Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
849
116.687.553
 
Cô Son
Minh Diện

Ngã ba rẽ vào làng An có cây đa cổ thụ. Dưới gốc đa có quán nước của cô Son (lẽ ra phải gọi là bà lão Son, vì năm nay bà đã ngót bảy mươi tuổi rồi, do bà Son chưa lấy chồng lần nào, nên theo tục lệ làng tôi, người ta vẫn gọi là cô).

 

Cô Son có họ xa với tôi. Theo thứ bậc tôi gọi bằng chị. Mẹ tôi kể: Ngày tôi còn bé chị Son vẫn hay nướng lúa nếp, vừa cắn chắt vừa bóc cho tôi ăn.

 

Chị Son mở quán nước dưới gốc đa đã được gần ba mươi năm. Tôi đi bộ đội, đi B, sau 1975 sinh sống ở Sài Gòn, vài năm mới về thăm quê một lần, lần nào tôi cũng ghé vào quán chị Son uống bát nước nụ vối, nói dăm ba câu chuyện, sau đó mới vào làng.

 

Lần này cũng vậy. Đáp máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, xuống sân bay Cát Bi, Hải Phòng lúc 8 giờ, tôi thuê xe chạy một mạch về làng.

 

Đã gần trưa mà vẫn chưa nhìn thấy mặt trời, mây dày xám ngắt như chì, phủ chụp xuống làng mạc. Trời rét đậm, đây có lẽ là đợt rét cuối cùng trong năm bởi hôm nay đã hai mươi tháng chạp rồi. Cây đa cổ thụ thu mình trong gió rét, nom có vẻ già và khắc khổ hơn trước, như ông lão ốm yếu khẳng khiu. Cái quán của chị Son cũng vậy, cũ kỹ ảm đạm tang thương, mái tranh vàng sẫm như tấm chăn ố rách mắc lên tấm thân xù xì của cây đa cổ thụ.

 

Chị Son đang nói chuyện với hai bà thợ cấy. Thấy người bước vào, chị ngẩng lên nhìn, mãi mới nhận ra tôi, chị nói như reo:

- Kìa, chú đã về! Thế thím với các cháu đâu?

- Nhà em với các cháu bận không về được chị ạ. - Tôi đáp.

- Thím thì lúc nào mà chả bận! - Chị Son nói ra vẻ hờn dỗi.

Tôi cười hỏi:

- Chị cấy hái xong chưa?

- Gớm! Có mỗi mảnh ruộng bằng bàn tay! Chú uống bát nước cho ấm bụng...

- Vâng, chị cho em xin.

Tôi đỡ bát nước vối chị Son đưa mời, rồi chợt nhận ra bàn tay chị Son năm nay đã khô gầy héo quắt, nhìn hệt như chiếc chân gà luộc phơi khô, vậy mà chiếc nhẫn làm bằng Đuya-ra có khắc hai chữ S lồng vào nhau vẫn bám chặt vào ngón tay đeo nhẫn của chị nhờ những vòng nỉ quấn thêm. Tự nhiên nước mắt tôi rưng rưng cứ muốn trào ra...

 

Hơn bốn mươi năm trước, chị Son là cô gái hai mươi tuổi đẹp nhất làng An. Chị có gương mặt trái soan, thân hình thắt đáy lưng ong, nước da trắng mịn. Chị lại hát hay, ăn nói có duyên và chăm chỉ nết na. Thời ấy chị Son từng nổi danh là “bông hồng bạch” làm ngơ ngẩn bao người, không chỉ con trai làng An, mà cả đám trai làng Thượng, làng Hạ, làng Trung cũng đều mơ ước hái được “bông hồng bạch” ấy. Nhưng chị Son chỉ mê anh Sắt - Bí thư xã đoàn, là người có duyên ăn nói, lại khỏe mạnh, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi. Trong những buổi liên hoan, anh Sắt với chị Son thường song ca bài Trước ngày hội bắn, được mọi người khen nức nở. Trai tài gái sắc! Đôi ấy mà sánh duyên thì chả ai bì! Cả làng cả xã ai cũng nói thế. Trời đã khéo xếp đặt cho hai người rồi: Son Sắt - Sắt Son!

