Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
697
116.729.531
 
Cô Giáo Ăn Cơm Bằng Muỗng
Hồ Việt Khuê

Anh nhìn cô lơ đểnh múc từng muỗng cơm nhỏ, cơm trắng, không kèm thức ăn. Cô nhai nhỏ nhẽ, không miễn cưỡng nhưng cũng không thích thú, dù bữa cơm tối dọn muộn, khi côn trùng đã rả rích đón màn đêm rào kín khu vườn và con đường trước nhà đã loang lóang ánh đèn xe hối hả. Thái độ của cô khiến đôi đũa trên tay anh ngập ngừng dù anh rất đói sau một ngày bị nhồi xóc trên xe đò.

 

Bốn người ngồi quanh cái bàn tròn nhỏ, bày gọn gàng tô canh chua bốc mùi rau thơm, đĩa cá rô kho mặn mòi, đĩa tép rang vàng ươm và đĩa đọt rau lang luộc xanh ngắt, là các món ăn khóai khẩu anh vẫn thèm thuồng mỗi khi qua bữa trong các quán cơm bụi, càng làm bụng anh cồn cào. Cô có vẻ chờ đợi trong khi cô chủ nhà và bạn anh cười tủm tỉm nụ cười đồng lõa. Bạn anh rất thân với hai cô, còn anh gặp hai cô lần đầu tiên trong lần đầu tiên đến thị trấn miền núi này.

- Lấy thức ăn cho cô giáo, đi!

 

Bạn anh lên tiếng. Cô cười. Nụ cười ấm áp hết sức dễ chịu, giúp anh tự tin hơn. Anh lấy mấy con tép, mấy đọt rau luộc cho vào chén cơm của cô. Cô lại cười và ăn ngon lành bằng cái muỗng nhỏ, không dùng đũa như mọi người.

 

Bạn anh giải thích:

- Nghi là cô giáo nuôi dạy trẻ, quen đút cơm cho các cháu bằng muỗng nên quên dùng đũa rồi. Bạn ngồi bên Nghi, nhớ lấy thức ăn cho cô giáo.

 

Hồi chiều, anh theo Nghi dạo vườn hồng. Ở thị trấn miền núi này, đa số dân chúng làm nghề nông; họ trồng hồng, trồng trà, trồng cà phê hay trồng hoa, trồng rau củ. Khu vườn nhỏ của cô chủ nhà trồng mấy trăm gốc hồng. Những cây hồng chi chít quả sắp chín trông thật vui mắt. Anh theo sau Nghi, nhìn dáng cô nhỏ nhắn len lỏi giữa những gốc hồng, săm soi tìm quả chín sớm, thỉnh thỏang cô rướn người lên hái một quả, người hơi ngữa về sau, ngực ưỡn tràn sức trẻ. Anh chợt nhận ra mình đã quá gìa nua, không còn háo hức mỗi khi đến một miền đất mới, quen một người bạn mới. Anh cầm cái rổ nhựa có mấy quả hồng chín theo sau Nghi, nhìn cô lúi húi ngắt mớ đọt lang cho bữa cơm tối, bâng khuâng vì đã lâu lắm rồi anh mới có cảm giác gần gủi, thân mật với phụ nữ.

 

Mỗi lần lấy thức ăn cho Nghi, anh sống lại cảm xúc chăm sóc một người phụ nữ của một thời đã xa xôi, trong nhiều bữa cơm ấm cúng đã lâu anh không còn tìm thấy. Mấy năm trước, anh có nhận xét các cô giáo nuôi dạy trẻ bao giờ cũng chịu thương chịu khó, đảm đang và hết sức dịu dàng. Anh cười bâng quơ với ý nghĩ nhận xét của mình vẫn còn đúng khi tiếp xúc với Nghi.

 

Bạn anh và cô chủ nhà lấy cớ cần mua ít thức ăn cho buổi sáng mai, đã chở nhau bằng xe máy xuống phố. Anh nhìn Nghi biết ơn khi trao tách cà phê cho cô, lúc hai người ngồi bên hiên nhà, với vầng trăng non treo nghiêng trên cao. Đêm bắt đầu phảng phất hơi sương, không khí mát lạnh. Anh hớp ngụm nhỏ cà phê, hương thơm và vị đắng của cà phê xua mệt mỏi một ngày đường. Anh thích sự yên tĩnh của không gian đêm miền núi và sự im lặng của Nghi đang ủ hơi ấm tách cà phê trong lòng bàn tay. Hai người mới gặp gỡ vài giờ đồng hồ, đâu có nhiều chuyện để nói, mà anh thì đang kìm nén sự xao động trong tâm hồn mình, sự xao động hiếm hoi tưởng chừng không còn có đối với một người đàn ông có một cuộc sống mất thăng bằng.

