Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
619
116.671.752
 
Người Đàn Bà Điên Trong Nghĩa Trang
Kinh Dương Vương

CHUYỆN CỦA NHÃ

 

- Thế nào tôi cũng tìm cách giết nhạc sĩ Ban. Nhã nói với tôi như vậy. Lần đầu tiên, vì trong cơn say cần sa, tôi nghĩ rằng Nhã nói chơi. Nhưng sau đó trong những khi tỉnh táo, Nhã vẫn lập lại, nhiều lần. Nhạc sĩ Ban đến nay vẫn còn sống. Nhã nuôi ý định giết nhạc sĩ Ban để rửa nhục. Câu chuyện đã trôi qua hơn mười lăm năm. Nhã sống ở Đà lạt thỉnh thoảng về Sài Gòn gặp tôi... Tôi xa quê hương đã lâu; không liên lạc với Nhã, không biết bây giờ Nhã còn nuôi ý định giết nhạc sĩ Ban nữa không.

 

Tôi lên Đà lạt lần đầu tiên năm 1969

- Tôi biết anh từ dạo đó. Nhã nói. Có vài lần định đến thăm anh nhưng chưa đến được.

 

Rồi một khoảng thời gian hơn mười năm trôi qua tôi mới gặp Nhã lại. Trong khoảng thời gian đó cả hai đều bị du vào một cơn mộng dữ của lịch sử đất nước. Chính do lần gặp gỡ này; có một thời gian sống với Nhã, mới xảy ra mối thù của Nhã đối với nhạc sĩ Ban. Nhã đẹp trai, phong nhã. Với mái tóc bồng bềnh và điệu nhảy lã lướt làm cho nhiều cô gái chết mê chết mệt.

- Anh biết lần đầu tiên tôi biết đàn bà lúc bao nhiêu tuổi không? Mười sáu. Cũng là do những party đêm. Lần đó, sau khi tan cuộc, tôi say. Một thiếu phụ khoảng ba mươi tuổi cho tôi quá giang về nhà. Nhìn kỹ, tôi biết đó là vợ của một quan chức trong tỉnh. Tôi bằng lòng. Bà ta dìu tôi ra xe hơi, để nằm băng sau. Xe dừng lại. Bà ta lại dìu tôi vào. Tôi ngồi lên một sô fa, thấy không phải nhà mình. Tôi định lên tiếng hỏi thì bà ta đã nói:

- Đây là nhà tôi. Em say quá, hãy nằm nghỉ một lát. Tôi làm nước chanh cho em uống, khỏe rồi hãy về.

- Vậy đó, Nhã kể. Rồi tôi bị nhốt một tháng trong gian phòng sang trọng đó, chỉ thấy ánh mặt trời qua cửa  kính và da thịt mịn màng của bà ta. Tôi được bà ta nuôi như vỗ  heo ú. Suốt ngày đêm hầu như chúng tôi trần truồng. Bất cứ lúc nào tôi muốn hay bà ta muốn là chúng tôi xáp lại. Tôi không còn biết thời gian, không gian nữa. Cho đến một hôm, tôi cảm thấy thân thể rả rời, đầu óc choáng váng, mắt đổ ghèn và nhìn thấy một vật thành hai. Nhân lúc bà ta đi chợ, tôi đập cửa kính và trốn. Về nhà tôi nằm liệt cả tháng mới dậy nổi. Người yêu tôi đến thăm, thấy thân thể tôi tiều tụy, nàng khóc.  Lòng tôi dửng dưng. Trước tôi yêu nàng biết chừng nào. Sau vụ đó tôi thất vọng về đàn bà. Tôi chán tất cả. Cả nàng.

 

Tôi xin đăng lính Biệt kích Mỹ, nhỏ tuổi không được nhận. Tôi làm khai sanh giả đi lính Biệt động quân. Cuộc đời từ đó kể như tàn. Chán. Xin qua nhảy dù. 30/4. Tám năm cải tạo.

 

Nhã trốn trại hai lần đều bị bắt lại nhưng nhờ chút tài vặt nên được tha. Nhã có cái nhìn rất lạ. Trong ánh mắt Nhã tất cả mọi người đều giống nhau. Không ai hơn, kém. Cái nhìn trong veo như của trẻ thơ. Nhã rất khéo tay. Nếu được đào tạo, Nhã sẽ trở thành một nhà điêu khắc. Trong tay Nhã, với một cái đinh, trong phút chốc viên phấn đã trở thành một hình người, một con thú. Cán bộ trại hay nhờ Nhã làm búp bê bằng gỗ cho con chơi. Hết người này đến người khác nhờ. Nhã làm liên miên, say mê. Sau, có dụng cụ tốt, Nhã đục hình người bằng đá, chỉ cần nhìn tấm hình, Nhã đục giống hệt. Nhã làm đàn ghi ta cổ điển, âm thanh rất chính xác. Được cán bộ trại thương.

