Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
643
116.673.498
 
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng
Elie Wiesel
Chương 3

Người mướt mồ hôi, tôi không biết mình đứng bên cửa sổ đã bao lâu cho đến khi có một bàn tay ấm, run run và vỗ về, đặt lên vai tôi.  Bàn tay của Ilana.

“Cậu đang nghĩ gì?” chị hỏi.

“Tôi đang nghĩ về đêm nay,” tôi bảo chị.  “Lúc nào cũng chỉ một cái đó---”

“Và về John Dawson?”

“Vâng, về John Dawson.”

Đâu đó trong thành phố, ánh sáng loé lên bên trong một khung cửa sổ rồi lịm tắt.  Chắc hẳn có người đàn ông nào đó coi đồng hồ hoặc một người mẹ nào đó đi xem con mình có cười trong giấc ngủ không.

“Nhưng cậu không muốn gặp hắn,” Ilana nói.

“Tôi không muốn gặp hắn.”

Tôi đang nghĩ tới một ngày kia con trai của tôi sẽ nói:  “Tự nhiên sao cha có vẻ buồn.  Có chuyện gì vậy?” “Vì trong mắt cha đang có hình ảnh viên đại úy người Anh tên là John Dawson, hiện lên đúng y như lúc hắn chết ngay trước mắt cha...”  Có lẽ tôi phải trùm mặt nạ lên hắn; một mặt nạ thì dễ giết và dễ quên hơn.

“Có phải cậu sợ?” Ilana hỏi.

“Đúng.”

Tôi muốn nói cho chị biết rằng sợ hãi chẳng là gì cả.  Sợ hãi chỉ là một sắc màu, một phông màn, một quang cảnh.  Cái đó không là vấn đề.  Không quan trọng gì nỗi sợ hãi của nạn nhân hoặc của kẻ hành quyết.  Cái quan trọng là trong thực tế, cả hai kẻ đó, mỗi kẻ đều đang đóng vai trò người ta dàn dựng cho mình.  Và cả hai vai trò đó đều cực kỳ bất hạnh cho đẳng cấp làm người.  Cái bi thảm chính là sự dàn dựng.

“Cậu, Elisha, cậu mà sợ ư?”

Tôi hiểu tại sao chị hỏi vậy.  Ngươi, Elisha, có phải ngươi từng sống qua Auschwitz và Buchenwald?  Ngươi, kẻ đã vô số lần thấy Thượng đế chết?  Ngươi sợ ư?

“Thế mà, tôi đang sợ, Ilana ạ,” tôi lặp lại.

Quả thật, chị hiểu hết, hiểu rất rõ rằng sợ hãi không thật sự là vấn đề.  Giống như cái chết, nó chỉ là một phông màn, một màu sắc địa phương.

“Cái gì làm cậu sợ?”

Bàn tay chị ấm áp, sống động vẫn còn trên vai tôi, ngực chị chạm nhẹ người tôi và tôi có thể cảm thấy hơi thở chị trên cổ tôi.  Chiếc áo bờ-lu của chị đẫm mồ hôi và nét mặt chị cùng quẫn.  Tôi nhủ thầm: chị không hiểu.

“Tôi sợ hắn sẽ làm tôi cười,” tôi nói.  “Chị thấy, Ilana, hắn hoàn toàn có thể phình to đầu ra và để nó nổ tung thành ngàn mảnh, chỉ nhằm chọc cho tôi phá lên cười.  Đó là điều làm tôi sợ.”

Nhưng chị vẫn không hiểu.  Chị rút khăn tay từ trong cổ tay áo ra, lau cổ và thái dương cho tôi.  Rồi chị hôn nhẹ lên trán tôi và nói:

“Cậu dằn vặt mình quá, Elisha.  Con tin không phải là thằng hề.  Nơi họ không có chút gì đáng cười cả.”

Ilana khốn khổ.  Giọng chị tinh tuyền như chân lý, vô cùng buồn bã như sự thanh khiết.  Nhưng chị không hiểu.  Chị bị xao lạc vì những vẻ bên ngoài và không nhận ra cái nằm đằng sau chúng.

“Chị có thể có lý,” tôi nói bằng giọng cam chịu.  “Chúng ta có thể làm họ phá lên cười.  Họ cười khi họ là người chết.”

Chị vỗ về mặt, cổ và tóc tôi và tôi vẫn cảm thấy sức ép của ngực chị lên cơ thể mình.  Rồi chị bắt đầu nói, với giọng buồn bã nhưng rõ ràng, như thể nói với một đứa bé đang bệnh.

“Cậu dằn vặt mình quá, cậu em yêu quí ạ,” chị nói đi nói lại vài lần như thế.  Ít ra chị cũng không còn gọi tôi là “cậu bé khốn khổ,” và tôi biết ơn chị.  “Cậu đừng làm vậy.  Cậu trẻ, thông minh và cậu chịu đau khổ đủ rồi.  Chẳng bao lâu chuyện này sẽ qua hết.  Người Anh sẽ rút về và chúng ta sẽ trồi lên trên bề mặt và sẽ được sống một cuộc sống giản dị, bình thường.  Cậu sẽ lập gia đình, có con cái.  Cậu sẽ kể chuyện chúng nghe và làm chúng bật cười thành tiếng.  Cậu sẽ hạnh phúc vì chúng hạnh phúc.  Cậu sẽ được hạnh phúc, tôi đoan chắc với cậu như vậy.  Bằng không, làm sao chúng có thể sống với một người cha như cậu?  Cậu sẽ quên đêm nay, quên căn phòng này và quên mọi sự khác---”

Khi nói “mọi sự khác” chị đưa tay vạch lơ lửng một nửa vòng tròn.  Làm tôi nhớ tới mẹ mình.  Mẹ tôi cũng đã nói với giọng xúc động như vậy và gần như dùng đúng những chữ đó vào đúng những chỗ đó trong câu nói.  Tôi rất yêu thương bà.  Cho tới khi tôi lên chín hoặc lên mười, tối nào bà cũng ru tôi ngủ với những bài hát ru con hoặc các mẩu chuyện.  Bên giường mẹ tôi có một con dê, bà thường bảo tôi, con dê ấy bằng vàng.  Mọi nơi con đi trong đời, con dê ấy sẽ hướng dẫn con và che chở con.  Dù con đã khôn lớn hoặc rất giàu, dù tới lúc con đã biết tất cả những gì một người đàn ông có thể biết và làm chủ tất cả những gì một người đàn ông nên sở hữu, thì con dê ấy vẫn ở gần con.

“Ilana, chị nói như thể chị là mẹ tôi,” tôi nói.

Mẹ tôi cũng vậy, có một giọng nói thật êm, còn  dịu êm hơn cả giọng nói của Ilana.  Giống như giọng nói của Thượng đế, giọng nói đó có sức mạnh xua tan hỗn độn và truyền đạt cái nhìn thấu suốt về tương lai, mà tương lai đó có thể là của tôi, với con dê vàng ấy hướng dẫn, con dê tôi đã thất lạc trên đường tới Buchenwald.

“Cậu đang đau khổ,” Ilana nói.  “Khi đau khổ, người ta nhắc tới mẹ mình.”

“Không, Ilana,” tôi nói.  “Lúc này, chính mẹ tôi là người đau khổ.”

Những vỗ về của Ilana bỗng nhẹ hơn, lơi hơn.  Chị đang bắt đầu hiểu.  Bộ mặt chị tối lại.  Chị im lặng hồi lâu, rồi chị cùng tôi nhìn vào bàn tay đêm đang vói tới chúng tôi qua cửa sổ.

“Chiến tranh như đêm,” chị nói.  “Nó phủ trùm mọi sự.”

Vâng, chị đã bắt đầu hiểu.  Tôi hầu như không còn cảm thấy các ngón tay của chị xoa nhẹ trên cổ mình.

“Chúng ta nói rằng cuộc chiến tranh của chúng ta là thần thánh,” chị tiếp tục, “rằng chúng ta đang chiến đấu chống lại cái gì đó và vì cái gì đó -- chống lại người Anh và vì nền độc lập của Palestine.  Đó là cái chúng ta nói.  Nhưng những cái đó là ngôn từ; và vì thế chúng được dùng để chỉ đem lại ý nghĩa cho các hành động của chúng ta.  Chúng ta nói: đây là chiến tranh, chúng ta phải giết.  Có những kẻ như cậu, giết bằng bàn tay của mình, và có những kẻ như tôi, giết bằng giọng nói của mình.  Mỗi người có cách giết riêng của mình.  Và liệu chúng ta có thể làm gì khác hơn?  Chiến tranh có những qui luật của nó và nếu cậu phủ định một qui luật tức là cậu phủ định toàn bộ mục đích, và trao cho kẻ thù sự chiến thắng đặt trên chiếc mâm bằng bạc. Đó là cái chúng ta không thể trao cho họ.  Trong cuộc chiến này, chúng ta cần chiến thắng, để sống còn, để nổi lên bềnh bồng trên bề mặt của thời gian.”

Chị không cất cao giọng.  Chị như thể đang hát một bài ru con, đang kể chuyện bên giường ngủ.  Trong cung giọng của chị, không đam mê, không thất vọng, cũng chẳng lo âu.

