Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
519
116.743.214
 
Nghe tục dân nói sứ
Vân Hạ

 

 

 

Tục dân là hai bà tiều phu ngồi cạnh hai bó củi khô trên núi Yên Ngựa gần lối lên mộ vua Đinh hôm ấy. Chúng tôi đi qua mỏm đá chỗ các bà ngồi như đi qua những người dân địa phương không quen biết khác. Lúc đó tôi còn đang bận nhìn vào những cảm xúc và cả cảm giác thất vọng của mình. Trên đường tới đây tôi cứ hình dung sẽ được thấy một ngôi cổ mộ rêu phong, được thấy biết một nghìn năm trước người xưa xây lăng mộ vua của họ theo cách nào, hình khối, bia ký, những phù điêu chạm khắc nói gì về trang phục, nón mũ, hay những hình ảnh về triều đình hay tục dân thời đó. Nhưng không. Không có gì như vậy cả. Lăng mộ như xây bằng đá và… xi măng, nhìn đơn giản và chất “đương đại” thấy rõ. 

 

Chúng tôi, tức chị tôi và tôi. Tôi nhờ chị chở đi như rủ chị đi chơi một chuyến. Nhà chị tôi cách núi Yên Ngựa chỉ khoảng hai chục cây số nhưng chị bảo “chưa đi đến đấy lần nào”. Tôi cũng chưa đi đến đây lần nào trước đó.

 Từ trên mỏm núi cao tôi căng mắt nhìn xuống vùng đồng bằng phía dưới cố tìm nhưng không thấy bóng dáng một bông lau nào. “Đìu hiu ngọn gió cờ lau phất. Văng vẳng sườn non tiếng mục reo… Non sông Cồ Việt nào đâu đó. Bảng lảng thành Hoa bóng ác chiều”(1). Bài thơ tôi đọc được trên mạng đã lâu bỗng vụt đến lõm bõm trong trí nhớ. Ngày xưa ở đây chắc nhiều hoa lau.  Tôi chưa bao giờ gặp được ở đâu một cây lau nào thân lớn bằng cây mía đường (mía lau), cao hơn 2m còn xanh đang trổ hoa trên núi hay đồng bằng. Tôi chỉ thấy nhiều những cây lau như vậy khi nó đã bị chặt gốc chặt ngọn trần trụi bó lại thành bó. Ngày nhỏ tôi rất sợ mỗi khi vào đầu năm học mới, nghe nhà trường“sức” về mỗi học sinh phải đóng góp bao nhiêu tấm tranh, mấy chục cây lau để làm trường lớp. Tôi không có ai lo cho những khoản đóng góp này, thường thấp thỏm lo sợ mỗi khi cô giáo gọi tên nhắc. Muốn mua để nộp cũng không ai bán. Làng đã vào hợp tác xã  không có lệ mua bán những thứ này. Phải chờ bạn bè nộp xong hết, có đứa nào còn dư thông cảm để lại cho là ân tình lắm lắm. Cả trường chỉ ba phòng học được xây, còn lại là những dãy lớp làm bằng tranh tre và lau. Phần vách phía trên người ta chừa lại không trét kín, để trống những ô cửa sổ lau lấy ánh sáng. Dù đã được quét vôi trắng nhưng những ngày mưa trong lớp vẫn tối mờ mờ. Tôi hay tỉ mẩn rờ lên vách túm những sợi rơm lôi ra hoặc nhìn giọt mưa từ mái tranh nhỏ tong tong thành rãnh dưới nền hiên đất bên ngoài. Còn mùa lạnh như hôm nay, gió thổi lạnh run lập cập, có hôm lạnh quá ngón tay bị cóng cứng lại không sao cầm bút viết được. Mấy đứa con trai có sáng kiến lấy vỏ hộp sữa dùi lỗ hai bên cột dây thép làm quai xách, bỏ than củi vào đó xách từ nhà đi. Dọc đường nhặt quả phi lao khô bỏ tiếp vào để giữ lửa. Đến lớp xúm nhau lại thổi, hơ tay sưởi…   

