Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.694.580
 
Tản mạn về thú chơi thư pháp ở Sài Gòn
Phạm Nga

                      

 

 

1.

Đến những năm cuối thập niên 90, đời sống trong nước, cái ăn cái mặc đã dễ thở đôi chút nhờ “mở cửa”, phong trào viết, chơi thư pháp (calligraphy) tiếng Việt mới lần hồi xuất hiện tại các thành phố lớn trong nước mà đi đầu là Sài Gòn. Cạnh đó, cố đô Huế cổ kính và thủ đô Hà Nội “ngàn năm văn vật” - so với Sài Gòn “đất phương Nam” hẳn là gần gũi hơn với cái nôi của thư pháp là nghệ thuật viết chữ Hán của Trung Quốc -  lại chậm chân hơn về việc thành hình những các câu lạc bộ, phòng tranh thư pháp, tức những “tụ điểm” sinh hoạt, tập luyện, đàm đạo, trao đổi kinh nghiệm… của những người xem thư pháp như một bộ môn nghệ thuật cùng là một thú vui tao nhã.  

 

Sau đó,  phong trào tiếp tục phát triển khá nhanh ở các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phan Thiết, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Giống như các họa sĩ triển lãm tranh vẽ, lần lượt đã có nhiều "thư pháp gia" tổ chức những cuộc triển lãm thư pháp mà nổi tiếng nhất là bộ truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du đã được chép lại bằng những trang thư pháp lớn hơn cả 1 mét vuông ở Huế. Và rất lý thú là lúc bấy giờ, tại một vùng nửa phố, nửa… rừng như ở tận Ngãi Giao (thuộc Xuyên Mộc, một huyện nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng có một studio nhỏ xíu của một họa sĩ chuyên design các trang web bằng thư pháp và nhận vài học trò theo học thư pháp…

 

Trở lại với Sài Gòn, sau một, hai năm hơi lắng dịu, phong trào viết thư pháp đã được khôi phục khá rầm rộ. Khi ấy, được quần chúng yêu thư pháp biết nhiều thì đại để ở  Quận 1 có phòng tranh của nhà thư pháp Thanh Sơn; quận 5 có nghệ nhân Trương Lộ (nổi tiếng từ thư pháp chữ Hán); ở Trung tâm văn hóa Quận 8 có Câu lạc bộ thư pháp của nhà thư pháp Phạm Công Út; ở Phú Nhuận và Quận 3  có phòng tranh nhà thơ Trụ Vũ và thư quán Cảo Thơm do nhà thư pháp Trác Phương Mai phụ trách; một nhà thư pháp trẻ thuộc nhóm Cảo Thơm là Thiện Dũng đã tách ra, về hợp tác với nhóm Lạc Hồng ở Gò Vấp.v.v…

 

Năm 2000, ở Nhà văn hóa quận Phú Nhuận, phòng tranh Phương Mai có thể được xem là “tụ điểm” sinh hoạt đầu tiên của phong trào thư pháp Sài Gòn, do kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn  và nhà báo Phạm Thanh Hiệp chủ xướng. Sau đó, khi dời về Trung tâm văn hóa quận 10, phòng tranh thư pháp này chính thức chuyển thành thư quán Cảo Thơm. Gặp lúc nhiều dân Sài Gòn rủ nhau sắm bút lông, cọ, mực…(chỉ tốn chừng vài chục ngàn) để tập tành thú chơi tao nhã, rất cần tài liệu hướng dẫn thì thật hay ho là nhóm Cảo Thơm đã kịp sớm sủa ra mắt các tài liệu cần ích cho phong trào học thư pháp, như: Sổ tay thư pháp (Thanh Sơn - Nhà xuất bản Văn Nghệ), -Hướng dẫn viết thư pháp (Thanh Hiệp – Câu lạc bộ yêu thích Thư pháp Quận 1), Hồn chữ Việt - Về nghệ thuật thư pháp (Thiện Duyên, Câu Lạc Bộ yêu thích Thư pháp Quận 1).v.v…

 

2.

