Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
833
116.687.479
 
Đơn dương! Mùa hoa quỳ vàng!
Vương Kiều

 

 

      Sau ngày nghỉ bán cà phê với họa sĩ Hoàng-Đăng-Nhuận và Vượng-Tư thì công việc cuộc đời đưa đẩy với tôi là làm thủ kho cho đại gia Hồng-Hưng. Anh La-Hưng quê ở Tuy-Hòa, Phú-Yên, còn chị Hồng, cô gái Huế. Duyên nợ đã kết hợp họ thành vợ chồng ở đất hoa Họ đã cùng nhau tạo dựng sự nghiệp giàu có tại Đà-Lạt, chuyên kinh doanh rau, củ quả : Bắp sú, súp lơ, cà rốt, khoai tây . . . chở về chợ Cầu Muối, Sài-Gòn cho các đại lý phân phối. Đại gia Hồng-Hưng nhà ở đường Phan-Đình-Phùng, gần chùa Linh-Sơn. Ngược lại mỗi lần bốn chiếc xe tải 12 tấn quay về Đà-Lạt thì chở theo phân bón : Uré, npk, thuốc trừ sâu . . .để cung cấp cho các trang trại. Đại gia Hồng-Hưng còn có rất nhiều đất đai, vườn tược quanh quanh Đà-Lạt.

 

      Một buổi sáng đầu năm 1976 tôi ngồi ở quán cà phê chị Sáu ở Bến Xe thì gặp Trần-Nhơn vào quán cùng Nguyễn-Quang-Huy. Nhơn và Huy là đôi bạn thân, cả hai đều có khuôn mặt bi bi hài hài làm cảm động vui vui với người đối diện. Nhơn trước 1975 lang thang ở Đà-Lạt làm gia sư [ précepteur ] để sống, cô học trò mà Nhơn hay xúc động kể với tôi là cô Mỹ, con của bác Tùng, chủ quán cà phê Tùng nổi tiếng. Ừ ! Trước mỹ nhân hỏi ai không dâng trào cảm xúc.

      Sau ngày đất trời thay đổi, kẻ lãng du không vợ con, nhà cửa như Trần-Nhơn mà không thiếu đói sao được, thời gian ấy Nhơn tá túc ở nhà Giảng, người bạn Huế và nhà Tôn-Thất-Huyến ở đường Trần-Hưng-Đạo. Mỗi tuần tôi xin khéo anh chị Hông-Hưng một bao cát củ quả : Khoai tây, cà rốt . . . đưa cho Nhơn.

      Tôi làm thủ kho cho anh chị Hồng-Hưng khoảng chừng năm bảy tháng thì vào một buổi sáng tháng 2/1976 khi cái giá lạnh và sương đêm còn dày đặc, khi cả nhà Hồng-Hưng và người làm đang ngon giấc thì ở ngoài cổng vang lên nhiều tiếng la hét : “ Mở cổng ! Mở cổng ! “, cả nhà bừng tỉnh, tôi hốt hoảng cầm chìa khóa chạy ra thì trời ạ ! Một tiểu đội người súng úng đầy đủ hùng hùng hổ hổ bước vào nhà đọc lệnh tịch biên tài sản của đại gia Hồng-Hưng.

      Sau biến cố ấy công nhân, tài xế và tôi được đưa qua phục vụ ở Sở Giao-Thông Vận-Tải tọa lạc gần Viện Pasteur, tôi không biết lái xe nhưng biết viết công văn, đánh máy nên được đưa vào làm việc ở Phòng Thống-Kê, ngày ấy giám đốc sở là ông Trần-Công-Thắng, người gốc Phan-Thiết, ông diễn thuyết rất hay, dễ thu phục người nghe.

      Tháng 6/1976 tôi nhận được lệnh điều chuyển công tác về làm Đội Phó Đội 5 Hành Khách Đơn-Dương [thị trấn Dran].

