Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
836
116.680.758
 
Chiến tranh, ở loài người
Nguyễn Hàng Tình

 

 

Xưa nay các nhà sản xuất phim trên khắp các châu lục không bỏ qua chủ đề chiến tranh khi làm phim. Đơn giản vì họ biết Con người thích coi phim chiến tranh. Các trò chơi điện tử dành cho giới trẻ của thời Internet này cũng chẳng hiểu sao đa phần thiên hạ làm về đánh nhau. Chiến tranh đã trở thành cái gì đó “gần gũi”,  bình thường, thậm chí “hấp dẫn” với con người. Khoan vội, chớ nhầmkể về  lĩnh vực giải trí,ởbút ký này, vì câu chuyệnsẽ khác...

 

 

Lịch sử trị vì Thiên hạ và tranh đoạt, giành ngôi đã nhuốm máu con người kể từ khi xã hội bộ tộc rã đi và biến chuyển thành xã hội hình thành Quốc gia(Nhà nước), xã hội có tổ chức.Vì  “Ngai vàng” người ta có thể hạ sát thân bằng quyến thuộc bề trên, thì kể chỉ đến anh trai, em vợ, chồng cô ruột, hay bất cứ cận thần nào của mình, nếu thấy sự tồn tại của những người kia là mối nguy của chiếc ngai hoặc là chướng ngại. Cá loài động vật khác không có điều này và không đủ trí để làm điều này. Nên Chuyên chế hay Đắc cử từ việc bỏ phiếu của bá tánh cũng là nhắm đến hình thức hòa trộn giữa “uy quyền”và “phục vụ” ở chiếc ngai, dù gọi dưới tên gọi nào của từng kỷ nguyên ở loài người giữa Thiên tử, Vua, Nữ Hoàng, Tổng Thống, hay Chủ tịch, Thủ tướng. Dù là chức phận hay uy quyền, “phục vụ” bá tánh hay “cai trị” bá tánh, khiêm nhường hay kiêu hãnh  thì cũng là kẻ bề trên của muôn dân.Giỏi đánh nhau và luôn chiến thắng con người khen là thiện chiến. Từng tình huống xuất hiện sẽ có ý nghĩa khác nhau ở vị trí đó, có thể là Người phụng sự, Người có bổn phận, là Anh hùng, Nhà lãnh đạo, hoặc là Kẻ đoạt được Thiên hạ, nắm được Ngôi vương. Thì cứ gọi theo nhu cầu về xu hướng dưới những lớp vỏ ngôn ngữ.

