Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
736
116.716.631
 
Câu chuyện từ một bộ sưu tập
Lê Ký Thương

 

 

               Tôi vừa nhận được thư của Đạt, một người bạn thân ở Sài Gòn, nhờ tôi mua một bức mành vỏ ốc. Trong thư Đạt viết: “Năm ngoái tớ có dịp dự hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất ở Giảng Võ, vào gian hàng Phú Khánh, trong số các sản phẩm mỹ nghệ bày bán, tớ rất thích bức mành ốc con hạc. Bố cục và đường nét đơn giản, được kết hợp bằng những màu sắc tự nhiên của những con ốc ruốc, tạo thành một bức tranh thanh nhã, mang vẻ đẹp rất Nha Trang…”

                Đạt là một nghệ sĩ tạo hình khá nổi tiếng ở Thành phố, nhưng sinh trưởng ở Nha Trang, nên tôi nghĩ vẻ đẹp rất Nha Trang mà Đạt nói thế nào cũng có phần chủ quan. Nhưng thực tế, mành ốc của Hợp tác xã mỹ nghệ vỏ hải sản Trường Nguyên đã được tặng Huy chương Vàng trong hội chợ triển lãm toàn quốc và là một trong vài mặt hàng mỹ nghệ của Phú Khánh, được cả khách hàng trong lẫn nước ngoài ưa chuộng. Thế là tôi phải xuống tận Cầu Đá, vào Hợp tác xã Trường Nguyên để chọn mua hộ Đạt một sản phẩm mới bổ sung vào bộ sưu tập của anh.

 

               Sở dĩ người ta gọi ốc ruốc (Umboniom vestiraum) vì nó mang màu đỏ của ruốc nhiều hơn các các màu khác. Như vậy tôi phải chọn loại hạc màu trắng cho Đạt, vì ngoài vẻ đẹp rất Nha Trang nó còn mang cái đặc trưng Nha Trang nữa.

                Bây giờ tôi mới hiểu được giá trị của con ốc ruốc nhỏ hơn cái nút áo. Xưa nay tôi thấy người ta bán từng rổ ốc ruốc luộc cho mấy bà mấy cô đi chợ hay ăn quà vặt. Dùng kim hay gai nhọn lể lấy ruột ốc, chấm mắn gừng ăn vui miệng, còn vỏ thì vất bừa giữa chợ, tốn công những người làm vệ sinh quét dọn. Thế mà ở Hợp tác xã Tường Nguyên, các cô xã viên tẩn mẩn ngồi lựa từng con từng màu riêng biệt. Bàn tay họ thoăn thoát như bàn tay cô Tấm nhặt hạt đậu ngày xưa. Nhìn vào những nia ốc sau khi đã tẩy sạch mùi và lựa chọn kỹ phơi trước hiên nhà của hợp tác xã, mỗi nia một màu lấp lánh riêng, tôi có cảm tưởng đó là những hạt nắng long lanh đang hoan hỉ nhảy múa dưới ánh mặt trời trên biển ban mai. Hàng ngàn hạt nắng kia, được các cô xã viên khéo tay xâu thành chuỗi liên kết nhau theo từng mảng phân định màu trên một bề mặt dài 160cm x rộng 120cm để tạo thành một bức mành ốc đẹp. Dưới mỗi xâu chuỗi có đính một con ốc nhảy bằng ngón tay hoặc nhỏ hơn, có công dụng vừa làm cho mành giữ được chiều thẳng đứng vừa tạo một đường viền trang trí hình chóp xếp kề nhau làm tăng thêm vẻ đẹp của mành.

                Mặt hàng mỹ nghệ mành ốc mới xuất hiện ở Nha Trang từ sau 1975, nhưng nghề mỹ nghệ vỏ hải sản ở thành phố này hình thành đã hơn nửa thế kỷ nay, có lẽ từ khi Viện Hải dương học, nay là Viên Nghiên cứu biển, được thành lập năm 1923.

