Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.691.677
 
Một cõi đi về (phần 2)
Vương Kiều

 

. . .Thập niên 1960 tên tuổi Trịnh-Công-Sơn đã là hiện tượng kỳ lạ trong nền âm nhạc Việt-Nam. Nhạc của ông là một cõi riêng, không ảnh hưởng bất cứ nhạc sĩ tài hoa nào trong nước cũng như trên thế giới, nhất là ca từ, là cả hồn thơ ẩn hiện triết lý nhân sinh.

      Thủa ấy trong thành nội - Huế có quán cà phê “ VĂN “ chủ nhân là nhà thơ Huyền-Kỳ, ngồi ở quán bên ly cà phê đen với khói thuốc Bastos, Capstan . . .để thưởng thức nhạc Trịnh-Công-Sơn qua hồn ca Khánh-Ly thì bao nhiêu lo âu, khói lửa chiến chinh như có một bàn tay ấm nồng vỗ về an ủi.

 

      Phương-Xích-Lô và tôi mỗi khi túi có năm đồng ba trự thường vào “ Quán VĂN “ ngồi suốt buổi. Có thể nói bằng hữu của Trịnh-Công-Sơn thời ấy là thế hệ vàng của non nước “ Thần Kinh “. Cõi thơ có thi sĩ Ngô-Kha, Trần-Vàng-Sao, Lê-Văn-Ngăn, Thái-Ngọc-San . . .Hội họa có Đinh-Cường, Bửu-Chỉ, Lê-Văn-Tài, Hoàng-Đăng-Nhuận . . .Tất cả những bậc tài hoa ấy đều là bạn thân của nhau được người xứ Huế cũng như khắp nơi yêu mến, kính trọng, bởi suốt đời họ hiến dâng cho nghệ thuật chẳng màng gì khác.

 

Năm 1988 sau thời gian làm thủ kho thì tôi xin chị Sáu Phượng nghỉ việc để mở cơ sở sản xuất tăm nhang qua tham mưu của Đoàn-Đại-Oanh, tôi thuê mặt bằng ở Phương Linh-Xuân, Quận Thủ-Đức. Tôi thường lên Tỉnh Bình-Phước thuê người Thượng chặt lồ ô chở về Sài-Gòn vừa sản xuất vừa bán. Tỉnh Bình-Phước nơi có núi Bà-Rá mà năm 1968 trong tạp chí “ Mã Thương “ có đăng bài thơ “ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ “ của T-P, sau nầy tôi mới biết đó là bút hiệu của nhà thơ Truy-Phong, hồi ấy tôi thuộc gần hết cả bài thơ dài hơn cả trăm câu :

                                           . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                                          Anh đày Bà-Rá Côn-Sơn

                                         Anh dọa Sơn-La Lao-Bảo

                                         Anh đoạt hết cơm hết áo

                                        Anh giựt hết bạc hết vàng

                                       chặt đầu ông lão treo hàng thịt

                          mổ mật thanh niên giữa chiến trường

                                      . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

      Bà-Rá là ngọn núi cao duy nhất trên núi rừng tỉnh Bình-Phước, ở nơi ấy giặc Pháp đã xây dựng nhà tù đày đọa những người yêu nước.

      Một ngày tôi thả bộ ở thị trấn Phước-Bình thấy một quầy sách báo bên đường, tôi ghé vào mua mấy tờ báo. Trời ạ ! Chủ quầy báo là nhà thơ Huyền-Kỳ, tôi sửng sốt hỏi :

  • Anh Huyền-Kỳ ! Sao anh lưu lạc vào đây ?

Anh cười cười, tính tình vẫn hiền lành như ngày trước :

  • Ừ ! Thì anh rời khỏi Huế đi kinh tế mới, sách báo ở bến xe miền Đông trưa trưa chở lên, vợ con hằng ngày đi làm nương rẫy.. .

Nhà thơ Huyền-Kỳ thời nào cũng thân thiện, những bài thơ của anh tôi chỉ còn nhớ hai câu :

Tiếng gà đã rộn trong thôn

con thuyền còn buộc đợi chờ ai đây ?

      Cơ sở tăm nhang của tôi chỉ tồn tại hơn một năm thì phá sản, ngày ấy thủ kho là Lê-Văn-Chương, bạn tôi người ở Truồi lưu lạc vào Sài-Gòn kiếm sống. Giải quyết xong công nợ, Chương và tôi về tạm trú ở chùa Châu-Long, Bà-Chiều, Q. Bình-Thạnh của nhà báo Hồ-Đề, ngày ngày bữa đói bữa no, hai đứa đi chung một đôi dép và cũng thời gian ấy tôi đã dịch tác phẩm Sea-Wolf [Sói Biển] của Jack-London thành The Ghost-Ship [Con Tàu Ma] mà năm 2011 Nhà Xuất Bản Thuận-Hóa đã cấp phép để in và phát hành.

