Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
774
116.643.560
 
Đò Đầy
Ngô Thị Ý Nhi

Bước vào lớp 912, giáo viên thở dài. Bước ra khỏi lớp, giáo viên thở phào nhẹ nhõm, lắc đầu ngao ngán hoặc cau có gắt gỏng tùy tâm trạng. Đôi khi bực quá, gặp tôi họ “quăng” một câu cho nhẹ bớt:

- Cái lớp của bà, cứ y như cái thùng rác quốc tế. Đủ mọi thành phần.

 

Dù nhà trường không phân chia lớp chuyên, lớp chọn, lớp cá biệt nhưng không hiểu sao các “tên tuổi lẫy lừng” lại hội tụ vào lớp tôi. Tôi muốn phát điên vì chúng nó. Năm nay lại thi Vật lý, môn của tôi. Vừa chuyên môn, vừa chủ nhiệm, hai áp lực ấy đè xuống tôi tối tăm mặt mũi. Buổi sáng, đi ngang qua lớp, tôi liếc sơ một cái vào góc bảng. Không có tên học sinh vắng, thở phào yên tâm một chút. Vừa xong tiết một, đi hết dãy hành lang nhìn xuống phòng giám thị đã thấy hai ba thằng “con ruột” của mình đứng xếp hàng ở đó. Thấy bóng tôi, mấy cái miệng cùng kêu oan một lúc. Tôi không còn thì giờ, đầu óc đâu mà phân xử. Còn bốn tiết bộ môn nữa đang chờ tôi. Mọi chuyện đã có ông tổng giám thị.

 

Mà oan ức nỗi gì. Nghe thuật lại, tôi mới biết chuyện xảy ra vào giờ Văn hôm qua.. Trong giờ học, nhạc chuông điện thoại bỗng reo liên tục. Cả lớp cười bùng lên. Cô tìm ra cái máy trong tay Trí Còm. Thằng Còm khai của thằng Trí Nổ. Bởi thế , khi chuông reo nó không biết tắt. Mang điện thoại di động vào trường là trọng tội. Để khỏi mất thời gian, cô tịch thu hiện vật, giao cho lớp phó ký luật áp giải cả hai xuống phòng giám thị. Nhưng không ai ngờ, chẳng biết vì năn nỉ, dọa nạt hay mua chuộc mà lớp phó kỷ luật tha bổng cả hai. Ông “quan” to gan lớn mật này trở về thưa với cô dạy Văn rằng đã thi hành xong nhiệm vụ. Chuyện vỡ lở, cả ba bị mời xuống văn phòng lần nữa. Lần này thì đích thân cô chủ nhiệm phải ra tay.

 

Giờ Lý, tôi mang bộ mặt hình sự vào lớp với lời cảnh báo rằng hãy chuẩn bị trả lời tôi vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngày thứ bảy. Phen này thì cứ cách chức lớp phó kỷ luật. Một tháng nữa nghĩ hè cũng cứ cách chức. Còn hai thằng Minh Trí thì cứ mời phụ huynh, làm cam kết. Mà cam kết lần thứ mấy rồi nhỉ? Tôi nhớ đến mớ giấy tờ nhét trong một ngăn riêng của chiếc cặp căng phồng. Trong đó có mấy tờ cam đoan của phụ huynh hai thằng Minh Trí. Sinh con ai nỡ sinh lòng, cha mẹ gởi hết kỳ vọng vào một cái tên. Nhưng hình như cả hai Minh Trí cùng cố công đi ngược với tên cha mẹ đặt. Trốn giờ, bỏ tiết, mà có vào lớp thì thi thoảng mới cầm sách tập cho vui. Kết quả cả năm cả hai cùng xếp học lực loại yếu, đạo đức trung bình. Kể ra hai đứa cũng có cái khác nhau. Rõ nhất là hình thức.