                Những sinh vật vô cùng phong phú về chủng loại và đa dạng về hình thể, màu sắc được nuôi dưỡng, trưng bày trong những bể kính ở Viện, thường xuyên mở cửa cho du khách vào xem, đã làm cho ngư dân sống quanh vùng nhận thấy rõ hơn giá trị tài nguyên mà người mẹ biển rất hào phóng trao cho họ hàng ngày. Tài nguyên đó, không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn làm giàu cho tinh thần. Một số người kịp thời nhận thức được điều này, họ không còn dửng dưng với những vỏ ốc, vỏ sò có nhiều màu sắc tự nhiên, lạ mắt mà bàn tay của sóng biển vô tình tung vãi vào bờ, hay họ bắt được những lúc kéo giã cào, đánh lưới. Họ đi tìm, thu nhặt rồi bày bán cho du khách.

 

               Càng ngày, con người có trình độ thưởng ngoạn cái đẹp càng cao, những người trong nghề phải góp công sức cùng thiên nhiên tạo ra những sản phẩm mới từ cái tự nhiên sẵn có. Và đến ngày nay, nó đã trở thành một nghề truyền thống của Nha Trang. Nó mang cái đẹp của biển và tâm hồn con người Nha Trang đi khắp nơi trên thế giới.

 ***

                Cách đây không lâu, tôi có dịp vào Sài Gòn, luôn tiện xem lại bộ sưu tập của Đạt. Các mẫu vật có giá trị trong bộ sưu tập này phần lớn Đạt mua từ Nha Trang. Mắt tôi như đang bơi trong thế giới của màu sắc, của hình thể.

                Con ốc tù và khoác chiếc áo hoa màu sặc sỡ đang mở miệng cười tươi. Đạt gọi ốc này là “giai nhân” trong nhóm ốc trang trí. Người đẹp cao tuổi thì có thêm nhiều vệt gai màu đen mọc tua tủa từ miệng ra. Những vệt gai này làm tăng thêm vẻ đẹp của đôi môi mọng đỏ hay màu da cam bóng loáng. Nhưng cao giá hơn vẫn là những “giai nhân” vừa thay da thì bị ngư dân “điệu” lên bờ. Đạt cho tôi xem một con như thế. Da của nó vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp tinh khôi, chưa hề bị dấu vết sần sùi của những con hàu xấu xí bám vào.

 

               Ốc tù và được khách nước ngoài ưa chuộng. Những thủy thủ Úc khi ghé cảng Cầu Đá (Nha Trang) thích mua những con ốc cụt đuôi về nước bán lại cho các hướng đạo sinh làm tù và thay còi. Đây là “mốt” đang thịnh hành trong phong trào hướng đạo sinh ở các nước phương Tây. Khi mà các mặt đời sống vật chất đã bị công nghiệp hóa thì họ lại tìm về với tiếng nói của thiên nhiên. Ốc tù và kêu to, tiếng ngân xa như có ma lực hấp dẫn con người. Bà Huyện Thanh Quan khi tả buổi chiều ở cô thôn cũng đã nhắc đến “tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn”, chứng tỏ tổ tiên ta ngày xưa đã biết sử dụng ốc tù và làm tín hiệu thông tin. Trước kia ngư dân cũng dùng ốc tù và để báo hiệu cá về bến. Trong ký ức tôi còn ngân vang tiếng tù và trong các đám rước, đám cúng đình ở quê. Tù và là thứ còi lớn làm bằng sừng trâu hay bò dùng để báo hiệu ở nông thôn. Ở đây, âm thanh của đồng nội thấm sâu trong tâm hồn hào phóng của người dân biển để bật ra một tên gọi: ốc tù và mà tên khoa học của nó là Charonia Tritonis.

                Cũng bằng trí tưởng tượng phong phú đó, từ con Cassis cornuto có dạng hình chiếc mũ công nhân, người dân biển lại liên tương đến cái mũ của vị võ quan đội trong lúc ra trận có tên là Kim khôi – (Vân Tiên đầu đội Kim khôi – NĐC), và đặt tên cho nó là ốc kim khôi. Ốc kim khôi màu vàng của mặt trăng sáng đầy, riêng bụng có màu trắng. Đạt cho tôi xem hai con: một mặt dài, một mặt ngắn, rồi hỏi tôi:

               - Cậu biết hai con này khác nhau thế nào không?