Chị hoàn toàn có lý.  Mọi sự đã được cân nhắc.  Chúng ta đang lâm chiến; chúng ta có lý tưởng, có mục đích -- trong lúc đó kẻ thù đứng chắn ngang giữa chúng ta và sự đạt tới lý tưởng, mục đích đó.  Kẻ thù đó phải bị loại trừ.  Và, bằng cách nào?  Bằng hết thảy và bất cứ phương tiện nào chúng ta có được.  Không quan trọng gì việc nên sử dụng phương tiện này hay không nên sử dụng phương tiện khác, và dùng xong thì quên ngay.  Mục đích, cứu cánh, đó là tất cả những gì trường tồn.  Có thể Ilana đúng khi nói rằng tới một ngày nào đó tôi sẽ quên đêm nay.  Nhưng, người chết không bao giờ quên, họ nhớ hoài.  Trong mắt họ, tôi vĩnh viễn bị đóng dấu bằng sắt nung rằng tôi là kẻ giết người.  Không có ngàn cách là kẻ giết người; hoặc là kẻ giết người hoặc không là kẻ giết người, thế thôi.  Hắn không thể nói với tôi rằng hắn chỉ giết mười người hoặc chỉ giết hai mươi sáu người thôi, rằng tôi chỉ giết năm phút hoặc chỉ giết một ngày thôi.  Hắn, kẻ dù chỉ giết một người, cũng là kẻ giết người suốt đời.  Hắn có thể sẽ chọn một công việc khác, sẽ dấu mình dưới một nhân dạng khác, nhưng sẽ ở mãi mãi trong hắn kẻ hành quyết hoặc ít nhất, chiếc mặt nạ của kẻ hành quyết.  Cái đó nằm trong vấn đề này, trong ảnh hưởng của phông màn vở kịch lên diễn viên.  Chiến tranh làm tôi thành một kẻ hành quyết, và tôi mãi mãi vẫn là kẻ hành quyết dù sau đó phông màn đã đổi và tôi đóng một vở kịch khác trên một sân khấu khác.

“Tôi không muốn làm kẻ giết người,” tôi nói, lướt thật nhanh câu nói đó như thể nôn thốc nó ra.

“Ai làm?” Ilana hỏi.

Chị vẫn vỗ về cổ tôi, tóc tôi nhưng không biết tại sao tôi có cảm tưởng rằng cái mà các ngón tay của chị đang ve vuốt không phải là chiếc cổ của tôi, tóc của tôi.  Người phụ nữ thanh nhã nhất thế gian sẽ ngần ngại chạm vào da của một kẻ giết người, của một người đàn ông mà suốt cuộc đời dài của hắn mang nhãn hiệu kẻ giết người.

Tôi liếc vội ra đằng sau mình xem những người kia còn đó không.  Gideon và Joab đang lơ mơ ngủ, đầu gối lên cánh tay tì trên bàn.  Dù trong giấc ngủ, Gideon cũng có vẻ như đang đọc kinh.  Gad vẫn ở trong hầm giam, và tôi tự hỏi sao anh ở trong đó lâu quá.  Còn các bóng ma thì đang theo dõi cuộc nói chuyện nhưng tôi lấy làm lạ là họ không dự phần vào.  Ilana im lặng.

“Chị đang nghĩ gì vậy?” tôi thì thầm.

Chị không trả lời.  Ít phút sau tôi lại hỏi.  Vẫn không có câu trả lời.  Hai chúng tôi im lặng.  Và đám đông sau lưng tôi, đám đông những người im lặng đang chết điếng ấy, bóng họ hút ánh sáng và biến nó thành cái gì đó u sầu, thê thảm, thù nghịch và lặng câm.  Tổng số của những im lặng ấy làm tôi ngập tràn sợ hãi.  Im lặng của họ không giống im lặng của tôi; họ khắc nghiệt, lạnh lùng, bất động, không sinh khí và không thể thay đổi.

Khi còn bé, tôi sợ người chết và nghĩa địa, vương quốc âm u của họ.  Sự im lặng vây quanh họ làm trong tôi dấy lên cơn hãi hùng.  Tôi biết rằng lúc này sau lưng tôi, sát cánh nhau thành hàng thành lớp như thể giữ cho mình khỏi lạnh, họ đang ngồi trong tư thế xét xử tôi.  Trong thế giới băng giá của mình, người chết chẳng biết làm gì hơn là xét xử; và vì họ không có cảm giác về quá khứ hoặc tương lai nên họ xét xử không chút xót thương.  Họ không kết án bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ mà bằng chính sự hiện hữu của họ.

Họ đang ngồi sau lưng tôi, trong địa vị xét xử tôi.  Tôi cảm thấy sự im lặng của họ đang xét xử tôi.  Tôi muốn quay mình lại nhưng người tôi chỉ ngập tràn với mỗi một ý tưởng là sợ hãi.  Chẳng bao lâu nữa, Gad sẽ từ hầm giam đi lên, rồi sau đó tới lượt tôi đi xuống.  Sẽ tới rạng sáng và đám đông này sẽ tan loảng trong ánh sáng ban ngày.  Tạm thời, tôi hãy cứ ở bên Ilana, nơi cửa sổ, quay lưng lại với họ.

Một phút sau, tôi đổi ý.  Cha tôi, mẹ tôi, ông thầy và người ăn mày, tất cả đều đang có mặt ở đây.  Tôi không thể sỉ nhục họ tột cùng bằng cách quay lưng với họ.  Tôi phải nhìn họ, mặt đối mặt.  Tôi thận trọng xoay người lại.  Trong phòng lúc này có hai loại ánh sáng: một trắng bao phủ chỗ Gideon và Joab đang ngủ; và một đen vây bọc các bóng ma.

Bỏ lại Ilana bên cửa sổ đang đắm chìm trong suy nghĩ, hoặc cũng có thể trong hối tiếc, tôi bắt đầu rảo bước quanh căn phòng, lâu lâu dừng lại trước một bộ mặt thân thuộc, một thống khổ thiết thân.  Tôi biết rằng những thống khổ, những bộ mặt này đang ngồi trong tư thế xét xử tôi.  Họ là người chết và họ đói.  Khi người chết mà đói thì họ xét xử người sống không chút xót thương.  Họ không chờ cho đến khi người ta làm xong một hành động, phạm xong một tội ác.  Họ xét xử trước.

Chỉ khi tôi nhận biết được sự im lặng của cậu bé, một im lặng đầy hùng biện trong mắt, tôi mới quyết định nói ra.  Cậu bé có cái nhìn khắc khoải khiến nó có vẻ lớn tuổi hơn, chín chắn hơn.  Tôi tự nhủ, mình sẽ nói ra.  Họ không có quyền kết án cậu bé ấy.

Khi tới gần cha tôi, tôi thấy nỗi thống khổ trên mặt ông.  Trước khi Thần chết đến bắt cha tôi, ông đã lẻn đi một phút bằng cách lừa dối Thần chết rằng ông phải mang theo mình nỗi thống khổ con người mà ông đã chịu thuở còn sống.

“Cha ơi,” tôi nói, “xin đừng xét xử con.  Cha hãy xét xử Thượng đế.  Ngài đã tạo dựng vũ trụ này và chiết cành công lý từ những bất công.  Ngài đã khiến cho một dân tộc phải đạt tới hạnh phúc qua nước mắt, cho tự do của một quốc gia cũng như tự do của một con người phải là một đài kỷ niệm dựng lên trên một cái nền chất chồng hàng hàng lớp lớp xác chết...”

Tôi đứng trước mặt ông, không biết làm gì với đầu mình, mắt mình và tay mình.  Tôi muốn biến máu huyết của tôi thành giọng nói của tôi.  Có lúc tôi tưởng mình đã làm được điều đó.  Tôi nói một hồi lâu, kể với ông những điều mà rõ ràng ông đã hiểu vì chính ông đã dạy tôi những điều đó.  Nếu tôi có lặp lại thì chỉ để chứng tỏ với ông rằng tôi không quên.

“Đừng xét xử con, cha ơi,” tôi van nài ông, run rẩy vì tuyệt vọng.  “Cha phải xét xử Thượng đế.  Ngài là căn nguyên thứ nhất, là kẻ khởi xướng đầu tiên; Ngài đã thai nghén loài người và vạn vật theo cách chúng đang là.  Cha ơi, cha là người đã chết, và chỉ có người chết mới có thể xét xử Thượng đế.”

Nhưng cha tôi không phản ứng.  Nỗi thống khổ hằn ghi trên bộ mặt hốc hác, râu ria lởm chởm của ông đã mang nhiều tính người hơn trước.  Tôi rời ông và bước sang mẹ tôi đang đứng cạnh ông.  Nhưng nỗi đau của tôi quá lớn, làm sao bày tỏ hết với bà.  Tôi tưởng mình đang nghe tiếng bà thì thầm, “Đứa con trai khốn khổ, đứa con trai khốn khổ?!” và mắt tôi đẫm lệ.  Sau cùng, tôi nói rằng con không là kẻ giết người, rằng mẹ không sinh ra một kẻ giết người mà sinh ra một người lính, một kẻ chiến đấu cho tự do, một người lý tưởng đang hiến dâng sự bình an của tâm trí -- tài sản quí báu hơn chính mạng sống -- cho dân tộc mình, cho quyền của dân tộc đối với ánh sáng ban ngày, đối với nỗi hân hoan, đối với tiếng cười của trẻ thơ.  Đó là tất cả những gì tôi có thể nói, bằng giọng ngập ngừng, thổn thức như đang lên cơn sốt.

Khi bà yếu nhược quá không phản ứng được, tôi rời bà và bước tới ông thầy già.  Trong số những người có mặt nơi đây, ông là kẻ ít bị cái chết làm cho thay đổi nhất.  Khi còn sống, ông hầu như giống hệt bây giờ; chúng tôi thường nói rằng ông không thuộc về thế giới này, và lúc này điều đó đúng không sai một chữ.