Nhã chỉ là sĩ quan thường, nhưng đi cải tạo lâu năm vì cái tính bất nhất của mình. Nhã không để ý gì cả. Phần đông tù cải tạo khi khai lý lịch có để sẵn một bản gốc. Những lần khai sau cứ lấy ra mà chép lại. Nhã mỗi lần khai mỗi khác nên bị coi là khai báo không thành thật. Nhưng lâu quá cũng phải cho về.

 

Tôi gặp lại Nhã khi Nhã về khoảng hai năm, đã lập gia đình.

- Tôi đâu có biết hồi trước cô ta thầm yêu tôi. Tình cờ gặp nhau, cô ta đến nhà chơi vài lần, vậy đó.

Nhưng cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam, Nhã  không còn ở với vợ con nữa. Nhã lên cất một cái chòi cạnh nghĩa trang làm nghề đục bia mộ. Nhã đục một bia mộ, ở chỗ tên người chết là giòng chữ “nơi đây yên nghỉ một mối tình”. Nhã đem dựng trong nghĩa trang.

- Em còn thương yêu anh ấy, vợ Nhã nói. Nhưng đã mấy năm rồi em bảo ảnh về lại làm ăn với em, sẵn có vốn liếng, nhà cửa, ảnh không chịu. Còn em, mấy đứa con, làm sao ở với ảnh trong cái chòi gần nghĩa địa được. Vả lại... cái bà gì hồi trước và cả cô người yêu cũ của ảnh cũng đi tìm ảnh. Thỉnh thoảng họ còn gặp nhau. Em phải nuôi con em chứ anh.

 

 

THANH

 

Năm 1980. Tôi về. Không nhà cửa. Lông bông tá túc hết nhà này đến nhà khác. Tôi gặp Thanh, bạn cũ. Thanh làm ăn được, có vốn liếng. Thanh buôn bán giỏi nhưng mê làm tượng. Con nhà giàu, lúc đi học có bao nhiêu tiền Thanh bỏ ra mua sắt vụn về làm tượng. Hàn gió đá đến nỗi hư cả mắt. Thanh sưu tầm sắt ở những nơi xảy ra cuộc chiến. Đem về hàn xì, cưa, đục lên cắt những thanh sắt cong queo của rào kẽm gai, bánh xích xe tăng, nòng súng vỡ...Có lần Thanh điều đình mua một chiếc xe tăng bị mìn cháy và một chiếc cầu bị giật sập nhưng không thành.

- Thật tuyệt vời, Thanh say sưa nói. Cái matière sắt chảy và những hình thù kỳ dị tự nhiên không thể nào tạo ra nổi. Chỉ cần cắt, ráp lại là thành tượng đài. Những thanh sắt cầu Trường Tiền sập... đẹp tuyệt. Và còn biết bao nhiêu cầu sập nữa, tôi sẽ mua về hết.

 

Thanh có óc sáng tạo. Anh đưa nhiều sáng kiến cải tiến đời sống con người trong thế kỷ 21. Để giải quyết nạn nhân mãn, ngoài việc cho con người chui xuống lòng đất người ta đã làm, Thanh nghĩ ra những căn nhà trên không, có thể di chuyển được, ráp nối lại với nhau thì thành thành phố treo. Không thích thì tách ra, đi du lịch lơ lửng trên biển, trên rừng. Anh sẽ tìm ra một loại khí siêu nhẹ để đẩy những ngôi nhà đó. Ruộng rẫy cũng vậy, để tránh những thiên tai, anh nghĩ ra kỹ thuật ruộng treo, rẫy treo. Xây bệ chứa đất trồng cây lương thực. Anh còn đề nghị với tôi làm một công trình nghệ thuật vĩ đại để chào đón thế kỷ 21. Chúng tôi sẽ xây một ngôi tháp cao hai ngàn thước gọi là “Tháp Hòa Bình”. Thân tháp là một bức khắc nổi, mô tả những sinh hoạt của tất cả các giống người trên hành tinh bằng đá quí (tiêu chuẩn thấp nhất là agát, có độ cứng chỉ thua kim cương). Trên nóc tháp là một quả địa cầu chạm hình bản đồ năm châu, nạm kim cương. Trong ruột có một cái chuông, khi ngân lên cả vùng Đông Nam Á nghe được. Những châu khác sẽ nghe qua hệ thống truyền sóng siêu xa lộ thông tin.