Gia đình anh Sắt đang định chọn ngày tốt mang trầu cau sang nhà chị Son chạm ngõ, thì anh Sắt có lệnh nhập ngũ, nên đành hoãn lại. Nói chung chị Son anh Sắt và mọi người lúc ấy đều không buồn lắm, bởi hai anh chị còn quá trẻ, đang ước mơ phấn đấu trong phong trào “Ba sẵn sàng”. Hơn nữa anh chị đã ước hẹn với nhau rồi.

 

Hôm Hợp tác xã làm lễ tiễn tân binh, chị Son hát bài “Trai anh hùng gái đảm đang”. Giọng hát tươi trẻ của chị vút lên luyến láy: Đất anh hùng gái đảm nhiệm việc chung thay thanh niên. Gió đã nổi đi bất kỳ nơi đâu, bất kỳ nhiệm vụ chi anh ơi!... Việc nhà trọn mọi bề... Lời bài hát ấy chị Son như muốn nói riêng với người yêu, gương mặt chị rạng ngời hạnh phúc. Anh Sắt uống từng lời hát tha thiết của người yêu mà lòng bồi hồi xúc động.

 

Anh Sắt vào bộ đội được mấy tháng, đã cùng đơn vị lập công bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Đơn vị gửi giấy báo công về xã, riêng anh Sắt gửi cho chị chiếc nhẫn làm bằng mảnh máy bay Mỹ, có khắc hai chữ S lồng vào nhau, tượng trưng cho tình yêu son sắt của hai người. Tin vui ấy lan khắp cả huyện.

Hôm làm lễ tuyên dương anh Sắt, trước toàn thể thanh niên trong xã, đích thân ông Bí thư Đảng ủy xã thay mặt anh Sắt và gia đình đeo chiếc nhẫn vào tay chị Son, khiến chị cảm động rơi nước mắt.

 

Sau đó chị Son được đảm nhận chức Bí thư xã đoàn thay cho anh Sắt. Ngoài ra chị còn kiêm chức Phó chủ nhiệm Hợp tác xã An Bình, phụ trách khâu kỹ thuật trồng trọt. Chị say mê công tác và thường xuyên thăm hỏi gia đình bố mẹ anh Sắt, nên được lãnh đạo cũng như bà con làng xóm hết lời ngợi khen.

 

Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Trai gái làng An nô nức đi bộ đội, Thanh niên xung phong vào chiến trường giết giặc lập công.

 

Anh Sắt viết mấy lá thư gửi cho chị Son, hẹn đi hẹn lại ngày nghỉ phép sẽ về tổ chức đám cưới. Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, anh vẫn chưa được về.

 

Sau đó anh Sắt bặt tin luôn. Những bức thư chị Son gửi anh theo hòm thư cũ đều bị trả lại. Sốt ruột! Chị đạp xe lên tận Kiến An, tìm đến chỗ anh Sắt đóng quân trước kia thì mới biết đơn vị anh đã đi B rồi (hồi ấy đi B còn bí mật lắm). Buổi chiều ấy cuối mùa Đông, chị Son thẩn thờ đứng dưới chân núi Voi, mắt đăm đăm nhìn lên đỉnh núi lẩm bẩm hai câu thơ anh Sắt viết tặng chị ngày nhập ngũ:

 

Sắt Son giữ trọn lời thề

Đánh tan giặc Mỹ anh về bên em

 

Chị Son đinh ninh lời nguyền ấy sẽ thành hiện thực. Nhất định anh Sắt sẽ về.