      Thời gian tôi điều hành Văn-Phòng Du-Lịch VYC 8 ở Võ-Văn-Tần – Q.3 – Sài-Gòn từnăm 1991 – 1995, bạn bè khắp nơi thường tìm đến. Anh Trịnh-Xuân-Hà, sĩ quan QLVNCH, em ruột Trịnh-Công-Sơn, là một võ sư cao cường, tam đẳng, nhị đẳng, thỉnh thoảng đến rủ tôi đi ăn sáng, uống cà phê . .anh thích hút thuốc Dunhill, nhiều lần anh ngỏ ý tôi đến nhà chơi thăm anh Trịnh-Công-Sơn.

      Vào một buổi sáng tôi và Lê-Hữu-Khanh [Trung Tá PA, cố vấn của tôi] đến 47c – Phạm-Ngọc-Thạch. Trịnh-Xuân-Hà vui vẻ đón chào, sáng ấy Dương-Đình-Vinh, anh ruột của họa sĩ Dương-Đình-Sang cũng đã có mặt, anh Trịnh-Xuân-Hà nói :

  • Anh Sơn còn ngủ để mình vào xem anh dậy chưa. Lúc ấy là gần 9g sáng, một lát sau anh Sơn đi ra nhẹ nhàng chào hỏi. Trà, cà phê anh Hà tiếp khách đầy đủ. Tôi ngồi cạnh anh Trịnh-Công-Sơn, chiếc quần tôi mặc mà vợ tôi may giống màu sắc PA của Lê-Hữu-Khanh, anh Sơn hỏi nhỏ tôi :
  • Toi ! Toi ! cũng ở bên đó à ?

Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi gật đầu, tự nhiên giọng anh Sơn có phần tỉnh táo hơn, có lẽ anh không ngờ một thằng lang thang bất biết như tôi mà cũng là PA.

      Thời nhà thơ Lê-Văn-Ngăn [1943 – 2015] còn tại thế, nhiều khi chúng tôi ngồi ở quán bên đường với một vài chai rung rinh, Lê-Văn-Ngăn thường kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về Ngô-Kha, Thái-Ngọc-San . . .riêng Trịnh-Công-Sơn thì có những câu chuyện thú vị như thế nầy thời Trịnh-Công-Sơn ở Qui-Nhơn theo học Trường Sư-Phạm.

Qui-Nhơn, cõi đất của hồn thiêng sông núi, bao nhiêu bậc tài hoa, anh kiệt đều tìm đến và để lại tác phẩm lưu danh cho hậu thế. Giọng của Ngăn lúc nào cũng chậm rãi, thiệt lời, Ngăn kể :

«  Ở Qui-Nhơn thời ấy có một Đại Ca Thay [ Thành Đầu Bò ] bảo kê cho những quán bar, quán cà phê . . .rất mê nhạc Trịnh-Công-Sơn thường khoe với đàn em rằng : « Tụi bây biết không ! Trịnh-Công-Sơn sáng tac` bài «  Diễm Xưa «  . . .mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ . . .là hình ảnh mưa rơi trên tháp Chàm của Qui-Nhơn đó. »

      Thủa ấy Trịnh-Công-Sơn thích lặng lẽ một mình tìm đến quán cà phê Tuyết - Nhung, Phi-Điệp ngồi bến ly cà phê đen với khói thuốc, ông thường vào quán không chào ai, hỏi ai, chỉ tìm một bàn vắng nhìn trời, nhìn đất, cảm xúc với cuộc đời. Về lâu, về lâu, Thành Đầu Bò thấy ông nầy cứ một mình xuất hiện mãi đâm gai mắt. Bữa nọ Đại Ca Thay của đất Bình-Định sai đàn em đến lột cặp kính ông đang đeo, không biết ông Sơn khi ấy phản ứng thế nào, có lẽ ông lặng lẽ bỏ ly cà phê còn bốc khói bước ra khỏi quán.

