Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
723
116.735.125
 
Cảnh trong thơ sơn thủy đời Đường – nhìn từ nỗi sầu nhân thế
Nguyễn Thành Giang

Thơ Đường là đỉnh cao của thơ ca không chỉ của Trung Quốc mà còn là của cả nhân loại. Mỗi vần thơ súc tích là cả một tấm lòng, một tài năng của các thi gia cũng như mang một nét văn hóa độc đáo và sâu sắc. Đến với thơ Đường, chúng ta được đến với thế giới tâm trạng đa mức độ, đa chiều của con người trong cõi trần gian tạm bợ này. Bên cạnh đó, các thi gia thời Đường còn để lại cho đời sau những bức họa cảnh vật thiên nhiên cũng như ghi lại dấu thời gian bốn mùa đi qua bằng những vần thơ tuyệt tác của mình. Cảnh sinh tình, tình hòa trong cảnh để quyện lại với nhau tạo nên một ấn tượng vừa thanh tao lại vừa sâu lắng trong lòng người đọc.

 

Thơ sơn thuỷ là một bộ phận quan trọng góp phần làm sáng lên diện mạo thơ Đường. Ở bộ phận thơ Đường này, cảnh vật được khắc họa hết sức độc đáo nhưng cũng rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống hàng ngày. Nếu có một cái nhìn sâu một chút, sẽ thấy thơ sơn thủy đời Đường luôn nhuốm một nỗi ưu tư, hay là nỗi sầu dằng dặc qua từng câu, từng chữ. Trong cảnh núi non sông nước đã có cái hồn đầy biến động của con người trước bể dâu trần thế. Nỗi sầu ấy như đã có từ tiền kiếp, hòa trong dòng máu của những kẻ được gọi là thi nhân từ xưa đến nay. Trong thơ sơn thủy đời Đường, nó hiện hữu khi ẩn khi hiện, làm cho cảnh vật dễ lay động lòng người, dễ tạo sự đồng cảm với người đọc hơn, nhất là đối với những kẻ trót đa mang cái nghiệp văn chương

 

I. Vài nét về tâm trạng ưu tư trong thơ Đường

 

Thơ có mặt trên cõi đời này, đầu tiên là để giải tỏa những cảm xúc của con người mà phần nhiều là ưu tư phiền muộn. Thơ Đường cũng mang trên mình cái trọng trách ấy, cho dù nó là đỉnh cao của thi ca nhân loại chăng nữa. Bởi vậy, đọc thơ Đường, ta thấy đâu đâu cũng là niềm ưu tư, là nỗi sầu da diết trước sinh li tử biệt, trước những biến động trong cuộc đời vốn vô thường này. Niềm ưu tư, nỗi sầu ấy hiện ra cũng rất đa dạng. Đó là người con xa xứ luôn vọng một niềm hoài vọng về cố hương, đó là con người trước dòng sông xanh thẳm vẫn đứng trông sau cuộc đưa tiễn bạn hiền, đó là người vợ với tình cảm dành cho chồng nơi sa trường giữa mùa rét tới..v..v…Và rất nhiều, rất nhiều nữa. Bởi thế, đọc một bài thơ Đường, tuy chưa qua bản dịch, ta đã thấy cái gì đó đượm một điệu sầu man mác. Mà nỗi niềm ưu tư, nỗi sầu thì trong cõi hồng trần này cho dù ở đời nào, cho dù ở nước nào cũng đều chảy chung một dòng. Đó cũng là một trong những cái làm nên giá trị vĩnh hằng cho thơ Đường

 

II. Cảnh trong Thơ sơn thủy đời Đường – nhìn từ nỗi sầu nhân thế

 

1.Nỗi sầu trước dòng sông

 

Phải nói rằng, hình ảnh dòng sông trong thơ sơn thủy đời Đường là một hình ảnh có một vai trò quan trọng. Ở đây, chúng ta cần chú ý rằng vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, tất nhiên đã có đi lại trên bộ, nhưng ở những vùng có sông lớn, việc đi lại bằng đường thủy vẫn thịnh hành hơn, thuận lợi hơn. Bởi thế, không khó để nhận ra rằng trong thơ Đường nói chung và thơ sơn thủy đời Đường nói riêng, dòng sông luôn hiện ra trong tâm thức của thi nhân.