 Một lần vừa tan học, chúng tôi đang đi ra cổng trường thì một thằng bạn cùng lớp đi tới sát bên tôi, nó nói nhỏ vừa đủ tôi nghe: “Ông S nói ở Ninh Bình vẫn còn mộ Đinh Bộ Lĩnh trên núi”. Thì sao? Tôi nhìn nó bằng cái nhìn như vậy nhưng không nói gì, đi thẳng, làm thằng bạn chưng hửng. Đinh Bộ Lĩnh là cách nói của cô giáo khi giảng bài. Có thể trong giờ sử cuối buổi học hôm ấy cô giáo có nói về Đinh Bộ Lĩnh, có thể thôi, vì tôi chẳng còn nhớ gì. Nhưng vẻ chưng hửng của thằng bạn tôi vẫn nhớ. Lúc đó đang thời đạn bom, chúng tôi chỉ nhớ tên các anh hùng chống Pháp của địa phương mình và cả những anh hùng chống Mỹ ở các địa phương khác trong cả nước. Còn vua quan phong kiến, tôi chỉ biết tất cả những gì liên quan tới vua quan phong kiến tốt hơn hết hãy tránh xa. Năm ấy tôi 12 tuổi.

Nhiều năm sau này khi đã xa quê, không hiểu sao thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới lời thầm thì và vẻ chưng hửng của thằng bạn cùng lớp hôm ấy. Vậy mà phải gần 30 năm sau, trong một lần về quê tương đối thư thả tôi mới đi tìm nơi nó đã “tiết lộ” từ ngày đó. Gần 30 năm, thằng bạn từ lâu đã đi khỏi làng. Ông hàng xóm già hay nói những chuyện quốc cấm linh tinh gần nhà nó cũng đã về với tổ tiên.

Hôm đó trời rất lạnh. Ngoài hai bà tiều phu và chúng tôi, trên núi không có ai nữa.  Hai bà nhìn cũng cũ tựa ông S hàng xóm của thằng bạn hồi xưa. Cũng nhuộm răng đen, miệng nhai trầu. Một bà mặc áo cánh nâu bên trong, áo len ngắn kiểu gi-lê bên ngoài, đầu đội khăn len xanh. Một bà khoác ngoài chiếc áo xanh công nhân rộng dài đã cũ làm áo bảo hộ lao động, đầu trùm vuông khăn vải đen gấp xéo, hai chéo khăn thắt lại dưới cằm. Họ đều mặc quần đen đi dép nhựa. Ngày xưa những người “đi củi” chỉ đi chân không, còn hai bà nay đã đi dép nhựa. Họ cũng là một phần lịch sử vậy. Tôi nghĩ và đứng lên định xuống núi, thì vừa lúc gặp một nhóm học sinh đi lên.

Nhóm học sinh mang theo hoa, bánh trái và một cọc tiền âm phủ mệnh giá lớn nhất đặt lên lăng mộ cúng vua. Trong lúc cô nữ sinh đốt hương chắp tay đứng khấn, một bà tiều phu lên tiếng nhắc:

-Xin vua linh thiêng phù hộ cho non nước vững bền hưng sáng, để chúng con được toàn tâm học hành thi cử.

Có lẽ vì lời nhắc này, sau khi khấn xong cô nữ sinh đi lại gần chỗ hai bà, ngồi xuống một tảng đá. Hai nam sinh tản ra đi vòng quanh lăng mộ ngó nghiêng xuống dưới núi một lúc rồi mới quay lại. Một nam sinh bất ngờ hỏi:

-Bà ơi. Có đúng mộ vua Đinh đây không bà?  

-Thì ngày xưa các cụ truyền lại bảo vua nằm đây thì mình cứ đây mà hương khói. Bia đá chả ghi “Đinh triều- Tiên hoàng đế chi lăng” đấy.

-Bà đọc được bia này ạ? 