 Dù gọi dưới lớp vỏ ngôn ngữ nào, gọi khéo léo và mỹ miều đến thế nào thì Chiến tranh cũng là “ Tìm và Diệt”, giữa người với người. Những thiên niên kỷ, thế kỷ trước loài người “Tìm và Diệt” nhau thì ở giai đoạn này không cần săn tìm nữa mà ở từ xa bấm nút(tên lửa) đã giết được nhau, giết được nhiều người hơn, làm loài người ở đó hoảng loạn hơn và cõi người tan hoang rộng hơn. Dù gọi bằng tên gì thì bản chất ấy ở loài người cũng là tính “Săn”. Các loài thú cũng đi săn, nhưng nó săn cho từng bữa ăn thì loài người “Săn nhau” cho nhiều mục đích, muôn trùng mục đích. Mà khi còn thuộc tính “Đi săn” đó, “ Tìm và diệt” đó thì tính “Thú” trong con người chưa bao giờ  mất đi.  Càng về sau, cách thức mà loài  người “Săn” nhau càng  man rợ hơn trước.Con người quên mất mình đang dã man hơn rất nhiều so với tiền nhân hay tổ tiên. Xưa một mũi tên lướt đi hạ sát một người, nay một tên lửa đạn đạo bay ra hàng loạt người tại chỗ tan mạng và hàng tỷ người chấn động tâm trí (sợ hãi_tính sinh tồn) lẫn nhứt nhói con tim(tình thương_tính nhân bản). Trẻ con hay chơi trò chơi điện tử  bỗng lướt nhìn ti vi bố mẹ đang xem  thời sự thấy người lớn “chiến” nhau  và cảnh những thành phố tan tành nó bảo sao giống trò chơi điện tử của tụi nó. Xưa rình rập trong những cánh rừng, nay rình rập nhau trên từng mét không gian. Xưa tấn công nhau ở rừng, thảo nguyên, nay cứ nhằm độ thị(nơi  con người sống tập trung, và kết tụ thành tựu của loài người) mà tấn công. Giết nhau thẳng tay. “Máu lạnh” hơn như chưa bao giờ. Trong một trận chiến hay chiến dịch, loài người tỉnh bơ thống kê đều đặn hàng ngày hoặc hàng tuần về số lượng những nơi mình phá hủy được bằng phi đạn cũng như số lượng quân binh phía kia chết để thấy mình hơn. Sinh mạng con người còn coi thường thì huống gì những thành tựu vật chất mất nhiều năm, nhiều thế kỷ tạo dựng, những thành phố, những di sản văn hóa, ...  Khi loài người hiểu biết càng nhiều, trí tuệ càng cao, và kỹ thuật công nghệ càng nhiều thì độman  dã càng biến dạng nâng lên theo tỉ lệ đó. “Giết nhau” mà cũng gọi là “Hiện đại”, “Nghệ thuật chiến tranh”, “Công nghiệp chiến tranh”,”Kỹ nghệ chiến tranh”, “Học thuyết chiến tranh”, “Triết lý chiến tranh (của...)(mới...)”, “Chiến tranh hỗn hợp”... Rồi phải đẻ ra đủ các khái niệm chiến tranh khác nhau để chỉ bản chất của từng chủng loại chiến tranh đó: “Chiến tranh truyền thống”; “Chiến tranh phi truyền thống”; “Chiến tranh vệ quốc”; “Chiến tranh thôn tính”; “Chiến tranh thuộc địa”; “Chiến tranh ý thức hệ”; “Chiến tranh không gian”; “Chiến tranh đại dương”; “Chiến tranh thông tin”; “Chiến tranh tình báo”; “Chiến tranh ngoại giao”; “Chiến tranh kinh tế”; “Chiến tranh khoa học”; “Chiến tranh thương mại”.... Rõ ràng con người không phải loài Thượng đỉnh mà là Loài hiếu chiến đến độ ... Thượng đỉnh. Khiếp, loài quỉ quyệt, già miệng lưỡi, đẻ ra đủ loại chữ nghĩa và khái niệm để đành thừa nhận, bình thường hóa, chấp nhận và bao biện cho việc hại nhau, giết nhau, gây đau thương cho nhau. Những “Cuộc chiến hiện đại”, “Giết người hiện đại”. Ngưới ta đặt tên cho xe tăng họ tạo ra là “ Kẻ Hủy Diệt” thì nó đã nói lên bản chất và mục đích giết người, mà không còn có thể biện hộ. Cả thế giới,giờ quốc gia nào cũng có trường đào tạo việc đánh nhau, và những viện nghiên cứu tác chiến, chiến tranh. Những hình thức tồn tại, và từ ngữ rôm rả đi cùng. Đơn phương. Đa phương. Liên minh. Đồng minh. Đối tác. Và, Tập trận. Phòng thủ. Tuyển quân. Xâm lược. Vệ quốc. Tự vệ. Tuyên chiến. Tấn công. Phản công. “Dạy cho nhau bài học”.Trừng phạt. Bắt nạt. Răn đe. Cưỡng bức. Khuất phục. Kiềm chế. Loại trừ. Cô lập, ...  Những mong ước(các nước nhỏ). Những tham vọng (các cường quốc). Những mưu đồ đế chế. Có những quốc gia còn xuất hiện những công ty quân sự tư nhân. Có những quốc gia còn cho công dân mình đi làm “nghề lính đánh thuê” cho những quốc gia nào cần thuê. Con người trực tiếp đánh nhau. Con người ủy nhiệm con người đánh nhau. Con người ủng hộ chiến tranh. Con người phản đối chiến tranh. Con người nguyền rủa chiến tranh. Con người đổ tội và kể tội (nhau), ở mọi trận chiến và cuộc chiến. Lương tâm thật và lương tâm giả cùng “lên ngôi”. Con người tung hô. Con người mừngchiến thắng. Con người như cỏ. Con người như rác. Máu người như nước lã. Con người thương xót. Con người khóc nhau. Con người buồn đau.Cả trái đất luôn đầy thuốc súng. Cả loài người chứa vũ khí. Quốc gia nào cũng lo tăng ngân sách quốc phòng. Cả trái đất thành “thùng” thuốc súng. Nơi nào trên trái đất  cũng có thể trở thành chiến trường. Các loài khác không lố nhố, không luôn chuẩn bị cho chiến tranh, và lo sợ nhau như loài người. Dù loài người biết rất rõ khi đã “chiến” thì sẽ gây ra hận thù, nợ máu, oan khiên, và việc Trả thù sẽ được hồi đáp mà về mặt “vật lý” thì nó chẳng khác như tinh thần của Định luật III Newton, hoặc sau đó nếu đi tháo gỡ, hóa giải bao giờ cũng không dễ.

            Con người thẳng thừng hăm dọa nhau cả điều khủng khiếp nhất: “Sẵn sàng kích hoạt vũ khí hạt nhân”. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra như sự đe dọa đó, không ai còn giữ bình tĩnh được nữa và nhân loại sẽ bị tàn lụi bởi thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này sẽ bay khắp các châu lục vậy. Và, “Ngày Tận Thế” mà Kinh thánh nói hóa thành sự thật. Lại thêm cùng lúc,đó đây tranh thủ thử vũ khí “thế hệ” mới, tên lửa siêu thanh, vận tốc gấp năm lần vận tốc âm thanh. Các loài động khác không dám làm điều này và không thể làm điều này. Gần đây, xã hội loài người biến động mất an ninh quá nhiều, bất công và bất an quá nhiều, khiến nhiều quốc gia bỗng ao ước “giá mà” có được vũ khí hạt nhân trong tay.