 

Điều đầu tiên có thể thấy rằng dòng sông là biểu trưng cho những cuộc chia li, tiễn biệt thật xúc động. Đó là cuộc tiễn đưa bạn đầy lưu luyến trong “ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lý Bạch:

 

Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc lâu

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

(  Bạn từ lầu Hạc lên đường

Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng

Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời )

( Ngô Tất Tố dịch)

 

Và đó cũng có thể là cuộc chia tay của hai anh em ruột trong tâm trạng ngổn ngang những phiền muộn và uất hận:

 

Đạm đạm trường giang thủy

Du du viễn khách tình

Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh

( Nam hành biệt đệ - Vi Thừa Khánh )

 

( Êm đềm mặt nước trường giang

Khách xa luống những ngổn ngang mối tình

Hoa rơi dường cũng bất bình

Tả tơi xuống đất lặng thinh bùi ngùi )

(Trần Trọng Kim dịch)

 

Dòng sông trong thơ sơn thủy đời Đường còn là khởi nguồn cho nỗi nhớ quê hương, cho tấm lòng của những đứa con xa hướng về cố quận. Có thể trước cái mênh mông lặng lẽ của con nước dịu vợi êm xuôi, ai mà không trải tấm lòng nhớ thương da diết về nơi chôn nhau cắt rốn ra với dòng sông cho được. Nhất là những buổi hoàng hôn, giữa khói sóng và mây chiều bồng bềnh trôi, miên man giữa cõi lòng. Ai đọc thơ Đương chắc sẽ không thể nào quên được hai câu thơ tuyệt tác trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:

 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 

( Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

( Tản Đà dịch)

 

Sau này, nhà thơ Huy Cận đã có một câu thơ tương tự nhưng sắc thái biểu cảm cao hơn nhiều trong bài thơ “Tràng Giang”:

 

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

 

Thôi Hiệu xưa trước hoàng hôn, khói sóng bay là là mặt sông thì nhớ quê. Còn Huy Cận, không khói sóng vẫn nhớ quê, nhớ quê ngay trên quê hương mình. Ấy là cái tiếp nối đầy cơ duyên nhưng cũng sáng tạo của nghệ thuật

 

 

2. Nỗi sầu trong đêm:

 

Đêm là lúc dễ gợi cho con người nỗi sầu nhất, khi ta phải đối diện với chính mình, đối diện với những nỗi đau mà ban ngày được vùi sâu tận đáy lòng. Có những người ban ngày rất vui vẻ, trôi đi cùng cuộc sống đời thường nhưng khi đêm về, nếu một mình đối diện với bóng đêm sẽ cảm thấy cô đơn vời vợi, thấy cảnh sắc nhuốm một màu sầu khó tả. Bởi vậy, cảnh đêm trong thơ sơn thủy đời Đường thường gắn với nỗi sầu lúc nhẹ nhàng, lúc lại xoáy sâu vào lòng người. Hãy đến với bài “Phong Kiều dạ bạc” để thấy cái miên man, cái sầu nhè nhẹ khó tả trong đêm, cả hữu hình lẫn vô hình:

 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

 

(   Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến, còn vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn )

(Khuyết Danh dịch)

 

Chỉ cần tiếng quạ kêu, tiếng chuông chùa ngân đều đặn trong ánh lửa đèn leo lét trên thuyền chài, bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế không chỉ vẽ nên một bức tranh màn đêm đượm màu cô quạnh mà còn gợi cho người đọc những nỗi sầu xa xăm tìm về để rộ lên những tiếng lòng không dứt

Đêm còn gợi ra cho con người sự cô đơn, trống vắng. Nếu một mình trong đêm, niềm cô đơn ấy càng hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết. Vương Duy đã nói được điều ấy trong bài thơ “ Thu dạ khúc”:

 

Quế phách sơ sinh thu lộ vi

Khinh la dĩ bạc vị cánh y

Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng

Tâm khiếp không phòng bất nhẫn qui

 

(  Trăng vừa lên, rớt sương thưa

Một tà áo mỏng cũng vừa lòng đơn

Trời khuya, ngắm lại cây đờn

Sợ nơi phòng vắng mà không nỡ về )