“Con không phản bội thầy,” tôi nói như thể mình đã thực hiện xong công tác.  “Nếu con không chịu tuân lệnh, con sẽ phản bội các bạn đang sống của con.  Và người sống thì có quyền trên chúng ta hơn người chết.  Chính thầy đã dạy con điều đó.  Do đó, hãy chọn sự sống, câu đó được viết trong Kinh thánh.  Con tán thành căn nguyên của sự sống và do đó, con không là kẻ phản bội.”

Đứng bên ông thầy là Yerachmiel, người bạn, người cùng chí hướng và là người em bà con của tôi.  Yerachmiel là con một người đánh xe ngựa, với hai bàn tay của người lao động và linh hồn của một ông thánh. Hai chúng tôi là học trò cưng của ông thầy; tối nào nó cũng cùng chúng tôi nghiên cứu huyền nghĩa của sách bí pháp Cabbala.  Tôi không biết Yerachmiel cũng đã chết.  Tôi chỉ nhận ra điều đó khi thấy nó trong đám đông này, ở cạnh ông thầy -- hoặc đúng hơn, đứng cung kính ngay đằng sau ông thầy một bước.

“Yerachmiel, chú em,” tôi nói, “...có nhớ...?”

Chúng tôi đã cùng nhau vẽ lên những giấc mơ không thể nào xảy ra được.  Theo sách Cabbala, nếu linh hồn của một người đủ thanh khiết và tình yêu của người ấy đủ thâm sâu, thì người ấy có thể mang Đấng Cứu thế tới trần gian.  Yerachmiel và tôi quyết định làm thử.  Dĩ nhiên chúng tôi có ý thức mối nguy hiểm ấy: không ai có thể cưỡng bách bàn tay của Thượng đế mà được miễn hình phạt.  Những người lớn tuổi hơn, thông thái hơn và chín chắn hơn chúng tôi đã hoài công phí sức trong việc giật Thượng đế khỏi chuỗi mắt xích của tương lai; không đạt được mục đích ấy, họ đánh mất đức tin, lý trí và kể cả cuộc đời mình.  Yerachmiel và tôi biết rõ chuyện đó nhưng chúng tôi kiên quyết thực hiện kế hoạch của mình bất chấp các chướng ngại đang chờ trên đường.  Chúng tôi hứa sát cánh bên nhau cho dù có xảy tới việc gì đi nữa.  Và như thế, chúng tôi chuẩn bị cho cuộc hành trình đi vào chốn thẳm sâu.  Chúng tôi thanh tẩy linh hồn và thể xác của mình, ăn chay ban ngày và cầu nguyện ban đêm.  Nhằm làm tinh sạch miệng lưỡi cùng lời ăn tiếng nói của nó, chúng tôi nói càng ít càng tốt và trong ngày hưu lễ Sa-bát, chúng tôi tịnh khẩu.

Có thể những nỗ lực của chúng tôi đang đạt kết quả.  Nhưng chiến tranh bùng nổ và chúng tôi bị xua khỏi nhà mình.  Tôi thấy Yerachmiel lần cuối khi nó ở trong hàng dài dằng dặc những người Do thái đang bước đi, bị trục xuất sang Đức.  Một tuần sau, chính tôi cũng bị đưa sang Đức.  Yerachmiel ở trại này và tôi ở trại khác.  Tôi thường tự hỏi không biết nó có một mình tiếp tục các nỗ lực ấy không.  Lúc này tôi hiểu: nó đã tiếp tục và nó đang là người chết.

“Yerachmiel,” tôi nói; “Yerachmiel, chú em...có nhớ...”

Có điều gì đó ở nó đã thay đổi: bàn tay của nó.  Lúc này là hai bàn tay của một vị thánh.

“Chúng tôi cũng làm giống như thế,” tôi nói, “các đồng chí trong phong trào và tôi, chúng tôi cũng đang cưỡng bách bàn tay của Thượng đế.  Các người, những kẻ đã chết, nên giúp chúng tôi, đừng cản trở...”

Nhưng Yerachmiel và hai bàn tay của nó lặng thinh.  Và đâu đó trong vũ trụ của thời gian, Đấng Cứu thế cũng lặng thinh.  Tôi rời nó và bước tới cậu bé là tôi trước kia.

“Có phải cậu đang xét xử tôi?” tôi hỏi.  “Cậu là một trong những người ít có quyền xét xử tôi nhất.  Cậu may mắn: cậu chết yểu.  Nếu còn sống tới hôm nay, cậu sẽ ở vào chỗ của tôi lúc này.”

Khi ấy cậu bé cất tiếng.  Giọng nói của nó đầy âm vang xao xuyến và khắc khoải.

“Tôi không đang xét xử anh,” nó nói.  “Chúng tôi không ngồi đây trong địa vị xét xử.  Chúng tôi ở đây là vì anh ở đây.  Chúng tôi có mặt tại bất cứ chỗ nào anh đi; chúng tôi là cái anh làm.  Khi anh hướng đôi mắt lên Thiên đàng, chúng tôi chia sẻ cái nhìn của đôi mắt ấy; khi anh xoa đầu đứa bé đang đói, một ngàn bàn tay chúng tôi đặt lên đầu nó; khi anh cho người ăn mày bánh mì, chúng tôi cho người ấy hương vị của địa đàng mà chỉ có người nghèo mới có thể thưởng thức.  Tại sao chúng tôi im lặng?  Vì im lặng không chỉ là nơi cư trú của chúng tôi mà còn là chính bản thân chúng tôi.  Chúng tôi là im lặng.  Và sự im lặng của anh là chúng tôi.  Anh mang chúng tôi theo cùng anh.  Đôi khi anh có thể thấy chúng tôi, nhưng hầu hết mọi lúc, đối với anh chúng tôi vô hình.  Khi anh nhìn thấy chúng tôi, anh tưởng tượng chúng tôi đang ngồi trong tư thế xét xử anh.  Anh lầm.  Sự im lặng của anh là quan toà của anh.”

Đột nhiên, cánh tay của người ăn mày chạm nhẹ vào tôi.  Tôi quay lại và thấy ông đứng sau lưng.  Tôi đã biết ông không phải Thần chết mà là ngôn sứ Ê-li-a.

“Tôi nghe tiếng bước chân của Gad,” ông nói.  “Anh ấy đang lên cầu thang.”

 

“Tôi nghe tiếng bước chân của Gad,” Ilana vừa nói vừa chạm vào cánh tay tôi. “Anh ấy đang lên cầu thang.”

Chầm chậm, với vẻ trống rỗng trên mặt, Gad bước vào phòng.  Ilana chạy lại phía anh và hôn lên môi anh nhưng anh dịu dàng đẩy chị ra.

“Anh ở dưới đó lâu quá,” chị nói.  “Cái gì giữ anh lại vậy?”

Một nụ cười thảm khốc và buồn bã lướt qua mặt anh.

“Không gì cả,” anh nói.  “Tôi ngó hắn ăn.”

“Hắn ăn?” tôi kinh ngạc hỏi.  “Anh có ý nói là hắn có thể ăn?”

“Đúng, hắn ăn,” Gad nói.  “Và ăn ngon lành.”

Tôi hiểu không ra.

“Cái gì?” tôi kêu lên.  “Anh có ý nói là hắn đói?”

“Tôi không nói là hắn đói,” Gad đáp trả.  “Tôi nói là hắn ăn ngon lành.”

“Vậy là hắn không đói,” tôi cả quyết.

Mặt Gad sa sầm.

“Không, hắn không đói.”

“Thế tại sao hắn ăn?”

“Tôi không biết,” Gad nói một cách căng thẳng.  “Có lẽ để cho tôi thấy rằng hắn có thể ăn dù không đói.”

Ilana nhìn chăm chú bộ mặt anh,  Chị cố gắng bắt cho được ánh mắt anh nhưng anh đang đăm đăm nhìn vào khoảng không.

“Sau đó anh làm gì?” chị ngại ngần hỏi.

“Sau cái gì?” Gad sẳng giọng.

“Sau khi hắn ăn xong.”

Gad nhún vai.

“Không gì cả,” anh nói.

“Không gì cả.  Anh có ý nói gì?”

“Không gì cả.  Hắn kể chuyện.”

Ilana day day cánh tay anh.

Gad thở ra, cam chịu.

“Chỉ các mẩu chuyện,” anh lặp lại, rõ ràng mệt mỏi vì phải trả lời những câu hỏi mà anh cho là kỳ cục.

Tôi muốn hỏi hắn có phá lên cười không, con tin ấy có bật ra tiếng cười nào không.  Nhưng tôi kềm lại được.  Câu trả lời hẳn chỉ là phi lý.

Sự xuất hiện trở lại của Gad làm Gideon và Joab thức giấc.  Với vẻ mặt phờ phạc, cả hai nhìn quanh như thể để lấy làm chắc rằng mình không đang mơ.  Đờ người ra ngáp, Joab hỏi giờ Gad.

“Bốn giờ,” Gad vừa trả lời vừa xem đồng hồ.

“Trễ vậy sao?  Tôi không nghĩ là vậy.”

Gad vẫy ta ra hiệu tôi tới gần.

“Chẳng bao lâu nữa là ngày,” anh thăm dò.

“Tôi biết.”

“Cậu biết cậu phải làm gì chứ?”

“Vâng, tôi biết.”

