Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
845
116.683.136
 
Thượng nguồn nước rơi,rơi,rơi
Nguyễn Hàng Tình

                                                       

                                           *Núi và Mưa (Ảnh: Nguyễn Hàng Tình)

 


                                                          

 

    Làm sao nhặt được giọt mưa sa

 

 

          Mưa thế này thì nỗi buồn cũng hóa lỏng, thành dòng, gửi về Tầm lơng(*). Ngấm vào, ngấm vào nữa đi, hỡi miền cổ thổ. Đất đai không còn thể suy tư. Cao nguyên như gái chín thì nằm ngửa tắm, phơi ngực ra toang hoang, mặc kệ thế gian. Trên miền thượng là thế, nước đã rơi thì không tí tách, chỉ có rầm rào. Trời, có vẻ hả hê khi được làm thế. Nước như kẻ cao bồi trên mặt địa cầu. Chiếc dù nước thiên nhiên không kích cỡ kia trùm xuống sự mênh mông.

 

         Vạn vật nín thinh, đón nhận, và chịu đựng. Sự hoan hỉ đâu đó có thể bay lên, sự đau khổ đây đó có thể gục xuống. Những ngọn núi biếc kiêu hùng của ta đâu mất rồi. M’hual (**) đã nuốt chửng những gì nhô lên. Hoặc chính nó cố tình che dấu để núi biếc đi vào huyền bí, huyễn hoặc. Tấm voan nước như gấp lại thành những nếp nhăn lớn mỗi khi sà xuống một dãy núi, nên những lớp núi hiện hằn nhạt, đậm lờ mờ, vào những lúc đương mưa và tạm ngừng. Muốn làm tan hòa mọi dãy núi. Cỏ lên đến đỉnh núi, là cỏ mọc trong mây. Vạn vật đang gieo duyên, quyện vào nhau. Đất đai lô nhô trên cái xứ sở chỉ toàn đường cong, đỉnh cao và vực sâu, khiến góc nhìn nào cũng rơi xuống, từ trên cao. Ánh nhìn nào cũng dính nước. Những mảnh Bri (***) nữa, tắm mù sa đi, để ta lọt thỏm vào trong đó. Rẫy nương tha nhân khó mà trốn thoát mù sa, chìm đắm trong hơi nước. Và mặt đất kia, cây nào to cứ hút nước nhiều, cây nào nhỏ cứ nhâm nhi như kẻ cơ hàn này khi uống rượu. Trời đất vào mùa máu lạnh, không nhân nhượng, giữa khí - nước – đất vận chuyển. Yếu tố lửa thì tạm rời bỏ xứ sở. Mưa đến, mưa đi, mưa trở lại, rồi đi, rồi trở lại_ thấy đó, rồi hết đó. Xứ sở mù mờ, mù mờ, và tới lui cứ thế hoài. Ta làm thế nào mà thoát ra khỏi ảo ảnh. Tất cả là trong trời đất, diễn ra như nó vốn là.

          Vũ trụ có nói năng gì đâu.

 

                                                             *

                     

        Nước rơi, cái gốc cây khô trên đồi hình như cũng cựa mình. Mới hôm nào những đồi trọc còn bề bộn, lem nhem đất, cuội, xác thảo mộc, cùng mùi khét thổ khí. Giờ thì mọi thứ sần sùi được tạo hóa dấu đi. Mặt đất đã thành mặt cỏ. Xanh bất cứ chỗ nào có đất. Thượng đế đã tung những hạt mầm kia chứ có ai rải giống cỏ ra đâu. Tha nhân đầy ắp lòng tham và mưu cầu cũng đành nhượng bộ thiên nhiên lúc này. Hoặc họ bất lực. Đất bazan và những vật chất họ hàng của nó thành sàn diễn của N’hai Mìu(****). Ta không cần biết tên những thứ thảo mộc đó, ngoài cái tên chung màu xanh. Vũ trụ lạ thật, có chút ẩm ướt là sự sống bung ra. Ta rít vào, như nuốt từng ngụm xanh. 

         Ít tuần nữa, nếu có nắng ấm lên, nhiều trong số chúng sẽ thả bông.

         Dưới chân ngọn đồi, những mạch đường đất của tha nhân hiền lương cần lao lẫn bao loại người bất hảo le lói trong muôn thảm xanh tự nhiên. Cỏ phủ ra hai bên, nên màu đỏ giữa lối đi cứ như khép lại, khép theo phương thẳng hình học. Nó cứ như muốn nuốt trọn những con đường. Một logic đã trỗi dậy trong đầu ta, là rằng khi thiên nhiên được tự do, và sự tự do đó được tiếp diễn, nghĩa là không có con người, thì hoang dã, thái hòa, đa dạng, nguồn nước, và tự nhiên sẽ trở về nơi mặt đất, mà không phải đợi lấp thoáng mùa mưa.

