Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.700.058
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma)
Võ Anh Cương

 

 

Tư Đực trở về học viện ngay sau khi tự nhận hình phạt một tuần trăng sống trong rừng ma. Rừng ma là một khu rừng kỳ bí, tương truyền rằng rừng là nơi yên nghỉ của những linh hồn phiêu dạt nhiều ngàn năm qua. Tư Đực biết rõ điều đó, nó hơi ớn lạnh trong lòng nhưng những điều kỳ bí của cánh rừng ma luôn hấp dẫn Tư từ ngày nó nhập học. Tư muốn tự mình khám phá những bí ẩn mà nhiều người không dám đề cập đến ngay cả chỉ hai tiếng “rừng ma”! Các ông thầy trong trường thì chỉ cười bí hiểm mỗi khi có một học viên nào đó nhắc đến rừng ma. Thầy Râu Dài thường nói rằng “các con đứng bao giờ nghĩ đến rừng ma, ta chưa biết có trường hợp nào trở về sau khi vào rừng ma cả!”. Ông thầy không nói gì thêm cho dù học trò nài nỉ cách nào chăng nữa, điều này càng kích thích sự tò mò của lũ học trò.

 

Một quy định tối hậu của học viện Langbiang là ai phạm lỗi gì cho dù lớn đến đâu cũng được cho qua nếu tự nguyện xin vào sống trong rừng ma một tuần trăng. Một tuần trăng không phải là thời gian quá dài nhưng không ai trở về khi đã tiến nhập vào rừng ma mới là điều đáng nói. Tội của Tư Đực chưa phải là một tội lớn, hình phạt nhiều khi chỉ là quét dọn lớp học vài tuần trăng hoặc đi chỉ huy những người phục vụ làm cá khô xông khói để cho cô Nghỉ chế biến thức ăn hay những điều đại loại gần như thế, vậy mà Tư Đực lại chọn cho mình một hình phạt cao nhất là một điều khó hiểu!

Tin Tư Đực tự nhận hình phạt một tuần trăng sống trong rừng ma đến tai học viên nhanh như chớp. Chúng nhao nhao lên chạy đi tìm Tư Đực. Chúng bắt gặp Tư Đực trên đường về lớp học. Vương Đình Huệ mặt vẫn còn ngạc nhiên hỏi Tư:

- Tại sao mày lại chọn hình phạt nặng như vậy chứ?

Tư Đực buồn rầu72

- Tui không biết, vả tôi muốn thử xem trong rừng ma có gì mà ai cũng sợ như vậy chứ?

Anh em nhà K’RaJan tiến lên vỗ vai Tư, thằng Đích nói:

- Mat thường nói chưa thấy ai trở về sau khi vào rừng ma, mày ráng trở về kể cho chúng tao nghe chuyện gì xảy ra trong đó nghe?

Còn Đa thì thì thầm vào tai Tư Đực:

- Đó là một nơi nguy hiểm nhưng tao nói cho mày biết, rừng ma chỉ “ăn” người Lạch, người Mạ, người Ê Đê… chúng tao thôi, tao chưa nghe nói một người khác như mày bị nhốt trong đó mãi mãi đâu! Trước khi mày đi vào rừng tao sẽ dạy mày một câu thần chú của một Gru, có câu thần chú này mọi nguy hiểm sẽ qua, mày học chứ?

