Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
887
116.665.709
 
Không Tìm Thấy Biển
Hồ Việt Khuê

Hai ông cháu thỉnh thỏang dừng chân trước các cửa hàng bán đồ lưu niệm dọc phố chính, ngắm nghía những mặt hàng thủ công làm từ quà tặng của biển cả từ vỏ ốc, vỏ sò lóng lánh màu sắc mà nhiều khách du lịch thích thú chọn mua để kỷ niệm một chuyến đi. Bên kia đường, tấp nập người ra vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đạt tiêu chuẩn sao; đông nhất là người nước ngòai với trang phục mùa hè ở biển.

- Sao cháu chưa thấy biển?

Thằng bé lần đầu tiên được cho đi chơi biển nguội dần háo hức vì đi xa mỏi chân, luôn miệng hỏi bạn của ông nội nó. Sáu tuổi, nhà ở cách biển vài trăm mét nhưng thằng bé chưa một lần thấy biển. Cha mẹ nó hằng ngày phải vào thành phố mưu sinh, ông nó cắt cỏ tưới cây cho một khu nghỉ dưỡng, họ cứ hẹn lần lữa chưa đưa nó đi tắm biển nên vị mặn của nước biển vẫn còn là bí mật quyến rũ nó.

 

Nắm chặc tay thằng bé, ông vừa đi vừa tìm đường ra biển. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng nối tiếp nhau, chỉ ngăn cách bởi những bức tường gắn chông sắt nhọn tua tủa hình mũi giáo, không chừa một kẽ hở đủ cho hai ông cháu chui qua đến với biển. Biển không xa, biển ở ngay đằng sau những mảng bê tông xám xịt kia.

 

Thằng bé lại kêu mỏi chân. Ông vẫy một người chạy xe thồ bảo chở đến nơi mà từ đó hai ông cháu có thể đến với biển. Con đường mòn của dân làng ra biển cách xa bãi tắm dành cho khách du lịch hàng chục cây số. Chiều lặng gió, thỉnh thỏang một con sóng dập duềnh nắng loang lóang lượn vào bờ. Nhiều ngư dân với lưới chài, ống câu, giỏ cần xé ngồi hút thuốc bên những con thuyền nằm ghếch đầu lên cồn cát, chờ những tia nắng mệt mỏi cuối ngày lặn chìm vào lòng biển, họ sẽ kéo thuyền thả xuống nước và bắt đầu đêm mưu sinh với sự hào phóng hay keo kiệt thất thường của biển cả.

 

Thằng bé chóang ngợp trước biển rộng lớn. Nó rón rén từng bước chân trên cát ẩm, vội vàng nhảy tránh những con sóng đuối sức liếm bờ. Tuổi thơ miền biển mà không được vẫy vùng cùng sóng nước thì thiệt thòi biết bao, ông muốn tập cho nó biết bơi và biết yêu biển nhưng thằng bé cương quyết không tắm biển. Nó phàn nàn:

- Biển chỗ này không đẹp chút nào, không có nhà lầu nào cả.

 

Lúc trạc tuổi thằng bé, ông và ông nội nó không trưa nào không dầm mình trong biển như hầu hết bọn trẻ xóm chài, với lưng trần quần xà lỏn, người đen nhẻm và tóc vàng hoe vì nước mặn và nắng cháy. Cả cái xóm chài thời niên thiếu của ông đã bị bứng đi nơi khác để các khu dịch vụ du lịch mọc lên. Những ngư dân bị đẩy xa biển, dồn về phía núi; một số dùng tiền bồi thường ít ỏi tìm kế khác sinh nhai; một số làm thuê cho các chủ nhân xa lạ; một số bám vào con tôm con cá phải đi vòng xa hơn mới đến được bãi neo thuyền.

Ông xa làng biển đã ba mươi năm.

 

Ngày về, xe vừa đổ dốc sau khi nặng nhọc trườn quanh đọan đường đồi, những mảng bê tông xám xịt án ngữ trước biển làm mắt ông nhức nhối. Ông không còn được hưởng cảm giác biển ùa ra chóang ngợp tầm nhìn, chiếc xe như băng băng lao vào mặt phẳng xanh dịu dàng không phân biệt được nước, mây và đường chân trời như ngày xưa. Con đường về làng biển bị nuốt chững bởi bóng đổ của các nhà cao tầng ập xuống, nhỏ bé hơn con đường tuổi thơ của ông rợp mát bóng dừa đan xanh ngày nào.