       Đây không phải thảo nguyên phẳng tắp, mà là miền đất ký ức của những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh khi đã hết kiếp rừng, bị lột sạch bản nguyên. Hết nguyên sinh, đại thụ thì cỏ dại trở thành chúa tể. Nếu có một con ngựa đồng hành thì samôn này cũng không dễ tung vó trong N’hai Mìu. Những ngọn đồi rặt một loài cỏ xanh. Lại vô vàn những ngọn đồi khác thì nhì nhằng đủ thứ thảo mộc bé dại khác. Lô nhô xanh, lô nhô mênh mông. Kẻ nào khỏe thì chiếm ngự được mặt đất. Loài cỏ này sinh trưởng theo kiểu giẫm đạp lên loài cỏ kia để sống. Cỏ cũng đấu tranh sinh tồn, trên dương gian này. Nơi nhì nhằng đó, cây dại ỷ đương kỳ khỏe mạnh mà không ngại dùng lông gai nơi sườn lá xước tay chân kẻ lạ chạm lướt qua mình. Cỏ cây nó cũng thông minh, biết tìm chỗ nào để sống sót hợp với sức chịu thân phận mình. Cỏ nhiệt đới mà, lắm giống loài, hình thái, đặc tính. Cao nguyên, “mùa khô đi nhanh, mùa mưa đi chậm”. Nước N’hai Mìu đang tấu ca về sự sống, hoặc nó đang đánh đố những gì chung sống với nó.

         Thảm cỏ mùa mưa không dành cho những kẻ ghiền ái ân ôm lăn.

         Mưa núi là thứ mưa hoang vu, mang “gen” thâm u. Mưa chạm đến tầng cao trời, hoặc mặt đất và trời xanh không còn khoảng cách. Mưa dài đến đâu,  nỗi nhớ nắng non dài đến đó, kéo rê cả sáu tháng. Hiếm hoi mới lòi ra được một ngày nắng ấm trong một đống ngày dằng dặc đó.

         Mưa cuốn xác của lo âu cùng sự yếu đuối, nếu kẻ nào lấy nỗi lo âu làm mục đích sống.

         Những giàu sang bị ngấm nước.

         Những cơn mộng thế quyền tuyệt đối bị sũng ướt.

         Những thâm ý đồng hóa bị sũng ướt.

         Những niềm vui bị sũng ướt.

         Những đói nghèo bị sũng ướt.

         Mưa, là đang xây nền cho những sinh thể. Dù đức tin của ta là thân thể này không có thật. Ơn gọi của ta là cái chết. Tín ngưỡng của ta là sinh - diệt. Vương quyền, đền đài, kho báu, thành tựu nào cũng đều là ảo ảnh. Vũ trụ không nhìn thấy thành tựu của loài người. Chỉ có con người hủy hoại những thành tựu của tạo hóa từ ngày khai thiên, lập địa. Và quá khứ thì diễn ra ngay khi ta đang là, khắc trước với khắc sau của ngôi lời, sự vật. Tương lai là cái ký ức con người sẽ bước qua sau khi bước qua bước nữa. Chỉ có thể ở cao nguyên mới thấy trời mênh mông mưa. Mưa thu tôi nhỏ lại. Ta chỉ còn là cái chấm như đầu bút. Ta lạc lõng như con cá con bơi trong M’hual. Đang lơ mơ như con thú bị nhúng nước, và mồ côi bởi mất hang, mất ổ. Thấp thoáng những dáng ma bầy thú kéo nhau đi câm lặng trên sườn núi. Những đàn ma thú nổi trôi tìm về quê quán cũ. Nó phải đi trong rừng chứ sao đi trên đồi trọc vốn chỉ dành cho cỏ và lửa. Ta nấc lên những tiếng hoang dã, âm thanh rất khác với chính mình ngày thường, những ngày mùa khô.

         Ta nhìn mưa như nhìn sự tan rã của vật chất. Là những lúc ta nhìn mưa như nhìn vào quá vãng nào đó trong thiên nhiên. Là những lúc ta lạnh run vì nước đổ. Là những lúc ta thấy thân thể dịu mát vì nước từ trời cao. Là những khi ta đưa tay vuốt nước mưa trên mặt để bám sát cái nhìn vào những ngọn đồi và hy vọng những gì trên đó không biến mất trong khói nước. Những cánh rừng không còn tên gọi có tội lỗi của những ước mơ. Khi những khát vọng ác lên ngôi là nó đang tôn vinh và xây lâu đài tinh thần cho sự cao thượng, thanh lương nào đó. Bạo chúa xây đền bằng vật liệu vật chất, còn thánh nhân xây đền bằng vật liệu hư vô.

