Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.713.653
 
Sương khói quê nhà
Võ Anh Cương

 

1.Ông Hai Phong đang ngồi ngoài hàng hiên nhìn xuống vườn, đôi bàn tay ông đút vào túi áo bành tô màu cứt ngựa may bằng vải nỉ để ngăn cái lạnh đang len lỏi vào người. Cái áo này dày lắm, là áo ba-đờ-suy mùa đông của chính phủ Pháp trang bị cho lính Com-măng-đô đóng trên cao nguyên lạnh lẽo này, ông xin được của ông bếp Tư Bổn khi còn làm cho khách sạn Palace. Dưới vườn, cạnh bên con suối nhỏ là một đám sú nồi (bắp cải tròn, chou – tiếng Pháp) đang vào khuôn với màu xanh đậm bắt mắt. Đám sú này ông trồng đã hơn bốn tháng chuẩn bị cuốn, khoảng hơn một tháng nữa là có thể chặt được khoảng 3 ton (tấn, tiếng Pháp), thường người buôn chuyến báo trước để chủ vườn chặt sú, đến giờ hẹn xe của người buôn sẽ đến cân rồi họ sẽ chở về Sài Gòn bán.

 

Đây là giống sú đem từ nước Pháp qua hơn mười năm trước thường được người ta gọi bằng sú “tuya” bởi muốn có cây con trồng cho mùa sau, người ta phải “nuôi” gốc sú sau khi thu hoạch để lấy giống cho mùa sau. Chừng hơn một tháng, từ gốc cây mẹ sẽ nứt những chồi con gọi là “tuya”. Người làm vườn như ông Hai Phong thường chọn mỗi gốc cây mẹ một đến hai cây con, phần còn lại bỏ hết để được những cây con khoẻ mạnh. Khi thấy cây đủ lớn họ sẽ chiết những cây con này đem dâm vào một luống đất tơi sốp bên trên được phủ một lớp cỏ mỏng cho đến khi cây con ra rễ. Người ta chăm sóc cây con đến khi cây xoè mấy cái lá cỡ bàn tay, lúc này dân vườn sẽ bứng cây rồi mang ra trồng thành từng luống mà người ta gọi là rò. Một rò rộng chừng một mét hai dài hết thửa đất được trồng hai hàng cây so le nhau, mỗi cây cách nhau chừng sáu mươi xăng ti mét. Cây sú lớn dần, khi lá chân (lá dưới cùng) rộng cỡ một cái quạt nan nhỏ cũng chính là lúc sâu xanh xuất hiện, những con sâu to bằng đầu đủa với thân mình màu xanh nổi lên những cái mụt giống như cái gai, loại sâu xanh này ăn không chừa chút lá nếu không bị phát hiện sớm. Sâu xanh do một loại bướm có đôi cánh trắng đẻ trứng bên trong lá non, từ trứng biến thành sâu ăn lá sú, nếu không bị diệt sâu sẽ làm kén và một lứa bướm mới ra đời không lâu sau đó. Bà Hai Phong lúc rảnh thường xuống vườn vạch từng lá sú một, bà bắt sâu bỏ vào chiếc lon sữa bò và đem đổ vào con suối nhỏ nước róc rách chảy suốt ngày.

 

Sáng nay ông Hai Phong ngồi ngắm công sức lao động của mình sau khi gánh đúng một trăm hai mươi đôi nước tưới cho đám sú từ lúc mặt trời chưa lên. Một cơn gió chợt nổi lên khiến hàng chè xanh ông trồng trước nhà khẽ đung đưa. Cơn gió cũng mang theo cái lạnh mùa đông len lỏi vào căn nhà gỗ của vợ chồng ông Hai. Tiếng bà Hai vọng ra từ nhà bếp:

 

– Mình ơi…vô ăn cơm.

 

Ông Hai Phong uể oải đứng lên, ông thôi không nghĩ về đám sú và những hy vọng từ đó. Ông kéo cái ghế gỗ thông ngồi đối diện với vợ:

 

– Mình à, tui định bán đám sú xong sẽ gieo một lứa cà rốt, mình thấy sao?

 

Bà Hai đưa mắt nhìn chồng, bà trả lời:

 

– Mình tính sao cũng được nhưng chỉ sợ ra giêng suối kiệt không đủ nước tưới mà cà rốt không có nước củ sẽ móp méo không ra cái hình thù gì cả!