 

Anh nhìn sâu vào mắt Nghi làm cô bối rối. Anh thầm thì:

- Nghi à! Nghi có biết là anh rất quen thuộc với việc lấy thức ăn cho cô nuôi dạy trẻ ăn cơm bằng muỗng không?

 

Nghi ngạc nhiên, đôi mắt đẹp của cô tròn lên.

Hằng năm, anh có mặt ở thành phố biển Nha Trang ba tháng theo sự phân công của cơ quan. Anh yêu biển ở đây, đúng hơn là yêu vòng tay ôm biển chạy dài từ cầu cảng Vinpearl đến hòn Xện, từ đường Trần Phú kéo dài sang đường Phạm Văn Đồng. Mỗi sáng sớm, anh đi bộ thể dục từ phía hòn Chồng theo đường ven biển vào trung tâm thành phố, thở căng buồng phổi gió mặn, dõi theo những cánh chim đáp trên bọt sóng; còn nàng đi hướng ngược lại. Con đường rộng có giải ngăn cách trồng nhiều cây cau và hoa cỏ, có các công viên dọc đường cho mỗi sáng mỗi chiều mọi người tập thể dục, nghỉ ngơi dưới bóng cây dừa, bóng cây bàng, bóng cây phi lao cắt tỉa nhiều kiểu dáng; có cả sân bóng chuyền trên cát cho các cô thiếu nữ khoe hình thể đẹp và khỏe mạnh. Anh thích nhất là các công viên bên mép nước, ở đó, trong làn gió hây hây, anh phóng tầm mắt tận phía chân trời trong ngày yên sóng, lâng lâng ngắm biển lặng lờ trải phắng một màu biếc xanh.

 

Mỗi tầm sáu giờ sáng, hai người gặp nhau giữa cầu Trần Phú, đứng bên nhau trên làn đường dành cho người đi bộ hướng phía biển, nhìn tháp Bà khuất sau vòm cây, nhìn xóm nhà chồ mọc các chân khẳng khiu trên nước, nhìn cây cầu Hà Ra già nua, cũ kỹ; vào ngày biển động, họ nhìn các hòn đảo cô độc mờ khuất trong sương khói, nhìn miếu thờ của ngư dân bị bủa vây bởi sóng dữ; rồi họ vào nghỉ chân ở quán cà phê bên chân cầu phía nam. Uống ly cà phê, trò chuyện dăm câu, thường anh chỉ im lặng để nghe nàng kể chuyện và để nhìn ngắm nàng rồi hai người chia tay, mỗi người đi về một hướng, mỗi người trở về với đời sống của mình.

 

Công việc hành chánh hàng ngày của anh nhẹ nhàng, còn Lan mở lớp nuôi dạy trẻ tại nhà sau khi nghỉ dạy học ở một trường công lập. Công việc tất bật từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối của một người mẹ với gần ba mươi đứa con nhỏ giúp nàng quên nhiều điều, cả nỗi buồn chia tay với chồng cũng chỉ còn thóang qua thi thỏang mỗi lần Lan thức giấc quá sớm, khi ngòai đường chưa lao xao tiếng trò chuyện của người đi bộ thể dục.

 

Anh thường ăn cơm tối với Lan và con của nàng ở một cái quán nhỏ yên tĩnh bán nhiều món ăn chế biến từ hải sản. Cô chủ quán người Hoa đẹp như tài tử Đài Loan nghĩ họ là một gia đình, súyt soa khen họ đầm ấm, hạnh phúc. Lan có thói quen cho thức ăn vào đĩa cơm và dùng muỗng xúc cơm lẫn thức ăn. Có anh, anh gắp từng món cho nàng, mỗi muỗng cơm một đũa thức ăn. Anh thích cách ăn ngộ nghĩnh, trẻ con của nàng và rất vui vì được chăm sóc người mình yêu. Anh cũng thay nàng gắp thức ăn cho con bé rất giống mẹ. Cô chủ quán đẹp như tài tử Đài Loan nói đùa là cô chỉ phải tốn một đôi đũa cho bữa ăn của gia đình anh.

