Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.707.571
 
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 5)
Lê Ký Thương

 

 

Lê Ký Thương  dịch từ A Persional Matter của Nhà văn Nhựt Bản Oe Kazenburo.

 

5

Tiếng kêu ai oán cứ xâm nhập vào giấc ngủ của Điểu cho tới khi anh miễn cưỡng thức giấc. Thoạt tiên anh nghĩ rằng chính mình đang rên rỉ, kỳ thực, khi anh mở mắt ra thì vô số lũ yêu tinh đang sinh sôi nảy nở trong bụng anh, bắn những mũi tên như kim xuyên vào ruột anh, buộc anh phải thốt lên những tiếng kêu rên. Nhưng giờ đây anh lại nghe tiếng rên rỉ không phải thoát ra từ miệng mình. Điểu thận trọng cất đầu dậy mà không thay đổi tư thế, nhìn xuống cạnh giường. Himiko đang ngủ trên sàn nhà, chen giữa chiếc giường và cái tivi. Nàng đang rên hừ hự như một con dã thú, những tiếng rên đến từ trong mơ. Dấu hiệu của sự sợ hãi.

Xuyên qua màn không khí lờ mờ trong căn phòng. Điểu nhìn thấy khuôn mặt trẻ, tròn trịa, tái xanh của Himiko hằn vẻ đau đớn, mệt mỏi. Tấm chăn tuột xuống ngang hông nàng, Điểu chăm chăm nhìn bộ ngực và hai bên sườn nàng. Cặp vú của nàng có hình thù cân đối nhưng lại thõng xuống một cách thiếu tự nhiên về hai phía ngược nhau. Vùng da thịt giữa đôi vú khoáng đạt, bằng phẳng và có một cái gì đó hơi phớt lạnh, Điểu cảm thấy thân quen với bộ ngực chưa chin muồi này. Đêm đông ấy, đáng lẽ Điểu đã nhìn thấy nó trong trại gỗ. Nhưng hai bên sườn Himiko và cái bụng phệ của nàng che khuất gần hết dưới tấm chăn, đã không gợi lên được nỗi luyến tiếc quá khứ. Ở đó, gợi lên lớp mỡ mà tuổi tác bắt đầu hằn lên thân thể nàng. Và cái dấu vết nhũn nhão ấy là một phần cuộc sống mới của Himiko, chẳng can dự gì đến Điểu. Những lớp mỡ dưới làn da của nàng có lẽ lan nhanh như một ngọn lửa, làm thay đổi hoàn toàn đường nét trên cơ thể nàng. Cả hai bầu vú của nàng rồi cũng sẽ mất đi vẻ thanh xuân tươi mát vẫn có.

Himiko lại rên rỉ và cặp mắt chớp chớp của nàng mở ra như thể nàng bị giật mình, Điểu vờ ngủ. Một phút sau anh mở mắt ra thì Himiko đã rơi vào giấc ngủ lại rồi. Giờ đây nàng nằm im như một bà mẹ, cuộn tấm chăn lên tận cổ, chìm trong giấc ngủ yên lặng ngây ngô của loài giun dế. Nàng đã đạt được sự thỏa thuận với lũ yêu quái trong giấc mơ. Điểu thanh thản nhắm mắt lại và quay về với cái bao tử đầy đe dọa của mình. Bỗng nhiên cái bao tử của anh phồng lên cho đến khi nó lấp kín cơ thể và choán hết thế giới ý thức của anh. Anh cố tập trung tư tưởng rằng Himiko quay về khi nào? Không biết đứa bé đã được mang lên bàn mổ với cái đầu quấn băng như Apollinaire chưa? Liệu hôm nay anh có lên lớp mà không gặp phải cái bao tử đẩy lùi thức ăn từng bước, Điểu biết anh sẽ nôn ra bất cứ lúc nào và nỗi sợ đó làm da mặt anh lạnh toát.
Nàng sẽ nghĩ gì về tôi nếu tôi nôn bẩn chiếc giường này? Khi sinh lực tôi dồi dào mặc dù say, tôi đã lấy đi trinh tiết của nàng giữa trời đông giá, chẳng khác nào một cuộc cưỡng hiếp, và tôi cũng không hề nhận ra mình đang làm gì! Rồi nhiều năm sau đó, khi tôi ngủ lại đêm trong phòng nàng, tôi lại say be bét để rồi khi thức dậy sẵn sàng, nôn thốc nôn tháo. Làm sao anh có thể đê tiện đến thế! Điểu chợt ợ lên hàng chục cái nồng nặc mùi hôi và ngồi dậy ngay trên giường, rên rỉ với cơn đau trong đầu. Anh khó khăn bước ra khỏi giường nhưng cuối cùng cũng đến được phòng tắm.

