Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
688
116.701.870
 
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1)
Lê Ký Thương

NOBEL VĂN CHƯƠNG 1965: OE KEZABURO
Tiểu thuyết: MỘT NỖI ĐAU RIÊNG
Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER  của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994
 

 


Đôi lời giới thiệu:

Tiểu thuyết “Một nỗi đau riêng” của nhà văn Nhựt Bản Oe Kenzaburo, được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương năm 1965, dịch từ bản tiếng Anh “A personal matter” của John Nathan, NXB. Charlese - Tuttle Company Japan -1994.

Nhà văn Kenzaburo Oe sinh năm 1935 tại đảo Shikoku, đã sáng tác nhiều tiểu thuyết và tiểu luận, ông đoạt nhiều giải thưởng văn học giá trị tại Nhật.

Bản dịch “Một nỗi đau riêng” được NXB. Văn nghệ TP. HCM ấn hành năm 1997, nhưng cắt bỏ một đoạn cuối chương 6 và toàn bộ chương 7 vì vào thời điểm đó vấn đề tình dục là điều cấm kỵ!
Nay ngưởi dịch cho đăng lại toàn bộ bản dịch gồm tất cả 13 chương.  

                                                                                                         


Chương 1


Điểu chăm chú nhìn tấm bản đồ châu Phi được bày trong tủ kính mang vẻ duyên dáng ngạo mạn của một chú nai rừng, anh cố nén tiếng thở dài. Các cô bán hàng không để ý đến anh. Bộ đồng phục họ mặc để lộ ra đôi cánh tay và chiếc cổ nõn nà. Đêm xuống dần. Cái nóng đầu hè, giống như nhiệt độ  của một xác chết khổng lồ hạ hẳn xuống. Người ta di chuyển như đang mò mẫm từng bước trong màn đêm của tiềm thức, mong tìm lại ký ức về cái ấm áp ban trưa còn sót lại chút hơi tàn trong da thịt: họ thốt lên tiếng thở dài mơ hồ. Tháng sáu, sáu giờ rưỡi: không một ai trong phố lại đổ mồ hôi vào lúc này. Nhưng vợ của Điểu thì nằm trần truồng trên một tấm nệm cao su, đôi mắt nhắm nghiền giống như một con gà lôi bị trúng đạn từ trên trời rơi xuống, và trong khi nàng vừa rên rĩ vừa lo lắng và mong đợi thì mồ hôi nhỏ giọt trên cơ thể nàng.

Điểu nhún vai, chăm chú vào những chi tiêt của tấm bản đồ. Đại dương bao quanh lục địa châu Phi nổi lên một chấm màu xanh nhạt của bầu trời mùa đông vào buổi hoàng hôn. Kinh độ và vĩ độ không phải là những đường nét máy móc của chiếc com-pa: những đường nét đậm gợi lên sự do dự và thất thường của người vẽ. Lục địa trôi giống như chiếc sọ của một người bị treo đầu. Với đôi mắt sầu thảm, chán chường, một con người có cái đầu to tướng đang đâm đâm nhìn châu Úc, miền đất của gấu koala, thú mỏ vịt và kanguru. Bức tiểu họa châu Phi chỉ sự phân bổ dân số nằm dưới góc bản đồ, giống đầu người chết bắt đầu thối rữa. Một bức khác, hiện lên những con đường giao thông, giống đầu người bị lột da lộ ra những mao mạch đau đớn. Cả hai bức tiểu họa nhỏ bé này gợi lên sự chết chóc bất thường, nguyên sơ và tàn bạo.
“Tôi lấy tập bản đồ cho anh xem?”
“Không, đừng bận tâm,” Điểu nói. “Tôi đang tìm những tấm bản đồ chỉ đường của Tây Phi, Trung và Nam Phi do Michelin in”. Cô gái cúi xuống ngăn kéo đựng đầy bản đồ Michelin và bắt đầu lăng xăng lục lọi. “Dãy số 182 và 185,” Điểu chỉ rõ cho cô bán hàng, rõ ràng là một bản đồ châu Phi cũ.

Tấm bản đồ mà Điểu khao khát bấy lâu nay là một trang trong tập bản đồ bìa da, nặng ký, được trang trí bằng nhiều hình ảnh quí giá. Một vài tuần trước, anh đã dò giá tập bản đồ và biết nó bằng năm tháng lương giáo viên của anh dạy tại một trường luyện thi. Nếu muốn có đủ tiền mua, anh có thể làm thêm ngoài giờ công việc phiên dịch và phải mất ba tháng. Nhưng Điểu còn phải nuôi thân mình và nuôi vợ, vợ anh lại sắp sinh. Điểu là cột trụ của gia đình!

Cô bán hàng chọn hai tấm trong số tấm bản đồ bọc giấy bìa đỏ đặt lên quầy. Đôi tay nàng gầy và vấy bẩn, những ngón tay khẳng khiu của nàng gợi nhớ bàn chân con kỳ nhông bám chắc trên cây. Mắt Điểu dán vào nhãn hiệu Michelin nằm dưới ngón những ngón tay của nàng: một gã đàn ông bằng cao su trông giống như con cóc đang lăn cái ruột xe chạy xuống đường, làm anh cảm thấy việc mua bản đồ là điều ngớ ngẩn. Nhưng đây là những tấm bản đồ mà anh muốn dung vào mục đích quan trọng.