         Lá cỏ va vào nhau tạo ra âm thanh rất nhỏ. Chắc bởi sức nặng của nước lặn trong thân. Chỉ có tiếng mưa trên lá là rộn vang. Khứa giác ta phúc đáp về mùi ngây ngây của đất và mùi thơm tho của lá thở. Mùi cỏ cây khác mùi loài người lắm. Nó dịu dịu, man mát, khuếch tán, phảng phất, nồng thơm dương khí thay vì rặt chua khét của mùi người, mùi làng, mùi phố, mùi đời, thế tục. Trong thảm cỏ, chúng làm sao không có chuyện trò với nhau bằng thứ ngôn ngữ thiên nhiên nào đó. Đừng tin các nhà khoa học duy lý tuyến tính đơn ngành. Họ hồ đồ, nông nổi lắm, như khi bảo chỉ con người mới có ngôn ngữ, bởi đơn giản như loài chim khi lạc bầy gọi nhau, loài giun khi gọi giống, bướm đực loay hoay theo bướm cái, loài cây nọ chờ phấn để thụ bông, nhưng họ nào có nhận ra. Họ đã chống lại linh cảm mình, nên họ không biết vì sao mỗi hoa mỗi hương, mỗi loài có một quê quán, sinh thái, và những buồn đau, ái ố. Hãy quát vào tai họ đi, rằng con người chỉ là một loài trong muôn loài, khi nắng lên, khi mưa về, khi thái hòa, khi biến thiên, khi vần vũ, từ ngày vỏ quả đất hình thành cũng như khi thi ca cùng khoa học xuất hiện trên mặt đất. Con người là giống loài có chữ viết, thì tạm ổn. Nhưng, không phải sắc tộc nào cũng có chữ viết. Mà dù là con gì thì cũng sợ, e dè, tâm hồn bị ảnh hưởng bởi mưa rơi.

       M’hual đang là kẻ thống trị. Nhưng những ánh nắng hiếm hoi đâm thủng màn mây xám trắng vào những lúc ngưng mưa dọi qua làn cỏ lại óng ánh dã khúc hoan hỉ của diệp lục. Mùa mưa đồi núi cười; mùa khô đồi núi khóc. Bề ngoài thấy vậy, chứ ta nào biết trong lòng đất đai đó, có cái gì đang âm thầm kêu la, hay thưa kiện giữa mùa ngấm nước này. Đất đai chỉ là giá thể của muôn loài mà. Mà tính trạng của nỗi buồn thì không biết mùa khô hay mùa khô trội hơn, với mọi loài.

 

                                                     *

                

        Ta không thể ở lại một ngọn đồi nào cả, bởi cái bao la tuyệt cùng mới là quê hương của ta, và muôn ngọn đồi của cao nguyên đang phơi nhan ở đó. Những chỗ xa xôi, heo hút đã đầy ắp M’hual. Thì những ngã núi, cung đường dài ngắn cũng hun hút sa mù, từ cao nguyên M’Nông qua cao nguyên Dak Lak, vắt sang cao nguyên J’rai, chạm vào miền hạ Lào ở xứ Kon Tum. Ta như giọt mưa lăn. Phố thị nào cũng đã vô nghĩa. Núi đồi còn cô đơn trong mưa huống chi thị trấn, thành phố. M’hai Mìu về, cao nguyên thành một chốn cõi riêng rồi. Mù mây là lãnh đạo tinh thần của trùng trùng đồi núi, cỏ cây, vạn vật đây. Nhà thờ, nhà chùa, thánh đường, trụ sở chính quyền, đến sàn nhảy, rạp hát, nhà tù le lói trong M’hual. Cả cao nguyên còn bé bỏng trước vần vũ, thì nói chi những đốm bê tông, hay những ý niệm hay ý chí tầm thường thế tục. Một cú sấm chớp là động vật thu mình, vào trong, không hang, hốc, nhà, thì cũng xó cây, chỏm lá, nhất là con người.

         Trong mưa, ta luôn nhắc ta đây là thế giới mình đang sống.

