Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.693.721
 
Đường về với Bác
Diệp Minh Châu

Hồi ức về nghệ thuật của Diệp Minh Châu

 

Khi còn trẻ thơ, ngày hai buổi đến trường, giờ vẽ là giờ tôi thích nhất, tôi luôn được điểm cao, các thầy còn đem bài học vẽ của tôi giới thiệu cho cả trường, từ đó tôi có thêm biệt danh là "Châu vẽ". Các bạn thích có điểm cao thường nhờ tôi vẽ dùm nên tôi được nhiều anh em cùng lớp mến mộ. Mãi đến sáu bảy chục năm sau, khi gặp lại anh em còn nhắc lại "Châu vẽ" năm xưa ở trường hay hát xiếc, hát thuật và có ngón đờn rất "mùi".

 

Có lần tôi cùng các bạn học đang thơ thẩn trên đường làng, bất chợt tôi nhìn thấy một bức tranh tứ thời treo ở giữa nhà của thầy giáo trong làng. Bức tranh làm tôi xúc động lạ thường, lòng rạo rực không yên, thúc đẩy tôi tìm đến tác giả để mong "tầm sư học đạo", đó là anh Hoàng Tuyển, hiện giờ anh đã được bầu là nghệ sỹ nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ anh chuyên vẽ tranh thờ và trang trí sân khấu cải lương. Kể từ đó thầy trò tôi đi theo các gánh hát vẽ "phong" màn. Cuộc lưu lạc đầu tiên của tôi hầu khắp các tỉnh Nam bộ. Năm năm trời tôi học được ở anh tình yêu nghệ thuật tha thiết, học cách xử thế với mọi người mà nhứt là đức tính quý trọng và thủy chung với bạn bè mà anh được quen biết ở khắp nẻo đường đời. Tôi có thể khẳng định đó là bài học vỡ lòng và là cẩm nang cho cả cuộc đời nghệ sĩ của tôi sau nầy.

 

Trong số bạn nghệ sĩ của anh Hoàng Tuyển có họa sỹ Thành Sính đã có học trường Mỹ thuật Gia Định và Hà Nội chuyên vẽ người hơn cảnh, đã cùng anh Hoàng Tuyển bày một phòng tranh đẹp vào Tết năm 1937 tại Châu Thành Bến Tre. Những bức chân dung phụ nữ  Bắc, Trung, Nam mà anh bày ở phòng triển lãm làm tôi xao xuyến khôn nguôi, sờ soạng tim tôi và chinh phục trọn vẹn tâm hồn tôi bằng chân giá trị nghệ thuật, đã ung đúc thêm cho tôi chí giang hồ lưu lạc để học tập sáng tạo. Từ đó tôi cứ lẻo đẻo theo anh, cố tình "ăn cắp nghề vẽ người" của anh. Vì trước kia tôi chỉ vẽ phong cảnh theo óc tưởng tượng mà thôi.

 

Trời cũng chiều lòng người, có một lần tôi được xem cách anh vẽ một chân dung người bạn anh. Kể từ đó tôi được theo các gánh hát ở Sài Gòn, tôi áp dụng phương pháp vẽ cơ bản của anh có tính khoa học ấy để vẽ các anh chị diễn viên lổi lạc thời ấy : chị Phùng Há, chị Năm Phỉ, chị Ba Thanh Loan, anh Ba Vân, anh Năm Châu…mấy anh chị hay nói : "Chú Châu nếu chú được học vẽ chắc chú vẽ giỏi lắm …"

 

Hai năm sau tôi vẽ được gần 50 chục bức tranh phần lớn là chân dung. Tôi lặn lội tìm anh Sính ở làng xa trong tỉnh Bến Tre và tôi thổ lộ tâm tình : " Tôi không có may mắn được học cơ bản nghệ thuật trong các trường chính qui, tôi chỉ đuợc nhìn anh vẽ lần ấy, theo phương pháp tôi cố ý tự luyện nghề, nhờ anh chỉ thêm cho tôi…"Anh mở từng bức tranh rất chăm chú xem xét, xem xong anh cứ nhìn tôi háo hức có phần nghĩ  ngợi rồi anh vụt nói có tính khẳng định : "Châu mầy đi học vẽ ở trường đi, mầy học sẽ thành công". Biết tôi có nhiều trở lực, anh cố tình nung nấu ý chí tấn thủ của tôi. Anh cho biết chương trình học ở Hà Nội giống như ở Paris, cách đào tạo nghệ sỹ như thế nào? Anh khích lệ tôi hết lời, khiến tôi ham muốn đến tột độ, một hoài bão thiết tha khôn tả : được học vẽ xâm chiếm tâm hồn tôi, tưởng rằng nếu không được ra Hà Nội học thì tôi sẽ chết mất. Ba má tôi thì than dài thở vắn với mọi người về cảnh ngộ gia thế tôi lúc bấy giờ. Ba tôi không cho ông xã trưởng làm giấy thông hành cho tôi đi Hà Nội. Riêng ông xã trưởng sợ tôi đi làm "quốc sự" … Lúc ấy tôi nghĩ : "Chỉ có sự hy sinh là đáng quí". Lúc ấy tôi nghĩ  thà là mình ngã gục trên bước đường theo lý tưởng còn hơn cứ ngồi nhà mà ôm ấp nỗi tuyệt vọng cho đến suốt đời.