 

Ông Hai cười:

 

– Chuyện đàn ông mình đừng có lo mà làm gì, chiều qua tui moi thử vách hồ phía bên trong thấy được một cái mạch ngang to gần bằng cái ống điếu cày nhà ông Giám, nước cứ ùn lên lôi theo cả cát mịn, nước trong lắm mình à. Sáng nay tui tưới một rò được bốn đôi nước lận đó!

 

Mùa nắng, con suối nhỏ nước chảy rất ít không đủ nước tưới cho cây rau, người làm vườn thường phải đào một cái hồ, tìm nước mạch trong lòng đất để có thể tự túc được khoản nước không phải lệ thuộc vào con suối mùa nước kiệt.

 

Bà Hai nghe ông Hai Phong báo cho biết như vậy, bà đưa mắt nhìn chồng vẻ mừng rỡ hiện rõ trên gương mặt:

 

– Vậy hả mình, cái hồ nhà mình mà có mạch nước thì hay quá.

 

Ông Hai vừa bưng chén cơm và một miếng vô miệng vừa nói:

 

– Tui định mai kêu anh em thằng Gần thằng Xa vét hết bùn đất trong hồ để lấy chỗ chứa nước, mình liệu liệu cơm nước và bữa lỡ cho anh em nó.

 

Bà Hai trả lời chồng:

 

– Chuyện cơm nước là của đàn bà mình đừng bận tâm.

 

Bà Hai nghĩ ngay đến chuyện bếp núc ngày mai. Bà sẽ nấu cơm trong cái nồi số 6 mới đủ cho 4 người ăn. Cái nồi bằng gang miệng rộng cỡ hai gang tay được nhiều người gọi bằng cái “cốt” bắt nguồn từ chữ cocotte (nồi gang – tiếng Pháp) mà bà đâu có hay, thấy người ta gọi vậy bà cũng gọi theo. Nồi gang dùng nấu cơm ngon lắm, khi cơm vừa cạn bà Hai gắp mấy hòn than đặt lên nắp, cơm nở đều nhờ giữ được hơi nóng cho tới cuối bữa ăn.

 

Anh em nhà Gần Xa là chỗ cùng quê với ông Hai Phong, họ vô đất này làm thuê làm mướn. Thường thì họ làm “la tách” hay còn gọi là làm khoán nhưng chỗ ông Hai là người cùng làng, Gần và Xa sẵn sàng làm giúp không lấy tiền nếu công việc ít. Có điều họ ăn nhiều lắm. Năm ngoái anh em Gần Xa giúp đổ đất cho miếng sú mới “vô chân”, bà Hai nấu sáu lon sữa bò gạo trong cái cốt số 6 mà hai anh em ăn không còn một hột. Nói phải tội, thức ăn bà Hai nấu cho anh em họ ăn chẳng có gì, chỉ là dĩa sú luộc chấm nước mắm tỉn dầm hai trái trứng vịt, canh là nước sú luộc bà Hai xắc hai trái cà chua nấu sôi lên rồi nêm vô chút muối. Bữa đó thấy anh em Gần Xa làm thiệt tình, bà Hai chạy ra quán mua thêm mấy con cá nục khô và chén mắm ruốc Huế để cho bữa cơm thêm món mặn.

 

Bây giờ nghe chồng dặn chuẩn bị cho bữa trưa ngày mai, bà Hai tính ngay đến chuyện thức ăn. Bà nghĩ anh em Gần Xa đang tuổi thanh niên, lại sống xa gia đình họ tự lo cơm nước thiệt là tội nghiệp. Mà thức ăn thì chẳng có gì, chỉ là ăn quấy quá cho qua bữa miễn có cơm cho chắc bụng là được rồi. Bà định sáng sớm mai theo chuyến xe lam đầu ngày của ông Hồ Hải, bà sẽ xuống chợ mới mua nửa con vịt đem về kho gừng để anh em tụi nó ăn cho có chất thịt trong người. Còn bữa lỡ, bà biết vét hồ là công việc nặng, bà sẽ mua mấy cái bánh ú cho anh em tụi nó…

 

Ăn sáng xong ông Hai bưng tô nước chè tươi lên phòng khách ngồi uống để rảnh chỗ cho bà Hai dọn dẹp chén dĩa, lau bàn. Một con gà mẹ dẫn đàn gà con lục tục kiếm ăn trên mảnh sân trước nhà. Đến gốc cây chè xanh, con gà mái bươi đám đất hồi sáng ông Hai mới vun, nó tục tục gọi con đến chia phần con trùn chỉ nhỏ xíu mà nó vừa cào ra từ trong đống đất. Lũ trẻ tranh giành nhau miếng ăn, một con coi bộ lớn tướng nhất trong bầy, đã mọc vài cái lông đuôi có vẻ sẽ là một con gà trống, nó tha miếng mồi vừa chạy vừa ngưỡng cổ cố nuốt gọn con trùn mặc cho đám lau nhau chạy phía sau tìm cách cướp miếng mồi.