Khi Điểu đóng cánh cửa gương xộc xệch lại và nhận ra mình cô lập trong phòng tắm, anh cảm nhận mình có thể hưởng được niềm vui bất ngờ, anh tha hồ nôn mửa mà không bị Himiko bắt gặp. Giá mà anh có thể nôn ra một cách thỏa thích như đứa bé nôn sữa mẹ…
Điểu quì gối, tì khủy tay lên bồn vệ sinh hiện đại, cúi đầu xuống với thái độ của một con chiên ngoan đạo và chờ cho áp lực trong bao tử bùng nổ. Khuôn mặt vừa mới hoàn toàn giá lạnh của anh, giờ đây lại đỏ ửng lên với hơi nóng bất thường, rồi đột ngột tê cóng lại. Từ thế nhìn xuống của mình, Điểu thấy bồn vệ sinh trông giống như cái cổ họng màu trắng, rộng lớn, càng giống hơn nữa khi đáy bồn nhô lên lớp nước sạch.
Đợt nôn ọe đầu tiên ào đến, Điểu ho rũ rượi, cổ anh khô quánh lại, bụng phập phồng. Nước mắt nước mũi chảy tràn lên những bợn thức ăn bị nôn ra còn dính chặt ở môi trên, Điểu lại yếu ớt nôn ra hết những thứ còn sót lại trong ruột. Đầu óc anh quay mòng mòng, Điểu đứng thẳng người lên như một anh thợ hàn vừa hoàn thành nhiệm vụ, anh dùng giấy vệ sinh chùi mặt và hỉ mũi thật mạnh. Anh thở hắt ra. Nhưng chưa phải đã xong, cứ mỗi lần quặn bụng, anh lại phải nôn  ít nhất là hai lần. Luôn luôn như vậy. Và anh muốn nôn ra được lần thứ hai cho nhẹ bụng, anh phải dùng ngón tay móc họng, Điểu lại thở dài âu lo, cúi thấp đầu xuống, mặt bên trong bồn cầu giờ đây nhớp nhúa, trông thật thảm hại, Điểu nhắm mắt lại với vẻ kinh tởm cực độ, đưa tay sờ soạng trên đầu mình, tìm dây kéo nước. Dòng nước ào xuống như lũ phả hơi mát lạnh cuốn qua đầu Điểu. Khi mở mắt ra, anh thấy cái cổ họng trắng toát kia lại há ra nhìn anh như trước, Điểu thọc ngón tay vào cổ họng tì tiện đỏ ửng của mình để bắt nó phải nôn. Tiếng rên rỉ và những giọt nước mắt vô nghĩa, những tia chớp quay cuồng trong đầu, dòng nước mũi lòng thòng cứ tuôn ra. Xong xuôi, anh vừa chùi miệng vừa chùi những ngón tay bẩn và hai gò má lem luốc nước mắt rồi lại sụp xuống bồn cầu. Có phải tất cả điều này ít nhất mang ý nghĩa đền bù một phần cho nỗi đau đớn của đứa bé? Điểu tự hỏi nhưng rồi lại đỏ mặt lên vì thái độ vô liêm sỉ của mình.

Tôi không thể tự cho mình khuây khỏa với sự đền bù giả tạo này, dù là một mảy may trong trí, Điểu tự khuyên mình như một nhà đạo đức chân chính. Dầu sao sau khi nôn được, người nhẹ nhõm và bụng êm, dẫu không kéo dài, cũng giúp cho Điểu thấy dễ chịu chút ít kể từ lúc anh mở mắt ra. Hôm nay anh phải lên lớp, và còn những thủ tục phải hoàn tất ở bệnh viện cho đứa con mà có thể giờ này đã chết rồi! Điểu phải liên hệ với mẹ vợ để biết về cái chết của đứa con và phải bàn với bà chuyện báo tin cho vợ anh. Thật là một thời gian biểu khủng khiếp. Và tôi ở lại đây, trong phòng tắm của người tình, gục đầu vào cái bồn vệ sinh trong tình trạng mê mụ với tất cả sức mạnh bị nôn hết ra ngoài. Thật trái khoáy, Điểu không còn sợ sệt gì nữa, thực tế, những giờ khắc bất lực và hoàn toàn vô trách nhiệm đã tạo cho anh hương vị ngọt ngào của sự tự cứu rỗi. Điểu ngã quỵ xuống sàn nhà, chỉ còn biết  đến nổi nhức nhối trong mũi và cổ họng, trông anh cũng chẳng khác gì đứa bé đang đứng trên bờ vực của cái chết. Thái độ khác biệt duy nhất là tôi không gào toáng lên như đứa bé. Nhưng không phải vì thế mà hành vi của tôi tránh được bội phần ô nhục hơn…