Tư Đực cám ơn bạn bằng một cái nắm tay mạnh mẽ. Nó đi về nhà dài chọn vật dụng để mang theo vào rừng. Quy định của học viện khi vào rừng ma, người phạm tội chỉ được phép mang theo trong mình hai vật dụng, một cái khố và không được mặc quần áo. Tư Đực tìm cục đá lửa. Đó là một thứ tối cần thiết trong rừng, nó là nguồn sống, là ánh sáng, là vật bất ly thân! Vật thứ hai Tư chọn là cái xà gạc, xà gạc của Tư có nước thép ánh xanh được tra vào một gốc mây rắn chắc. Tư cởi bộ áo liền quần, chọn một cái khố gọn gàng quấn quanh hạ bộ. Ngần ngừ một lúc Tư Đực lấy hòn đá thần, một câu đố hóc búa mà nó chưa giải được. Tư nhìn quanh, nó chọn một đoạn dây mây rừng tỉ mẩn cột hòn đá thần  và quàng vào một bên vai. Hòn đá nằm đúng vị trí quả tim giống như một vật trang sức trên thân thể cường tráng của Tư Đực. Xong việc Tư chạy đi tìm thằng Đa, không phải tìm đâu xa, thằng Đa chờ Tư dưới chân cầu thang. Nó kéo Tư Đực ra một góc vắng và thì thầm vào tai thằng bạn một câu mật ngữ. Cả hai hả hê đi về lớp học khi Tư Đực lập lại đúng những tiếng trúc trắc khó nhớ mà thằng Đa dạy nó.

Đón Tư ở cửa lớp, Mat nói:

- Con vào đây, ta đã báo cho thầy Bạc Đầu Râu trường hợp của con. Tất cả bạn bè của con và cả ta nữa sẽ tiễn con đến hàng cây ngo đỏ, sau đó một mình con đi vào rừng. Chưa có ai trở về, con hãy cố là người đầu tiên trở về nghe Tư!

Ngắm nghía đứa học trò, ông thầy Râu Dài nghiêm nét mặt:

- Con tôn trọng luật tục như vậy là tốt, còn đây là cái gì?

- Thưa Mat đây chỉ là hòn đá thôi, nó không có một công dụng nào cả!

Tư Đực không dám nói thật với thầy. Mà quả thật cho đến lúc này, hòn đá thần chỉ là tên gọi, chưa ai biết cách sử dụng hòn đá, vì vậy hiện giờ nó không có giá trị sử dụng. Mat im lặng, ông ngắm nghía hòn đá thật kỹ, cuối cùng ông nói:

- Đã đến giờ rồi con lên đường cho sớm sủa.

Lúc đó là giữa trưa, cả đoàn lớp Nhập môn rồng rắn theo chân đưa tiễn Tư Đực lên đường vào khu rừng cấm. Khuôn mặt của bọn học trò buồn thiu, chúng biết rằng những điều nguy hiểm đang chờ đón bạn mình và biết đâu đây là lần cuối cùng chúng còn được đi bên cạnh Tư Đực?

Dúi vào tay đứa học trò nhỏ một cái túi đan bằng dây lát, cô Nghỉ nói:

- Theo luật tục đây là túi cơm con được phép mang theo vào rừng ma, con cố gắng giữ gìn sức khoẻ!

Cô Nghỉ bỏ chạy để mọi người không nhìn thấy cặp mắt đỏ hoe của mình. Cô thương thằng nhỏ quá. Nhưng sức mạnh luật tục của cộng đồng là một thứ quyền năng khó có thể vượt qua, một khi cộng đồng đã định rằng người nào đã tự nguyện vào rừng ma vì một lỗi lầm nào đó thì Thần Rừng đã chờ đón người ấy từng giờ từng phút, không ai có thể từ chối vào rừng! Cô Nghỉ đã  cố tìm một cái bao lát to nhất mà nhà bếp có được, bên trên cô để một ít cơm, ngăn cách bởi hai lớp lá rừng là một ít muối hột, phía dưới là gạo. Đây là điều cô tự nghĩ ra nếu Bạc Đầu Râu biết chuyện này cô sẽ bị phạt nặng. Cô Nghỉ tội nghiệp thằng nhỏ quá, cô biết rằng vào rừng không có cái ăn thì dễ chết vì đói, cô giúp cho Tư Đực một ít gạo và cầu mong rằng nó sống sót qua một tuần trăng.