 

Thằng Trí Còm thì còm cõi, đen đủi;Thằng Trí Nổ thì trắng trẻo, to lớn nhưng mở miệng ra là khoe mọi thứ, “nổ văng miểng” như biệt danh mà cà lớp gán cho nó. Tình hình đã thế, giàn cán bộ lớp của tôi lại hoạt động quá yếu. Hầu như chúng ra sức bao che cho nhau. Chỉ tội con bé lớp trưởng cố công giúp tôi lập lại kỷ cương. Có lẽ vì thế mà dưới mắt “quần chúng” lớp trưởng cứ như là tên gián điệp, sẵn sàng bán đứng anh em.

 

Sáng thứ bảy, khi cho tụi 94 làm bài tập, nghe sân trường có tiếng lao xao, tôi bước ra dãy hành lang. Toàn thể lớp tôi đang nhốn nháo dưới đó như rắn không đầu. Ngay lúc đó, như thường lệ anh bảo vệ mở cổng. Chiếc xe chở thức ăn cho học sinh bán trú mới thò vào là đã có hai thằng nhóc phóng ra ngay. Thầy tổng giám thị nghe tin chạy vội đến nhưng không còn kịp nữa. Như nước vỡ bờ, cả lớp ùa theo. Con bé lớp trưởng mặt đỏ bừng bừng đứng giữa sân trường mếu máo.

 

*

 

- Ai đầu têu ra mọi chuyện?

Tôi đập bàn quát. Cả lớp im phăng phắc. Trên trần, hai chiếc quạt già nua quay rè rè. Tôi lại quát:

- Cán bộ lớp đâu?

Bốn tên “chức sắc” đồng loạt đứng dậy:

- Tôi đã bảo lớp vắng giáo viên thì tự quản chờ tiết sinh hoạt chủ nhiệm.

Lớp phó kỷ luật nhanh nhẩu:

- Thưa cô, tự nhiên vậy rồi lớp trưởng đọc thông báo.

- Thông báo gì?

- Dạ… thông báo cô đi họp, cho cả lớp ra về.

Lớp trưởng òa lên khóc. Tôi mất mấy giây ngẩn người vì ngạc nhiên:

- Thông báo ở đâu ra?

Cả lớp nhốn nháo rồi nhao nhao một lúc: “Thằng Trí Còm đưa cho lớp trưởng”, “Thằng Trí Nổ viết”, “Thằng Trí Nổ xúi”…

Tôi nhăn mặt gào lên:

- Im lặng! Cán bộ lớp thuật lại đầu đuôi. Báo cáo nghiêm túc. Không có “Còm”, không có “Nổ”.

Lớp phó kỷ luật lại nhanh nhẩu:

- Thưa cô, bạn Minh Trí B viết thông báo xúi bạn Minh Trí A đưa cho lớp trưởng đọc, nói là dưới phòng giám thị đưa lên.

Tiếng cãi cọ lại vỡ ra:

- Bậy, thằng Còm là B, thằng Nổ là A. Thằng Nổ viết, xúi thằng Còm.

- Mày mới khùng. Thằng Nổ là B

- Thằng Còm là B

- B là thằng Nổ.

Lớp học như cái chợ. Tội cũ xử chưa xong. Giờ chồng thêm tội mới. Đầu óc rối tinh lên. Cuối cùng thì tôi cũng mất bình tĩnh.

- Im hết. Rốt cuộc ai dám giả thông báo nhà trường? Trí nào? Còm hay Nổ?

Cả lớp nín re không dám cười. Kết quả của buổi dẹp loạn là hai tờ thư mời có dấu mộc đỏ chói của Ban Giám Hiệu.

 

*

 

Hai phụ huynh không đến cùng một lúc. Đầu giờ, mẹ của Nguyễn Minh Trí B, tức Trí Còm đến trước. Tôi nói riêng với ông Hiệu phó:

- Anh phải phụ với tôi “hù” tụi nó. Nếu không, rớt hết hai thằng thì coi như tiêu cái “phần trăm” của nhà trường.

Hiệu phó cười tủm tỉm:

- Nghĩa là trước khi “hù” tụi nó thì chị “hù” tôi.