Anh rút súng lục ra khỏi túi quần, đưa tôi.  Tôi ngần ngại.

“Cầm nó,” anh nói.

Khẩu súng lục đen tuyền, gần như mới.  Tôi sợ cả cái việc sờ vào nó, vì nó đang chứa trọn vẹn sự khác biệt toàn bộ giữa cái tôi đang là và cái tôi sắp là.

“Cậu chờ gì?” Gad sốt ruột hỏi.

Tôi đưa tay cầm súng.  Tôi xem xét nó hồi lâu như thể tôi không biết nó dùng cho mục đích gì.  Sau cùng, tôi nhét nó vô túi quần mình.

“Tôi muốn hỏi anh một câu,” tôi bảo Gad.

“Hỏi đi.”

“Hắn có làm anh cười thành tiếng không?”

Gad lạnh lùng chăm chú nhìn tôi như thể anh không hiểu câu hỏi của tôi hoặc anh không màng tới câu hỏi đó.  Lông mày anh nhíu lại, băn khoăn.

“John Dawson,” tôi nói.  “Hắn có làm anh bật cười không?”

Mắt Gad nhìn tôi chòng chọc; tôi cảm thấy hai con mắt đó xuyên thủng người tôi, ra tới đằng sau gáy.  Hẳn anh thắc mắc cái gì đang diễn ra trong tâm trí tôi, tại sao tôi hỏi lui hỏi tới câu hỏi không quan trọng ấy.  Tại sao tôi không có vẻ khổ sở hoặc che dấu sự khổ sở của mình, hoặc khổ sở không đúng mức.

“Không,” cuối cùng anh nói, “hắn không làm tôi cười.”

Chiếc mặt nạ của anh đang nứt ra một cách khó thấy.  Mọi cố gắng của anh là kiểm soát cho bằng được những biểu lộ trong đôi mắt mình, nhưng anh đã lơ là cái miệng của mình, và chính ở đó lộ ra vết rạn.  Môi trên của anh đang có nét cay đắng và giận dữ.

“Anh đối phó với việc đó ra sao?” tôi hỏi anh với sự ngưỡng mộ giả tạo.  “Những chuyện hắn kể có tức cười không?”

Gad phát ra một thanh âm kỳ dị, giống mà không giống tiếng cười.  Sự im lặng tiếp theo làm nổi bật nỗi buồn bã mà một bàn tay vô hình nào đó đã vạch dấu trên môi anh.

“—, chúng hoàn toàn khôi hài, rất buồn cười.  Nhưng chúng không làm tôi cười.”

Anh rút từ túi áo ra một điếu thuốc, châm lửa, hít mấy hơi và rồi không chờ tôi hỏi thêm, anh tiếp tục:

“Tôi đang nghĩ tới David, thế thôi.”

Tôi ngẫm nghĩ, mình cũng sẽ nghĩ tới David.  Anh ấy sẽ hộ vệ tôi.  John Dawson có thể sẽ cố chọc cho tôi cười nhưng tôi sẽ không cười.  David sẽ tới giải cứu tôi.

“Trễ rồi,” Joab nói, đờ người ra trong một cái ngáp khác.

Đêm vẫn còn ở thăm chúng tôi.  Nhưng thật rõ ràng là nó đang sẵn sàng đi hẳn.  Đột nhiên tôi quyết định:

“Tôi đi xuống đó,” tôi nói.

“Sớm vậy sao?” Gad nói, bằng giọng nói có vẻ vừa xúc động vừa hết sức ngạc nhiên.  “Cậu còn nhiều thì giờ.  Còn tới một giờ...”

Tôi nói rằng tôi muốn đi xuống đó dù chưa đến giờ, để gặp gã ấy và trò chuyện, để biết hắn.  Tôi nói, giết một người hoàn toàn xa lạ thì thật hèn nhát.  Nó giống như chiến tranh ở chỗ anh không bắn vào những con người mà bắn vào đêm, và đêm bị thương kêu lên đau đớn như thể con người.  Anh bắn vào bóng tối và anh không bao giờ biết rõ có con người nào, có kẻ thù nào bị giết hay không.  Hành quyết một người xa lạ là việc giống y như thế.  Nếu chỉ gặp hắn khi hắn chết, tôi sẽ cảm thấy như thể mình bắn vào người đã chết.

Đó là lý do tôi đưa ra quyết định ấy.  Tôi không chắc nó chính xác hay không.  Nghĩ lại, tôi thấy dường như mình bị kích động bởi tò mò.  Trước đây tôi chưa bao giờ thấy một con tin.  Tôi muốn gặp một con tin, kẻ bị buộc phải chết và là kẻ kể các câu chuyện khôi hài.  Tò mò hay làm ra vẻ can đảm?  Có thể mỗi thứ một chút.

“Cậu có muốn tôi đi với cậu không?” Gad hỏi.  Một nhúm tóc của anh xỏa xuống trán nhưng anh không hất nó lên.

“Không, Gad,” tôi nói.  “Tôi muốn ở một mình với hắn.”

Gad mỉm cười.  Anh là người chỉ huy, tự hào về thuộc cấp của mình và biểu lộ niềm hãnh diện đó bằng nụ cười.  Anh đặt bàn tay trìu mến lên vai tôi.

“Cậu có muốn ai đó cùng đi với cậu không?” người ăn mày hỏi.

“Không,” tôi lặp lại.  “Tôi thích một mình hơn.”

Mắt ông ân cần vô hạn.

“Cậu không thể làm việc đó mà không có họ,” ông nói, ngoái đầu về phía đám đông đằng sau chúng tôi.

“Họ có thể xuống sau,” tôi nhượng bộ.

Người ăn mày ôm đầu tôi trong hai bàn tay ông và nhìn vào mắt tôi.  Cái nhìn của ông quyền uy quá đổi, tới độ trong phút giây đó, tôi đâm ra hoài nghi bản sắc của mình.  Tôi tự nhủ, mình là cái nhìn đó.  Mình đâu thể là cái gì khác.  Người ăn mày ấy có nhiều cái nhìn và tôi là một trong những cái nhìn đó.  Nhưng trong biểu lộ của ông toả sáng vẻ ân cần và tôi hiểu rằng ông không thể nhìn một cách ân cần bằng cái nhìn của chính ông.  Đó là cách mà bản sắc của tôi về lại với tôi.

“Thôi được,” ông nói, “họ sẽ xuống sau.”

Lúc này cậu bé, nhìn qua những chiếc đầu và những hình hài âm u giữa nó và tôi, đề nghị đi với tôi.  “Để sau,” tôi nói.  Câu trả lời của tôi làm nó buồn nhưng tôi chỉ có thể lặp lại: “Để sau, tôi muốn ở một mình với hắn.”

“Cũng được,” cậu bé nói.  “Chúng tôi sẽ tới sau.”

Tôi thả cái nhìn của mình chỗ này chỗ nọ khắp phòng, hi vọng để nó lại ở đó và sẽ lấy lại nói khi tôi trở lên.

Ilana đang nói với Gad và anh không lắng nghe.  Joab đang ngáp.  Gideon xoa xoa trán như thể đang nhức đầu.

Trong một giờ nữa, mọi sự sẽ khác, tôi ngẫm nghĩ.  Tôi sẽ không nhìn mọi sự theo cách giống y như thế này nữa.  Bàn, ghế, các bức vách, cửa sổ, hết thảy chúng đều sẽ thay đổi.  Chỉ có những người chết -- cha tôi và mẹ tôi, ông thầy và Yerachmiel -- vẫn y như cũ, vì hết thảy chúng tôi cùng thay đổi, theo một cách giống như thế, cùng làm một việc giống như thế.

Tôi vỗ vỗ túi quần để biết chắc khẩu súng lục còn ở đó.  Nó đang ở đó; thật ra, tôi có cảm tưởng lạ lùng rằng nó đang sống, rằng cuộc sống của nó là thành phần của tôi, rằng nó có chung số phận hiện tại và tương lai với bản thân tôi.  Tôi là số phận của nó và nó là số phận của tôi.  Tôi ngẫm nghĩ, trong một giờ nữa, nó cũng sẽ thay đổi.

“Trễ rồi,” Joab vừa nói vừa duỗi chân.

Bằng mắt mình, tôi nói lời vĩnh biệt với căn phòng, với Ilana, với Gideon và những lời cầu nguyện của anh, với Joab và những biểu lộ lờ quờ của anh, với bàn, cửa sổ, các bức vách và đêm.  Kế đó, tôi vội vàng đi vào nhà bếp như thể sắp đi vào cuộc hành quyết chính mình.  Khi tôi bước xuống cầu thang, bước chân tôi chùng lại và hóa ra nặng nề.

 

 

John Dawson là người đẹp trai.  Dù mặt không cạo, tóc rối và áo sơ-mi nhăn, người hắn vẫn có cái gì đó đặc biệt.

Hắn hình như khoảng tứ tuần -- rõ ràng là một quân nhân chuyên nghiệp -- với đôi mắt sắc sảo, cằm cương nghị, môi mỏng, trán rộng và bàn tay thon.  Khi đẩy cửa vào, tôi thấy hắn đang nằm trên sạp, đăm đăm nhìn trần hầm.  Chiếc sạp là đồ vật bị duy nhất trong hầm giam chật hẹp màu trắng.  Vì chúng tôi gắn hệ thống lọc không khí rất tốt nên hầm giam tuy không có cửa sổ vẫn thoáng hơn căn phòng bên trên.

