Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.700.692
 
Chuyện ‘Ăn Noel’, ‘Chơi Noel’ một thời…
Phạm Nga

 

1.

Xa xưa, vài năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, chiến tranh còn chưa khốc liệt mà chỉ mới có mặt đâu đó ở những vùng rừng núi thật xa đô thành Sài Gòn, vào ban đêm thỉnh thoảng mới nghe tiếng đại bác chợt vọng về thành phố. Thanh bình như thế, bọn nhóc dân Sài Gòn như tôi tha hồ háo hức trông chờ những lễ hội lớn lao, thật vui vẻ là lễ Giáng sinh /Noel và đi liền là Tết dương lịch.

Cứ bắt đầu nghe bản nhạc Jingle Bells vang vang ngoài phố cùng hình ảnh ông già Noel cỡi xe tuần lộc, tươi cười trên những tấm thiệp đẹp đẽ bày bán nơi vỉa hè là tôi đã vô cùng nôn nao, hí hửng. Bọn trẻ, thanh thiếu niên nam nữ ở đâu chẳng thế, lúc nào cũng chộn rộn trong những mùa hoan lễ!

 

Và chính vào thời thiếu niên ấy, tôi bắt đầu hiểu lễ mừng Chúa Giáng sinh hằng năm không chỉ là sinh hoạt tín ngưỡng của riêng người Thiên Chúa giáo mà thực tế còn là một lễ hội lớn của toàn cầu, gắn liền với lễ hội đón Năm Mới của toàn nhân loại, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da, châu lục… nào. Theo ý nghĩa ấy, đối với dân Sài Gòn lễ hội Giáng sinh/Noel ngoài phần ‘lễ’ trang trọng gồm các nghi thức và cầu nguyện còn có phần ‘hội’ tưng bừng, đó là: vui chơi, họp mặt, tiệc tùng, hẹn hò, chúc tụng, tặng quà qua lại, khiêu vũ,… Và theo ghi nhận của cậu nhóc-tôi, cái hay nhất thời đó là nhiều dân Sài Gòn gốc giáo dân sẵn sàng rủ, mời bạn bè thuộc tôn giáo khác cùng ‘ăn Noel’, cùng ‘chơi Noel’ đề huề, vui vẻ.

 

Đến ngày 24 tháng 12 và trọng tâm là đêm 24 tháng 12 (phương Tây gọi là Christmas Evening, nói tắt là Christmas Eve.), người theo đạo Thiên Chúa đến nhà thờ dự lễ mừng đón Chúa, trong khi tại nhà tiệc Noel đã sẵn sàng! Vâng, đối với đại đa số trong chúng ta, chuyện ‘ăn Noel’ đứng đầu trong các tiết mục ‘chơi Noel’. Ngay đối với những cặp tình nhân, cứ cho là chuyện ăn diện thật đẹp, hẹn hò cùng nhau đi chơi Noel là quan trọng nhất, lựa chọn trên hết đi, nhưng mấy đứa đi chơi vung vít đến 12 giờ đêm cũng sẽ tìm đến một tiệc Noel nào đó thôi, bởi khi mọi người nói ‘ăn Noel’ thì không gì khác hơn là bữa tiệc tưng bừng tại nhà vào đêm 24 tháng 12 để cùng mừng Chúa ra đời. Tiếng Pháp gọi cái tiệc tưng bừng này là réveillon (có nghĩa là bữa ăn nửa đêm vào đêm Noel hoặc đêm giao thừa dương lịch).
Có điều là, dù nói đêm Noel nhằm mừng Chúa ra đời và do theo Kinh Thánh, Chúa ra đời đúng 12 giờ đêm nên tiệc réveillon khai mạc vào đúng nửa đêm, nhưng thực tế nhiều tiệc réveillon khai mạc sớm hơn và kéo dài; đến đúng 12 giờ đêm thì mọi người sẽ nâng ly, cùng hò reo mừng Chúa ra đời. Thậm chí, có những nhóm bợm nhậu đã gầy độ - gọi là nhậu Noel – từ trưa ngày 24, và tất nhiên, tay bợm nào còn ‘sống sót’ đến 12 giờ đêm thì tửu lượng thật đáng nể.

