Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
673
116.699.581
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ)
Võ Anh Cương

 

 

Trương Đại Quá nằm im sau một canh giờ tập khí công nằm, không nằm im cũng không được vì ban ngày cấm chế đã phát huy tác dụng. Cũng may cặp mắt anh vẫn cử động được chứ nếu phải nhắm nghiền hoặc mở trao tráo suốt cả ngày thì một ngày dài buồn tẻ đến độ nào!

Lúc nãy một thằng lùn lạ mặt đến thăm bọn anh và nó đã tiết lộ những gì mà học viện Langbiang sẽ áp đặt lên bốn người xâm phạm lãnh địa của học viện. Làm “người ở” cũng chẳng sao, Trương Đại Quá chua chát nghĩ. Mình phải cố gắng tìm cách thoát khỏi nơi đây càng sớm càng tốt nhưng bằng cách nào một khi không có nước con suối Đen để uống hàng ngày? Trương Đại Quá chưa tin lắm về những gì thằng nhỏ lùn nói với bọn anh nhưng khi nhìn thái độ của ông già lùn mà thằng nhỏ gọi bằng Mat, anh linh cảm rằng những gì thằng nhỏ nói là sự thật! Nhưng cho dù có là sự thật đi chăng nữa Trương Đại Quá và những người Lạch phải thử nghiệm mới biết được đó là thật hay giả. Việc trước tiên bọn anh phải giải được cấm chế, có hoạt động được vào ban ngày thì mới có thể định hướng những việc làm trong những tương lai chứ? Vì vậy kế hoạch hành động của Trương Đại Quá đã được định hình trong đầu, anh sẽ trao đổi với ông K’Rè để lấy thêm ý kiến và tham khảo hai anh thanh niên Lạch trước khi hành động. Trương Đại Quá tin rằng với sức mạnh của cộng đồng, mọi trở ngại đều vượt qua được. Đó là bài học kinh nghiệm sau mấy năm lang bạt trên vùng cao nguyên này.

 

Nằm im một chỗ mãi cũng buồn, Trương Đại Quá ôn lại trong đầu những kiến thức học được từ ông Năm, trong thâm tâm anh vẫn coi ông Phan Ngọc Ẩn là một người thầy của mình. Không biết giờ này ông ở đâu, có lẽ ông Năm đã về đến quê hương sau mấy chục năm đi biền biệt. Anh thầm mong ông Năm ở luôn ngoài quê, đừng đi giang hồ nữa. Người già thường nghĩ về quê hương bản quán, còn người trẻ thì mộng giang hồ bao giờ cũng là một lời réo gọi đầy đam mê và kích thích. Tuổi trẻ mà! Người xưa hay nói: trẻ xông pha, già mẫu mực quả đúng như hoàn cảnh của thầy trò anh. Trương Đại Quá cảm khái khi nghĩ về thầy mình như vậy. Rồi tư tưởng dẫn anh đến nhớ đến Trương Thái, cho đến giờ khắc này anh vẫn không hiểu vì sao Trương Thái tách đoàn và Trương Thái muốn làm việc gì? Trương Đại Quá lại mừng cho người em, Trương Thái không bị bắt như anh và ba người Lạch chính là phước khí của cậu!

 

Trí óc anh làm việc liên tục, anh để mặc cho dòng tư tưởng tự tung tự tác trong một tâm cảnh nhớ về dĩ vãng. Khi nghĩ đến những người lùn hoang dại, bỗng nhiên Trương Đại Quá giật nẫy mình. Không thể được! Anh không thể để cho con ngựa bất kham được gọi là “tâm” chạy lung tung. Như vậy thì hoàn cảnh sẽ làm chủ mình mất. Không thể được, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh cũng phải là người chủ động không để cho hoàn cảnh muốn đưa anh đến đâu thì đến? Trương Đại Quá hít một hơi chân khí, anh dồn khí xuống Đan Điền, nín hơi một khoảng thời gian và nhẹ nhàng êm ái thở ra. Anh không cột con ngựa thân tâm của mình vào huyệt Đan Điền và cũng không để nó chạy hoang dễ dẫn vào ma lộ. 