 

Chúng tôi định đặt tháp ở Vũng Tàu. Phác thảo tôi phụ trách, mô hình cao hai mươi thước tôi, và Thanh hợp tác làm. Một anh thi sĩ sẽ làm một bài thơ như một thông điệp hòa bình gởi đến tất cả nhân loại. Đúng giây thứ nhất đầu thiên niên kỷ ba ngàn, tiếng chuông hòa bình sẽ ngân lên, bài thơ được phát đi bằng tiếng Việt Nam đồng thời được dịch ra ngôn ngữ quốc tế và 180 thứ tiếng khác phát trên siêu xa lộ thông tin đến toàn thể nhân loại, kêu gọi một nền hoà bình vĩnh cữu, cho con người.

 

Để làm công trình này cần chi phí rất lớn. Thanh sẽ viết thư cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc và các nhà lãnh đạo thế giới, nêu rõ mục đích, kêu gọi đóng góp.

 

Tôi được phân công đi tìm đá quí để làm mô hình thử nghiệm. Tôi đọc một số sách về địa chất học, các loại đá quí. Tôi biết có được loại đá đen gọi là tectit. Đây là một loại thiên thạch rơi vào địa cầu khoảng vài triệu năm trước. Ở Việt Nam thiên thạch vụn ra rơi xuống như mưa. Viên lớn nhất tôi tìm thấy lớn hơn khu chén, dẹp như hình dáng chiếc bánh dầy, màu đen. Còn nhiều hình thể khác giống như củ khoai lang nhưng nhỏ hơn. Đá nằm rãi rác trên cao nguyên Trung phần từ Lâm Đồng vô đến cao nguyên miền Đông nam Việt Nam. Bên ngoài thoạt trông đá nằm trong đất giống như viên sỏi đen, mình lấm chấm tổ ong. Thực ra đá đen tuyền nếu được cọ rửa kỹ. Đập vỡ bên trong thịt đá trong vắt. Trong nghề thợ đá gọi là hạt huyền. Mài dũa thành hình, đánh bóng đen nhánh làm nữ trang rất đẹp.

 

Do việc đi tìm đá mà tôi gặp Nhã lại ở Đà Lạt. Nhã hết sức mừng rỡ, mặc dù chúng tôi gặp nhau lần này mới là lần thứ hai sau thời gian dài xa cách. Nhã đang làm đàn kiếm sống, nhưng nghe tôi trình bày dự án tháp Hòa Bình, Nhã nhảy cỡn lên giăng hai tay lên trời:

- Hoan hô! Đã quá! Hoan hô! Dự án tháp Hòa Bình!

 

Thế là Nhã bỏ luôn việc đóng đàn dù đã lấy tiền cọc trước. Chúng tôi lang thang cả tháng trời. Cứ sáng đi chiều tối về. Những ngày đầu chân tay rời rã. Lúc đi nhẹ nhưng lúc về đeo túi đá nặng vài chục ký, lên những dốc cao thở không ra hơi. Có lần trèo dốc Mẹ ơi, Nhã bị hổng chân suýt rơi xuống vực mất mạng. Chúng tôi đi sâu vào rừng, mò dưới những suối sâu theo sự hiểu biết địa chất của tôi có đá quí dưới đáy. Chúng tôi như hai nhà địa chất chuyên nghiệp tay cầm búa, gặp hòn đá nào nghi ngờ có đá quí bên trong là đập, mỏi cả tay.

 

Thời gian này tôi học được bài học triết lý lý thú: cái quí là cái ẩn tàng. Ngọc không bao giờ phơi lộ mình ra ngoài, trừ trường hợp bị vỡ ra. Đá quí luôn luôn nằm bên trong một lớp vỏ sần sùi, xấu xí như “cục đá”, “hòn cuội”. Có khi rêu phong phủ kín, mốc meo không ai buồn nhặt. Nhưng với mắt chuyên môn thì đó chỉ là lớp vỏ đá vôi bên ngoài, ngọc ở bên trong. Các bạn thử tưởng tượng, do tình cờ đập một “hòn cuội đen đúa” rong rêu bao phủ, khi hòn cuội vỡ ra để lộ một cái ruột đỏ, trong vắt, những đường vân tím, vàng chạy vòng tròn, còn sự sung sướng nào bằng. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng, chúng tôi chưa có diễm phúc đó, chỉ được thấy trong tủ kính bày hàng. Tuy nhiên chúng tôi nhặt được nhiều mảnh vỡ, nhiều đá tectit đến vài trăm kí lô. Theo ý kiến Thanh, thuê thợ đá mài thành hột nữ trang bán lấy vốn đầu tư dồn tiền làm mô hình. Chúng tôi lựa đá đẹp cất để dành làm tranh. Có những mặt đá được chúng tôi đặt tên “Cõi trăng chìm”, “Hoàng hôn đáy vực” ... Thanh rất mê. Ngày nào cũng đem ra ngắm nghía. Đây cũng là lúc xảy ra ý nghĩ Nhã muốn giết nhạc sĩ Ban. Chúng tôi chở đá từ Đà Lạt về.

