Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.674.486
 
Vấn đề con người trong tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai
Trần Thị Ngọc Lan

(Sách của Nhà xuất bản Văn học 2009)

 

Ngay từ đầu, khi mới tiếp xúc với bản thảo Hư thực, tôi đã rất ngạc nhiên và đánh giá cao sự lựa chọn của Phùng Văn Khai trong tiểu thuyết này. Anh mạnh dạn lựa chọn một cách viết ảo hóa, để đi sâu mổ xẻ đời sống tâm lý và thân phận con người. Đây là tiểu thuyết đầu tay của anh, bị thôi thúc bởi đòi hỏi phải cách tân, phải đổi mới, chống lại sức ì trong văn học. Đầu tay chỉ là một cách nói, sau này tôi hy vọng người ta không còn dùng đến khái niệm này nữa, dù nó chỉ là hình thức; sau này người ta sẽ tuyệt đối chú mục vào giá trị tác phẩm.

 

Điều tôi quan tâm nhất và theo tôi cũng là vấn đề bao trùm tiểu thuyết Hư thực, đó chính là vấn đề con người. Có một cái gì đó trỗi lên trong cuốn sách: Cái hồn vía của nó. Những khao khát tích cực được phục vụ con người, bênh vực, yêu thương con người và cũng cảnh báo với con người, Phùng Văn Khai đã gửi trọn vào câu chữ, hồn cốt của cuốn tiểu thuyết.

 

Con người, theo Phùng Văn Khai bộc bạch ở Lời mở đầu tiểu thuyết, phải vật lộn không ngừng giữa cái thiện và ác, tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn, thánh thần và quỷ sứ. Tôi tin lời Phùng Văn Khai và cố dọ dẫm trong tiểu thuyết xem anh hé lộ gì về con người, và có cái gì về con người mà anh đã nghĩ giống tôi (?). Thú thật, vấn đề này làm tôi tâm đắc nhất. Tôi thấy anh có biệt tài biến tấu về những suy nghĩ thầm kín, những âm mưu, toan tính của con người, bằng một giọng văn sắc lạnh và cái nhìn duy lý. Anh đã đóng đinh con người vào một bức tranh thê thảm tha hóa của đời sống; con người có chạy đi chạy lại, chạy ngược chạy xuôi, làm đủ trò đủ trống vẫn không lọt khỏi tầm mắt anh. Còn chuyến tàu đi xuyên trong đêm, Y và họ Đào cùng những câu chuyện về con người, chỉ là cách lựa chọn cảnh huống của anh. Anh rất quyết liệt trong những dòng ngôn ngữ màu đen, tỉnh táo, lạnh lùng, sắt đá, nhưng cũng đầy nhân hậu, đầy ẩn dụ, ngoa dụ để cảnh báo về một đời sống hắc ám đang tiếp diễn đến không ngừng. Sở trường của Phùng Văn Khai là dựa vào từng cảnh huống cụ thể để bộc bạch suy nghĩ về cuộc đời, về con người, biểu lộ những đau đớn giằng xé trong tâm thần con người, chính sự suy đồi đó kéo họ xuống vực sâu tha hóa. Qua đó, anh cũng bộc lộ trách nhiệm, lòng nhân hậu và nỗi ưu tư đối với những con người đau khổ đang tồn tại quanh anh, sự bất lực của họ mà anh nhìn thấy.

 

Con người thì có hai mặt đối mặt đối lập, có muôn mặt, đa chiều kích. Con người thì cô đơn, quạnh quẽ trong một hành trình, mà cuộc đời là tráo trở, đáng sợ, phù du. Những suy nghĩ bị dồn nén trong đêm sâu bật ra bi kịch của kiếp người, con người nhỏ bé mò mẫm trong tối tăm vô vọng. Những ý nghĩ sâu, cọ xát, đau đớn, một mất một còn. Những cảnh vật Phùng Văn Khai vẽ ra trong khu rừng của anh, đều rúm ró, tối tăm, u uẩn, lẩn quất một cách đáng ngờ. Bởi nó đã bị bủa vây bởi những hoài nghi, phi lý mà thế giới bao đời dồn cộng lại. Con người đã bị đóng đinh vào những thiện ác, thành một thứ gì định vị bất lực trên tấm phản cuộc đời. Chửi tục vô cớ đó là sở trường rất có duyên của Phùng Văn Khai, nhiều khi anh dùng rủa xả để bớt đi gánh nặng cuộc đời. Những ánh mắt ranh mãnh lóe lên của cái ác, những đối thoại, cật vấn, trả lời, phủ định, giằng co nơi tâm trí con người hiện lên nhất loạt. Những ảo giác lo sợ cuống cuồng trước tấm gương phản chiếu của người khác. Người với người là bạn, hay kẻ thù, những mâu thuẫn phát giác, sàng lọc, vi diệu, giằng xé hiện ra. Những hình ảnh, những suy nghĩ run rẩy, lo sợ cô đơn. Cuộc đấu tranh sinh tồn trong khu rừng nguyên sinh và bóng tối, số phận con người thật là nhỏ nhoi hãi hùng trong may rủi, định mệnh, kiếm tìm, không ai chịu trách nhiệm về nó, không ai đau cùng nó. Sự chết, sự mất tăm, vô tăm vô tích đã bắt buộc phải lên đường. Tất cả dường như là những ẩn dụ, những mật mã của Phùng Văn Khai về cuộc đời. Viễn ảnh con tàu, hành trình, cua cá, con suối, những thanh sạch và những nhơ bẩn, làm con người giật thột nhớ ra thân phận nhỏ nhoi trớ trêu trái khoáy của mình giữa đại ngàn vô tận. Trong cuộc kiếm tìm đó, danh vọng, hào nhoáng, sân khấu lu loa của cuộc đời chỉ còn là ảo ảnh phù du và vô nghĩa.

