Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
821
116.678.501
 
Hollandse Nieuwe Đặc Sản Hoà Lan
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

 

 

Hollandse Nieuwe là tên gọi của cá Haring đã cạo sạch vảy, lóc xương, chỉ còn hai miếng thịt nạc (filet). Hollandse Nieuwe có tên khác là Maatjesharing. Maatjesharing được gọi trại ra từ tên Maagdenharing, nghĩa là Haring còn trong trắng, tức con trống chưa có tinh trùng, con mái trong bụng chưa mang trứng. Nhưng trên thị trường và về mặt qui định về thực phẩm thì có sự khác biệt nhỏ giữa Hollandse Nieuwe và Maatjesharing. Chữ Hollandse Nieuwe chỉ được phép dùng để gọi cá Haring vừa được đánh bắt ngay trong mùa được phép đánh loại cá này, bắt đầu từ tháng Sáu cho tới tháng Mười. Một phần cá đánh được sẽ được ngâm dấm hoặc để nguyên con ngâm nước muối vừa phải hay lốc xương lấy filet muối thiệt mặng, để dành bán quanh năm, những cá này gọi là Maatjesharing.

 

Haring thuộc giòng giống cá trích có tên gốc La-tinh là Clupea harengus, dưới ức màu bạc, lưng màu xanh dương. Cá Haring thường sống trong vùng nước lạnh từ Bắc Băng Dương xuống tới phía nam vùng vịnh Biskys và dọc theo bờ biển của vùng Groenland lên bắc Đại Tây Dương. Phía Đông bắc Đại Tây Dương là nơi sinh sống của loại cá Haring nhỏ con hơn các vùng khác.

Chiều dài cá Haring tối đa 56 cm. Chất dinh dưỡng mỗi 100 gram là: 932 kJ (222 kcal), 16g dầu/mỡ, 18g protein v.v... Và có nhiều chất vitaminen: A1, B1, B2, B6, B12, C, D và E.

 

Theo tài liệu nói về lá cờ Hòa Lan treo những nơi bán cá Haring và về những lá cờ nhỏ dán vô cây tăm cắm lên những miếng cá thì ngày đầu mùa, ngư phủ Hòa Lan đánh trúng cá Haring, đem về bến vào ngày thứ Bảy. Ngư dân làm lễ ăn mừng, họ treo cờ của vương quốc Hòa Lan khắp bến cá. Từ đó cho tới ngày nay những xe caravan bán Hollandse Nieuwe lưu động cũng treo cờ Hòa Lan mới toanh trên bốn góc mui đã trở thành tập tục. Trên kệ tủ kiếng để phía trước trên xe của người bán cá thường để một dĩa Haring cắt từng miếng nhỏ và mỗi miếng có ghim cây tăm, đầu tăm có dán một lá cờ Hòa Lan nhỏ xíu, đó là dĩa cá dành quảng cáo cho khách hàng ăn thử trước khi mua.

Món Haring tươi sống chấm củ hành tây băm nhuyễn gọi là Hollandse Nieuwe đã trở thành món đặc sản của vương quốc Hòa Lan. Ai tới Hòa Lan vào bất cứ tiệm bán cá nào cũng thấy hình cá Haring đã được làm sạch, cắt bỏ đầu, lóc bỏ xương, chừa lại hai miếng thịt nạc để dính liền vô đuôi cá xếp ngay ngắn trong những chiếc khay, cạnh bên dĩa củ hành băm nhuyễn, trông vào phát thèm, chỉ muốn mua ngay một hai con ăn liền tại chỗ. Người nào không ăn được cá sống cũng có thể mua panaring, loại haring đã già và lớn con, đem về nhà chiên hoặc hấp. Ngoài ra có nhiều hãng chế biến Haring trộn xốt cà tô mát và dầu, đóng trong hộp thiếc và Haring ngâm dấm đựng trong những chiếc keo bày bán trong các siêu thị.

 

Trong làng đánh cá ở Urk, Hòa Lan, hơn mười năm về trước, vào ngày thứ Bảy tuần lễ đầu tiên của tháng Sáu, ngư dân nơi đây có tục lệ dọn ra chợ những con Haring từ biển mới đem về còn tươi rói và một thau củ hành được xắt mịn. Họ làm sạch cá ngay chợ và bán cho người đứng ăn liền tại chỗ. Có gian hàng chủ bày trò thách với khách mua, ai ăn được 23 (hoặc nhiều hơn, tùy nơi quy định) con cá Haring thì người đó khỏi phải trả tiền, còn nếu ăn ít hơn thì phải trả số tiền cá đã ăn. Cũng có nơi vài ba người đấu với nhau, ai ăn cá Haring nhiều nhứt thì thắng người ăn ít hơn, người nào ăn ít thì coi như bị thua và phải trả luôn tiền cá cho người thắng cuộc. Mùa nầy Haring mập, thịt cá rất nhiều mỡ, vậy mà có ông to con bụng bự ăn từ 28 tới 30 con Haring. Mấy năm sau nầy tập tục thi đấu ăn Haring nơi đây không còn nữa, cho nên chợ cá đầu mùa cá tuy vẫn đông, vui nhưng bớt đi vẻ rộn ràng.

 

Dân quý phái ở Amsterdam phần đông mua Hollandse Nieuwe đem về cắt ra từng miếng nhỏ, rắc củ hành băm lên rồi dùng nĩa ăn và những người bày tiệc cũng làm theo cách đó, nhưng ăn như vậy thì không đúng điệu ăn Hollandse Nieuwe. Muốn ăn Hollandse Nieuwe cho đúng điệu thì phải để nguyên con, dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái cầm chót đuôi cá, nhúng cá vô củ hành tây băm nhuyễn trở qua trở lại cho hành dính đều vô cá, sau đó mới đưa cao miếng cá lên không và ngước mặt lên trời, hả họng ra táp từng miếng, vừa ăn những miếng Haring béo ngậy vừa nhìn được trời xanh, mây trắng và hớp được cả không gian trong mát của ngày xuân....

 

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 1593
Ngày đăng: 13.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phương xích lô và tôi - Vương Kiều
Phạm Chu Sa - Phạm Thanh Chương
Dọc đường văn nghệ : Nhà văn Sơn Nam “Ông vua đi bộ” - Trần Dzạ Lữ
...Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết (tiếp theo) - Phạm Thanh Chương
…Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết - Phạm Thanh Chương
Gửi chiều Đông nào nhung nhớ ! - Phan Văn Thạnh
Với quê nhà yêu dấu ( Nhật Ký Hành Trình ) - Trần Dzạ Lữ
Hoa ôm - Phạm Nga
Thầy Văn và Thơ - Nguyễn Thanh
Con Người Và Hành Trình Miên Man Của Lòng Tham - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)