Trương Đại Quá tiếp tục ôn lại kiến thức, những phương thuật mà ông Phan Ngọc Ẩn đã hết lòng truyền lại cho anh em anh. Đầu tiên là Mai Hoa Dịch Số, đây là một môn học bắt nguồn từ Kinh Dịch và tỏ ra rất hiệu nghiệm trong cuộc sống. Cuốn sách của ông già Tư bán quán cho anh cộng với sự chỉ dạy tận tâm của ông Năm đã cho anh một khối kiến thức căn bản cho dù anh còn thiếu kinh nghiệm trong thực tế. Nhưng hiện tại dù rất muốn coi một quẻ Mai Hoa tiên thiên, Trương Đại Quá đành bất lực vì anh không cách nào xác định được thời gian. Mà thời gian là một hệ thức lượng ban đầu tạo nên những tình huống người xưa gọi là quẻ. Thôi đành vậy không dùng Mai Hoa để xem cát, hung, hoạ, phúc thì anh dùng những quẻ Dịch để nghiền ngẫm những ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Anh sực nhớ mình đang sống trên vùng núi, trước mặt anh là một bếp lửa đang âm ỉ cháy với một làn khói bốc lên cao. Hình ảnh đó khiến Trương Đại Quá nghĩ đến quẻ Lữ, quẻ này gồm quẻ nội là quẻ Cấn và quẻ ngoại là quẻ Ly. Cấn vi Sơn, Ly vi Hoả. “Trên núi có lửa là quẻ Lữ, người quân tử coi quẻ này mà sáng suốt (như lửa), thận trọng (như núi) trong việc dùng hình luật, chẳng để giam lâu, trì trệ trong ngục”. Lời Tượng của quẻ Lữ quá hợp với hoàn cảnh của mình, bỗng nhiên trong tâm Trương Đại Quá bừng sáng một ý tưởng như thế. Nhìn bếp lửa anh nghĩ rằng chỗ của lửa là mặt trời hoặc bếp lò chứ không phải ở trên núi được. Trên núi có khi cũng có lửa do rừng bị đốt nhưng chỉ là tạm thời thôi, cho nên người xưa dùng hình tượng lửa trên núi là có ý chỉ những người bỏ nhà mà đi ở trọ quê người, cũng là cái cảnh tạm thời như lửa cháy trên núi vậy. Đây mới là ý nghĩa đích thực của quẻ Lữ, Lữ là khách lữ hành đi xa, không yên tâm, lúc nào cũng thận trọng. Trương Đại Quá thở phào nhẹ nhõm, anh đã nhận thức được lời khuyên thông qua ý nghĩa của quẻ Lữ….

 

Đang mải mê với quẻ Dịch, bỗng nhiên Trương Đại Quá thấy nhói đau ở chân. Như một phản xạ tự nhiên, Trương Đại Quá ngồi bật dậy. Đầu tiên, anh sờ vào chỗ đau, có lẽ đó là một con rệp cắn mình, anh nghĩ trong đầu như vậy. Đúng vậy, một vết đỏ dưới nhượng chân đã nói lên điều đó, Trương Đại Quá gãi lấy gãi để chỗ con rận chích. Đột nhiên khi nhớ đến hoàn cảnh của mình, Trương Đại Quá ngớ người và bật cười một tràn thích thú! Thì ra là anh đã có thể hoạt động lại bình thường. Không biết có phải là do tập khí công liên tục mấy ngày nay mà anh có thể giải được cấm chế hay là do một tác động nào khác? Mặc kệ, khỏi phải nằm yên bất lực vào ban ngày là một điều thích thú nhất rồi, còn lý do gì thì để sau này tìm hiểu. Trương Đại Quá đứng lên, anh vặn lưng, quơ tay quơ chân và làm mấy chiêu thức trong Ngọc Trản Thần công. Tất cả diễn ra tốt đẹp, anh không thấy một điều gì trở ngại cả. Trương Đại Quá mừng rỡ, anh gọi to:

- Bác K’Rè ơi, bác K’Rè?

Ông già người Lạch im lặng nhìn Trương Đại Quá, mắt ông già loé lên một tia sáng hình như là mừng rỡ nhưng ông vẫn điềm đạm hỏi:

- Cậu gọi tôi à, có việc gì vậy cậu?

