Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
713
116.735.944
 
Tiếng thơ Đỗ Phủ vang động đất trời”
Mai Văn Hoan

                     

     

      Đỗ Phủ (tự Tử Mỹ) sinh năm 712 mất năm 770, người huyện Củng tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, xuất thân trong một gia đình Nho học. Cha ông thì từng giữ một chức quan nhỏ. Chú ông - Đỗ Thẩm Ngôn một nhà thơ tiếng tăm thời đó. Đỗ Phủ là người có tài và có chí lớn. Trong bài thơ “Tặng cụ Tả Thừ Vi”, tác giả tự nói về mình: Độc thư phá vạn quyển/ Há bút như hữu thần (Đọc sách có đến hàng vạn cuốn/ Hạ bút thì như có thần). Trí quân Nghiêu Thuấn thượng/ Tái sử phong tục thuần (Giúp vua cho hơn cả Nghiêu Thuấn/ Làm cho phong tục trở lại tốt đẹp). Nhưng vì lận đận ở chốn trường thi (bị viên chủ khảo cố tình đánh rớt) nên Đường Minh Hoàng chỉ ban cho ông chức quan coi kho vũ khí. Làm quan coi kho vũ khí được vài năm thì ông xin từ chức, cũng là lúc đất nước rơi vào cảnh tan hoang do loạn An Lộc Sơn. Sau ông được vua Đường Túc Tông vời, giữ chức gián quan (can gián vua). Tính ông vốn cương trực, thẳng thắn, không ít lần làm mất lòng Thiên tử. Bị Đường Túc Tông miễn chức, từ đó ông ngược xuôi chạy loạn, chí lớn không thành, gia đình, anh em ly tán. Cuối đời, ông sống trong một con thuyền rách nát và mất trong cảnh đói nghèo, bệnh tật, để lại hơn 1400 bài thơ. Thiên hạ tôn ông là bậc Thi Thánh (Thánh Thơ). Ông như “cây đại thụ sừng sững, toả bóng đến ngàn năm”.

 

        Thời trai trẻ, Đỗ Phủ may mắn được gặp Lý Bạch. Họ trở thành đôi bạn vong niên (Lý Bạch lớn hơn ông 11 tuổi). Bởi sớm ý thức rằng: Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất thốn tâm tri/ Tác giả giai thù biệt/ Thanh danh khởi lãng thùy (Văn chương là sự nghiệp muôn đời/ Được hay mất chỉ có tấc lòng mình biết/ Mỗi tác giả mỗi phong cách riêng biệt/ Nhưng chớ để tiếng tăm khinh xuất - Cảm tác) vì vậy, ông luôn tự trau dồi đạo đức, tài năng của mình. Rất thân, rất khâm phục và yêu mến Lý Bạch nhưng ông không bị phụ thuộc phong cách thơ của bậc đàn anh, mà quyết tìm cho mình một lối đi riêng. Nếu Lý Bạch lãng mạn thì ông hiện thực, nếu Lý Bạch hùng tráng thì ông bi thương, nếu Lý Bạch dữ dội, mạnh mẽ thì ông u uất, trầm lắng.

 