 

Một nhân vật chủ đạo của cuốn tiểu thuyết mà nhà văn xem như một tọa độ để soi chiếu, đó là họ Đào. Họ Đào là một nhà văn sống lạc lõng giữa cuộc đời. Trang 16: “… Văn chương họ Đào âm thầm nhân hậu. Văn phong lạ lùng, kỳ ảo da diết, vang sâu và rất thiện tâm, thiện chí ở cuộc đời. Oái ăm ở chỗ dường như rơi đúng vào cái buổi người ta không cần các đặc tính trên…(!)”. Nhân vật Y là bạn chí cốt của họ Đào dám nói về thời đại của Y như thế ư? Phùng Văn Khai có những phát biểu hết sức thú vị về con người và vạn vật: “Là con người chứ có phải thánh nhân, mặt trời mặt trăng đâu mà tự sống, tự hiểu, tự bỉ, tự tri, tự kỷ một mình”. Triết lý đó thẳng thắn, nhưng nhân ái, gần gũi khiến ta phải giật mình sững lại, lắng nghe trong sâu thẳm cõi người một tiếng vọng xa xôi. Bản chất của người với người là bạn tri âm, bởi họ cũng như nhau, cùng mò mẫm trên một con đường, lặn ngụp trong cuộc kiếm tìm vô vọng, nhưng cũng chính vì thế nên họ thù ghét, không thương xót, đùm bọc nhau, không tha thứ cho nhau, họ thù hận, muốn thủ tiêu nhau và thủ tiêu chính mình. Bối cảnh rừng già đêm tối âm u với những âm thanh da diết, khắc khoải, vô vọng cứ trở đi trở lại. Giữa cái thiên nhiên hoang vu trường cửu ấy, con người chỉ như một sinh vật phù du, nó không hiểu được sự phù du hữu hạn của nó, nên nó cứ mặc nhiên cắn xé, thủ tiêu nhau. Phùng Văn Khai khát vọng về con người, ước chi họ cùng đi một con đường và cứu vớt được nhau, nhưng đó là điều không tưởng. Cả nhóm người bỏ ra chỉ năm, bảy, mười ngày thời gian eo hẹp đó, để làm một cuộc phiêu lưu đi tìm chính mình, đi vào thế giới của mới, của lạ, của khác, nhưng cuộc đi thật chớp nhoáng, vì cuộc sống phù phiếm xa hoa đang réo gọi, rượt đuổi, hăm dọa, đón mời. Nhà văn đang cố gắng miêu tả chân xác những con người gớm ghét sự phù du, phù phiếm, vô nghĩa lý,  đang chạy trốn một thế giới thực đang chèn ép, bành trướng, cuộc sống ô uế nhiễm bẩn tràn ra khắp nơi, bồng bềnh, vô vọng. Xét cho cùng, con người không những tìm sự tồn tại, thú vui, mà còn tìm ý nghĩa, lẽ sống. Khi cuộc sống tinh thần không còn lý lẽ gì chân chính, thì đời sống vật chất và sự tồn tại có ý nghĩa gì? Con người cố bám vào bề mặt đời sống để tự đánh lừa mình, khỏa lấp sự cô đơn, hoang vắng của kiếp người. Tất cả là bề mặt, kiếp người là kiếp bướm, có một cái gì đen tối hù dọa con người.

 

Nhưng chính giữa khung cảnh ấy, những ý nghĩ tử tế của Y về cuộc đời, tốt xấu, nhân ái lại lạc lõng, rơi tõm vào thinh không. Khi chiến thắng thiên nhiên thì con người ngạo mạn và ảo tưởng về chính mình. Con người Y chui sâu vào cái bản thể tinh thần của mình để tìm ra cách lý giải ổn thỏa, định vị về thế giới. Phùng Văn Khai nghĩ nhiều, tìm tòi nhiều, chủ quan, sôi nổi, mà ít để cho nhân vật tự nói lên chính mình. Tôi ngạc nhiên: Phùng Văn Khai sao anh cô đơn thế? Cái nhân vật Y của anh suốt ngày tự đắc tự mãn, trồi lại tự chế giễu sự dốt nát tối tăm của mình. Cuộc đời là một cơ hội để làm lại chính mình trên đống đổ nát ấy, với những hãi sợ, những nghị lực và niềm hung ác của chính mình. Dù sao, sẽ có những lúc Y và họ Đào sẽ vụt lớn mạnh mẽ đẹp đẽ, phi phóng ngoạn mục qua đống đổ nát của cuộc đời mà họ đích thị là thủ phạm. Bởi vì họ đã nhìn thấy đống đổ nát, nhìn thấy đồng loại và nhìn thấy chính mình. Con người trước con mắt soi mói của Y chợt hiền, chợt thánh thiện, chợt buồn, rồi lại đa nghi, hung ác, xảo trá. Họ Đào có lòng nhân ái, yếu đuối, đã bị Y nhìn thấy. Không cái gì hổ thẹn nhục nhã đối với con người như khi bản thể, linh hồn, sự tồn tại bị người ta nhìn thấy. Phải lập tức đánh lạc hướng đi, phải che lấp, giấu nhẹm những điều đã bị nhìn thấy, bằng những điều điều phù phiếm ba hoa và mặt nạ nhân tạo. Những nỗi lòng tràn ứ, những dọa nạt ấm ức vô cớ, phi lý, phi nhân đã dàn bày ra, chứng tỏ đời sống con người là một sự chịu đựng.

 

Đọc Phùng Văn Khai dưới tầng ẩn dụ, mà thấy đầu óc ứ dồn, căng thẳng. Những suy nghĩ đa nghi, co dãn, kéo căng ra nhiều hướng, đến khi kéo được vào thì nó sẽ đứt tung, như kẻ thù tấn công phá hủy từ nhiều phía, con người không còn cơ hội sống sót. Nhưng con người cũng có đủ năng lực để tự hàn gắn vết thương và hồi sinh trở lại, như một con bạch tuộc, con ma cà rồng, như con đỉa. Con người dọa nạt, tức giận, hờn giận vô cớ, giết người vô cớ, cái ác trỗi lên bất ngờ do con người phải chịu đựng chính mình và thế giới quá lâu. Phùng Văn Khai khai thác khá tốt những ẩn ức, vô thức bộc lộ thành bản năng hoặc lý tính của con người. Nhưng giá như anh viết khách quan hơn, để nhân vật tự bộc lộ thì tốt. Đằng này, anh nắm lấy cổ nhân vật, bắt đi đâu là nó phải đi, bắt nghĩ gì nó phải nghĩ, bắt ngủ phải ngủ, bắt con mắt mở ra thì nó mở ra và phải nhìn, như con tốt vậy. Thật là anh đã đứng cao hơn nhân vật rồi đó!

 

Phùng Văn Khai tạo ra một không gian huyền bí chứa đựng những nghĩ suy tìm kiếm của con người, (trang 18), miêu tả con người từ tốt đẹp, nhân từ, đến hiền lành, yếu đuối, nhưng rút cục không thắng nổi dục vọng xấu xa mưu mô xảo quyệt. Sự đấu tranh, giết chóc giữa các quốc gia, các chủng loại thật hỗn loạn trong khu rừng đại ngàn, không có lòng tốt lòng xấu, lẽ phải công bằng, hiến pháp, pháp luật, mà chỉ bằng luật rừng, mạnh con nào con ấy sống.