-Chúng tôi không đọc được nhưng các cụ ngày xưa đọc được. Các cụ bảo bia ghi năm các vua nhà Nguyễn cho xây lại lăng từ thế kỉ mười chín cơ. Các vua Nguyễn chả là hậu duệ của Nguyễn Bặc không? Định quốc công Nguyễn Bặc là tướng nhà Đinh, bị Lê Hoàn xử chết. Con cháu ngài dạt vào trong Thanh, về sau mới bỏ xứ đi dần về phương nam.

              Vậy ra lăng mộ đây mới xây cách đây hơn trăm năm chứ không phải nghìn năm, tôi nghĩ, thảo nào không rêu phong đúng rồi. Nhưng khoảng thời gian từ khi tôi 12 tuổi tới giờ ngoài 40 sao dài thế.

Thấy có thêm người nghe, bà tiều áo xanh như có thêm động lực. Bà nói:

-Nhờ trời, lăng mộ vua bị bỏ quên cả trăm năm qua nên mới còn nguyên vẹn được đến giờ. Hồi xưa, lúc quanh đây còn vắng vẻ, chỉ có nhà tục dân chúng tôi mỗi khi lên núi lấy củi hái thuốc lại tiện thể ghé lại đây ngồi nghỉ một lúc. Từ thời ông bà, đến đời cha mẹ chúng tôi rồi đến chúng tôi từ nhỏ hay đi theo các cụ rồi bắt chước theo, quen rồi.

-Hang Cửu Tướng Quân nữa, cũng vậy- Tiều phu áo nâu tiếp lời- Lúc tôi còn bé, vùng này còn vắng vẻ không ai đến, người làng tôi hàng năm vẫn có người đi thuyền vào núi lên hương khói cho các vị ấy. Nhưng bấy giờ cho là lễ lạy quan lại phong kiến, người ta mà biết thì chết, cho nên ai đi cứ lặng im mà đi. Đi về cũng không ai nói gì với ai cả.

-Các cô các cậu ấy chả biết đâu. Ở đây có người còn chả biết nữa là. Cửu tướng quân là chín vị trung thần nhà Đinh. Chín vị này trên đường đi dẹp loạn về thì nghe vua Đinh đã bị hại. Các vị không chịu theo phò Lê Hoàn nên đã cùng nhau rút vào hang núi, cùng chết ở đấy.

            -Không phải, bà nghe sai rồi- Tiều phu áo nâu đính chính- Các vị bị vua Lê mang vào núi trảm. Lúc bấy giờ các con của hoàng tử Khuông Liễn đã được đưa đi lánh nạn. Các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc không còn. Trung thần nhà Đinh đều bị quản chặt. Triều đình rối ren, lo sợ trùm khắp, làm gì có ai ở đấy mà biết. 

-Thì ngày xưa tôi nghe ông từ Khâm nói thế.

-Cụ từ Khâm ngày xưa có mấy ngày không ngồi với cụ nhà tôi. Các cụ còn bảo quan tài đựng thi hài vua Đinh làm bằng một khúc cây lim đen khoét ruột, đặt trong quách đá. Lim đen còn cứng ngang đá ấy chứ, chôn xuống đất cả nghìn năm cũng không mục được.   

      Các vua chúa đời xưa có người tới đây thăm lại đô cũ, nhìn “dấu vết triều Đinh tường đổ miếu hoang lạnh lùng xơ xác”( 2) đã làm nhiều thơ cảm hoài khắc lên vách đá.

            Và bà đọc liền một mạch mấy câu thơ. Tôi vội lấy giấy bút ra nói bà ơi bà đọc lại được không ạ. Nghe đến thơ ca, bà tiều áo xanh vui hẳn lên. Bà góp chuyện:

-Hồi chúng tôi còn bé có người dạy cho bài hát múa, nói đây là bài hát múa trong cung ngày xưa. Bài hát như vầy “Ta là tiên Hằng Nga dưới trời là trời bao la. Cánh tiên nhà trời xin cúi đầu chào công chúa. Đến đây hát ca vui mừng…”. Đang tập múa thì có một ông tới đứng xem. Ông ấy hỏi: “Ai dạy? Ai cho múa bài này? Bây giờ mà còn cúi đầu chào bọn vua chúa phong kiến à. Người nông dân lao động đẹp như vậy sao không múa!”. Sợ quá, vậy là thôi. Sau có người khác dạy cho bài múa tát nước. “Trăng luồn qua đám mây bóng tre làng rung rinh đó đây. Ỳ uôm, ỳ uôm tát nước quanh làng đổ từng gầu nước lên ruộng đất khô…”. Khổ, múa thì múa, hát thì hát, nhưng trung thu năm ấy đứa nào cũng buồn. Đang múa bài kia được làm công chúa, làm tiên nhà giời. Váy với khăn toàn bằng lụa mượn của phường chèo, màu nào tươi màu ấy, đẹp như tiên giáng. Múa bài này đánh cái quần đen áo nâu ra sân đình, hai tay làm mỗi một động tác tát nước, có đứa lười vung tay nó múa cứ như đưa võng.

Bà cười. Chúng tôi và nhóm học sinh cũng cười. Chỉ có tiều phu áo nâu không cười. Bà nói:

-Vua Đinh lấy núi đá làm tường thành vừa vững chắc vừa tiết kiệm sức dân. Cung điện cũng xây theo cách riêng, không bắt chước Trung Hoa. Triều phục cũng họa hình chim muông hoa lá, không có rồng.  Lại “đặt ra có ngũ có dinh, có quân túc vệ có thành tứ vi(3). Nhờ vua Đinh đã đặt ra triều nghi triều phục, lập quân ngũ, phân định xã tắc đâu đấy rồi, nên nhà Lê nhà Lý về sau không phải qua đận vạn sự khởi đầu nan, cứ từ ấy mà xây sửa lên thôi.

-Bà ơi, thế các cụ có nói áo mũ vua tượng trong đền có đúng như áo mũ vua với hoàng hậu ngày xưa không ạ?

-Cái ấy tôi không biết, không nghe nói. Chỉ biết vua Đinh lập năm hoàng hậu. Vua Lê cũng có năm hoàng hậu, nhưng chỉ mỗi Dương hậu có tượng thờ. Ngày xưa triều đình phong kiến không thờ tượng đàn bà con gái. Các công chúa cũng không có tượng. Nhưng Dương hậu có tượng. Không phải để nhớ công lao mà để đời sau nhìn vào.  Đã đành Lê Hoàn làm vua cũng giỏi, cũng tự mình cầm quân đi đánh đuổi được giặc. Nhưng nếu vua Đinh không bị hại, triều Đinh vẫn có Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, có bốn tướng Đinh, Nguyễn, Trịnh, Lưu làm cột trụ, thì “binh nhiều lương tướng có thừa. Giặc đâu ta phất ngọn cờ cũng tan(4), giặc nào dám, đúng không nào.

-Lúc đầu tượng vua Đinh đúc bằng đồng đặt trong đền thờ, cửa đền nhìn ra sông ra đồng bằng là hướng đắc địa. Nhưng tới đầu triều hậu Lê vua nhà Lê đến đây đã cho xây đền xoay mặt lại vì sợ nhà Đinh phát tích.

Hai nam sinh quay nhìn nhau như đang hỏi “có chuyện này thật không?”. Cô nữ sinh hỏi: 

-Bà có biết công chúa bị gả cho Ngô Nhật Khánh tên gì không ạ? Sử quan ngày xưa không chép tên bà, thật bất công.

-Tên bà là Thục Tiết công chúa. Bà được giao giữ kho kim ngân của triều đình nên gọi là Phất Kim. Lúc Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành mưu làm phản, Thục Tiết công chúa đã cùng đi theo để dọc đường thuyết phục chồng nghĩ lại. Ngô Nhật Khánh đã không nghe còn điên tiết rút dao xẻo má công chúa. Nhưng công chúa đã giật được dao đâm chết Khánh.