 

Ông gọi hai trái dừa cho hai ông cháu. Ông đi nhiều nơi nhưng chưa được uống thứ nước dừa nào ngọt thanh hơn nước dừa của quê ông. Thật lạ, dừa sống ven biển bao giờ cũng cho nước thật ngọt thanh, có lẽ vì dừa được nuôi dưỡng bởi nguồn nước nhỉ chắt ra từ hằng hà hạt cát khô khốc án ngữ trước biển. Ông hớp một ngụm, muốn nhâm nhi hương vị của một thời nhưng rồi nhăn mặt. Ông hỏi bà chủ quán:

- Dừa xứ mình ngọt thanh lắm mà sao dừa này nhạt và chua vậy?

- Ông không thấy người ta đã đốn hết dừa để xây biệt thự sao?

Bà chủ quán trả lời dửng dưng mà ông nghe lòng nặng trĩu.

 

*

Hai người bạn cũ tóc lốm đốm bạc im lặng chìm trong ký ức vọng về. Trên cái sân gạch, ánh trăng lạnh lẽo soi chiếu rượu. Mãi sau, người bạn mới cất tiếng:

- Được bồi thường ít tiền, tao mua ngay miếng đất này. Tao không thể sống xa biển...

Xa biển, bạn ông giả từ đời ngư phủ, bán nốt con thuyền nhỏ và lưới chài, đi làm thuê.

- Chưa ở yên đâu. Nghe nói có một đại gia đang lập dự án sân golf, biệt thự ở vùng này. Cứ bồi thường cho khá vào là tao đi.

 

Ông không chú ý lời bạn vì ông vừa phát hiện quê xưa không còn những cây dừa cao chót vót cho trăng nghiêng đổ bóng. Ông chợt nhớ câu hát trêu chọc“Trăng lên lu lú ngọn dừa. Con Trinh có chữa đổ thừa thằng Khuê” mà thuở học trò đám bạn thường lêu lêu trêu chọc Trinh và ông, vì chúng biết hai đứa phải lòng nhau. Trinh có mang theo câu hát đã biệt tăm ngay trên quê hương mình khi đi định cư ở nước ngòai.

- Sao họ lại bịt kín mặt biển?

Ông thắc mắc. Người bạn trả lời ngay như đã suy nghĩ nhiều về điều này, câu trả lời vừa nghiêm túc vừa chua chát:

- Vì...tấc đất tấc vàng.

- Hay vì nhà quy họach thiếu tầm nhìn?

 

Ông thăm dò, không ngờ bạn ông nổi quạu:

-Bọn nó có tầm nhìn đâu mà thiếu? Lũ tham lam và dốt nát...Lũ quy họach vì nhà giàu.

Bạn ông không phải không có lý khi nặng lời. Không gian trước biển của dân làng ông đã bị tước đọat vĩnh viễn. Trẻ thơ làng ông muốn vui đùa cùng sóng nước, để được đứng thở căng buồng ngực trước gió biển phải đi đường vòng.Tiếng sóng biển đêm đêm không còn rì rào tâm sự cùng những đôi trai gái làng đang yêu.

 

Khi sắp thiếp ngủ, ông sực nhớ quên hỏi bạn sao đêm sâu không còn vương vấn hương cau. Hay như cây dừa, cây cau là một đặc trưng của quê nhà cũng đã bị đốn hạ để lấy đất xây nhà hàng, khách sạn./.

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 1628
Ngày đăng: 26.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tu luật, hay sự nhẫn tâm? - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện Tình Của Má Tôi - Lâm Bích Thủy
Bầu Trời Cảm Lạnh - Đỗ Mai Quyên
Cánh Cửa Đóng - Mường Mán
Con Ngựa Đen Đốm Trắng - Ngô Thị Ý Nhi
Trứng … - Phạm Toàn
Đường Kiến - Kinh Dương Vương
Đêm ngửa mặt - Trầm Hương*
G - Võ Đình
Giữa những hàng ghế trống - Trân Sa