( Nguyễn Thành Giang dịch )

 

 

Trong thơ sơn thủy đời Đường, đêm còn là lúc mà con người hướng về quê hương, hướng về những kỉ niệm của một thời quá vãn. Trong màn đêm, hình ảnh quê nhà cùng với biết bao vui buồn lại hiện về. Có thể thấy rõ nhất điều này trong bài “ Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch:

 

Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”

 

( Đầu giường, ánh trăng buông

Ngỡ đất nhập nhòa sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Nao nao lại nhớ làng )

(Ngô Văn Phú dịch)

 

Đêm còn gợi ra những bất trắc, những nỗi khốn khó đến tột cùng mà người dân nghèo khổ, yếu thế phải chịu đứng. Chúng ta thấy rằng Đỗ Phủ - bậc Thi Thánh trong thơ Đường, luôn chọn niềm cảm hứng trong đêm để cho thấy nỗi lòng xót xa cũng như thực tại xã hội đau lòng hiện tại. Đơn cử như ở bài “Thạch Hào lại”, cảnh bắt lính đi phu của viên lại diễn ra suốt từ chiều kéo dài trong đêm. Đêm là lúc mà người dân được nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Vậy mà họ không được để yên. Ông già trong bài thơ vượt tường chạy như chạy nạn. Lời quát tháo của viên lại át tiếng van xin đến não lòng của bà cụ nghe mà xót xa quá.

 

Còn ở bài, “Mao ốc thu phong sở phá ca”, bức chân dung tự họa cảnh khốn cùng của Đỗ Phủ hiện ra đầy thê lương. Bài thơ có những câu tả sự khắc nghiệt và bất trắc của một đêm giông bão:

 

Thu thiên mạc mạc hướng hôn hắc “

( Trời thu mịt mịt đêm đen đặc)

 

hay:

Trường dạ chiêm thiếp hà do triệt”

 ( Đêm dài ướt áo sao cho trót ? )

 

Với Đỗ Phủ, bóng đêm như là đồng lõa với cái xấu cái ác. Nó tiếp tay cho những rủi ro, bất trắc xảy đến với những mảnh đời bất hạnh, đớn đau.

 

3. Nỗi sầu trước mùa xuân

 

Mùa xuân về, cây lá đâm chồi nảy lộc, vạn vật tươi vui sắc thắm, nhưng cũng làm cho thi nhân có một chút chạnh lòng. Cái sầu cũng từ đó mà sinh ra. Trước hết, đó là niềm sầu cho cảnh chia li, cách trở. Mà sầu hơn cả là sự chia lìa của đôi uyên ương trong lúc cảnh xuân và tình xuân đang phơi phới. Ta bắt gặp điều này trong tâm trạng của người thiếu phụ ở bài “Khuê oán” của Vương Xương Linh:

 

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu”

 

( Trẻ trung nàng biết chi sầu

Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương

Nhác trông vẻ liễu bên đường

Phong hầu nghĩ dại, xui chàng kiếm chi )

( Tản Đà dịch)

 

Người thiếu phụ vắng chồng trong ngày xuân, chỉ cần thấy sắc xanh trở màu non tơ của cây dương liễu mà lòng đã dợn lên những đợt sóng tình dồn dập. Và, nàng cảm thấy hối tiếc vì những ngày mùa xuân, những năm tháng tuổi xuân đầy đam mê và sức sống lại không được ở bên chồng chỉ vì một lời ủng hộ chàng ra trận tuyến. Một nỗi tiếc nuối, một chút sầu thoáng hiện rất thực, rất đời thường nhưng đậm chất nhân văn

 

Người ta sầu trước mùa xuân cũng bởi mỗi xuân đi qua là một tuổi đời cũng qua theo với những buồn vui không bao giờ trở lại. Những kỉ niệm cùng một mùa xuân tươi đẹp năm ngoái, năm xưa cũng đã trở thành quá vãng. Ai đọc thơ Đường chắc hẳn không thể không nhận ra điều này trong bài thơ “ Đề Đô thành Nam trang” của Thôi Hộ:

 

Tích niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu Đông phong

 

( Cổng này, năm ngoái cũng hôm nay

Đào ánh mặt người mà đỏ hây

Người đẹp giờ đâu ? Trời mới biết !