Bà nhìn các thính giả, nhìn nhóm học sinh và tôi, tiếp tục khẳng định:

-Vì Khánh đang một tay cầm dao một tay túm má công chúa, như này này, nên khi bị giật dao bất ngờ không có tay chống đỡ. Cũng tự dao của Khánh đâm chết Khánh chứ không tự công chúa. Nhưng khi quay về tới kinh thành công chúa đã nhảy xuống giếng tự tử. Cái giếng giờ vẫn còn trước sân phủ thờ bà đấy. 

  -Vua Lý Công Uẩn là con rể vua Lê Hoàn đấy .

 Tiều phu áo xanh xen vào. Câu “nhắc vở” của bà làm tiều phu áo nâu như nhớ ra. Bà để triều Đinh lại đó, rẽ sang mạch khác:

-Vua Lý Công Uẩn là phò mã vua Lê đã lấy ngôi của nhà Lê. Ngày trước vua Lê giữ Lý Công Uẩn ở lại trong cung cho luyện võ nghệ, lớn lên ban chức, gả con gái cho là vì sư Vạn Hạnh trước. Cũng như bây giờ người ta mừng tuổi tết cho trẻ con hàng trăm đồng cũng là vì bố mẹ nó chứ, đúng không nào. Vua Lê kính sư Vạn Hạnh vì ngài quân sư cho vua. Nhưng sư Vạn Hạnh không hết lòng với vua Lê vì chuyện vua lấy ngôi của nhà Đinh là một lẽ. Lí nữa là sư có thần thông, ngài nhìn thấy trước phúc nhà Lê sắp hết, vua Lê Trung Tông đức độ không được ở ngôi mà lại đứng ở Lê Ngọa Triều ác nghiệp. Ấy cũng vì nhà Lê đã tới vận suy, lòng người bất bình muốn phế, thì nhà Lý mới lấy được. 

Bà tạm dừng để nhả bã trầu. Bà tiều phu áo xanh nhân dịp khen bạn:

-Bà này bà ấy được nghe nhiều, bà ấy nhớ lắm.      

-Ngược về triều trước – Tiều phu áo nâu tiếp tục- vua Lê Hoàn đã lấy ngôi của nhà Đinh nhờ một tay bà Dương hậu nhà Đinh. Đến đời Lý Công Uẩn là rể nhà Lê cũng lấy ngôi của nhà Lê nhờ một tay sư Vạn Hạnh. Dù nhà Lý phúc dày truyền được nhiều đời nhưng sau này khi hết phúc, đến lượt nhà Lý cũng bị mất ngôi vào tay con rể họ Trần, không tránh được. Sự sự đều có gốc rễ cả.

-Vua Lý Công Uẩn ngài là Bồ tát đấy- Tiều phu áo xanh phụ họa- Ngài nghe được mọi tiếng oán thán của muôn dân nên ngài mới phải ra làm vua. Đáng lí ra ngài lớn lên trong chùa ngài phải được đi tu mới phải. Nếu ngài Vạn Hạnh đã thấy con đường tu hành là con đường sáng, ngài cũng phải cho Lý Công Uẩn đi tu theo ngài để thoát khổ chứ. Tôi nói có đúng không?

Mới hợp logic”, một nam sinh gật gù.

-Hoàng hậu của vua Lý Thái Tổ là công chúa con gái vua Lê-  bà tiều áo nâu tiếp tục- Bởi vậy ngày nhà Lý bỏ Hoa Lư dời đô ra Đại La hoàng hậu không đi. Cả ngày hôm ấy dân chúng bị cấm không ai được đi đâu ra khu vực bờ sông, chỉ dám trèo lên ngọn cây hay ngồi trên nóc nhà mà nhìn theo tiễn biệt. Là vì lúc mới khởi chèo phải có quân lính đứng dàn hai bên bờ nắm dây kéo thuyền đi. Ra đến sông lớn mới căng buồm. Khi cả đoàn thuyền đã đi khuất, tiếng trống chiêng xa dần rồi im, thì kinh thành Hoa Lư đã không còn là kinh đô nữa. Phải cả tháng sau tục dân mới dám rủ nhau kéo đến đứng bên ngoài cổng thành ngoại nhìn vào. Lúc trước làm gì được thấy, làm gì được tới gần. Giờ ba nghìn quân cấm vệ đã bỏ trại đi hết rồi mới dám tới gần cổng thành. “Cây đổ cỏ xiêu đế nghiệp di, cơ đồ nhà Lý nắm mang đi”(5). Ở trong cung bấy giờ vẫn còn Lê hậu ở lại với hoàng tử Lý Long Bồ. Các hoàng tử khác con bà đều đã xuống thuyền theo vua cha ra Đại La.