         Ta đang phù du từ bên trong lẫn bên ngoài thân thể. Cỏ không loay hoay như người, nó cũng không  vô tình. Vũ trụ tàn nhẫn như một cỗ máy bao trùm. Còn Ta loay hoay giữa vòng vô minh. Có tái sinh ngàn kiếp nữa ta vẫn vô minh. Có học đến bao nhiêu ta vẫn vô minh. Vì vô minh là đặc tính của loài ta. Không vô minh không là người. Lòng tham vô độ và sự ảo tưởng về sức mạnh của con người làm ta vô minh. Chung sống với con người, loài nào cũng trở nên vô minh. Chung sống với con người thực vật cũng không còn trong trẻo. Loài ta muốn thống soái. May ra chỉ khi mưa đổ như thế này, những lăn tăn đó mới tạm dừng dăm khắc, và sẽ khởi lại ngay khi mưa dứt. Chỗ nào còn cỏ hoang nguyên khởi chỗ đó còn tín hiệu của an bình. Bọn thi sĩ hay bọn bạo chúa cũng đều bị đánh lừa tâm cảm của mưa, cho dù mưa vu vơ, lả chả, gào thét, phùn hay dầm. Thứ lững thững trên trời và làm con người lơ mơ đó là M’hual, là máu đất ấy mà.

         Thảo mộc là đứa con thừa tự của đất. Ta chửi vào kẻ nào bảo thảo mộc không  hữu tình. Bởi bọn nó quên mất là chúng sinh sinh ra trong nhân quả và chết đi cũng trong nhân quả. Hoa do nhân duyên mà thành trái, thành hạt; hạt do duyên mà thành cây; cây do duyên mà được sinh được tử, được trẻ được già, được ủ trong đất, được lăn lóc trên đồi, được trỗi lên khi có nước, được đau khổ và thăng hoa; được cao được thấp, được dày được mỏng, được biển chuyển, được qui hồi. Ý niệm nhân quả mà con người mượn từ thực vật để nói về những qui luật của tạo vật đã nói lên vai trò thâm sâu căn bản của cỏ cây. Ta cúi đầu ca tụng cho giống loài nào còn biết rưng rưng khi mưa gợi niềm chan chứa những giờ phút sống.      

                       

                                                            *

 

         Có ngày mưa đủng đỉnh, có ngày mưa lê thê, có ngày mưa chơi vơi như nỗi buồn sơn nữ chữa hoang; có ngày mưa muốn sập núi, sập rừng, sập nương, sập rẫy, sập bon, sập plei, làng xưa, làng mới. Có những ngày mưa như thơ, có những giờ mưa như ma quỉ. Mưa thế mà thoáng chút ngưng mưa là nước biến đâu mất hút. Cao nguyên lại hiện ra bao la. M’hual trên trời lại muôn hình vạn dạng. Biến ảo như một cuộc chơi lớn có tổng bằng không. Là mưa núi chứ không phải mưa duyên hải, là mây núi chứ không phải mây đồng bằng. Có thứ nước đã tìm về vực sâu, có thứ nước đang nhởn nhơ trên Trồ(*****). Cỏ à, mi có sức chịu đựng hơn con người. Mi không dễ gục ngã.

         Những ngọn đồi tự do là những ngọn đồi bỏ hoang. Những những ngọn đồi không còn tự do là những ngọn đồi của thế nhân. Màu xanh bắp, đậu, khoai lang… ở những ngọn đồi hữu chủ góp những gam sắc đời thực cho N’hai Mìu, để nhắc nhớ tôi rằng mình đang cõi người. Cũng như, rằng dù mưa có sa, sương có phủ, bãng lãng có dậy lên trên đồi rẫy đầy hoa lợi khắp nơi thì cao nguyên cũng không phải Thiên đường. Cả những trang trại cây trái, đồn điền cao su, cà phê, chăn nuôi đại gia súc của bọn doanh nhân nham hiểm phá rừng buôn núi, rửa tiền, tham nhũng, tư bản hoang dã từ xa tới cũng thơ mộng khi có mưa sa. Cây gì trong sương cũng mong manh, phong rêu, cổ kính,  gầy guộc,  thành mỹ nữ.

           Chỏm đất nào còn hoang, người bản địa còn tìm được miếng ăn trong sạch yêu thích trên đó, với nấm nơi đất, măng nơi bụi, lá trong rừng, cá dưới đầm, ốc bên khe. Cỏ cứ xanh giữa bầu trời trắng đục. Thế nên ta vẫn lơ ngơ. Ta vứt xa hoa ra khỏi thân xác mình nhưng không thể trục xuất giấc mơ, mỹ cảm. M’hual nó có khả năng làm mờ lý trí lẫn sự thật. Hay M’hual nó có chứa phúc âm lẫn vật liệu từ bi vậy. Hay M’hual nó đưa ta về với thuở cao nguyên trong Ót N’rong(******), buổi bán khai, sơn nguyên.