Hoa đào còn ghẹo gió Đông bay )

( Ngô Văn Phú dịch)

 

Cũng ngày này mùa xuân trước, trong sắc hoa đào ánh lên sắc đẹp kiều diễm của người thục nữ làm say lòng Thôi Hộ. Vậy mà, Xuân này chỉ còn mình thi gia với màu hoa đào năm cũ, với gió Đông càng thổi lộng nỗi nhớ thiết tha. Nỗi sầu lên cao dần, hòa trong nỗi nhớ thương, tiếc nuối một kí ức, một hình bóng một đi không trở lại. Đọc đi đọc lại, càng thấy chạnh lòng hơn

Xuân trong thơ sơn thủy đời Đường đôi lúc còn là những bức tranh quạnh quẽ, điêu tàn, làm lòng người không khỏi nhuốm sầu theo dòng tâm tưởng của nhà thơ :

 

Canh phu triệu mộ trục lâu thuyền

Xuân thảo thanh thanh vạn khoảnh điền

Thí thướng Ngô môn khuy quận quách

Thanh Minh kỉ xứ hữu tân yên

( Xương Môn tức sự - Trương Kế )

 

( Nhà nông bị bắt xuống thuyền binh

Ruộng đất bao la cỏ mượt xanh

Lên gác Ngô Môn nhìn khắp quận

Lơ thơ khói mới tiết Thanh Minh )

( Tương Như dịch)

 

Bài thơ là sự đối lập giữa cỏ cây thiên nhiên và cuộc sống con người. Xuân về, cỏ vẫn tốt tươi và vươn dài trên ruộng đất. Chỉ có con người là cơ cực, là sống leo lắt với cuộc sống cứ nhạt nhòa dần như làn khói bếp lơ thơ tiết Thanh Minh.

Còn ở bài thơ “ Xuân oán” của Lưu Phương Bình, Xuân cũng tàn, mà dấu vết sự sống của con người cũng mông lung dịu vợi lúc hoàng hôn đổ bóng:

 

Sa song nhật lạc tiệm hoàng hôn

Kim ốc vô nhân kiến lệ côn

Tịch mịch không đình xuân dục vãn

Lê hoa mãn địa bất khai môn”

 

(  Ngoài song ác lặn, xế hoàng hôn

Ai biết nhà vàng giọt lệ tuôn

Xuân đã hầu tàn, sân vắng vẻ

Hoa lê đầy đất cửa cài luôn )

( Đường Thi Trích Diễm – 1950 )

Ngày cũng hết, xuân cũng hết, bóng dáng con người cùng mờ ảo sau cánh cửa. Một sự cô quạnh toàn diện chiếm hữu cảm xúc của bài thơ để ngân lên một nỗi sầu dằng dặc

 

 

4. Nỗi sầu dưới ánh trăng

 

Trăng là niềm cảm hứng vô tận của các thi nhân từ cổ chí kim. Đối diện với ánh trăng, dường như con người cảm giác dễ dàng trải cảm xúc một cách tự nhiên. Dưới ánh trăng vằng vặc nơi đất khách, lòng người dễ vang lên những tiếng đồng vọng về ánh trăng nơi quê nhà. Điều ấy thể hiện rõ trong bài “ Tĩnh dạ tứ” của Lý Bach. Đành rằng, dưới màn đêm, con người dễ nhớ về cố quận, song, ánh trăng là sự khởi nguồn cho nỗi nhớ trong đêm. Bởi thế, Lý Bạch ngẩng đầu vừa nhìn vầng trăng rọi sáng thì cúi đầu xuống lại thấy trong tâm thức, hình ảnh quê hương hiện hữu, nỗi nhớ trào dâng đến cồn cào khó cưỡng lại

Trong thơ sơn thủy đời Đường, trăng còn rọi chiếu những hồi ức, những kỉ niệm mà nay không còn nữa. Dưới trăng, hoài niệm của một thời quá vãng hiện về, khiến lòng người vời vợi một niềm nhớ thương, tiếc nuối:

 

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ

Công khan minh nguyệt giai như thủ

( Bá tửu vấn nguyệt – Lý Bạch )