“Tại sao tập sách bản đồ mở ra đúng trang châu Phi?” Điểu hỏi với vẻ thèm muốn. Cô gái bán hàng, vì một lý do cảnh giác nào đó, không trả lời. Tại sao nó luôn luôn mở ra ở trang châu Phi? Phải chăng người quản lý tiệm nghĩ rằng bản đồ châu Phi là trang đẹp nhất trong quyển sách? Nhưng châu Phi đang trong quá  trình thay đổi một cách chóng mặt, khiến cho bất cứ tấm bản đồ nào về nó cũng nhanh chóng lỗi thời. Và sự thay đổi theo thời gian bắt đầu từ trang châu Phi sẽ khiến cho toàn bộ tập bản đồ không sử dụng được. Cái mà anh cần là một bản đồ không bao giờ bị lỗi thời bởi vì những hình dạng thuộc về chính trị được ổn định. Thế thì anh nên chọn châu Mỹ? Bắc Mỹ chẳng hạn.

Điểu cắt đứt dòng tư tưởng để trả tiền cho những tấm bản đồ, rồi cất bước xuống lối đi dẫn đến cầu thang, cúi mặt khi đi ngang qua giữa chậu cây và bức tượng đồng khỏa thân to béo. Bụng bức tượng đã bị những bàn tay nản chí làm vấy bẩn bằng dầu: nó trơn bóng giống như mũi chó. Khi còn là sinh viên, mỗi lần đi ngang qua đây, Điểu thường hay mân mê cái bụng. Hôm nay, anh không còn đủ can đảmđể nhìn thẳng vào mặt bức tượng. Điểu đã thoáng thấy bác sĩ và các y tá đang lau đôi tay của họ bằng thuốc tẩy trùng bên cạnh chiếc bàn mà vợ anh đang nằm trần truồng trên đó. Đôi tay của bác sĩ được phủ lông.

Điểu cẩn thận nhét những tấm bản đồ vào túi áo vét-tông, rồi ấn sang bên hông khi chen qua quầy bán báo đông người và tiến thẳng đến cánh cửa. Đó là những tấm bản  đồ đầu tiên anh đã mua để sử dụng khi đặt chân đến châu Phi. Anh băn khoản tự hỏi một ngày nào đó anh thực sự đặt chân lên đất châu Phi và nhìn bầu trời châu Phi qua cặp kính răm. Hay là ngay trong thời khắc này anh không còn cơ hội để đặt chân đến đó.  Có phải anh buộc lòng phải nói câu từ biệt với chính mình về dịp may độc nhất và cuối cùng của nỗi khao khát tột cùng trong máu thịt thời trai trẻ? Và nếu vậy, tôi phải làm gì kia chứ? Tôi chẳng thể làm được quái quỉ gì cả!

Điểu giận dữ đẩy cánh cửa và bước ra con đường chiều đầu hạ. Lề đường phủ sương mù: làn không khí vẩn đục và mờ đi. Điểu dừng chân chăm chú nhìn mình hiện ra một cách chập choạng trong ô cửa kính bày hàng. Anh đã già trước tuổi. Điểu, hai mươi bảy tuổi bốn tháng. Năm mười lăm tuổi, anh được đặt biệt danh là “Điểu” và mang chết cái tên này luôn từ đó. Cái tướng mạo vụng về, chập chờn như một thây ma chết đuối trong biển kính đen xì vẫn còn giống như một con chim. Anh nhỏ con và gầy. Đám bạn anh đã bắt đầu lên cân ngay khi chúng tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm, ngay cả những đứa ốm như co ma cũng đã phát phì khi chúng lập gia đình. Riêng Điểu, trừ cái dạ dày thon lỏn trong bụng, còn lại chỉ là xương với da. Khi đi, tay chân anh lòng thòng còn hai vai thì co rút. Lúc anh đứng yên cũng vẫn cái tư thế như vậy. Anh chẳng khác nào một ông già còm cõi mà xưa kia đã từng là một lực sĩ.

Không phải chỉ có đôi vai anh rủ xuống giống như đôi cánh xếp mà những nét đặc trưng của anh đại khái đều giống như chim. Cái mũi nâu sạm, bóng mượt nhô ra khỏi gương mặt giống như mỏ chim, quặp thẳng xuống đất. Đôi mắt không hồn mở đục màu keo dán và hầu như chẳng có lúc nào biểu lộ chút tình cảm, năm thì mười họa mới chớp chớp vì một sự ngạc nhiên không thái quá. Đôi môi mỏng và thô luôn luôn dán chặt trên hai hàm răng. Hai đường từ lưỡng quyền cao chạy thẳng xuống cằm tạo thành hình chữ V nhọn gốc. Tóc như những ngọn lửa hồng liếm bầu trời cao. Đấy chính là diện mạo của Điểu lúc mười lăm tuổi và ở độ tuổi hai mươi cũng chẳng có gì thay đổi. Còn bao lâu nữa anh cứ tiếp tục giống như một con chim? Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống với cùng khuôn mặt và điệu bộ từ mười lăm đến sáu mươi lăm tuổi hay sao? Vậy thì cái hình ảnh mà anh đang nhìn trong vuông cửa kính là tổng hợp toàn bộ cuộc đời anh. Điểu nhún vai, ghê tởm đến tận cổ khiến anh muốn nôn mửa. Thật là một phát hiện đáng sợ: Điểu than tàn, sức yếu, với một bầy con…