Giá như có thể được, Điểu đã lao mình vào bồn vệ sinh khi anh kéo dây giội nước cho sạch cầu và để cho dòng nước gầm réo cuốn trôi vào cống rãnh tăm tối như địa ngục. Nhưng thay vì làm vậy, anh lại khạc ra một lần nữa, rồi miễn cưỡng rời khỏi bồn vệ sinh và mở cánh cửa gương. Lúc bấy giờ, có phần nào anh quên mất Himiko, nhưng ngay khi đặt bàn chân trần vào phòng ngủ, anh biết nàng đã tỉnh giấc và đã tưởng tượng ra tấm thảm kịch nhỏ trong phòng vệ sinh cùng với sự im lặng khác thường để theo dõi anh. Người bạn tình vẫn còn nằm trên sàn nhà, nhưng xuyên qua luồng ánh sáng mỏng manh từ khe hở của tấm màn cửa sổ. Điểu dò dẫm đi từ góc này sang góc khác và nhìn thấy đôi mắt nàng mở to. Anh không còn cách lựa chọn nào khác hơn là lò dò quanh chân nàng giống như một chú chuột để đến chỗ anh để quần áo ở chân giường. Trong lúc ấy, Himiko có thể là đang mở rộng đôi mắt như ống kính máy quay phim để chăm chăm nhìn cái bụng mềm nhũn và cặp đùi gân guốc của anh.
“Em có nghe anh nôn như một con chó trong phòng vệ sinh không?” Điểu ngượng ngùng hỏi.
“Như một con chó ư? Chẳng có giống chó nào lại rống khủng khiếp như thế”. Giọng Himiko vẫn còn ngái ngủ. Đôi mắt nàng mở to, chăm chú nhìn Điểu dò xét.
“Đây là giống cho St. Bernard to con như bò”. Điểu chán ngán nói.
“Nghe có vẻ tồi tệ nhỉ. Anh thấy khỏe chưa?”.
“Giờ thì khỏe rồi”. Điểu loạng choạng bước về phía giường, giẫm phải chân Himiko mạnh đến nỗi nàng hét toáng lên, cuối cùng anh cũng với được chiếc quần dài. “Nhưng thế nào sáng nay anh cũng đờ đẫn trở lại, thường là như thế. Lâu rồi anh không uống và cái dư vị sau cơn say đã biến mất, vì vậy đây có thể là lần tồi tệ nhất trong đời anh. Bây giờ nghĩ đến nó, anh muốn uống một ly để giải nghể”. Điểu cố pha trò bằng cách lên giọng than van, nhưng lại kết thúc câu nói với nét mặt đăm chiêu, cay đắng.
“Sao anh không thử lại xem?”.
“Anh không thể say trong ngày hôm nay”.
“Nước chanh sẽ giúp anh tỉnh táo lại đấy, có vài trái chanh trong bếp”.
Điểu ngoan ngoãn nhìn vào bếp. Nhờ ánh đèn từ  trường Flemish rọi qua ô cửa kính mờ, Điểu thấy trong cái rổ có một mớ chanh non khiến cái bao tử yếu đuối của anh cồn cào ngay lập tức.
“Em vẫn thường mua nhiều chanh như thế này ư?”.
“Cái đó còn tùy”, Himiko trả lời bằng một thái độ hờ hửng đáng kinh sợ, như thể nàng đang cô gây ấn tượng khó chịu lên câu hỏi của Điểu. Điểu liến láu trở lại: “Em về lúc nào vậy? Có lái xe chạy long nhong cho tới rạng sáng không?” Thay vì trả lời, Himiko chỉ chòng chọc nhìn anh một cách chế nhạo, vì thế Điểu phải vội vàng nói thêm như cốt để báo cáo: “Lúc nửa đêm có hai người  bạn em đến đây. Một người có vẻ trai tơ còn người kia là một vị trung niên có cái đầu tròn như quả trứng. Anh đứng sau bức màn cửa nhìn gã nhưng không chào”.
“Chào ư? Dĩ nhiên anh không cần phải làm như thế.” Himhiko vẫn nằm yên như chết và nói. Điểu lấy chiếc đồng hồ đeo tay trong túi chiếc áo khoác ra xem giờ - chin giờ sáng rồi. Buổi lên lớp của anh bắt đầu vào lúc 10 giờ. Anh thầy nào đủ dũng cảm nằm nhà mà không báo cho văn phòng biết hoặc đi dạy trễ thì anh quả là một đấng trượng phu. Điểu thì không dũng cảm đến thế và cũng không quá thiếu khôn ngoan. Anh thắt cà vạt bằng xúc giác.
“Em đã ngủ với cả hai vài lần và họ nghĩ chính điều đó cho phép họ được quyền đến đây vào lúc nửa đêm. Tên trai tơ là một loại người đồng bóng. Đặc biệt hắn ta không quan tâm đến việc hai chúng ta ngủ chung với nhau. Ước mơ của hắn là lai vãng quanh đây khi em ngủ với người khác để khi có chuyện gì thì hắn ra tay giúp đỡ. Hắn luôn luôn chờ cho đến khi một ai đó có mặt trong phòng này với em thì hắn tạt vào, cho dù hắn ghen một cách điên cuồng!”
“Thế em có cho hắn một cơ hội nào chưa?”
“Chắc chắn là không rồi!” Himiko búng ngón tay. “Anh chàng trai tơ ấy thích làm một việc gì đó cho những người lớn tuổi như anh. Nếu có dịp hai người gặp nhau, hắn sẽ làm tất cả những gì để anh vui lòng. Anh Điểu, em dám cá là nhiều lần anh đã được người khác phục vụ như thế. Chả phải là anh đã có nhiều sinh viên đàn em tôn thờ anh ư? Và hẳn là phải có nhiều học sinh hết lòng hết dạ phục vụ anh? Em luôn nghĩ đến anh như một mẫu người hùng đối với bọn trẻ con có văn hóa kém hơn.”