 

Ông Hai Phong nhìn hoạt cảnh đó, một cảnh diễn ra thường xuyên trong thế giới động vật, bỗng nhiên ông thở dài một tiếng. Không biết ông nghĩ gì nhưng nhìn khuôn mặt ông người ta thấy ông nghĩ lung lắm. Bà Hai dọn dẹp dưới bếp xong cũng lên ngồi cạnh chồng, bà không uống chè xanh bao giờ, chỗ chè bà hãm chỉ dành cho ông Hai uống. Nhìn chồng trầm ngâm nhìn ra sân, bà hỏi:

 

– Mình nghĩ gì mà tui thấy mặt mình sượng trân như vậy?

 

Nghe vợ hỏi, ông Hai vẻ mặt có dịu lại một chút, ông không trả lời ngay câu hỏi của bà Hai mà lại hỏi lại bà:

 

– Mình à, mình về sống với tui bao nhiêu năm rồi?

 

Bà Hai ngạc nhiên hết sức khi nghe chồng hỏi như vậy. Sáng nay bà thấy ông ngồi ngoài hè nhìn đăm đăm xuống miếng sú trồng dưới vườn, bà đã biết ông đang tính điều gì đó trong lòng. Bây giờ nghe ông Hai hỏi như vậy bà nhìn chồng thoáng lo âu:

 

– Ủa, sao hôm nay mình lại hỏi tui như vậy, tui theo về sống với mình gần chục năm rồi, mà có chuyện gì vậy hả mình?

 

Ông Hai Phong nhìn bà Hai đăm đăm, một lát sau ông mới e hèm một tiếng như thể đã suy nghĩ kín kẽ lắm rồi:

 

– E hèm… nói khi không phải, có gì mình bỏ quá cho tui. Mình về sống với tui gần chục năm rồi mà tui lại có lỗi với mình, tui không thể làm cho mình bụng mang dạ chữa như bao người đàn ông khác để cho mình được ẵm bồng đứa con mình đẻ ra! Hay là cái số của tui không có con… mà mình ơi, tui biết đàn bà không có con thì đời buồn lắm, bà cứ lủi thủi một mình nhiều khi tui thấy tội cho mình quá!

 

Bà Hai nghe chồng nói như vậy bà cảm động đến không thốt nên lời. Bỗng dưng nước mắt bà ứa ra chảy dài thành hai dòng xuống cái miệng đang mếu xệch.

 

Ông Hai nói tiếp:

 

– Mình à, là tui có ý bàn với mình về quê đem thằng Khôi vô nuôi cho có mẹ có con?

 

Không ngăn được nữa, tiếng khóc nãy giờ bà kìm hãm trong lòng vỡ oà thành tiếng. Nỗi đau giằng xé trong lòng được dịp trào ra không có gì ngăn cản được. Ông Hai để yên cho bà khóc, ông biết mình không thể dỗ dành cho bà nín, có lẽ ông cũng không rành mấy vụ dỗ dành này cho lắm. Bà Hai khóc đã đời rồi mới nói:

 

– Khi theo về làm vợ mình, tui chưa nói với mình, là tui bị chị lớn đuổi khỏi nhà khi thằng Khôi mới 6 tháng, lúc đó tui bị mất sữa… giờ mà về quê chắc nó cũng không nhận ra tui mà cha má nó cũng không cho tui gặp mặt con mình!

 

Ông Hai Phong gặp bà Hai mười năm về trước tại nhà ông Tư Bổn. Số là hôm đó đi làm về, ông Tư Bổn là bếp chính khách sạn Palace rủ ông về nhà chơi và ăn phở mà vợ ông nấu “đúng kiểu phở Hà Nội”. Bữa đó vô tình bà Tư cũng mời một người bạn ở ấp Cao Bá Quát đến chơi, bà này dẫn theo cô cháu họ mới từ quê vô.