            Dồn lực chấm dứt sự sống trên hành tinh, dù lý giải là “chiến” để bảo vệ hành tinh, nhân loại.

            Quốc gia càng nhỏ thì thường hiền. Quốc gia to thì càng nhiều súng đạn, hung dữ, hoặc độc tài. Qui luật chung trên lịch sử loài người nó thế.

Con người ve vãn nhau tự do, bình đẳng, dân chủ. Con người ve vãn nhau tương lai của từ bi, bác ái. Con người ve vãn nhau về đại đồng. Từ bi, đại đồng, độc lập, dân chủ, và tự do đâu không thấy, chỉ thấy lãnh thổ của những nơi ấy to dần, và ở nơi ấy họ tự hào về cộng đồng riêng của họ, dân tộc của họ; còn dân tộc nào nhỏ, quốc gia nào nhỏ thì cứ bé lại hoặc sinh tồn trong lo âu, phập phồng, hớt hãi. Con người ăn gian phiếu bầu, con người không cho con người đi bầu, dù rốt cuộc mà chỉ ra thì điều khác duy nhất của xã hội loài người với xã hội của các loài động vật khác chỉ đơn giản là ở chỗ con người được trực tiếp bầu chọn ra người để điều hành cộng đồng mình.

            Con người mắc nợ loài mình cùng lúc mắc nợ tạo hóa.

           Từ xã hội Thị tộc, bộ lạc lên xã hội Nhà nước những tưởng loài người đã thoát khỏi tính man dã, sống theo luật, khế ước, và xa rời dần chém giết, tranh đoạt, chiếm hữu, thống trị.Người ta đang bảo vệ quê hương mình. Người ta đang giữ “Không gian sinh tồn”  của cộng đồng mình. Người ta đang muốn hơn-thua. Đánh nhau, là vì cộng đồng, quốc gia. Nhưng nọ kia đôi khi chưa hẳn vì điều đó mà vì “cái Tôi”, tính khí cá nhân ưa “chiến” của người lãnh đạo. Người ta tạo ảnh hưởng. Người ta khát muốn ghi tên vào sử sách uy phong thời họcai trị. Có những  người chiếm được quê hương người khác. Có những người tự nhiên tan nát quê hương. Suốt chiều dài lịch sử máu xương ở giống loài này, trên các lục địacó những cộng đồng người bỗng dưng mất đứt quê hương trong chớp mắt.Đây đó miên man những đoàn người khổng lồ người tiếp tục hình ảnh dắt díu nhau chạy loạn, di tản, hãi tránh chiến tranh, lưu lạc, thất lạc, di cư, tìm cõi sống sót...

           Loài người luôn muốn thay đổi trật tự ổn định hiện có của loài người, mà để thay đổi trật tự đó thì phải “chiến”, không ngại “chiến”. Ở Đại Tây Dương người ta đã lập liên  minh quân sự giữa các quốc gia ở nơi ấy. Ở Bắc Băng Dương_chỗ con người không thể thường trú_  người ta lao đến giành phần, bởi khoáng sản bên dưới. Ở Thái Bình Đương người ta đòi chia đôi Thái Bình Dương. Dùng sức mạnh vũ khí giữa nhau để nói chuyện chia chác. Địa cầu là của chung, nhân loại là của chung mà cứ như của riêng vài nước, của Vua Chúa, Chủ tịch, Tổng thống. Khái niệm mới ưa dùng: “Lợi ích chiến lược quốc gia” trong răn đe vũ trang hiện đại, nó nhiều khi chỉ là sản phẩm điêu ngoa của mấy ngài làm chính trị, ở  vài người, chứ vòng đời con người độ 80 năm thì họ cần được hạnh phúc ngay ở quĩ thời gian quí báu ít ỏi đó với những phẩm giá cơ bản của loài Thượng đẳng(tư cách Con người) chứ hơi đâu để ý thứ vẽ vời mơ hồ, xa xôi, chỉ là khái niệm.Như hồi thế kỷ XII-XIII, thường dân Mông Cổ đâu cần lãnh thổ của quốc gia mình phải trải dài từ thảo nguyên Đông Bắc Á kia sang những xứ mà họ không cần canh tác, chăn nuôi hay nhu cầu đặt chân đến ở Châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á... để làm chi, nhưng Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn) vẫn cứ chinh phục, vó ngựa tung hoành, giẫm nát bất chấp đạo đức, lương tri.Cho thỏa cơn uy lực vì oai lực trước cõi người. Và điệp trùng chất lên ngất núi ngất trời về số lượng những chiến trận nữa lê thê trên khắp trái đất ở nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử suốt những ngàn năm qua.