       Loạn An Lộc Sơn bùng nổ, Đường Minh Hoàng cùng quân triều đình phải rút chạy khỏi kinh đô Trường An. Khắp đất nước diễn ra cảnh cướp bốc, nhà cửa tan hoang, đầu rơi máu chảy, dân tình vô cùng khốn đốn. Để chống lại bọn phản loạn An Lộc Sơn và phát động chiến tranh ngoài biên giới, triều đình phải tăng cường bắt lính. Trong chùm thơ "Tam lại" (ba bài nói về cảnh nha lại ở Đồng Quan, Tân An và Thạch Hào) thì “Thạch Hào lại” là bài thơ được nhiều người quan tâm hơn cả. Xuyên suốt bài thơ, tác giả không hề sử dụng biện pháp tu từ nào mà chỉ ghi lại một cách trung thực những điều tai nghe, mắt thấy. Qua lời bà cụ than vãn với tên nha lại: “Nhà có ba con trai đều đăng lính cả, hai đứa đã chết trận…”, chỉ chừng ấy thôi đủ biết chiến tranh tàn ác đến mức nào. Chi tiết bà đã già nhưng vẫn “xin” đi nấu cơm cho quân lính cũng khiến người đọc không cầm được nước mắt. Khi bọn nha lại rút rồi: Dạ cửu ngữ thanh tuyệt/ Như văn khấp u yết (Đêm thâu, tiếng nói đã dứt từ lâu/ Nghe tựa hồ có tiếng khóc nức nở). Tác giả không nói là tiếng khóc của ai nhưng người đọc cũng có thể tự mình đoán biết ai đang khóc và vì sao lại khóc.  Sáng mai, tiễn nhà thơ lên đường chỉ có “độc” ông lão (ông thoát nạn do lẹ làng trèo tường chạy trốn). Thực ra thì trong nhà còn có cô con dâu và cháu bé sơ sinh nhưng vì: Xuất nhập vô hoàn quần (ra vào không một cái quần nguyên lành) nên cô  không thể bồng con ra tiễn khách. Chiến tranh không chỉ gây ra cảnh chia ly, chết chóc mà còn gây ra cảnh nghèo đói, bần cùng. Có thể xem “Thạch Hào lại” (Nha lại ở thôn Thạch Hào) là bức tranh hiện thực xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ được thu nhỏ. “Những điều trông thấy” ấy đã khiến nhà thơ “đau đớn lòng”. Đỗ Phủ không chỉ có "Tam lại", mà còn có "Tam biệt” gồm: “Tân hôn biệt” (mới cưới nhau đã ly biệt), “Thùy lão biệt” (đã già rồi vẫn ly biệt) và “Vô gia biệt” (không  nhà cửa cũng phải ly biệt) đều là những tác phẩm lên án chiến tranh mạnh mẽ. Người đời gọi ông là Thi Sử (nhà viết sử bằng thơ) một phần cũng từ những tác phẩm ghi dấu ấn lịch sử ấy. Ta hãy đọc thêm những vần thơ phản chiến sau đây của ông: Thanh sơn do khốc thanh (Núi xanh còn vang tiếng khóc – Tân An lại) ; Ai tai Đào Lâm chiến/ Bách vạn hóa vi ngư (Thương thay trận Đào Lâm/ Trăm vạn quân đều thành cá hết - Đồng Quan lại); Vạn quốc tận chinh thú/ Phong hỏa bi cương loan/ Tích thi thảo mộc tinh/ Lưu huyết xuyên nguyên đan (Khắp nơi còn chiến tranh/ Lửa hiệu bốc lên núi nọ, núi kia/ Thây chết chồng chất, cây cỏ tanh hôi/ Máu chảy đỏ cả sông ngòi, đồng ruộng – Thùy lão biệt)… Và đây là cảnh tiễn đưa  đầy nước mắt: Khiên y đốn túc lan đạo khốc/ Khốc thanh trực thướng can vân tiêu ((Họ níu áo, dẫm chân cản đường khóc lóc/ Tiếng khóc vụt thẳng lên mấy tầng mây xanh – Binh xa hành). Tiếng khóc không còn nức nở, nỉ non như trong các bài thơ trước nữa mà “vút thẳng lên mấy tầng mây xanh”. Thế nhưng nhà vua đâu có nghe thấy. Nhà vua cũng đâu nhìn thấy cảnh: Biên đình lưu huyết thành hải thủy (Ngoài biên cương, máu chảy thành nước biển). Trong hàng trăm bài thơ phản chiến của Đỗ Phủ, chỉ có duy nhất một lần ông khóc vì sung sướng đến tột cùng. Đó là lúc: Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc/ Sơ văn lế lệ mãn y thường (Ngoài Kiếm Các, chợt báo lấy lại Kế Bắc/ Mới nghe tin nước mắt ướt đầm cả áo - Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc).

