Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
775
116.645.306
 
Lang thang chữ nghĩa
Phan Huy Đường

1.

Viết chính mình – 2

 

Viết chính mình là : viết đúng theo cảm nhận của mình, không viết theo văn thời thượng để được khen.

Sau đó mới đến chuyện kỹ thuật dựng truyện, xây dựng nhân vật, mài câu giũa chữ et tutti quanti. Lúc đó, thường nên bớt chữ thừa, nhưng có lúc cũng nên cố ý viết như người đời quen nói để chi phối trực giác của độc giả. Cũng... vừa vừa thôi! Lạm dụng món này thì trở thành trò giật dây độc giả. Khi nhà văn chơi trò ấy một cách vô thức, nó biểu hiện sự lệ thuộc của con người đối với xã hội đã nhào nặn ra nó. Khi nhà văn làm chuyện ấy một cách ý thức thì càng kinh hoàng hơn : không nên cầm bút.

Khốn nỗi chính mình cũng cảm nhận thế giới xuyên qua ngôn ngữ mà xã hội nhồi vào đầu của mọi thành viên của nó để uốn nắn nó thành người. Do đó, hành-văn là một hình thái phủ định chính mình. Chỉ phủ định hời hợt hình thức thôi, thành văn sáo. Dám chân thành phủ định tận mình, cái mình lệ thuộc, để sáng tác cái mình tự do, may ra thành văn.

Hè hè...

(2009-12-05-PHD)

 

2.

Hình thức và nội dung – 2

Khi nhà văn mô tả con người bị ép sống như thú vật, văn phong càng trong sáng bao nhiêu càng khiến độc giả thương cảm thân phận làm người bấy nhiêu.

Khi nhà văn đội lốt người cho thú vật để thăng hoa nếp sống cầm thú với nhau trong nhân giới, văn phong càng mỹ miều bao nhiêu càng trơ trẽn bấy nhiêu.

(2009-11-29-PHD)

 

 

3.

Làm nhà văn Ziao Chỉ như thế nào đây ?

 

Làm người cầm bút viết văn bằng tiếng Ziao Chỉ, ta nên thực thà nói với nhau điều này : từ hơn 10 năm nay, 1998-2009, ta chỉ có khả năng làm đại văn hào với nhau thôi, trong những ghetto nho nhỏ của ta, ta chẳng có bao nhiêu tác phẩm đáng cho thiên hạ quan tâm. Có đấy, nhưng quá ít đối với văn hoá của hơn 80 triệu người (VN là nước đông dân thứ 13, 14 gì đó trong nhân loại). Không phải chỉ vì mình nhược tiểu, lạc hậu về mặt kinh tế, điều đó đúng và là một luận điểm đau đỏ của Marx đó ; nhưng trong bối cảnh thông tin ngày nay, tôi không tin lắm. Còn là vì, thú thật, mình chẳng có gì đáng nói khiến người đời quan tâm. Chưa kể tới chuyện phải biết nói nó một cách nghệ thuật.

(2009-02-24-PHD)

 

4.

 Chủ nghĩa Marx Ziao Chỉ hoá

nhân đọc Hội thề, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Quang Thân và Danh tiếng và bóng tối, tiểu thuyết của Lê Hoài Nam.

 

Cậu vẫn nhớ ngày xưa mắc tội phạm thượng là bị chém đầu đấy chứ? Thời nay chắc người ta không tiện chém đầu cậu nhưng cậu cũng sẽ hết cửa phấn đấu, hết đường làm ăn, sinh sống.

Lê Hoài Nam

 

Trong lịch sử loài người, Cách mạng tư sản ở Châu Âu là cách mạng duy nhất mà văn hoá mới đi trước, quyền lực theo sau. Lúc nó nổ ra ở Pháp, giai cấp tư sản không chỉ lấn áp về mặt kinh tế, nó đã có một nền văn hoá áp đảo : Thế kỷ khai sáng, thế kỷ của tư duy khoa học, của tự do tư duy, của con người cá nhân.

 

Rất khác cuộc "đổi đời" ở nước ta thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi, cũng văn hoá đi trước quyền lực theo sau, ít nhất là trong những văn bản của Nguyễn Trãi để lại, nhưng văn hoá ấy chỉ là tinh hoa của một văn hoá cũ, của Trung Quốc.

 

Do đó Cách mạng tư sản Pháp khai sinh ra một nền văn minh mới, còn cuộc "bể dâu" của Lê Lợi – Nguyễn Trãi chỉ tái sinh được một triều đình kiểu cũ.