 

Vượt biết bao trở ngại, bằng mọi giá, tôi cũng ra tới Hà Nội được vào học lớp dự bị của trường. Để có cái ăn tôi phải làm nhiều việc thâu đêm, thường vẽ phong màn cho các gánh hát. Trong lớp học nầy tôi được nhiều thầy quí mến vì thấy tôi say sưa học tập, có nhiều tiến bộ. Thầy Tô Ngọc Vân là thầy dạy tôi tận tình nhất .

 

Cuối năm ấy ở trường Mỹ thuật Đông Dương, chỉ chọn vào sáu sinh viên chính thức mà tôi hân hạnh được đổ đầu bảng, kế đó anh Nguyễn Sáng và Nguyễn Siêu… Khi được tin vui, nhà tôi đông đúc như ngày hội. Có người thân nắm cả hai vai gật tới gật lui nói : "Mày ghê thật, một mình với hai bàn tay trắng, dám ra Hà Nội, còn sống, trở về mà thành công".

 

Nhớ lại ngày tiễn tôi ra ga Sài Gòn hồi năm ngoái, có đông đủ bà con bạn bè thân thiết. Khi tàu kéo còi vừa chuyển bánh, có anh Ba Vinh nhảy lên cao nhất từ đám đông nói to : "Châu chúng tao sẽ nhìn Châu ở ngày mai". Vừa nghe xong tôi ngồi xuống khóc nức nở. Bấy giờ tôi mới hiểu ra, học là không chỉ để  cho mình mà là để cho những người thân vui lòng, mà Ba Má tôi là người tôi phải báo hiếu trước tiên.

 

*

*           *

 

Trường Mỹ thuật Đông Dương đã mở cho tôi lối đi đến chân trời mới của nghệ thuật, để khám phá những bí ẩn của nó.

 

Khi đi vẽ thực tế ở nông thôn tôi mới tận mắt nhìn thấy đậm nét nỗi cơ cực của đồng bào ta. Tôi xung vào đội truyền bá quốc ngữ và cũng chính ở những lớp học đêm bập bùng ánh sáng của ngọn đèn dầu. Có lần đầu tôi được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thỏ thẻ với tôi : "Chỉ có làm cách mạng lật đổ toàn bộ chế độ nô lệ nầy dân tộc ta mới thoát khỏi lầm than" và cũng sau đó ít lâu anh lại cho biết thêm là chỉ có ông Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ duy nhất có thể làm nỗi điều nầy……

 

Nước lớn dâng lên ở biển rồi đến lúc nó tràn vào sông rạch. Đông Dương mình cũng theo qui luật đó suốt thời gian tôi học ở Hà Nội là chiến tranh từ từ tràn vào Việt Nam …Bom đạn đầy trời từ Bắc chí Nam, lại nạn lụt triền miên hàng năm,  nạn đói do đế quốc gây nên cho ta. Mỗi lần đất nước ta bị tai ương, tôi và Nguyễn Sáng cùng Tổng hội sinh viên Việt Nam  tổ chức phòng triển lãm bán tranh và chúng tôi ngồi tại chỗ vẽ chân dung lấy tiền giúp vào quỹ cứu nạn cho đồng bào.

