Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
704
116.714.666
 
Bài học từ đứa gái điếm và mụ ăn mày
Phạm Nga

 

Ông Bảy mơ hồ muốn thay đổi không khí, muốn tìm đến một khung cảnh sống nào khác. Đối với tay thương gia lọc lõi, bao lâu nay đầu óc chai sạn với toàn những tính toán thực dụng trong kinh doanh làm giàu, đất làm ăn là cái thành phố tỉnh lẻ quen thuộc đã nhuốm toàn gam màu đen tối thảm thiết bởi cái chết đột ngột của bà vợ nhỏ mà ông Bảy vô cùng quí yêu. Thêm lý do nữa khiến ông xuống dốc tàn mạt là, ngoài chuyện rất khéo chìu chuộng ông chồng già, bà vợ còn khá thanh xuân này còn là một trợ thủ rất đắc lực cho chồng trên thương trường, tính toán rất khôn ngoan, nhanh nhạy… Nay mất bà rồi, việc làm ăn của ông Bảy đã có ngay dấu hiệu bê trễ, sa sút.

Xong công việc thương thảo giá cả với chành vận chuyển hàng trong Chợ Lớn, ông Bảy thẩn thờ trở về khách sạn, chẳng thiết tha chuyện đi ăn cơm tối. Ngồi một mình trong căn phòng ‘một giường’, chẳng buồn mở đèn, người đàn ông giàu có, xưa nay rất cứng cỏi cảm thấy cô đơn, cô độc khủng khiếp. Người đàn bà mà ông yêu quí, thích gần gũi nhất trên đời đã ra đi mãi mãi.

Đêm đã xuống. Khi ông Bảy khóa cửa phòng bước ra đường, trời mưa lâm râm nhưng ôngkhông hề để ý tới chuyện mang theo áo mưa hay cái dù. Trong lòng lãng đãng phiền muộn, ông không có ý định tìm đến một nơi nào rõ rệt, chỉ mơ hồ đi về phía bờ sông.

Từ một khoảng tối xa ngọn đèn đường, một cô gái bước ra, cười hỏi:

“Sao mà buồn vậy? Đi chơi không anh?”.

“Hả? Cô hỏi gì?”

“Chậm hiểu quá vậy? Phòng ở gần đây thôi mà…”

Lơ đãng hỏi giá rồi đi theo cô gái, ông Bảy bước vào một khách sạn lụp xụp, căn phòng dành cho hai người cũng tồi tàn y như những thứ khác ở đây, từ mặt tiền nhà, quầy tiếp khách cho tới cái bản mặt trơ lì của gã quản lý. Đèn trong phòng bật lên khiến ông Bảy hơi bị chóa mắt nên bảo cô gái chỉ mở đèn ngủ. 
Cài cửa lại là cô gái đã lập tức cởi áo.Trong khi đưa hai tay ra phía sau cởi khuy cài xú-cheng, cô gái nhận xét:

“Chà, năm nay anh niên kỷ bao nhiêu mà tóc bạc dữ vậy, bố già?”

Ông già sáu mươi tuổi mới nhớ ra là sau tang vợ, mái tóc hoa râm của ông đã bạc nhiều hơn mà ông không hề nhận ra.Trước con nhỏ có vẻ dữ mồm dữ miệng này, tự nhiên ông lại muốn xưng “qua” theo lối người già Nam bộ, nghe cho dịu dàng, mềm mỏng: 

“Ừ, qua già rồi em à, còn em bao nhiêu tuổi?”

“Mới hăm lăm. Thôi đi lẹ đi anh!”

Ông Bảy nhỏ nhẹ trả lời : “Không em à, qua chỉ muốn nằm nói chuyện với em một lát. Qua trả tiền đủ cho em mà…”

Hơi ngạc nhiên, cô gái trở lại với nhận xét ban đầu khi mới bắt được ông khách hơi lạ lùng này ở bờ sông:

“Nói chuyện thôi chớ không chơi? Cũng được. Hầu chuyện, giúp anh đỡ buồn thì anh có thưởng cho em thêm chút đỉnh không? Mà sao bố già buồn dữ vậy?”

Vậy là trên chiếc giường hết sức bẩn thỉu, ông khách giữ nguyên áo quần nằm sát bên cạnh cô gái ở trần. Vì trong cuộc đời mình, ông Bảy không hề có thói quen bộc lộ ý nghĩ, tâm sự với bất cứ ai nên ông cứ nằm xuôi xị, không nói gì khi cô gái có vẻ ngã ngớn, kéo cánh tay của khách kê làm gối và nhắc lại:

“Có chuyện gì mà anh buồn? Vợ bỏ theo trai? Hay… bả mới chết?”