      Không biết sau nầy có ai nói với Thành Đầu Bò con người lặng lẽ uống cà phê một mình đó là nhạc sĩ Trịnh-Công-Sơn. Thành Đầu Bò rụng rời tay chân vội vã sai đàn em đi khắp Qui-Nhơn hỏi cho ra nơi ở của Trịnh-Công-Sơn, rồi vội vã tìm đến vô cùng tạ lỗi để trao lại cặp kính. « 

Ở miền biển quê tôi có anh Lê-Đức-Liêm, hiện nay ở Phú-Diên, H. Phú-Vang/TT-Huế, anh yêu thích văn học, kiến thức rộng. Mỗi năm tôi về thăm quê, thỉnh thoảng ngồi với anh bên dòng phá Tam-Giang, uống vài chai bia, mặn mà với cá mực của biển. Anh kể cho tôi những kỷ niệm với Trịnh-Công-Sơn thời anh vào Qui-Nhơn trọ học. Anh nói :

«  Từ năm 1963 anh đã vào Qui-Nhơn trọ học ở nhà sách Đại-Chúng - Đường Gia-Long, những lúc nghỉ học anh thường ra bán sách, Trịnh-Công-Sơn hay đến nhà sách tìm mua những tác phẩm văn học, đặc biệt là những tác phẩm viết về hai thiên tài Mozart và Beethoven. Anh thấy cậu bé đồng hương hiếu học nên rất mến thương. « 

Theo lời anh Liêm thì trước khi rời Qui-Nhơn Trịnh-Công-Sơn có tặng cho anh một tập nhạc in Ti-Pô được anh sáng tác ở Qui-Nhơn trong ấy có bài «  Biển Nhớ «  nổi tiếng sau nầy

      Trong hồi ký của anh Lê-Đức-Liêm, anh nhớ lại :

      «  Hồi ấy ở Qui-Nhơn có Trường Sư-Phạm đào tạo giáo viên dạy lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học Theo học trường nầy có nhiều anh chị ở Huế vào.

      Thời điểm ấy rất ít người Huế vào làm ăn sinh sống, có thể chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vả lại Qui-Nhơn còn là một thị trấn nhỏ cho nên chúng tôi dễ quen biết nhau mà chẳng cần quan tâm xuất thân từ thành phần xã hội.

      Trong số giáo sinh [ sinh viên sư phạm hồi ấy ] thường đi lại hiệu sách rồi từ đó quen thân với chúng tôi có hai anh là Trịnh-Công-Sơn và Thân-Trọng-Thầm, đặc biệt là anh Sơn, anh vừa là giáo sinh vừa phụ đạo âm nhạc cho trường. Vì vậy anh rất cần nhiều sách âm nhac cả trong và ngoài nước để nghiên cứu giảng dạy [ phần nhiều là mượn xem tại chỗ, chứ ít khi mua, mà tiền đâu các anh ấy có nhiều mà mua ] đa số các sách anh yêu cầu nếu có tôi đều tìm cách đáp ứng, kể cả tìm cách cho anh mượn mang về. Đổi lại chiều thứ bảy, ngày chủ nhật anh thường đến chơi dạy kèm tôi và nhận thư từ của nhà nếu có. Sau nầy khi anh ra trường và tôi cũng về Huế. Thỉnh thoảng anh đi bát phố với nhóm bạn của anh như họa sĩ Đinh-Cường, họa sĩ Lê-Văn-Tài, Tôn-Thất-Văn . . .mỗi lần gặp anh, anh chào hỏi rất ân cần, niềm nở.

      Anh xuất bản tập mười bài du ca có đề tặng tôi một tập. Tuy chẳng hiểu gì về âm nhạc song tôi rất trân trọng gìn giữ. Đáng tiếc sau nầy cậu bạn tôi hỏi mượn mà không hoàn lại.

      Sau giải phóng, khoảng đầu năm 1976, tôi tình cờ gặp anh một cách chớp nhoáng tại bến tàu Đá Bạc, H. Phú-Lộc/TT-Huế, anh giương hai mắt sau cặp kính cận to quá khổ nhìn trân trân vào tôi, hình như anh cố lục tìm trong ký ức về tôi. Sau một thoáng ngỡ ngàng chúng tôi đã nhận ra nhau qua vài câu hỏi thăm không đầu không cuối, hai chúng tôi phải vội vã giã từ vì tàu sắp rời bến . . .

      Tôi không ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng. »

 

      Tôi may mắn được gặp anh lần cuối khi văn phòng du lịch của tôi đóng cửa đã lâu, Cao-Hữu-Điền làm hướng dẫn viên ở công-ty lữ hành khác. Sáng hôm ấy Điền rũ tôi đi uống cà phê ở Givral đường Đồng-Khởi [ Tự-Do xưa ]. Mới vào quán thì tôi thấy Trịnh-Công-Sơn và họa sĩ Hoàng-Đăng-Nhuận đang thân tình trò chuyện bên khói thuốc. . .