 

Giám thị mở cửa, đưa vào phòng làm việc một chị phụ nữ áo bà ba cắp le te cái nón lá. Ông Hiệu phó lịch sự mời ngồi. Tôi thủng thỉnh rót ba chén trà thơm đặt ngay ngắn trên chiếc bàn gương chân thấp. Chừng đó thôi cũng đủ làm người đàn bà hoang mang lo sợ ra mặt. Lúng túng một hồi, không biết nói gì mà cũng không chờ chúng tôi nói, chị mở ra điệp khúc cũ:

- Thôi thì con dại cái mang… Trăm sự nhờ thầy, nhờ cô…

Tôi đặt lên bàn ba tờ cam đoan của những lần trước, trình bày rạch ròi những vi phạm đã trở thành hệ thống của em.Ông Hiệu phó cầm lấy một tờ đọc lướt qua, tay bóp trán lắc đầu không nói. Ngừng một chút, tôi tiếp tục:

- Đấy là những cam kết chị đã viết và nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Em Minh Trí không có dấu hiệu chuyển biến. Lần này, tôi trình lên Ban Giám hiệu.

Không cần nghe hết câu chuyện, không cần biết con mình lỗi phải thế nào chị ta lập tới lập lui như cái máy hát cũ mòn:

- Thầy cô thương cảnh gia đình tui mẹ góa con côi… Thầy cô đã thương thì thương cho trót…

Ông Hiệu phó ngắt lời:

- Bởi vì thương nên chúng tôi phải dạy cháu nên người. Nếu không, chị sẽ khổ suốt đời vì nó. Lần này, chị phải làm cam kết với nhà trường. Có chữ ký cả chị, cả cô chủ nhiệm trước Ban Giám hiệu.

Tôi đẩy về phía chị ta tờ giấy trắng và cây bút. Người đàn bà ngơ ngác:

- Viết làm sao cô?

- Tôi đọc cho mà viết. Chỗ nào không thuận chị cứ có ý kiến riêng. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe.

Tờ đơn được viết bằng nét chữ khi nhỏ, khi to, khi lên, khi xuống, bò loăng ngoăng trên trang giấy trắng không kẻ dòng. Cuối đơn, tôi nhấn một câu làm chị khựng lại vì lo sợ, còn ông Hiệu phó thì kín đáo liếc nhìn tôi: “Nếu con tôi tái phạm, chúng tôi xin tự nguyện rút đơn dự thi.” Tôi nhìn thấy những giọt mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán chị. Khuôn mặt bơ phờ, tóc tai xơ xác. Bàn tay cầm bút đặt dưới hai chữ “nay kính” một chữ ký tròn chẳng ra tròn, méo chẳng ra méo. Tôi giữ nét mặt thản nhiên vạch vào một góc giấy chữ ký của mình. Như thế là kết thúc. Người đàn bà mếu máo:

- Cô ơi, cô thương tui, thương cháu. Tui biết con tui hư hỏng.

Tôi đặt tay lên vai người đàn bà đang giọt dài giọt ngắn:

- Chị yên tâm về đi. Ráng phụ với chúng tôi lo cho em Minh Trí.

Chỉ chờ bóng chị khuất sau cánh cửa, ông Hiệu phó quay sang tôi:

- Cất kỹ tờ giấy này đi. Chị liều thật.

Tôi cười cười:

- Anh sợ lọt vô tay người khác rồi đưa lên báo chớ gì. Anh có ký đâu mà sợ. Anh chỉ ngồi đó cho “khí thế” thôi. Tôi ký mà. Nhà trường vô can.

Gần hai tiếng sau, mẹ của Nguyễn Minh Trí A mới đến trường. Đây cũng là khách quen của tôi. Chỉ có khác là lần này có một người đàn bà đứng tuổi đi theo chị. Nghe giới thiệu là bà nội của Minh Trí. Trí Nổ của tôi đứng bên bà, khoanh tay như đứa con ngoan của gia đình nề nếp. Tôi lại rót trà và rút ra ba tờ giấy cam đoan. Chưa kịp “soạn lại bổn cũ” người đàn bà gọi là bà nội lên tiếng trước, giành ngay lấy thế chủ động:

- Mấy lần trước nhà trường mời, má nó đến. Tôi thấy không ăn thua nên lần này đích thân tôi…

 

Tôi đẩy về phía bà mấy tờ cam kết cũ:

- Xin bà đọc để biết rõ những vi phạm của em Minh Trí và hiểu cho sự kiên trì của chúng tôi.