Lúc nhận ra sự có mặt của tôi, John Dawson không tỏ vẻ ngạc nhiên hoặc sợ hãi.  Hắn không đứng lên mà chỉ nhỏm mình ngồi dậy.  Hắn chăm chú nhìn tôi khá lâu, không nói một lời, như thể cân đo mức độ im lặng của tôi.  Cái nhìn đăm đăm của hắn phủ lấy toàn thân tôi, và tôi tự hỏi hắn có thấy là tôi chỉ toàn mắt với mắt.

“Mấy giờ rồi?” hắn đột ngột hỏi.

Bằng giọng không chắc lắm, tôi trả lời bốn giờ.  Hắn nhíu mày, như thể cố nắm bắt ý nghĩa ẩn dấu đằng sau những tiếng tôi vừa nói.

“Khi nào mặt trời mọc?” hắn hỏi.

“Một giờ nữa,” tôi trả lời.  Và tôi nói thêm mà không biết tại sao: “Khoảng đó.”

Chúng tôi nhìn nhau chằm chặp hồi lâu, và đột nhiên tôi nhận ra rằng thời gian đang không chuyển động theo nhịp bình thường của nó.  Tôi nghĩ, một giờ nữa, mình sẽ giết hắn.  Và tuy vậy, tôi không thật sự tin điều đó.  Một giờ này, giờ phân cách tôi với kẻ giết người sẽ dài hơn một đời.  Nó sẽ gắn liền mãi mãi vào một tương lai xa xăm; nó sẽ không bao giờ làm một với quá khứ.

Trong hoàn cảnh này của chúng tôi có điều gì đó đã lâu đời.  Không phải chỉ có hai chúng tôi trong hầm giam này mà còn chỉ có hai chúng tôi trên thế giới này, hắn ngồi, tôi đứng, nạn nhân và kẻ hành quyết.  Chúng tôi là những người đầu tiên -- hay là những người sau cùng -- của cuộc sáng thế; rõ ràng là chỉ có hai chúng tôi thôi.  Và Thượng đế?  Ngài đang có mặt đâu đó.  Có thể Ngài  hiện thân trong sự ưa thích mà John Dawson lúc này tạo ra nơi tôi.  Có thể Thượng đế là sự này, sự thiếu hận thù giữa kẻ hành quyết và nạn nhân.

Chỉ hai chúng tôi trong hầm giam chật hẹp.  Hắn ngồi trên sạp và tôi đứng trước mặt hắn, chằm chặp nhìn nhau.  Tôi thèm được nhìn mình qua đôi mắt hắn.  Có thể hắn cũng đang thèm nhìn hắn qua đôi mắt tôi.  Tôi cảm thấy không hận thù, không oán ghét cũng chẳng xót thương; tôi thích hắn, thế thôi.  Tôi thích cách hắn nhíu mày mỗi khi suy nghĩ, cách hắn nhìn xuống móng tay mình khi cố sắp xếp các ý nghĩ.  Trong hoàn cảnh khác, hắn có thể là bạn của tôi.

“Có phải anh là kẻ đó?” hắn đột ngột hỏi.

Làm sao hắn đoán ra?  Có thể là do khứu giác.  Cái chết thì có mùi và tôi mang mùi đó theo mình vào đây.  Hoặc có thể tôi vừa bước qua cửa thì hắn đã thấy tôi không tay không chân không vai mà chỉ toàn mắt với mắt.

“Đúng,” tôi nói.

Tôi cảm thấy bình tĩnh.  Cái bước trước bước cuối này là bước khắc nghiệt; bước cuối này đưa tới tỉnh táo và an lòng.

“Anh tên gì?” hắn hỏi.

Câu hỏi làm tôi bối rối.  Có phải mọi kẻ bị kết án đều buộc lòng phải hỏi câu đó?  Tại sao hắn muốn biết tên kẻ hành quyết mình?  Nhằm mang tên đó theo cùng hắn sang thế giới bên kia?  Để làm gì?  Có lẽ tôi chẳng nên nói cho hắn biết, nhưng tôi không thể từ chối đối với người đã bị lên án chết.

“Elisha,” tôi nói.

“Đầy nhạc tính,” hắn nhận xét.

“Đó là tên người đệ tử của E-li-a.  Ông ấy đã làm cho một cậu bé sống lại bằng cách nằm ấp lên người và hà hơi vào miệng cậu bé ấy.”

“Anh đang làm điều ngược lại,” hắn nói với một nụ cười.

Không có dấu vết căm ghét hoặc hận thù nào trong giọng nói của hắn.  Có lẽ hắn cũng cảm thấy tỉnh táo và an lòng.

“Anh bao nhiêu tuổi?” hắn hỏi, giọng quan tâm.

Mười tám, tôi nói với hắn.  Và vì lý do nào đó, tôi thêm: “Gần mười chín.”

Hắn ngẩng đầu lên, trên bộ mặt gầy và đột nhiên đanh lại của hắn lộ vẻ thương xót.  Hắn chăm chú nhìn tôi trong vài giây, rồi gật đầu buồn bã:

“Tôi lấy làm buồn cho anh,” hắn nói.

Tôi cảm thấy lòng thương xót của hắn xuyên suốt người tôi.  Tôi biết rằng nó đang lan toả khắp châu thân tôi và rằng ngày kế tiếp đây, tôi sẽ lấy làm buồn cho chính mình.

“Hãy kể chuyện cho tôi nghe,” tôi nói.  “Một chuyện khôi hài, nếu anh có thể.”

Tôi cảm thấy thân xác mình trở nên nặng nề.  Ngày kế tiếp đây sẽ nặng nề hơn, tôi ngẫm nghĩ.  Ngày kế tiếp đây sẽ nặng trĩu vì sực sống của tôi và cái chết của hắn.  “Tôi là kẻ cuối cùng anh thấy trước khi anh chết,” tôi tiếp tục.  “Hãy cố làm cho kẻ đó cười.”

Thêm lần nữa tôi bị vây bọc bởi cái nhìn thương xót của hắn.  Tôi tự hỏi không biết có phải mọi kẻ bị kết án chết đều nhìn người cuối cùng theo cách giống như hắn đang nhìn, không biết có phải mọi nạn nhân đều thương xót kẻ hành quyết mình.

“Tôi lấy làm buồn cho anh,” John Dawson lặp lại.

Tôi cố hết sức để khỏi cười thành tiếng.

“Đó không phải là chuyện nực cười,” tôi nhận xét.

Tới lượt hắn cười tôi, trong hai nụ cười của chúng tôi, nụ nào buồn hơn?

“Anh có chắc nó không buồn cười?”

Không, tôi không chắc.  Có thể nó có cái gì đó tức cười.  Nạn nhân ngồi, kẻ hành quyết đứng -- đang cười và sẽ hiểu nhau rõ hơn nếu cả hai cùng là bạn thiếu thời.  Đó là công việc của thời gian.  Quét sạch lớp vỏ ngoài của những thái độ qui ước.  Mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ, là một sự thật trần trụi thay vì chỉ là một trong những bề mặt của nó.  Giữa hai chúng tôi có sự hoà điệu; nụ cười của tôi đáp trả nụ cười của hắn; lòng thương xót của hắn là lòng thương xót của tôi.  Chưa ai từng hiểu tôi như hắn hiểu trong giờ này.  Tuy thế, tôi biết rằng đây hoàn toàn là do vai trò mà chúng tôi bị bắt phải gánh vác.  Điều đó biến nó thành khôi hài.

“Ngồi xuống đi,” John Dawson nói, nhích qua một bên dành chỗ cho tôi ngồi sát bên trái hắn, trên sạp.  Tôi ngồi xuống.  Lúc ấy tôi mới nhận ra hắn cao hơn hẳn tôi một cái đầu.  Và chân hắn dài hơn hai chân không chạm được tới đất của tôi.

“Tôi có đứa con trai bằng tuổi anh,” hắn bắt đầu.  “Nhưng nó không giống anh chút nào.  Nó tóc vàng hoe, mạnh và khoẻ.  Nó thích ăn, uống, đi xinê, cười, hát và đi chơi với các cô gái.  Nó hoàn toàn không có cái khắc khoải, bất hạnh của anh.”

Và hắn tiếp tục kể thêm với tôi về đứa con trai của hắn “đang học đại học Cambridge.”  Mỗi câu là một ngọn lửa nung nấu thể xác tôi.  Tôi vỗ bàn tay vào khẩu súng lục trong túi quần mình.  Khẩu súng cũng nóng rực và đốt cháy các ngón tay tôi.

Tôi nói với tôi, mình đừng nghe hắn.  Hắn là kẻ thù của tôi, và kẻ thù thì không có chuyện này chuyện nọ.  Tôi phải nghĩ tới cái gì khác.  Đó là lý do tôi muốn gặp hắn, để nghĩ tới cái gì khác trong khi hắn đang nói.  Cái gì khác...cái gì đây? Tới Ilana? Tới Gad? Vâng, tôi nên nghĩ tới Gad, kẻ đang nghĩ tới David.  Tôi nên nghĩ tới vị anh hùng của chúng tôi, David ben Moshe.