Điểu lắc đầu phủ nhận điều đó và đi vào bếp. Khi gót chân chân trần của anh chạm vào sàn gỗ lạnh ngắt, anh nhận ra mình không mang bít tất, mà đó chẳng phải là việc không hệ trọng! Nếu anh phải thót bụng lại để cúi người tìm bít tất, có thể anh lại nôn ra, Điểu rúm người sợ hãi. Nhưng cái cảm giác giẫm chân trần lên sàn nhà lại hay, cả việc dùng những ngón tay ướt bóp quả chanh trong khi dòng nước từ chiếc vòi chảy dồn lên hai tay anh cũng là điều thú vị nốt. Điểu chọn một quả chanh lớn, cắt làm đôi và vắt nước vào miệng. Một cảm giác hồi phục mà anh nhớ rất rõ đã rơi từng tiếng boong boong, lạnh lẽo cùng với những giọt nước chanh từ cổ chui xuống cái bụng bị hành hạ của anh, Điểu quay lại phòng ngủ tìm đôi bít tất, cẩn thận giữ cho người đứng vững.
“Nước chanh thật là hiệu nghiệm”, anh nói với Himiko với vẻ biết ơn.
“Có thể là anh còn nôn lại, nhưng lần này có mùi chanh sẽ dễ chịu hơn”.
“Cám ơn em đã động viên anh”. Điểu cảm thấy hài lòng khi biết những giọt nước chanh càng ngấm vào người anh càng khoan khoái.
“Anh đang tìm gì thế? Trông anh giống như con gà mắc tóc”.
“Đôi bít tất của anh”. Điểu thì thì thào, chính cái chân trần khiến anh trông thật buồn cười.
“Trong giày anh đấy, như vậy khi đi về anh có thể mang cả vớ lẫn giày”.
Điểu nhìn Himiko đang cuộn chăn nằm trên sàn nhà và ngờ rằng đấy là một thói quen bất cứ khi nào một trong những tình nhân của nàng chôn xác trong giường. Có thể nàng đề phòng chuyện những người bạn của nàng chuồn ra khỏi nhà với đôi chân trần, giày  xách trên tay nếu có một gã nhân tình to con và hung dữ hơn xuất hiện.
“Tốt hơn anh nên đi”, Điểu nói “Sáng nay anh có hai lớp. Cám ơn em về buổi tối hôm qua và sáng nay”.
“Anh trở lại không? Anh Điểu, có thể là chúng ta cần nhau đấy”.
Điểu sững người như bất ngờ nghe một người câm lên tiếng khóc than. Himiko nheo mắt nhíu mày nhìn anh.
“Có lẽ em nói đúng. Có lẽ chúng ta cần nhau”.
Giống như nhà thám hiểm đi xe điện băng qua vùng đầm lầy. Anh tìm đường loạng choạng bước qua mớ hỗn độn trong phòng khách đầy bong tối. Khi ra đến phòng ngoài, anh vội vã mang vớ, xỏ giày, sợ nôn trở lại.
“Tạm biệt”, Điểu nói vọng vào. “Ngủ ngon nhé!” Himiko vẫn câm như hến.

Điểu bước ra ngoài. Buổi sáng mùa hè nắng gắt. Khi Điểu đi ngang qua chiếc MG đỏ, anh để ý thấy chìa khóa xe còn nằm trong công tắc. Trong những dịp như thế này, một tên trộm có thể cuỗm mất chiếc xe mà không gặp mảy may rắc rối nào. Ý nghĩ đó làm anh buồn. Himiko! Làm sao một cô nữ sinh viên đại học sắc sảo, cẩn thận, siêng năng như thế lại trở thành một con người sơ sót như thế này? Người con gái đã kết hôn chỉ để cho chồng mình phải tự sát, và giờ đây, sau sự phấn chấn được lao xe đi trong đêm tối, nàng đã gặp những giấc mơ khiến cho nàng phải rên rỉ vì sợ hãi.

Điểu định lấy chìa khóa ra khỏi công tắc. Nhưng nếu anh quay lại chỗ cô bạn mình nằm im lặng trong bóng tối với đôi mắt nhắm nghiền, thì khó mà kìm lòng cất bước quay lui. Điểu để mặc chiếc chìa khóa ở đó, anh nhìn quanh, tự trấn an là chẳng có tên đạo chích nào ẩn náu quanh đây, ít ra là ngay lúc này. Trên nền đất, bên cạnh bánh xe có một mẩy xì gà. Hẳn là của anh chàng nhỏ con có cái đầu quả trứng đã vứt nó ở đây vào tối hôm qua. Chắc là có nhiều người tìm Himiko trong một ý nghĩa thân thiện hơn cả Điểu.

Điểu lắc mạnh đầu, thở vài hơi thật sâu, cố chống lại cảm giác buồn nản đầy đe dọa. Như anh không thể nào thoát khỏi cái cảm giác đau đớn như bị ăn phải dùi cui, anh cúi đầu bước ra khỏi con đường nhỏ lấp lánh ánh sáng.