 

Bí mật của họ Đào là những sự thật đớn đau, lòng nhân ái khôn cùng, sự sợ hãi, hoặc cũng có thể là họ Đào có bản chất của loài chó, xấu xa đen tối hãi hùng. Chất ma quái đã thực sự có trong tiểu thuyết của Phùng Văn Khai. Những bi kịch giả tạo hay có thực, hay trống không, chẳng có gì cả, hay tất thảy chỉ là màn kịch chính con người tạo ra để cảnh tỉnh chính mình? Con mắt thứ ba đã xuất hiện ngay từ đầu, chiếu đi cái nhìn cảnh tỉnh săm soi. Con người ta bị thít chặt, tra tấn bởi những ý nghĩ, ảo giác của chính mình. Họ thật đáng thương với sự hữu hạn phù du của họ. Phùng Văn Khai có lòng nhân ái lớn, nỗi đau đời trịnh trọng, nhìn nhận ra chân tướng của con người. Không hiểu sao sự tưởng tượng lại kỳ lạ và giỏi đến thế. Liệu con người chân thật ấy có thắng nổi con người hề chèo nơi tác phẩm, sân khấu cuộc đời, nhiều phần không thắng nổi, độc giả không tin lắm vào sự chiến thắng này. Màn kịch ấy, nếu cứ lặn sâu như thế, cô đơn như thế trong rừng, thì rút cục có thể con người ta sẽ kết liễu chính mình, vì thấy mình xấu xa đồi bại quá! Kinh Thánh Cựu ước từng nói: “Ðức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày.”. Đọc tiểu thuyết của Phùng Văn Khai, chẳng hiểu sao tôi nhớ nhiều đến Phúc âm đến thế. Những điều tốt, chân thật được đề cập tới với ý vị mỉa mai. Họ Đào nhân hậu, hiểu đời, như tiên thánh sống không phàm tục, sống để thương một cái kiếp người. Con người cô đơn, tìm đến nhau, trú ngụ vào nhau: Y, họ Đào, với nhiểu an ủi. Tác giả nhìn cảnh vật con người với cái nhìn rất tĩnh, lắng sâu vào trong bản chất. Họ Đào luôn đau đáu âu lo cho mọi kiếp người, đấu tranh với oan khiên, bênh vực lương dân. Nhưng con người thật khó khăn để hiểu biết về nhau, và vì thế sẽ giải quyết, cứu rỗi được gì? Tình yêu của họ Đào đối với người con gái là hoang đường, không có cơ sở. Người con gái chỉ là một hồn ma, là cây sung bị bẻ gãy những lá non, là loài cây khi có loài người cọ xát đến, dẫu chỉ làm cho sát thương, chảy máu, gãy đổ. Chứng tỏ, loài sinh vật cũng cô đơn, khốn khổ như con người. Linh hồn người con gái với tình yêu từ bản thể, ảo tưởng đến tận cùng, mối tình hàm oan về một người trong mộng, có thể những mối tình như vậy rất cao đẹp, cứu rỗi được con người.

 

Phùng Văn Khai có những trang văn rất thăng hoa, toàn bích, trọn vẹn một vấn đề. Với Hư thực dường như anh đã phủ nhận toàn bộ đời sống rồi anh ạ. Có một họ Đào như vậy ngoài đời thực không? Và ngay cả nhân vật họ Đào trong tác phẩm, có phải là người như thế, yêu thương như thế, hay chỉ là những ảo giác của Y, suy nghĩ bảo thủ quy chụp của Y cho họ Đào? Về tình yêu và phụ nữ, Phùng Văn Khai  nghe ra rất đa tình và nhìn tình yêu cũng diễm lệ, đào hoa, nhân ái không kém, có lý lắm!

 

Phùng Văn Khai cứ chìm đắm trong giấc mơ thì tốt, nhưng khi anh ló ra khỏi giấc mơ để phán bảo về cuộc đời thực, thì lại xuất hiện những hạt sạn, ngôn ngữ và tư duy bên lề cái thực và cái ảo đó chưa đạt được sự nhuần nhuyễn (trang 27). Chính trong những ý nghĩ mầm mống nhân ái của nhân vật Y lại cờn cợn sự tinh quái, và độc ác, và đầy khát vọng sát thương đồng lại. Trang 30, viết rất hay về việc đem cây ra giết. Rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh trước sự tàn phá, vô cảm với môi trường. Con người bị môi trường đô thị hóa chèn ép, cô lập và bị đẩy khỏi chốn dung thân cuối cùng.

 

Các từ mới đã rải rác xuất hiện trong tác phẩm gây ấn tượng mạnh, đủ sức ám ảnh khiến người đọc không thể quên. Nào là dụ khị, dọ biết, rùm ròa, dị mọ… Cũng như khi xưa, trong Đêm trăng thiêng, anh sáng tạo ra cái cười khào khạo. Phùng Văn Khai đã tìm thấy, đã sáng tạo ra những từ ấy. Anh hiểu giá trị của những từ mới ấy và anh say mê lặp lại chúng. Cách lựa chọn con mắt thứ ba là cách lựa chọn duy nhất của Phùng Văn Khai, sự lựa chọn này đã đưa tác phẩm tới thành công. Tác giả đã cố lắng nghe trong tâm hồn con người những động tĩnh, linh cảm về tai họa và khao khát sống.  Nhưng tâm hồn xét cho cùng cũng chỉ có vậy, tâm hồn có gì vẻ vang, vinh quang (?). Nơi đáy sâu nhất của tâm hồn cũng chỉ có vậy! Ngay cả những khát vọng chân thành, tha thiết nhất của con người cũng tỏ ra tối tăm, không xứng đáng, không đáng được tha thứ. Cõi ảo chỉ là những trốn nấp ru ngủ của con người, nhưng không an ủi được con người. Họ phải lộn nhào về cuộc đời thực, rồi cuối cùng con người cũng nhận ra mình là ai. Con người dị mọ, đáng thương, yếu hèn, gục ngã trước thiên nhiên, nhưng rất kiêu căng, ngạo mạn, bảo thủ về mình, trong khi đó lại rất căm thù đồng loại.