      Còn Phương-Xích-Lô tôi gặp lần sau cùng là vào năm 2000. Võ-Văn-Nhân người đạp xích lô thường chở Bùi-Giáng rong rêu khắp đô thành đã chở Phương đến thăm tôi ở Q.Tân-Bình. Bên cốc bia tôi nói với Phương rằng :

  •  Thiên hạ nói Phương điên nhưng mi điên gì mà điên, cái điên của mi là bệnh làm thi sĩ.

Phương trả lời :

  • Thằng T. nói đúng.

Còn họa sĩ Bửu-Chỉ, vào đầu năm 2002 tôi về thăm Huế, buổi sáng hôm ấy tôi chở con tôi vào hoàng thành Huế thì gặp Bửu-Chỉ ở cửa Ngăn, họa sĩ đi xe Cha-lie, Chỉ ngạc nhiên hỏi :

  • Mi ra khi mô ?
  • Ra Huế bốn năm hôm rồi !
  • Ra thì ghé liền chớ ! thôi qua Thiên-Đường uống cà phê.

Ngồi ở quán tôi nhìn Bửu-Chỉ thầm nghĩ «  Mập quá, cái cổ căng ra đỏ hồng . . . »

      Và tháng 6/2002 sau cơn lưu linh Phương-Xích-Lô đã nhảy xuống dòng sông ở Quảng-Trị tìm trăng giữa ban ngày. Cùng tháng 12 năm ấy, Bửu-Chỉ cũng đã «  Một Cõi Đi Về «  sau Trịnh-Công-Sơn hơn một năm.

      Viết về nhạc của Trịnh-Công-Sơn, nhạc sĩ Văn-Cao đã lưu lại cho hậu thế những lời vàng ngọc nầy :

«  . . .Bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. . .trong âm nhạc của Sơn ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc học Phương Tây, Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra . . . »

 

      Ngày Trịnh-Công-Sơn giã từ cõi tạm, Bửu-Chỉ đã từ Huế bay vào Sài-Gòn tiễn biệt, sau nầy ông đã để lại những dòng cảm xúc nầy :

«   . . . Tôi lặng lẽ đi vào phòng khách ở tầng dưới, thấy Sơn vẫn nằm đó. Một tấm mền Quang-Minh phủ kín hình hài Sơn từ đầu đến chân. Khoảng ở nơi mặt có một đóa hoa sen, ở giữa hoa sen có chữ «  A U M «  [chữ Phạn} mang ý nghĩa của sức mạnh tâm linh và sự giải thoát. Sơn nằm trong sự che chở của Phật A Di Đà.

. . . tôi ngồi xuống chân cầu thang, nhìn Sơn nằm đó, đầu óc tôi trống rỗng, đôi khi muốn khóc nhưng chẳng khóc được. Nhiều lần tôi định lật tấm mền để nhìn mặt Sơn lần cuối, ngại người trong nhà nên lại thôi.

      Mãi đến gần tối khi những người em của Sơn ở Canada từ phi trường về, lật tấm mền Quang-Minh ra xem rồi lăn ra khóc, khi ấy tôi mới thấy được mặt Sơn. Tôi cầm bàn tay tài hoa nay đã giá lạnh và thầm nói mình đến với Sơn đây. . .

      Hình hài Sơn như Chúa vừa mới được bế từ Thánh Giá xuống và đặt trong tấm vải liệm. Sơn như thanh thản ngủ nhưng trán có hơi cau lại một chút . . .

      Hôm sau tôi đến viếng Sơn một vòng hoa rồi ngồi lẫn với đám bình dân vô danh mến mộ Sơn. Đám người nầy trung thực, chất phác và thủy chung. Tôi thấy có cả những người hát xẩm ăn mày mù, hôm ấy áo quần cố gắng tươm tất, mang theo một cây guitare đến viếng rồi xin hát một bài của anh Sơn để đưa anh Sơn đi. Đông lắm, đông lắm, có thể nói là không kể xiết, đủ mọi tầng lớp nhân dân . . . »

 

[ Trích từ Hồi Ký – Chuyện Đời Tôi ]

 

                                                                                    

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 787
Ngày đăng: 29.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chỉ 3 ngày ở Huế - Trần Dzạ Lữ
Tỏa sáng những tấm lòng nhân ái - Nguyễn Đại Duẫn
Hải hành mùa đại dịch 2 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Nguyễn Huy Thiệp với điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
Người ở lại với Tây Nguyên - Minh Tứ
Một cõi đi về - Vương Kiều
Những “dân chơi” dưới dạng tầm gửi - Vũ Thị Hương Mai
Hải hành mùa đại dịch - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Vì một nguồn điện” Made in Quang Binh” - Nguyễn Tiến Nên
Hoa đào nở trước sân - Nguyễn Linh Khiếu
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)