Dù gì chăng nữa, Điểu vẫn khéo kiềm chế để giữ mình vững vàng trên đường đến trường. Anh đã trải qua một chặng đường, sân ga rồi tàu hỏa. Tệ hại nhất là trên tàu hỏa, may mà anh còn sống sau khi nếm mùi tàu lắc lư và mùi hôi của những người xung quanh mặc dù cổ họng anh khô rốc. Trên xe, trong tất cả số hành khách, chỉ có Điểu là chảy mồ hôi, dường như tất cả sức nóng của mùa hè chỉ vây bọc có mỗi mình anh. Kẻ nào chạm vào người anh cũng quay lại nhìn một cách xét nét. Điểu chỉ còn biết co rúm người lại, giống như một con heo ních đầy bụng chanh, bốc lên toàn mùi chua. Anh đưa cặp mắt nhìn dọc theo xe, tìm sẵn một chỗ có thể lao đến ngay khi cần nôn mửa.

Cuối cùng khi đến được cổng trường mà không bị đau bụng, Điểu giống như một người lính già kiệt sức sau một cuộc tháo chạy khỏi chiến trường. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Kẻ thù đã bao vây và nằm chờ phía trước.

Điểu lôi từ trong tủ ra tập văn tuyển và hộp phấn. Anh liếc nhìn cuốn tự điển Consise Oxford trên đầu kệ, nhưng hôm nay dường như nó có vẻ quá nặng để mang đến lớp. Trong lớp anh lại có nhiều sinh viên có kiến thức về thành ngữ và luật văn phạm còn vượt xa hơn cả anh. Nếu gặp một từ mới hoặc một câu văn khó, anh chỉ cần gọi một người trong bọn họ lên. Cái đầu bọn sinh viên của Điểu nhồi nhét quá nhiều kiến thức phức tạp như một món tạp-pí-lù, do đó lúc họ lĩnh hội một vấn đề tổng thể, họ thường làm cho vấn đề trở nên rối rắm và bị sa lầy. Việc của Điểu là tổng hợp và tóm được toàn đoạn văn. Vì vậy trong đầu Điểu thường ngờ vực không biết giờ lên lớp của anh có ích gì cho kỳ thi vào đại của họ hay không.

Hy vọng tránh được ông trưởng khoa, một người tốt nghiệp đại học Michigan có gương mặt dễ nhìn và đôi mắt nghiêm nghị, một người đáng mặt là tinh hoa của đám sinh viên ngoại quốc, Điểu bước ra ngoài qua cửa sau, tránh đi thang máy trong phòng giáo viên và bước lên cầu thang xoắn ốc dính sát vào bức tường bên ngoài. Không dám nhìn xuống cảnh tượng đang dần dần cuộn lại dưới chân, anh chịu đựng sự đong đưa của chiếc cầu thang giống như con tàu đang rẽ sóng vì những bước chân thình thịch của bọn học sinh chạy vượt qua mặt anh. Như một người say sóng, trông anh xanh xao, bước chân trĩu nặng, hơi thở dồn dập, Điểu lừ đừ leo lên cầu thang khiến bọn học sinh vượt qua mặt anh phải dừng lại một lúc, nhìn anh chăm chăm, ngập ngừng, rồi lại lao lên khiến cho cầu thang sắt rung lên bần bật. Điểu thở dài, đầu anh choáng váng, anh bám chặt vào tay sắt vịn…
Đến được đầu cầu thang anh thấy nhẹ người hẳn! Có ai đó gọi tên anh, Điểu khó chịu quay lại. Đó là người bạn đang giúp bảo trợ một nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Slave do Điểu và một vài thông dịch viên khác thành lập. Nhưng từ khi người anh rã rời vì dư vị của hơi men, việc gặp một kẻ mà anh không mong đợi trở thành mối phiền toái kinh khủng. Anh khép mình như một con rùa rụt đầu và tứ chi vào mai để tự vệ trước sự tấn công.