Ông khách chợt thở dài, trả lời cô gái mà cũng như nói ra lời với chính mình:

“Ừ, vợ qua mới chết.”

Cô gái có vẻ cảm động, giọng thương hại chứ không còn lẻo lự, phá chọc nữa:
“Chà, chắc là anh thương bả lắm mới buồn như vậy? Kể cũng sướng, đàn bà như tụi em mà khi chết được có người thương, người nhớ như anh thương bà vợ thì là nhứt trên đời này rồi. Như em đây, khi tắt thở cũng không biết có tên đàn ông nào khóc cho vài giọt nước mắt không nữa? Nhưng báo cho anh biết, em cũng có một người đó, anh ấy chỉ làm phu bốc gạo ở bến tàu thôi nhưng thương em thật lòng, dù cái thân nhơ nhuốc của em bị khách chơi dày vò tan nát lâu rồi.”

Triết lý vừa rồi của một đứa gái điếm vô danh – nãy giờ ông không hề hỏi tên cô gái - mới gặp lần đầu lại chợt đánh động thật sâu vào tâm can ông Bảy. Mình chắc cũng giống con nhỏ này thôi. Mai mốt nằm xuống thì không biết có ai khóc mình…, khóc mình thật lòng không nữa? Vô tình mà với một thoáng cảm nghĩ liên hệ bản thân như thế, người đàn ông cô độc chợt tự làm tổn thương nặng nề. Ông Bảy nằm im với tâm can quặn đau, nhưng vô tình đôi mắt ông lại hướng vào cặp vú ngồn ngộn của cô gái. Hiểu lầm cái nhìn của ông khách, đứa gái lại trở lại với giọng lưỡi giang hồ:

“A…buồn, thiếu vợ nên thèm, muốn đi ngủ với gái hả? Tự nhiên đi, đừng màu mè nữa bố già!”

Cô gái vừa trêu chọc ông khách vừa làm một cử chỉ khiêu dâm thì ông Bảy giữ chặt bàn tay cô:

“Thôi em à. Qua đã nói là bữa nay qua không muốn…”

Cô gái nẩy người lên như tăng liều lượng khích dâm:

“Không muốn à? Chắc là sợ em lây bịnh chớ gì? Không sao đâu, bảo đảm là em sạch lắm, không có tiêm la, phong tình gì đâu. Nhưng… bố già ơi, già như anh mà cũng còn sợ chết vì bịnh phong tình sao? Anh đã sống, đã hưởng đủ thứ trên đời rồi, có chết thì anh cũng đã quá lời rồi, còn muốn gì nữa mà e dè? Kỹ quá mất vui bố già à!”
“Bộ em không sợ chết sao?”, ông Bảy ngắt lời cô gái.

“Cũng sợ chút chút, nhưng số chết là chết. Chết vì bịnh, vì xe cán, vì thất tình thắt cổ, nhảy sông tự tử…, cũng đều là chết. Trời phạt, trời đày em phải làm nghề này thì kể như em đã chết mất đất từ hồi bị bán cho tú bà rồi. Em còn sợ chết cái gì nữa, hả bố già?”

Trời phạt, trời đày… Ông Bảy đau nhói trong lòng. Thì chắc mình cũng đang bị Trời phạt đây, mới ra nông nỗi này. Ông vội vã chỗi dậy, không nói một lời nào, lẳng lặng móc tiền trong túi áo ra trao nhanh cho cô gái. Xô cửa phòng bước ra, thậm chí không đóng cửa lại như thói quen, ông Bảy muốn bước thật nhanh ra khỏi khách sạn, như muốn lập tức trốn khỏi nỗi ám ảnh bị ‘Trời phạt’ mà ngẫu nhiên cô gái điếm lắm lời kia đã gợi nhắc.

Đang thẩn thờ bước chậm chạp dưới trời đêm thì từ một mái hiên tối đen, ông Bảy nghe một giọng nói - cũng giọng đàn bà – van nài:

“Làm ơn làm phước đi ông ơi! Cho tui xin chút đỉnh mua cơm…”