Bất ngờ, một phụ nữ với tướng tá hết sức khác thường, lồ lộ hiện ra trong bể kính mù mờ và chậm rãi bước về phía Điểu. Cô nàng to con đến nỗi khuôn mặt trùm lên cả cái đầu của Điểu phản chiếu trong kính. Điểu có cảm giác như có một con quái vật đang hung dũng đi ngang qua sau lưng anh. Cuối cùng anh quay người lại. Người phụ nữ dừng lại trước mặt anh và nhìn anh một cách thân thiện. Điểu nhìn lại. Một giây sau đó, anh thấy ánh mắt tha thiết khẩn nài của ả đã biến thành sắc thờ ơ ảm đạm. Thoạt đầu cô ả đã tưởng tìm được người đồng hội đồng thuyền, nhưng đột nhiên ả nhận ra mình đã nhầm. Cùng lúc đó, Điểu nhận ra điều bất bình thường trên khuôn mặt của cô ả. Những lọn tóc uốn cong thừa mứa gợi cho anh nhớ đến thiên thần Fra Angelico. Anh đặc biệt chú ý đến những sợi râu màu hung mà lưỡi dao cạo để sót lại trên mép của cô ả. Những sợi râu đã làm hỏng một lỗ trên bức tường trang điểm dày đặc và chúng đang rung rinh như thể là đau khổ.

“Chào!” người phụ nữ to con nói với giọng ồ ồ đàn ông. Cuộc gặp gỡ đã làm cho cô ả rụng rời tay chân vì lỗi lầm hấp ta hấp tấp của mình.
“Chào!” Điểu vội nở một nụ cười trên khuôn mặt và đáp lễ bằng một giọng hơi khan khan như vịt đực, một đặc điểm càng làm anh giống chim.
Cái anh chàng cải trang nữ giới quay nửa vòng đôi giày cao gót và từ từ bước xuống đường. Điểu nhìn anh ta đi một thoáng, rồi cất bước đi về hướng khác. Anh đi tắt qua một ngõ hẹp và đắn đo, thận trọng rồi mới bắt đầu băng qua một con đường rộng có đường dành cho xe điện chạy theo dây cáp. Ngay tính thận trọng quá đáng thỉnh thoảng cũng làm cho Điểu lên một cơn co thắt dữ dội, gợi lên hình ảnh một chú chim nhỏ bé mất hồn vì sợ hãi – hoàn toàn phù hợp với biệt danh của anh.

Anh chàng giả gái đó thấy tôi nhìn hình ảnh mình phản chiếu trong vuông cửa kính tưởng rằng tôi đang đợi chờ ai, và anh ta đã nhầm tôi với một kẻ đi tìm bò lạc. Một sự nhầm lẫn đáng bẽ mặt, nhưng vì cô ả đã nhận ra lỗi lầm của mình ngay khi Điểu quay lại, nên danh dự của anh vẫn còn. Bây giờ, anh đang vui thú với cuộc chạm trán đáng buồn cười này. Chào! – không có lời chào hỏi nào phù hợp hơn với hoàn cảnh này, quả là cô ả phải có một cái đầu sáng suốt.

Điểu cảm thấy trào lên niềm thương cảm cho chàng thanh niên cải trang thành một thiếu nữ to lớn. Liệu anh ta có thành công để chài được một kẻ đồi trụy tối nay và biến hắn thành một con bồ câu không? Lẽ ra tôi phải tìm thấy đủ can đảm đi với anh chàng.

Khi đã bước sang lề đường bên kia và rẽ vào một con đường đông đúc, đầy quán rượu rẻ tiền và nhà hàng, Điểu vẫn tưởng tượng điều gì xảy ra nếu anh đi với chàng thanh niên đến một xó xỉnh tồi tàn nào đó trong thành phố. Chắc là chúng tôi sẽ nằm trần truồng, sát bên nhau như anh em, và trò chuyện. Tôi cũng nên trần truồng như nhộng để anh chàng không cảm thấy ngượng ngùng. Tôi phải nói cho chàng biết rằng tối nay vợ tôi sanh, rồi có lẽ tôi nên thú nhận rằng mấy năm nay tôi muốn đi châu Phi, và một trong những điều mộng ước của tôi là, khi trở về nhà, viết một thiên ký sự về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở đó với tựa đề Bầu trời Châu Phi. Tôi phải nói luôn rằng chuyện một mình tôi đến châu Phi không thể thực hiện được nếu tôi bị nhốt trong bốn bức tường của gia đình khi đứa con chào đời. (Tôi sống trong lồng từ khi cưới vợ, mặc dù cho đến giờ phút này cửa lồng luôn luôn có vẻ như mở, nhưng có thể tiếng khóc chào đời của con tôi chính là tiếng đóng cửa lồng). Tôi sẽ nói đủ mọi chuyện trên đời, anh chàng sẽ chịu khó chọn lọc từng tình tiết một những chuyện làm cho tôi mất ăn mất ngủ, tập trung lại dần, và chắc chắn anh chàng sẽ hiểu ra. Bởi vì một chàng trai chủ quan tin rằng mình sẽ chài được một tên dâm ô đồi trụy ngoài phố thì như thế tất phải có cặp mắt, đôi tai và một trái tim nhạy cảm với nỗi lo ngại cắm rễ sâu xa trong tận cùng tiềm thức.

Sáng hôm sau, có thể chúng tôi cùng cạo râu và cùng nghe tin tức qua radio, dùng chung cái đĩa đựng xà phòng. Anh chàng đó còn trẻ nhưng râu thì rậm ri và… Điểu cắt ngang dòng tưởng tượng phiêu bồng và mỉm cười. Cùng trải qua một đêm quả là quá trớn, nhưng ít ra anh nên mời anh chàng đi uống một thứ gì đó. Điểu đang đứng trên một con đường đầy những quán rượu ấm cúng, rẻ tiền, nối tiếp nhau: anh lạc vào mê hồn trận của đám đông chuếnh choáng hơi men. Cổ họng anh khô khốc và anh muốn uống cho dù anh phải uống một mình. Anh quay ngoắt cái đầu trên chiếc cổ cò gầy guộc, quan sát các quán rượu nằm hai bên đường. Thực ra, anh không định dừng lại ở bất kỳ quán nào. Điểu tưởng tượng bà mẹ vợ sẽ phản ứng thế nào nếu anh đến bên cạnh vợ và đứa con mới sinh với mùi rượu nồng nặc. Anh không muốn ông bà già vợ thấy mình bị ma men hớp hồn một lần nữa.