Trong thế kỷ 19, Marx là một trong những người hiếm hoi đeo đuổi giấc mơ của các nhà bách khoa (encyclopédistes), thừa kế tinh thần của Thế kỷ khai sáng. Cũng tìm hiểu đủ thứ lĩnh vực của kiến thức, cũng tin tưởng vào khoa học, vào lý trí (rationalité), tuy chàng cho rằng lý trí hình thức không đủ để hiểu kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử, văn chương, văn học, nghệ thuật et tutti quanti. Ngoài những ghi chú nho nhỏ đó đây, chàng ít khi viết về văn chương, văn học, nghệ thuật. Thế mà suốt trăm năm, chàng đã ảnh hưởng và gây cảm hứng cho biết bao trí thức Tây Âu không phải loại xoàng trong những lĩnh vực ấy ! Vì sao ? Vì họ cảm nhận được, "hiểu" được tầm vóc văn hoá của những điều chàng viết : họ cùng lò văn hoá chui ra mà !

 

Điều trên, ở Ziao Chỉ Quận, không thể có được. Đại đa số người Ziao Chỉ chẳng thể nào có được nghiệm sinh và nền tảng kiến thức và giá trị Tây Âu cần thiết cho phép họ cảm nhận và tiếp thu chiều kích văn hoá mới trong tư tưởng của Marx. Lúc Đảng Cộng Sản VN được thành lập, hơn 90% người Việt là nông dân mù chữ thoát thai từ nền phong kiến Ziao Chỉ của thế kỷ 18-19. Làm sao họ hiểu được, sống được những giá trị và suy luận văn hoá mới của Marx ? Nhưng họ là lực lượng duy nhất có thể đánh bại thực dân Pháp, dựa trên những giá trị nhân bản truyền thống của mình.

 

Đảng CSVN, thời ấy, đã khéo léo kết hợp được một số giá trị văn hoá cổ truyền của người Việt với một số kiến thức của học thuyết của Marx về chủ nghĩa tư bản để vạch ra đường lối đấu tranh đánh bại được thực dân Pháp, giành lại độc lập, rồi đánh bại Mỹ. Và nó nắm chính quyền.

Để làm gì ?

 

Học thuyết của Marx đâu là một nền văn hoá ! Thậm chí, nó có thể cơ bản đúng trong một vài vấn đề cốt lõi, nhưng nó đâu có thể nào đúng trong mọi vấn đề, dù chỉ đại khái thôi, và nó đâu có bao gồm mọi vấn đề !

 

Một khi đã nắm chính quyền trên sự nhập nhằng âm u đó, cách duy nhất để giữ quyền lực và hưởng lộc là :

1/ tôn giáo hoá tư tưởng Marx-Lênin

2/ dựa vào những kẻ ít có khả năng nhất để biết tới những tư tưởng ấy, công nông, càng ít học càng tốt, để duy trì quyền lực.

3/ trên cơ sở ấy, làm quan Ziao Chỉ, buôn bán quyền lực, làm gì cũng được, bất cần luật pháp hão, quốc hội bù nhìn, miễn sao có cái dù cần thiết đương thời, vét hết chuyến tàu vét này đến chuyến tàu vét khác. Bàn dân có chống thì cũng chỉ biết dựa vào những giá trị cổ truyền, những kiến thức và phương pháp suy luận đã bất lực trước nền kinh tế thị trường định hướng quan lại này.

Thương thay Marx ! Chàng đã đi vào đời sống Ziao Chỉ Quận dưới bộ da văn hoá ấy. Bước đầu, vinh quang. Bước sau, nhục nhã. Đâu phải lỗi ở chàng. Lỗi ở ta, những người Ziao Chỉ.

Chàng từng viết :

 

Sans doute, l'arme de la critique ne peut-elle remplacer la critique des armes, la puissance matérielle ne peut être abattue que par la puissance matérielle, mais la théorie aussi devient une puissance matérielle dès qu'elle s'empare des masses. La théorie est capable de s'emparer des masses dès qu'elle démontre ad hominem [sur l'exemple de l'homme], et elle procède à des exemples ad hominem dès qu'elle devient radicale.