Bà cầm một tờ chiếu lệ, không cần liếc qua, ngó tôi cười:

- Tôi cũng đến thuộc lòng loại giấy cam kết này. Cuối cùng thế nào chẳng có câu “Nếu con em chúng tôi tiếp tục vi phạm thì…” Nói thật tình, dạy con cũng phải hiểu biết mới dạy được. Chớ như con dâu tôi nó ngu lắm, chả biết đường mà dạy con.

Bà ngừng một chút:

- Ai bảo viết thì viết, ai bảo ký thì ký, có hiểu gì đâu!

Tôi quay sang đứa học trò bên cạnh:

- Minh Trí, em ra ngoài. Để thầy cô làm việc.

Chờ cho đứa học trò đi khuất, tôi hạ giọng chậm rãi:

- Thưa bà, viết gì, ký gì thì cũng là chuyện đã qua. Chúng tôi trình bày là để bà nắm tình hình tổng quát. Trước đây, tôi và mẹ em Minh Trí làm việc không có kết quả. Em không hề chuyển biến. Lần này trầm trọng hơn.

Tôi thuật lại chuyện nó mang di động vào trường, chuyện nó dám giả mạo thông báo nhà trường, kích động cả lớp bỏ học. Bà ta lắng nghe, nhấp một ngụm nước trà, thong thả đặt chén nước xuống:

- Tôi biết, cháu quá tệ. Học lực loại yếu, hạnh kiểm trung bình nhưng  mừng một điều là xem điểm số thì cháu nó đủ điều kiện dự thi.

 

Ông Hiệu phó cười:

- Vâng, đó là chuyện đáng mừng trước mắt. Nhưng chúng ta nên nhìn xa thêm chút nữa để thấy rằng đủ điều kiện dự thi không có nghĩa là thi đậu.

- Tôi hiểu chứ. Chẳng giấu gì, người nhà chúng tôi cũng ở trong ngành. Nhà trường chịu bao nhiêu là áp lực. Chỉ tiêu, tỉ lệ, danh hiệu này kia… Để đạt được con số tốt đẹp trăm phần trăm, các thầy cô phải lao tâm khổ trí tìm mọi cách, áp dụng mọi biện pháp. Ví dụ như… mấy cái giấy cam kết này đây. Mà bây giờ kết quả cuối năm có rồi, quý vị muốn gia đình chúng tôi cam kết điều gì? “Nếu con em chúng tôi tiếp tục vi phạm thì…”

Ông Hiệu phó đứng dậy:

- Không cần cam đoan gì cả, thưa bà. Mục đích chúng tôi là giáo dục, uốn nắn cháu. Mà gia đình nắm rất vững về giáo dục, như vậy công việc chúng tôi sẽ nhẹ nhàng. Nhà trường sẽ để dành công sức lo cho các cháu khác. Rất vui mừng vì bà đã đến đây hợp tác với chúng tôi.

 