Tôi nhắm mắt lại để nhìn David rõ hơn nhưng vô ích vì tôi chưa bao giờ gặp anh.  Một cái tên thì không đủ, tôi nghĩ.  Người ta phải có một bộ mặt, một giọng nói, một hình hài, và gắn cái tên David ben Moshe lên những cái đó.  Tốt hơn là hãy nghĩ tới một bộ mặt, một giọng nói, một hình hài mà tôi thật sự biết.  Gad?  Không, thật khó tưởng tượng Gad làm một kẻ bị buộc phải chết.  Bị buộc phải chết...vậy đó.  Tại sao trước đây tôi không nghĩ tới việc ấy.  John Dawson bị buộc phải chết, tại sao tôi không gắn lên hắn cái tên David ben Moshe?  Vì trong năm phút nữa, ngươi là David ben Moshe...trong ánh sáng trắng, lạnh và ẩm của tử ngục tại nhà tù ở Acre.  Có tiếng gõ cửa, rồi vị thầy cả bước vào hát Thánh vịnh với anh và nghe anh đọc kinh Vidui, lời tự thú kinh hoàng trong đó anh thừa nhận trách nhiệm của mình không chỉ về những tội lỗi anh đã phạm mà còn về những người mà có thể anh đã khiến cho họ phạm tội bằng lời nói, cử chỉ hay ý nghĩ của anh.  Vị thầy cả ban phép lành truyền thống cho anh: “Thiên Chúa ban ơn phúc cho con và gìn giữ con...” và cổ vũ anh đừng sợ.  Anh trả lời rằng anh không sợ, rằng nếu có cơ hội, anh lại sẽ làm cái việc giống y như thế, làm đầy đủ từ đầu tới cuối.  Vị thầy cả mỉm cười và nói rằng mọi người bên ngoài đều hãnh diện về anh.  David quá đổi xúc động và xúc động sâu xa tới độ rõ ràng là đang cố kềm lại những giọt nước mắt của anh; sau cùng vì cố gắng đó vượt quá sức mình, anh thổn thức thành tiếng.  Nhưng anh, David, anh đừng khóc.  Anh nên dành những cảm xúc đằm thắm cho vị thầy cả vì ông ấy là người sau cùng trong cuộc đời (không tính kẻ hành quyết và những phụ tá của y) mà anh thấy trước khi anh chết.  Vì ông ấy đang thổn thức nên anh cố an ủi ông.  “Đừng khóc,” anh nói; “con không sợ.  Thầy không cần phải lấy làm buồn cho con.”

“Tôi lấy làm buồn cho anh,” John David nói.  “Anh làm tôi lo nghĩ, chứ không phải là con trai tôi.”

Hắn đặt chân xuống sàn.  Hắn cao quá tới độ khi đứng lên, phải khom người để đầu khỏi đụng trần.  Hắn đút tay vô túi quần kaki nhăn nhúm và bắt đầu đi tới đi lui trong hầm giam: năm bước theo hướng này, năm bước theo hướng ngược lại.

“Tôi công nhận cái đó tức cười thật,” tôi nhận xét.

Hắn có vẻ không nghe mà tiếp tục đi giáp vách này tới giáp vách kia.  Tôi nhìn đồng hồ; bốn giờ hai mươi.  Đột nhiên hắn dừng lại trước mặt tôi, hỏi thuốc lá.  Trong túi tôi có một gói và tôi muốn cho hắn hết.  Nhưng hắn không chịu lấy cả gói, nói hết sức điềm tĩnh rằng hắn không có thì giờ hút hết.

Rồi với giọng bỗng nhiên nôn nóng, hắn hỏi tôi:

“Anh có viết chì và giấy không?”

Tôi xé vài trang trong cuốn sổ tay, đưa cho hắn với cây viết chì.

“Tôi muốn gởi cho con trai tôi ít chữ thôi,” hắn bày tỏ.  “Tôi sẽ ghi lại địa chỉ.”

Tôi đưa hắn cuốn sổ tay để kê.  Hắn đặt cuốn sổ lên mặt sạp, và trong tư thế đứng, hắn cúi người xuống viết.  Trong vài phút, chỉ có tiếng bút chì sột soạt trên giấy khua động sự yên lặng.

Tôi nhìn không chớp mắt vào bàn tay mịn màng của hắn với những ngón tay dài, thon và thanh tú.  Với đôi bàn tay như thế này, tôi nghĩ, thì người ta dễ kết bạn.  Không cần phải cúi đầu, mỉm cười, trò chuyện, xưng tụng hoặc tặng hoa.  Đôi tay như thế này làm thay hết tất cả những cái đó.  Rodin hẳn thích tạc đôi tay này...

Ý nghĩ về Rodin khiến tôi nhớ tới Stefan, một người Đức tôi quen tại Buchenwald.  Trước chiến tranh, anh là nhà điêu khắc, nhưng khi tôi gặp anh thì lũ Quốc xã đã cắt sạch các ngón tay phải của anh.

Tại Berlin, vào những năm đầu thời Hitler mới cầm quyền, Stefan cùng một số bạn hữu tổ chức một nhóm kháng chiến.  Sau một thời gian ngắn thành lập, nhóm còn đang phôi thai thì bị Gestapo phát hiện.  Stefan bị bắt, bị hỏi cung và bị tra tấn.  Chúng nói, mầy hãy khai báo cho chúng tao tên mấy đứa kia rồi tao sẽ thả mầy ra.  Chúng đánh anh, bỏ đói anh nhưng anh không khai.  Ngày tiếp ngày, đêm liền đêm, chúng không cho anh ngủ nhưng anh vẫn không chịu thua.  Cuối cùng anh bị dẫn tới trước viên chỉ huy trưởng Gestapo ở Berlin.  Tên xếp ấy là người ngọt ngào, cả thẹn.  Với cung cách một người cha có giọng nói dịu dàng, tên xếp khuyên anh chấm dứt cung cách ngớ ngẩn dại dột đó.  Nhà điêu khắc nghe hắn bằng thái độ câm nín như đá.  “Mau mắn lên chút chứ,” tên xếp nói, “Anh chỉ cần nói cho ta biết tên một đứa thôi, như một dấu hiệu thiện chí.”  Stefan vẫn không nói.  “Tệ thật,” tên xếp nói, “Anh ép chúng tôi phải làm đau anh.”

Theo mật hiệu của tên xếp, hai lính SS dẫn người tù vào nơi giống như một phòng mỗ.  Tại đó có chiếc ghế chữa răng kê gần cửa sổ.  Bên cạnh ghế, trên mặt bàn phủ vải dầu trắng, sắp ngay ngắn các y cụ giải phẫu.  Chúng đóng cửa sổ, cột Stefan vô ghế rồi châm thuốc hút.  Viên xếp có phong thái ngọt ngào đó vào phòng, mặc áo khoác trắng của bác sĩ.

“Anh đừng sợ,” hắn nói; “ta từng là bác sĩ giải phẫu.”

Hắn lúi húi sửa soạn đồ nghề, xong ngồi xuống ghế trước mặt người tù.  “Anh đưa ta bàn tay phải của anh,” hắn nói.  Nhìn săm soi tỉ mỉ bàn tay, hắn thêm:  “Ta được biết anh là nhà điêu khắc.  Anh chẳng có điều gì khai, phải không?  Được.  Ta cũng biết như vậy.  Ta có thể phát hiện chúng từ bàn tay anh.  Bàn tay của con người nói cho biết nhiều điều về hắn.  Thí dụ bàn tay của ta.  Chẳng bao giờ anh coi chúng là bàn tay của một bác sĩ giải phẫu, phải không?  Sự thật là ta chẳng bao giờ muốn làm bác sĩ.  Ta chỉ muốn làm họa sĩ hay nhạc sĩ.  Tuy ta không bao giờ trở thành kẻ ta muốn nhưng ta vẫn có bàn tay của một nghệ sĩ.  Anh nhìn chúng đây này.”

“Tôi nhìn chúng và mê mẩn,”  Stefan kể với tôi.  “Hắn có bàn tay tuyệt đẹp, đẹp nhất, thiên thần nhất tôi chưa từng thấy.  Anh phải tin rằng bàn tay của hắn là của một người nhạy cảm và thanh cao.”

“Là nhà điêu khắc, anh cần bàn tay của anh,” tên xếp Gestapo tiếp tục.  “Rủi thay, chúng ta không cần tới chúng,” và vừa nói hắn vừa cắt một ngón tay của anh.

Ngày tiếp đó, hắn cắt ngón tay thứ nhì, và ngày kia nữa, hắn cắt ngón tay thứ ba.  Năm ngày, năm ngón tay.  Trọn năm ngón tay của bàn tay phải ra đi.

“Anh đừng lo gì cả,” tên xếp trấn an.  “Xét theo quan điểm y học, mọi sự đang diễn ra trong trật tự.  Không có nguy cơ làm độc.”

“Tôi gặp hắn năm lần,” Stefan kể với tôi.  (Vì lý do nào đó không cắt nghĩa được, anh không bị giết mà chỉ bị tống vào trại tập trung).  “Suốt năm ngày, lần nào tôi cũng thấy hắn thật gần.  Mỗi lần như thế, tôi không thể không nhìn vào hai bàn tay của hắn, đôi bàn tay có hình dáng tuyệt vời, đẹp nhất tôi chưa từng thấy...”

John Dawson viết xong mấy hàng chữ, đưa tờ giấy cho tôi nhưng tôi hầu như không nhìn nó.  Mắt tôi đang dán chặt vào đôi bàn tay mịn màng, thanh nhã của hắn.

“Anh có phải là một nghệ sĩ?” tôi hỏi hắn.

Hắn lắc đầu.

“Anh có từng vẽ hoặc chơi một nhạc cụ, hoặc ít ra từng muốn làm việc đó?”

Hắn im lặng nhìn tôi chằm chặp rồi nói với giọng khô rang:

“Không.”

“Vậy có thể anh từng học ngành y.”