 

Cái xấu của con người được Phùng Văn Khai khai thác nhiều hơn cái tốt. Tôi chợt hỏi, nếu Phùng Văn Khai cứ nhìn chòng chọc cõi đời như vậy thì đau đớn quá, biết bao người sống giản đơn hơn anh? Con mắt nhà văn rất tỉnh táo, soi tỏ, bóc tách. Tôi hằng ao ước có ai đó múa bằng ngôn ngữ - Phùng Văn Khai chưa đạt đến mức ấy, nhưng anh đã dùng tư duy để tạo cho người ta ý nghĩ con người hiện đại thật tráo trở, đáng sợ, khôn lường. Những trường đoạn thú vị là những lúc anh nở nụ cười thật hiền và tinh quái: “Tao không tha thứ cho mày đâu?”. Y rất khôn ranh, trong khi thử nghiệm đau đớn, thì Y yên trí rằng, Y vẫn có vùng trời bao bọc phía xa kia, có ô tô đưa đón, bạn bầu uống rượu, số báo Tết chạy bài, phố thị phù du, danh thơm nhà văn bèo bọt, Y còn phải đóng một vai hề. Vậy còn vui chán. Y còn có cái để mất, chứ nhân dân này, đầu đen con đỏ có gì để mất? Dân đen chỉ có mạng sống để mất, thời gian và hòa bình để mất. Những sợ hãi của con người dàn bày ra trong đời sống. Sợ hãi bị mất tích, bị thủ tiêu, tiêu biến, lãng quên, bị xóa bỏ không còn dấu vết. Trong khi ở phố thị vẫn còn đủ thứ ràng buộc họ, chiến thắng họ, vùi lấp họ, thì cuộc hành trình đi tìm chính mình ấy thật vô vọng biết bao. Con người sợ hãi cái thiên nhiên hoang vu lạc mất đồng loại. Hình ảnh cái cây trong rừng và con người đang cố sức leo lên, trèo lên, nhưng thật khó khăn và vô ích, như loài vượn leo cây, họ Đào nếu như không bị thương thì leo nhanh phải biết, nhưng dù có leo nhanh và leo cao đến đâu, cũng không người chia sẻ chứng kiến (trang 37), chứng tỏ con người thật cô đơn giữa chủng loại, xứ sở, bầy đàn.

 

Những vinh quang vượt thoát và đeo bám của mi ta không thèm biết. Con người cô độc vô vọng trong ốc đảo hoang vu, mà khi sợ hãi kêu cứu thì mọi vật lại xô đạp cho thêm vào. Những trang văn Phùng Văn Khai vô hình trung đã kích động phải thủ tiêu, tiêu diệt mầm yếu đuối xấu xa của con người như một bệnh dịch vậy. Tất cả chống lại con người, con người chống lại chính họ; con người bị sỉ nhục với cả niềm hy vọng nhỏ nhoi của họ. Con người đã có những cố gắng cho dù yếu đuối nhỏ nhoi để hòng thoát được những bi kịch và cạm bẫy. Khi có cơ hôi thoát được cái chết, sự sợ hãi, tai họa, thì người ta có vẻ hiền từ, nhân ái, thành tâm và làm hòa với thế giới. Con mắt Y luôn săm soi, nghi kỵ sự thật, để moi móc, tìm ra những mánh lới cho mình. Y có cái niềm tin sâu thẳm ở họ Đào, cái niềm tin Y đã cướp được cho y. Ánh mắt Y nhìn vào họ Đào như thâu tóm tất cả con người gã, mà yên trí về một loài người, là tấm gương phản chiếu của Y mà Y không ngớt nhìn chòng chọc vào, để âm thầm gấp rút chuẩn bị cho công cuộc của Y, nhưng dù sao Y vẫn biết ơn người bạn ấy. Lòng tốt và nỗi đau khổ sâu thẳm của họ Đào đã an ủi Y: Lòng tốt ấy giản dị, đơn sơ, mang dáng vẻ buồn cười. Càng leo lên cao càng nguy hiểm, sự cọ xát của con người trên bậc thang danh vọng là hiểm nguy và bất trắc khôn lường. Chẳng biết Phùng Văn Khai có đọc kỹ Nietzsche không, sao đọc anh cứ có cảm tưởng anh là người hiểu Nietzsche lắm.

 

Ước vọng gia đình thể hiện qua bức tranh nham nhở: Có già, có trẻ, da đen, da vàng, người phụ nữ trong chiến tranh đã bị hãm hiếp, có mặc cảm phạm lỗi, những ánh mắt bồn chồn động cựa. Phùng Văn Khai chưa đủ giỏi để bố trí cuốn tiểu thuyết của anh toàn là ẩn dụ, ẩn ức, nên đôi khi câu chuyện có lẽ tẻ nhạt (bức tranh). Đôi mắt đứa bé da đen, hay đôi mắt của họ Đào lạc loài bơ vơ, không níu giữ được quá khứ, chia tay quá khứ. Chuyện họ Đào đi tìm bức tranh không gắn bó với thiên truyện. Những đau khổ, dằn vặt của họ Đào là sự lựa chọn thiên chức của họ, chứ không phải họ không có sự lựa chọn. Nhưng còn chúng sinh, họ đau khổ vô cùng, họ không có sự lựa chọn, không có gì để mất. Cái lưu manh của Y là trí tuệ lang thang gạn lọc đòi hỏi rất cao ở đồng loại, nhưng lại luôn tìm được một chỗ ẩn nấp cho mình. Thỉnh thoảng trên hành trình kiếm tìm vô vọng ấy, xuất hiện những tín hiệu nhỏ nhoi về niềm tin yêu, hy vọng, hiểu biết, tri giác làm Y hy vọng, tin tưởng. Có thể những biến cố rất ngắn, trong một khoảnh khắc thời gian, nhưng cũng làm Y ngộ ra những giá trị của đời sống và ý nghĩa của đời người, những khoảng lặng quý giá để người ta tìm ra những vị trí của mình giữa cuộc đời. Con người hồi sinh sau tai họa đó, sau khoảng lặng đó, thì như được mạnh mẽ, tái sinh hồi sinh kỳ lạ, sống như cuộc đời khác, một cơ hội khác, với sức lực của giác ngộ, đi qua những xấu xa bẩn thỉu của chính mình và thấy phía trước là những cơ hội để gột rửa những ngu dốt, tù đọng của chính mình, vì đâu, thiên nhiên, con người, hay chính là bản thân sự giác ngộ?

 

Nhưng bên cạnh đó, cũng thấy Phùng Văn Khai có những ý nghĩ khá chủ quan về con người. Họ Đào hiện lên trong những suy nghĩ của Y, đầy chủ quan, ảo giác. Họ Đào như là tấm gương phản chiếu tâm hồn Y, nhưng không nên tôn họ Đào thành một ông thánh – là một chuẩn mực, một giải pháp hoàn hảo, tốt nhất của Y. Bởi đời sống Y và họ Đào chắc chắn bị chi phối bởi muôn vạn thứ, cho nên đến một lúc nào đó lòng tôn kính của Y đối với họ Đào cũng sẽ bị lật nhào. Khi Y nhìn lòng tốt của họ Đào, ta thấy Phùng Văn Khai viết chưa nhuần nhuyễn, còn sạn, Y rất mâu thuẫn. Họ Đào tốt, điềm tĩnh, thâm sâu, trong khi Y chỉ gùn ghè, săm soi, tán tụng. Thực ra lòng tốt, ai cũng có thể làm được, nhưng chỉ có điều là người ta có muốn làm nó hay không. Họ Đào làm việc tốt như niềm vui, còn Y làm điều tốt như là cách để chứng minh triết lý, sự vĩ đại của mình. Chính vì vậy mà những kỳ vọng của Y sẽ một ngày sụp đổ.