Trái đất như miếng Hamburger của những mưu đồ và tham vọng vị kỷ, mà chẳng bao giờ chấp nhận sự chia đều.

 

                                                              *

 

           Giải trừ quân bị là giấc mơ xa vời,dĩ nhiên nó không bao giờ đạt đến được ở cõi người, với đặc tính của con người ngày càng nham nhở và tha hóa đến cùng cực.

           Loài người biến loài người thành trò chơi_trò chơi chiến tranh. Trò chơi và danh dự;  sự tồn tại và nỗi đau; lương tri và quỉ ám; đạo đức và giả hình. Bất hợp lý và vô lý. Mọi thứ đều nhân danh.Trong những “vỏ bọc lợi ích”. Khắp địa cầu, những giá trị phổ quát của con người để con người khác những động vật khác luôn bị đánh cắp, ăn gian, bỏ qua, hoặc chà đạp.

 Đơn giản vì loài người ngày càng tham lam hơn, và tàn bạo hơn. Cố lõi là giành Đất, giành Không gian nơi mặt đất, đại dương, lẫn bầu trời. Sự va chạm của các nền văn hóa chỉ là “gia vị”kèm theo của “món Chiến tranh”, đi cùng. Người ta cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh ảnh hưởng.Các quốc gia yếu hơn thì phải bằng mọi cách bảo vệ không sinh tồn của cộng đồng mình, dân tộc mình. Những cộng đồng đó bảo vệ quyền Được sống, sự tồn tại. Đó là lúc phản kháng, tự vệ và chống đỡ, chống trả kẻ xâm phạm. Phải có thật nhiều vũ khí mới bảo vệ được độc lập. Phải có nhiều “quốc gia bạn bè” mới bảo vệ được lãnh thổ. Có dân tộc xuất phát là dân du mục cũng bỗng một ngày muốn trở thành cư dân hải đảo. Vậy là tìm cách chiếm nuốt vùng biển của các dân tộc hải đảo khác. Nọ kia có quốc gia dân số chưa tới một trăm rưỡi triệu người nhưng lãnh thổ rộng mênh mông bởi nhiều thế kỷ trước thi hành đế quốc xâm chiếm thì bây giờ trong ngày phải trải qua 11 múi giờ, với tài nguyên bao la lại vẫn còn muốn ngậm thêm đất đai lẫn ảnh hưởng vào các quốc gia xung quanh khác. Xâm lược hay Tự vệ, Chính nghĩa hay Phi nghĩa thì cũng phải giết nhau, đánh nhau, bại và thắng, đau khổ và tự hào. Giết người bỗng trở thành “công việc” nghiêm túc và trò chơi chính qui.

 

                                                          *

 

          Con người yêu quê hương của mình, và không muốn mất quê hương. Nó rất thiêng tròng lòng họ, vì không chỉ là “không gian của miếng ăn”.

Mỗi con người đều thèm khát sức mạnh. Mỗi quốc gia đều thèm khát sức mạnh. Sức mạnh thì đến từ quốc phòng, và kinh tế. Những người quản lý quốc gia thèm khát sức mạnh, và luôn thể hiện sức mạnh. Nhưng con người cứ muốn con người qui phục, cúi đầu, phụ thuộc, hoặc năn nỉ được sinh tồn. Khác đi là không được. Tồi hơn là không được. Hay hơn, cũng không được. Rực rỡ hơn cũng không được. Hợp tác và canh ke. Đối tác và đối thủ. Hỗ trợ (phát triển) và răn đe. Các cường quốcrình rậphạ bệ nhau. Các nước lớn gầm gừ nhau. Các nước nhỏ dõi theo tiếng gầm gừ đó mà định liệu. Nước “chiếu trên” và nước “chiếu dưới”. Các nước “chiếu dưới” ấp ủ ngoi lên, mơ nước lớn “sẽ vô tư và thật lòng với mình”, mà nhất là giấc mơ bình đẳng, công bằng và được tôn trọng. Lòng tốt và toan tính. Vô tư và chiến lược. Sự tử tế và ân oán cùng lúc tràn ngập khắp nơi giữa những cá nhân, giữa những nhóm người, giữa những cộng đồng, giữa những quốc gia. Trong sâu thẳm, các quốc gia không tin nhau, hoặc không tin nhau hoàn toàn.

Nghiệt ngã thật.