“Chào Điểu!’ Người bạn lên tiếng: đối với bạn bè, cái tên tục vẫn có giá trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Tôi điện thoại cho anh từ tối qua nhưng không gặp. Vì thế, tôi nghĩ mình phải đến…”
“Có chuyện gì vậy?” Điểu hỏi, không mấy niềm nở.
“Anh đã nghe tin về ông Delchel chưa?”
“Tin gì?” Điểu hỏi lại, mơ hồ cảm thấy e ngại. ông Delchef là tùy viên công sứ của một nước cộng hòa xã hội nhỏ miền Balkan và là trợ giáo của nhóm nghiên cứu.
“Cụ thể là ông ta đã ở với một cô gái Nhật và không trở lại tòa công sứ. Họ nói đã một tuần nay rồi. Tòa công sứ muốn giữ kín nội bộ và tìm ông Delchef về, nhưng họ chỉ mới đến đây một thời gian ngắn và lại thiếu người. Cô gái sống trong khu ổ chuột tồi tàn nhất ở Shinjuku, vào đó giống như vào một bát quái trận đồ, và chẳng có ai trong tòa công sứ rành đường sá đủ để đi tìm người lạc trong đó. Chúng ta sẽ đến đó: tòa công sứ yêu cầu nhóm nghiên cứu giúp đỡ. Dĩ nhiên là chúng ta phải giúp, dù sao chúng ta cũng chịu một phần trách nhiệm cho tất cả những gì đã xảy ra…”.
“Trách nhiệm à?”.
“Ông Delchef gặp ả ở quán rượu mà chúng ta đưa tới sau buổi họp, quán Pullman Car ấy mà”. Anh bạn của Điểu khúc khích cười. “Anh còn nhớ cô nàng nhỏ con, kỳ lạ, mặt trát đầy phấn không?”.
Điểu nhớ ra cô gái ngay, một cô gái nhỏ con, kỳ lạ, mặt trát đầy phấn. “Nhưng cô ả không nói được tiếng. Anh hay bất kỳ thứ ngôn ngữ Slave nào, mà tiếng Nhật của ông Delchef thì cũng chẳng hơn gì, làm sao họ sống với nhau được?”.
“Chỉ có trời biết. Thế anh nghĩ cả tuần họ câm như hến chắc và chẳng làm gì chắc?” Anh bạn của Điểu lúng túng nói bong gió.
“Điểu gì sẽ xảy ra nếu ông Delchef không trở về tòa công sứ. Ông ta sẽ trở thành kẻ đào nhiệm hay gì khác?”
“Anh có thể cá như thế!”.
“Thật sự ông ta đang gây rắc rối, ông Delchef…”. Điểu cau có nói.
“Tôi định triệu tập một buổi họp nhóm nghiên cứu để bàn về chuyện này. Tối nay anh có rảnh không?”.
“Tối nay à?” Điểu bối rối. “Tôi… tôi… tôi không thể họp tối nay được”.
“Nhưng anh gần gũi ông Delchef hơn tất cả chúng tôi. Nếu chúng tôi quyết định gởi một phái viên trong nhóm nghiên cứu đi, chúng tôi hy vọng anh đồng ý đi…”.
“Phái viên à?… Dù sao tôi cũng không thể làm được tối nay”. Điểu nói. Rồi anh tự buộc mình nói thêm: “Chúng tôi mới có con, nhưng có điều không ổn. Đứa bé có thể đã chết hoặc đang chết cũng nên”.
“Trời!” Anh bạn của Điểu kêu lên, co rúm người lại. Trên đầu họ chuông bắt đầu reo.
“Thật là khủng khiếp, khủng khiếp quá. Anh nghe đây, vậy thì tối nay chúng tôi sẽ lo liệu mà không có anh. Anh cố giữ gìn sức khỏe nhé! Còn chị ấy có khỏe không?”.
“Khỏe, cám ơn anh”.
“Khi nào chúng tôi quyết định phải làm gì về chuyện ông Delchef, tôi sẽ liên hệ với anh. Trời ơi, anh có vẻ suy sụp đấy – hãy bảo trọng nhé!”.
“Cám ơn”.

Điểu nhìn theo anh bạn hối hả xuống cầu thang như đang tháo chạy, đâm ra giận chính mình vì giữ kín chuyện váng vất sau cơn say, Điểu bước vào lớp. Trong nháy mắt, anh đối đầu với một trăm bộ mặt có cái đầu tỉnh táo. Anh hạ ánh mắt đăm chiêu của mình xuống như thể đang suy tư, sau đó lại ngẩng đầu lên và nhìn vào đám học trò. Cầm lấy tập văn tuyển và hộp phấn ngang ngực giống như thứ vũ khí tự vệ, anh bước tới bục giảng.

Giờ học! Điểu mở tập văn tuyển ngay đoạn đã giảng xong tuần trước mà chẳng có khái niệm gì về nó cả. Anh đọc lớn và nhận ra ngay đó là một đoạn văn của Hemingway. Tập văn tuyển này là một tập hợp lớn những đoạn văn ngắn của văn học Mỹ hiện đại, được vị trưởng khoa chọn vì ngẫu nhiên ông ta thích chúng và cũng vì những đoạn văn được khai thác bởi nhiều cái bẫy về văn phạm. Hemingway à! Điểu phấn chấn hẳn lên. Anh thích Hemingway, đặc biệt là cuốn The Green Hills of Africa. Đoạn văn từ tập văn tuyển này lấy từ tiểu thuyết The Sun Also Rises, đoạn gần cuối, khi nhân vật chính bơi trong đại dương. Người kể chuyện bơi qua những con sóng lớn, trồi lên hụp xuống, và khi anh ta bơi ra đến ngoài khơi, nơi sóng yên biển lặng, anh ta nằm ngửa người nhìn bầu trời và có cảm giác dưới lưng mình gò đống ngổn ngang…

Tận cùng cơ thể, Điểu cảm thấy manh nha một cơn khủng hoảng gì đó và không thể kiềm chế được. Cổ họng anh khô khốc, lưỡi sưng phồng trong miệng như của ai khác. Anh chìm ngập trong nỗi sợ hãi. Nhưng anh vẫn tiếp tục đọc to, mắt liếc nhìn cánh cửa lớn giống như con chồn đau ốm ranh ma và yếu đuối. Liệu anh có thể chạy kịp ra hướng đó để nôn đúng lúc không? Nhưng nếu vượt được qua cơn nôn thì tốt hơn nhiều. Mong rằng cái bụng không làm cho cái đầu phải nghĩ ngợi về nó, Điểu cố đặt đoạn văn anh đang đọc vào trong một ngữ cảnh. Nhân vật chính nằm đâu đó trên bãi biển và rối bước vào một cuộc bơi khác. Khi chàng quay về khách sạn thì nhận được một bức điện của người yêu – đã chạy theo anh chàng đấu bò trẻ tuổi - mà chàng đang mong đợi, Điểu cố nhớ nội dung bức điện: ANH CÓ THẾ ĐẾN KHÁCH SẠN MONTANA Ở MADRID KHÔNG? EM ĐANG GẶP RẮC RỐI. BRETT.