 

Bối cảnh đang từ trong rừng, lại thoắt về thành đô (trang 47), với các nhân vật dưới đáy hiện ra: Bác bảo vệ, người hành khất và họ Đào. Số phận con người cũng như sinh vật phù du sớm nở tối tàn, bị vùi dập, xô đẩy, nên nhà văn đã gửi gắm rằng, hãy thương xót con người, đừng nên gian ác. Lòng tốt có sức cộng hưởng và tỏa lan (ông bảo vệ, người đàn ông thương tật…). Trong trí nhớ của Y toàn là những con người nghèo khổ. Y quan sát họ, nhưng phải chăng Y có phần dửng dưng, bàng quan, định trốn chạy trách nhiệm đối với đồng loại. Y ở trong rừng, nhớ về thành thị nơi Y và họ Đào đã sống. Hình ảnh chị điên ấy là tiêu biểu cho bản năng sống, một sự gắng gỏi của bản năng sống, thức tỉnh người khác, dạy người khác bài học về cuộc sống, rằng các người đang tham lam lắm đây, hãy sám hối trước người đàn bà điên này. Người đàn bà điên với với bản năng khát khao sự sống, hạnh phúc, tình yêu, khát khao những đứa con và khát khao máu thịt, gia đình. Cái đó đã thành ẩn ức của chị. Người đàn bà điên ấy làm người ta hổ thẹn cho chính mình, mình sao ấm êm, no đủ, hạnh phúc vậy. Người đàn bà không già được, không chết, không trẻ lại, trẻ lại để làm gì? Như là sự bất tử. Chị điên hát những câu đồng dao, vừa ngây ngô, vừa bí ẩn, chan chứa yêu đời, chứa chan tình. Thực tế chị có hát được không? Nhà văn đã gọi “chị điên” bằng những lời dường như gom chứa rất nhiều âu yếm, trân trọng. Trong ký ức của người đàn bà điên là những nét ký ức đứt nối về chiến tranh, về cái chết, gây ám ảnh, hãi hùng. Những nhát ký ức bị cắt nham nhở và neo đậu vào lòng nhân từ của nhà văn đạo mạo, đa nghi. Phải có tình yêu thương con người thì mới bận tâm về con người, đối với nhà văn thì ý thức ấy ra sao? Ý thức của nhà văn về nghề đôi khi cao đạo quá. Đọc Hư thực người ta thấy nghi ngờ, luôn phải chống mắt chống tai lên để cảnh giác. Đây đó có nhiều tín hiệu cảnh báo của tác giả cho người đọc, để cảnh tỉnh một nhận thức mới về con người.

 

Trong tiểu thuyết, phần thực nhiều hơn hư ảo. Và phần sau đuối hơn, tỉnh hơn, ít thăng hoa như phần đầu. Cảnh vật đây đó nghèo nàn côi cút. Người ta đọc đến đó sau từng ấy câu chữ cũng có lẽ đã vỡ lẽ ra về cuộc sống, cuộc sống hy vọng, rồi thất vọng, mặn nồng rồi nhạt nhẽo như không. Những nhà văn trong tác phẩm trầm uất trong suy tư về thân phận con người, mà dửng dưng với danh lợi phù du, những đeo bám hơn thua vụ lợi thù tạc. Tác phẩm của Y và họ Đào thường tái hiện những số phận đắng cay nơi cuộc đời thực, mà không tiếc nuối điều gì. Y say sưa bàn về tác phẩm của họ Đào và Y, Y cũng hiểu rõ kết cục của những sáng tác ấy. Phùng Văn Khai thật khá khen khi anh chìm vào suy tư, nhưng cứ giật thột quay về cuộc đời thực là anh lại lỗi điệu. Những nhân vật của anh là khá tiêu biểu cho các tầng lớp dưới đáy xã hội: Chị điên, ăn mày, gái điếm, thị dân, dân cùng, kẻ điên dại, tâm thần, và tầng lớp  nhà văn công sở, trí thức không xu thời, cuộc sống thật khốn cùng, dị mọ, không ai cứu. Và tình thương dị mọ của những người cùng khổ thật tội nghiệp biết bao. Người đàn ông chén khúc giò ngon lành từ một con chó, món quà của chó dành cho con người, hay con người đã cướp đoạt của chó? Một cặp vợ chồng già chờ đợi thằng con bất trị, mà không biết bao nhiêu năm nó đã đi đâu và thành con quái vật nào, đi phá hoại gì cho cuộc sống. Con người là vĩ đại huy hoàng trên mặt đất lắm chứ. Tại sao họ cũng là con người mà chưa bao giờ và chắc chắn không bao giờ được sống như con người? Câu hỏi ấy móc xoáy vào tâm can người đọc.

 

Bình tĩnh lại, ôn tồn hơn, ta thấy, đôi khi sự đời và con người cũng chỉ là các khái niệm. Y vật lộn với tinh thần, bản thể, xác thịt Y, với những ảo tưởng, hận thù của chính bản thân Y, Y hằn học, chửi bới, căm thù, sỉ vả một cái gì vô hình nhưng lại cố bám vào cái gì cụ thể. Hình thái suy nghĩ của Y chính là trạng thái tiệm cận với những kẻ có dấu hiệu thần kinh, tâm thần phân liệt. Con người với những nỗi ảo tưởng, sợ hãi, ảo giác vô cớ và rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tâm thần phân liệt. Nhưng ở một góc độ, người ta thấy cái chủ quan của nhà văn. Người ta không thể cứ tin vào những gì nhà văn nói, dẫu nhà văn có là ông thánh đi nữa; mà phải tin vào cảnh huống, tình thế, bối cảnh dàn dựng của câu chuyện và nhân vật. Nổi cộm lên trong Hư thực là tiếng nói phản kháng và nỗi buồn của Phùng Văn Khai trước thực tế cuộc sống. Anh cố đi vào đời sống, mổ xẻ tinh vi từ hiện tượng đến bản chất. Những trò phù phiếm, xấu xa của con người là muôn thuở, song hơn ai hết con người vẫn đáng được tha thứ, gạn đục khơi trong. Phùng Văn Khai rất bình tĩnh với mọi sự, giàu óc quan sát linh hoạt, nụ cười hài hước kín đáo lấp ló.