Hiện giờ, cha vợ của Điểu dạy tại một trường cao đẳng tư thục nhỏ, nhưng trước kia ông là chủ nhiệm khoa Anh ngữ ở trường đại học của Điểu cho đến khi nghỉ hưu. Cũng nhờ thiện chí của ông cha vợ mà Điểu may mắn kiếm được chỗ dạy tại một trường luyện thi. Anh yêu mến ông già và anh sợ ông, Điểu chưa bao giờ gặp một người lớn tuổi nào rộng lượng như ông cha vợ. Anh hoàn toàn không muốn làm ông thất vọng thêm lần nữa.

Điểu cưới vợ vào tháng Năm khi anh hai mươi lăm tuổi, và mùa hè đầu tiên năm đó anh say bốn tuần liền không thiếu một ngày. Một cách bất ngờ, anh trôi dạt vào biển rượu, một Robinson Crusoe ngu muội. Sao lãng mọi bổn phận  của mình: một sinh viên thi tốt nghiệp, việc làm, chuyện nghiên cứu, vứt bỏ mọi thứ không chút đắn đo suy nghĩ, Điểu ngồi suốt ngày từ sáng đến khuya trong căn bếp âm u ở nhà tập thể của anh, nghe nhạc và uống rượu mạnh. Dường như đối với anh lúc này, nhìn lại chuỗi ngày khủng khiếp đó, ngoài việc vừa nghe nhạc, vừa uống rượu và đắm chìm trong giấc ngủ say mèm, khắc nghiệt, anh không có một mảy may hoạt động nào của một con người đang sống. Bốn tuần lễ sau đó, Điểu thức tỉnh sau bảy trăm tiếng đồng hồ bị con ma men hành hạ để nhận ra mình, than tàn ma dại,như sự hoang phế của một thành phố bị ngọn lửa chiến tranh tàn phá. Anh giống như một kẻ bất tài bị tâm thần, có rất ít cơ may hồi phục, nhưng anh phải chế ngự lại tất cả, không chỉ những đổ nát hoang tàn trong tâm hồn anh mà cả những quan hệ đã hoang phế của anh đối với thế giới bên ngoài. Anh bỏ trường không thi tốt nghiệp và nhờ cha vợ tìm cho một chân dạy học. Giờ đây, hai năm sau, anh đang chờ vợ mình sanh đứa con đầu lòng. Lại một lần nữa, nếu anh lại có mặt ở bệnh viện với mùi rượu nồng nặc, thì mẹ vợ anh hẳn sẽ chạy bán sống bán chết, kéo theo cả con gái và cháu ngoại của bà.

Điểu tự cai nghiện rượu, nhưng nó đã ăn sâu tận máu thịt, nên anh vẫn uống. Từ dạo bốn tuần liền sống với ma men, anh luôn luôn tự hỏi tại sao mình có thể say sưa như vậy suốt bảy trăm tiếng đồng hồ, và không bao giờ tìm được một câu trả lời dứt khoát. Sự sa vào hố thẳm rượu mạnh của anh mãi mãi à một điều bí ẩn, và luôn còn đó nỗi nguy hiểm mà anh có thể bất ngờ quay lại với nó bất cứ khi nào.

Trong một quyển sách viết về châu Phi mà anh đọc ngấu nghiến, Điểu đã bắt gặp một đoạn: “Ngày nay, những cuộc liên hoan chè chén trong làng mạc châu Phi vẫn còn phổ biến. Điều này gợi cho ta thấy cuộc sống ở xử sở xinh đẹp này vẫn còn thiếu nền tảng. Những bất mãn cơ bản đang đẩy dân làng châu Phi đến chỗ thất vọng và sống phóng túng”. Đọc lại đoạn này, rồi nghiên cứu những ngôi làng nhỏ ở Sudan, Điểu nhận ra anh cứ tránh né suy xét về tình trạng thiếu thốn và bất mãn đang rình rập cuộc đời anh. Nhưng chúng hiện hữu, anh tin chắc như thế, vì vậy anh quan tâm đến việc bỏ rượu.

Điểu có mặt nơi quảng trường phía sau khu quán rượu tạp nham, tập trung mọi xô bồ và huyên náo. Chiếc đồng hồ điện trên nhà hát ở giữa quảng trường sáng lên bảy giờ tối – giờ gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe vợ anh. Từ ba giờ chiều nay, cứ cách một tiếng đồng hồ, anh lại gọi điện thoại đến bệnh viện cho mẹ vợ. Anh đưa mắt nhìn quanh quảng trường. Điện thoại công cộng đầy rẫy, nhưng tất cả đều bận. Anh nóng nảy vì nghĩ rằng bà mẹ vợ đang nôn nóng chờ điện thoại ở bệnh viện. Từ lúc đứa con gái đến bệnh viện, bà bị ám ành vì ý nghĩ các nhân viên ở đậy đang cố làm bẽ mặt bà. Giá như chỉ có thân nhân của một bệnh nhân khác đang gọi… Chẳng còn chút hy vọng  gì, Điểu quay bước trở lại đường cũ, nhìn vào những quán rượu và những tiệm cà phê, những tiệm mì Trung Hoa, những nhà hàng bán món cô-lét và những tiệm giày. Anh có thể bước vào một tiệm nào đó để gọi điện thoại. Nhưng anh muốn tránh vào một quán rượu nếu có thể được, và anh cũng đã ăn tối. Tại sao anh không mua thuốc tiêu để làm cho êm cái bụng nhỉ?