Nguyên nhân của chiến tranh thì đơn giản, bao thời nay, chỉ là “Miếng ăn” và “Sở hữu”. Đó là bản năng. Và bản năng thì mãi mãi. Khi còn là loài vượn đã thế, và lúc thành người (đứng lên và đi được hai chân) càng thế. Trên mặt đất, xã hội loài người khác xã hội các loài khác đơn giản chỉ là trong cuộc sinh tồn nó có Luật, luật lệ, qui ước, gọi là luật để sống, hoặc luật chơi gì cũng được. Nhưng thực tế thì loài người luôn có thiên hướng chơi trật với luật, chà đạp lên luật, ít tôn kính luật. Vì thế mà luôn có chiến tranh ở nơi này chỗ kia. Vì thế mà trái đất chưa bao giờ bình yên. Mở rộng địa bàn cư trú hay áp đặt ảnh hưởng lên một địa bàn thì cũng là chuyện Đất đai, Miếng ăn, và “quyền” sở hữu đó mà. Có người trong bộ máy lãnh đạo nước nọ  là phụ nữ mà mới đây còn tuyên bố nếu nước láng giềng xâm phạm một centimét đất của quốc gia mình chắc chắn sẽ đối mặt với thảm họa khủng khiếp không thể tưởng tượng được: bị nã vũ khí hạt nhân. Phụ nữ cũng còn muốn đánh nhau, và  cũng dùng súng đạn để đe dọa.

 

                                                              *

 

Quê hương của người ta, bạn chơi trò chơi hàng ngày nã tên lửa đạn đạotầm xa như mưa vào những đô thành. Nhà của người ta, bạn bảo muốn chơi và tiếp ai hay theo cách thức nào phải theo ý muốn của bạn. Tổ quốc của người ta, người ta có trách nhiệm bảo vệ nó, mà để bảo giữ thì phải có quân đội, quốc phòng, thì bạn yêu cầu người ta không được có quân đội. Thế giới con người thảm hại đến mức thế này rồi sao ? Có hai con người đang đánh nhau, những người khác dồn vũ khí cho cuộc đánh tiếp diễn. Đâu đó lại có đứa giả nhơn giả nghĩa, “khuấy nước(cho đục... để) mò cá”, nhưng thực ra là chỉ mong cho điều đó diễn ra để tất cả họ suy yếu đi còn mình thì“ngư ông đắc lợi, loại trừ được tất cả các đối thủ cạnh tranh uy quyềncho một ngày mình bỗng nhiên trở thành chúa tể địa cầu.Khi đã “chiến” thì người ta, phía nào cũng vậy, đều có cách lý giải cho việc đánh nhau đó, mà việc lý giải thì đường nào cũng “có vẻ” hợp lý, theo kiểu mình muốn, thật và ảo. Chỉ có việc chết người là sự thật, mà sự thật này thì không thể lý giải hay bao biện, vì mạng người là cáiquí báu nhất nhất. Trong bộ mặt chiến tranh, hiện ra  những khuôn mặt cực đoan, lẫn giả hình,  thực dụng, vụ lợi, hoặc ai ở thế kẹt hoặc biết thân biết phận thì chọn trung dung, chấp nhận né tránh chính kiến lẽ phải lẫn trách nhiệm về tình yêu thương loài người. 

           Con người hiện đại được đến trường, hay đi Nhà thờ, Thánh đường, Nhà chùa, nhưng ít khi làm theo lời Chúa, Phật, dù Chúa Phật không chấp nhận chiến tranh và khuyên dạy con người hành động duy nhất là Tình thương đồng loại cùng muôn loài. Các nước bắt chước nhau đưa Thượng đế vào trong hiến pháp, và bảo quốc gia mình nằm dưới Chúa trời, như một cam kết tuân thủ về phụng sự, giá trị và đạo đức trước vũ trụ, nhưng họ không vận hành quốc gia như ý muốn thiện lành công chính của Thượng đế.

           Thế giới loài người luôn là vậy đó. Vì thế mà mọi thứ luôn âm ỉ, hoặc căng như dây đờn. Vì thế mà ở đâu nhân tâm cũng luôn loay hoay, lăn tăn, động loạn.

           Đã là loài người, đành cầm lòng vậy. Thượng đế hào phóng thật tốt bụng mà cũng thật nham hiểm khi tạo ra loài người(Đó là theo tôn giáo có Thượng đế, còn Phật giáo thì bảo con người hay mọi vật đều do “Duyên” mà tượng thành, từ Đất, Nước, Gió, Lửa_tứ đại).

            Quốc gia nào cũng muốn mình vĩ đại, không khía cạnh này thì nhiều khía cạnh khác.

 

*

 

 