“Tôi chưa bao giờ học y,” hắn nói, gần như nổi cáu.

“Tệ thật.”

“Tệ thật? Tại sao?”

“Hãy nhìn hai bàn tay anh.  Chúng là bàn tay của một bác sĩ giải phẫu.  Loại bàn tay để cắt các ngón tay.”

Hắn khoan thai đặt các tờ giấy xuống.

“Có phải đây là một chuyện khôi hài?” hắn hỏi.

“Vâng, rất khôi hài.  Cái gã kể chuyện đó cho tôi nghe đã nghĩ như vậy.  Hắn thường cười chuyện đó miết cho tới khi hắn khóc.”

John Dawson lúc lắc đầu và nói bằng giọng buồn vô hạn.

“Anh căm thù tôi, phải không?”

Tôi chẳng chút nào căm thù hắn, nhưng tôi muốn căm thù hắn.  Hận thù biến việc này trở thành hoàn toàn dễ thực hiện.  Hận thù -- cũng giống như đức tin hoặc tình yêu hoặc chiến tranh -- biện hộ cho mọi sự.

“Elisha, tại sao ngươi giết John Dawson?”

“Hắn là kẻ thù của tôi.”

“John Dawson? Kẻ thù của ngươi? Ngươi phải giải thích điều ấy rõ hơn.”

“Được lắm.  John Dawson là một người Anh.  Người Anh là kẻ thù của người Do thái tại Palestine.  Vậy John Dawson là kẻ thù của tôi.”

“Nhưng Elisha, ta vẫn không hiểu được tại sao ngươi giết hắn.  Phải chăng ngươi là kẻ thù độc nhất của hắn?”

“Không, nhưng tôi có lệnh trên.  Ngươi đã biết cái đó nghĩa là gì rồi.”

“Và có phải lệnh trên biến hắn thành kẻ thù độc nhất của ngươi?  Ngươi nói đi, Elisha.  Tại sao ngươi giết John Dawson?”

Nếu tôi viện lẽ thù hận thì tất cả những câu hỏi ấy đều thừa thải.  Tại sao tôi giết John Dawson.  Vì tôi căm thù hắn, thế thôi.  Tính cách tuyệt đối của hận thù cắt nghĩa được cho bất cứ hành động nào của con người dù hành động đó có mang trong nó điều gì đó bất nhân.

Chắc chắn là tôi muốn căm thù hắn.  Đó là phần nào lý do khiến tôi dấn mình vào cuộc chuyện trò với hắn trước khi tôi giết hắn.  Về phía tôi điều đó thật phi lý, nhưng thực tế, trong khi đôi bên trò chuyện, tôi hy vọng sẽ tìm thấy trong hắn hoặc trong tôi điều gì đó làm phát sinh thù hận.

Một người căm thù kẻ thù của mình vì hắn căm thù sự thù hận của chính mình.  Người ấy tự nhủ:  Gã này, kẻ thù của tôi, đã khiến cho tôi có thể thù hận.  Tôi căm thù hắn không phải vì hắn là kẻ thù của tôi, cũng không phải vì hắn căm thù tôi nhưng là vì hắn làm lòng tôi dậy lên thù hận.  Tôi tự nhủ, John Dawson đã khiến cho tôi thành kẻ giết người.  Hắn đã biến tôi thành một kẻ giết tên John Dawson.  Hắn xứng đáng với lòng căm thù của tôi.  Nếu không do hắn thì tôi vẫn là kẻ giết người, nhưng tôi không là kẻ giết tên John Dawson.

Vâng, tôi bước xuống hầm giam để tiếp dưỡng sự thù hận.  Chuyện này hình như khá dễ dàng.  Các quân đội và các chính phủ trên thế giới có kỹ thuật cụ thể để kích thích thù hận.  Bằng các diễn văn và các loại tuyên truyền muôn hình muôn vẻ, họ tạo ra hình ảnh của kẻ thù trong đó kẻ thù lúc nào cũng là hiện thân của cái ác, biểu tượng của đau khổ, nguồn gốc của tàn bạo và bất công.  Tôi tự nhủ, kỹ thuật đó chắc ăn, và tôi sẽ áp dụng nó trên nạn nhân của tôi.

Tôi đã cố gắng qui chiếu nó.  Mọi kẻ thù đều chẳng hơn kém gì nhau, tôi nói.  Kẻ này chịu trách nhiệm về tội ác kẻ kia phạm.  Chúng có những bộ mặt khác nhau nhưng bàn tay chúng đều giống nhau, những bàn tay cắt lưỡi và chặt tay các bạn tôi.

Khi bước xuống cầu thang, tôi chắc chắn mình sẽ gặp kẻ đang bắt David ben Moshe phải chết, kẻ đã giết cha mẹ tôi, kẻ đã xuất hiện chắn ngang giữa tôi và con người tôi muốn trở thành, và kẻ lúc này sẵn sàng giết con người ấy trong tôi.  Tôi cảm thấy chắc chắn một trăm phần trăm rằng tôi sẽ căm thù hắn.

Việc ngó thấy bộ quân phục của hắn châm thêm dầu vào lửa của tôi.  Để làm bốc thêm thù hận của tôi thì không gì hơn một bộ quân phục.  Khi nhìn đôi bàn tay thon của hắn, tôi nói với mình: Stefan sẽ vì đôi bàn tay ấy mà tạo ra lòng thù hận của tôi.  Còn nữa, khi hắn cúi xuống viết những hàng chữ vĩnh biệt cho con trai của hắn, đứa con trai “đang học đại học Cambridge”, đứa con trai “thích cười và đi chơi với các cô gái”, tôi nghĩ, David cũng đang viết lá thư cuối cùng, có thể là cho Ông Già, trước khi đút đầu mình vào dây thòng lọng treo cổ.  Và trong khi hắn nói, tim tôi lang thang tới David, kẻ đang không có người nào để trò chuyện trừ vị thầy cả.  Anh không thể trò chuyện với thầy cả vì anh còn lo sửa soạn những lời sau chót mà anh sắp nói với Thượng đế.  Anh có thể thú nhận tội lỗi của anh, hát Thánh vịnh hoặc đọc những câu kinh dành cho kẻ chết, tiếp nhận lời an ủi của thầy cả hoặc làm khuây khoả thầy cả, nhưng anh không thể trò chuyện, thật ra là không thể.

Tôi nghĩ tới David, kẻ tôi chưa bao giờ gặp và sẽ không bao giờ quen.  Vì anh không phải người đầu tiên trong chúng tôi bị treo cổ nên chúng tôi biết chính xác anh chết vào lúc nào và chết như thế nào.  Khoảng năm giờ sáng, cửa xà lim mở và quản đốc nhà giam sẽ nói: David ben Moshe, chuẩn bị; thời gian tới rồi.  “Thời gian tới rồi”, đây là câu nói có tính cách nghi thức, như thể chỉ có thời gian này mới có ý nghĩa, các thời gian khác đều vô nghĩa.  David sẽ đưa mắt nhìn quanh phòng, và vị thầy cả sẽ nói: “Đến đây, con của ta.”  Họ sẽ cùng đi ra để lại đằng sau mình cửa xà lim vẫn mở (vì lý do nào đó, chẳng bao giờ có ai nhớ đóng nó lại) và bắt đầu bước vào một hành lang dài dẫn tới phòng hành quyết.  Vì là người quan trọng nhất trong giờ đó và thấy rõ rằng những người kia tới đây chỉ vì mình, David sẽ đi chính giữa nhóm người đó.  Anh sẽ bước đi, ngẩng cao đầu -- mọi anh hùng của chúng tôi đều ngẩng cao đầu -- và một nụ cười kỳ dị trên môi.  Bên phía khác của hành lang, một trăm cặp mắt cặp tai đang chờ anh đi qua, và tù nhân đầu tiên trong số các tù nhân, thấy anh tới gần, sẽ xướng bài Hatikva, bài ca hi vọng.  Nhóm người đó càng tiến bước thì bài ca càng vang lên lớn hơn, đầy tình người hơn, mạnh mẽ hơn, cho tới khi âm thanh của nó ngang với tiếng của các bước chân.

Khi John Dawson nói tới con trai của hắn, tôi nghe đang vang lên tiếng bước chân của David và âm thanh của bài ca đó.  Với lời lẽ của mình, John Dawson cố khỏa lấp các bước chân ấy, cố xóa sạch quang cảnh David đang bước vào hành lang với nụ cười kỳ dị trên môi anh, cố nhận chìm âm thanh ảo nảo của Hatikva, bài ca hi vọng.

Tôi muốn căm thù hắn.  Hận thù sẽ làm mọi sự trở nên giản dị... Tại sao ngươi giết John Dawson?  Tôi giết hắn vì tôi căm thù hắn.  Tôi căm thù hắn vì David ben Moshe căm thù hắn; và David ben Moshe căm thù hắn vì hắn trò chuyện trong khi David bước vào hành lang ảm đạm đi tới tận đầu mút đằng kia của nó để gặp cái chết của chính mình.

“Elisha, anh căm thù tôi, phải không?” John Dawson hỏi.  Trong mắt hắn có cái nhìn chan chứa dịu dàng.

“Tôi đang ra sức căm thù anh,” tôi trả lời.

“Elisha, tại sao anh phải ra sức căm thù tôi?”

Hắn nói bằng giọng nồng ấm, thoáng buồn và rõ ràng là không có chút tò mò nào.