 

Thoạt trông thấy Nhã, Thanh đã thích ngay. Có lẽ do đồng thanh tương ứng. Một người có tâm hồn nghệ sĩ, óc sáng kiến gặp một người có đôi mắt trong veo, ngơ ngơ ngác ngác. Thanh làm tiệc ăn mừng thành công bước đầu. Khi đã ngà ngà say, Nhã móc gói cần sa mời mọi người hút. Ai cũng sẵn sàng vấn. Chúng tôi chìm trong những trận cười không dứt. Nhã tháo chiếc vòng ngà voi chạm trổ tinh vi, một tác phẩm nghệ thuật của Nhã ra tặng  Ngọc, người yêu của nhạc sĩ Ban. Anh giữ bàn tay Ngọc hơi lâu, quì xuống định hôn.

 

Nhạc sĩ Ban nhìn Nhã cười to lên khiến Nhã bối rối. Anh buông tay Ngọc, đứng bật dậy, im sững như trời trồng, mặt tím ngắt. Cả người Nhã như bốc lửa. Câu chuyện qua đi. Nhưng lúc ấy, ý nghĩ giết nhạc sĩ Ban để rửa nhục thành hình trong óc Nhã và còn đeo đuổi Nhã lâu về sau.

- Nó ngạo mạn, coi thường tôi. Tôi sẽ giết nó. Giết thằng Ban đó.

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN

 

Trong thời gian đi lấy đá với Nhã, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bỏ thì giờ đi lang thang hết đồi này qua núi nọ. Nhã hay đưa tôi lên một khu đồi nghĩa trang. Một hôm, chúng tôi ngồi dưới một tàng thông lớn. Nhã đã kể lại cho tôi nghe chuyện tình của Nhã với người đàn bà điên trong nghĩa địa.

- Anh có thấy cái hố kia không? Tôi nhìn theo hướng mắt  Nhã. Cái hố nông chỉ ngang thắt lưng một người bình thường, trông giống như một lỗ huyệt.

- Trước đây nó sâu hơn, giờ bị đất bồi nên mới cạn như vậy. Tôi vẫn hay lên ngồi đây một mình để nhớ người đàn bà ấy, từ khi nàng rời khỏi đây...Sau gần tám năm cải tạo về, anh biết cái thành phố du lịch từng được gọi là “Petit Paris” này ra sao không? Cây cối xơ xác, hồ Xuân Hương cạn kiệt, đường sá ổ gà ổ voi. Xứ hoa nở ven đường không một bông hoa, khu Hòa Bình là một đống rác. Yersin bị coi là Tây phản động, bỏ tượng, bỏ tên đường... Không còn khách du lịch.

 

Nhã như người bị lạc vào một xứ sở xa lạ không quen biết. Cả ngày đi lang thang khắp thành phố với cặp mắt vô hồn. Một hôm, Nhã đi lên ngọn đồi nghĩa địa, trẻ con chạy theo gọi giật lại:

- Chú đừng vô, sợ lắm, có bà điên.

- Bà điên nào?

- Bà điên ở dưới hầm.

 

Nhã đâu còn biết bà điên ông tỉnh gì, chàng cứ đi bừa. Quang cảnh im lìm của những ngôi nhà người chết khiến tâm hồn Nhã lắng dịu. Anh ngồi trên một ngôi mộ xây. Cho đến chiều tối, khi Nhã đứng lên định ra về thì anh nghe có tiếng con gái cười. Nhã không tin ma quỉ, nhưng lúc đó anh không kềm hãm một cảm giác lạnh sống lưng. Anh lắng tai nghe. Theo chiều gió, thỉnh thoảng tiếng cười lại đưa đến. Nhã lần mò theo hướng tiếng cười phát ra đi tìm. Anh đi ngang dọc cả mấy tiếng đồng hồ nhưng tiếng cười không định hướng, một lúc mất hẳn. Ma chăng? Anh trở về lòng bồn chồn. Liên tiếp mấy hôm sau, Nhã đều lên nghĩa địa để tìm nguyên do. Nhưng vô hiệu. Một lần, anh đem chuyện nghe tiếng cười nói với một bà cụ ở gần nghĩa địa. Bà cụ thản nhiên nói:

- Chú không biết đó thôi. Ở đây ai cũng biết. Đã mấy tháng nay rồi. Con Hồng, con gái ông Hai Diêu bên hồ Than Thở. Nó có chồng bộ đội, đi đánh bên Campuchia chết trận. Nó nhớ nó thương rồi nó phát điên. Ngày nói đem xác về chôn, lỗ huyệt đã đào sẵn mà chờ mãi chẳng thấy. Nó nhảy xuống đó ở luôn từ đó đến nay. Ai kêu cũng không lên. Đêm đêm nó khóc lóc, có khi cười. Chú nghe đó.

- Bác biết cái huyệt chỗ nào không?

- Cái đồi đó quá rộng, tui đi khắp, không biết chỗ mô. Sắp nhỏ thì rành lắm. Cu ơi! Ra bà bảo.

 

Con dắt chú chỉ chỗ cô Hồng ở giùm bà.

- Hông! Con sợ bà điên lắm!

- Cô điên nhưng cô hiền, con à. Có gì mà sợ. Đi bà thương.

 

Nhã đến nơi. Cái huyệt đào khoảng một thước rưỡi sâu. Dấu đất còn mới. Cỏ mọc sâm sấp chung quanh. Nhìn xuống Nhã thấy mấy cái áo rách, một cái chén nhựa, và một chiếc đũa. Không có dấu hiệu gì có sinh hoạt ở đó.

- Cô Hồng đâu rồi cháu?

- Bà điên đi xin ăn ngoài chợ, tối mới về.

 

Hôm sau tôi canh thật sớm đón Hồng thức dậy. Nhã kể. Tôi chờ mặt trời lên quá sào thì Hồng xuất hiện. Cô ta đi từ dưới chân đồi lên. Hồng khoảng hai mươi lăm tuổi, nhưng tóc tai bù rối, mặt mày dơ bẩn, áo quần rách nát tơi tả nên thoạt nhìn không đoán ra tuổi tác. Chỉ có hai con mắt trong sáng, long lanh. Nàng nhìn tôi, tôi có cảm tưởng mắt nàng là một tấm gương thần, tôi thấy hình bóng tôi in trong đó thật thuần hậu. Đó chính là con người thật của tôi. Không phải một tôi khổ não, dật dờ như hiện tại. Tôi đón đường chào Hồng, nàng tránh đi đường khác. Tôi chạy theo. Tôi gọi nàng Hồng, cô Hồng. Cô đâu có nghe tiếng tôi. Nàng không còn nghe tiếng con người nữa. Có thể nàng nghe âm thanh, nhưng không còn hiểu. Tôi theo nàng ra chợ. Nàng đi đâu tôi theo đó. Tôi tìm cách bắt chuyện, gợi nàng nhớ lại thế giới nàng đang sống, nhưng vô ích. Hồng ngồi xuống vệ đường, ai cho gì ăn nấy, đến tối về ngủ dưới huyệt. Mấy lần tôi đem thức ăn đến cho Hồng nhưng nàng không hề ăn. Cả áo quần nữa cũng không thay. Tôi hết sức lo lắng cho Hồng nhưng nàng là người của thế giới khác, tôi không xâm nhập nổi. Rồi tôi khám phá ra lòng mình, tôi đã yêu Hồng, cô gái điên ấy. Tôi yêu nàng, muốn săn sóc lo lắng cho nàng nhưng tôi bất lực. Điều ấy càng dằn vặt vò xé lòng tôi...Thời gian trôi qua, có lẽ cả tháng rồi từ ngày tôi gặp Hồng. Tôi làm cái bóng của Hồng. Nàng đi tôi đi, nàng ngừng tôi ngừng. Tôi trông chừng nàng. Chiều tối nàng về tôi theo về. Đêm nàng ngủ dưới huyệt, tôi nằm trên mé. Rồi một hôm tôi bận việc không theo nàng được, buổi chiều về tôi chạy bay lên nghĩa địa tìm nàng. Nàng vừa mới về đang tìm đường đến lỗ huyệt. Trăng mười sáu tròn vạnh vừa nhô lên trên dãy đồi trọc. Nàng đi xiêu vẹo như người say rượu. Tôi chạy theo Hồng, đưa tay đỡ nàng, nhưng nàng phát chạy. Tôi rượt theo. Khi còn cách lỗ huyệt vài bước, nàng ngã chúi và lăn xuống hố, tôi lỡ đà cũng ngã đè lên nàng.