 

Có đêm, sau khi đưa con về nhà để nó học tập, Lan và anh đi uống cà phê. Họ ngồi bên nhau trong góc quán có ánh sáng vừa đủ cho nàng ngã đầu vào vai anh mà không ngượng ngùng với người ngồi bàn bên, trong không gian nồng nàn âm nhạc.

 

Trong năm năm, không chỉ thời gian phải có mặt tại Nha Trang vì công việc, những ngày ngày nghỉ khác của anh đều dành cho nàng và con. Nhưng những chuyến tàu Sài Gòn- Nha Trang và ngược lại không đưa anh đến gần nàng hơn.

- Anh muốn đưa em và con về Sài Gòn sống cùng anh.

 

Một sáng lộng gió đứng bên nhau trên cầu Trần Phú, anh cầu hôn Lan.

- Em cần thêm thời gian dưỡng thương…

Lan nhìn về phía biển nổi sóng, nàng thở dài còn anh bực tức đá chân vào thành cầu vì không dự đóan là nàng sẽ từ chối. Anh chóang váng muốn ngã nhào từ độ cao ba mươi mét xuống mặt nước. Cú đá làm anh mẻ mắt cá chân và vì ở  Nha Trang không có ai đi bộ thể dục với một chân bó bột cả nên anh đi xe thồ đến chờ Lan ở quán cà phê quen thuộc vào mỗi buổi sáng sau đó, cho đến ngày chấm dứt đợt công tác.

 

Tiễn anh ở sân ga Nha Trang, Lan khóc tức tưởi. Lan không giải thích lý do, chỉ bắt anh hứa hẹn chờ nàng thêm một thời gian. Anh đã giữ lời hứa cho đến hai năm sau, Lan điện thọai báo là nàng đã có câu trả lời dứt khóat cho anh.

 

Câu trả lời dứt khóat mà anh chờ đợi đằng đẳng là Lan quyết định trở lại sống với chồng cũ. Nàng biện minh cho hành động phản bội anh là vì con.

 

Anh chao đảo. Anh như người rơi tõm xuống biển Nha Trang từ độ cao cầu Trần Phú mà không biết bơi. Ngày đó, anh đã trở lại Nha Trang và đứng suốt ba buổi sáng trên cây cầu oan trái nhưng nàng không đến. Anh đứng nhìn dáo dác người đi bộ thể dục, người đi xe máy; khi mỏi chân, anh ngồi bệch trên nền gạch ca rô, rồi mượn cần câu của người câu cá trên cầu thả câu để chờ thời gian trôi qua, tưởng tượng nàng sẽ hối hận tìm anh tạ lỗi. Anh nghĩ nàng là con cá lớn nhất mà anh câu bảy năm vẫn không ăn mồi nên cười lớn tiếng, làm mấy người câu cá nhìn anh như một gã ngớ ngẩn. Anh đã ngồi ê ẩm mông trong quán cà phê chân cầu cả ba buổi chiều với hy vọng mong manh được gặp nàng lần cuối cùng nhưng nàng đã không đến. Bạn bè không biết Lan và con đi đâu. Căn nhà nhỏ của nàng cửa đóng im ỉm. Nàng không dùng số điện thọai mà anh thuộc lòng hơn thuộc bất cứ con số nào. Anh biết Lan đã vĩnh viễn lìa xa anh.

 

Kể xong câu chuyện cho Nghi, anh trêu cô:

- Đời anh dính dáng đặc biệt đến người ăn cơm bằng muỗng, em nhớ đề phòng.

Anh nói đùa mà nghe buồn như sắp khóc.

Hồ Việt Khuê
Số lần đọc: 1682
Ngày đăng: 29.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buồn Một Mình - Lê Văn Thiện
Những Mảnh Vỡ (28) - Nguyễn Thị Hậu
Gió Chướng *** - Võ Xuân Phương
Sông Trăng - Lưu Quang Minh
Mưa trong vườn nhà cô Françoise - Nguyễn Nghiệp Nhượng
Phía Sau Một Con Người - Bùi Anh Tâm
Tình muộn - Huỳnh Văn Úc
Đêm và mặt trời - Phạm Phương
Bạn Tôi VII - Vũ Anh Tuấn
Nốt Ruổi Trên Sống Mũi* - Võ Xuân Phương