Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
786
116.692.494
 
Mẹ tôi
Minh Diện

Kính tặng hương hồn Mẹ

 

Cuộc đời của mẹ tôi là một chuỗi ngày nhớ mong, chờ đợi người thân. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại không nuôi nổi ba đứa con nhỏ, đành phải gửi bớt một đứa lên Hà Nội đi ở coi em.

Năm ấy dì Chăm mới chín tuổi, kém mẹ tôi hai tuổi. Mẹ tôi kể: “U đưa dì Chăm đến tận bến đò Vọng. Dì xách cái bị cói có nắm cơm với tép kho và bộ quần áo mà bà mới vá lại cho dì. Ở nhà bà dặn không được khóc nữa, nhưng ra đến bến, u và dì Chăm cứ ôm lấy nhau mà khóc. Chú Tì phải xốc nách dì Chăm lên thuyền. U đứng dưới bến, gọi với lên: “Chăm ơi, Tết về với chị nhớ!?” Dì Chăm bảo “Tết em sẽ về…”

 

Tết năm nào mẹ tôi cũng ra bến Vọng đón dì. Mỗi chuyến đò cập bến, mẹ lại đật lật chạy xuống, xăm xoi ngó từng khuôn mặt, miệng lắp bắp gọi “Chăm ơi!...” Gặp ai mẹ cũng hỏi: “Có biết cái Chăm con nhà cháu đâu không?” - “Chăm nào?” - “Dạ, cái Chăm con bà Đại ở xóm Dè!”

 

Hàng chục cái Tết cứ thế qua đi. Bến đò Vọng năm nào cũng nhộn nhịp người về quê ăn Tết. Riêng dì Chăm tôi không về.

 

Nỗi nhớ mong dì Chăm còn canh cánh trong lòng mẹ tôi, thì cậu Đại tôi lại ra đi. Mẹ kể: “Năm ấy làng tôi đói lắm. Ông Chánh nấu mười nồi cháo phát chẩn ngoài đình, mà mỗi người chỉ được một muỗng lá đa cháo loãng. Người chết đói nằm như ngả rạ. Cậu Đại với mấy trăm người phá kho thóc Tư Môi của Nhật, rồi kéo nhau vào cướp dinh quan huyện…”

 

Đó là ngày Cách mạng Tháng Tám ở quê tôi. Cậu tôi tham gia cướp chính quyền, rồi đi bộ đội.

Ba năm sau cậu mới ghé về nhà. Mẹ tôi kể: “Năm ấy con mới tuổi rưỡi, anh Đạo mày lên chín, anh Đức lên bảy… Cậu Đại cho anh Đạo, anh Đức mấy cái “cắc tút” để đánh đáo… Cậu ngồi ở góc ổ rơm ôm con vào lòng. Cậu nói đơn vị chuẩn bị vào chiến dịch Thu Đông, cậu đi lấy quân, tranh thủ về nhà một đêm. U vá cho cậu cái ruột tượng thủng hai lỗ bằng đồng xu. Còn mấy củ khoai, u luộc cho cậu ăn. U hỏi cậu: Từ ngày em đi có dò la được tin tức cái Chăm không? Cậu nói: Toàn đánh nhau trong rừng núi thì hỏi ai, chị Chăm ở Hà Nội cơ mà…” Mẹ tôi cười nhòe nước mắt, kể tiếp: “U bảo, có cô Xoan - con ông Khán Thủ ngoan đáo để, chị đã ướm nhời rồi, cậu tính sao?” Cậu Đại cười: “Lần sau em về chị cho em buồng cau, cơi trầu chạm ngõ!”

 

Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng. Mẹ tôi không bán, để dành cho cậu dạm ngõ. Hết năm này qua năm khác, hết buồng cau này đến buồng cau khác. Những trái cau già rụng xuống gốc, đã mọc lên một đám cau non, mà cậu vẫn chưa về.

 

Nhiều đêm mẹ tôi ra đứng dưới gốc cau, chắp tay vái: “Ba hồn bảy vía, Chăm ơi, Đại ơi, các em ở đâu về với chị đi!...” Những buổi chiều bảng lảng. tôi thường thấy mẹ tôi ngồi một mình, đắm đuối nhìn ra cổng.

Ngày bà ngoại tôi qua đời, mẹ tôi xé khăn tang cho cả cậu và dì tôi, rồi mẹ đội lên đầu ba vành khăn tang, quỳ trước linh cữu ngoại, khóc gọi: “Chăm ơi, Đại ơi, hai em ở đâu? Về để tang cho u!...”

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, như cơn bão trường kỳ, cuốn người ra trận. Anh cả, anh hai tôi, rồi tôi, tiếp theo hai người em tôi lần lượt nhập ngũ. Ai ra đi cũng hẹn ngày về.

Mẹ tôi có cái khánh bằng bạc của ngoại tôi cho ngày mẹ đi lấy chồng. Cứ mỗi lần tiễn một người con đi, mẹ lại cắt một miếng, xâu lỗ, bắt đeo vào cổ cầu phước cho các con thoát khỏi hòn đạn, mũi tên mà về.