  Chẳng có gì lạ ở mọi cuộc chiến trên trần gian này ở lịch sử loài người, kể từ ba mươi ngàn năm qua, từ khi xã hội loài người xuất hiện hình thái Nhà nước. Kẻ yếu hơn phải chịu thiệt, đau đớn hơn. Kẻ mạnh hơn thì cuối cuộc bao giờ cũng phải “lấy” được một cái gì đó từ vườn của kẻ yếu để thể hiện đẳng cấp bề trên hay giữ thể diện, tối thiều là một bức tranh sơn dầu hay một mảnh đất. Tất cả đều nằm trong qui luật ở trên, với thuộc tính của loài người. Tất cả đều nằm dưới Vũ trụ/ Thiên nhiên mà loài người chỉ là một loài trong đó. Chẳng có cái gì lạ cả dưới ánh sáng mặt trời. Cái gọi là Văn minh và Nhân bản thực sự vẫn chưa đến được với loài người. Mọi thứ vẫn còn hoảng loạn và hỗn độn. Ngay cả cái tổ chức cao nhất của xã hội loài người là Liên hiệp quốc cũng chưa bao giờ có thể ngăn chặn được các cuộc chiến tranh. Còn sống con người còn ham cầu, tranh giành, và khát vọng mọi thứ. Mà thứ nào cũng là mầm mống của đánh nhau. Chỉ lúc chết con người ta mới kết thúc điều đó. Bản chất của con người là giành đất, tham tàn, hơn - thua, và ảo tưởng. Trong từng sinh thể người cũng thế mà trong từng quốc gia cũng thế. Nên sẽ không bao giờ có kết thúc hay dừng lại. Vì nếu kết thúc được thì nó đã kết thúc rồi trong mấy chục thiên niên kỷ đã trôi qua, và xã hội con người đã được tự cho là “hiện đại”, “văn minh”. Con người hay quái vật, tiền nhân buổi quá vãng nếu có tái sinh cũng không còn nhận ra đây là “loài mình” sao ?!. Nếu bênh vực những trận chiến tàn khốc thì nói sao đây với những con người đã tan xương nát thịt và nỗi lòng những người bỗng chốc thất lạc quê hương và mất mác tất cả thành quả lao động bao năm.

           Cái man dã sẽ luôn “săn”, nghĩa là “tấn công” cái văn minh. Cái văn minh sẽ luôn “săn” cái man dã. Đặc tính này sẽ không buông tha nhau và không bao giờ nhường nhịn nhau. Người nào hiền lành sẽ thua thiệt và bị ức hiếp. Quốc gia nào hiền hòa sẽức hiếp, chèn ép và đe nạt. Câu nói khủng khiếp đối với tính nhân bản chỉ có thể xuất hiện trong xã hội loài người: “Muốn hòa bình phải chuẩn bị Chiến tranh”. Vậy nên thi nhau chế tạo ra những vật dụng để giết người, và chạy đua vũ trang.

              Chỉ có những cái chết mới và những thua, thắng mới. Kiêu hãnh, và Mất mác. Tự hào, và Đau thương.

            Chả có cuộc chiến nào là lạ, với loài người, loài được xem là Thượng đẳng trong muôn loài ở thế giới tự nhiên. Loài người miệt mài tranh giành, và “chiến”. Thế giới loài người ngày càng rậm rạp hơn.

            Đến quê hương của Chúa trên hai ngàn năm rồi mà vẫn chưa ổn định, kiến lập lại được thái bình.

Có những cái ác mà con người mới làm được còn Thượng đế thì không. Có những tình thương mà Thượng đế thì không nhưng con người làm được. Chẳng hạn sự ray rức.Tình Thương của Chúa chỉ xoa dịu, vỗ về được nỗi đau, tội lỗi của từng người và cả nhân loại chứ không giải quyết được nan đề thực tiễn mang tính bản chất ở loài người. Thêm một cuộc chiến là thêm một sự xấu hổ, tiếp tục những trang sử đen tối được vẽ lên trên mặt mũi loài người. Một lịch sử nhơ nhớp và tội lỗi của loài người thế mà toàn bộ loài người đều không biết ngượng miệng và xấu hổ khi gọi nhân loại bây giờ là Hiện đại.

 Dù không muốn nói ra, nhưng con người ai cũng nhận thấy những người ưa phát động chiến tranh và bắn giết đều có biểu trạng ánh mắt và khuôn mặt thường giống nhau.

        Nhiều khi tôi chợt nghĩ, nếu Đức Buddha, Đức Jesus, Đức Muhammad có mặt ở thời điểm này của lịch sử loài người thì các Đại nhân này sẽ có thái độ ra sao với dương gian này và giải bài toán cụ thể của loài người ra sao.

            Chưa bao giờ cõi người có một thời kỳ thái bình, an hòa thực sự, kể từ khi Nhà nước tượng hình từ 8000 - 6000 năm trước Công nguyên. Chưa bao giờ loài người thật sự yêu thương loài mình rốt ráo. Ôi cái loài mọi thứ thanh lành chỉ diễn ra ở chót lưỡi, còn hành động cụ thể thì chống lại trái tim và lội ngược lại những gì diễn ra trên môi ! Cộng đồng loài người vừa bảo vệ mình và vừa hủy diệt mình. Cả hai đều là nhiệm vụ, theo qui luật mà tạo hóa giao.

Nghiệt ngã thật.