 

2.

Đêm Noel thời đó, dù biết ngoài đường thế nào cũng kẹt xe dân Sài Gòn vẫn đổ ra đường, dạo phố Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… tráng lệ đèn hoa, đặc biệt rực rỡ là khu vực nhà thờ Đức Bà quận Nhứt và nhà thờ Đức Bà Tân Định. Rồi ai nấy trở về nhà mình hay nhà bạn bè/người thân, cùng nhau ngồi vào tiệc réveillon nhất định kéo dài. Riêng với dân uống rượu, Noel luôn là một cái cớ quá đẹp cho các ông chè chén thâu đêm trong cái lạnh nhè nhẹ, thật thú vị của đêm tàn năm.

Năm nào cũng vậy, bác Phán, bạn bố tôi, một con chiên ngoan đạo, cũng mời toàn thể gia đình Phật giáo chúng tôi đến chơi ở nhà bác suốt đêm 24, hay ít ra phải có mặt lúc nửa đêm để cùng ăn réveillon.

 

Đối với cậu bé háo ăn là tôi, người ta mừng Chúa ra đời bằng tất cả tình cảm kính yêu Chúa là rất tốt, nhưng thật tốt hơn nhiều khi có thêm món gà tây tuyệt vời như ở nhà bác Phán. Hồi đó, tôi tưởng tượng vào ngày lễ Phật đản, thay cho mâm cơm chay của bà ngoại và mẹ tôi, sẽ là bữa tiệc như tiệc réveillon đêm Noel thì hay quá! Vào cái đêm đặc biệt này, tôi còn được người lớn cho phép uống một tí rượu vang nữa.

Chưa hết, bác Phán còn nghiêm trang cho biết do nghe tôi ở tháng 11 đã được lãnh bảng danh dự “đỏ” trong lớp (hồi đó, nhà trường khen thưởng học sinh giỏi học hằng tháng bằng 3 loại bảng danh dự in màu đỏ /xanh /vàng cho 3 hạng: nhất /nhì/ba) ông già Noel đã quyết định có phần thưởng cho tôi – y như tất cả những trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi trên trái đất này nhân mùa Giáng sinh – và đêm nay, ông đã nhờ chủ nhà chuyển tới cậu khách ‘nhí’ một món quà Noel thật xinh xắn, tương tự như đám con trong nhà này đã được nhận trước đó…

Ông già Noel muôn đời tốt bụng! Và bác Phán – người chuyển quà của ông – cũng tốt bụng không kém dù bác có hơi đãng trí, quên mất rằng tôi lúc ấy đã là một thiếu niên, dễ gì bị gạt về sự tồn tại huyền thoại của thánh Santa Claus ở thế kỷ 20 cùng các trò ma mãnh của ông ấy, như chui ống khói vào nhà, bí mật để quà tặng trên đầu giường cho bọn trẻ khi chúng còn say ngủ với những giấc mơ thật đẹp… Không sao cả, vì không gì sung sướng, hạnh phúc hơn cho bằng làm con nít mà được người lớn gạt gẫm kiểu này. Cứ để cho bác Phán phỉnh tôi vì đó là biểu hiện tấm lòng bác yêu thương tôi không khác con cái nhà bác mà chia đều quà cáp mùa Giáng sinh.

Vào thời ấy sao người ta có thể sống dễ chịu và rộng mở thương yêu đến thế? Hình như ai nấy đều an tâm, miệt mài làm việc trong một nền kinh tế vững mạnh, đến nổi vàng y khá rẻ, tiền Việt Nam đồng cao giá hơn tiền won của Đại Hàn. Giới đi làm ăn lương là quân nhân và công chức (hồi đó nói tắt là quân-công) ở mọi cấp bực lớn nhỏ đều có lãnh phụ cấp gia đình (tức lương vợ, lương con) cùng nhiều loại phụ cấp khác, như: phụ cấp gia đình, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp độc hại, phụ cấp bằng cấp v.v… Trong nước rất hiếm khi nghe nói đến nạn công chức tham nhũng. Ngày nay, thỉnh thoảng người ta còn nhắc một cách ngắn, gọn đến nền kinh tế – xã hội thời đó với cái tên “hồi một người đi làm nuôi cả nhà”. Mọi người được đãi ngộ và kiếm sống xứng đáng với mồ hôi cần lao mình bỏ ra. Để rồi, điẻn hình như vào mùa Giáng sinh, người ta sống tương thân tương ái, sẵn lòng chia xẻ những gì mình có với bạn bè, không phân biệt giai cấp xã hội, tôn giáo, học thức…