      Đơn-Dương ! Đơn-Dương ! Thị trấn của hoa quỳ vàng [ hoa hướng dương ] của sương mù và đồi thông, duyên tình trời cho đã đưa tôi đến lãng du nơi ấy dài lâu. Miền thượng du nầy thật lạ lùng, trong vô thanh đầu thập niên 1960, ông họa sĩ Đinh-Cường từ Huế vào thuê gác trọ ở Lạc-Lâm để vẽ, rồi ông Trịnh-Công-Sơn dạy học ở Bảo-Lộc cũng tìm lên nhưng thi sĩ đầu tiên được gọi mời đến là ông Nguyễn-Đức-Sơn và bút hiệu “ Sao Trên Rừng “ ông đã chọn một vì sao nào đó trên bầu trời Đơn-Dương để rồi những vần thơ kỳ lạ từ đó xuất hiện :

 

HÁI  SAO

                              Đêm huyền tuổi mộng là đây

hân hoan tôi đếm cả bầy sao sa

                            mênh mông trời thẳm bao la

sao không rụng xuống mái nhà ấu thơ

                           biển xa mẹ có trông chờ

                      ru con lên tận ước mơ trên trời

                          lòng tôi thầm nghĩ xa xôi

                     gió rưng rưng khẻ cây đời xôn xao

                         một mai tôi lớn rừng cao

trèo lên cây hái rừng sao mang về

                        tuổi vàng ước mộng sum sê

                  hồn tôi rừng biến đam mê xa vời.

 

SAO TRÊN RỪNG

 

      Chuyến xe khách từ Đà-Lạt đưa tôi đến Đơn-Dương vào một buổi sáng tháng 6/1976, xe qua khỏi Trạm-Hành là bắt đầu lên đèo rồi đổ đèo Dran, hai bên đường là những hàng thông cao vút che bóng mát rợp cả đường đèo, nắng vàng ở đây hình như vàng hơn những nơi khác, nhìn xuống tầm xa là cả hồ nước mênh mông chan hòa trong nắng, hai bên hồ nước là những đồi thông ngút ngàn, đólà đập thủy điện Đa-Nhim [ Nước Mắt, theo tiếng dân tộc Churu ]. Hoa Quỳ Vàng, tức Hoa Hướng Dương [Tournesols] mà năm 1888 khi Tình Sầu Van-Gogh về ngụ cư ở Arles, nước Pháp, ông đã say mê với màu vàng rực rỡ nầy và đã sáng tạo bức tranh Tournesols để lại cho đời sau hết lời ngợi ca, chiêm ngưỡng, trong một bài báo nào đó mà tôi đã đọc lâu thật lâu thì bức tranh nầy trong cuộc bán đấu giá, một nhà sưu tầm Nhật-Bản đã mua với giá 82 triệu dollars.

      Ngày 21/6/1893 bác sĩ Alexandre Yersin trên đường đi khám phá cao nguyên Lang-Biang, mở đường cho một kiến trúc Đà-Lạt tuyệt vời sau nầy. Trên đường đi ông đã dừng lại Diom, nay là Lạc-Xuân thuộc Đơn-Dương. Trong nhật ký của ông được nhà văn Lương-Thanh-Hiền diễn dịch trong bài viết “ Đêm Miền Thượng “ có những đoạn :

“. . . Bây giờ thì giấc mơ thám hiểm cao nguyên Lâm-Viên của tôi đã trở thành hiện thực. Khí hậu ở cao nguyên nầy thật giống khí hậu vùng ôn đới. Nó làm tôi có cảm tưởng mình đang ở một khu rừng châu Âu. Màn sương giăng kín trời lành lạnh, tiếng côn trùng rả rích. Cuộn tấm chăn làm gối tôi kê đầu lên và nằm bên ánh lửa bập bùng. Khép đôi bờ mi, tôi nhớ lại cảnh tượng và cảm xúc ban chiều, cái khoảnh khắc vừa bước ra khỏi rừng thông ngút ngàn, cao nguyên rộng lớn mở ra trước mắt. Núi rừng, suối thác và trùng điệp những ngọn đồi, tất cả tạo nên một quang cảnh tuyệt vời. Tất cả những mệt mỏi sau hai ngày đi đường từ Rioung lên đây tan biến, khi những làn gió trong lành không ngừng mơn man vào da thịt. Những nhánh lan rừng khoe sắc rực rỡ bên suối, trên bầu trời trong biếc, những con chim nhỏ chao lượn, hết bay lại sà vào những tàn thông xanh rì cất tiếng hót véo von. Tôi có cảm giác mùa xuân vĩnh hằng ở nơi chốn nầy. Những cư dân người Lạch đón tiếp những người thám hiểm chúng tôi bằng ánh mắt dè dặt. Trong mắt họ bản thân tôi là người rất khác lạ, không phải người Việt nhưng nói được tiếng của người Kinh.