*

Tuần lễ nữa lại trôi qua. Lớp học tôi cứ như một món lẩu thập cẩm đang sôi sùng sục. Đứa nào học cứ học. Đứa nào chơi, cứ chơi. Mà chơi nhiều hơn học. Trong thành phần chơi đó dĩ nhiên không thể nào thiếu được hai thằng Minh Trí. Thằng Trí Nổ bây giờ “nổ” còn ác liệt hơn. Nó bảo thằng Trí Còm coi như “tiêu” rồi vì má thằng Còm đã ký giấy cam đoan. Còn bà nội nó không cam kết gì hết, làm sao mà đuổi học nó được. Trí Còm mấy ngày đầu bị lá bùa cam kết của tôi trấn áp còn hơi ngán, sau đó thấy “mất mặt anh hùng quá nó cũng nổi khùng lên tuyên bố đuổi học thì nó đi phụ hồ, dần dần rồi cũng thành cai, thành thầu. Tiền phải biết! Xây dựng mà! Giáo viên mấy bữa đầu còn gắt gỏng, quát tháo, sau đó họ xuôi luôn. Gặp nhau, họ kể chuyện lớp tôi, cười nghiêng ngửa. Mẹ thằng Trí Còm một hai hôm lại “rình” tôi ngoài cổng với điệp khúc: “Cô ơi, thằng Minh Trí còn được học không cô?” Thế cùng, lực kiệt, tôi bó tay ngó một tập thể lớp đang xoay mòng mòng  như con thuyền trong cơn lũ dữ. Cô bạn dạy Văn thương tình mách nước:

- Đuổi quách thằng Trí Còm. Một mình thằng Nổ không thể hoành hành thế này được nữa. Mấy đứa khác cũng sợ phải im. “Hại một người cứu muôn người” là vậy đó. Mà mày coi lại đi. Tội lỗi thằng Còm đuổi là xứng đáng.

 

Cô bạn dạy Toán thêm vào:

- Tao dạy Toán nên nghĩ đơn giản hơn. Coi chừng mày lãnh đủ vì kết quả thi tốt nghiệp. Rớt một thằng dĩ nhiên là nhẹ nhàng hơn rớt cả hai thằng. Một thì nhỏ hơn hai mà.

 

Tôi thừ người ra, nghĩ đến người đàn bà với cái nón lá le te. Sáng sáng chị ta cắp thúng xôi ra lề đường ngồi bán, mong chóng hết hàng để chạy về thập thò trước cổng: “Cô ơi, thằng Minh Trí còn được học không cô?” Chị ta hiểu gì về tiêu chuẩn, tỉ lệ, hiểu gì về cái phần trăm mà với tôi đã trở thành ám ảnh. Nếu tôi đuổi học thằng Trí Còm chị sẽ lủi thủi dắt con ra về. Chị ta biết gõ cửa nào để kiện cáo, báo nào biết mà phanh phui ra tờ cam kết kia. Tội lỗi hai thằng Minh Trí là như nhau. Lẽ nào…

 

 

Tôi cứ ngồi như thế rất lâu. Tay cứ để lên vầng trán nóng bừng bừng, mắt nhắm lại. Lớp học đang ồn như cái chợ bỗng  từ từ lắng dần, lắng dần rồi im lặng. Một vài tiếng thì thào rất nhỏ từ cuối lớp. Sự im lặng khác thường này làm tôi bừng tỉnh. Tôi mở mắt nhìn xuống lớp:

- Các em có biết tại sao chúng ta phải điên cuồng chạy theo con số tốt nghiệp một trăm phần trăm không? Nếu thành phố này chỉ bảy mươi phần trăm thi đậu  thôi, thì có nghĩa là chỉ bảy mươi phần trăm học sinh xứng đáng, đủ năng lực về học tập và cả năng lực làm chủ bản thân. Các em rớt, các em sẽ hội nhập với ba mươi phần trăm còn lại. Các em có bạn có bè. Xã hội sẽ mở ra cho các em một hướng đi mới an toàn và tốt đẹp. Nhưng nếu ai cũng đậu hết mà chỉ một hai em rớt, các em sẽ trở thành trường hợp cá biệt, tự tách mình ra khỏi guồng máy đang quay. Bước ra khỏi vòng tay nhà trường, tệ nạn xã hội đang chờ đón các em đó.

 

Tôi lôi trong cặp ra xấp giấy cam kết:

- Các em cho là cô kìm kẹp các em. Các em đòi tự do, các em sẽ có tự do.