 

Như rất tử tế là những ông chủ người ngoại quốc rất hào phóng với nhân viên thuộc cấp người Việt. Không riêng gì ông xếp Tây bụng bự ở chỗ làm của bố tôi và bác Phán là công ty đồn điền Michelin, nhiều ông xếp Tây khác, như ở công ty đồn điền S.I.P.H., hãng bia La Rue, hãng xe L’U.C.I.A. v.v… cũng tặng quà Noel rất hậu hĩnh cho nhân viên. Cứ cuối tháng 12 hằng năm, ít nhiều tùy theo cấp bực và năng lực, mỗi nhân viên người Việt lãnh thêm lương tháng 13 cùng một phiếu tặng đùi trừu (gigot), chai rượu, lóc bia La Rue loại đặc biệt nhãn xanh (trên thị trường chỉ có nhãn đỏ) … Hay vào sáng ngày 24, phố phường đông vui, nhộn nhịp, tôi được bố tôi chở đến Givral, cửa hàng thực phẩm cao cấp nhất Sài Gòn thời ấy. Bố tôi đưa ra phiếu tặng của chỗ làm và nhận cái đùi cừu lạnh cứng. Tôi hỉnh mũi hãnh diện vô cùng vì thịt cừu (hay thịt ngỗng, thịt gà tây) vốn là những món ăn sang trọng, cao cấp kiểu Tây mà không phải dân có tiền nào cũng có được trong tiệc Giáng sinh.

 

3.

Trước biến cố máu lửa Mậu Thân 1968, cậu học sinh cuối cấp trung học là tôi đã biết hưởng thụ lễ hội Noel theo kiểu… không con nít nữa. Sau chính biến 1963, nền đệ nhất Công hòa sụp đổ cùng cái lịnh cấm khiêu vũ của bà cố vấn Trần Lệ Xuân, dân Sài Gòn vui chơi thoải mái hơn. Tôi nhớ là dù phải chăm chỉ học hành cho hai cái bằng tú tài I và II (hồi đó tú tài II còn thi cả vấn đáp môn sinh ngữ chính, như tôi đã thi với giám khảo người Pháp) nhưng khi có mấy ngày lễ nghỉ học cũng phải nghỉ xả hơi, nên cứ đến Noel là xin ba mẹ đi chơi -  cụ thể là đi chơi với bạn. Chuyển biến tâm sinh lý theo-tuổi của tôi cũng thuận theo tự nhiên thôi. Đó là, mấy năm trước còn nhỏ thì cứ đêm Noel là theo ba mẹ đến nhà bác Phán ăn réveillon rất đả, nhưng giờ lớn rồi, tự nhiên cái háo hức ‘ăn Noel’giảm đi, thay vào đó là hăm hở ‘chơi Noel’ với bạn, trong đó có… bạn gái mà bọn tôi gọi là ‘đào’, như: ‘đào học Ma-ri Cút’, ‘đào biết nhảy để dẫn đi bal’.v.v…

 

Mà chơi với một nhóm bạn trong lớp, toàn con nhà khá giả cũng rất vui. Tôi đã thầm an tâm khi nhận ra mình khi là con nhà trung lưu mà chơi với đám “thiếu gia công tử” này cũng không đến nỗi là dựa hơi, chơi ké vì tôi vừa là tên học giỏi nhất đám, nên các cậu hay nhờ tôi chỉ bài. Đổi lại, khi các cậu hùn tiền lập một ban nhạc trẻ thì tôi được giữ vai rhythm guitar. Ban nhạc không có tên này hợp tác với bạn bè vừa trong trường vừa bên ngoài là 2 trường Pháp Marie Curie (gọi tếu là Ma-ri Cút) và Charles De Gaulle tổ chức khiêu vũ, nôm na là nhảy đầm, hay party (tiếng Anh) hay bal (tiếng Pháp, tức bal de famille, có nghĩa là khiêu vũ gia đình, nhưng giới trẻ chỉ nói gọn là đi “bùm” hay đi “ban”).

Bal Noel được tụi tôi mở suốt từ đêm 24/12 cho đến đêm giao thừa 31/12! Nhớ là ví dụ như Noel trúng vào thứ Sáu, thì chơi suốt cho tới thứ Sáu tuần sau – một tuần lễ. Cứ chiều tối là ăn-tơ-ni (bọn học trường Việt thường nói bừa như thế, trong khi đúng tiếng Pháp là en tenue, có nghĩa là diện đồ, lên quần lên áo), hẹn nhau kéo tới một biệt thự tư gia nào đó, nhảy nhót suốt đêm. Nếu ban nhạc “oải” rồi thì nghỉ, để băng ma-nhê hay đĩa 33 tours mà nhảy tiếp. Có một lần, khoảng 1 giờ sáng, tụi tôi nghỉ chơi, chở ‘đào’ về chợ Đa Kao, trong nhà lồng chợ có một chỗ bán đồ ăn uống suốt đêm tới sáng. Không rõ là ăn đêm hay ăn sáng nữa nhưng dân chơi Sài Gòn đều biết chỗ ăn uống bình dân nhưng ngon lành này. Tên chef d’orchestre (trưởng ban nhạc) ngớ ngẩn hỏi: “Tối mai đi đâu hả tụi bây?” Tôi cười: “Tối nay chớ tối mai gì? Đã một giờ rồi, qua ngày mới rồi mà!” Nghĩa là người ta vui chơi đến mất cả ý niệm thời gian.

 

Nhưng có quên gì cũng được nhưng phải nhớ là chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, phải về nhà, tắm rửa sửa soạn, bỏ bộ cánh sang trọng mặc đi nhảy đầm ra mà mặc vô bộ quần xanh áo trắng để đến trường, vì giữa Noel và Tết tây vẫn có mấy ngày đi học. Bọn trẻ chúng tôi thời đó phải làm sao học cho giỏi, cho khá (còn chơi thì… khỏi nói, nhất định giỏi!) mới được cha mẹ tin tưởng mà cho tự do đi chơi. Điều vô cùng quí giá là thời đó, đám thanh niên nam nữ con nhà giàu có, thế lực như thế mà chẳng bén mùi ma túy, thuốc lắc, thuốc kích dục… như thời nay. Có ghê gớm lắm là một lần, một tên trong đám lén lấy trong tủ rượu của ông ‘pô’ hắn một chai Hennessy ra cho cả bọn uống thử (uống sec , không pha soda) cho le lưỡi, nhăn mặt chơi – vậy thôi.

 

3.

Rồi cuộc sống trôi theo năm tháng. Thời mới sau 30 tháng 4, lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh, đón Năm Mới có lúc đã bị ai đó lên án là ‘trò ăn chơi, hưởng thụ của bọn tiểu tư sản’. Do đó, cứ đến ngày 24 Noel là một số (không phải tất cả) gia đình người Công giáo lặng lẽ đi nhà thờ hành lễ cho nhanh, gọn rồi trở về nhà. Còn giữa thời buổi khó khán, thiếu thốn mọi thứ, người dân phải xếp hàng mua gạo theo tiêu chuẩn lương thực chỉ có 12kg -15kg/người/tháng thì hãy quên đi cái tiệc réveillon thịnh soạn giữa đêm mừng Chúa ra đời mà người Sài Gòn, không phân biệt lương giáo đã từng vô tư chia xẻ cho nhau vào những mùa Noel xa xưa…

Vào cuối tháng 12 năm 1979, từ chỗ làm là 1 nông trường trồng bo bo ở Củ Chi, tôi được về phép đúng ngày 24. Về đến gần nhà chợ Bà Chiểu thì tình cờ gặp lại anh chàng trưởng ban nhạc cùng học ở lớp đệ nhị năm 1966 ngày xưa. Cha anh, một thương gia giàu sụ trước 30 tháng 4, đã nghèo mạt sau đợt đánh tư sản 1978. Còn anh, nguyên hạ sĩ quan quân đội CĐ cũ, học tập cải tạo mấy ngày xong thất nghiệp mãi mới kiếm được chỗ làm trong một hợp tác xã mây tre lá với đồng lương cùng tiêu chuẩn nhu yếu phẩm rất thấp.

Lúc ấy, thấy vẻ thiểu não của bạn mình, tôi rủ anh tối 24 tới nhà tôi nhậu lai rai chơi. Đúng hẹn, anh đến và, như cái thói quen khó cải tạo của bọn tư sản là tặng nhau quà Giáng sinh, anh cho tôi hai gói thuốc lá đen quốc doanh Vàm Cỏ hay Nông Nghiệp gì đó.

Một tên là xã viên hợp tác xã, một tên là công nhân nông trường, đã tự tổ chức cái-gọi-là tiệc réveillon mừng đón Chúa ra đời gồm 1 lít rượu thuốc cùng mồi thiệt hẻo: đậu phộng rang và khô cá lóc! Lai rai đạm bạc mà cũng kéo dài đến 12 giờ đêm, nghe tiếng chuông nhà thờ báo hiệu thời khắc Chúa ra đời… Hai tên đã uống thật chậm, lặng lẽ nhắc chuyện cũ/người cũ, vài lúc cùng lặng im khá lâu mà mơ hồ hồi tưởng – như một sự níu kéo vô vọng – những kỷ niệm mờ nhạt về quãng đời yên vui là các mùa Noel trong quá khứ..., như thể loay hoay tìm lại hình ảnh hân hoan thời niên thiếu của mình, trong đó tôi không thể nào quên được những món ăn ngon, thơm, đặc biệt chỉ có trong đêm Giáng sinh…

 

Đến hôm nay, cuộc sống có dễ thở hơn, kinh tế ‘mở cửa’ giúp cho cư dân thành phố dễ kiếm việc làm, dễ có thu nhập hơn, do đó khi đến mùa Giáng sinh, nhiều người có thể tung tiền ra vui chơi hưởng thụ, như trang trí Noel thật rực rỡ tại tư gia và nơi làm việc hay rầm rộ đặt tiệc đãi réveillon ở nhà hàng… Riêng tôi, nhớ lại những mùa Noel đầy khó khăn, thiếu thốn từng trải qua, mơ ước thầm lặng của tôi là hằng năm, đến mùa Giáng sinh/Noel thì tất cả chúng ta có thể cùng theo kiểu thập niên 60 thế kỷ trước, đó là không hề phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, thành phần xã hội…, sẵn lòng cùng nhau chia xẻ đồng đều những niềm vui và miếng ăn ngon mừng Chúa ra đời.

 

(Tháng 12-2022)

 

 

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 517
Ngày đăng: 13.12.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hành hương - Tiểu Lục Thần Phong
Dọc đường văn nghệ (Phần 88) Nhà thơ tài hoa của xứ Phan Thiết - Trần Dzạ Lữ
Trò chuyện với ngày xưa - Vinh Anh
Thế sự đổi thay - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có một người như thế! - Hoàng Thị Bích Hà
Gặt đầu non - Phan Văn Thạnh
Thầy Quàng A Lý - Hoàng Xuân
Dọc đường văn nghệ (Phần 87) Trần Thị Hiếu Thảo – Nàng thơ đem trái tim tặng người yêu - Trần Dzạ Lữ
Cẩm tú cầu bên cửa - Ngô Lạp
Dọc đường văn nghệ (Phần 86) Cúc Dương – một giọng thơ nữ rất lạ của tỉnh Khánh Hòa - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)