Lần nọ, tôi tìm đến thư quán Cảo Thơm thân quen của mình (đã dời từ quận 10 về đường Đặng Văn Ngữ, Phú Nhuận), thì chị Phương Mai đang khá bận rộn. Ngoài công việc chuyên về tranh thư pháp và thủy mạc, chị còn nhận dạy cho một số Việt kiều kiến thức căn bản  về thư pháp. Lúc ấy, chỉ trả học phí “hữu nghị” là 100,000 đồng/giờ, nếu chăm chỉ và có chút ít năng khiếu thì sau khoảng 1 tháng tập luyện, các học viên đến từ phương xa này có thể viết rõ nét, rõ chữ kiểu thư pháp, kể cả tiếng Anh.

 

Khi tặng tôi bức chữ “Tâm” viết trên nền lụa đỏ như tôi yêu thích, chị Phương Mai kể cho nghe chuyến sang Braxin làm việc của chị hồi đầu năm 2006 theo lời mời của công ty thời trang GOÓC. Trong 5 tháng ở thành phố Sao Paolo, chị Phương Mai đã đưa mẫu chữ thư pháp vào phần thiết kế các catalogue và mẫu trang trí cho nhiều sản phẩm “hàng hiệu” của GOÓC, như quần áo, giày dép, túi xách.v.v…Trên tờ brochure, cái tên GOÓC – đã không còn đượcc trình bày theo lối chữ in thường mà theo lối  thư pháp, nhìn rất lạ và đẹp sắc sảo. Theo tâm tư của ông chủ  thương hiệu này, vốn là một Việt kiều, sinh sống lâu năm ở vùng châu Mỹ la tinh và lúc nào cũng luyến nhớ nguồn cội, thì tên GOÓC chính là chữ “gốc” tiếng Việt, lại viết theo mẫu tự Morse (Ô được thay bằng OO) do ông ta cũng là một huynh trưởng hướng đạo sinh. Cũng do chủ nhân nặng tình quê hương, nên ngoài phần trang trí bằng thư pháp, hàng hóa của GOÓC còn được làm chủ yếu bằng chất liệu vải bố và cao su đen, vốn là những thứ rất phổ biến ở Việt Nam. Thậm chí GOÓC còn tung ra những kiểu dép nam, nữ làm bằng… vỏ xe phế thãi, không khác kiểu dép râu thịnh hành cả một thời ở Việt Nam.

Theo các nhà thư pháp, từ năm 1985-90 dân Sài Gòn đã quen thấy chữ Việt được viết/vẽ theo nghệ thuật thư pháp, thành những bức tranh đầy ý nhị trưng bày trong các cuộc triển lãm chuyên đề hay được bày bán ở những tiệm chép tranh, buôn bán tranh các loại ở các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Chính Thắng, Đồng Khởi, Lê Lợi.v.v ..

Khi đi vào cuộc sống, có thể nói thư pháp chữ Việt đã có một chỗ đứng vững chắc trong mảng văn hóa trang trí. Tranh thư pháp làm đẹp những phòng khách, hội trường, đại sảnh của các công ty doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê thư giản… Về các sản phẩm in ấn, chữ thư pháp tô điểm những tờ lịch, tựa sách, phần chữ hay chú thích trong truyện tranh, danh thiếp, thiệp mời, thiệp chúc Tết, catalogue hàng hóa, bảng hiệu, hộp quảng cáo.v.v… Vào các dịp Tết, những loại trái cây chưng như dưa hấu, bưởi, dừa… cũng được vẽ hay khắc chữ thư pháp lên phần vỏ cho đẹp.

Riêng trên máy điện toán, người ưa chuộng mẫu chữ đẹp, mắt nhìn đã chán các kiểu chữ in Arial, Times New Roman… lạnh lùng, khô khan, có thể chìu chuộng thị giác của mình khi chuyển qua bộ font thư pháp, gồm ít nhất là 24 kiểu chữ khác nhau.