- Trời ơi! Hồng ơi! Tôi kêu lên. Em có sao không? Anh giết em rồi Hồng ơi! Nàng nằm im lìm. Tôi cúi xuống nghe nàng thở. Một mùi hôi xông lên mũi. Tôi bồng Hồng trên tay, mắt nàng nhắm nghiền, thở nhè nhẹ. Ánh trăng chiếu xiêng, bóng tối thành hố che một nửa người nàng, mặt nàng ánh trăng soi rõ. Trăng lên cao. Những khoảng rách áo quần nàng hở lộ ra da thịt dưới ánh trăng như phát sáng. Bỗng mây đen che khuất trăng, gió nổi lên và cơn mưa giông ập đến. Tôi muốn bồng nàng chạy tránh mưa nhưng không kịp. Tôi ôm nàng. Lấy thân tôi che mưa cho nàng. Nàng vẫn nhắm mắt, thản nhiên đón nhận cơn mưa không hay biết. Mặt nàng được rửa sạch, một gương mặt thanh tú. Tay nàng được rửa sạch, đôi bàn tay ngón thon đầy đặn. Tóc nàng được rửa sạch, mái tóc dài rất đàn bà ướt đầm đìa.

- Hồng ơi! Tôi kêu lên. Anh yêu em! Anh yêu em! Tôi hôn tới tấp lên mặt, lên cổ lên ngực nàng. Tôi xé áo quần nàng. Tôi yêu nàng như giông gió giữa cơn mưa tầm tả. Tôi gào thét theo tiếng sấm Hồng ơi! Anh yêu em! Hồng ơi! Anh yêu em! Cơn mưa ngớt. Hồng lả đi trong tay tôi. Da thịt trần truồng của nàng và tôi lấm lem như hai con cá trong hố bùn. Nước ngập nửa lỗ huyệt. Mây tan. Trăng rằm lộ ra. Bỗng nàng mở mắt. Đôi mắt trong sáng dưới ánh trăng nhìn tôi không chớp. Tôi cúi xuống hôn nàng. Tôi gọi tên nàng, nhưng đôi mắt chỉ phản chiếu ánh trăng và hình ảnh chân thực của tôi, nàng không tỏ có dấu hiệu gì biết đến thế giới con người. Sau đêm ấy, hầu như tôi luôn luôn sống bên cạnh Hồng. Tôi che cho nàng căn chòi nhỏ.

 

Lúc đầu nàng cứ xuống ngồi dưới chòi huyệt úng nước, sau dần nàng nghe lời tôi chịu ở trên chòi. Chúng tôi yêu nhau. Đúng hơn là tôi yêu Hồng. Nàng thụ động, không chống cự, không đồng tình, mặc tôi muốn làm gì thì làm. Bây giờ thì nàng không còn dơ dáy nữa. Ăn mặc đàng hoàng, nàng là một cô gái đẹp. Chỉ duy một điều nàng luôn chìm đắm trong thế giới của riêng nàng. Lâu sau này, có một lần trong ân ái, tôi nghe nàng rên rỉ, khi tôi mặc quần áo lại cho nàng, nàng nhìn tôi rồi cúi mặt xuống.

- Hồng ơi! Tôi mừng rở kêu lên. Tôi ôm nàng trong tay vổ về. Em yêu! Em nhận ra anh không? Em tỉnh lại chưa? Tôi ghì đầu Hồng vào ngực, nghe như có sức nặng và nàng giấu mặt vào ngực tôi. Tôi mừng rỡ nâng mặt Hồng lên, nhưng ánh mắt nàng trong như một mặt gương vẫn chìm sâu trong thế giới nào làm tôi thất vọng.

 

]

 

Tôi mất Hồng. Hôm sau lần ân ái cuối cùng đó, tôi trở lại không thấy nàng đâu nữa. Tất cả mọi vật dụng, áo quần đều còn nguyên. Tôi đổ ra đi tìm nàng khắp thành phố. Không có hang cùng ngõ hẽm nào tôi không xục tới. Tôi lên nhà nàng ở hồ Than Thở hỏi thăm, cha mẹ nàng không biết. Tuyệt vọng, tôi trở lại căn chòi, nơi để lại trong tôi biết bao kỷ niệm yêu thương về nàng. Tôi ăn, tôi ngủ ở đó hàng tháng liền, mong một ngày nàng trở về nhưng bặt vô âm tín. Tôi dỡ căn chòi, thu dọn đồ đạc vất xuống lỗ huyệt, lấp đất chôn, như chôn chặt mối tình với Hồng. Hồng ơi! Cô gái điên yêu quí của anh ơi!