      Người phu dẫn đường giới thiệu tôi với họ rằng, tôi là bác sĩ Alexandre Yersin đến để chữa lành bệnh cho mọi người. Tôi lấy ra những lọ thuốc và chỉ dẫn cho ông Già Làng công dụng trị bệnh của từng loại thuốc. Ông Già Làng mặc mỗi chiếc khố thổ cầm, phơi trần một thân thể khỏe khoắn, rắn chắc như khúc gỗ mun, râu tóc ông dài và bạc trắng, miệng ông ngậm tẩu thuốc phả khói ra mỗi lúc ông gật gù nghe tôi nói, ông ta làm tôi nhớ đến những ông già Pháp, cụ thể là bố và ông nội tôi, lúc nào cũng ngậm tẩu phì phà khói, nhất là vào những ngày đông giá rét. Tôi thoáng nhớ quê hương xứ sở và những con người thân yêu nhất của tôi. Bố và ông nội mất trước lúc tôi chào đời, vì thế tôi luôn nhớ họ bằng di ảnh qua lời kể của mẹ, của chị . . .Hai chàng thanh niên khiên đến đặt trước mặt chúng tôi một ché rươu cần. Họ châm nước vào ché, cắm những ống tre nhỏ và mời chúng tôi uống. Vị rượu đắng nồng khi vào miệng tôi nhưng bắt đầu ngọt thơm khi xuống cổ. Tiếng cồng chiêng dìu dặt vang lên, những cô gái chừng 14, 20 tuổi trong những bộ áo thổ cầm xinh đẹp nhịp nhàng múa cho chúng tôi xem . . .

      Tôi đang tận hưởng một thứ văn hóa tuyệt vời. Cái tộc người mà trước đây người Tây chúng tôi luôn cho là mông muội, man rợ, người ta gọi họ là Mọi, là Thượng với ý miệt thị . . .Tư tưởng trọng mình và khinh chê người khác thật là một điều cần đấu tranh, loại bỏ thì con người mới có một thế giới hòa bình nhân ái được.

      Ánh nắng chiều vàng thắm trải rộng những khu đồi trọc điệp trùng, những tàn thông xanh phản chiếu tia sáng lấp lánh, quang cảnh cao nguyên đẹp đến mê hồn. Những bãi cỏ tranh nở bông trắng lung lay trong gió, một chú nai lạc đàn tìm xuống uống nước bên bờ suối. Anh bạn khuân vát của tôi giương cây súng lên nhắm bắn, tôi cản lại. Tôi ghét cái thú săn bắn của con người.

      Trong khi bốn anh phu khuân vát người Việt của tôi đốt lửa nướng con thỏ rừng, tôi leo lên một vách núi nhỏ để thu thập một số mẫu thực vật nhiệt đới. Tôi mãi mê theo những cành thông đỏ, hái những trái nhỏ tròn, tôi biết chúng là một loài thực vật quý không phải nơi đâu cũng có được. Một bóng áo thổ cầm cùng chiếc gùi trên vai xuất hiên trước mặt tôi. Đó là một cô gái người Thượng, cô cúi mặt chẳng dám nhìn tôi. Tôi cất tiếng chào cô một cách lịch sự bằng tiếng K ho mà ông Già Làng đã dạy cho tôi :

  • Niêm sa oh ! [Mến chào em]

Cô đáp lời :

  • Chào ông bác sĩ người Tây.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại :

  • Sao cô biết tôi là bác sĩ ?