Nhờ niềm tin ấy mà chị Son bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh, lánh xa những ánh mắt thèm khát rình mò chị. Mỗi buổi sáng thức dậy, chị Son có thể không soi gương, nhưng chị không quên ngắm nghía chiếc nhẫn đính ước trên tay mình. Chị dùng kem đánh răng lau chùi chiếc nhẫn sáng bóng như gương. Hằng ngày nâng niu ngắm nhìn chiếc nhẫn ấy, chị như thấy hình bóng người yêu bên cạnh. Chị vuốt ve kỷ vật như vuốt ve khuôn ngực vạm vỡ của anh. Có đêm nhớ anh cồn cào, chị chạy ra sân kho hợp tác, một mình trục lúa đến khi vã hết mồ hôi, mệt lử. Chị nằm nghiêng trên đống rơm tươi nhìn những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời xa tắp, thầm gọi: “Anh Sắt ơi! Anh Sắt của em ơi!...”.

 

Anh Sắt vẫn biệt vô âm tín.

Trong khi đó hai người em anh Sắt lần lượt lên đường nhập ngũ, rồi lần lượt cả hai người ấy đều có giấy báo tử gửi về. Bố mẹ anh Sắt ngất lên ngất xuống, rồi đổ bệnh nặng nằm liệt giường. Chị Son xin phép cha mẹ đẻ sang ở hẳn bên nhà bố mẹ anh Sắt để trông nom ông bà cụ. Được ba năm thì bố mẹ anh Sắt mất, chị Son tất tả lo ma chay cho hai cụ đâu đó xong, rồi mới giao nhà lại cho cô em út anh Sắt để về nhà mình.

 

Thắm thoát chị Son đã bước qua tuổi ba mươi, nhìn chị vẫn mặn mà xinh đẹp, nhưng đã thoáng hiện những nếp nhăn ở đuôi mắt.

 

Một hôm anh Đính ở làng Hạ (trước nhập ngũ cùng anh Sắt) bị thương ra an dưỡng. Anh Đính được ghé về nhà, liền nhắn chị Son qua nhận thư của anh Sắt.

 

Chị Son không nén nỗi mừng rỡ hấp tấp chạy sang. Trước mặt mọi người, chị khóc như đứa trẻ, nước mắt rơi lộp độp xuống lá thư đã ố vàng vì người yêu chị viết lâu rồi:

 

Phu-Khét ngày 10-9-1969

Son thân yêu! Anh viết thư này cho em sau trận đánh đồi Phu-Khét. Khải và Toàn ở làng Vũ hy sinh rồi em ạ, Đính bị thương chắc được về chuyến sau, nên anh gửi Đính lá thư này cho em. Em yên tâm, anh vẫn khỏe. Anh vẫn luôn nhớ, vẫn hát bài Trước ngày hội bắn cho anh em cùng đơn vị nghe bằng cả giọng nam trầm và giọng nữ cao - như ngày xưa anh và em từng song ca.

 

Chiếc nhẫn anh tặng em, em còn giữ không? Ngày anh về mình tổ chức đám cưới thật to nhé. Sẽ không có chiếc nhẫn cưới nào sánh kịp chiếc nhẫn anh đã gửi cho em đâu Son ạ. Anh yêu em mãi mãi. Hôn em!

 

Chị Son hỏi anh Đính:

- Phu-Khét ở đâu anh?

- Ở Lào, chiến trường C - Đính đáp.

- Xa thế cơ à?! Phải chi ở gần thì em nhất định phải đi thăm anh ấy. Chiến trường C có ác liệt bằng chiến trường B không?

 Đính mỉm cười, rồi gõ gõ ngón tay xương xẩu xám ngoét vì sốt rét lên trán cô Son:

- Chiến trường nào cũng ác liệt cả cô em ạ. Cô đọc bài thơ Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng chưa? Lính chiến trường C đấy.

 

Sáu năm nữa lặng lẽ, đằng đẵng trôi đi, chị Son không nhận được thêm lá thư nào của anh Sắt. Ngày đêm chị cầu nguyện cho anh được an lành.

 

Ngày giải phóng miền Nam, nhiều người lính quê làng An, làng Vũ, làng Hạ, làng Đông... lần lượt trở về trong không khí mừng vui khôn xiết của gia đình. Ngày nào chị Son cũng đứng đợi ở ngã ba, mắt dõi theo từng bóng áo lính xa xa... Tim chị  nhảy thon thót, miệng cầu khẩn người về là anh Sắt của chị...