“Vậy là thành ly thân!”- Một nam sinh quay sang nói với bạn.

“Lúc ấy Lê hậu nói với vua Lý Thái Tổ như nào nhỉ? “Thôi bố con ông đi đi, mẹ con tôi không đi!”

“Mẹ con thần thiếp chứ. Phải nói thế này: Hoàng thượng cứ đi đi, mẹ con thần thiếp xin không đi. Xong nhà vua bảo hậu muốn ở lại cứ thiên nhiên. Ra La thành trẫm sẽ lập thêm năm, bảy hoàng hậu nữa. Các hậu này chắc chắn không ai đã từng thấy trẫm lúc còn nhỏ túm áo theo thầy Vạn Hạnh vào cung hầu vua cha nàng”.

-Chớ có nói vậy- Tiều phu áo nâu phản bác- Vua Lý Thái Tổ là người nặng tình. Ngài đã mang theo nhiều kỉ niệm về thành Hoa Lư ra đặt xây ở Đại La Thăng Long. Ngài rất buồn vì Lê hậu xin ở lại. Nhưng ngài chiều theo ý nguyện của hoàng hậu, lại cho hoàng tử nhỏ Lý Long Bồ ở lại với bà cho có mẹ có con. Hoàng tử Lý Bồ bấy giờ mới tám tuổi, đã biết mà cũng chưa biết. Đêm ấy hai mẹ con hoàng hậu ăn cơm tối cùng nhau ở cung cũ của hoàng hậu, ngồi mãi đến khuya, rồi hoàng tử đứng lên xin phép về cung cũ của mình cho mẫu hậu đi nghỉ vì cả ngày hôm đó ai cũng mệt. Nhưng khi ra khỏi cung của mẫu hậu, hoàng tử không về cung, ngài đi lang thang khắp các hành cung ngổn ngang trống không vì đồ đạc trang hoàng đã dọn đi hết. Gần sáng hoàng tử mệt quá ngồi dựa cột vàng nghỉ rồi ngủ quên. Người hầu không dám đánh thức sợ làm kinh động. Lúc hoàng tử nghe chim hót giật mình thức dậy thì nắng đã lên. Nắng sớm chiếu vào những hàng cột dát vàng, những mái cung điện lợp ngói bạc làm các cung điện cũ sáng bừng lên lộng lẫy. Hoàng tử chạy đi tìm mẫu hậu, thấy bà đang thơ thẩn trong điện chầu mặt đẫm nước mắt. Cả đêm ấy Lê hậu không ngủ. Hoàng tử mới tám tuổi nhưng đã biết mình là con trai, phải vững vàng làm chỗ tựa cho mẹ, mới nói thật với mẫu hậu rằng con thích phong cảnh non nước Hoa Lư, con sẽ ở lại đây coi giữ cố đô không đi đâu cả.

Về sau cứ mỗi tuần trăng lại có thuyền của triều đình quay về lấy đi cái gì đó. Rồi những cột dát vàng mái lợp bạc cũng bị bóc dỡ mang đi. Vì ra Đại La vua Lý phải xây nhiều cung điện mới, cần nhiều ngân quỹ. Mà kinh đô Hoa Lư thì đã phế, thành Phủ Trường An rồi.

“Hồi đó chắc chưa có lệ đi vay nước ngoài”, ngẫu nhiên câu nói giỡn của một nam sinh trùng với ý nghĩ hài hước của tôi.