Cô gái mỉm cười :

  • Chẳng phải lúc chiều ông vào uống rượu với Già Làng chúng tôi sao ! Tôi là một trong những cô gái đứng múa cho ông xem mà.

      Tôi ngỡ ngàng :

  • Ra thế ! Bây giờ cô lên đây làm gì ?

Cô gái trả lời :

  • Tôi đi hái rau rừng.

Cô gái bước đi trong tiếng hát như một con chim rừng vứa bay vừa hót. Tôi chợt nhớ ra cô gái ấy chính là cô gái múa đẹp nhất trong nhóm múa.. .

      Tôi nhận thấy đây là một vùng đất tuyệt vời về khí hậu đất đai và phong cảnh đẹp như tranh vẽ khiến bất cứ ai một lần đến nơi nầy thì còn muốn trở lại những lần sau nữa. Sương đêm bỗng tan đâu hết, tôi nằm nhìn bầu trời trong vắt đến kỳ lạ, sao trời nhấp nháy trên cao, không gian mênh mông, tiếng côn trùng kêu hòa lẫn tiếng nước suối ầm ào chảy. Tôi thiêm thiếp ngủ và tôi mơ . . . Tiếng cồng chiêng vọng vang từ ngàn ánh lửa cháy dưới bầu trời đêm, cô gái xinh đẹp đang nhảy múa nhịp nhàng cùng chàng trai người Thượng tuấn tú, tôi đưa tay múa những điệu vũ của dân tộc Lạch, những vạt thổ cầm lộng lẫy của nàng quấn quít lấy tôi, tôi nghe hơi thở và cảm được sự rạo rực nồng ấm của nàng. Nàng đẹp như một bông lan rừng rực rỡ nhất mà tôi từng nhìn thấy, đôi mắt nàng trong biếc như dòng suối Lạch, đôi tay nàng mềm mại. Và đôi môi nàng nồng nàn như vị rượu cần. Tôi say . . . tôi say ngây ngất trong vòng tay nàng.

      Trong đôi mắt màu xanh của tôi, nụ cười, điệu múa cùng bộ xiêm y thổ cầm diễm lệ và nhất là ánh mắt của cô gái ấy cứ hiện ra trước mắt tôi. Có lẽ tôi đã bị cô gái Thượng ấy bỏ bùa thật. . . .

      Khi nào tôi chết đi, hãy liệm tôi nằm sấp để tôi được ôm vĩnh viễn mảnh đất nầy. . .”

      Tháng 9/1993 tôi và Cao-Hữu-Điền dẫn một đoàn khách Tây ông, Tây bà du lịch Đà-Lạt, trên đường về Nha-Trang tôi đã dẫn đoàn khách Tây vào viếng mộ Alexanhdre Yersin, ngôi mộ nằm về hướng núi giữa Cam-Ranh và Nha-Trang, từ QL 1 xe chạy vào khoảng 2 km thì dừng và phải đi bộ vào một khoảng xa. Mộ nằm thoai thoải trên đồi không cao lắm, phải bước lên 20 – 25 bậc cấp. Ngôi mộ giản dị, chỉ có những hàng cây cổ thụ quanh mộ là kỳ vĩ như sự kỳ vĩ của Alexandre Yersin đã hiến dâng cho đất Việt.

      Chuyến xe khách từ Đà-Lạt đưa tôi về thị trấn Dran khoảng 10g hơn, tôi không vội đến trình diện ở đội xe mà xuống ở ngã ba bồng binh rồi thả bộ ngắm nhìn phố thị, ghé vào quán Hương-Sơn uống một ly cà phê rồi đi tiếp theo con đường Hai Bà Trưng vòng vào đập Đa-Nhim, tôi dừng chân trước ngôi chùa Giác-Hoàng có bậc cấp cao dẫn lên chùa, hai bên là cây cao bóng cả, kiến trúc của chùa vừa cổ kính vừa hiện đại. Đây là cõi tâm linh của người dân Dran hiền hòa và cỏ cây hoa lá, vườn tược ở nơi đây toát lên màu xanh tươi tốt làm mát lòng cho khách lãng du từ phương xa đến. Tôi men theo con dường nhỏ có những thửa ruộng vàng lúa, những vườn hồng đỏ thắm và những khoảng đất trống vàng rực hoa quỳ vàng..Thủy điện Đa-Nhim dài cả 1,60km, đứng xa xa mà nhìn thì như bức tường thành đá xanh hòa lẫn với hai ngọn núi hai bên. Theo nhà báo Nguyễn-Hàng-Tình cho biết :