               Tôi tưởng Đạt hỏi đùa, trả lời:

               - Con đực, con cái.

               Không ngờ câu trả lời cầu âu của tôi lại trúng. Nhưng khi Đạt hỏi tiếp con nào đực, con nào cái thì tôi chịu thua.

               Đạt giải thích:

               - Con mặt dài là ốc đực, con mặt ngắn là ốc cái. Dĩ nhiên “người đẹp” bao giờ cũng đắt giá hơn vì thực tế nó đẹp thật, cậu công nhận không?

 

               Bên cạnh “người đẹp” đó là những “cô em” ốc sứ bông. Có con mình đen, có con mình trắng như được tráng men. Da lấm tấm nhiều đốm trắng xen những đốm màu vỏ lựu chín dưới nắng hè, trông như da cọp. Vì thế nó có tên khoa học là Cypraca tigris. Con to nhất bằng năm tay thanh nhã của thiếu nữ. Lâu lắm rồi Đạt có tặng tôi một con để chặn giấy tờ trên bàn viết. Nó đã trở thành vật thân thiết của tôi. Những lúc ngồi một mình, suy nghĩ một vấn đề gì, tôi thích nắm chặt nó trong lòng bàn tay. Da nó luôn mát rượi, gây một cảm giác dễ chịu, êm ả. Nó có mãi sự tươi mát đó phải chăng chỉ sống dưới đáy biển, lấy thịt phủ kín gần hết lớp vỏ bên ngoài? Ốc sứ bông cũng giống như những cô gái muốn giữ da mặt mình luôn hồng hào nên rất kỵ phơi nắng. Nếu ai đó vô tình để cô em dưới ánh nắng mặt trời lâu ngày, “cô em” sẽ tàn phai nhan sắc và không còn giá trị nữa. Người trong nghề gọi là “ốc chết”.

                Tôi để ý đến một con ốc mà Đạt xếp giữa những con ốc sứ bông. Mình nó giống như con mực ống, lớn bằng quả chuối cau. Tôi đã sửng sốt vì màu da của nó. Có lẽ phải ví như một bức tranh phong cảnh được một họa sĩ sơn mài tài ba thực hiện trên vỏ ốc. Những đốm trắng của nó giống như những ngọn đồi phủ kín sương nằm rải rác trên màu nâu cánh kiến – màu thuần chất của sơn mài, gợi cho tôi nhớ cảnh trời chiều ở cao nguyên. Tôi hỏi Đạt:

               - Cậu tìm được con ốc này ở đâu vậy?

               Với vẻ tự hào, Đạt trả lời:

               - Cậu không nhớ lần mình về Nha Trang dự đám cưới của cậu à? Mình đã đi lục và “bắt” được “em” ở cửa hàng mỹ nghệ của hợp tác xã Trường Nguyện đó.

               Đạt chỉ cho tôi xem lại một tác phẩm cũ của anh. Hình cô dâu chú rể được ghép bằng các loại vỏ ốc. Anh nói tiếp:

               - Con ốc này cũng giống như con ốc mực (Oliva) dùng làm thân cô dâu chú rể, nhưng giá trị của nó ở chỗ “những đốm trắng giống như những ngọn đồi phủ kín sương” mà cậu tưởng tượng ra đó. Cho cậu biết là trong bộ sưu tập của tớ chỉ có con này thôi nhé!

 

               Trong một lần nghe tiến sĩ Hải dương học Nguyễn Ngọc Thạch nói chuyện về các loài ốc có giá trị về kinh tế ở nước ta, tôi được biết ở biển có một số ốc quí hiếm như ốc bản đồ (Cyoracamappa), ốc tôm (Nautilas pompilus) mà các nhà khoa học lúc nào cũng bỏ công đi tìm khắp nơi. Theo tiến sĩ Thạch miêu tả ốc bản đồ to bằng con ốc sứ bông, trên thân mình có những vệt ngang dọc màu nhạt hơn chạy dài từ đầu nọ đến đầu kia trông giống như một tấm bản đồ. Còn ốc tôm là một loại địa khai sống, mình giống như tôm, có nhiều vòng nhỏ xoắn chặt vào nhau. Ốc tôm còn gọi là ốc anh vũ, là loại ốc cổ nhất hiện còn sống.