          Trong lịch sử loài người, ở mọi quốc gia, người ta đều lấy tên của những chiến binh, những người tham chiến hay anh hùng, để đặt tên cho những đường phố. Sự thật của đánh nhau đâu đó là sự hy sinh, dũng cảm, dấn thân, và ghi ơn, vinh danh vì bảo vệ không gian sinh tồn cho cộng đồng, mà có khi cũng chỉ vì(cho) mỗi Vua Chúa. Thì nó cũng oái ăm như trong mọi Sử thi xuất hiện từ xa xưa ở lục địa Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, hay Châu Á thì nhân vật chính vẫn là hình tượng về người “giỏi” đánh nhau, Anh hùng. Vậy thì Anh hùng là cái gì vậy để rồi con người phải cúi đầu hoặc thừa nhận ? Và cũng oái ăm thay, khi mà những phát minh khoa học công nghệ lớn của nhân loại xưa nay đểu khởi đầu là phục vụ cho chiến tranh.

          Đất đai, lãnh thổ, biên giới, khiến nhiều quốc gia đã biến mất trong lịch sử, bởi đánh nhau và hủy diệt. Nhưng, tình yêu tự do, sự công bằng, quyền tự quyết ở từng cộng đồng chung sống… cũng khiến số lượng quốc gia tăng lên, nhiều thêm theo lịch sử về sau dần. Cho dù chiến tranh để tranh giành ảnh hưởng, hay áp đặt ảnh hưởng thì cũng là vì Đất đai. Vậy thì rất tồi tệ như Chiến tranh, nhưng cũng khó để lý giải về tính tốt, tử tế, hoặc đúng- sai của bất cứ cuộc chiến nào. Đứng ở cực nào thì sẽ lý giải(hoặc bao biện) theo cực đó. Con người, bất kỳ ai, ở vị trí nào, tuổi tác nào cũng đều nói “ Không muốn chiến tranh”. Nhưng thực tế thì thiếu Chiến tranh hình như loài người khó chịu, dồn nén bứt rứt, không thỏa mãn được tham lam, khát khao, hoặc tâm trí. Nên người ta luôn muốn đánh nhau và xúi đánh nhau. Trong thâm tâm của loài người, họ luôn cần những cực mâu thuẫn, “nuôi” mâu thuẫn, “nuôi” chia rẻ để tạo môi trường sinh lợi, để chiến tranh “được” hoặc hà tất phải diễn ra.Thì nó như lời cảnh tỉnh thâm sâu của John Adams _ Chính trị gia, một trong những người lập ra nước Mỹđưa nước này độc lập khỏi nước Anh hồi thế kỷ XVIII và cũng là Tổng thống thứ 2 của Mỹ_cho thân phận “sẽ là” nô lệ ở con người: “Có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh kiếm. Cách thứ hai là bằng nợ nần”.

          Những qui ước(hoặc Khế ước) chung sống, những giá trị cơ bản phổ quát, cũng như trật tự ổn định của loài người luôn mong manh, bị tìm cách đánh cắp và phá vỡ. Loài người không cho loài người được yên. Bạo chúa lẫn những giả nhân vẫn cứ luôn xuất hiện đều đặn trong mọi thời kỳ của lịch sử loài người.

         Cả thế giới loài người mãi bị xô lệch.

          Với việc đánh nhau thì con người thỉnh thoảng mới bỏ cuộc đấu, bởi làm sao mà xa rời thuộc tính của loài.Sẽ không bao giờ chép cho hết, cho xong chiến tranh trên mặt đất, khi nó sẽ kéo dài ra mãi mãi cho đến buổi nhân loại lụi tàn. Nên bất cứ tường thuộc trực tiếp hay ghi nhận nào về các chiến cuộc sau đấy cũng đều là việc vặt vãnh. Bởi “chiến” là trò chơi, “nhu cầu”, vở kịch, bộ phimhiện thực thiên miên của loài, qui luật của cõi sống và sự chết, bên dưới vòm trời, vũ trụ này.

 

  *

 

Cả trái đất như một “Cái làng”, chứa những đặc tính của con người, chứ không có gì là to tát hay khó hiểu. Đơn giải là nó như Nhà này muốn lấn vườn của Nhà kia. Nhà kia muốn “xơi” vườn nhà khác, hoặc muốn vườn nhà khác phải trồng(hoặc xây) theo ý mình, để mình kiểm soát được không gian xung quanh, hoặc có thể xê dịch được cột mốc, biên giới. Từ đó, vườn nhà nghèo trở thành quân cờ của vườn nhà giàu, vườn nhà yếu trở thành “con mồi” cho vườn nhà mạnh, quốc gia nhỏ trở thành “trò chơi” của những quốc gia lớn hơn. Thế thôi, cứ thế diễn ra, cứ thế đong đưa mãi, kể từ khi từ vượn biết đứng lên đi bằng hai chân(Homo Sapiens_con người hiện đại), và việc tranh giành diễn ra theo hình thức khác. Loài người ngày nay đang như là những “Bộ tộc” mới ở đô thị, thành phố. Những “bộ tộc mới” được trang hoàng bởi bê tông, tiện nghi, và công nghệ. Thực chất nhìn rốt ráo sẽ nhận ra chỉ là cái thuộc tính “Thú” đã mang hình thái khác trong việc cộng sinh và tồn tại mà thôi. Nó tinh vi, ranh ma, màu mè hình thức, đầy kỹ xảo, với đạo đức giả điêu luyện hơn thôi.Giữa ác quỉ và loài người, loài nào hung ác hơn.

