Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
851
116.683.756
 
Nguyễn Mai, Ngọn Gió Cô Đơn Không Ngừng Thổi Giữa Đời
Ngô Nguyên Nghiễm

 

Những cơn gió man dại tràn qua, lan rộng trên một vùng không gian đồi núi loáng thoáng những giọt cà phê đen ngập ngừng rót nhẹ vào hồn, vỗ về sự tỉnh thức của một tiềm thức đầy rẫy chông gai trên đoạn đường đời vừa bước qua. Nguyễn Mai ngồi tâm sự cùng tôi tại một quán cóc gần Lăng Ông Lê Văn Duyệt, giữa buổi trưa cuối năm 1997, trước sự biến đổi của đời mình. Anh cho biết đã lập dựng gia đình trên Buôn Mê Thuột và cai quản một vài mẫu cà phê, sống đạm bạc giữa gió núi cây ngàn. Nguyễn Mai cho rằng định số chắc đã an bài cho anh một giai đoạn hòa lắng tâm hồn trong bối cảnh thiên nhiên. Xa xa là bạt ngàn cây cỏ, và tiếng chim rừng le lói tận bản sóc, lại là nơi ổn định thân tâm thanh tịnh, bù đắp những ngày lang bạt phá phách suốt khoảng đường cơ cực tuổi thanh niên. Về thành phố Sài Gòn gần một tuần lễ, Nguyễn Mai bộc lộ dự tính qua tôi để gởi một số bản thảo mà anh cật lực làm việc trong sự lắng đọng tột cùng giữa không gian mênh mông, khiến lòng người hòa quyện vào cõi tịch mịch bình yên hơn. Nguyễn Mai là một trong nhiều bằng hữu văn nghệ, hầu như cùng khổ bon chen suốt quãng đường cuộc sống. Có những giây phút yên lành dành cho anh, là sau những cơn say lúy túy đã dìm hồn vào sự vô thức của cơn mê. Lướt thướt trên chiếc xe đạp, nếp áo sơ mi phong phanh sờn cũ, nhưng tôi chưa hề nghe Nguyễn Mai than thở về cuộc sống bi ai của mình. Có lúc tỉnh táo trong cơn tiếp xúc, giai đoạn đầu giữa những giây phút chia sẻ cùng anh em là nụ cười nhẹ hẫng vương vấn một cách trẻ thơ. Hôm nay, gặp nhau tình cờ khi tôi từ giã Ngu Cốc của Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Mai quăng chiếc xe đạp lộc cộc bên lề đường Lăng Ông Bà Chiễu vội vàng ngoắc tôi và nắm tay vào quán nhỏ bên đường. Thần trí có vẻ ổn định và thư thái trong ngày tháng ẩn mình trên thư trang tận xứ sở Tây Nguyên. Nguyễn Mai dự định ngày mai trở lại bản làng, nên gặp tôi tại đây là một định số, mà anh đã bẵng đi một thời gian lưu lạc định vị tại Buôn Mê Thuột một cánh lặng lẽ. Tác phẩm bề bộn, không ngăn nắp được anh lấy ra từ chiếc cặp  nhàu nát, dùng nhiều loại giấy mà anh cười bảo lúc này sáng tác hăng say, nên không kịp ghi lại đầy đủ  những tuôn trào ngàn năm một thuở. Nguyễn Mai đem tác phẩm về Sài Gòn kỳ này, một là ghé thăm bằng hữu thân tín, hai là ký thác tác phẩm của mình, mà điều Nguyễn Mai tâm tình rằng sợ nhất là sự thất lạc nên cầm bằng giao trọn lại cho anh em. Tôi không hiểu lúc này trong đãy sách, anh chứa đựng bao nhiêu tâm huyết được hoàn thành trong những năm tháng lập nghiệp phương xa. Trước khi rủ rê tôi sang một quán rượu trên đường Phan Đăng Lưu, anh vội rút trong đãy sách chọn lựa và giao tôi 3 truyện ngắn, 1 tập thơ và 1 tập truyện vừa. Vì anh sợ trong cơn túy tửu vô chừng lại quên bẵng điều dự tính gởi gấm anh em.  Nguyễn Mai bình thản với nụ cười nhẹ ru một cách lãng bạt, nhưng trong cơn say thì quên hết đất trời, ngông nghênh cực đoan vô tả. Chính vây, sự phân cách trong con người Nguyễn Mai hình như chìm đắm trong sự phản kháng cô độc cho chính mình. Sự phản kháng chỉ bừng hiện trong giấc mê say, thần trí lãng đãng như bão lửa, như để bù đắp giây phút đời thường nhu nhược của cuộc sống cơ khổ gian truân. Cả hơn 40 năm nay, tôi giao tiếp thân tình với Nguyễn Mai, nên dù trạng thái bản ngã của anh lưu lạc ở phương hướng nào, lành dữ, vẫn không là điều khiến tôi lưu tâm hơn là tình bạn.