                Bộ sưu tập của Đạt còn có hàng trăm bộ vỏ ốc khác nữa, tôi không thể nào nhớ hết được. Anh sắp xếp theo từng nhóm, từng họ. Mỗi nhóm, mỗi họ đều có lập danh mục và tài liệu chú dẫn. Công việc của Đạt cũng công phu như công việc của một nhà khoa học nghiên cứu về sinh vật biển.

               - Cậu tưởng chừng đó là nhiều hả? Nó chiếm một phần trăm trong khoảng 2.400 loài sò ốc mới được biết đến trên thế giới. Đạt cười nói với tôi.

               Bên cạnh những vỏ sò vỏ ốc có nhiều màu sắc sinh động, tự nhiên, Đạt còn có cả những chiếc đèn ốc giá trị như đèn ốc xà cừ, đèn ốc gáo, đèn ốc mỏ vịt mà anh đã sưu tập gần ba mươi năm nay. Đạt không chưng trong tủ kính như ở các cửa hàng. Anh đặt chúng trên giá sách, trên bàn và trên những chiếc bục đủ cỡ, bài trí trong nhà như những bức tượng ở phòng triển lãm. Đạt nói:

               - Bản thân những vỏ ốc làm đèn đã có những đường nét uốn lượn của tượng rồi, lại được bàn tay của nghệ nhân tham gia vào, nâng cái đẹp của chúng lên gấp bội. Cậu hãy nhìn kỹ chiếc đèn ốc xà cừ kia! Hình hai con cá màu ngọc bích được chạm trổ rất tinh vi đang bơi trên nền trắng lung linh ánh mặt trời đang dọi vào phòng. Buổi tối, thắp sáng nó lên, nhìn một đỗi, cậu sẽ thấy hai con cá đang bơi lội thong dong trong làn nước trong mát đấy.

               - Tác phẩm của cậu sao?

               - Không. Đây là của một nghệ nhân ở Nha Trang, ông tổ của nghề mỹ nghệ vỏ hải sản. Ông ta chết cách đây khá lâu. Theo tớ biết thì hiện nay gia đình ấy vẫn tiếp tục làm nghề này, nhưng trình độ nghệ thuật không bằng, những nét chạm khắc ít có “thần” hơn.

                Về ốc xà cừ (Tubor marmoratus), tổ tiên ta đã biết sử dụng từ lâu, trước khi biết sử dụng vàng bạc để làm đồ trang sức và trang trí. Có lẽ nó được bắt đầu dùng rộng rãi cùng lúc với sự phát triển nghề mộc trang trí các cung điện vua chúa và các nhà quyền quí.

               Tôi đã được thấy những bức hoành phi, những tranh sơn mài xưa, nhũng bộ trường kỷ, tủ thờ, liễn và cả những đôi đũa ăn của các ông hoàng bà chúa ngày xưa được khảm xà cừ rất tinh vi, đầy sáng tạo. Những tác phẩm mang đậm phong cách dân tộc, có giá trị nghệ thuật và lịch sử hiện nay là của gia bảo của nhiều gia đình và các đình chùa trong nước.

                Ốc xà cừ còn được sử dụng trong nghề khảm trai, một nghề truyền thống của làng Chương Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình và còn lưu truyền đến ngày nay. Ốc xà cừ hiện nay rất đắt, một con một ký có thể bán với giá 2.500 đồng trở lên, nên chỉ dùng trong các mặt hàng xuất khẩu. Riêng các mặt hàng khảm xà cừ bán trong nước, người ta sử dụng lớp xà cừ nằm trong vỏ ốc đụn hay vỏ ốc ngọc nữ.

