiu, lặng lẽ không nói gì, tiu nghỉu nhìn tôi. Như ngày thường, tôi sẵn sàng nhìn vào mắt Bống, nhưng hôm nay tôi phải lảng đi chỗ khác khi thấy đôi mắt hồn nhiên ấy giờ đang rớm lệ. Chắc Bống đang nghĩ đến những ngày trống trải vì không được vui đùa cùng tôi nữa...

 

Từ năm đó trở đi, tôi không được đi bắt cá chăn vịt nữa, mà dành hầu như tất cả thời gian vào việc học tập. Tôi không còn thời gian cho Bống nên những kỷ niệm niệm đồng quê với Bống chẳng bao giờ còn nữa. Thú thực, mấy tuần đầu tiên của năm học mới, mỗi lúc nghĩ đến cảnh về nhà lại phải ngồi vào bàn đọc sách và làm bài tập trong khi lại chẳng lúc nào được cùng Bống vui đùa, thì tôi thấy buồn bã lắm, chẳng thiết gì đến học. Cũng may đợt đó có cô giáo chủ nhiệm thật tốt. Cô giáo tình cảm, luôn chăm chút quan tâm đến học sinh. Lúc đó cô là người trẻ nhất trường, lại vừa tốt nghiệp trường sư phạm nên tràn đầy nhiệt huyết. Cô luôn cố gắng tìm hiểu cá tính của từng học sinh, và đương nhiên là luôn hỏi han tôi về cuộc sống và công việc học hành ở nhà. Tôi rất thích cô vì cách nói chuyện của cô mới gần gũi và thân thiện chứ không suốt ngày doạ đến nhà như những cô giáo khác. Nhờ tình thương của cô, tôi trở nên thích nghe cô giảng và lấy việc đến lớp hàng ngày và làm bài tập đầy đủ là niềm vui. Tôi học giỏi dần lên và chả mấy chốc đã là ngôi sao của lớp. Đối với tôi đó là một năm đặc biệt vì mới giữa kỳ I của năm lớp bảy, cô cho tôi đi thi học sinh giỏi toán của huyện.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9   10    11    12    13   
Trịnh Thắng
Số lần đọc: 1402
Ngày đăng: 19.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Đứa con của thần linh - Trần Quang Vinh
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Cùng một tác giả