Điểu đang tìm tiệm bán thuốc tây thì bất ngờ gặp một cơ sở của người nước ngoài nằm trên góc đường án ngữ trước mặt. Trên một tấm bảng quảng cáo to đùng treo trước cửa, một anh chàng cao bồi đứng khom người với một khẩu súng đang nhả đạn. Điểu đọc dòng chữ vẽ trên đầu người Da Đỏ được gắn dưới đôi giày có cựa sắt của chàng cao bồi: GÓC SÚNG ĐẠN. Bên trong, phía dưới những lá cờ Liên hiệp quốc bằng giấy cùng những dải giấy nhiễu Tàu xoắn ốc màu xanh và vàng, một đám đông thanh niên trẻ hơn Điểu nhiều đang vật lộn túi bụi với những chiếc máy trò chơi sắp đầy từ trước ra sau. Điểu nhìn xuyên qua những cánh cửa kính bày đầy băng trò chơi màu đỏ và màu chàm, trông thấy chiếc điện thoại công cộng đặt nơi gốc. Anh bước vào Góc Súng đạn, đi ngang qua chiếc máy bán Coke và chiếc máy hát tự động đang rú lên điệu rock-n-roll lỗi thời, rồi bắt đầu bước qua cái sàn nhà bằng gỗ xám xịt. Ngay lúc đó, như thể có tiếng phi đạn đang nổ bên tai anh, Điểu uể oải đi ngang qua căn phòng như đang đi trong một mê cung, bước qua những chiếc máy chơi banh lỗ, máy chơi trò ném phi tiêu và một khu rừng thu gọn sống động đầy nai, thỏ cùng những chú cóc nhái màu xanh kinh dị di chuyển trên một băng chuyền. Khi Điểu đi ngang qua thì thấy một cậu học sinh trung học tóm được một con nhái dưới đôi mắt than phục của đám bạn gái, và trên ô điểm bên cạnh máy trò chơi hiện lên điểm 5. Cuối cùng, anh cũng đến được chỗ điện thoại. Bỏ một đồng xu vào máy, Điểu quay số bệnh viện theo trí nhớ. Một tai anh nghe tiếng chuông điện thoại reo từ xa, còn tai kia thì rào rạo tiếng ồn điệu nhạc rock–n–roll giống như hàng vạn con cua đang thi nhau trốn chạy. Đám trẻ hứng khởi, say mê với những đồ chơi tự động của chúng, đang chen lấn trên sàn gỗ với những đế giày da Ý mềm mại. Mẹ vợ anh sẽ nghĩ gì về những tiếng ầm ĩ này? Có lẽ anh sẽ nói một điều gì đó về tiếng ồn khi anh xin lỗi vì gọi muộn.

Chuông reo đến bốn lần trước khi nghe giọng nói của mẹ vợ anh, nghe như giọng vợ anh và hơi trẻ hơn. Điểu hỏi thăm vợ mình ngay mà không một lời xin lỗi như đã định..
“Chưa. Chưa sinh. Vợ con đang đau lắm, còn đứa bé thì chưa chịu ra!”.
Không nói một lời, Điểu nhìn vào màng ống nghe. Bề mặt của nó giống như bầu trời đêm phủ đầy những vì sao đen, lập lòe lúc tối lúc sang theo từng hơi thở của anh.
“Vào lúc tám giờ con sẽ gọi lại”, một phút sau đó anh nói rồi treo máy và thở dài.

Một chiếc máy chơi trò lái xe được cài đặt bên cạnh  điện thoại, thằng nhóc trông giống như dân Phi-luật-tân ngồi sau tay lái. Bên dưới chiếc laguar thu nhỏ người ta đặt một trục lăn ở giữa tấm bản, một băng chuyền vẽ phong cảnh đồng quê quay liên tục, làm cho chiếc xe xuất hiện với tốc độ chóng mặt trên con đường cao tốc của vùng ngoại ô. Ở những khúc cua, các chướng ngại vật như bò, cừu, các cô gái, những tốp con nít không ngừng hiện ra đe dọa chiếc xe bé nhỏ. Công việc của người chơi là tránh va chạm vào những chướng ngại vật bằng cách bẻ tay lái và điều khiển chiếc xe chạy trên đầu trục lăn đó. Thằng nhóc với chiếc quần đùi nhàu nát, lông mày ngâm đen, khom người trên tay lái với sự tập trung cao độ. Nó cắn môi, phùng mang, trợn mắt lái liên tục như tin chắc rằng cuối cùng cái băng chuyền cũng ngừng xoay và đưa chiếc xe đến đích. Nhưng con đường cứ liên tục trương ra những chướng ngại trước mặt chiếc xe nhỏ bé. Thỉnh thoảng, khi băng chuyền bắt đầu chạy chậm lại, thằng nhóc thọc tay vào túi quần móc ra một đồng xu và đặt vào con mắt kim loại của chiếc máy. Điểu dừng chân đứng nghiêng người sau lưng thằng nhóc, nhìn nó chơi một chút. Chẳng bao lâu, một cảm giác mệt mỏi, không thể chịu nổi xâm chiếm đôi chân anh. Điểu vội vã đi về phía cửa sau, bước đi như đang dẫm trên một tấm kim loại nóng rực. Phía sau gian trò chơi, anh bắt gặp một cập máy thật kỳ lạ.