- Bác ơi, bác ra sao rồi, cháu đã cử động được rồi bác ạ!

- Ta vẫn vậy, mừng cho cậu.

Quay qua K’Quang và K’Sa, Trương Đại Quá đọc thấy trong mắt họ một tia hy vọng, anh thấy tội nghiệp họ quá. Trương Đại Quá an ủi:

- Bác và hai anh à, có lẽ do tôi có thời gian tập khí công lâu hơn nên mới giải được cấm chế nhanh hơn bác và hai anh. Các người nên tập trung vào luyện khí, tôi nghĩ một ngày không xa cấm chế sẽ được giải nơi bác và hai anh thôi!

Trong thâm tâm Trương Đại Quá quả anh nghĩ như thế thật. Tính đến nay thời gian hành công của anh được tình bằng đơn vị năm, còn những người Lạch này chỉ mới bước vào giai đoạn nhập môn mà thôi! Vì vậy chân khí của họ không thể so sánh với Trương Đại Quá được. Chân khí của anh đã vận hành khắp thân thể và chính luồng chân khí này mấy ngày qua đã công kích vào cấm chế đang khống chế Nhâm mạch và Đốc mạch của anh, điều đó khiến anh không thể cử động được. Còn vì sao vào ban đêm các cấm chế lại không tác dụng? Có lẽ loại cấm chế này thuộc tính là âm nên nó không có tác dụng vào ban đêm chăng? Trương Đại Quá vẫn thấy chưa ổn lắm, anh đành gác lại không cố sức tìm hiểu nữa, đầu óc anh lại tập trung vào việc khác. Việc khác chính là hệ thống Nhâm và Đốc Mạch mà cấm chế tác động vào. Một khi người ta dùng độc lực tác động vào hệ điều hành này, cớ làm sao mình không thể tác động bằng sức nóng từ đôi tay vào đây như độc lực? Nghĩ như vậy nên Trương Đại Quá thấy trong đầu mình loé lên một tia hy vọng. Anh nói với ông K’Rè:

- Bác à, để cháu thử vài cách giúp bác mau cử động tay chân coi sao?

Ông K’Rè tỏ ra mừng rỡ:

- Cậu cố giúp nếu cử động được thì còn gì bằng?

Trương Đại Quá lật sấp ông già lại, anh xoa hai tay vào nhau cho thật nóng và áp vào đường đi của mạch Đốc. Sau đó anh lại tác động vào mạch Nhâm của ông K’Rè bằng cách tương tự. Một canh giờ trôi qua những dòng mồ hôi nhỏ giọt xuống ngực Trương Đại Quá mà anh vẫn không thấy tác dụng gì. Anh ngưng công việc và suy nghĩ tiếp.

Bên ngoài mặt trời đã lên cao không gian yên ắng quá, không một tiếng chim, không một tiếng chó sủa. Trời cũng không nổi gió nên hàng cây ngo đỏ cũng đứng im lìm trong nắng trưa. Trương Đại Quá cảm thấy đói bụng. Thời gian qua anh và ba người Lạch được cho ăn rất ít, có lẽ những người của học viện chết bầm này nghĩ rằng bọn anh cũng giống như họ chăng? Trương Đại Quá đứng dậy anh đi dạo một vòng quanh ngôi nhà dài. Mắt Trương sáng lên khi phát hiện bốn cái gùi của bọn anh và cái xà gạc, cái ná  của K’Quang và K’Sa để ở một xó nhà. Gạo vẫn còn và đặc biệt là cái ống tre đựng muối của anh vẫn còn đó. “Bọn lùn này cũng tạm được đây, chúng không tham lam đồ vật của người khác”. Trương Đại Quá đâu biết rằng hành vi trộm cắp là một hành vi nghiêm cấm trong luật tục của người Lạch được học viện Langbiang mặc nhiên sử dụng. Ai ăn cắp của người khác sẽ bị cộng đồng tẩy chay, đồng nghĩa với người đó sẽ không được sống trong bon làng. Trong rừng không sống dựa vào cộng đồng có nghĩa là sẽ chết, không sớm thì muộn!