          Mưa núi cùng thảo mộc đang hoan lạc.

         Bọn tham tàn thường hiếm khi xuất hiện trên đồi núi vào kỳ M’hual Mìu. Họ sẽ cho đó là khôn. Dù khôn chỉ là một khái niệm, quan niệm, ảo ảnh, vì không loài nào vĩnh cửu trong cái khôn, và theo luật nhân quả cái khôn là cái có ý nghĩa, giá trị thiên lương, giải thoát, cuối cùng.

          Khủng khiếp thật, cao nguyên sống trong trạng thái thâm u này sáu tháng.

 

                                                      *

 

         

           Có lúc ta đội mưa lên đồi. Có lúc ta trú trong một chòi canh trên núi sâu ngó mưa. Có lúc ta ngồi trong những quán cóc xa lạ bên đường dõi ra màn nước. Có lúc ta mắc mưa nơi xa lộ thảm nhựa. Nhưng không miền mưa nào lưu dấu chân ta. Ta chỉ muốn là samôn, hòa thượng, hành giả không chùa, không sư phụ, đệ tử, kinh kệ, cúng dường, phước sương. Ta chỉ muốn là linh mục không thánh giá, không giáo đường, kinh thánh, giáo lý, tín hữu, nước thánh, rước lễ. Tâm linh ta thuộc về thực tiễn phù du từ đất đai, phong sương, như vũ trụ giản dị vốn là. Thiên đường là cỏ hoang, Niết bàn là mặt đất núi sụt sùi này, trong ta. Ta ban cho ta lòng hiên ngang lên đồi, hiên ngang xuống vực. Cứ âm thầm qua khe, âm thầm vào những chỏm cây rừng lơ thơ cô đơn còn lại đi. Cứ ngốc dại thả mình trong những thảm xanh vô chủ lẫn hữu chủ, cỏ dại hay nông vật đi. Trạng thái mưa của trời đất là một trú xứ của ta lúc này. Hướng vào thoát xác, là ta đang chủ động sống cuộc đời của một sinh vật, sát và thật, như trời đất tạo ra ta, không để những quan niệm của loài người chi phối. Vì biết những tầng tầng lớp lớp quan niệm không bao giờ dừng của loài người là thứ chỉ có ở qui ước lý trí và thỏa hiệp họ với nhau, rằng bất hữu thực, vũ trụ không cho là, thừa nhận. Dưới vòm trời này, muôn loài bình đẳng, mà đại diện là cỏ dại.

          Ta đang hoan lạc trong hoan lạc của mưa núi, thảo mộc.

                     

                                     

 

           Hỏi vì sao N’hai Mìu rề rà mê man như thế. Thì là bởi núi cao, và dưới kia là đại dương bao la quá. Giọt mưa nào trên núi mà chẳng liên quan đến lòng đại dương.

       

                                                      *

 

          Giờ là lúc loài người chờ dứt mùa mưa trên xứ sở này, như phụ nữ chờ được ly thân tay chồng vũ phu. Không thể ly hôn, bởi sức mạnh, sức sống miền thượng nhờ tính khí vũ phu, giang hồ, cao bồi đó. Còn ta, mải miết, nối mùa. Tội lỗi của ta là không ghì giữ được một mảnh M’hual nào.

          Mùa này, da của trời bên trên rất vắng màu xanh dương.

          Ta nhắc ta, đây là thế giới có con người./.

 

…………………………………

_(*):(thổ ngữ sắc tộc M’Nông, Mạ, K’ho, Banah) Thung lũng. (**): Hơi nước, sa mù, sương khói. (***): Rừng. (****): Mùa Mưa. (*****): Trời. (******): Lời hát kể dân gian về cuộc sống bao quanh thuở con người chưa có chữ viết_Sử thi.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 1909
Ngày đăng: 28.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lá thư cuối cùng - Trần Dzạ Lữ
Về một vùng quê - Nguyễn Tiến Nên
Theo thuyền đơm mực lá - Nguyễn Tiến Nên
Bánh tráng và đủ thứ cuốn - Phạm Nga
Một Thành Tôn khác - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (Phần 42) Ngàn Thương – Nhà thơ sống thanh bần vì thơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 41) Phạm Chu Sa – nhà thơ của Sóng Ngầm vẫn còn đó - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 40) Viêm Tịnh – Nhà thơ riêng một góc trời… - Trần Dzạ Lữ
Một Chút Hoang Dã Cuối Tuần - Phạm Nga
Vượt qua nghèo khó “Nghị lực phi thường của một con người bình thường” - Hoàng Thị Thu Thủy
Cùng một tác giả