 

Năm 1945 thực dân Pháp dùng lực lượng của Anh chiếm lại  Đông Dương, nhiều sinh viên tiếp tục sang Paris tiếp tục học tập, riêng tôi từ khi mất tỉnh nhà không hề ra tỉnh thế mà tôi cũng được chánh tỉnh Bến Tre "mật báo" cho tôi biết ân hụê trên

 

Cách mạng Việt Nam vùng  dậy như bão tố, sóng vổ tràn bờ không  một ai có thể đứng yên được. Tiếng súng của Pháp nổ đì đùng bốn phương - ruồng bố, bắt bớ, hãm hiếp …

 

Một hôm cũng ngồi trước sân nhà tiếp tục vẽ tranh, bỗng anh em la ó cho hay có một xác trôi dạt vào bờ trước nhà, tôi chạy ra thấy một phụ nữ khỏa thân với mái tóc dài bồng bềnh dưới nước tôi biết ngay là tội ác này là của đồn giặc bên kia sông cái. Hận dân tộc dâng cao trong tôi. Tôi vào nhà xếp bút màu gửi má tôi cất dùm. Tôi xé giấy thông hành, giấy thuế thân rồi đi lảnh mọi công tác mà cách mạng giao phó - Cuối cùng tôi tìm được anh Trần Văn Trà nhập ngũ, tôi được phong trưởng ban phóng sự mặt trận chiến khu 8.

 

Trước đây tôi học ở Hà Nội là tôi làm cách mạng nghệ thuật cho tôi - giờ đây tôi đem giấy màu ra chiến trường mong đóng góp phần mình vào nền nghệ thuật cách mạng. Chỉ có trong vòng hai năm mà tôi sáng tác được hằng trăm tranh từ mặt trận khói lửa và đã bày hai chục phòng tranh ở chiến khu.

 

Chính những ngày tôi ở chiến khu Đồng Tháp và rừng U Minh với đồng bào, và những ngày ra mặt trận với các chiến sĩ, tôi mới biết thế nào là khí thế cách mạng của nhân dân và chiến sĩ anh hùng bất khuất.

 

Gương xả thân cho đất nước của các chiến sĩ đã ung đúc chí khí cách mạng cho tôi, và đêm hai mươi tháng chín 1947 tôi vẽ bức tranh bằng máu là lời tuyên thệ của tôi với Bác và cách mạng. Phải chăng đó là dự cảm của nghệ sĩ với cuộc đời trong sáng tác : Việt Nam sẽ độc lập và thống nhất chỉ với đường lối và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Ở chiến khu Nam Bộ tôi thường vẽ chân dung Bác Hồ tặng các Má khi được yêu cầu, càng vẽ tôi càng muốn gặp Bác và dịp may đã đến với tôi.

 

Tôi được Trung ương Cục chỉ định đi dự hội nghị sinh viên quốc tế ở Praha. Tôi từ giả vợ tôi vừa sanh đứa con đầu lòng mới được 10 tiếng đồng hồ để kịp tháp tùng đoàn đại biểu Đại hội Đảng 1951, phái đoàn có anh Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt, Phan Trọng Tuệ … Đoàn qua đến Quảng Châu được điện Bác gọi tôi về Việt Bắc. Sau khi dự Đại hội, Bác cho tôi về ở với Bác ngót 6 tháng giữa rừng núi âm u, nơi mà thỉnh thoảng nghe tiếng bép bép của nai và tiếng gầm ầm vang từ bốn phương trên sườn núi.

 

Dịp may duy nhất của đời tôi là được gần Bác với thời gian dài; tôi lặng ngắm dung nhan diện mạo và phong cách của Bác, xao xuyến với thái độ ân cần của Bác đối với tôi, theo thời gian tôi cố tìm hiểu tâm hồn, trí tuệ cao rộng của Bác. Tôi đã xử dụng tất cả thời gian có được, đã vẽ hơn ba mươi tác phẩm về Bác ở chiến khu mà Bác tỏ ra hài lòng.

 

Một đêm vào rằm tháng năm năm ấy lúc trăng tròn vừa nhô lên đỉnh núi, Bác gọi tôi xuống suối nhảy qua nhiều mô đá ra giữa dòng, ngồi trên một tảng đá to nơi mà Bác thường ngồi câu cá. Bác  kể lại cuộc đời phấn đấu của Bác lúc thiếu thời hồi ở Pháp, Anh, Phi Châu, Mỹ Châu… Theo dõi câu chuyện tự nhiên nước mắt tôi cứ chảy ra vì quá xúc động về tình người của Bác. Hôm ấy tôi trằn trọc suốt đêm, với linh cảm Cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi hoàn toàn, tôi quyết tâm đi học kỹ ngành nghệ thuật tượng đài để ca ngợi chiến tích anh hùng của dân tộc mình khi nước nhà thống nhất.