Chiếc máy bên trái được bao quanh bởi một băng thiếu niên mặc toàn áo khoác giống nhau thêu những con rồng bằng kim tuyến vàng và bạc, một món hang kỷ niệm của Hồng Kông dành cho du khách Mỹ. Chúng gây ra những tiếng ồn tạp nham làm chói tai nhức óc. Điểu tiến đến chiếc máy bên trái, vì lúc đó nó nằm không. Đây là dụng cụ tra tấn thời Trung cổ, một cái máy chém. Bằng sắt – mẫu của thế kỷ 20. Nó là một thiếu nữ xinh đẹp bằng sắt, cỡ bằng người thật, với những sọc cơ khí đỏ đen, đang chéo hai cánh tay che kín bộ ngực trần. Người chơi cứ việc thử kéo cánh tay của nàng ra khỏi ngực để nhìn thoáng qua đôi vú kim loại được giấu kín trong đó. Đôi mắt người đẹp là hai ô điểm ghi số lần kẹp chặt và kéo. Trên đầu nàng là bảng ghi số tuổi trung bình tương ứng với kết quả kéo và đẩy.


Điểu cho một đồng xu vào giữa đôi môi người đẹp. Xong xuôi, anh bắt đầu kéo mạnh đôi tay nàng. Đôi tay bằng thép kháng cự lại một cách ngoan cố: Điểu kéo mạnh hơn. Dần dần khuôn mặt của anh bị hút vào bộ ngực bằng sắt của nàng, Điểu có cảm giác như anh đang hiếp dâm người đẹp, vì rõ ràng là người ta cố ý tạo cho khuôn mặt nàng những nét đau đớn. Anh căng thẳng cho đến khi gân cốt đau nhừ. Đột nhiên có tiếng gầm gừ trong ngực nàng giống như tiếng cài số xe, và những tấm thẻ có ghi số màu máu loãng đập vào đôi mắt sâu hoắm của nàng. Điểu mềm như con bún, thở hổn hển, đưa mắt nhìn bảng điểm. Không rõ các đơn vị diễn tả điều gì, nhưng Điểu đạt được 70 điểm kẹp và 75 điểm kéo. Trong một cột trên bảng dưới số 27, Điểu thấy KẸP: 110 – KÉO: 110. Điểu nhìn lướt bảng điểm của anh là trung bình đối với một người bốn mươi tuổi. Bốn mươi tuổi! – một cú sốc làm anh nghẹn cuống họng và anh phải rán ợ lên như đã nư. Điểu! Hai mươi bảy tuổi bốn tháng mà kẹp và kéo không hơn một người bốn mươi tuổi.Thế là thế nào? Giờ đây, cái cảm giác như kiến bò trên đôi vai và hai bên hông đang dần dần biến thành một cơn đau dai dẳng. Quyết định chuộc lại danh dự, Điểu tiến đến cái máy trò chơi bên phải. Anh ngạc nhiên nhận ra rằng bây giờ anh hăng hái muốn thử sức mình với trò chơi này.

Với sự nhanh nhẹn của những con thú hoang dã sống trong khu vực bị xâm lấn, bọn trẻ mặc áo khoác thêu rồng chận đường Điểu và vây kín anh bằng những tia nhìn thach thức. Hồi hộp, nhưng làm mặt tỉnh khô, Điểu quan sát chiếc máy nằm giữa vòng vây của chúng. Nó cấu tạo gần giống như cái giá treo cổ trong một phim cao bồi miền Tây, ngoại trừ cái nón sắt giống như loại nón của kỵ binh Slave được treo ở một điểm mà kẻ không may sống ngoài vòng pháp luật bị hành quyết. Chiếc nón sắt chỉ che đậy một phần cái bao cát phủ trong miếng da hoẵng màu đen. Khi cài một đồng xu vào cái lỗ sang rực như con mắt của người khổng lồ độc nhãn ở giữa chiếc nón sắt, người chơi kéo bị cát xuống và cây kim chỉ số tự nó chỉ số 0. Giữa cây kim chỉ số có một bức hí họa Chuột Rô-bô, mở toác cái miệng rộng màu vàng và la lên: "Tiến lên Kẻ giết người! Hãy thứ đo sức mạnh nắm đấm của bạn đi!”.

Khi Điểu đứng yên và chỉ đưa mắt nhìn về phía chiếc mày thì một thằng trong bọn bước tới như muốn dương oai, bỏ một đồng xu vào chiếc nón sắt rồi kéo bao cát xuống. Để tỏ vẻ ta đây là người sành sỏi, nó lui ra sau một bước rồi lả lướt tung cả thân người về phía trước, đấm túi bụi vào bao cát. Một tiếng kêu chói tai vang lên: đó là tiếng leng keng của sợi xích đổ sầm xuống bên trong chiếc nón sắt. Chiếc kim nhảy vượt qua những con số trên máy đo rồi rung rinh một cách vô nghĩa. Bọn trẻ phá lên cười. Cú đấm đã vượt quá khả năng của máy đo khiến cho cây kim bị tê liệt không trở về vị trí cũ. Thằng nhỏ đắc thắng đá nhẹ vào bao cát, lần này bằng một thế võ karate, và cây kim nhảy xuống số 500 trong khi bao cát bò từ từ lên lại chiếc nón sắt giống như một con ốc ma kiệt sức. Lại một lần nữa, cả bọn cười rộ.