“  Tôi gặp ông Trần-Văn-Nên, một người từng tham gia xây dựng đập Đa – Nhim từ ngày đầu đến khi hoàn thành, còn về sự vỡ đập thì ông cho biết : - Làm sao vỡ được mà lo. Người Nhật đã làm là không có cẩu thả, đến đất xây đập người ta còn nghiên cứu, chọn thứ đất đảm bảo kết cấu nhất để chở về đây. Họ kỹ đến mức tôi thấy khó chịu. “ Ông Nên bày tỏ. Điều ông muốn kể là đến đất đổ đắp đập, người ta nhặt từng cây cỏ lẫn trong đất, cào lớp đất mặt đổ đi trước khi lấy lớp đất sét bên dưới để đưa về. “

      Đập Đa-Nhim phát nguồn sáng  cho phố thị Đơn-Dương và Đà-Lạt đến nay [2022] đúng sáu mươi năm cuộc đời nhưng Đa -Nhim vẫn bền vững, vững bền như hai ngọn núi hai bên đập, đúng là người Nhật với nền giáo dục căn cơ nhất thế giới nên đã tạo dựng một tác phẩm tuyệt vời cho người Đơn-Dương và dân Việt.

      Tháng 6 mùa hạ, nắng Dran cũng làm đổ mồ hôi, tôi đi theo con đường nhựa vào thôn Quảng-Lạc, nhìn vào phia trong thấy những hàng cau và những cây mít rợp bóng, một con đường nhỏ hai bên hoa quỳ vàng và những bông hoa khác nở rộ. Tôi đi vào thì thấy một ngôi nhà ván thật rộng, phía trên có một tấm bảng màu vàng có hàng chữ xanh :

                 THÁNH THẤT CAO ĐÀI THÔN QUẢNG LẠC - ĐƠN DƯƠNG

      Tôi ngồi xuống trước cổng chùa để nghỉ và châm thuốc hút . . .

  • Cháu đi đâu mà ngồi đây ?

Một giọng Huế của người phụ nữ vang lên sau lưng tôi. Tôi quay đầu lui thì thấy một bác gái chừng trên năm mươi. Tôi đứng dậy đáp :

  • Thưa bác, cháu mới đổi về đây công tác đang tìm chỗ ở.
  • Vậy thì vào đây ở với bác.

      Sự đời mọi việc đều có nhân duyên, vợ chồng bác Luyến ở trong một mái tranh rộng rãi bên cạnh chùa để lo hương khói, phía sau có một giếng nước và khu vườn trồng mít trồng bắp cách đập Đa-Nhim khoảng một km, bác Luyến gái gốc An-Cựu, Huế, còn bác trai gốc Hà-Tĩnh.

      Ba năm làm việc ở bến xe Đơn-Dương tôi đã ở trong Thánh-Thất Cao-Đài với vợ chồng bác Luyến, hai bác không có con, nương vào nhau để an ủi tuổi già, ngày ngày làm nương rẫy để sống, rảnh rỗi tôi phụ giúp mọi việc, nhiều khi hết củi tôi vát rìu leo lên núi tìm thân cây khô đốn ngã vát về. Buổi sáng leo lên đỉnh núi của đập Đa-Nhim mới nhìn bao quát hết thị trấn Hoa Quỳ Vàng, nói là đỉnh nhưng không, trên ấy là một rừng thông mênh mang, còn có những cây cao bóng cả khác, và lan rừng nhiều loại rực rỡ nơi cây nầy cây kia, còn sương . .. như giải lụa trời cho bềnh bồng, thướt tha khắp không gian Đơn-Dương, tứ Lạc-Lâm cho đến đèo Ngoạn-Mục, bay vờn lên tới Trạm-Hành.

      Bến xe Đơn-Dương là một khoảng đất rộng trước chợ Lạc-Nghiệp, Đôi 5 Hành Khách nằm bên cạnh, điều hành Đội chỉ có ba người, ông Trịnh-Văn-Dần làm đội trưởng,, Đặng-Văn-Khiêm kế toán và tôi. Trách nhiệm của đội là quản lý xe và tài xế, phân tài, phân chuyến. Còn bến là đơn vị độc lập, chuyên bán vé cho khách do bác Tư-Đông điều hành. 69 đầu xe do đội quản lý có đầy đủ xe lớn xe nhỏ chạy các tuyến đường : Nha-Trang, Phan-Rang, Bảo-Lộc, còn những tuyến nội tỉnh thì có Đà-Lạt, Đức-Trọng, Ka-Đô . . .

 

      Dân Dran là một hợp chủng của mọi tỉnh thành : Huế, Quảng-Nam, Nha-Trang . . .nguồn sống của vùng đất nầy thật lạ lùng, người ở đây đều chân thật, hiền hòa, bán buôn không nói thách, giá sao bán vậy, ngay cả bến xe nơi tôi làm việc gần ba năm, bến xe là nơi hỷ, nộ, ái, ố, cái cảnh tranh tài, tranh khách diễn ra ở các bến xe khác là chuyện thường, nhưng bến xe Đơn-Dương không hề có cảnh ấy, anh em tài xế sống với nhau như trong một đại gia đình, tôi chưa hề nghe họ phát ra những tiếng chưởi thề.

      Công việc của tôi ở đội 5 là làm thủ quỷ thu tiền lệ phí doanh thu, thống kê hoạt động của đội và thay mặt đội trưởng ký lệnh vận chuyển mỗi khi cần thiết Biến cố đau thương trong thời gian ấy là vào tháng 9/1977. Vào một buổi chiều khi đội đang làm việc thì các bác tài hốt hoảng chạy vào báo tin : “ Xe của cậu Thuấn gặp tai nạn rớt xuống đèo Bảo-Lộc, cậu Thuấn chết rồi. “

 

      Thuấn là con bác Tư Đông [bến trưởng] bác có một chiếc xe ca 54 chỗ chạy tuyến đường Đơn-Dương – Bảo-Lộc. Tai nạn là biến cố lớn làm rúng động người dân Dran, Thuấn cũng là bạn tôi, có đêm uống rượu say tôi đã ngủ lại với Thuấn trong căn nhà gần rạp xi-nê. Hình ảnh khi đưa tang Thuấn qua cầu Dran đi về phía núi là cô Vương-Ngọc-Bích, người yêu của Thuấn, cô gục đầu lên vai người bạn khóc hết nước mắt, cô Ngọc-Liên, con bác Vương-Văn-Dậu, một người đạo hạnh, chuyên lo việc Phật sự ở chùa Giác-Hoàng, còn cô Liên là giáo viên dạy ở trường tiểu học Đơn-Dương, em ruột cô Liên là Vương-Ngọc-Bích, một mỹ nhân của Đơn-Dương, nàng đẹp như một bài thơ tình, đàn ông ai một lần đã gặp thì đêm nằm không khỏi mơ tưởng, nàng cũng là giáo viên dạy ở Thạnh-Mỹ.

      Trong tai nạn bi thương ấy ngoài Thuấn tử nạn, còn có cô Hương mới mười tám, đôi mươi vĩnh viễn đi theo Thuấn. Tôi đã thay mặt đội 5 vào Lạc-Lâm thành kính phân ưu cùng gia đình.

      Dran là điểm khởi đầu để sau nầy bác sĩ Yersin khám phá cao nguyên Lang-Biang. Ngày xửa ngày xưa Dran gọi là trạm, chỉ có dân tộc Chu-Ru và K hor sinh sống, dân Việt cuối thế kỷ 19 mới bắt đầu đến đây. Đầu thế kỷ 20 người Pháp mới xây dựng phố thị với dãy nhà kiên cố lợp ngói. Đó là phố Nguyễn-Công-Trứ bây giờ, nơi có một bưu điện nhỏ mà tôi thỉnh thoảng gởi thư về thăm ba mẹ ở Huế và cũng chính bưu điện nầy mà nhạc sĩ Trịnh-Công-Sơn đã gởi cho Ngô-Vũ Dao-Ánh ở Huế những bản tình ca bằng thư khi ông lên buồn vui với họa sĩ Đinh-Cường ở gác trọ Lạc-Lâm :

Dran, ngày 11/11/1964

                          Dao Ánh ! Dao Ánh ! Dao Ánh !

                         Ánh ơi !

      Anh từ B lao hai giờ lên đến đây lúc năm giờ. Suốt con đường đó hoa tournesols mọc vàng hai bên đường. Rừng núi mùa nầy hoa vàng sáng rực. Sao không là sinh nhật Ánh ? Anh có ý nghĩ đổi ngày sinh của Ánh đó, Ánh có bằng lòng không ?

      Đây rất gần Đà-Lạt, chỉ đi có ba mươi phút thôi !. Anh lên đây thì anh Đinh-Cường ở Dran chưa về. Anh leo lên căn nhà gỗ sàn, chung quanh là núi cao, là mây mù, là suối reo, là gió rét, là quạnh quẽ. Anh ngồi trong căn phòng riêng của anh Cường, chung quanh những bức tranh mang hình ảnh màu sắc của núi đồi vừa vẽ xong. Và cơn mưa xám mù chợt đến. Anh Cường cũng trở về, đội mũ béret, mặc pardessus co mình và chúng anh mừng rỡ như nổ. Rồi như thế mà đêm đã về đen nghịt. Tiếng hát Châu-Hà quý báu ở đây, ngoài kia trời chỉ còn thấy viền núi đen cao ngất bao quanh. Tiếng suối chảy buồn. Trong căn phòng anh Cường đốt đén sáp trắng ngồi vẽ chân dung anh, chúng anh uống rượu cho nồng đêm hơn, cho nỗi vui mừng rộng lớn hơn. Trước mặt anh có Camus, Hemingway, James Dean, Kafka, Steve Mc Queen và những cọng lau dài gió thổi phất phơ làm hoa trang điểm.

      Đêm ở đây buồn như đêm ở B lao nhưng chúng anh đang có nhau nên không thấy điều đó. Có lẽ anh sẽ kiếm một số tiền kha khá để lên đây hùn vốn làm rẫy và bỏ đi những ngày công chức ở đó đi. Anh sẽ sống cho mòn đời anh đi cuối cùng chết không còn ai, không có ai cho đúng với ý nghĩa khắc nghiệt của định mệnh rừng  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

                                                                                                         

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 472
Ngày đăng: 31.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 80) Nguyễn An Bình, người miệt mài trả nợ văn chương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 79) Nghiêm Thị Hằng với bài thơ mùa hoa cải - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 77) Phan Văn Thịnh, mạch nước ngầm đang tuôn chảy âm thầm - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ ( Phần 76) Thụy Sơn, nhà thơ đi tìm sự vĩnh cữu của tâm hồn - Trần Dzạ Lữ
Nhớ Về Nhà Thơ Luân Hoán - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (phần 75) Nguyễn Thị Minh Kiên, cô giáo, người thơ bên dòng sông Lam xứ Nghệ… - Trần Dzạ Lữ
Pleiku! Đêm ba mươi tết - Vương Kiều
Dọc đường văn nghệ (Phần 74) Nguyên Bình, người siêng năng luyện chữ để tìm vui thú trong văn chương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 73) Đinh Ngọc Diễm Thư, nhà thơ xứ An Giang - Trần Dzạ Lữ
Quán hớt tóc - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)