Một mụ ăn mày bẩn thỉu hôi hám, chắc đang bị đau ốm, bại liệt gì đó nên duỗi chân ngồi bệt dưới đất, ôm ghịt lấy một thằng bé có đôi chân khỏng khoeo như cẳng một con chó ốm. Cái mặt suy dinh dưỡng nặng của thằng bé, lộ hẳn đôi mắt ra như ốc nhồi và đầy góc cạnh gảy khúc như khuôn mặt một lão già đói ăn thiếu thuốc, khiến người lạ có muốn cũng không thể nào đoán được nó bao nhiêu tuổi. Què quặt, khó nuôi như vầy thì thà để nó chết hồi mới lọt lòng là tốt hơn hết cho nó và cho cha mẹ nó! Ông Bảy thầm nghĩ như thế rồi mường tường đến cái việc mà người đời thường gọi là ‘đành đoạn’ đối với đứa bé tật nguyền bẩm sinh, rằng nếu ông là mụ ăn mày, có lẽ ông sẽ làm thẳng tay, chẳng chút phân vân. Vậy mà, mụ ăn mày đã hiểu lầm khi thấy ông khách nhìn chăm chú vào con mình, tưởng người lạ đã xúc động, chạnh lòng thương xót con mình.  Bà vừa cúi đầu cám ơn khi nhận tờ bạc lẽ, vừa thố lộ - giọng đầy hãnh diện: “Coi nó xấu xí vậy chớ nó là cục vàng của tui đó ông ơi!”

Ông khách, dù nãy giờ đúng ra là không để tâm nhiều lắm về dung mạo hay tình trạng của đứa nhỏ, nhưng đã phản bác ngay:

“Cục vàng à? Bà phải khổ sở lết đi ăn xin để nuôi nó mà còn nói nó quí giá như vậy hử? Tôi nghĩ, gặp những cha mẹ khác, dù giàu dù nghèo gì thì chắc họ cũng đã bỏ nó vô trại mồ côi rồi. Gặp nhà giàu, nếu trại mồ côi từ chối đứa nhỏ họ gởi thì họ quăng tiền ra đút lót là xong. Còn khổ nghèo, bệnh tật như bà, trại họ nhận dùm là cái chắc. Như vậy, nó có nơi nuôi nấng, chăm sóc, còn bà đỡ vất vã biết bao? Bà chỉ còn lo đi ăn xin để nuôi chính mình thôi.”

Bà già trố mắt, như xưa nay bà chưa hề nghe ở đâu lại có kiểu lý luận lạnh lùng, vô tâm như ông khách hiện giờ:

“Đâu được! Dù con mình có què, có xấu tới cỡ nào đi nữa thì nó cũng là con mình, làm cha làm mẹ ai lại đành đạn phủi tay, bỏ nó vô trại mồ côi cho được? Mình đã đẻ con ra thì dù nó có ra sao chăng nữa mình cũng nhất định phải có trách nhiệm nuôi nấng, chăm nom con mình chớ? Mà con tui xấu xí là đâu phải do nó muốn, chỉ tại tui vô phước, kiếp trước có gây tội, gây lỗi nên kiếp này Trời phạt, chỉ cho sanh được một mụn con thôi mà nó còn phải chịu tội thế cho mẹ nó, phải mang cái hình hài què quặt như ông Trời đày đọa. Nghĩa là tại mình hết, con mình mới khổ. Chỉ vậy thôi!”.

Rồi mụ ăn mày nói như hét, quả quyết xua đuổi ông Bảy:

“Thôi ông ơi, ông bố thí cho tui đồng bạc thì tui cảm ơn, chớ tui không nghe theo cái lời ác đức, bất nhơn của ông đâu. Người gì mà tàn độc quá! Ông đi chỗ khác dùm cái đi. Ông đi đi mà!”

Trong một buổi tối ảm đạm và cô quạnh, ông đại phú gia đầy bạc tiền, danh vọng đã ngẫu nhiên như chó dắt là gặp gỡ hai người dân nghèo, thuộc hạng cùng mạt dưới đáy xã hội: đứa gái điếm và mụ ăn mày. Điều đáng nói là những lời lẽ chơn chất, nghĩ-sao-nói-vậy của hai người đàn bà này lại vô tình dạy miễn phí cho ông một bài học nhân sinh thật ngắn gọn mà dễ hiểu…

 

 

(Tháng 7-2022)

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 561
Ngày đăng: 25.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thương mãi nụ Quỳnh Hương - Hoàng Thị Bích Hà
Li la do - Trần Hạ Vi
Người chết hai lần - Trần Yên Hòa
Tôi khờ quá làm sao mà biết được - Võ Anh Cương
Chuyện người thua kiện - Ngu Yên
Vùng đất dữ - Đỗ Nhựt Thư
Phố đỏ - Phan Tấn Uẩn
Sông an nhiên - Đặng Chương Ngạn
Giọt lệ mo hồn - Nguyễn Anh Tuấn
Hoàng hôn, xương lá vỡ - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)