 

Nhưng hết người này đến người khác, hết ngày này qua tháng khác vẫn không thấy anh Sắt về.

Một buổi chiều, người ta thấy chị Son nằm ngất xỉu ở ngã ba, họ vội đưa chị vào bệnh viện huyện cấp cứu, hôm sau chị Son mới tỉnh lại.

 

Thế rồi lại nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, tiếp đến chiến tranh biên giới phía Bắc.

Chị Son nghe tin đồn phong thanh rằng anh Sắt bây giờ đã lên chức to, vì nhiệm vụ đặc biệt nên chưa về được. Chị mừng ơi là mừng! Thế là chị lại có thêm niềm hy vọng, dẫu mong manh nhưng vẫn tiếp sức sống cho chị. Chị Son tiếp tục kiêu hãnh đợi chờ, bỏ ngoài tai mọi lời xì xầm ong bướm. Đắm đuối với niềm tin và hy vọng, chị Son quên mất là mình đã bước qua tuổi bốn mươi, nhan sắc đang tàn phai...

 

Khi bố mẹ chị mất, chị Son không muốn làm bà cô trong căn nhà mà bố mẹ đã di chúc lại cho anh trai, nên chị lặng lẽ ra gốc đa đầu làng dựng lều mở quán nước, với hy vọng một ngày nào đó anh Sắt về, chị sẽ là người được nhìn thấy anh đầu tiên...

 

Chị nằm mơ thấy anh Sắt luôn đấy chú ạ! Anh ấy vẫn hát hay như ngày xưa?...” - Chị Son nói với tôi như vậy, rồi xoay xoay chiếc nhẫn trên tay. Những giọt nước mắt buồn tủi bỗng lăn dài trên hai gò má nhăn nheo của chị.

 

Một bà thợ cấy lấy vạt áo của mình chấm nước mắt cho chị Son, rồi quay sang nói với tôi:

- Ngày nào bà ấy cũng mơ cũng khóc đấy chú ạ! Rõ lẩn thẩn!...

Tôi động viên chị Son vài lời, mời chị chiều hăm ba về rước Ông Táo.

Không ngờ đêm ấy chị Son mất vì cảm lạnh. Chị chết cô đơn trong quán rách xiêu vẹo dưới gốc đa già cỗi, thân hình chị khô quắt, chiếc nhẫn bằng mảnh máy bay Mỹ vẫn sáng rực! Lỏng lẻo mà vẫn thít chặt ngón tay chị... Tôi rợn người nhìn chiếc nhẫn, nó hệt như chiếc còng đã khóa cuộc đời chị tôi suốt mấy chục năm qua, cho đến chết./.

 

Tháng chạp - Mậu Tý

 

Minh Diện
Số lần đọc: 1853
Ngày đăng: 23.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quận He - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện Làng Tôi … - Trần Minh Nguyệt
Chuyến bay của người đẹp ngủ say - Trần Vũ
Những Người Làm Chứng - Khải Nguyên
Giấc Mộng - Âu thị Phục An
Ngày thì tối, đêm thì sáng - Nguyễn Lệ Uyên
Mẹ hay ôsin? - Khôi Vũ
Sinh ngày 13 tháng 7 - Huỳnh Văn Úc
Chúa Trịnh - Ngày Tàn… - Đỗ Ngọc Thạch
Người Bốc Cháy - Dương Đức Khánh
Cùng một tác giả
Máu Chó (truyện ngắn)
Đêm lạnh (truyện ngắn)
Kên kên (truyện ngắn)
Vết roi (truyện ngắn)
Quả tim heo (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Chiếc huy hiệu cồ (truyện ngắn)
Gã Đớp (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Máu cô gái điếm (truyện ngắn)
Cô Son (truyện ngắn)
Lão Trạch (truyện ngắn)