                Ốc đụn có hình dạng cái nón lá, vỏ dày. Người trong nghề chỉ thích mua con cái với giá cao, khoảng  350 đồng một ký. Vì thân các “nàng” mềm, dễ cưa để cắt làm chất liệu khảm, làm mặt dây chuyền.

                Chiếc đèn ốc gáo đặt trên bàn làm việc của Đạt chính là một trong những tác phẩm khắc nổi của anh trên vỏ ốc. Lợi dụng màu vàng gạch và lớp da trơn, đều đặn của vỏ ốc gáo, Đạt đã miêu tả cảnh mùa gặt bằng đường nét uyển chuyển và tinh tế. Những người thợ gặt với dáng khỏe và nét mặt tươi vui đang cắt, đập lúa trên cánh đồng rưc nắng của một ngày mùa hạ. Ở đây chất biển với hương đồng hòa làm một, tạo nên bản sắc Việt rất độc đáo. Nó là “của riêng” của Đạt, nên anh rất công phu từng đường dao, nét diễn đạt và không tiếc công phải bỏ đi nhiều vỏ ốc để cuối cùng mới có được một tác phẩm đẹp như thế.

               Đạt nói:

               - Trong các loại đèn ốc, chỉ có đèn ốc mỏ vịt các tay ngang trong nghề có thể làm được, nên dạng này rất phổ biến, giá rẻ. Bản thân ốc mỏ vịt có cái đẹp tự nhiên, không cần phải chạm khắc thêm gì. Còn đèn ốc xà cừ thì có hai loại. Một loại chỉ cần mài lớp vỏ ngoài, còn lại lớp xà cừ thật như cây đèn tớ chưng trên tủ sách kia. Và loại có giá trị gấp bội là cây “đèn thần” tớ vừa “phô trương” với cậu. Riêng vỏ ốc gáo thì không thể để nguyên vỏ mà cũng chẳng mài bỏ lớp ngoài để làm đèn được. Muốn cho nó có giá trị thì con người phải giúp thiên nhiên sáng tạo thêm một lần nữa…

 

               Bỗng nhiên khuôn mặt Đạt rạng rỡ hẳn lên. Đôi mắt anh sáng rực. Tôi có cảm tưởng Đạt đang ở trong trạng thái của một nhà điêu khắc vừa tìm được một đường nét mới cho tác phẩm còn dang dở của mình. Đạt vào buồng trong lấy ra một vỏ ốc gáo còn nguyên hình, trên đó chỉ phác sơ vài nét đơn giản, nhìn chưa ra hình thù gì. Đạt nói một cách sôi nổi:

               - Cậu hãy nhìn kỹ đi. Nó hao hao giống một cái gáo. Nếu chẳng may rơi vào tay những người không phải trong nghề, nó chỉ được sử dụng để xếp ở một chỗ nào đó trong tiểu cảnh hòn non bộ, hay để trồng cây trường sanh hoặc một khóm bông mười giờ. Còn đối với nghệ nhân cao tay nghề, nó được sống lại lần thứ hai, sống vĩnh viễn. Tớ nói phải cao tay nghề mới được. Vì từ cái vỏ ốc trông có vẻ tầm thường và dày không quá năm ly này, người ta phải thận trọng từng nét khắc chìm nổi, rồi phải làm láng để không còn một tì vết nào và cuối cùng đánh bóng. Nói thì nghe đơn giản vậy, nhưng quá trình của công việc phải mất nhiều thời gian và công sức lắm. Theo tớ thì đèn ốc xà cừ có giá trị nhờ tính chất của nguyên liệu nhiều hơn, còn giá trị của đèn ốc gáo thì ở tính sáng tạo nghệ thuật.

 

               Đúng như lời Đạt nói, nghệ thuật khắc trên vỏ ốc gáo của các nghệ nhân quả là điêu luyện, vì chỉ có con dao khắc thật sắc và đôi mắt thật tinh.