 

        Đỗ Phủ không chỉ khóc vì chiến tranh liên miên mà còn khóc vì chứng kiến chứng kiến những cảnh bất công ngang trái. Trong bài “Nỗi lo nghĩ trên đường từ kinh đô về huyện Phụng Tiên” có hai câu được nhiều người nhắc nhở: Chu môn tửu nhục xú/ Lộ hữu đống tử cốt (Cửa son rượu thịt ôi / Ngoài đường xương chết buốt). Hai bức tranh tương phản chỉ cách nhau có vài bước chân: cuộc sống xa hoa của bọn quan lại tham nhũng và cuộc sống bần hàn của những người dân lương thiện. Không dừng lại ở đó, Đỗ Phủ còn truy tìm nguyên nhân gây ra cảnh tượng trái ngược ấy. Trong bài “Hựu trình Ngô lang” (Nhắn gửi lại cho ông chủ họ Ngô) trước khi bán nhà dời đi chỗ ở mới: Đường tiền phác tảo nhiệm tây lân/ Vô thực, vô nhi nhất phụ nhân/ Bất vị khốn cùng ninh hữu thử/ Chỉ duyên khủng cụ chuyển tu thân/ Tức phòng viễn khách thùy đa sự/ Tiện sáp sơ ly khước thậm chân/ Dĩ tố trưng cầu bần đáo cốt/ Chính tư nhung mã lệ doanh cân (Trước sân, cứ mặc người hàng xóm phía tây đập táo/ Một bà không có ăn, không con cái/ Ví không cùng quẫn thì đâu đến nỗi thế/ Do sợ hãi bà mới đến cùng ta làm quen/ Phòng khách xa không biết nên nhiều chuyện/ Dù có cắm rào thưa bà cũng tưởng cắm thật/ Bà nói thuế má cao làm cho nghèo thấu xương/ Tôi nghĩ đến chiến tranh, nước mắt đẫm khăn). Như vậy là  đã rõ: chính chiến tranh và  thuế má cao là nguyên nhân dẫn đến sự bần cùng hóa, dẫn đến mọi bất công trong xã hội. Bởi thế nên: Thiếu Lăng dã lão thôn thanh khốc (Ông lão Thiếu Lăng khóc nghẹn ngào - Ai giang đầu).

 