Trương Đại Quá lấy cái nồi đồng ra nấu cơm, cục đá lửa của anh vẫn còn nhưng anh không cần dùng tới vì bếp lửa trong nhà dài lúc nào cũng âm ỉ cháy. Anh đi tìm nước, anh thấy nước được chứa trong những ống giang lớn dựng ngoài hiên nhà, có lẽ bọn người lùn chuẩn bị cho anh chăng?

Cơm chín, anh bón cho ba người Lạch đang nằm ăn sau khi anh ăn xong. Cũng may chất gây cấm chế chỉ tác dụng lên tay chân nên bọn anh vẫn có thể nói chuyện và ăn uống ngủ nghỉ được như thường.

Sáng sớm hôm sau mặt trời lên khoảng một con sào, hai thằng lùn đẩy cửa nhà dài bước vào, chúng nói liền không để cho Trương Đại Quá mở lời:

- Chào bác và ba anh Mat sai chúng chúng tôi đến đây thăm mọi người, tất cả ổn cả chứ?

Trương Đại Quá ngạc nhiên nhìn hai thằng nhỏ, chúng giống nhau như đúc, có lẽ là hai anh em song sinh. Hai thằng nhỏ này có vẻ lanh lẹ đây, Trương nghĩ trong đầu như vậy, chúng là trẻ con mà lời ăn tiếng nói đã có vẻ là người lớn rồi. Anh trả lời:

- Cảm ơn chúng tôi đều ổn, các em muốn gì?

Một trong hai thằng nhỏ cười:

- Chúng tôi không muốn gì cả, chỉ có điều Mat muốn các người hãy dọn về chỗ của mình để tiện việc phục vụ chúng tôi!

- Em nói rõ xem?

- Không có gì là khó hiểu cả, các anh theo chúng tôi về nơi ở mới, nơi này là chỗ của khách thôi!

Thì ra là vậy, thằng nhỏ sáng hôm qua nói đúng. Thằng nhỏ “không cười” bây giờ mới hỏi:

- Anh ngồi được rồi à, như vậy hai cái lá của chúng tôi hết tác dụng rồi sao?

Trương Đại Quá ngạc nhiên hỏi lại:

- Chiếc lá nào, các em nói gì ta không hiểu?

Thằng nhỏ “cười” quắc mắt nhìn thằng “không cười”, nó nói liền một mạch hình như nó muốn lấp liếm một điều gì thì phải:

- Chẳng có gì đâu anh, Mat biết rằng chỉ có anh đã cử động được mà thôi. Mat bảo chúng tôi đem đến cho các anh một ít gạo, một ít thức ăn, tối nay chúng ta dọn qua nhà mới, ba người này không cử động được như anh mà?

Mắt thằng nhỏ nhìn qua ba người Lạch, khi lướt qua ông K’Rè, nó trợn mắt khi thấy ông già bỗng nhiên ngồi dậy, nó hỏi liền:

- Mat bảo chỉ có anh cử động được thôi, tại sao lại thêm ông già này nữa?

Lúc này Trương Đại Quá mới chú ý ông K’Rè vẫn hoạt động được cho dù mặt trời đã lên cao khoảng một con sào. Trương mừng quá, anh biết môn “Án ma đại pháp” mà hôm qua anh thực hiện lên ông K’Rè đã có tác dụng. Trương Đại Quá nói:

- Pháp thuật của các em đã không còn hiệu nghiệm, em thấy đó chỉ vài ngày nữa thôi, cả ba người kia cũng cử động được như ta cho xem.

Hai thằng nhỏ đưa mắt nhìn nhau, không hiểu chúng trao đổi với nhau những gì qua tia nhìn đó? Thằng “cười” bỗng nói:

- Hẳn chờ đã chưa biết được đâu, tối nay chúng tôi sẽ đến đón các người qua chỗ ở mới, còn bây giờ xin chào và hẹn gặp lại!

Hai thằng nhỏ xuống nhà bằng cầu thang đầu hồi bỏ lại Trương Đại Quá và những người bạn ngạc nhiên nhìn theo dáng nhỏ của anh em chúng nó.

Trương Đại Quá quay sang ông K’Rè, giọng anh chưa hết mừng rỡ:

- Sao hả bác, bác đứng dậy cháu xem nào?

Ông K’Rè cười:

- Không được cậu à, bây giờ ta không còn nhúc nhích được một ngón tay!