-Vua Lý Thái Tổ thấy hoàng tử Lý Bồ không muốn ra Đại La mới phong cho làm vương phủ luôn. Vương làm Vương phủ Trường An từ lúc mới 11, 12 tuổi cho đến tận cuối đời. Sau này khi Thái Tông Lý Phật Mã nối ngôi lên làm vua thỉnh thoảng đi đâu qua đây lại “tạt” vào thăm lại đô cũ, anh em gặp nhau.

“Anh em gặp nhau lại làm vài chai”.

“Còn phải nói. Chuyện ấy sử cần gì chép!”

-Anh em gặp nhau, ngồi xe đi một vòng quanh thành cũ, nhắc chuyện thời nhỏ. Bấy giờ các điện Thiên Tuế, điện Báo Thiên tuy đã phế vẫn còn lại khung tường nền gạch. Những cung điện khác tường xây mái ngói không bị tháo dỡ cũng còn nhiều, nơi đã thành kho lẫm, nơi thành võ đường, công đường, thành nơi ở của các quan trong phủ. Anh em vẫn nhìn ra đây là nơi chúng ta học chữ học lễ hồi vua cha còn làm quan triều Lê. Đây là cổng vào cung Hoa Tím của mẫu hậu. Mẫu hậu có một nàng cung nữ tên Thúy Hoa đã ở lại đây hầu mẫu hậu không ra Đại La, nàng ấy đã cho em một phong kẹo vừng vào cái ngày cả triều đình xuống thuyền… Thì đấy, anh em dù có làm vua chúa lúc nhỏ cũng vẫn là anh em.

“Này, anh em vua gọi nhau là gì?”

“Em gọi anh là hoàng huynh, xưng thần đệ”.

“Đấy là trong phim”. 

-Cũng nhờ sư Vạn Hạnh có thần thông, ngài nhìn thấy Đại La Thăng Long là đất tốt cho nghiệp đế. Nhưng có lẽ chỉ cho nghiệp đế thôi. Còn nước nhà triều nào cũng không tránh được họa can qua.

“Bây giờ ai có thần thông dời đô ra chỗ đất nào mà bia rẻ như nước máy thì thích nhể. Muốn uống chỉ việc vặn vòi ra uống, cuối tháng nhìn đồng hồ trả tiền”.

“Ừ, tớ nghe nói có một nước như vậy thật đấy. Nhà họ ở toàn làm bằng cột vàng mái bạc, đồ dùng toàn bằng ngọc với pha lê. Dân nước ấy chả biết họa can qua là gì, không phải đi đánh ai cũng không ai dám đánh họ. Thế mới sướng”. 

“Hương tàn hết rồi kìa!”

 Nghe nhắc, cô nữ sinh đứng lên đi lại phía lăng mộ. Cô chắp tay xin, lấy nải chuối và gói bánh xuống chỉ để lại xấp tiền âm phủ không ăn được. Cô mang lại đưa mời hai bà tiều phu, nói vui: “Cháu mời bà thọ lộc ạ”.

Bà tiều phu áo nâu có vẻ không vui. Có lẽ bà đang còn muốn nói nữa nhưng nhóm học sinh đã đứng lên. Một nam sinh nói:

“Bà xuống chưa ạ, để chúng cháu vác củi cho”.

Bà tiều áo xanh cười hiền:

-Chưa. Chúng tôi tí nữa mới về. Có bây nhiêu củi nỏ, nhẹ ấy mà.

 

Dọc đường xuống núi, nhóm học sinh rôm rả bàn tán. Một nam sinh nói:

“Hai bà nói tào lao. Vua Đinh chẳng có công chúa nào tên Thục Tiết cả”.

“Cụ ấy còn diễn tả cả động tác công chúa giật dao đâm chết Ngô Nhật Khánh nữa chứ. Một công chúa chân yếu tay mềm đâm chết được thủ lĩnh một sứ quân. Nghe cứ như thật”. 

“Nhưng tớ tin. Biết đâu đấy. Ví dụ công chúa đau đớn quá giật dao đâm bừa một nhát, chả may trúng chỗ hiểm làm Ngô Nhật Khánh lăn quay chẳng hạn”. Cô nữ sinh nói. 