Khi Tư Đực nhận chiếc túi nó thấy chiếc túi lớn hơn thường lệ và hơi nặng nhưng nó không để ý, Tư lặng lẽ nhìn mọi người với một cặp mắt buồn rầu. Tất cả, kể cả Mat, cũng đáp trả nó bằng một cái nhìn y như thế, cũng buồn rầu nghiêm trọng như thể là họ đưa nó về với Giàng vậy. Tư Đực cười to:

- Con sẽ trở về Mat ơi, chúng mày ơi chờ tao một tuần trăng nữa nhé!

Nói xong câu từ giã và làm ra vẻ mạnh dạn Tư Đực nhắm hướng rừng ma đi tới. Nó không quay lại, quay lại nó sẽ khóc mất thôi! Làm thân con trai mà khóc lóc thì không ra thể thống gì, Tư biết rằng cho dù mình có chết trong rừng ma Tư vẫn phải dấn thân vào nơi ấy như là một định mệnh cuộc đời nó.

Tất cả lớp đứng im nhìn Tư Đực mất hút vào cánh rừng bí ẩn đến khi không còn một chút tăm tích của Tư Đực cả lớp mới uể oải kéo nhau về trường.

Tư Đực đi một mạch hơn một cái “xà gạc” trước mặt nó là rừng rậm, chung quanh nó là rừng rậm! Nó bị bao vây giữa tứ bề rừng núi khiến cho tâm trí nó rối tung lên. Phải từ từ quan sát thôi, Tư tự nhủ với mình như vậy. Nó ngồi xuống một gốc cây rừng cổ thụ, mồ hôi nhỏ từng giọt trên gương mặt còn vương nét trẻ thơ của Tư, Tư cảm thấy cô đơn cùng cực. Nó nghĩ thầm:

- Ta không thể thua cuộc được, bây giờ chỉ có mình ta trong rừng rậm này, tất cả chỉ trông mong vào chính ta thôi.

Một làn dũng khí xuất hiện trong Tư. Phải chiến thắng mọi nghịch cảnh và đứng vững trên chính đôi chân của mình. Trước tiên phải xác định vị trí để làm chủ không gian, đừng để rừng bao vây ta. Tư Đực leo lên một cây cao và nhìn về phía nó vừa đến. Nhưng Tư không nhận ra một đặc điểm nào cả, tứ phía rừng tiếp rừng, một màu xanh ngắt của tự nhiên chiếm hữu toàn bộ không gian sống. Nó vừa huyền bí vừa khiêu khích, vừa đe doạ lại vừa dụ hoặc Tư. Đó là những ý nghĩ của nó những giờ phút đầu tiên tiếp xúc với rừng ma. Vậy thì cái bí hiểm nằm ở đâu, cái huyền bí dụ hoặc ở đâu mà khu rừng bát ngát này có tên là rừng ma vậy? Câu trả lời có ngay tức khắc khi ánh mặt trời bị những tàn cây che phủ. Tư Đực biết rằng trong rừng trời mau tối lắm, kinh nghiệm những ngày đi rừng cho Tư biết như vậy. Nhưng trong rừng ma trời mau tối quá, mới đây thôi những tia nắng yếu ớt còn đọng trên mặt lá rừng một lát sau bóng đêm đã âm thầm ngự trị tự lúc nào!

Tư Đực hoảng hốt, nó không ngờ rừng ma mau tối đến vậy. Tư đứng vụt dậy, nó gom những cành cây khô vương vãi quanh chỗ nó ngồi. Móc cạp khố lấy hòn đá lửa nó dắt trong đó, Tư Đực đánh lửa. Một tia lửa mỏng manh toé ra trong đêm tối nhưng tia lửa vụt tắt ngay không chịu bắt lửa. Tư cẩn thận đánh lại một lần nữa, rồi một lần nữa. Việc đánh lửa từ viên đá không phải lúc nào cũng thành công, Tư biết như vậy nhưng trong hoàn cảnh này phải cố thôi! Cuối cùng Tư Đực cũng nhen được đống lửa, ánh sáng của đống lửa trong rừng xua tan bóng tối, lửa đem đến sự sống như một biểu tượng của hy vọng.