 

Trước kia, nỗi niềm thương nhớ dì Chăm, cậu Đại của mẹ có chúng tôi chia sẻ, thì bây giờ mình mẹ gánh hết niềm thương nhớ người thân. Mẹ tôi trơ trọi như cây đa trước gió bão cuộc đời.

 

Có lúc tưởng không đứng vững nổi, mẹ cầu cứu chúng tôi. Ấy là khi bố tôi bệnh nặng, ngày đêm ông vật vã đau đớn. Không biết xoay sở làm sao? Mẹ tôi ra xã, nói rằng bố tôi sắp chết, để người ta cho phép gọi điện cho chúng tôi. Mẹ gọi điện cho từng đứa con, bức điện nào cũng “khẩn”. Tưởng thế nào cũng có một hai đứa về, nhưng chẳng một bức điện hồi âm, nói chi có người về.

 

Thế là một mình mẹ đặt bố lên chiếc xe ba gác kéo lên bệnh viện tỉnh Thái Bình. Hơn ba mươi cây số, mẹ lầm lũi đi suốt đêm.

 

Đến nơi bác sĩ bảo: “Thời chiến, bệnh này không có điều kiện cứu chữa”. Bố tôi chết giữa buổi chiều máy bay Mỹ ném bom xuống cầu Bo.

 

Mẹ tôi lại lấy xe ba gác, đưa bố tôi qua cái trọng điểm đang bị oanh kích ấy về làng.

Sau này mẹ kể: “Vừa đi, u vừa cầu trời khấn Phật cho các con về giúp u, lo cho bố mồ yên mả đẹp!”

 

Năm anh em chúng tôi, mỗi người một chiến trường, không ai nghe được lời cầu nguyện của mẹ tôi. Ngược lại, mẹ tôi liên tiếp nhận được những tin sét đánh từ các mặt trận đưa về. Đầu tiên, đứa em tôi ở chiến trường miền Tây hy sinh. Chưa đầy hai tháng sau, một đứa nữa - mới mười chín tuổi, hy sinh ở Quảng Trị.

Rồi chỉ vài tháng sau, anh xã đội trưởng đến nhà tôi, òa khóc báo tin: “Anh Đức hy sinh rồi, thím ơi!”

Chưa đầy một năm, ba đứa con hy sinh ở ba mặt trận. Mẹ tôi không còn nước mắt để khóc. Người mẹ tôi khô quắt, mái tóc trắng xóa. Nhưng thật lạ lùng, mẹ tôi vẫn ra đồng làm lụng, góp đủ công điểm và chăm chút mảnh ruộng phần trăm. Đêm mẹ lại ngồi dệt chiếu tận khuya. Mẹ tôi một phần muốn lấy công việc để nguôi ngoai. Phần khác phải lo cái ăn cái mặc cho mấy đứa cháu nhỏ dại mồ côi cha. Vì hai anh tôi hy sinh, hai chị dâu đi thoát ly…

Mấy ông lãnh đạo xã, cả bà Chủ tịch huyện, lại nghĩ mẹ tôi cứng cỏi. Họ đưa mẹ tôi đi làm công tác tư tưởng cho những gia đình có con em hy sinh ngoài mặt trận sắp báo tử. Họ đâu biết mỗi lần nhìn thấy một tờ giấy báo tử, tim mẹ tôi thắt lại! Đau như cắt từng khúc ruột, như thấy con mình chết lần nữa.

 

Một hôm mẹ tôi đang cấy lúa, xã đội trưởng đạp xe tới:

“Thím ơi, anh Đạo hy sinh rồi!”

“Thế ư, cháu!...” Mẹ tôi chỉ thốt lên được như vậy rồi gục xuống, hai bàn tay lấm bùn vẫn nắm chặt những nhành mạ non.

Bà con kéo đến, đưa mẹ tôi lên bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ phải mổ gấp, mẹ bị đứt ba khúc ruột…

Ông bác sĩ mổ cho mẹ tôi nói:

- Tôi không ngờ một người đứt ba khúc ruột mà còn sống. Tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy.

Có lẽ mẹ tôi chưa thể chết, vì còn nhớ còn mong người thân. Trái tim mẹ tôi chứa đầy niềm nhớ mong, không chịu ngừng đập…

 

Tôi nhớ ngày miền Nam vừa giải phóng, từ Sài Gòn tôi đi tàu ra Nam Định, rồi cuốc bộ một mạch mấy chục cây số, về đến nhà giữa đêm khuya. Tôi muốn làm cho mọi người trong nhà thật bất ngờ nên không lên tiếng trước…

Nhưng, tôi vừa chạm chân lên thềm, đã nghe tiếng mẹ tôi:

- Minh đấy hả con?

Tôi giật mình:

- Trời ơi! U vẫn thức sao?

Mẹ tôi lập cập bước ra:

- Có đêm nào u ngủ đâu!...