       Đỗ Phủ còn xót xa trước cảnh ngộ, số phận éo le của những bậc hiền tài. Trong bài “Cuối trời nhớ Lý Bạch”, ông viết: Ưng cộng oan hồn ngữ/ Đầu thi tặng Mịch La (Muốn cùng hồn oan trò chuyện/ Ném thơ tặng xuống sông Mịch La). Thông qua Lý Bạch, tác giả muốn chia sẻ nỗi oan của nhà thơ Khuất Nguyên. Khi nghe tin Lý Bạch vương phải vòng lao lý (do bị nghi ngờ theo Vương Lân làm phản), một số kẻ đố kị, ghen ghét rất muốn Lý Bạch bị tử hình, riêng Đỗ Phủ thì vô cùng thương cảm: Bất kiến Lý tiên sinh/ Dương cuồng chân khả ai/ Thế nhân giai dục sát/ Ngô ý độc liên tài (Đã lâu không gặp Lý tiên sinh/ Giả điên cuồng, thất đáng thương thay/ Người đời đều muốn giết chết/ Riêng ta thì vẫn mến tài – Bất kiến). Với Hạ Tiêm, Đỗ Phủ bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc: Bi quân lão biệt lệ triêm cân/ Thất thập vô gia vạn lý thân/ Sầu kiến chu hành phong hựu khởi/ Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân (Thương anh đã già còn đi xa, lệ đầm khăn/ Bảy mươi tuổi thân muôn dăm không nhà/ Buồn trông thuyền chạy, gió lại nổi lên/ Một người đầu bạc giữa đám sóng bạc đầu – Lâm giang tống Hạ Tiêm). Câu kết “Một người đầu bạc giữa đám sóng sóng bạc đầu” quả đúng là “hạ bút như có thần! Sở dĩ Đỗ Phủ cảm thông sâu sắc với Hạ Tiêm như vậy một phần cũng vì sự đồng cảm. Cảnh ngộ, số phận của Hạ Tiêm không khác mấy cảnh ngộ, số phận của tác giả. Bao năm trời Đổ Phủ: Vạn lý bi thu thường tác khách/ Bách niên, đa bệnh độc đăng đài (Thương cho mùa thu muôn dặm cứ phải xa nhà/ Đau ốm suốt cuộc đời, một mình lên lầu – Đăng cao).  Ông tâm sự với Đỗ Vĩ: Thiên địa thân hà tại/ Phong trần bệnh cảm từ/ Phong thư lưỡng hàng lệ/ Triêm sái ấp tân thi (Thân biết gửi đâu trong khoảng trời đất/ Đời gió bụi bệnh hoạn không từ/ Gấp bức thư mà tuôn đôi dòng lệ/ Ướt đầm cả bài thơ mới viết – Ký Đỗ Vị). Cảm thức cô đơn tràn ngập trong thơ Đỗ Phủ: Hải nội phong trần chư đệ cách/ Thiên nhai thế lệ nhất thân diêu (Trong cõi gió bụi các em đều xa cách/ Nơi góc trời ứ lệ, một mình ta lạc loài - Trông cảnh đồng quê). Bao năm đằng đẵng sống xa vợ con, ông hằng ao ước: Hà thì ỷ hư hoảng/ Song chiếu lệ ngân can (Bao giờ cùng tựa cửa/ Trăng chiếu cả hai ta cho khô ngấn lệ - Nguyệt dạ). Đến khi gặp được vợ con thì: Nhập môn văn hào đào/ Ấu tử cơ dĩ tốt (Vào cửa nghe tiếng gào khóc/ Đứa con nhỏ đói đã chết rồi – Nỗi lo nghĩ trên đường từ kinh đô về huyện Phụng Tiên). Dọc đường đưa vợ con chạy loạn, ông từng trải qua những giây phút hãi hùng: Mãnh hổ lập ngã tiền/ Thương nhai hóng thì liệt (Cọp dữ đứng trước mặt ta/ Cất tiếng rống lay động trời xanh - Bắc chinh), cùng với những tình huống đầy kịch tính: Si nữ cơ giảo ngã/ Đề úy hổ lang văn/ Hoài trung yểm kỳ khẩu/ Phản trắc thanh dũ sân (Con nhỏ đói, cắn ta/ Nó khóc, ta sợ sói hùm nghe/ Ôm chặt nó vào lòng, bịt miệng lại/ Nó vùng vẫy càng gào to hơn – Bài hành Bành Nha).

        Nguyễn Du trong chuyến khi đi sứ Trung Quốc có đến viếng mộ Đỗ Phủ. Đại thi hào ca ngợi hết lời tài năng thi ca của bậc Thánh Thơ: Thiên cổ văn chương thiên cổ sư  (Nghìn thuở văn chương đúng bậc thầy). Đỗ Phủ đã thực hiện xuất sắc tâm nguyện của mình: Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu (Thơ chưa làm kinh động lòng người, chết chưa yên). Và đúng như thi sĩ Musset khẳng định: Tuyệt vời là khúc thương tâm/ Biết bao tiếng khóc thành ngâm muôn đời!”. Tiếng thơ Đỗ Phủ sau hơn nghìn năm vẫn đang còn vang “động đất trời”.


 

                Huế, tháng 7 – 2018

                                                                            

 

 

 

Mai Văn Hoan
Số lần đọc: 3472
Ngày đăng: 09.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chất thơ của truyện ngắn Tôi đi học (Thanh Tịnh) qua hệ thống từ láy - Chế Diễm Trâm
36 điều tôi với Tạp chí Sông Hương - Đỗ Quyên
Đọc lại Bãi Hoang: con ong chết tôi buồn lắm. - Vũ Trọng Quang
Bùi Mỹ Hồng: niềm tin trong ngăn đá - Phan Nam
Bà Đoàn Thị Điểm không phải là tác giả Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Đặc chất tinh thần và sở dục - Võ Công Liêm
Suy nghĩ nhỏ về ngày Đức Phật ra đời - Nguyễn Thánh Ngã
Họ Chế - Chế Diễm Trâm
Giữa bản ngã và hiện hữu - Võ Công Liêm
Một cái chết đến từ u sầu - Đặng Châu Long