Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
624
116.672.897
 
Vườn cũ / Khúc đồng giao lệch nắng / Cánh đồng nhiều hướng gió
Nguyễn Minh Khiêm

 

Vườn cũ

 

Chỉ còn lại cây cau ngày xưa con mèo leo lên hỏi thăm chú chuột

Con chim chích choè thỉnh thoảng về làm giỗ cành chanh

Lời hát đói quắt đói queo nhưng không thèm rau má nữa

Hồ Tôn Hiến vẫn thỏ thẻ với trúc xinh đẩy nắng xuống Tiền Đường

 

Mẹ vẫn mặc chiếc áo ngày xưa con cò đi đón cơn mưa

Chiếc cuốc quằn bỏ câu hát bùa mê còn da lông mọc

Mẹ góp trâu bò nhà cửa đất đai vào tiếng kẻng ăn chung

Ngồi ngắm cỏ gà kéo co với đất

 

Tu hú hót vang chỗ mẹ đẫm mồ hôi

Tấm biển nhà tình nghĩa treo chùm vải chín

Như đây là nấc thang đầu tiên bước vào cổng thiên đường

Như đây là món quà con chim ăn quả khế

 

Cổ tích thành nấm đứng dầm mưa

Giun dế vẽ bức tranh siêu thực

Bản nhạc kịch nhiều chỗ trường ngân trong ngôi vườn cũ

Dấu lặng đen thăm thẳm bóng mẹ ngồi.

 

17.1.2011

 

 

Khúc đồng giao lệch nắng

 

Cứ tưởng gạt hết mọi tục tằn nhục dục là câu thơ trong vắt

Gạt hết mồ hôi nước mắt là câu thơ thanh thản nhẹ tênh

Gạt hết máu xương thương tật là câu thơ không còn đau nữa

Bỏ khăn trắng ra là trời cứ thế biếc xanh

 

Mây ở đâu vẫn ùn ùn kéo về bao bọc từng con chữ

Trang viết vẫn có đá ghì níu và tiếng đì đùng nổ

Trái tim vẫn quặn thắt lại không liệm hết nỗi buồn

Trời vẫn lốc xoáy vòi rồng bão giông áp thấp

 

Câu chuyện nào cũng chứa đựng nhiều tổ mối

Vết nứt chỗ này vết nứt chỗ kia âm thầm tìm cách nối vào nhau

Trẻ con cũng đem những vì sao ra chọi cù đánh đáo

Gương chưa soi đã chất đầy ngoài bãi rác

 

Giữa bom đạn Trường Sơn xưa chỉ có một bà mẹ mặc váy dẫn đường mà cả đoàn xe bình yên qua ngầm qua vực

Mỗi sợi tóc bây giờ cũng cắm dày đặc cọc tiêu mà hết báo động này đến báo động khác có nguy cơ trật bánh

Vô số những điều quốc cấm nhặt được ở vỉa hè

Gió đắng đót khúc đồng giao lệch nắng

 

13.5.2012

 

 

Cánh đồng nhiều hướng gió

 

Ta trở về cánh đồng có nhiều vết roi mùa hạ

Quất xuống giấc mơ của làng

Mấy trăm năm còn lằn trong câu tục ngữ

Đặt ngang trí nhớ tuổi thơ như những vết sẹo dài

Máu nước mắt mồ hôi hiện hình lỗ chỗ khúc đồng dao

Thời gian muốn xoá đi bằng kỹ nghệ sơn mài

Càng đánh bóng càng hiện thẳm sâu đứt gãy

Mùa xuân được dắt đi bằng chiếc thừng mùa đông

Tiếng cười của đất đến gìơ nghe vẫn chưa hết lạnh

Bông lau nở rồi mà cứ ngơ ngác thực hư.

 

Ta trở về cánh đồng nơi có bước chân lạ mẹ ta ướm vào sinh ra Thánh Gióng

Văng vẳng câu nuôi khát vọng thì nuôi đồng xa, chớ nuôi đồng nhà làng bắt

Chiếc giỏ hạnh phúc nhiều lần bị lừa đổ trộm

Nhưng mỗi lần nhận con bống bụt cho ta vẫn sợ  mang theo bao nhiêu tai hoạ

Ta không muốn về làm hoàng hậu bằng cách dụ dỗ Cám trèo cau

Giọt máu của cha ta liệm mấy trăm năm rồi mắt vẫn chừng chừng mở.

 

Ta vẫn chưa dám buông chiếc diều tuổi thơ được dán bằng chuyện thày bói xem voi

Kẻ cầm cái đuôi, kẻ cầm cái tai, kẻ cầm cái chân đi đóng thuyền vượt bể

Túi áo ta đựng những lâu đài xây bằng hương cỏ mật

Đựng tiếng cóc khát mưa kêu thành cậu ông trời

Thành vật linh ngồi trên mặt trống.

 

Ta muốn ru chiếc đòn gánh không còn ghì xiết vai làng bật máu

Ru những hạt phù sa có nắm nhau ta không bao giờ bị đem đi cầm cố lúa non

Ru mùa hoa đến sớm trong giấc mơ không vay nặng lãi

Ru ánh mắt làng được ngủ thật ngon trên rãnh cày mà không phải giật mình bởi mống cụt cầu vồng

 

Liềm hái cứ mòn vì bao nỗi lo toan

Các thế hệ thay nhau làm chong chóng

Mặt làng tít mù xoay

Trên cánh đồng nhiều hướng gió.

 

19.9.2011

 

Nguyễn Minh Khiêm
Số lần đọc: 1378
Ngày đăng: 06.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có Thật & Không Thật - Huỳnh Duy Hiếu
Siêu - tĩnh - vật lưu niên - Trần Hạ Tháp
Tập Dưỡng Sinh /Nhổ Cỏ Trong Vườn / Uống Trà Buổi Sáng / Làm Thơ / Vẫn Yêu Cuộc Sống - Hồ Ngạc Ngữ
Mưa Bong Bóng / Điều không muốn nói - Bùi Mỹ Hồng
classic - Hoàng Xuân Sơn
Tượng rồng - Trần Anh Tuấn
thoát ra hạnh phúc - NNguong
Trương Thìn – Một Và Vô Cùng - Nguyện
trời hôm nay xanh. - Vương Ngọc Minh
Thời Đại /Chủ Nghĩa /Cảnh /Cái Mặt /Chống Tiêu Cực - Nguyễn Đông Nhật