 

Anh em văn nghệ thời trước 1975, đều xây dựng cho nghiệp dĩ văn chương bằng sự dấn thân cùng cực, vận động kỳ diệu cho bản thể một hướng sáng tác, mà mỗi người đều lập dựng riêng cho mình một khung trời ngôn ngữ thăng hoa riêng biệt, không ai nhầm lẫn vào ai. Muốn đi trong phương hướng vĩnh cữu, là phải tài hoa với một quan niệm sáng hóa phát huy cho thế giới riêng. Nguyễn Mai cũng cật lực như vậy, tân lập hẳn cho mình một ngôi vị bằng một hướng viết đặc biệt Nguyễn Mai. Lúc anh cộng tác Tuổi Ngọc với tư cách thư ký tòa soạn, tuổi trưởng thành và mộng ước chan hòa trong tác phẩm đậm nét tình yêu, đó là sự trôi chảy trên nếp sống thanh tú của đời người. Nguyễn Mai vừa viết truyện ngắn, mà hướng đi sáng chói của Duyên Anh đã ít nhiều ảnh hưởng trong tầm nhìn của anh. Sự can đảm của tuổi trẻ là dám thách thức ngôn ngữ và đánh cược đầu đời, bằng cách cho xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tay Mù Sương, trong khi phần đông anh em văn nghệ đồng lứa thì tác phẩm thường là thi ca được giới thiệu như sự rộ nở ban đầu. Giai đoạn này khá nhiều nhân tài xuất hiện trong một không gian văn chương đầy màu sắc. Qua năm 1974, Nguyễn Mai chuyển hướng về cộng tác với tập san Thời Tập của nhà văn Viên Linh, trên góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Biểu, Quận 5. Sự trầm lặng làm việc của Nguyễn Mai, ngoài chủ động một phương thế lập thân, anh còn quan tâm tìm hướng đi sâu sắc nhất cho sáng tác. Chính vậy, bên cạnh những nhà văn nhà thơ đã có những vóc dáng tác phẩm lừng lẫy, phải chăng cũng là một cách học hỏi và hòa nhập của kẻ sĩ?

 

Tôi thường qua lại với Nguyễn Mai trong giai đoạn trực diện ở Thời Tập. Trong một không khí văn hóa sinh động mãnh liệt, một phần do giá trị nghệ thuật của tập san, một phần để trả lễ những dịp Nguyễn Mai lui tới tệ xá thăm tôi, thường xuyên hòa nhập vào không khí bạn bè tứ xứ quy tụ giang hồ. Thời gian này, Nguyễn Mai nỗ lực trong sáng tác nhiều nhất là văn xuôi, thỉnh thoảng tôi cùng anh trao đổi văn chương trong những cuộc rượu đầy vơi. Đời sống Nguyễn Mai hình như phải luân lạc một cách chật vật, tinh thần hoang tưởng không ổn định, đến nếp sống cô độc chan hòa trên một thân thể bất cần. Chính vậy, ngoài tập Mù Sương ấn hành 1973, đến ngày xuôi tay nhắm mắt đằng đẵng hơn 30 năm, anh vẫn không có tác phẩm riêng nào khác, ngoại trừ 2 tuyển tập thơ in chung là Ngàn Trùng  Hành Trình Thơ. Dù rằng sức sáng tạo của anh tài hoa và mãnh liệt như nhiều bạn văn nghệ đồng hành. Nguyễn Mai không dưới vài trăm bài thơ, truyện dài, truyện ngắn,… nhất là thời gian hòa mình ở Buôn Mê Thuột. Sự cô đơn mênh mang bay tận cùng không gian hoang dại, giữa rừng và vườn cà phê bạt ngàn của xứ thượng ngàn. Giai đoạn 1996-2006, có lẽ là một sự bừng phát dữ dội giữa ngày tháng quạnh hiu khiến thơ văn trải dài vỗ về cuộc đời sau cùng của anh. Lúc ở vùng cao, anh thường thư từ với tôi, nhắc lại những kỷ niệm thời chung sống với bạn bè và bày tỏ vẫn không ngưng nghỉ với văn chương. Sự tha thiết đến đau lòng như vậy nhưng biết làm sao bây giờ để hoàn thành ước vọng của Nguyễn Mai như thư anh viết tại Buôn Mê Thuột ngày 11/08/1998:

 

Tôi xa ông sau ngày 13/10/1996, luôn có Phạm Trích Tiên, Minh Nguyễn, bia lon. Hiện giờ tôi đã lấy vợ, tháng 10 có con trai. Tôi gửi ông, một bản thảo thơ mà tác giả đắc ý và một bản thảo truyện vừa. Ông xem thơ có thể giúp tôi để in không?................Ông giữ hai bản thảo này thật kỹ cho tôi nghe ông Nghiễm. Về Sài Gòn tôi sẽ gặp ông và mong trước sau vẫn thế, thậm chí đậm đà hơn. Thân ái. Nguyễn Mai”.

 

Dù bàn thảo với vài bằng hữu văn nghệ, nhưng vẫn chưa hình thành cho anh được thêm một tác phẩm riêng nào. Sự nỗ lực quy tụ một số vốn khá lớn để ấn hành những tác phẩm đồ sộ của Nguyễn Mai, chắc chắn vượt ngoài công sức của anh em. Ở đất nước này, có những cái không đáng làm, nhưng vẫn là cái đích vinh danh khiến người ta nhẹ nhàng làm được, nhưng cũng có cái đáng làm thì cứ bon chen chăm biếm với tư lợi và sự vô tâm, khiến tâm huyết bị hờ hững mà chẳng làm được gì cả.

 

Trong cuộc sống mới chan hòa giữa gió rừng, hoa cỏ miền cao, có lẽ thanh khí trời đất mênh mang mở rộng trong tâm hồn thanh thản hướng sâu vào đạo vị, nên Nguyễn Mai chống tay vươn mình hòa nhập vào cái tiên thiên vô cùng hiu quạnh, để chiêm nghiệm tình yêu và cuộc hóa thân. Trong thi tập Lá Và Gió, Nguyễn Mai dặn dò anh thích nhất bài Cám Ơn Gió Lớn, là một bước đầu nhập vai vào thiên địa, đem tất cả lẽ thường hằng và tình yêu, hoa, lá, anh và em, mây ngàn và gió lớn, không trung và nấm mồ…là những bất tuyệt trong giây phút chìm ngập xuất thần giữa lồng lộng đất trời. Cám Ơn Gió Lớn, như một kết thúc thiêng liêng mà chính Nguyễn Mai nương thanh khí đi lạc vào nẻo hư vô, mong lung cùng tình yêu vậy: Và gió/ Gió lớn, gió lớn, toàn khung cảnh cành lá chung quanh giạt theo chiều gió/ Gió chập chùng/ Gió vô cùng/ Mông lung, anh, hồn bay cùng em, theo gió. (02/01/1997)….

 

Viết tại Thư trang Quang Hạnh

(23/08/2011 ngày giỗ Nguyễn Mai)

 

 

Cảm ơn gió lớn

 

Những cành muồng khô đen im lìm dưới nền trời đầy mây xô giạt, mây xô giạt, gió lộng thổi, những cành cà phê dưới thấp nối tiếp hoa trắng trên cành trải rộng ra khắp chung quanh, như một vùng ở nơi xứ tuyết.

Và ở nơi đây, anh và em ở bên màu xanh lá cỏ, anh và em chậm bước giữa tiếng gió lộng thổi không ngừng, anh nói với em: “trời ơi”, anh không kịp thở.