Tư đem túi cơm ra ăn, nó biết rằng đây là bữa cơm có thể là cuối cùng, những bữa ăn sau Tư trông chờ vào tài tìm kiếm thức ăn của bản thân mình. Tư nhanh chóng phát hiện ra muối và gạo nằm phía dưới lớp cơm và nó đoán ra ngay hành động của cô Nghỉ. Nó cảm động lắm, cô Nghỉ quả là một người đàn bà tuyệt vời trên sức tưởng tượng của Tư.

Ăn xong Tư Đực lần ra bờ suối uống nước. Nước suối mát lạnh giúp nó nhớ đến những kiến thức được học ở học viện về rừng. Đây là một trảng trống cạnh bờ suối, vị trí này là chỗ lý tưởng để muôn thú trong rừng ra uống nước khi đêm về. Và cũng chính vị trí này  những con thú ăn thịt cũng rình rập con mồi, cái ăn cái uống giúp muôn vật duy trì sự sống  và cái chết bao giờ cũng hiển hiện bên cạnh. Đây chính là quy luật sinh tồn tự muôn đời, con vật này chính là thực phẩm của con vật kia. Duy chỉ có con người là chúa tể của muôn loài mà thôi! Nhưng con người chỉ thống trị được muôn loài khi có một cộng đồng bên cạnh, trong trường hợp của Tư Đực, một mình sống trong rừng là một thử thách lớn lao với nó. Những con thú dữ trong rừng khi nhận biết Tư chỉ có một mình với một cái xà gạc, chúng có thể tấn công Tư bất cứ lúc nào. Nghĩ như vậy, Tư Đực hơi ớn, nó lùi về thật nhanh bên gốc cây cỗ thụ, ngọn lửa trong rừng đêm giúp nó hơi ấm và thêm phần can đảm. Tư biết rằng muôn thú đều sợ lửa nhưng nó không thể thức trắng đêm để mà canh gát kẻ thù chưa biết xuất hiện lúc nào?

Biện pháp Tư Đực áp dụng trong tình huống này là leo lên cây ngủ, tuy mất đi cảm giác ấm áp của đống lửa nhưng lại an toàn vô cùng. Tư Đực chọn một cháng ba và nằm khèo như những con khỉ vẫn ngủ trên cây như vậy. Muốn chắc ăn và để chống những cơn gió lạnh trong rừng, Tư Đực chặt một ít cành lá và làm một cái ổ nằm trên cây cổ thụ. Vậy là tạm ổn, đêm đầu tiên trong rừng cũng không lấy làm khổ sở cho lắm, Tư nhủ thầm như vậy.

Bỗng nhiên Tư Đực sực nhớ đến bao gạo để dưới gốc cây, đây là nguồn lương thực trong những ngày đầu ở trong rừng ma, không thể để dưới gốc cây được. Tư Đực vụt ngồi dậy, nó tuột nhanh xuống gốc cây và kịp túm bao lương thực của mình trong bàn tay to khoẻ. Có tiếng động trong bao gạo, Tư dùng bàn tay còn lại sờ chung quanh bao. Đúng vậy, một con vật nào đó đã vào bao lương thực của Tư trong lúc Tư để quên dưới đất. Tư mừng rỡ thốt lên:

- A ha mày hả… mày chết với tao!

Nhưng Tư Đực không biết trong bao gạo là con vật gì, nó chỉ gọi chung một tiếng “mày” để biểu lộ niềm vui sướng của những kẻ đi săn. Quả thật lúc này Tư Đực đang bị chi phối bởi quy luật sinh tồn muôn thuở của tự nhiên, nó tuân thủ quy luật một cách triệt để và không ý thức được rằng câu nói nó vừa thốt ra là một phần tất yếu của cuộc sống!