Một nỗi khát vọng vô biên vồ lấy Điểu. Để khỏi phiền vì tấm bản đồ, anh cẩn thận lấy chúng ra khỏi chiếc áo khoác và đặt lên bàn chơi bài. Xong xuôi, anh lấy trong túi ra một đồng xu trong số tiền dành để gọi điện thoại đến bệnh viện bỏ vào chiếc nón sắt. Bọn trẻ theo dõi từng động tác của Điểu. Điểu hạ thấp bao cát xuống, lui ra sau một bước và giơ nắm đấm. Sau khi bị đuổi ra khỏi trường trung học, vào thời gian anh đang học thi để chuẩn bị lên đại học, hầu như tuần nào anh cũng cãi nhau ầm ĩ với những học sinh vi phạm kỹ luật khác trong tỉnh lỵ. Anh đã từng sợ hãi và cũng từng được hâm mộ, Điểu tin vào sức mạnh quả đấm của mình. Anh đấm đúng qui cách, không đấm một cách liều lĩnh, vụng về. Anh dốn sức mạnh xuống bắp chân, bước nhẹ tới trước một bước rồi đấm mạnh vào bao cát bằng cú đấm tay mặt. Cú đấm của anh có vượt qua giới hạn con số 2500 và làm hỏng máy đo không? Như quỉ tha ma bắt – cây kim chỉ số 300! Thử lại lần thứ hai, nắm tay còn để trước ngực, Điểu nhìn vào chiếc máy đo trong trạng thái hết sức kinh ngạc. Giòng máu nóng dồn lên mặt anh. Sau lưng anh, bọn trẻ mặc áo khoác thêu rồng vẫn đứng lặng yên, nhưng chắc chắn những cặp mắt của chúng đều tập trung vào Điểu và chiếc máy đo. Sự xuất hiện của một người đàn ông có cú đấm quá xoàng khiến chúng phải lặng câm như hến.


Điểu làm như không hay biết gì về sự có mặt của bọn trẻ, quay lại chiếc nón sắt, bỏ vào một đồng xu khác rồi kéo bao cát xuống. Lần này không có thời gian lo chuyện đấm cho đúng tư thế: anh tung hết sức mạnh toàn than theo sau cú đấm. Cánh tay mặt của anh tê điếng và cây kim chỉ dừng lại ở số 500.

Điểu khom người xuống, nhặt nhanh chiếc áo khoác mặc vào, đừng đối diện với bàn chơi bài. Sau đó, anh quay nhìn bọn trẻ đang quan sát mình trong im lặng. Điểu cố nở một nụ cười kẻ cả, hoàn toàn thông cảm và ngạc nhiên, của một cựu vô địch về vườn từ lâu đối với nhà vô địch trẻ. Nhưng bọn trẻ chỉ đăm đăm nhìn anh bằng nét mặt đanh như thép, như đang nhìn một con chó. Điểu đỏ cả mang tai, cúi đầu và vội vã chuồn ra khỏi phòng chơi. Một trận cười hả hê nổ tung sau lưng anh, dĩ nhiên đó là trận cười hân hoan đắc thắng.

Choáng váng vì xấu hổ như con nít, Điểu băng qua công viên và lủi vào lề đường tăm tối: anh mất can đảm để chường mặt trong đám đông người xa lạ. Bọn gái ăn sương đứng dọc theo đường, nhưng trông thấy nét mặt giận dữ của anh, họ mất can đảm mời chào. Điểu rẽ vào một đường hẻm chẳng có em điếm nào núp bóng, bất ngờ anh bị một bờ đất cao chặn lại. Nhờ mùi lá xanh trong đêm tối anh nhận ra lớp cỏ mùa hè dày trên triền đê. Trên mặt đê là con đường xe lửa. Điểu chăm chú nhìn ngược nhìn xuôi để xem có chuyến tàu nào đang chạy đến không và chẳng phát hiện ra thứ gì trong bóng đêm. Anh nhìn lên bầu trời đen như mực. Làn sương phản chiếu những ánh đèn nê-ông của quảng trường, hiện lên màu hung hung là đà trên mặt đất. Một giọt nước mưa bất ngờ làm ướt má Điểu – mùi cỏ thơm phức nhờ thấm cơn mưa. Điểu cúi đầu xuống, và như thế chẳng biết làm gì khác, anh trật quần ra tè một cách lén lút. Trước khi tè xong, anh nghe những bước chân hỗn loạn đang tiến tới từ phía sau. Ngay lúc anh quay lại thì thấy mình đã bị bọn trẻ mặc áo khoác thêu rồng bao vây.