               Đèn ốc gáo là một sản phẩm mỹ nghệ được Công ty Liên hiệp xuất nhập khẩu Phú Khánh chọn để chào hàng với các nước xã hội chủ nghĩa năm 1984. Mặt hàng này do gia đình nghệ nhân Phạm Tấn Thanh ở phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang sản xuất. Những mẫu đèn khắc nổi hình rồng, phụng lượn quanh bản đồ Việt Nam hay bản đồ Đông Dương, hình đàn cá nối đuôi bơi rất mỹ thuật luôn luôn là những tặng phẩm quí báu và đầy ý nghĩa đối với các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến thăm thành phố Nha Trang.

 

               Ốc gáo (Melo-melo) ngoài công dụng làm đèn ốc, người trong nghề cưa vòng theo trôn ốc để lộ phần xoắn ốc bên trong, vừa tự nhiên vừa trừu tượng, sau đó ghép vào vỏ ốc khác để làm giá cắm bút hay gạt tàn thuốc. Mặt hàng này rất được dân Ba Lan ưa chuộng.

                Năm ngoái, một đoàn khách thuộc Đại sứ quán CHND Ba Lan ở nước ta đã đến thăm Phú Khánh. Hợp tác xã mỹ nghệ vỏ hải sản Trường Nguyên là một trong những đơn vị được vinh dự tiếp đón đoàn. Các khách bạn cho biết ở Ba Lan có nghề thủ công mỹ nghệ mã nảo (ambre). Mã nảo là một loại đá quí có sắc vàng, xám hoặc đỏ. Thường trong ruột viên mã nảo còn giữ lại xác côn trùng cố bám vào thân cây dác trước khi cây hóa thạch tạo thành. Từ mã nảo, các nghệ nhân Ba Lan làm các mặt hàng trang trí và trang sức rất đẹp và nổi tiếng trên thế giới. Nhưng ngay trên quê hương của Wojciech Jakubowski, vợ chồng Pavel Fietkiewiez (nghệ nhân mã nảo tên tuổi), bạn chúng ta vẫn thích vẻ đẹp tự nhiên của các mặt hàng mỹ nghệ vỏ hải sản của Nha Trang. Loại dây chuyền làm bằng vỏ con mai đen gắn mặt xà cừ chạm nổi hình rồng hoặc phụng là mặt hàng được các cô gái Ba Lan ưa chuộng nhất hiện nay. Đoàn khách đã tặng cho HTX Trường Nguyên quyển “L’ambre de Pologne” nói về lịch sử phát triển nghề thủ công mỹ nghệ mã nảo. Tất cả những sản phẩm làm từ nguyên liệu này từ xưa đến nay đều được sưu tập và trưng bày ở Viện bảo tàng “Château de Malbork”.

                Tôi không ngờ Đạt cũng có một quyển “L’ambre de Pologne” trong tủ sách của anh. Đạt ước muốn ở Nha Trang hay Vũng Tàu, quê hương của nghề mỹ nghệ vỏ hải sản sẽ thành lập một nơi lưu giữ tất cả những sản phẩm giá trị từ tay các nghệ nhân trong nghề làm ra, tất cả những vỏ sò vỏ ốc, những con sao biển, tôm hùm, cá ngựa, đồi mồi, san hô… nói chung tất cả những sinh vật hải sản tạo tác ra mặt hàng mỹ nghệ. Nơi này không chỉ để trưng bày thường xuyên cho khách tham quan mà còn để phục vụ cho những ai thich tìm tòi nghiên cứu.

               Đạt say sưa nói:

               - Về mặt giá trị của những loại vỏ sò vỏ ốc thì cậu đã biết rõ rồi. Ngay cả loài cua, tôm hùm mà người ta lấy vỏ để trang trí trên tường, bản thân chúng cũng chứa đựng nhiều điều lý thú nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu.