Tôi từ từ xé từng tờ một, hết tờ này đến tờ khác:

- Bây giờ cô nói thật với hai Minh Trí rằng cô không đuổi học, không cấm thi em nào cả. Nhưng từ nay cô chỉ chăm sóc ba mươi sáu học sinh của lớp thôi, còn hai em hãy tự làm chủ bản thân mình. Kết quả cuối năm có rồi. Đây chỉ là một lớp luyện thi. Các em muốn học, muốn nghĩ tùy ý. Lớp trưởng sẽ không điểm danh các em nữa.

 

Tôi ngừng một chút:

- Cô chỉ có hai điều nhắc nhở. Điều thứ nhất: Phải cẩn thận khi sử dụng quyền tự do. Đường phố không phải là lớp 912. Đường phố không bao giờ có tờ cam kết. Hễ sai lầm là trả giá. Điều thứ hai, bất cứ lúc nào các em muốn quay trở lại, cô và các bạn sẵn sàng đón nhận các em. Nếu các em không muốn làm một kẻ đứng bên lề, hãy tự mình cầm sách và học. Cứ chạy về tìm cô để hỏi bài và để được trả bài. Khi đó lớp mình vẫn là ba mươi tám học sinh.

 

Từ đó, ô vuông nhỏ bên trái bảng đen luôn ghi “sĩ số: ba mươi sáu, vắng: không”. Lớp học từ từ ổn định. Hai thằng Minh Trí lúc vào lúc ra nhưng không còn quậy phá. Vài hôm sau, một trong hai đứa rụt rè, ngượng ngập lên xin tôi trả bài, rồi đến đứa thứ hai. Theo đà đó chúng bắt đầu tăng tốc. Tuần lễ cuối, tôi phờ phạc cả người, nhưng bất kể lúc nào chúng cứ tìm tôi  nhai nhải bên tai “Định luật Jun len-xơ”, “Động cơ điện một chiều”, “Máy phát điện xoay chiều”, “Nguyên tắc hoạt động của máy biến thế”, “Điều kiện phát sinh dòng điện cảm ứng”… Nhiều lúc tôi đến ù cả tai hoa cả mắt. Học sinh tôi thu nhận được gì trong mớ chữ nghĩa rổn rảng đó? Tôi không có thời gian tìm câu trả lời. Tôi cũng không có thời gian để phiêu lưu tìm phương pháp mới. Chúng cứ cầm đề cương mà tụng sáng đêm. Đó là cách duy nhất tôi đẩy hai thằng Minh Trí  vươn tới, cố giật cho được một tấm bằng như bè bạn. Biết làm sao hơn. Học sinh của tôi còn non dại quá. Tôi biết các em cần gì. Nếu tách các em ra khỏi một guồng máy đang vận hành, các em sẽ bị nghiền nát mất thôi.

 

Ngày phát phiếu báo danh, tôi đứng trên bục gỗ nhìn các em rồi mỉm cười cầm viên phấn trắng. Tôi sửa con số ba mươi sáu thành ba mươi tám. Lớp vỗ tay rần rần trong khi hai thằng Minh Trí bỗng hiền như nai, cúi đầu ngượng ngập.

 

Và các bạn biết không, chính thằng Trí Nổ chở thằng Trí Còm đến đập cửa nhà tôi sớm nhất trong ngày công bố kết quả thi:

- Cô ơi, lớp mình đậu một trăm phần trăm.

Cái “trăm phần trăm” của thầy trò tôi là như thế đó. Tôi cười, trào nước mắt./.

Ngô Thị Ý Nhi
Số lần đọc: 1663
Ngày đăng: 26.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Tháng Phiêu Bồng - Lê Văn Thiện
Bài giảng trên núi - Nguyễn Ước
Bay đi chim bồ câu - Lưu Thuỷ Hương
Nỗi Khổ Không Rời - Mang Viên Long
Kể chuyện Giuđa - Kahlil Gibran
Hoa Nghĩa Địa - Quý Thể
Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa - Vũ Thư Hiên
Một Chút Ngậm Ngùi - Phạm Văn Nhàn
Trên Một Chuyến Xe - Võ Thụy Như Phương
Bóng đè - Huỳnh Văn Úc