 

Sáng sớm khi Bác vừa thức dậy, tôi đánh bạo trình bày nhanh gọn ý niệm của mình với Bác - được Bác chấp nhận.

 

Hôm lên đường tôi thưa với Bác :

 

- Nay cháu được đi ra ngoài chưa có kinh nghiệm, xin Bác dạy bảo cho cháu. Bác nói :

 

- Bác chỉ nói kinh nghiệm của Bác là đến nước nào phải học mỗi ngày mười tiếng nước ấy. Học cho thuộc. Ngày sau học mười tiếng nữa. Bác còn chỉ vào cánh tay nói : có khi Bác ghi trên cánh tay nữa để xem đi xem lại không được quên. Cũng không quá cao hứng học quá mười tiếng, rồi có ngày lại không học tiếng nào. Ba ngày được ba mươi tiếng. Lâu dần sẽ học được nhiều…

 

Tôi biết rằng chuyến này sẽ đi lâu đây. Học xong, trở về Bác sẽ không còn ở đây nữa. Tôi quyết vẽ cho xong quang cảnh nhà Bác, để mang theo. Thời gian trước mắt chỉ còn ba ngày, mà trời đất thì sớm chiều vẫn âm u. Chỉ vào khoảng giữa trưa, mặt trời mới chiếu rọi vài tia nắng xuống rừng. Tôi không nghỉ trưa, mỗi ngày chờ đúng giờ đó, nắng đó để vẽ cho xong.

 

Tôi lên đường ôm bức tranh theo. Bác bảo :

 

- Tranh còn ướt mà chú mang đi nó hỏng thì làm thế nào ? Tôi thưa :

 

- Dạ cháu biết chiều nay đi, cháu đã pha nhiều ét xăng vào thuốc vẽ, cầm đi đường gió một ngày sẽ khô

 

- Ừ thế thì được.

 

- Tôi cúi đầu chào Bác, ra đi mang theo hình ảnh ngôi nhà đơn sơ mà quý quá vô ngần.

 

*

*           *

 

Trước khi thi vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật Tiệp Khắc, Hội đồng mỹ thuật có tổ chức bày toàn bộ tranh của tôi tại Praha và nhiều nơi khác trong nước. Dư luận báo chí và nhân dân đều khen những bức tranh tôi vẽ về Bác ở chiến khu Việt Bắc.

 

Càng xa Bác tôi càng nhớ Bác về nhiều kỷ niệm không thể quên được : có lần được theo Bác đi tìm một địa điểm mới, trong khi đang lội qua suối, Bác dừng lại chỉ tay ra phía trước : "Chú Châu chú có thấy đẹp  không ?" Tôi nhìn theo tay Bác trỏ, thấy giữa dòng suối có một hòn đá, nước suối chảy mạnh đập vào tung tóe, bụi nước tung lên như ánh bạc.  Có một đêm hai Bác cháu đang nghe đài phát thanh, bỗng Bác gọi :

 

- Chú Châu qua đây !

 

Tôi đến ngồi cạnh Bác. Bác kéo đầu tôi ghé cạnh Bác, trỏ ra khung cửa sổ. Một mảnh trăng liềm vừa nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy rừng xa. Bác nói :

 

- Của chú đấy

           

"Cái gì đẹp, thơ mộng thì Bác cũng cho là của nghệ sĩ. Chính thật ra là của Bác. Bác đã tạo ra một sắc thái mới cho trời đất núi sông, cây cỏ và cả dân tộc này … " Lúc bấy giờ tôi nghĩ thế, và bây giờ tôi cũng nghĩ  thế.

 

Tôi ở với Bác độ sáu tháng, nhưng cũng nhiều lần dời nhà. Trước khi đi khỏi ngôi nhà thứ hai. Bác lúi húi trồng một cây quýt, tôi lẩn quẩn theo Bác, giúp Bác xới đất cậm cọc xung quanh cây quýt nhỏ. Tôi nói :

 

- Thưa Bác mai ta dời đi rồi. Bác còn trồng làm gì ? Bác đứng dậy ngắm nghía cây quýt mới trồng một lúc, như chợt nhớ câu tôi vừa hỏi. Bác quay lại nói :

 

- À, mình đi thì trồng để mai sau ai qua ngang đây gặp ăn cũng được - Tôi rất xúc động vì chỉ một câu ngắn gọn của Bác đã chứa đựng một lẽ sống, một nhân sinh quan đúng đắn để làm người .