 

( Người nay chẳng thấy trăng thời trước

Người trước, trăng nay dọi có lần

Người trước người nay dòng nước chảy

Cùng trông trăng sáng đều như vậy )

( Lê Nguyễn Lưu dịch )

 

Làm sao mà không xót xa tiếc nuối khi vầng trăng xưa nay vẫn vằng vặc soi đất trời, soi mỗi con người mà người thì mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm đều phải đi qua những biến động. Trăng thì vĩnh cửu mà đời người thì hạn hữu. Cái gì ngày hôm qua thì không thể quay lui tìm lại được, huống gì là những âm vang xưa cũ. Đó là tâm trạng đau đáu về một miền thơ đã qua khi đối diện với vầng trăng muôn thuở trẻ. Mà âu đó cũng là cảm giác chung của tất cả những ai trót mang nợ với cõi vô thường này mà không biết bao giờ mình mới trả xong.

Trăng còn gắn với nỗi đau mất nước, nỗi lòng căm hờn khôn nguôi trước việc đời trớ trêu :

 

Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia

Thương nữ bất tri vong quốc hận

Cách giang do xướng “ Hậu đình hoa

( Bạc Tần Hoài - Đỗ Mục )

 

(  Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha

Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia

Con hát biết chi hờn mất nước

Cách sông còn hát: “Hậu đình hoa )

( Khương Hữu Dụng dịch)

 

Ánh trăng trong bài “ Bạc Tần Hoài” không soi, không rọi, không lung linh, cũng không rơi trên mặt đất như sương. Ánh trăng như lách mình đi vào những kẽ nhỏ giữa những hạt cát để cùng sẽ chia những nỗi đau của bao người thấm sâu vào đất mẹ. Đó là một sự thẩm thấu khó tìm thấy ở một bài thơ Đường khác. Ánh trăng trong những bài thơ khác cùng lắm chỉ là soi sáng trên bề mặt. Nhưng ở đây, nó đã hòa cùng, đã lồng vào từng hạt cát nhỏ. Ấy là cái thần mà không phải nhà thơ nào phóng bút cũng làm được. Qua đó, thể hiện nỗi đau, nỗi sầu đời cũng chỉ biết thẩm thấu, chôn sâu vào tận đáy lòng.

 

Qua những gì nghiên cứu ở trên, cảnh thơ sơn thủy đời Đường hiện ra cùng với nỗi sầu bao trùm cả trang thơ. Ta thấy được sự tài hoa của thi nhân đời  Đường hòa trong những cảm xúc rất thật, rất bình dị nhưng vô cùng sâu sắc và độc đáo. Đó là những yếu tố làm nên sự sức sống vĩnh hằng của thơ Đường. Mỗi vần thơ là một sự kết tinh của cái tài nhưng cũng là một tâm sự, một nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi trước cuộc đời này. Đọc những vần thơ ấy, người đọc không chỉ say đắm với cảnh sắc thiên nhiên mà chắc hẳn cũng sẽ đồng cảm với những niềm ưu tư, những nỗi sầu chưa lạ với những ai đang trót ở kiếp làm người./. 

 

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

  

1. Lê  Nguyễn Lưu -  Đường Thi tuyển dịch ( Tập I ) – NXB Thuận Hóa – 1997

2. Lê Nguyễn Lưu -  Đường Thi tuyển dịch (Tập 2) – NXB Thuận Hóa – 1997

Nguyễn Thành Giang
Số lần đọc: 9959
Ngày đăng: 22.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Đi tìm chân trời cho thơ - Dương Bích Duyên
Quan Điểm Mỹ Học của Lão Trang - Nguyễn Trúc Uyên
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam - Trần Minh Thương
Người đọc trong quan niệm của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Từ một câu Ca Dao hiểu câu thơ Hàn Mặc Tử - Trương Quang Cảm
Thơ xứ Huế 2009 - một năm nhìn lại - Lê Huỳnh Lâm
Thơ Inrasara, cách tân theo tinh thần hậu hiện đại - Lê Thị Việt Hà
Lê Đạt với những đối thoại về thơ - Trần Hoài Anh
Inrasara trong Hành Trình Cách Tân Thơ Việt - Lê Thị Việt Hà