Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
678
116.674.856
 
Nhà báo Trần Thanh Phương: Vất vả với bút tích các nhà văn
Minh Huyền

Nhiều người ở nước ta đã biết tới cái tên Trần Thanh Phương, một nhà báo từng hơn bốn thập niên lăn lộn với nghề, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Về hưu từ cương vị Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại đoàn kết ở phía Nam, Trần Thanh Phương lại mê mải với một công việc đầy ý nghĩa khác: sưu tầm tư liệu báo chí và văn chương.

Đã có quá nhiều bài báo và cả chương trình truyền hình nói về công trình đồ sộ của cặp vợ chồng Trần Thanh Phương: bộ sưu tập cắt dán 10.239 bài báo xuất bản từ năm 1975 tới năm 2005 được xếp hàng kỷ lục Việt Nam về các chủ đề như: danh lam thắng cảnh - đi tích văn hóa - phong tục lễ hội - ẩm thực - trang phục... Chiều cao bộ sách là 1,2 m; chiều rộng là 8,8m; khối lượng là 87kg...

 

Phải yêu báo chí và yêu Tổ quốc thế nào mới có thể dồn sức vào làm một việc như thế. Chúng ta ở thời kinh tế thị trường này thường hay chạy theo những hiệu quả vật chất tức thì. Chỉ có một số ít người mới đủ can đảm "đầu tư" vào tương lai với những công trình phi lợi nhuận như anh chị Trần Thanh Phương.

Do nhiều nguyên nhân mà công tác hệ thống tư liệu lịch sử và xã hội, cũng như văn học nghệ thuật ở nước ta đang ở mức còn lâu mới như mong muốn, thậm chí một số người còn cho là đang ở mức báo động. Trong khi đó, lịch sử là một dòng chảy liên tục và bất cứ sự gián đoạn nào trong sử liệu hoặc tư liệu cũng đều có thể dẫn tới những kết luận chưa đầy đủ hoặc chưa thỏa đáng. Công trình của anh chị Trần Thanh Phương xứng đáng được coi như đóng góp có ý nghĩa vào việc giúp thế hệ mai hậu hình dung ra những ngày chúng ta đang sống rõ ràng và chuẩn xác hơn.

 

Giờ đây, anh chị Trần Thanh Phương đang tiếp tục hoàn chỉnh bộ sưu tập mới của mình: bút tích các văn nghệ sĩ nước nhà. Nhà xuất bản Giáo dục đã nhận ấn hành bộ sách cũng rất đồ sộ này. Theo lời nhà báo Trần Thanh Phương, sách sẽ không chỉ có một tập; tập 1 tập trung ít nhất là bút tích của 350 văn nghệ sĩ có tên tuổi, cả những người đã quá cố lẫn những người đang còn sống.

 

Mặc dầu sức khỏe giảm sút và mới phải vào bệnh viện phẫu thuật, nhưng cho tới hôm nay, nhà báo Trần Thanh Phương, với sự trợ lực rất tận tuỵ của người vợ hiền, chị Phan Thu Hương (nguyên là một giáo viên dạy văn học). Miệt mài và kiên nhẫn, anh chị tìm đủ mọi cách để liên hệ với các văn nghệ sĩ đương thời mà anh chị kính trọng và quý mến để mời, để giục giã, để thuyết phục họ bớt chút thời gian và công sức gửi tới những tư liệu cần thiết cho cuốn sách tương lai.

Không hiểu vì lý do gì mà những văn nghệ sĩ đích thực ở đất nước ta thường hay bàng quan với danh vọng và những thao tác mang tính khoa học hay hệ thống trong việc xây dựng kho tàng sử liệu văn học Việt Nam. Vì thế, mặc dù anh chị Trần Thanh Phương đã mất rất nhiều công liên lạc với những nhân vật mà anh chị quý trọng nhưng những lời hồi âm vẫn còn chưa nhiều.

Trò chuyện với người viết bài này chiều 30/6, nhà báo Trần Thanh Phương tâm sự: "Tháng rồi, tôi đã gọi điện thoại nhiều lắm, lại gửi cả thư liên lạc nữa nhưng kết quả vẫn chưa được bao lăm...". Tiền gọi điện thoại của anh chị cho việc này mỗi tháng phải tốn tới một hai triệu đồng. Thời hạn để khóa sổ cho việc in tập đầu tiên trong bộ sách bút tích các văn nghệ sĩ Việt Nam đã tới gần sát nhưng nhà báo Trần Thanh Phương vẫn chưa có đủ tư liệu của tất cả những người mà anh cho là xứng đáng.

 

Thông qua Báo CAND, anh Trần Thanh Phương mong muốn được ngỏ yêu cầu: xin các anh chị đã nhận được thư của anh hãy gửi bút tích và tư liệu về cá nhân mình cho anh, theo địa chỉ: 165/3 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 10, quận 3, TP HCM.

 

Trước một tấm chân thành như thế, thiết nghĩ người tử tế ít ai có thể dửng dưng

Minh Huyền
Số lần đọc: 3490
Ngày đăng: 03.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Festival Huế 2006: Một Huế xưa huyền ảo - Bùi Ngọc Long
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long: “Văn nghệ Sông Cửu Long” - đứa con cần “giá thú” - Hoài Hương
Những bài viết liên quan đến trang Sông Cửu Long:Trang web - Ngô Thị Kim Cúc
Tham luận bàn tròn văn xuôi đồng bằng sông Cửu long - Tiền Giang 10-9-200 : ” Không trói buộc văn học vào những cuốn sách” - Trần Quốc Toàn
Văn xuôi ĐBSCL : - Trần Minh Trường
Bàn tròn văn xuôi ĐBSCL lần thứ I - Trần Minh Trường
NHÀ THƠ HỮU THỈNH & “BÀN TRÒN VĂN XUÔI ĐBSCL LẦN THỨ I” : ĐBSCL khó khăn nhất, xa nhất, làm được nhiều nhất! - Giáp Nguyễn
Văn xuôi ĐBSCL- Tính chuyên nghiệp chưa cao - C.Thành