 

Không biết vô tình hay hữu ý ông bà Tư Bổn trong bữa ăn có ý gán ghép Hai Phong với cô Mai, dường như họ ngầm bàn với nhau chuyện mai mối này thì phải. Hôm ấy xem ra cô Mai cũng có cảm tình với Hai Phong, cô nghe ông bà Tư có ý cặp đôi cô với người em nuôi cô bẽn lẽn lén nhìn người thanh niên ngồi trước mặt cô một cái rồi cúi đầu xuống, mặt cô thoáng đỏ.

 

Hai Phong còn gặp cô Mai nhiều lần nữa, những lần sau anh đến ấp Cao Bá Quát tìm gặp cô Mai tại nhà bà Thu nơi cô Mai ở.

 

Mấy tháng sau Hai Phong cậy anh nuôi làm một bữa tiệc nhỏ mời mấy người quen đến dự. Bữa tiệc được bếp Tư Bổn nấu tại nhà mình gọi là lễ ra mắt của đứa em nuôi Hai Phong, ông thưa với bạn bè bà con rằng Hai Phong và cô Mai gá nghĩa với nhau. Sau bữa tiệc Hai Phong dẫn vợ về nhà mình. Lúc này ông không còn làm phụ nếp nữa, ông xin phép Sở điền địa khai hoang một miếng đất ở cây số 6 để làm vườn… vậy mà đã được chục năm rồi!

 

Bây giờ nghe vợ khóc và kể đầu đuôi câu chuyện, ông Hai Phong thầm trách mình vô tâm. Khi đưa bà Hai về chung sống, ông chỉ biết bà đã có một đời chồng và một đứa con nhưng chồng bà đã “thôi” bà và giữ lại đứa con. Bà Mai bỏ quê vô nhà người chị họ làm dâu ở ấp Cao Bá Quát, ông chỉ biết vậy và không để tâm chuyện quá khứ của bà.

 

Ông Hai an ủi vợ:

 

– Thôi, mình cũng đừng buồn mà làm gì, tui nghĩ ông trời đã sắp xếp hết rồi, ai cũng có số riêng thôi!

 

Rồi ông lái qua chuyện khác:

 

– Nè mình, hôm qua tui ra ngã ba có gặp ông Giám thầu khoán, ổng kêu tui quay lại làm nghề đá, tui muốn hỏi ý mình?

 

Nghe chồng nói vậy, bà Hai kéo cái khăn trùm đầu chùi nước mắt, bà hỏi:

 

– Chuyện ra sao hả mình?

 

– Ông Giám có thầu một mỏ đá ở Cam Ly, ổng biết tui có thời gian đi làm sở đá nên có ý kêu tui về làm cho ổng.

 

Ngừng lại một chút để uống ngụm chè xanh ông Hai mới nói tiếp:

 

– Mà không phải làm công, ổng nói tui cứ làm đi sau khi ra đá ba lông hay đá 4×6, kể cả đá 1×2 mình sẽ ăn chia với ổng theo cách tứ lục! Hiện tại mỏ đá có ba người đang làm nhưng họ nay làm mai nghỉ lại không biết ra đá cho nên hình nên ông Giám mới nghĩ tới tui.

 

Chia tứ lục là người làm hưởng bốn phần, người chủ hưởng sáu phần. Thường như vậy là cao bởi người chủ bao thầu hết tất cả các khoản chi phí, thuế má. Bà Hai không biết những chuyện như vậy, bà chỉ lo ông Hai mà đi làm mỏ đá sẽ gặp nguy, hòn đá to lớn nặng nề bà sợ chồng mình phạm Sơn thần Thổ địa cùng với nổi lo bị nhiễm sương lam chướng khí nguy hiểm đến mạng sống của chồng. Bà nói ra những ý nghĩ của mình, nghe xong ông Hai cười hà hà:

 

– Mình không biết đó thôi, đá nó to lớn nặng nề như vậy nhưng cũng phải thua trí thế con người. Hồi tui đi làm thợ đá ngoài quê, ông thầy dạy nghề cho tui bắt đầu bằng cách nhận ra thớ đá. Cứ theo thớ đá mà đục chung quanh tảng đá rồi chỉ cần một cú chót là tản đá dù to tới mấy cũng nứt đôi… mà thôi, những chuyện đó không có gì nguy hiểm lắm đâu. Còn chuyện Sơn thần Thổ địa thì ở đâu cũng có, mình ý tứ đừng làm điều gì phạm vào các ngài thì không lo bị quở!