           Đừng giả hình hay tự huyễn hoặc về loài mình nữa, làm ơn nhìn thẳng đi, sẽ thấy rằng chỉ có loài người đi diệt loài người chứ những loài động vật khác không hề làm vậy với loài người.

           Ai sẽ khóc cho loài người ngày mai ?  Hay rốt cuộc, rất đơn giản nhưng siêu phàm là tư tưởng mà khoảng trên 3000 năm cách nay trong tôn giáo cổ xưa Védarồi Bà La Môn giáo ở Ấn Độ đã chỉ ra bản chất của vũ trụ (mà loài người và cõi người là một phần nhỏ trong tập hợp đó) là mang đặc tính vòng tròn của Phá hủy - Sinh thành- Bảo dưỡng, nghĩa là ba cực này nhất thể trong một sinh thực, là luôn diễn ra như vậy.Con người còn “nặn” ra một vị thần gọi là Thần Chiến Tranh, gọi là Thần Ares, mà trong thần thoại Hy Lạp(cái nôi của Văn minh loài người) cổ xưa đã đề cập đến. Vị Ares tạo ra vô vàn những cuộc chiến ở cõi hạ giới lẫn trên cõi cõi thần linh. Nghĩa rằng, ở dương gian này, trên địa cầu này, chẳng có cái gì không hữu ý và cũng chẳng có cái gì vô tình cả. Nhưng vốn được con người thời cổ xưa ấy xem là vị thần bất tử, bất khả chiến bại, nhưng cuối cùng Ares cũng bị một người anh hùng tên là Heracles đánh bại trong một trận chiến và có lần còn suýt bị hai gã khổng lồ khác ném xuống địa ngục, và trước đó nữa là hai vị thần bố mẹ của Ares là  Zeus và Hera ruồng bỏ vì bản tính hiếu chiến và ngông cuồng của thằng  con Ares.

“Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá !”.Ý của con người thông minh nhất thế kỷ XX, Albert Einstein, ở câu nói trên là loài người từ đó sẽ man dã trở lại như người thời tiền sử mông muội kia.

Theo đạo Catholic,thì Đức Jesus đứng ra lãnh chịu tội tổ tông(và để nhằm cứu độ_khi có sự phục sinh của Ngài) cho loài người cũng vì sự sa ngã vốn dĩ của loài người.

        Làm ơn tin tôi đi, là rằng con người chỉ hiền lành khi không tham lam và ít dính tới lợi ích. Khi đó “chiến” sẽ ít lại, mà làm sao nó có thể ít lại được.

         Dưới vòm trời tự nhiên này loài động vật nào cũng có chiến tranh trong cuộc đấu tranh sinh tồn, nhưng mức độ man dã và tàn khốc và tuyệt đối của nó khác với loài tự cho là văn minh, hiện đại và thượng đẳng, Người. Tôi không lật tẩy thế giới loài người, mà cảm thông nhau khi nói sự thật, để loài mình đừng giả hình và bớt những ảo tưởng cũng như hung dữ, và để cả loài thương nhau thật. Vì trái đất chưa bao giờ được yên bởi loài người.

Hai năm qua, nhân loại tang thương, hớt hãi, náo loạn và rã rời vì dịch bệnhtruyền nhiễm (Covid 19), mà chưa rõ vì thiên tai hay nhân tai. Trong trạng thái chưa hoàn hồn đó, năm nay nhân loại bày trò mới, đẩy loài mình cùng trái đất rúng động, rên xiết, đau thương, khủng hoảng, đảo loạn thêmcho mộtthứ Chiến tranh vừa cũ vừa mới./.

 

 

 

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 527
Ngày đăng: 01.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quan hộ đê bắc thành Lê Đại Cang - Nguyễn Anh Tuấn
Cơm gà - Hoàng Xuân
Dọc đường văn nghệ (Phần 84) Hải Thụy, nhà thơ giang - hồ - văn - nghệ thực sự dễ thương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 82) Trường Thi, sự nghiệt ngã của một người làm thơ - Trần Dzạ Lữ
Tháng Tư, Lê Đạt - Nguyễn Đức Tùng
Một thoáng Hồ Thác Bà - Phan Anh
Hải hành mùa đại dịch 10 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dọc đường văn nghệ (Phần 81) Cao Nhật Quyên, những trăn trở của nhà thơ xứ Ninh Hòa – Khánh Hòa - Trần Dzạ Lữ
Đơn dương! Mùa hoa quỳ vàng! - Vương Kiều
Dọc đường văn nghệ (Phần 80) Nguyễn An Bình, người miệt mài trả nợ văn chương - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả