Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
757
116.706.945
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm)
Võ Anh Cương

 

Vương Đình Huệ không nghe được câu nói của Tư Đực, lúc đó Vương Đình Huệ đang trở về sau khi luyện xong môn ẩn thân. Vừa đi Vương Đình Huệ vừa nghĩ cách xin Bạc Đầu Râu đi lấy kỳ nam với Trương Đại Quá và ông K’Rè. Không biết phải bắt đầu từ đâu, Huệ nghĩ, ông thầy Bạc rất nghiêm khắc khi học viên phạm luật, mà việc này quả là phạm luật rồi. Cô Nghỉ tự tay thầy Bạc mang về, thầy chưa nói chuyện riêng của cô thì không ai được phép hỏi. Ngay chuyện riêng của từng học viên cũng là điều cấm kỵ đối với những người còn lại của trường thì chuyện người con gái cưng của thầy Bạc còn cấm kỵ đến cỡ nào?

Không nghĩ ra được cách xin phép đi xa, Huệ bực tức, anh đá một khúc cây nằm ven đường cho bỏ tức cứ như khúc cây là nguyên nhân sự bức bội của Huệ vậy. Vậy mà lại có chuyện. Khúc cây bay ở một khúc quanh, vô tình làm sao nó lại rớt trúng…Bạc Đầu Râu! Ông thầy giận dữ nhìn Vương Đình Huệ:

- Hoá ra là mi?

Mặt Vương Đình Huệ xám xịt, anh không ngờ hành động nông nỗi vừa rồi, khúc cây tấu xảo lại rơi trúng ông hiệu trưởng. Anh rối rít:

- Con xin lỗi thầy, con không cố ý?

Bạc Đầu Râu hơi giận vẫn còn:

- Vậy tại sao mi đá khúc cây để nó rơi trúng ta chứ?

Vương Đình Huệ sợ hãi nhìn Bạc:

- Thưa thầy…thưa thầy….

Ông Bạc Đầu râu nghiêm khắc:

- Thôi, thôi, theo ta về trường hẳn nói tiếp!

Nói xong ông quay ngoắc trở lại, Vương Đình Huệ hồi hộp theo sau. Hai người im lặng đi, vừa đi Vương Đình Huệ vừa nghĩ, nếu để ý một chút, biết sắp đến trường thì anh đâu có giận dữ đá khúc cây để trở nên cơ sự như vầy. Ôi, Mat từng dạy trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ lấy bình tĩnh làm đầu, vậy mà anh, Vương Đình Huệ, một người học trò “ruột” của Mat lại hành động một cách cẩu thả như vậy chứ? Ân hận thì cũng chẳng làm được gì, thôi thì cứ theo lời dạy của Mat, tuỳ tình hình mà xử lý vậy, chứ biết làm sao?

Hai người đi vào một căn phòng, đây là phòng riêng của Bạc Đầu Râu, chưa ai được phép vào đây cả, kể cả Mat, người cộng sự thân tín của Bạc Đầu Râu. Hoá ra không có gì là ghê gớm trong căn phòng của thầy hiệu trưởng. Cũng một cái giường, chăn gối xếp gọn gàng, cũng một cái bàn có hai chiếc ghế, trên bàn là một cái hồ lô màu nâu, không biết trong ấy chứa thứ gì?

Bạc Đầu Râu hắng giọng:

- Con ngồi xuống đi.

Hình như thầy hiệu trưởng đã nguôi giận, thầy vốn nóng tính nhưng mau nguội. Biết vậy nên Vương Đình Huệ cũng tự tin hơn, anh nói:

- Thưa thầy, con xin lỗi thầy, con biết hành động vừa rồi là vô lễ, tuy con không cố ý làm việc đó. Con không biết thầy có việc lại xuất hiện đúng lúc con nghĩ quá lung, không làm chủ được bản thân và con lỡ đá một khúc cây nằm ở trên đường. Thưa thầy, con biết rằng khi ta chưa tìm cách giải quyết một vấn đề nào mà vội vàng có một hành động nôn nóng là cách xử trí của một người bồng bột….

Bạc Đầu Râu cắt ngang:

- Thôi con đừng dài dòng nữa, con vào chính đề đi.

Được khích lệ bởi một cái nhìn thông cảm của thầy hiệu trưởng, Vương Đình Huệ tự tin kể tuốt tuột những khúc mắc trong lòng anh mấy lâu nay khi biết hoàn cảnh của cô Nghỉ. Nghe xong, Bạc Đầu Râu im lặng, ông ra vẻ suy nghĩ lung lắm. Một lúc sau ông hắng giọng rồi nói:

- Con làm ta khó xử quá, ta biết con mắc sai lầm vì chuyện của con Nghỉ. Con biết rồi đó, chuyện riêng của con Nghỉ con không được phép xía vô, vậy mà con lại rình ngoài cửa khi ta nói cho con Nghỉ biết chuyện của nó. Nhưng con không có gì là vụ lợi trong câu chuyện này, thôi thì, để giữ nghiêm luật lệ trong học viện, với lỗi lầm đó, con vẫn bị phạt như thường. Nhưng trước khi định ra hình phạt và thi hành, con được phép đi khỏi học viện 5 ngày để lấy chỗ trầm kỳ mà trị chứng lùn của con Nghỉ. Chừng nào con Nghỉ trở lại người thường, nghĩa là trở lại thành một cô gái như bao cô gái khác, con thi hành án phạt cũng không muộn. Sao, ta xử lý như thế con có phục không?

Không kiềm được vui mừng, Vương Đình Huệ hớn hở hét to:

- Ôi, con cảm ơn thầy Bạc, con cảm ơn thầy nhiều lắm!

Bạc Đầu Râu độ lượng nhìn cậu học trò nhỏ:

- Bây giờ con kể cho ta biết hai chuyện, một là hôm ấy vì sao khi ta rời nhà con Nghỉ, ta không thấy được con? Thứ hai là phương thuốc dùng kỳ nam làm dẫn dược để công phá tác dụng của lá “quà tặng của thần Rừng” thực hư như thế nào?

Vương Đình Huệ kể tất cả những điều anh biết về ẩn thân thuật và phương thuốc mà Mat đã dạy anh trong việc chống lại hiệu ứng lùn, một bí thuật mà Mat học trong sách tổ truyền.

Nghe xong Bạc Đầu Râu vừa đi quanh căn phòng vừa nói:

- Thì ra là vậy…thì ra là vậy!

Im lặng một lúc lâu Bạc Đầu Râu nói tiếp:

- Con là một người thành thật, ta khen con đó, tại sao con lại kể cho ta nghe chuyện bí mật của Mat một khi mà con có thể nói trại đi?

Vương Đình Huệ ấp úng:

- Thưa Bạc, con…con không có phản bội Mat đâu. Mat cũng không dặn con phải giữ kín chuyện thầy ấy có một ít phương dược tổ truyền và không được nói cho người khác biết. Con nghĩ rằng con phải cho Bạc biết mọi chuyện vì thầy là thầy hiệu trưởng, vì thầy có biết hết mọi chuyện thầy mới cho con đi tìm thuốc cứu cô Nghỉ, con thương cô Nghỉ lắm, Bạc ơi!

Nghe câu nói của cậu học trò nhỏ hình như Bạc Đầu Râu thấy cảm động, mũi ông thấy cay cay, ông quay đi cố giấu giọt nước mắt sắp ứa ra. Ông nói:

- Con tốt lắm, con tốt lắm…. Để thưởng cho sự thành thật của con, ta có một đặc ân dành cho con, con vào đây.

Nói xong Bạc Đầu Râu đi tới bức tường phía đầu giường, ông sờ soạng và ấn ấn, đẩy đẩy. Một khung cửa lộ ra, bên trong có một cầu thang dẫn xuống bên dưới. Vương Đình Huệ hồi hộp nhủ thầm “trời ơi, một cái phòng trong lòng đất!”. Bạc Đầu Râu dẫn Vương Đình Huệ bước xuống chiếc cầu thang bằng gỗ, cả hai đi vào một hành lang hơi chật, Vương Đình Huệ cảm nhận được điều ấy khi phải vịn vào bức tường để đi. Ban đầu là một màu đen đặc, cả hai mò mẫm đi. Hình như càng đi con đường hầm càng xuống chỗ thấp. Một lúc sau ở cuối đường hình như có ánh sáng. Đúng rồi, một thứ ánh sáng yếu ớt phát ra từ phía xa nhưng dù sao nó cũng giúp hai thầy trò đi dễ dàng hơn. Con đường kết thúc ở một cầu thang…đi lên mặt đất!

Bạc Đầu Râu nói:

- Đã tới nơi rồi.

Hai thầy trò leo lên cầu thang và vào một căn phòng rộng lớn. Sát vách có những giá để những thứ mà Vương Đình Huệ chưa thấy bao giờ và anh cũng không biết tên là gì. Bốn bức tường của căn phòng này bằng đá, ánh sáng rọi vào căn phòng bằng những lỗ với hình dạng khác nhau có khá nhiều ở khắp các bức tường. Ngoài ra Vương đình Huệ không thấy một cánh cửa nào, hèn nào muốn vào được đây chỉ có cách đi bằng con đường  ngầm trong lòng đất dẫn họ vào đây. Bạc Đầu Râu không đợi Huệ hỏi, ông giải thích:

- Đây là phòng đọc sách của ta, các thứ con thấy trên những chiếc giá là sách, mỗi lần ta rảnh rỗi ta đều vào đây đọc sách, kể cả ban đêm.

Ông cho tay vào bọc và lấy ra một hòn đá lửa rồi đánh lên. Lửa được châm vào một cái đèn làm bằng một cái đĩa có một sợi bấc thòi ra ngoài, Bạc Đầu Râu nói:

- Đây là đĩa đèn dầu, chắc con chưa thấy lần nào phải không? Ta cho con vào chỗ này là để đầu óc con được khai hoá, con sẽ biết rất nhiều điều mà từ trước giờ con chưa biết. Phòng này ta gọi là thư viện, nói nôm na là nơi ta chứa sách, trong ấy chứa đựng nhiều kiến thức để lại từ xa xưa. Trên thì nói về tinh tú trên trời, dưới đất  thì nói về nhân sự, vạn vật, phong thuỷ,  địa lý. Nói chung, ở đây có tất cả những kiến thức của nhân loại, nhưng muốn đọc được những điều trong các cuốn sách, con phải học chữ đã.

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, Vương Đình Huệ hỏi Bạc Đầu Râu:

- Chữ là gì hả thầy?

Bạc Đầu Râu nhìn người học trò nhỏ bằng một cặp mắt thương yêu:

- Chữ là những ký tự mà người ta nghĩ ra, ta chỉ cần ghép những ký tự lại với nhau là thành một câu, mang một ý nghĩa nhất định, rồi con sẽ thấy sự huyền diệu của những ký tự mà thầy sẽ dạy cho con, từ đó con sẽ biết nhiều điều trên thế giới này!

Không thể tưởng tượng được, Vương Đình Huệ u u minh minh cầm trên tay những thứ mà thầy Bạc gọi là sách. Hoá ra sách gồm những chiếc lá vuông vắn tạo thành, bên trong có những thứ gì ngoằn ngoèo chạy qua chạy lại. Vương Đình Huệ tò mò ngắm những thứ loằn ngoằn ấy, thấy vậy Bạc cười:

- Đây này, con thấy những thứ loằn ngoằn này không, đó là những ký tự ghép lại với nhau thành một chữ. Nào con nghe đây, con tên là Huệ phải không, vậy Huệ do ba ký tự ghép với nhau mà thành, bất cứ tiếng nào mà con người nghĩ ra đều có thể ghi vào những tờ giấy này cả.

Vương Đình Huệ than:

- Ôi, Bạc, con cứ tưởng đây là những chiếc lá chứ?

Bạc Đầu Râu cười dài:

- Sao con giống ta vậy chứ, hồi mới đi học ta cũng nghĩ những tờ giấy này là những chiếc lá vậy. Thôi không nói nhiều nữa, sau này khắc con sẽ biết, ta bắt đầu buổi học đầu tiên.

Ông Bạc lấy một cái que, ông vẽ một chữ lên nền đất và bảo Vương Đình Huệ:

- Con đọc theo ta, đọc đi, a!

Vương Đình Huệ đọc liền:

- Đọc đi a!

Bạc Đầu Râu cười ngất:

- Không phải, chỉ là “a” thôi!

Vương Đình Huệ sửa liền:

- A!

- Đúng rồi, tiếp theo là bê!

- Bê.

- Xê!

- Xê.

Cứ như vậy hai thầy trò vừa vẽ vừa xoá, vừa đọc một cách hăng say. Một lúc sau, Bạc nói:

- Buổi học đến đây là chấm dứt, ta quyết định thế này, con đến đây học riêng với ta khoảng độ mười ngày, hàng ngày con đến vào buổi sáng, ta học đến trưa thì nghỉ. Buổi chiều con vẫn lên lớp như thường. Con nên nhớ không được cho ai biết đến chuyện này và những gì ta dạy cho con nghe chưa?

Bạc Đầu Râu trầm giọng:

- Sau đó con sắp xếp để đi lấy kỳ nam, con đang thắc mắc vì sao con không được đi liền rồi trở về học tiếp chứ gì?

Bạc Đầu Râu nhìn đứa học trò và hỏi như vậy, quả nhiên Vương Đình Huệ gật đầu:

- Vì con sẽ quên ngay những ký tự mà lần đầu tiên con tiếp xúc, ta muốn con thuộc nằm lòng chúng trước khi lên đường. Trong khoảng thời gian con đi tìm trầm kỳ, con phải tự ôn những gì học được, bây giờ con hiểu rồi chứ?

Bạc Đầu Râu nhìn Vương Đình Huệ nói tiếp:

-Khi có kỳ nam con cứ đưa cho ta một ít, ta sẽ chế giải dược giúp con Nghỉ trở lại người thường!

 

CHƯƠNG 18

LÊN ĐƯỜNG

- Lên đường!

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 671
Ngày đăng: 07.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)