 

Ở Tiệp Khắc xa xôi, nằm đêm nhớ lại những ngày đầu theo nghệ thuật. Năm 1942 là năm tôi phải chọn hoặc học điêu khắc hoặc hội họa. Cả tuần lễ tôi cứ bị giằng co giữa hai khuynh hướng. Buổi chiều cuối cùng, tôi vào phòng điêu khắc đứng một mình đắn đo suy nghĩ. Một anh bạn rất thân bước vào lặng lẽ nhìn tôi hồi lâu rồi kêu lên : "Mày học điêu khắc à?  Bao nhiêu người khác trước mày học điêu khắc đều đói cả. Mày học điêu khắc thì đói thôi !" Anh vừa chém tay trong khi  vừa lùi lại và nói liên tiếp như đang gào lên "Đói ! đói ! đói !". Lời khuyên chân thành của anh làm tôi rất xúc động. Nhưng tôi vẫn hằng nghĩ : "Tôi bằng lòng cho thân thể mình hao mòn như ngọn nến, để ngọn lửa thiêng nghệ thuật thêm sáng cho cuộc đời… Làm nghệ thuật là nguyên nhân tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, cái đẹp chứ không phải vì nguyên nhân kinh tế". Dù học điêu khắc sau này có đói có khổ tôi cũng theo học.

 

Cách mạng Tháng Tám đổi đời rồi. Tôi không còn lo đói nữa. Giờ đây, Bác cho tôi sang Praha, tiếp tục học điêu khắc, lòng tôi hăm hở  với một quyết tâm cao, học về nặn tượng Bác Hồ và đồng bào, đồng chí có công với Tổ quốc.

---------------------------------------------

 

Thành A-ten ngày xưa có cái khí thế mà Hy Lạp đã làm nên một pho lịch sử về dân tộc về nghệ thuật điêu khắc. Cho nên tôi rất biết ơn Bác Hồ của mình. Bác là chủ đề bất tuyệt cho tất thẩy  nghệ sỹ chúng tôi.

 

           

Bác cao cả quá, vĩ đại quá. Bác như ngôi sao giữa đêm xanh vời  vợi, mà lòng tôi mỗi khi gặp Bác thì cứ rộn rã như mặt triều xôn xao, nên bóng sao cao chiếu sóng lòng tôi cứ lấp lóa hóa trăm hóa nghìn, khiến cứ gần Bác mà tôi vẫn không nhìn rõ Bác.

Vẽ, nặn một cô gái đẹp hình thức, sự thể hiện những nét đẹp tinh vi bề ngoài vốn đã khó rồi. Huống chi vẽ, nặn tượng Bác ; một lãnh tụ vĩ đại vừa đẹp về hình vóc phong thái bên ngoài mà Bác còn chứa đựng một cái đẹp vời vợi về tâm hồn bên trong. Bác có tất cả những nét đẹp cao cả về nhân đạo, lòng hy sinh cho dân tộc cho thế giới, nên tôi nghĩ rằng làm tượng Bác phải thể hiện sao cho có nét đẹp cao cả về hình vóc  và tâm  hồn.

           

Cho nên tới giờ phút này, nặn tượng Bác tôi vẫn luôn rụt rè, thận trọng, tôi vẫn đang dò dẫm đi tới khám phá một cái gì rất là mit-xtic cao xa mà mình chưa với tới ; và xem đây vẫn là những bước lần dò để có thể một ngày kia làm được một bức tượng cao nhất trong đời làm nghệ thuật của mình ; khỏi phụ lòng Bác thương yêu dạy dỗ; khỏi phụ lòng các bậc cha mẹ miền Nam đã hoài vọng và ủy thác cho tôi.

 

Diệp Minh Châu

(1996?)

 

Diệp Minh Châu
Số lần đọc: 2254
Ngày đăng: 24.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở lại nhà xưa - Trần Thanh Giao
Nhớ Về Thái Ngọc San :Đường đã rõ chân trần ta đi tới - Trần Kiêm Ðoàn
Không thể nào quên - Trần Thôi
PARIS mùa hè không có chiều thời gian - Lê Duy
Ra Phú Quốc - Hồ Hùng
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI - Huỳnh Kim
Trên cao nguyên hóa đá - Hồ Tĩnh Tâm
Kiên Lương biển nhớ - Hồ Tĩnh Tâm
Bão năm thìn trong ký ức người dân nam bộ - Trần Dũng
Một ngày không quên - Ngọc Thủy
Cùng một tác giả