Sau đó, mẹ đưa sấp giấy báo tử cho tôi, tờ nào cũng nhòe nhòe nước mắt của mẹ.

Mẹ nói: “Từ ngày giải phóng miền Nam, đêm nào mẹ cũng mang ra xem, liệu họ có báo tử nhầm không? Ở làng ta, có mấy người báo tử nhầm đấy!”

Mẹ tôi lau nước mắt, nói tiếp:

- “U đã viết thư hỏi các đơn vị xem cậu Đại, anh Đạo, anh Đức và các em con hy sinh ở đâu? Còn Giấy báo tử chỉ nói hy sinh phía Nam, phía Tây… thì làm sao lấy được hài cốt?”

 

Mẹ tôi còn viết cho mục Nhắn tìm đồng đội trên tivi.

Ngày xưa mẹ thấp thỏm chờ người trở về, giờ mẹ thấp thỏm chờ tìm được hài cốt các con. Hễ thấy người đưa thư đi qua ngõ là mẹ tôi gọi lại hỏi, lần nào mẹ tôi cũng khóc…

 

Thời gian lặng lẽ trôi, mẹ tôi mỗi năm một già yếu. Người mẹ tôi chỉ còn da bọc xương, nhỏ như một đứa trẻ.

Một hôm người đưa thư kêu:

- Bà có thư, bà ơi!

Mẹ tôi mừng rỡ lật đật chạy ra, cầm cái bì thư, hối đứa cháu gái:

- Chắc họ báo tin tìm được mộ bác Đức mày đấy. Con đọc cho bà nghe?...

Ôi! Mẹ tôi mong nhớ quá hóa nhầm. Đó là cái giấy mời mẹ tôi lên Tỉnh gặp mặt các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Mẹ tôi lặng lẽ lên giường nằm. Suốt một tuần mẹ không dậy nổi, cứ thiêm thiếp, lúc tỉnh lúc mơ…

Chúng tôi đang bàn lo “hậu sự” cho mẹ thì nhận được một tin vui bất ngờ. Ông Năm Rạng ở Bến Cát Bình Dương gửi thư, báo cho mẹ tôi biết đã tìm thấy phần mộ của anh cả tôi. Vừa nghe xong, mẹ tôi nhoài dậy, kiên quyết:

- Để u đi! Nhìn thấy nắm xương anh con, chết u mới nhắm mắt được.

Chúng tôi đành phải chiều, dìu mẹ tôi lên tàu.

Thật lạ lùng! Đi tàu xe hơn ngàn cây số từ Bắc vào Nam, vậy mà mẹ tôi lại khỏe hơn lúc ở nhà.

Mẹ tôi ấp cuốn sổ tay - kỷ vật của anh tôi vào ngực, nghẹn ngào nói: “Hai đứa em với năm đứa con ra đi, giờ chỉ còn có một đứa lành lặn trở về, và một đứa thì nhận được nắm xương… Trời ơi!”

 

Ông cán bộ Sở Thương binh Xã hội châm bó nhang đưa cho mẹ tôi:

- Thưa má, mời má thắp nhang cho anh Hai, để tụi con bốc mộ cho anh.

Ông kể cho mẹ tôi biết:

Cạnh mộ anh Hai tôi là mộ của hai người lính “Việt Nam Cộng hòa”. Hồi đó, bà con ở đây phải nghi trang, chôn anh Hai vào đây, vì trong thế “cài răng lược”, bọn địch đã ra lệnh ủi những ngôi mộ Việt cộng trong vùng chúng kiểm soát.

 

Mẹ tôi gật đầu, nhận bó nhang, chia làm ba phần, thắp lên mộ anh tôi, và hai nấm mộ của hai người lính chế độ cũ.

Mẹ tôi nói:

- Cũng vì chiến tranh cả thôi, các con ơi!...

Mẹ lặng lẽ khóc, tay vuốt vuốt những ngọn cỏ xanh. Mái tóc mẹ trắng xóa phất phơ trong ráng chiều đỏ rực./.

 

20-12-2004

 

Minh Diện
Số lần đọc: 1983
Ngày đăng: 28.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước vây - Phùng Văn Khai
Đừng rót trà cho em nữa - Nguyễn Đình Bổn
Kẻ lang thang - Leonid Leonov
Tô tem của tí choai. - Lâm Hà
Ẩn dụ về nhà văn - Karinthy Frigyes
Viết thuê - Trần Kim Sơn
Hoa quý - Khôi Vũ
Miền quê thao thiết - Trần Quang Vinh
Cây mít tố nữ - Đặng Văn Sinh
Hãy nắm chặt tay nhau - Đỗ Mai Quyên
Cùng một tác giả
Máu Chó (truyện ngắn)
Đêm lạnh (truyện ngắn)
Kên kên (truyện ngắn)
Vết roi (truyện ngắn)
Quả tim heo (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Chiếc huy hiệu cồ (truyện ngắn)
Gã Đớp (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Máu cô gái điếm (truyện ngắn)
Cô Son (truyện ngắn)
Lão Trạch (truyện ngắn)