               Tôi trố mắt nhìn Đạt, đợi anh nói tiếp. Đạt sửa lại cái kính cận gọng đồi mồi mà anh tự làm cho vừa tầm mắt, nhìn thẳng vào mặt người bạn đã biết khơi dậy niềm say mê của mình đúng lúc, hứng thú nói tiếp:

               - Cậu có tin máu của tôm cua màu xanh nước biển không? Thế mà các nhà khoa học đông vật đã chứng minh được đấy. Không những thế, loài tôm cua sống trong những hồ nước nóng và nước lợ ở bán đảo Ả-rập là những sinh vật chịu nóng vô địch. Chúng cảm thấy lạnh khủng khiếp khi ở nhiệt độ 35 độ C, nếu dưới nhiệt độ này chúng sẽ chết rét.

               - Tớ có đọc một tài liệu nói rằng trong chiến tranh, mỗi sĩ quan Nhật đều mang theo một hộp nhỏ đựng tôm khô, không phải để làm đồ nhấm khi chén chú chén anh đâu nhé. Cậu biết để làm gì không? Những con tôm khô đó chỉ cần tẩm ướt là chúng biến thành những ngọn đèn sáng khi cần thiết, khỏi sợ bị đối phương phát hiện.

               Đạt khoái chí cười vang:

               - Chi tiết này giờ nghe cậu nói tớ mới biết. Nhưng tớ còn biết thêm lớp vỏ chi-tin của con tôm hùm là một chất liệu hiện nay ta dùng để chế thuốc in hoa, khỏi phải nhập thuốc ở nước ngoài như trước.

               Đạt lại nhắc đến một loài động vật cổ quí hiếm ở biển, đó là san hô.

               San hô là một khoáng chất cứng, được cấu tạo bởi những chất nhờn tiết ra từ các vi sinh vật biển, thường có màu trắng hay màu nâu xám. Quí nhất là các loại san hô có màu đen bóng, màu hồng nhạt và màu đỏ tươi. Cùng với mã nảo, ngọc trai, ngà voi là những khoáng chất quí thuộc nhóm hữu cơ, san hô được các nhà sưu tập đá quí và khoáng chất quý trên thế giới luôn “để mắt xanh”. Chỉ riêng năm 1968, thế giới đã thu được hai triệu đô nhờ khai thác được các loại san hô quí. Hàng năm Nhật và Ý là hai nước thu ngoại tệ lớn nhất nhờ xuất khẩu các mặt hàng trang sức như nhẫn, dây chuyền, kẹp cà-vạt, nút tay áo… làm từ loại san hô màu hồng nhạt óng ánh như xà cừ.

                Quanh đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta có loại san hô đỏ ở độ sâu trăm mét. Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong loại san hô này có một dược chất có khả năng chống ô nhiễm phóng xạ. Giá trị một ký san hô đỏ hiện nay tương đương với một lạng vàng!

                Đặc biệt ở Trường Sa có một loại san hô trắng, dáng thanh mảnh, thân có từng đốt chia nhiều nhánh nhỏ, trên mỗi đốt điểm một chấm đen. Thoạt nhìn, ta tưởng đó là một nhánh trúc bạch nên nó mang một cái tên rất gợi hình: trúc san hô. Trúc san hô mọc gần bờ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi khi thủy triều rút xuống, cả rừng trúc san hô hiện ra với tất cả vẻ đẹp hiếm có. Bây giờ, trúc san hô là bạn của chiến sĩ bảo vệ đảo Trường Sa. Hàng năm, mỗi dịp đón xuân về các chiến sĩ giữ đảo dùng trúc san hô thay cho cành mai, cành đào của đất liền. Và đó cũng là món quà quí dành tặng những người ở đất liền ra thăm đảo.

                Trong nghề mỹ nghệ vỏ hải sản ở Nha Trang, người ta dùng san hô trắng rất phổ biến. Loại này có rất nhiều ở Bãi Trũ, Hòn Khói. Từng nhánh san hô tua tủa nhiều chi rất tự nhiên giông như nhũng cành cây hoặc gạc nai được lựa chon qua con mắt người trong nghề. Sau đó họ tẩy sạch mùi tanh rồi gắn trên một bệ xi măng mỏng hình bầu dục, bên cạnh là những vỏ ốc nhiều màu… Toàn bộ bố cục đó gợi sự liên tưởng đến một cảnh đẹp của đáy biển mà theo Gautier, một người Pháp khi đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa vào tháng 10 năm 1937, đã mô tả như sau: “Qua một màn pha lê xanh dày trong suốt một cách lạ lùng, nổi lên những rặng san hô đang sống mà màu sắc da dạng và hình dáng của chúng gợi ta nghĩ đến những vườn thượng uyển, ớ đó được tập hợp mọi loại cây cỏ tuyệt đẹp lấy từ tất cả các vườn kính trên trần gian”. (*)