Bên cạnh đó, trong mảng văn hóa quà tặng, những bức tranh thư pháp và thư họa ( phần tranh vẽ minh họa, thường lớn hơn phần chữ) lần hồi đã là những tặng phẩm trang trọng, đầy ý nghĩa, trong những dịp đám cưới, sinh nhựt, mừng tân gia, mừng khai trương, mừng lên chức.v.v… Một cặp tân hôn Mỹ-Việt đã rất thích thú khi nhận được quà cưới là một chiếc quạt lụa có chữ thư pháp “Happy Wedding” do chị Phương Mai đề tặng.

Từ xa xưa, cứ vào dịp Tết nguyên đán, người mình thường hay đến nhà những thầy đồ Nho hay những người « hay chữ » để “xin chữ” về treo, như những bức tranh đẹp, rất cần để trang trí  mấy ngày Xuân, ngày Tết hay suốt cả năm mới.  Đó vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Từ bàn tay tài hoa của những nhà thư pháp chữ Hán, chữ Nôm ấy, dòng chữ “ Cung Chúc Tân Xuân”, hay “Tân Xuân Vạn Phúc”, những chữ “Phật”, hay “Nhẫn”, hay “Phúc”… đều mang nội dung chúc tụng hay giáo dục, đầy tính văn hóa, lãng đãng tính triết học, thiền học…

Ngày nay, cũng vào những ngày cận Tết, không còn nữa hình ảnh “Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ…” (thơ Vũ Đình Liên). Tuy nhiên, xem như kế thừa và thay thế các cụ đồ xưa, các nhà thư pháp của chúng ta đã lần hồi có mặt ở các lễ hội, chợ Tết, trung tâm sinh hoạt văn hóa, đặc biệt tập trung là ở các Phố ông đồ, vào các dịp Tết nguyên đán được tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên và Cung văn hóa Tao Đàn, và vài mùa Tết đã mở cả ở đường Trương Định, quận 3 Sài Gòn.

Tại những Phố ông đồ, hoặc trịnh trọng với áo the đen, khăn đống kiểu truyền thống xưa, hoặc ngược lại “bụi bậm” thời đại với quần jean, áo thun sida, các “ông đồ”, “cụ đồ” đã lớn tuổi  - có cả các nhà sư - hay các “thầy đồ”, “cô đồ” sinh viên trẻ măng học các trường ĐH Mỹ thuật hay Kiến trúc…, cùng góp mặt phục vụ người yêu chữ đẹp, với các bút pháp, thủ pháp thật phong phú, đa dạng, khi thì như “rồng bay phượng múa”, khi thì như “phong ba cuồng nộ”. Tất nhiên, dù cùng đề huề trong nghệ thuật chữ đẹp này, thư pháp chữ Việt, do phù hợp với đại chúng nên được đặt viết chữ, vẽ tranh (thư họa) nhiều hơn hẳn so với thư pháp chữ Hán.

 

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 1605
Ngày đăng: 20.05.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người mất bóng - Vương Kiều
Rồi mùa tóc rạ rơm khô - Nguyễn Đức Tùng
Gam Màu, Nốt Nhạc, Lời Thơ Lênh Đênh Ở Quê Nhà, Quê Người - Nguyễn Hàng Tình
Đêm Hà Nội - Trần Hạ Vi
Dlie K’chik Erang, Diệp Lục Thoát Đi - Nguyễn Hàng Tình
Cuối năm viếng mộ Tản Đà - Phan Anh
Đến với Mẫu Sơn kỳ thú - Nguyễn Đại Duẫn
Nam Bộ trong ký ức tôi - Hoàng Thị Thu Thủy
Tự khúc ngày Noel - Phan Anh
Ngôi trường thời thơ ấu - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)