Tại sao?  Tôi tự hỏi.  Thật là một câu đáng hỏi!  Không có hận thù thì tất cả những gì các đồng chí của tôi và tôi đang làm đều vô ích.  Không có hận thù thì chúng tôi không hy vọng đạt chiến thắng.  Tại sao tôi ra sức căm thù anh, John Dawson?  Vì dân tộc của chúng tôi không bao giờ biết cách căm thù.  Suốt những thế kỷ qua, thảm kịch của họ xuất phát từ sự họ không có khả năng căm thù những kẻ sỉ nhục họ và thỉnh thoảng diệt chủng họ.  Lúc này, cơ hội độc nhất của chúng tôi nằm trong sự căm thù anh.  Bằng không, John Dawson ạ, tương lai của chúng tôi sẽ chỉ là sự tiếp nối quá khứ ấy và Đấng Cứu thế sẽ không chờ đến vô tận cho cuộc giải phóng của ngài.

“Tại sao anh phải ra sức căm thù tôi?” John Dawson hỏi thêm lần nữa.

“Để cho hành động của tôi mang một ý nghĩa dù gì đi nữa cũng vượt lên trên nó.”

Thêm lần nữa, hắn chầm chậm lúc lắc đầu.

“Tôi lấy làm buồn cho anh,” hắn lặp lại.

Tôi nhìn đồng hồ mình.  Năm giờ thiếu mười.  Mười phút nữa.  Trong mười phút nữa tôi sẽ thực hiện hành động quyết định nhất và quan trọng nhất đời tôi.  Tôi đứng lên khỏi giường.

“Chuẩn bị đi, John Dawson,” tôi nói.

“Tới giờ rồi ư?” hắn hỏi.

“Sắp tới rồi,” tôi trả lời.

Hắn ngẩng lên và dựa đầu vào vách, có lẽ là để tom góp các ý nghĩ hoặc để cầu nguyện hay để làm điều gì đó đại loại như thế.

Năm giờ thiếu tám phút.  Tám phút nữa.  Tôi rút khẩu súng lục ra khỏi túi quần.  Tôi sẽ làm gì nếu hắn tính giật súng khỏi tay tôi?  Hắn sẽ không có cơ hội thoát.  Ngôi nhà này được canh gác chặt chẽ và không có lối nào ra khỏi hầm giam này trừ ngả đi qua nhà bếp.  Gad, Gideon, Joab và Ilana đang canh chừng cầu thang, và John Dawson biết chuyện đó.

Năm giờ thiếu sáu phút.  Sáu phút nữa.  Đột nhiên tôi cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo.  Có ánh sáng bất ngờ trong hầm này; những lằn ranh đã vạch, các vai trò đã được xác định rõ rệt.  Thời gian hoài nghi, tra vấn và bất định đã qua rồi.  Tôi là bàn tay đang cầm khẩu súng lục; tôi là khẩu súng lục đang được cầm trong tay tôi.

Năm giờ thiếu năm phút.  Năm phút nữa.

“Đừng sợ, con,” vị thầy cả nói với David ben Moshe.  “Thiên Chúa ở cùng con.”

“Đừng lo, ta là bác sĩ giải phẫu,” tên xếp Gestapo có phong thái ngọt ngào nói với Stefan.

“Tờ giấy tôi viết,” John Dawson vừa nói vừa xoay người lại, “Anh sẽ gởi nó cho con trai tôi, phải không?”

Hắn đang đứng dựa vách; hắn là bức vách.  Năm giờ kém ba phút.  Ba phút nữa.

“Thiên Chúa ở cùng con,” vị thầy cả nói.  Ông đang khóc nhưng lúc này David không thấy ông.

“Tờ giấy tôi viết, anh sẽ không quên, phải không?” John Dawson nằng nặc.

“Tôi sẽ gởi nó,” tôi hứa, và vì lý do nào đó tôi thêm: “Tôi sẽ gởi hôm nay, qua bưu điện.”

“Cám ơn,” John Dawson nói.

David đang đi vào căn phòng nơi anh khi ra sẽ không còn sống nữa.  Người treo cổ đang chờ anh.  Hắn chỉ toàn mắt với mắt.  Davit leo tới thòng lọng.  Người treo cổ hỏi anh có muốn bịt mắt không.  David kiên quyết trả lời không.  Chiến sĩ Do thái chết với đôi mắt mở, muốn nhìn tận mặt cái chết.

Năm giờ thiếu hai phút.  Tôi rút chiếc khăn tay ra khỏi túi nhưng John Dawson ra lệnh cho tôi nhét vào lại.  Người Anh chết với đôi mắt mở, muốn nhìn tận mặt cái chết.

Năm giờ thiếu sáu mươi giây.  Một phút nữa.

Cửa hầm giam mở ra không một tiếng động, và những người chết kéo nhau vào, làm căn hầm tràn ngập sự im lặng của họ.  Hầm giam chật hẹp trở thành ngột ngạt gần như không chịu đựng nổi.

Người ăn mày chạm vai tôi và nói:

“Ngày đã gần kề.”

Và cậu bé, kẻ nhìn theo cách tôi từng nhìn, nói với vẻ lấn cấn lộ rõ trên mặt:

“Đây là lần đầu tiên --” giọng nói của nó lê thê, và rồi như thể nhớ ra mình đã buông lửng câu nói, nó níu lại, nói tiếp, “lần đầu tiên tôi nhìn một  cuộc hành quyết.”

Cha tôi và mẹ tôi cũng có mặt, và ông thầy tóc hoa râm, và Yerachmiel.  Sự im lặng của họ nhìn tôi chằm chặp.

David cứng người và bắt đầu hát bài Hatikva.

John Dawson mỉm cười, với cái đầu dựa vào vách và thân người thẳng thật thẳng như thể đang chào một tướng lãnh.

“Tại sao anh mỉm cười?” tôi hỏi.

“Cậu chớ bao giờ hỏi một người đang nhìn cậu về lý do nụ cười của hắn,” người ăn mày nói.

“Tôi đang mỉm cười,” John Dawson nói, “vì bỗng dưng tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng, tôi không biết tại sao tôi sắp chết.”  Và sau một chút im lặng, hắn thêm: “Anh có biết không?”

“Cậu thấy chứ?” người ăn mày nói.  “Tôi đã bảo cậu chớ đặt câu hỏi nào cho người sắp chết.”

Hai mươi giây.  Phút này dài hơn sáu mươi giây.

“Đừng cười,” tôi nói với John Dawson.  Điều tôi có ý nói là:  “Tôi không thể bắn người đang cười.”

Mười giây.

“Tôi muốn kể anh nghe một câu chuyện,” hắn nói, “một câu chuyện tức cười.”

Tôi nâng cánh tay phải lên.

Năm giây.

“Elisha---”

Hai giây.  Hắn vẫn mỉm cười.

“Tệ thật,” cậu bé nói.  “Tôi muốn nghe câu chuyện của hắn.”

Một giây.

“Elisha---” con tin nói.

Tôi bắn.  Khi hắn nói lên tên tôi thì hắn đã chết; viên đạn đã xuyên tim hắn.  Một người chết, môi người ấy vẫn ấm, đã nói lên tên tôi: Elisha.

Hắn té chầm chậm xuống đất, như thể hắn tuột người xuôi theo bức vách.  Thi thể hắn vẫn trong tư thế ngồi, đầu cúi xuống giữa hai đầu gối như thể hắn vẫn đang ngồi chờ bị giết.  Tôi ở lại một chút bên hắn.  Đầu tôi nhức và thân xác tôi hóa ra nặng nề.  Phát súng nổ, để lại tôi điếc tai và đờ đẩn.  Thế thôi, tôi nói với mình.  Xong rồi.  Tôi đã và đang giết.  Tôi đã và đang giết Elisha.

Các bóng ma bắt đầu rời căn hầm, mang John Dawson theo với họ.  Cậu bé đi một bên hắn như thể hướng dẫn hắn.  Tôi nghe hình như mẹ tôi nói:  “Đứa con trai khốn khổ!  Đứa con trai khốn khổ!”

Rồi với bước chân nặng nề, tôi lần theo cầu thang dẫn lên nhà bếp.  Tôi bước vào căn phòng, nhưng căn phòng không giống như cũ nữa.  Các bóng ma đã đi.  Joab không còn ngáp.  Gideon đang nhìn xuống móng tay mình và cầu nguyện cho người chết được an nghỉ.  Ilana đưa bộ mặt sầu muộn về phía tôi; Gad châm thuốc lá.  Họ im lặng, nhưng sự im lặng lúc này khác sự im lặng suốt đêm dài đã đè nặng lên tôi.  Đằng chân trời, mặt trời đang mọc.

Tôi bước tới cửa sổ.  Thành phố còn ngủ.  Đâu đó đứa bé thức giấc và bắt đầu khóc.  Tôi thèm nghe có con chó nào đó cất tiếng sủa nhưng quanh đây không chỗ nào có chó.

Đêm cuốn đi, để lại đằng sau ánh sáng xam xám màu ao tù nước đọng.  Chẳng bao lâu chỉ còn lại mảnh tả tơi của bóng tối lơ lửng giữa không trung phía bên kia cửa sổ.  Mảnh tả tơi của bóng tối đó có một bộ mặt.  Nhìn vào bộ mặt đó tôi hiểu lý do sự sợ hãi của tôi.  Bộ mặt đó là bộ mặt của chính tôi.

 

Xem tiếp phần ba trong những ngày tới.

Chương : 1    2    3  
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1293
Ngày đăng: 22.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Dấu ấn Đồng Quê - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)