Tư Đực đoán già đoán non con vật ăn trộm lương thực của nó là những con chuột rừng. Đúng như vậy, Mat thường dạy học trò của mình như sau:

- Các con nên biết rằng chuột rừng là một con vật có tài đánh hơi thức ăn rất nhạy bén. Chỉ cần những thứ có thể ăn được, từ thịt các loài thú khác đến ngũ cốc, rau cỏ, côn trùng… lũ chuột rừng tinh quái đều nhận ra vị của từng loại thực phẩm cho dù chúng sống cách xa nơi ta để thực phẩm mấy tầm tên. Vì vậy khi vào rừng các con đặc biệt cẩn thận với con vật này, nếu không những thứ có thể ăn được chúng sẽ ăn hết chẳng từ thứ gì cả đó!

Bây giờ nhớ lại lời dạy của Mat, Tư Đực mới thấm thía việc vận dụng những điều học hỏi vào thực tế cuộc sống. Cũng may nó nhớ ngay đến bao gạo tình nghĩa của cô Nghỉ chứ nếu để đến sáng mai khi ấy bao gạo sẽ không còn một hạt nào. 

Tư cho tay vào miệng bao, nó tóm cổ con vật và bóp thật mạnh, một tiếng “chít” thê thảm vang lên trong đêm vắng, Tư khoan khoái kéo con vật vừa bị nó giết ra khỏi miệng bao. Bất ngờ một con chuột khác phóng ra. Tư nhanh tay chộp con vật và bóp chết, nó hả hê với chiến lợi phẩm trời cho:

- Một đôi chuột rừng, được lắm!

Tư nhanh chóng làm thịt đôi chuột để dành cho ngày mai. Nó dùng cái xà gạc mổ bụng  chuột, bỏ tất cả đồ lòng và cái đầu, Tư thui đôi chuột trên ngọn lửa nó vừa kịp thổi bùng lên cho đến khi hai con chuột trở thành hai miếng thịt xém vàng. “Cũng khá to đây” Tư Đực tự nói với mình như vậy. Nó cho tay vào bao gạo bốc một ít muối hột và tẩm vào hai súc thịt chuột. Chờ một lúc cho muối thấm vào nguyên liệu, Tư gạt đống than đỏ hồng và nướng thịt bằng một cành cây xuyên qua hai con chuột. Tiếng sèo sèo của mỡ nhỏ xuống đống than làm bốc lên một làn khói thơm điếc mũi, Tư Đực phát hiện ra rằng đôi chuột này khá béo, có lẽ nó to bằng một con thỏ rừng chứ chẳng chơi. Tư biết rằng như vậy là trong hai ngày tới nó không phải đụng đến những hạt gạo quý giá và nghĩa tình của cô Nghỉ. Nó thương cô Nghỉ quá và nghĩ trong những ngày ở trong rừng ma, Tư nhất định phải tìm một thứ quà quý giá tặng cho cô Nghỉ. Tư quên mất rằng cuộc sinh tồn của nó chỉ mới bắt đầu, việc có trở về với học viện hay không, đáp án còn ở phía trước. Nhưng chỉ nghĩ về nhau thôi cũng đủ làm cho Tư hăng hái trong cuộc sinh tồn!

Tư dùng một cái lá khô của cây dầu gói thức ăn rồi cho vào bao gạo, miệng bao cơi lên, Tư Đực lại dùng mấy chiếc lá khác cột thật kỹ lương thực của mình và trèo lên cây, nó treo bao gạo phía trên đầu và chuẩn bị đi ngủ.

Đầu đêm của đêm thứ nhất trong rừng ma trôi qua như vậy đấy!

 

CHƯƠNG 13

TRỞ THÀNH NGƯỜI PHỤC V

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 538
Ngày đăng: 10.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 6: Học viện Langbiang) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 5: Lạc mất nhau) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 4: Cuộc gặp gỡ định mệnh) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 3: Chuyện cũ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 2: Bái Sư) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)