 

]

 

Chuyến xe đò Sài Gòn – Đà Lạt chết máy dưới chân đèo Bảo Lộc. Những người bán hàng ùa ra bán chôm chôm, sầu riêng, trứng gà luộc, các loại bánh trái. Nhã xuống xe đứng chờ. Một cô gái đến mời Nhã mua thuốc lá. Nhã từ chối. Nhưng khi một đứa bé đến mời, Nhã mua một gói thuốc “Mai”

- Con không có tiền thối, chú ơi! Thằng nhỏ nói khi Nhã trả tiền bằng giấy mười đồng. Nó ngần ngừ một chốc rồi nói:

- Để con gọi má con tới thối cho chú hen. Nó chạy đi. Người đàn bà cụt chân, một tay chống nạng, một tay cặp rổ trứng gà luộc, mắt chột, mặt lấm tấm rỗ đen đi tới:

- Má con đó chú! Thằng bé nói.

- Anh mua trứng luộc không? Anh mua giùm khỏi thối.

- Ừ! Tôi lấy hai trứng.

- Lấy thêm đi! Mới có hai đồng, còn ba đồng nữa. Nhã tức cười:

- Ừ! Tôi lấy thêm một trứng.

Người đàn bà vừa đếm tiền thối, vừa liếc nhìn Nhã đang hút thuốc:

- Thôi! Chị giữ hết đi. Tôi cho cháu tiền quà!

- Cám ơn ông. Chị nhìn Nhã cười như mếu.

 

Xe chạy được một quảng quay lại, Nhã thấy người đàn bà và đứa bé đang đứng nhìn theo. Chị cúi xuống nói gì với đứa nhỏ. Nó đưa tay lên vẫy theo Nhã. Theo thói quen, Nhã đưa tay lên vẫy lại. Xe chạy xa dần. Hai mẹ con còn đứng nhìn theo. Đứa bé còn vẫy tay mãi cho đến khi xe rẻ khuất ở một khúc quanh, hình như nó muốn chạy theo.

 

]

Nhã nhận được một lá thư. Thư gởi đúng tên họ, đúng địa chỉ, không có tên người gửi.

 

Bảo Lộc, ngày.....tháng..... năm......

 

Anh Nhã

 

Nếu em trách anh vô tình, điều ấy cũng làm em buồn, vì em biết anh đâu phải người vô tình. Có lẽ thời gian đã làm em thay đổi nhiều và hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy chúng ta cách xa nhau đến nổi lúc gặp nhau anh không nhận ra em nữa. Tất cả là do lỗi của em. Kể từ lần ân ái cuối cùng, tình yêu của anh đã làm em sống lại. Em tỉnh ra từ một cơn mê dài. Sự tuyệt vọng đối với người chồng tử trận đã đưa em vào cơn mất trí, nếu không có tình yêu của anh, có lẽ em không còn trở lại làm người. Ơn đó của anh bằng ơn cứu tử, như em đã chết đi và anh là người đã cứu em sống lại...Sau lần đó, em biết mình đã có thai. Một niềm vui lẫn xấu hổ vô lối xâm chiếm em. Một con điên sắp sửa có con với anh. Ý nghĩ đó khiến em không sao chịu nổi. Mong anh hiểu lòng em và tha thứ cho em. Em bỏ anh mà đi, đành lòng như vậy, anh ơi!

 

Em về ở dưới chân đèo Bảo Lộc, làm thuê, làm mướn kiếm sống. Em bỏ anh, trốn anh mà không hiểu cặn kẽ vì sao. Anh yêu em và em cũng yêu anh

 

Mà! Cái thai lớn dần, em đuối sức. Người đàn ông là chồng em hiện nay đã thương yêu, giúp đỡ em sinh nở. Em cũng không thể phụ lòng anh ấy. Ảnh cũng là sĩ quan cải tạo như anh. Theo chính sách Nhà nước, tụi em đi kinh tế mới làm rẫy. Em bị mìn cóc ra người tàn tật. Sau một thời gian nằm nhà thương, tụi em trốn đại về quê cũ buôn bán kiếm sống qua ngày, địa phương cũng không làm khó dễ gì, vì người bỏ trốn về quá đông.