 ***

                Trước khi nghề mỹ nghệ vỏ hải sản ở Nha Trang định hình và phát triển, cha ông ta ngày xưa đã biết đến giá trị của một vài loại ốc, đồi mồi, hải ba, hải sâm và đã biết thu nhặt để bán. Trong Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quí Đôn, đoạn nói về quần đảo Hoàng Sa cho biết: “Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà, có ốc xà cừ để khảm đồ dùng, lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng (…) có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

                Các đội thuyền ngoại biên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Trường Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh (Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn) sung vào, cắt phiên mỗi năm, cứ hai tháng nhận giấy đi sai (…). Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòm bạc, đồ dùng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiêng, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ ba ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào Cửa Eo, đến thành Phú Xuân thì nộp”. Theo cụ Lê Quí Đôn thì từ năm Kỷ Sửu đến năm Quí Tỵ, năm năm ấy, mỗi năm được mấy tấn đồi mồi và ba ba, nhưng cũng có khi về người không. Họ Nguyễn còn đặt đội Bắc Hải “cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Hắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của các tàu và các thứ đồi mồi, ba ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc, của quý ít khi lấy được”.

 

               Ngày nay việc tìm nhặt vỏ hải sản không gian nan như xưa. Mặc dù không hình thành một nghề riêng biệt, nhưng nhờ kỹ thuật đánh bắt tiến bộ, ngư dân thường bắt được những loại hải sản có giá trị dùng trong ngành mỹ nghệ. Tuy nhiên họ chưa hiểu được hết kho báu mà biển cả sẵn sàng hiến dâng cho. Có khi họ trả lại cho lòng biển những con ốc có tên khoa học là Cypraca leucodon trị giá 3.000 đô-la một con hay con Cloria maris trị giá 1.250 đô-la một con mà họ không biết. Ở Nhật, một số ngư dân không phải giàu nhờ bán cá mà nhờ bán ốc và san hô!

                Vào những năm cuối thế kỷ 20 này, con đường khoa học phục vụ nhân loại đang từ đất liền hướng ra biển cả. Tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó, quan niệm “rừng vàng biển bạc” của cha ông ta xưa sẽ được nhận thức trọn vẹn hơn. Chừng đó ngư dân không còn trả lại “vàng” cho biển nữa, nếu như ngay bây giờ họ được hướng dẫn để thẩm định giá trị của từng con ốc, từng hải vật. Còn ngành mỹ nghệ vỏ hải sản, đã góp phần làm giàu quê hương về mặt tinh thần và vật chất, thì ngoài những sản phẩm làm theo nhu cầu thực dụng, sẽ có tác phẩm manh tính nghệ thuật cao được trưng bày ở các Viện bảo tàng Mỹ thuật.

 Nha Trang, 1984

_______________

(*) Theo báo cáo gởi Chính quyền Đông Dương ngày 26-11-1939. Phần 1: Lợi ích về mặt du lịch. – Tài liệu lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1508
Ngày đăng: 21.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai cuộc điện thoại lúc sáng sớm (hay 36 năm sau) - Vân Hạ
Ma xó núi - Võ Anh Cương
Ông cậu đầu bạc của tôi - Lê Hứa Huyền Trân
Kiểu... - Hòa Văn
Những sợi tình lên men - Nguyễn Thanh Huyền
Thung lũng tình yêu - Võ Anh Cương
Miền Kinh Rạch - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Ông cậu đầu bạc của tôi - Lê Hứa Huyền Trân
Tiếng nói - Trần Yên Hòa
Hàm Luông - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)