 

Tình yêu của họ Đào vừa như chân thành thiêng liêng, vừa như giả dối, lố bịch. Luôn luôn có những ám chỉ sự đen tối, giả trá, ngột ngạt của đời sống. Nhưng giải quyết những vấn đề đó bằng những biện pháp gì, Phùng Văn Khai chưa có biện pháp gì. Những con người dị mọ sống không ra con người; ai, cái gì chịu trách nhiệm về nó – lo cho nó vật chất, hướng dẫn tinh thần, an ninh? Có ai cứu tôi không, có ai vĩ đại không? Mà sao im lặng thế? Gái điếm vẫn khao khát tình người, lòng nhân nghĩa. Chị điên khao khát tình yêu, tình mẫu tử. Họ Đào là một con người đúng nghĩa và tiêu biểu trong mắt Y. Cuộc sống vật lộn trong xấu xa, thoảng qua những điều tốt đẹp, được thấp thoáng một chút gì hạnh phúc, nên con người cố gắng gìn giữ nâng niu. Cuộc đời đầy rẫy ảo giác, sợ hãi, ảo tưởng. Văn phong lạnh lùng, nhãn quan ranh mãnh, làm người đọc nữa tin nửa ngờ vào thế giới ảo đó. Trong khu rừng, tất cả các chi tiết có vẻ như là một ẩn ngữ. Phùng Văn Khai day dứt, trăn trở, đau đáu về cuộc đời. Tình yêu phù ảo, những số phận con người, căn nhà đang lún xuống, những con người những nhân vật khốn khổ. Con người sống với nỗi sợ hãi khủng bố tinh thần, niềm hy vọng, mong chờ. Những con người bóng dáng méo mó thờ ơ. Hư thực có tính kinh dị, phi lý và không thể hiểu nổi của kiếp người. Gạn lọc suy tư tận cùng cuộc sống. Cố gắng lắng nghe tận đáy sâu bản thể. Phùng Văn Khai rất bận lòng về con người, chuyển tải một đời sống thống khổ của con người, và cuốn tiểu thuyết đã gây được bất ngờ, đó là thành công rất rõ rệt của anh, sự chuyển bước và dấn thân mới mẻ.

 

Nhưng anh luôn đặt mình cao hơn nhân vật, anh là nhà văn phán bảo thế này thế nọ. Tiểu thuyết bắt đầu kẻ chuyện từ một người đã biêt hết mọi chuyện, dắt con vật, con rối đi. Nhưng tấm lòng sâu rộng thương đời của nhà văn thì đã rõ. Màu đen đầy ẩn dụ. Phùng Văn Khai đã khước từ việc tả thực. Văn chương dần dần sẽ không đi theo mô phỏng hiện thực nữa, mô phong hiện thực đã hết thời. Các anh tả thực xem ra chết ngắc, bị đào thải hàng loạt như sung rụng. Những việc rất đời thường đi vào tác phẩm rất tự nhiên. Không lý sự, không lên lớp mà kể từ từ điềm tĩnh. Đôi khi cuộc sống chỉ là cuộc sống, nó chẳng cao siêu gì hết. Hư thực hấp dẫn, nhiều kinh nghiệm sống. Hay dùng từ chủ quan để mô tả sự vật, đầy dẫn dụ, sương khói, huyễn hoặc. Mạnh ở triết lý và cái nhìn tinh quái, nhưng khi trở về hiện thực đời thường lại yếu. Con người cô thân độc ảnh, còm cõi cô đơn lẻ loi với cả hạnh phúc của mình. Tình cảm trở thành hoang sơ, vô nhiễm mang tính chất tâm linh. Phùng Văn Khai vẽ những nét vẽ cho những kỷ niệm phù phiếm trong cuộc đời, khiến nó có cơ hội đứng lại, định vị, phơi bày. Có hư ảo nhưng không bay lên được, phải chăng vì nặng nợ với mặt đất quá? Có cái gì thật mà ảo, chân thành mà giả dối, ở tất cả những hành vi của con người. Mang chứa nhiều ẩn dụ về thế giới con người, con người, con đường, lạc lối, bơ vơ, quên lãng. Sự căng thẳng đau đớn kéo dài triền miên không chấm dứt. Người đọc sợ con người, nhưng cũng thấy con người là một cái gì có thể tin cậy được, chứ không nên phỉ nhổ, vùi lấp như những con người thỉnh thoảng nghĩ về nhau.