 

Em đã nhận ra anh nhiều lần trên những chuyến xe đò Sài Gòn – Đà Lạt ghé lại vội vàng. Em muốn gọi anh, nhưng có cái gì đó đã ngăn em lại. Có một lần em lên Đà Lạt, đi theo anh về đến cổng nhà mà anh không biết. Đi theo để làm gì, tự em cũng không trả lời được. Em ra về và em khóc. Anh đã có gia đình, em cũng vậy, lại thân tàn ma dại. Níu kéo chỉ thêm đau khổ mà chắc gì anh còn thương yêu em. Lần gặp anh vừa qua như trời xui khiến. Rất may anh không nhận ra em. Em giả lơ mà lòng chết điếng. Mãi khi xe anh đi rồi em mới gọi con lại nói cho nó biết anh là cha ruột của nó. Nó muốn chạy theo, nhưng chân nhỏ làm sao đuổi theo được xe hơi. Con đứng vẫy anh, em rơi nước mắt.

 

Đường đời mỗi người mỗi ngã. Em luôn luôn cầu trời khấn phật phò hộ anh và gia đình được mạnh khỏe. Em sẽ nuôi con, chừng nào nó lớn khôn em sẽ cho nó trở về với anh.

 

Bức thư  không ký tên.

 

Xem xong thư, Nhã tức tốc ra đón chuyến xe đi Bảo Lộc... Nhã hỏi thăm nhà Hồng suốt một ngày không ai biết.

- Cô bán trứng gà luộc, cụt chân, một mắt, có đứa con trai nhỏ 5, 6 tuổi. Nhã hỏi thêm.

- Chắc con Ba, một chị bán trái cây nói.

- Ừ! Bà cụ ngồi gần bên tán đồng. Chỉ có con Ba bán trứng luộc, cụt chân, một mắt, có con trai 5 tuổi. Mà ông hỏi chi vậy. Có bà con gì không? Gọi con Ba chứ không  phải Hồng.

- Nhà chị Ba ở đâu bác?

- Nó dọn đi rồi.

- Bác biết đi đâu không?

- Nó có nói gì đâu mà tui biết.

 

Chị bán trái cây nhanh nhẩu :

- Nó đi Sài Gòn.

 

Nhã đón xe Sài Gòn đi ngay. Đứng ở bến xe, Nhã thấy Sài Gòn mênh mông biết tìm Hồng ở nơi nào. Nhã nhớ đến Thanh. “Mình sẽ về nhà Thanh tá túc một thời gian. Nhắc Thanh việc thực hiện “Tháp Hòa Bình”. Và ý nghĩ giết nhạc sĩ Ban trở lại. Nhã đứng hồi lâu trong bóng đêm giữa bến xe tấp nập. Nhã cuối cùng nhận ra rằng tất cả những việc đó đã thuộc về quá khứ: Tháp Hòa Bình, mối tình đối với Hồng, ý nghĩ giết nhạc sĩ Ban. Trên chuyến xe trở về Đà Lạt, lúc xe ngang qua chỗ dừng, Nhã thấy hình ảnh hai mẹ con Hồng đứng nhìn theo, đứa bé vẫy tay. Bất giác Nhã đưa tay định vẫy lại, nhưng tay Nhã chợt rơi xuống như bị một sức kéo, không tự chế – rồi xe lại khuất, ở một khúc quanh./.

 

1996

Kinh Dương Vương
Số lần đọc: 1595
Ngày đăng: 26.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Tàm Thực - Lưu Thuỷ Hương
U 60 - Tiêu Đình
Ký Ức Làm Báo - 3 - Đỗ Ngọc Thạch
Cây Thằn Lằn Lá Xanh - Nie Thanh Mai
Nắng Quái - Lê Văn Thiện
Người Đi Tìm Thuốc Trường Sanh - Tiêu Đình
Truyện Cũ - Hà Thúc Sinh
Kẻ sát nhân - Lưu Thuỷ Hương
Tình Yêu Không Đơn Giản - Mang Viên Long
Trở Về Lưng Chừng Núi - Nie Thanh Mai
Cùng một tác giả
Hoạt Cảnh (truyện ngắn)
Mén Ơi! (truyện ngắn)
Số Phận Lũ Sáo Nhà (truyện ngắn)
Những Giọt Nước (truyện ngắn)
Lão Hạ (truyện ngắn)
Đường Kiến (truyện ngắn)
Thầy Thích (truyện ngắn)
Diệu Kế (truyện ngắn)
Ngày Trọng Đại (truyện ngắn)
Phiên Chợ (truyện ngắn)
Thác Với Tình (truyện ngắn)
Mơ Dòi (truyện ngắn)
Chiên Lạc (truyện ngắn)
Những Mầm Non (tạp văn)
Mộ Ông Ðá (truyện ngắn)
Chuyến Xe (truyện ngắn)
Quà Sinh Nhật (truyện ngắn)
Thằng Điếm (truyện ngắn)
Tượng Than (truyện ngắn)
Phiên Tòa (truyện ngắn)
Sinh Hoạt (truyện ngắn)