Vâng, bức điện đó nghe ra có lý. Và anh nhớ lại nó một cách dễ dàng. Đó là một điềm lành, vì trong tất cả những bức điện mà anh đã đọc, bức điện này thống thiết nhất. Tôi sẽ vượt qua cơn buồn nôn – một lời cầu nguyên hơn là một suy nghĩ, Điểu tiếp tục xây dựng lại ý nghĩ gián đoạn: nhân vật chính lặn sâu vào lòng biển với đôi mắt mở to và trông thấy một cái gì đó màu xanh đang rĩ ra theo đáy biển. Nếu nó nôn ra ở đoạn văn này, tôi sẽ kiềm nó lại. Đó là một câu thần chú. Điểu tiếp tục: “Tôi” bước lên bờ, quay về khách sạn và nhặt bức điện của anh ta. Lúc ấy Điểu nhớ lại bức điện: ANH CÓ THỂ ĐẾN KHÁCH SẠN MONTANA Ở MADRID KHÔNG? EM ĐANG GẶP RẮC RỐI. BRETT.

Nhưng nhân vật chính đã rời bãi biển, chẳng nói lấy một lời về chuyện bơi dưới nước với đôi mắt mở to. Điểu ngạc nhiên, phải chăng anh đang nghĩ về một quyển tiểu thuyết khác của Hemingway? Hay một cảnh trong tác phẩm của một tác giả khác? Sự nghi ngờ khiến câu thần chú mất linh nghiệm và Điểu lạc giọng. Một mớ bầy nhầy trào lên cổ họng anh, lưỡi anh phồng lên cho tới lúc nó muốn bật ra khỏi miệng. Đối diện với hàng trăm cái đầu tỉnh táo, Điểu ngước mắt lên cười. Sự lố bịch kéo dài năm giây, nỗi im lặng tuyệt vọng. Thế rồi Điểu sụm xuông, mấy ngón tay vươn ra như con chàng hiu cố bám lấy thân cây khi mắc lụt, anh rên lên một tiếng và bắt đầu nôn. Điểu nôn như một con mèo mắc xương, cổ vươn ra thẳng đuột. Ruột gan anh như đang bị vắt cho khô rốc: trông anh giống như một con quỷ đói đang quằn quại dưới chân ông vua khổng lồ xứ Deva, Điểu hy vọng ít nhất mình cũng đạt được chút khôi hài trong cách nôn mửa của mình, nhưng thực tế thì nó chỉ là một trò cười. Có điều là khi cơn buồn nôn lên tới miệng rồi lại dội ngược xuống cổ, anh đã cảm thấy toàn mùi chanh như Himiko tiên đoán. Như những đóa hoa violet nở trong ngục tối, Điểu tự bông đùa để giữ bình tĩnh. Nhưng những mưu mẹo tâm lý như thế tan biến ngay trên gương mặt giống như ổ bánh mì gặp mưa đang ho rũ rượi. Điểu mở to miệng rên như sấm, cơ thể anh cứng đờ. Một màn đen như hai miếng che mắt ngựa từ hai bên thái dương của Điểu lớn dần, lớn dần, thu hẹp tầm nhìn của anh lại. Điểu ao ước được rơi vào một nơi sâu hơn, âm u hơn và từ đó nhảy sang một thế giới khác.

Một giây sau, Điểu nhận ra mình còn trong thế giới hiện tại. Những giọt nước mắt ướt hai bên mũi. Anh buồn rầu nhìn xuống vũng nước mà anh nôn ra, một vũng nước màu đất đỏ nhợt nhạt, lác đác những bợn chanh màu vàng tươi. Nếu từ trên chiếc máy bay bay thấp, nhìn xuống Châu Phi vào thời điểm sau vụ mùa, có lẽ người ta thấy cùng một thứ màu sắc như thế trên những vùng đồng bằng: ẩn nấp dưới những bợn chanh kia là hà mã, thú ăn kiến và những con dê núi hoang dã. Buột chặc dù, chắc tay súng, bước ra ngoài và lao xuống nhanh như con chim bói cá.
Cơn buồn nôn đã giảm. Điểu đưa bàn tay xám xịt, nhớp nhúa chùi miệng rồi đứng lên.
“Vì những chuyện ngoài ý muốn, hôm nay tôi cho lớp nghỉ sớm”. Anh nói trong hơi thở hổn hển như người sắp chết. Cả lớp dường như hiểu được tình thế. Điểu quay người nhặt tập văn tuyển và hộp phấn. Bất ngờ, một trong những cái đầu tỉnh táo kia nhảy lên và la lớn. Đôi môi hồng của cậu run lên và gương mặt nông dân tròn trịa, nhu nhược đỏ bừng bừng. Nhưng vì nghẹn họng, phải nói lắp nên chẳng ai hiểu cậu nói gì. Dần dần mọi điều trở nên rõ ràng. Ngay từ đầu, cậu ta đã phê bình thái độ của Điểu là không phù hợp với môt giáo viên, nhưng đến khi cậu ta thấy phản ứng duy nhất của Điểu là bày tỏ một sự bối rối, thì cậu ta lại hung hăng như con bọ xít. Cậu ta không ngừng to tiếng về giá học phí cao, thời gian luyện thi ngắn, lòng tin của cậu đối với trường, và bây giờ là tâm trạng giận dữ của họ khi lòng tin ấy đã bị phản bội. Dần dần, khi tỉnh rượu, sự kinh ngạc của Điểu đã biến thành nỗi sợ hãi và nó làm anh nổ đôm đốm: anh cảm thấy mình biến thành một con khỉ độc nhãn sợ sệt. Không bao lâu, sự căm phẫn của kẻ tấn công anh sẽ lây lan sang chín mươi chín cái đầu tỉnh táo khác: Điểu sẽ bị bao vây bởi một trăm phản ứng dữ dội và không còn cơ hội thoát thân. Anh chợt nhận ra mình đã hiểu quá ít về những đứa học trò mà mình từng dạy từ tuần này sang tuần khác. Một trăm kẻ địch mạnh mẽ khó lường đã đẩy anh đến bước đường cùng, và anh nhận ra những cơn buồn nôn nối tiếp nhau như sóng dồn đã xóa sạch sức lực của anh.