Con người tự cật vấn bản thân với những sự tồn tại. Nhân vật Y rất mâu thuẫn, lòng dạ tối tăm, nghi kỵ, bất an, phải chăng đó là tâm thức của con người hiện đại. Y ranh mãnh, bí mật quan sát cuộc sống, Y muốn vươn đến cái nhìn thấu thị, Y chỉ nhìn lén mọi người mà không bị ai nhìn lại. Tiểu thuyết đầy những ẩn dụ, mật mã về con người. Cuộc đời con người toàn những mộng mị, bản năng, chủ quan, lầm lạc. Cuộc đời dẫu là hư hay thực thì cũng chỉ mang tính chất phù du, vô bổ thôi. Những ảo giác, tai họa, lầm tưởng, tự kỷ ám thị. Qua tác phẩm, bất ngờ chúng ta phát hiện Phùng Văn Khai xa lạ với công danh trần thế, gớm ghét những giành giật, đeo bám, hơn thua trong cuộc đời thực. Cô thân độc ảnh, đó là thân phận của một nhà văn. Khu rừng của anh, đó là khu rừng thật, khu rừng hư thực hay khu rừng của đời sống? Khu rừng đời sống không yên tĩnh đến thế đâu. Anh soi rọi về con người ở nhiều góc độ, tôi thấy anh là người từng trải. Nhưng đôi khi người ta cũng không thể cắt nghĩa đời sống theo chiều hướng đó. Phùng Văn Khai đã dàn bày ra một trận tuyến để đánh lừa người đọc. Dường như cảm thức văn chương và cảm thức của đời sống như hòa vào nhau. Có những câu, đoạn, nhưng ý nghĩ, lập luận toàn bích, ánh lên vẻ đẹp. Trong khu rừng nhất cử nhất động diễn ra cũng có ý nghĩa tượng trưng, đời người bí ẩn bưng bít gây hoang mang, sợ hãi, ảo tưởng, kích động cổ xúy sự đổi thay và xóa bỏ. Cách viết của Phùng Văn Khai gây hoang mang cho chính con người. Chính cái sợ đã khủng bố, giết chết chính mình. Những nhân vật nhà văn nhà báo, họ là những trí thức, nhà văn trăn trở trong chính thân phận con người, đem mình ra làm tấm gương phản chiểu những hình ảnh của đồng loại. Những con người cô đơn lạc lõng với thân phận của chính mình, họ bần cùng, bị xua đuổi theo một cách nào đó, sống như chết, đợi chờ vô vọng, nhức buốt. Trong tiểu thuyết của Phùng Văn Khai đời sống đúng là một bi kịch đớn đau, chứ không thể lạc quan, vui cười được nữa. Thấy cuộc đời chỉ là gánh nặng mệt mỏi, biết vứt bỏ cho ai và trốn nấp vào đâu. Nhà văn dùng con mắt thứ ba để khách quan hóa, nói nhiều hơn điều cần nói. Người đàn bà giao đấu trong giấc mơ của Y, là một bộ mặt gớm ghiếc đổ vỡ kinh hoàng của đời sống, hạnh phúc Y, gia đình Y. Nhà văn đã khai thác triệt để bí ẩn giấc mơ, tiềm thức, vô thức và chuyển hóa thành một ẩn dụ tiêu biểu, nó chứa đựng những giận dữ, phẫn nộ, căm thù dồn nén. Ma quỷ cũng là người, người cũng là ma quỷ, lẫn lộn, chồng chéo, mô típ này thường được cài đặt trong các bộ phim kinh dị. Diễn tả về người điên như thế là đạt, qua mô tả đủ biết tấm lòng nhà văn đối với cuộc sống. Nhưng khi người điên triết lý khôn ngoan, dám phán xét và phán xét được người bình thường, thì đó là lời của nhà văn rồi, Phùng Văn Khai đã bị sa vào chủ quan. Người điên có thể nhận thức được các mảng cuộc sống tuy không trọn vẹn, nhưng không khi nào lại đắc ý đến thế. Nhưng khi toàn bộ cuộc đời và suy nghĩ của chị điên, đã được kể lại gián tiếp qua lăng kính gạn lọc của nhà văn, thì nó bị bao trùm bởi yếu tố chủ quan nghệ thuật, cũng là điều dễ hiểu, và có thể chấp nhận như là một phương cách biểu đạt. Nhà văn thông qua tác phẩm để bộc lộ các quan điểm về nghệ thuật, chính trị, xã hội, văn hóa. Con mắt thứ ba quan sát những gì mà hai con mắt thực không trông thấy được, mang chở một sức mạnh tâm linh làm cho thực hư hòa quyện trong tác phẩm. Ẩn dụ ám chỉ quân đen quân vàng, ẩn dụ đám thường phạm đi giải tỏa mặt bằng, đe dọa sự tồn tại của dân đen thấp cổ bé họng, là những ẩn ức về chiến tranh hoặc sự ngột ngạt của đời sống thống trị và bị thống trị. Ngay cả câu chuyện người đàn ông dị dạng đi xin chữ ký cũng là một câu chuyện vô cùng ám ảnh của Phùng Văn Khai. Anh đã rất quyết liệt và muốn thể hiện tư tưởng. Thì anh cứ thể hiện thôi. Nhưng đôi khi tôi cũng dễ dàng bỏ qua những ẩn dụ của anh, đám quân đen quân vàng là gì chứ? Chữ ký là gì, chất độc da cam là gì chứ, anh chỉ lắm chuyện thôi. Ở trong khu rừng ấy, thì có can hệ đến ai? Trong im ắng, trong màn đêm, xa lạ với sự đời, một tín hiệu gì trỗi lên cũng được xem là mật mã. Đời sống nghèo nàn, quan trọng hay vô bổ là chỉ do đời sống. Cảm tưởng những nhà văn không xu thời, hết sức ưu tư về đời sống. Họ Đào theo lời kể của Y là từ bi Phật thánh, nhưng liệu người ta có tin vào lời kể của Y không? Những nhà văn trong tiểu thuyết ít nhiều bi quan, chịu đựng thẩm thấu sự tàn lụi, chưa thật sự dấn thân vào cuộc sống. Hay đây chỉ là một giai đoạn phải phán ánh, phơi bày cuộc sống ra như thế của Phùng Văn Khai, rồi sau này anh sẽ làm khác? Sự phơi mở cũng là cần thiết. Đôi khi sự phơi mở là toàn bộ giá trị của nền văn chương ở một thời điểm. Nhà văn có là cái quái gì để hướng dẫn, vặn bẻ cuộc sống, phải thế này, không được thế kia, phải nhân ái, thiện lương, không được bạo tàn, tha hóa?... Hư thực là một sự chuyển bước mạnh mẽ của Phùng Văn Khai khước từ văn chương mô phỏng. Phùng Văn Khai cỗ vũ vứt hết những gì phù phiếm vô bổ, để sống thật con người. Những con người bùn đất đầu đường xó chợ thản nhiên thả mình vào cuộc đời. Người tàn tật, người đàn bà, con chó, chị điên, búp bê rác… là những con người đáng trọng. Tác giả hé mở hết giác quan, để thu nhận cuộc nhận dấu hiệu của đời sống, cảm nhận tinh tế về đời sống con người. Cuồng say, khao khát, bất lực, đam mê, “con người mãi mãi là bí mật không thể giải mã” (trang 145). Rất nhiều giấc mơ chồng chéo. Người ta rất cảnh giác với lối viết này, khi đọc cứ phải căng mắt ra xem tác giả có cài cắm, giăng bẫy gì không? Người đàn bà bộ đội sinh con dị dạng. Chuyện về chữ ký xót xa thấm thía. Phùng Văn Khai rất hiểu con người, tâm lý, bản năng con người trong những hành động rời rạc. Theo nhà văn Dương Hướng, khi đọc tiểu thuyết này, phải tập trung cao độ mới giải mã được. Các chuyện nhỏ trong tiểu thuyết là dạng thức truyện trong truyện, gây ấn tượng và ám ảnh rất lớn. Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, tác giả đã dùng tư duy phỏng đoán mang tính tiệm cận với đời sống hiện tồn, thông qua thủ pháp ảo hóa để tạo nên một bước ngoăt về nhận thức. Anh đã đưa con người về những niềm vui bản năng rồi sống rất người. Con người theo anh nên tránh xa cõi đời phàm tục, phải thoát khỏi những vinh hoa phù phiếm, để sống chân thực và nhân ái với nhau. Bản năng sống của con người và mọi sinh vật khá dữ dằn, trường cửu. Sự tha hóa, sự biến đổi nhân cách cũng đồng hành với quá trình sống. Khi người ta gian ác, xấu xa, trừng trị hủy hoại đồng loại, thì ngay lập tức người ta cũng bị ngọn lửa ấy trừng phạt, thiêu đốt, hủy hoại chính bản thân mình . Sinh mạng của người đàn ông tật nguyền hiện tồn bên cạnh chó, ngang bằng chó, chẳng khác gì chó cả. Nhà văn đau đáu với con người, thương xót, đồng hành với con người. Với tiểu thuyết này, những ai có đời sống vô vọng, tuyệt vọng như đang có một người bạn đến nói cùng mình, chửi cùng mình, biến mất cùng mình, thế là hay lắm chứ. Con mắt thứ ba ranh mãnh độc ác đầy bản năng trừng trừng nhìn vào tâm thức. Tác phẩm có nhiều ẩn dụ, nhưng vì sao chưa bay lên được, có lẽ đơn thuần là ngôn ngữ kể chuyện chủ quan không bay lên được. Nhưng nó rất hấp dẫn, người ta phải căng mắt lên để giải nghĩa, cảnh giác, chẳng biết ông nhà văn định giăng bẫy, bày trò gì đây. Sao rối rắm thế này! Phùng Văn Khai viết rất tinh tế, sắc sảo về những trải nghiệm trong tinh thần con người. Nhưng Y thực ra vẫn chưa nắm bắt và thấu hiểu người bạn đồng hạnh của mình. Những ý nghĩ của Y về người bạn rút cục chỉ là những phỏng đoán mang tính tiệm cận. Nhưng thực ra nhà văn và Y có nuối tiếc về điều này không, không Y chẳng bao giờ nuối tiếc, vì Y đã nghĩ con người không thể giải mã được. Còn nhà văn thì cũng giải mã được khá nhiều. Người đàn ông và con chó dưới ngầm cầu là những con vật hết sức đáng thương. Mọi vật đang từ từ, kiệt sức, lụi tàn và đi đến cái chết. Người và chó tiêu diệt lẫn nhau khi bước đến bước đường cùng, đó là cuộc đấu tranh sinh tồn không bao giờ chấm dứt.