Với một chút ánh sang mờ nhạt sau lưng chúng, bọn trẻ đứng trong bóng tối bao trùm, Điểu không thể nào nhận ra được sắc mặt của chúng. Nhưng anh nhớ lại thái độ bất hợp tác của chúng đối với mình trong Góc Súng đạn. Cả băng đã phát hiện một sinh vật quá yếu đuối, và bản năng côn đồ của chúng đã trỗi dậy. Với nhu cầu của một đứa trẻ hung dữ muốn dày vò bạn cùng chơi yếu hơn mình, chúng chạy đuổi theo con cừu đáng thương chỉ đấm được 500 điểm. Điểu sợ hãi: nóng lòng tìm đường thoát thân. Muốn đến được quảng trường đầy ánh sáng, anh phải chạy thẳng về phía bọn chúng và phá vỡ vòng vây tại điểm kiên cố nhất. Nhưng với sức lực của Điểu – phanh và kéo của một người bốn mươi tuổi – thì không còn gì đáng nghi ngờ: chúng dễ dàng tống lui anh. Phía tay phải anh la hẻm cụt bị chặn bởi một hàng rào ván. Con hẻm hẹp phía tay trái, giữa bờ đê và hàng rào dây thép cao bao quanh sân một xí nghiệp thì kéo dài ra một khoảng xa mới tới được đường phố đông đúc. Điểu có một cơ hội thoát nạn nếu anh chạy suốt con đường đó mà không bị tóm. Quyết tâm, Điểu làm động tác giả chạy về phía con hẻm cụt bên tay phải, rồi xoay người và đổi hướng sang bên trái. Nhưng kẻ thù đã biết quá rành đường đi nước bước trong thành phố này, giống như hồi hai mươi tuổi Điểu cũng đã thuộc nằm lòng thị trấn ban đêm của quê anh. Mở vòng vây, bọn trẻ đổi hướng về phía trái rồi tập hợp lại trong khi Điểu giả vờ chạy về phía phải, Điểu  đâm đầu chạy thẳng và khi anh lao người về phía con hẻm bên trái anh đụng phải cái bóng người lờ mờ cong vòng như một cây cung, một cuộc tấn công giống như bọn trẻ đã sử dụng trên bao cát. Không còn thời gian hay chỗ nào né tránh, Điểu dồn hết sinh lực vào cú đấm nốc ao tồi tệ nhất rồi ngã ngửa vào bờ đê. Rên rỉ, anh phụn ra nước bọt và máu. Bọn trẻ cười ré lên giống như khi chúng làm tê liệt cái máy đấm. Sau đó, chúng im lặng nhìn Điểu nằm yên và khép kín nửa vòng vây. Cả băng đang chờ đợi.

Điểu chợt nhớ ra rằng những tấm bản đồ hẳn đã bị nháu nát. Và đứa con anh đang ra đời: ý nghĩ nhảy múa với sự cay cú mới phát sinh. Cơn thịnh nộ bất ngờ chiếm lấy anh cùng với nỗi tuyệt vọng dữ dội. Cho đến lúc ấy, ngoài sự kinh hãi và hoang mang, Điểu chỉ lo tính kế tẩu đào. Nhưng bây giờ anh lại không có ý định tháo chạy nữa. Nếu bây giờ tôi không chiến đấu, tôi sẽ không chỉ vĩnh viễn mất cơ hội đi đến châu Phi, mà đứa con của tôi sẽ đơn độc bước vào thế giới này để sống một cuộc đời với khả năng tồi tệ nhất – đó là tiếng nói của sự linh cảm và Điểu tin vào điều đó.

Những giọt nước mưa rơi loạn xạ trên đôi môi rách của anh. Anh lắc đầu, rên rỉ và chầm chậm đứng lên. Một nửa vòng vây của bọn trẻ lui ra sau như để nhử con mồi. Và rồi một thằng vạm vỡ nhất trong bọn xấn tới trước. Điểu đưa hai tay lên ra bộ rồi thoi vào cằm nó, quả đấm làm ảnh hưởng đến cái xác không hồn của anh. Cẩn thận nhắm mục tiêu, thằng nhỏ đưa một chân lên cao rồi quay vòng ra phía sau như một cầu thủ vờn bóng và vung mạnh cánh tay phải đấm trả về phía trước. Điểu khom người xuống, đầu cúi thấp, và giống như một con bò mộng hung dữ húc thẳng vào bụng của kẻ tấn công. Thằng nhóc hét lên, nôn ọc rồi ngã vật xuống đất, Điểu hất đầu lên, kháng cự với những đứa khác. Niềm vui ấu đả sống lại trong lòng anh kể từ nhiều năm qua, Điểu và bọn trẻ mặc áo khoác thêu rồng đứng yên gườm nhau, đánh giá đối thủ. Thời gian trôi qua.

Đột nhiên, một đứa trong bọn la lên: “Đi thôi tụi bay ơi! Đừng đánh nhau với lão này. Già khú đế rồi!”.

Bọn trẻ giãn ra ngay. Chúng đỡ thằng bạn bất tĩnh đứng dậy và chuồn về phía quảng trường, rời khỏi chỗ Điểu đang đứng thủ thế một mình trong cơn mưa. Một cảm giác khôi hài đến muốn bật cười dồn lên cuống họng anh, và trong giây phút, anh bật cười trong im lặng. Chiếc áo khoác của anh vấy máu, nhưng nếu anh có đi trong cơn mưa một lúc thì không ai có thể nhận ra vì nước mưa đã rửa sạch. Điểu cảm thấy hơi an tâm. Tự nhiên, chỗ bị đấm trên cằm đau, cả tay, lưng lẫn mắt cũng đau. Nhưng kể từ khi vợ anh lâm bồn đến giờ, lần đầu tiên anh sống trong trạng lâm bồn đến giờ, lần đầu tiên anh sống trong trạng thái hưng phấn, Điểu lê chân bước xuống con hẻm nằm giữa bờ đê và dãy nhà máy. Chẳng bao lâu, một đầu máy cổ lỗ chạy bằng hơi nước phun ra đầy than xỉ cháy đỏ chạy thình thịch trên đường ray. Chiếc xe lửa giống như một con tê giác đen xì phi nước đại ngang qua bầu trời đen như mực trên đầu Điểu.

Ra tới đại lộ, trong khi chờ taxi, Điểu đưa lưỡi rà tìm chiếc răng gãy rồi phun nó xuống đường.






 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1494
Ngày đăng: 20.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 22: Dưới gốc cây cổ thụ (1)) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)