Trương Đại Quá vụt hiểu, “Án ma đại pháp” tác dụng từ từ, ông già chỉ giảm được thời gian bị cấm chế chứ chưa hết hẳn. Trên đời làm gì có pháp môn nào có hiệu quả ngay tức khắc? Anh nói:

- Vậy cách mà cháu giúp bác đã có kết quả bước đầu, để cháu tiếp tục giúp bác, anh Quang và anh Sa nhé!

Thời gian còn lại trong ngày, Trương Đại Quá dùng cách day, vuốt, xoa trong thủ thuật án ma giúp ba người Lạch mau loại bỏ cấm chế của bọn người lùn.

Đúng hẹn khi con trăng tròn vành vạch vừa mọc, hai thằng nhỏ lùn xuất hiện, chúng giúp Trương Đại Quá và những người Lạch mang hành lý ít ỏi của họ đi về phía một ngôi nhà mới cất còn thơm mùi nhựa cây rừng. Một thằng nói:

- Anh Quá, đây là nhà của các anh, phía bên kia là nhà cô Nghỉ, bên cạnh là nhà ăn của học viện. Các anh có toàn quyền đi lại trong khu vực này, ngoài ra không được tự tiện đi vào nơi khác, nhớ chưa?

Nó chỉ tay lên đỉnh đồi, ở đó trong bóng đêm nổi lên những dãy nhà ngang dọc, xa xa là một rặng cây ngo đỏ đang rũ tán thành một vệt đen thẩm trong bóng đêm.

Trương Đại Quá đáp:

- Ta biết, còn gì cấm kỵ nữa không?

- Mat nói trước mắt chỉ có vậy. Mat còn dặn rằng hàng ngày các anh phải uống ít nhất một quả bầu nước, nếu ít hơn thì sẽ đánh mất linh hồn đó!

Một lời đe doạ, Trương Đại Quá bực bội nghĩ. Nhưng ông K’Rè lại không nghĩ vậy, mắt ông loé lên một tia sợ hãi, vô tình Trương Đại Quá bắt gặp ánh mắt hoảng sợ của ông K’Rè. Anh hỏi ông K’Rè liền khi bốn người vào hẳn bên trong ngôi nhà của họ:

- Bác K’Rè, bác thấy thằng nhỏ đó nói như vậy có đúng không?

Hình như ông K’Rè vẫn còn sợ hãi, ông nói:

- Cháu à, khi ta còn ở bon Cây ngo đỏ,có một bận ta đi thăm người bà con ở cách bon ta mấy ngày đi bộ. Đến bon Dòng suối của người Lạch, ta gặp một Gru đang giúp dân làng trừ con ma đang làm bệnh cho mấy người bà con. Sau ba ngày ba đêm cúng, chỉ có em ta là khỏi bệnh, còn hai người kia thì chết. Dù không đạt kết quả hoàn toàn nhưng dân làng bon Dòng suối của người Lạch cũng cảm ơn Giàng đã cho ông Gru trị bệnh cho ông K’Bia. Ông Gru nói cho ta biết rằng trên núi Bi Đúp có một loại cỏ, ai hít phải khói của nó sẽ đánh mất linh hồn, chỉ khi nào uống nước tại suối Giọt nước mắt của Thần linh mới hết. Ta đã nghĩ mấy hôm nay rồi, chắc ta và anh và thằng Quang và thằng Sa đều hít phải thứ khói đó. Vì vậy thằng nhỏ hôm qua và hai thằng này mới dặn đi dặn lại là mỗi ngày chúng ta phải uống ít nhất một quả bầu nước suối Đen, suối Đen là cách gọi của Giọt nước mắt của Thần linh mà ông Gru nói chăng? Nếu những gì ta biết là đúng, có lẽ ta sẽ phải ở đây suốt đời không đi đâu được nữa. Cháu đã thấy người bị Thần núi bắt mất linh hồn chưa? Bác sợ lắm!

 

CHƯƠNG 14

PHIÊN BẢN

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 521
Ngày đăng: 13.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 7: Cuộc hỏi cung) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 6: Học viện Langbiang) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 5: Lạc mất nhau) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 4: Cuộc gặp gỡ định mệnh) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 3: Chuyện cũ) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)