“Còn chuyện một cung nữ cho hoàng tử kẹo vừng thì sao?”

“Tớ cũng tin. Biết đâu vào thời ấy người trong cung cư xử với nhau như vậy thì sao”.

Tưởng chỉ có cô bé học trò tin như vậy, không ngờ cả chị tôi cũng tin chuyện hai bà tiều phu kể. Dọc đường về chị cứ nói mãi về câu chuyện của hai bà. 

*

Rất lâu sau đó, tôi tình cờ gặp một bác sĩ trẻ trên một chuyến tàu. Khi biết cô quê ở vùng gần Hoa Lư, đang trên đường đến nơi nhận việc mới, tôi đã kể lại chuyến đi lên lăng mộ vua Đinh và, tất nhiên, cả những chuyện hai bà tiều phu đã “sáng tác”.  Không ngờ cô bác sĩ nhìn tôi, nói:

-Nhưng mà em tin đấy chị. Cả chuyện áo bào vua thêu hình chim, không thêu rồng em cũng tin. Các cụ ở làng em cũng bảo vậy.

Và cô kể: “Làng em xưa là làng Đỗ Thích ở. Sau vụ án Đỗ Thích giết vua, làng bị bắt phải đào một trăm cái ao, cho đứt tiệt cái mạch giết vua đi. Lại bị phạt không cho trồng lúa nữa. Trồng lúa là nghề cao quý, làng không được làm, bắt phải đổi sang trồng cói dệt chiếu cho thiên hạ ngồi lên. Làng em tên cũ là Làng Chiếu đấy chứ. Về sau người làng cố tình gọi chệch đi, nhưng ao thì không dám lấp. Một trăm cái ao, tồn tại suốt một nghìn năm. Thế mà chị biết không, chỉ mới hai năm nay thôi, giờ không còn một cái nào.

-Lấp hết rồi?

-Lấp hết, biến mất. Sau “một nghìn năm Thăng Long” làng em lên phố, ao thành đất nền thành nhà cửa hết rồi.

Mới 2 năm nay? Có nghĩa năm tôi đến viếng lăng mộ Vua Đinh một trăm cái ao đó vẫn còn. Bây giờ thì không còn cơ hội nào nữa.

Sau đó chị tôi cũng nói với tôi qua điện thoại: “Chỗ mộ vua Đinh bây giờ thành điểm du lịch rồi, không vắng vẻ như hồi ấy nữa. Nhưng còn cái hang Cửu Tướng Quân, đã hỏi nhiều người lắm mà vẫn không ai biết”.      

____________________________________   

1] Trích thơ Đông Châu.

2] Trích “lạc khoản” bài thơ khắc trên vách đá hang Luồn, Ninh Bình, tương truyền của chúa Trịnh Sâm.

3,4]Thơ dân gian truyền miệng ở Hoa Lư

5] Trích Trường An thành hoài cổ. Tác giả Nguyễn Trung Ngạn (Thơ văn Lý Trần)

 Nguyên văn: “Mộc lạc hòa điêu đế nghiệp di

                           Lý gia thu đắc bản đồ quy”.

 

______________________________________ _____________________ 

 

 

 

 

Vân Hạ
Số lần đọc: 1140
Ngày đăng: 28.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Tình Bát Nháo - Trần Yên Hòa
Người sửa đồng hồ và cây phượng - Lê Hứa Huyền Trân
Câu chuyện từ một bộ sưu tập - Lê Ký Thương
Hai cuộc điện thoại lúc sáng sớm (hay 36 năm sau) - Vân Hạ
Ma xó núi - Võ Anh Cương
Ông cậu đầu bạc của tôi - Lê Hứa Huyền Trân
Kiểu... - Hòa Văn
Những sợi tình lên men - Nguyễn Thanh Huyền
Thung lũng tình yêu - Võ Anh Cương
Miền Kinh Rạch - Nguyễn Lê Hồng Hưng