 

Rất tiếc tác phẩm chưa thực sự gây được hiệu ứng ngôn ngữ, chưa thật sự âm vang, chưa bay lên được. Tính biếu tượng của chi tiết, câu văn phần sau tiểu thuyết không cao bằng phần đầu. Đôi khi con mắt thứ ba (con mắt thiêng liêng thần thánh), lại trở nên con mắt đen đúa, trần tục và cũng thực tế không kém gì những con mắt khác. Phùng Văn Khai viết như lên đồng, tôi đâu thấy có sự lặp lại. Có chăng là anh đang cố gắng diễn tả những vấn đề của con người, nên người đọc cảm thấy sốt ruột và mệt mỏi. Khi độc giả mệt mỏi một, thì người sáng tạo còn đau đớn gấp bao nhiêu? Chính tôi cũng xem việc tiếp xúc với tiểu thuyết Hư thực là một việc hết sức khó khăn, và tôi phải viết về nó như là trả một món nợ tinh thần hết sức nặng nề. Lối viết của Phùng Văn Khai nhìn sâu vào tâm thức. Nhưng tôi chắc Phùng Văn Khai chưa có nhiều lý luận về sự tạo ra khoảng trống giữa những dòng chữ. Cái xã hội con người đau thương kia còn đáng truy tìm hơn tình yêu với những cô gái người rừng và những cơn mộng mị anh ạ. Con mắt nhìn trong tiểu thuyết là con mắt tâm thức, tâm linh nhưng đã được nhìn bằng lý tính. Anh ta quả thật chưa đứng trên một nền tảng triết học. Nhưng rồi, cuộc sống cứ diễn ra, tự thân nó đâu cần triết học, đời sống bẩm sinh đã có triết học của chính nó. Con mắt thứ ba thật là nguy hiểm và tàn ác. Anh đã góp tiếng nói cảnh báo đời sống đô thị hóa ruồng bỏ xua đuổi con người. Y cố gắng mò mẫm để hiểu chính Y và hiểu về thế giới. Nhưng cách của Y không phải là cách tốt nhất để cứu vãn thế giới. Các sự vật và con người bị đóng đinh vào câu chữ, chìm xuống và không bay lên được. Ngôn ngữ chưa tạo được sự mơ hồ, sương khói, không bay lên được, chưa có sức hút của hiện thực huyền ảo, và sự ám ảnh không kéo dài được lâu trong tâm trí người đọc. Thực ra cuộc đời mỗi con người cũng không quan trọng đến thế đâu, họ phần nhiều chỉ thích sống bình yên và chết bình yên. Nhưng tác giả rất trăn trở về con người và trách nhiệm nhà văn của anh là phải làm gì đó. Con mắt thứ ba là con mắt trung thực và tâm linh, nó không dễ điều khiển đến thế đâu. Tuy vậy nhà văn của chúng ta đã viết rất sảng khoái, say mê, chứ không hề nhàm chán. Nếu có sự lặp lại gì đó cũng là sự lặp lại tất yếu khi phản ánh con người, một thực thể luôn bị lặp lại.

 

Trang sách cuối cùng của Hư thực cũng đã khép lại. Chuyến đi vào rừng bỏ qua cái Tết đầm ấm, xa hoa, bỏ qua truyền thống lưu cữu ngàn đời, cũng chỉ một thử nghiệm, hy sinh chút đỉnh. Ai biết khi trở về Y có gì đang chờ đợi. Và biết đâu Y lại có cơ hội để sống tàn bạo hơn? Tác giả đã ra sức đánh thức, cảnh tỉnh người ta lên, nhưng dường như cuộc đời và con người đang ngủ yên trong cơn im ắng với những bộ óc trơ lỳ? Cuốn tiểu thuyết này rất khó đọc, nếu không muốn nói là ít bạn đọc. Chẳng ai thích nghe nhà văn chê bai vạch mặt con người cả. Thà im lặng đi, thà quên đi, đừng biết tới, thì còn hy vọng, còn ảo tưởng, còn hạnh phúc. Khi biết cuộc đời đen tối xấu ác quá thì anh chị em bầu đoàn thê tử sẽ sống ra sao? Còn tôi, tôi thường nghĩ rằng: Người ta chẳng thể đem cuộc đời nhốt vào một cái rọ, làm thế là phi tự nhiên, vô nghĩa lý. Về mặt này, Hư thực của Phùng Văn Khai là một tiểu thuyết mở, anh đã xới lên được nhiều điều. Đối với thiên chức của một tác phẩm văn học trong thời điểm hiện nay, đó cũng là một đóng góp đáng kể./.

 

Trần Thị Ngọc Lan
Số lần đọc: 1762
Ngày đăng: 07.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực - Lê Vũ
Ngô Thị Thanh Vân – Vĩ thanh lụa và thơ - Nguyễn Thị Anh Đào
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn - Dương Kiều Minh
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên
Mai Văn Phấn với “ hôm sau” & “ và đột nhiên gió thổi “ - Vĩnh Phúc
Tạ Hùng Việt – Xộc Xệch nỗi Đam Mê - Lê Khánh Mai
Sholokhov đập Solzhenitsyn : Thư Sholokhov gửi Ban Thư ký hội Nhà văn Liên xô - Mikhail Sholokhov
Đọc Chân Phương cuối hè - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa - Nguyễn Trung Bình
Sức hấp dẩn của “Diệt Tần” - Nguyễn Khắc Phê