 

Ðương nhiên, vũ khí phê phán chẳng thể thay thế sự phê phán của vũ khí, chỉ có sức mạnh vật chất mới đánh quỵ được sức mạnh vật chất, nhưng lý thuyết cũng có thể biến thành sức mạnh vật chất khi nó nhập hồn quần chúng. Lý thuyết có khả năng nhập hồn quần chúng khi nó chứng minh được giá trị của nó qua bản thân con người, và nó thực hiện điều đó khi nó đào vấn đề tận gốc.

 

Chàng có lý, chỉ quên điều này : lý thuyết chỉ có thể nhập hồn quần chúng xuyên qua ngôn ngữ, xuyên qua văn hoá và kiến thức đã nhào nặn ra hồn ấy, bản thân ấy. Với bàn dân Ziao Chỉ ở đầu thế kỷ 20, ai chống thực dân Tây là đáng kính, đáng theo, tới chết. Cụ Mác, Bác Mao hay Cụ Duy Vật cũng được.

 

Và sau đó, làm gì ? Không biết. Chỉ mong là bớt khổ thôi. Vì thế mà phải khổ hơn ?

Hình thái xã hội kinh tế tư bản, như mọi chuyện ở đời, sẽ không trường tồn. Những cuộc khủng hoảng khủng khiếp của nó cho thấy. Cuộc cách mạng điếu tang nó sẽ có ngày xảy ra, có thể không bạo liệt, tôi mong thế. Nó sẽ không do các giai cấp thiếu học, ôm những nền văn hoá cũ, làm ra. Dù họ thành công chốc lát, họ không thể xây dựng một nền văn minh mới khi văn hoá của chính họ thua xa văn hoá tư sản. Nó sẽ do quần chúng có học, có văn hoá mang tới. Hiện nay, họ bất lực. Chẳng có gì khẳng định rằng họ sẽ vĩnh viễn bất lực, ngoài niềm tin của chính họ.

( 2009-12-16- PHD)

 

5.

La fin d'une époque

 

La jeunesse, faut-il encore en rêver ?

Non. Je fus jeune en un temps où tout semblait possible. Ce temps est révolu. Maintenant, pour la majorité des jeunes, l'avenir est fermé et la vie ressemble à un cul de sac bloqué au bulldoser. Comment verser dans le jeunisme dans ces conditions ?

 

Pourtant, parfois, une remarque de Madeleine Renaud me revient à l'esprit : l'ennui avec la vieillesse est qu'elle n'existe qu'au dehors ; du dedans, on ne la sent jamais. La jeunesse, comme le présent, est éternelle. Tout le monde meurt jeune. Ou bien plus ou moins gaga. C'est qu'alors on est mort longtemps avant d'être enterré. C'est peut-être pourquoi les œuvres belles restent jeunes longtemps, parfois des siècles : des jeunes continuent de les lire.

(2009-12-17-PHD)

 

6.

Thanh xuân, phải chăng vẫn mộng mơ ?

 

Không Tôi chỉ trẻ trong khoảnh khắc dường như có thể

Thời gian đã chắp cánh bay

Bây giờ để tìm lại thời huy hoàng tuổi trẻ, dự tính đã khép lại và cuộc đời dường như một cán cân với những sỏi sạn gập ghềnh

Làm thế nào để rót vào thanh xuân những điều kiện này?

 

Tuy nhiên, giống như Madeleine Renaud  thỉnh  thoảng  nhắc nhở ta: Buồn chán và già nua chỉ có thể nhận ra từ bên ngoài , bên trong ta không bao giờ cảm nhận được. Thanh xuân, trong hiện tại là vĩnh cửu. Tất cả đều chết trẻ . Hoặc hơn kém một chút . Chính là lúc mà người ta đã chết trước khi  thực  sự  vùi xuống đất. Đó chính là lý do những tác phẩm hay vẫn còn lưu truyền với thời gian, đôi khi vượt qua thế kỷ và lớp trẻ tiếp tục đọc

 

( Bản dịch của H.)

 

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2645
Ngày đăng: 28.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang thang chữ nghĩa -12.09 - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa- 6. - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa 5 - Phan Huy Đường
Lang thang chữ nghĩa -4 - Phan Huy Đường
Danh xưng nào chuẩn ? - Thẩm Hồng Thụy
Về chữ Huý trong Thác Bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam - Nguyễn Văn Hoa
Giá trị biểu cảm của từ “ai” trong thơ Tản Đà - Nguyễn Hoàn
Đại Danh Từ Tiếng Việt - V. U Nguyen
Nói về Mắt, Nhãn, Mục - Khổng Ðức
Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều - Phan Thị Huyền Trang