Sự khích động của kẻ buộc tội cứ tăng dần lên cho đến khi hắn chực trào nước mắt. Nhưng dù có cố gắng Điểu cũng không thể nào trả lời cho anh chàng đó được: Sau khi nôn thốc nôn tháo, cổ họng anh cháy khô, đến một giọt nước bọt cũng không còn. Anh cảm thấy điều lớn lao nhất mà anh có thể làm được là thốt lên tiếng kêu lanh lảnh như chim. Ôi, anh rên rỉ không ra tiếng, tôi phải làm gì đây? Thứ cạm bẫy đáng sợ này luôn luôn ẩn nấp trong cuộc đời tôi, chờ cho tôi ngã xuống, Điểu này khác với cuộc khủng hoảng mà tôi ôm ấp làm người thám hiểm châu Phi. Ngay như khi tôi rơi vào cái bẫy này, tôi cũng không thể ngất đi hay chết tức tưởi được. Tôi chỉ có thể nhìn trăn trối vào tường thành của cái bẫy suốt đời. Tôi là kẻ muốn gởi một bức điện: TÔI ĐANG GẶP RẮC RỐI – nhưng gởi cho ai đây?

Lúc này, một cậu học sinh có cái nhìn thông minh đứng lên khỏi chỗ ngồi giữa lớp và nói một cách bình tĩnh, chân thành: “Dẹp cái trò đó đi tụi bay, đừng phàn nàn nữa!”.
Cơn giông tố mới bắt đầu bùng lên đã bất ngờ tan mất. Sự khích động mua vui trào ra và cả lớp biến thành một trận cười. Đã đến lúc hành động! Điểu bỏ quyển văn tuyển lên trên hộp phấn rồi bước ra cửa. Ra khỏi phòng, anh lại nghe tiếng la hét và quay lại. Cậu học sinh vừa tấn công anh đang bắt chước tư thế ngồi chống hai tay xuống đất như khi anh nôn và đang ngửi cái vũng bầy nhầy của Điểu. Cậu ta la toáng lên: “Nghe toàn mùi rượu. Ma men còn bám lấy thầy mà, chả ra cái giống gì cả! Tôi sẽ gặp thầy hiệu trưởng để cho thầy biết tay!”.
Cho biết tay? Điểu tự hỏi và anh chợt hiểu ra – phải rồi, đó là một lời thỉnh cầu thẳng thắn! Cậu học trò hớn hở đứng lên và nói vởi vẻ buồn rầu gây cho cả lớp một trận cười: “Đáng lẽ thầy không nên nốc những thứ này, những thứ này làm thầy nôn ra đấy”.

Thoát khỏi kẻ buộc tội mình, Điểu leo xuống cầu thang. Có lẽ, đúng như Himiko nói, có một nhóm “ăng-ten” trẻ sẵn sàng đá phăng cái chức phụ giảng của anh khi anh vướng vào chuyện phiền toái. Anh mất hai ba phút để leo xuống hết cầu thang. Dù cau có với cái mùi vị chua lè của những thứ nôn ra còn vướng vất trên lưỡi hay sau cổ họng, trong ít phút ngắn ngủi đó, Điểu thật sung sướng./

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 835
Ngày đăng: 06.01.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 35: Buổi nói chuyện giữa Thầy và trò: Bí mật của Phương Thuật) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: tiểu thuyết (Chương 34: Tội ác) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 33: Cái vòng tay của bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 32: Giấc mơ trên thảo nguyên cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 4) - Lê Ký Thương
Một nỗi đau riêng: Tiểu thuyết(Chương 3) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 31: Cô ó ma lai xinh đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 30: Bản năng gốc) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 29: Cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 28: Tiếng hát giữa rừng khuya) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)