Và “trời ơi”, anh tưởng như anh sắp được bay xa, cùng em, theo gió

Gió,

Anh đứng trước khung cảnh hiện thực cuồng gió nghiêng rạp

Những chiếc lá kề bên vẫy mừng chúng ta lặng ở bên nhau, sau nhiều năm không ngờ có thể.

Và những tiếng gió lấp vào những vết thương riêng.

Và có thể rất thiêng liêng, được thấy

Gió đẩy xa biệt

Những gì cần thiết được xa

 

Dưới thành phố nào ồn hỗn tạp

Anh từ đó tìm lên

Và ở đây, anh cùng gió đến

Với em

Đổi được những nỗi niềm vắng xa, hiu quạnh

Xóa đi quá khứ giập bầm

 

Gió,

Chúng ta đã đứng trước gió

Gió lông bay đi

Những chi u uất, của ảnh, buồn phiền,

Xóa mờ những bối cảnh xưa

 

Bay biến, tan đi như gió

Bay biến, dù có cũng thành như không

Và, với ngày thứ nhất mênh mông

Đột ngột vượt qua xa lạ

Anh đã thảng thốt nắm chặt tay em

Chúng ta đắm chìm, lênh đênh, ngây ngất

Ngây nhất đến tưởng mình biến mất giữa gió ngập tràn

 

Gió và gió, gió vô hình mênh mang

Không thấy gió

Chỉ thấy có khi gió va đập vào lá cây

Và ở đây, đêm nay, tràn gió

Gió thổi giạt khốn khó

Đêm tôi trở thành rực đỏ như son.

 

Nối theo, buổi trưa nghĩa trang u buồn cỏ mộ héo kho

Trước những nấm mồ, anh đã từng thấy

Những người đàn bà trong khăn xô

Với áo tang ma kỳ lạ

Đàn bà giữa tang mà

Xác thịt và cái chết

Bất tuyệt

Như ở bên em

Đắm đuối khát thèm

Khát thèm bội phần giữa những nấm mồ xa vắng

 

Giữa gió,

Anh và em, lênh đênh, khát thèm

Chỉ có hai người

Rồi buổi trưa gió chót ngừng lộng thổi

Và trong gió buổi tối

Sau những

bối rối

Giữa những cành cà phê chung quanh

Nơi lán tranh, dưới trăng xanh

Giữa cảnh như thơ

Ôi ngực trần em

Ngực trần em,

Và khát thèm

Anh thấy êm mềm, hoang dại, vĩ đại

Áp đầy môi khô

 

Và gió,

Gió lớn, gió lớn, toàn khung cảnh cành lá chung quanh giạt theo chiều gió

Gió chập chùng.

Gió vô cùng

Mông lung, anh, hồn bay cùng em theo gió.

 

02/01/1997

 

NGUYỄN MAI

 

Ngô Nguyên Nghiễm
Số lần đọc: 1756
Ngày đăng: 28.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Yên Thảo, Khúc Ngâm Du Tử Vỡ Oà Quanh Đây - Ngô Nguyên Nghiễm
Vũ Hữu Định, Đường Gian Nan Chạy Suốt Kiếp Người - Ngô Nguyên Nghiễm
Các Nhà Thơ Mới Cầm Tinh Con Rồng - Bùi Tuý Phượng
CÕI RIÊNG Trần Kiêu Bạt [1945-2005] - Trần Văn Sơn
Lã Văn Cường, Ôm Đàn Tới Giữa Đời. - Nguyễn Tấn Cứ
Nguyễn Thị Mai đời và thơ như tôi biết - Lâm Xuân Vi
Lê Triều Điễn, Cuộc Hành Trình Tìm Lại Chân Tướng - Ngô Nguyên Nghiễm
Gibran: Cuộc đời và tác phẩm - Nguyễn Ước
Nhân ngày nhà gíao 20 tháng 11: Cuộc tuyển sinh kỳ lạ - Vân Long
Tưởng Nhớ Nhà Văn Võ Phi Hùng: “Đời Có Tên Tụi Mình” - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Vách đá (truyện ngắn)