 

Rồi ông nhỏ giọng nói tiếp:

 

– Tui nghĩ bây giờ tui cũng rảnh, đất đai thì có thể khai phá tiếp lên trên nhưng lại thiếu nước vả lại có trồng nhiều sợ khó bán… chi bằng tui đi làm nghề kiếm ít vốn lận lưng phòng tuổi già không làm được còn có chỗ nhờ cậy. Mình ở nhà làm những việc vặt còn những việc nặng tui sẽ nghỉ vài ngày làm là xong thôi. Thằng Gần và thằng Xa đã chịu chuyện nước nôi với tui rồi, buổi sáng anh em nó tưới chừng 30 phút là xong, mình không phải lo chuyện đó!

 

Bà Hai xuôi tai khi nghe ông chồng nói như vậy. Ông Hai nói cũng phải, ông đã gần năm mươi tuổi mà hai vợ chồng chỉ chăm chăm vào miếng đất cận suối sợ sẽ không đủ tiền ăn chớ nói gì đến để dành cho tuổi già. Phần bà, dù nhỏ hơn ông đến mười tuổi nhưng phận đàn bà chỉ quanh quẩn miếng vườn với con gà con vịt, ngày ba bữa lo chuyện ăn uống cho chồng con cũng đã hết giờ rồi.

 

Mấy năm trước bà Hai kêu chồng cất một cái chuồng heo sau nhà, ban đầu bà đập con heo đất vừa đủ tiền để “bắt” cặp heo con đem về thả. Ngày ngày bà xuống bờ suối, ông Hai xin giống chuối chát của người quen về trồng để giữ đất, bà chặt một cây chuối vát về nhà xắt rồi bằm nhuyễn nấu chung với cám cho cặp heo ăn. Lúc rảnh bà lại lấy đôi dóng gánh với cái liềm quầy quả lên ngọn đồi sau nhà cắt cỏ bỏ chuồng lấy phân cho chồng trồng sú, trồng lơ hay khoai tây, cà rốt…những loại rau này đều ưa phân heo hoai mục. Nhưng chỉ với một cặp heo con thường thì không đủ phân bón cho vườn, cũng giống như những nhà vườn khác, vợ chồng bà còn phải mua thêm phân cá bón cho cây rau. Mùi thum thủm nồng nàn của phân cá ủ hay mùi tanh tưởi của phân cá tươi vươn vất quanh nhà, sống như vậy cũng đã quá quen nên vợ chồng bà không lấy gì làm khó chịu.

 

Bà hỏi chồng:

 

– Vậy chớ chừng nào mình mới làm mỏ đá?

 

– Ông Giám nói ngay sau tết tây mới bắt đầu, giờ tới lúc đó tui sẽ kịp chăm lứa cà rốt để mình có thể nhổ tỉa đợt đầu.

 

Chỉ vài tuần nữa là đến lễ Nô en là lễ trọng của người theo đạo Công giáo. Mùa đông trời lạnh lắm.

 

2. Trời tối hẳn. Bà Hai quẹt que diêm thắp ngọn đèn Huê Kỳ ăn cơm tối. Hôm nay ông Hai Phong về trễ, ông phải ráng chẻ cho xong chỗ đá ba lông để ngày mai chiếc xe Dodge của ông thầu khoán Giám vô chờ về xây bờ ta luy cho một ngôi biệt thự ở Cité de Cou. Ngôi biệt thự này ông Hai cũng đã ghé qua. Đó là một biệt thự kiểu xứ Normandie miền bắc nước Pháp với mái ngói khá dốc, điểm xuyết vào đó là một ống khói cao càng làm cho ngôi biệt thự rất duyên dáng trong một sân vườn trồng cả chục loại hoa hồng, ai đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi.

 

Ông Hai dựng chiếc xe đạp đòn dông vào vách nhà đánh tiếng:

 

– Mình ơi, tui về rồi!

 

Giọng xứ Quảng của ông Hai dù đã phôi pha nhiều nhưng vẫn còn nặng âm sắc quê hương, qua giọng nói ẩn chứa tình cảm của ông dành cho bà vẫn nồng nàn y nguyên như ngày đầu hai người về chung sống với nhau. Bà Hai từ trong bếp lên tiếng:

 

– Mình về rồi à, sao hôm nay mình về trễ khiến tui lo quá!

 

Ông Hai giải thích cho vợ rồi ra sân sau múc nước rửa tay chân mặt mũi. Với tay lấy cái khăn lau mặt treo trên sợi dây kẽm ngoài sân, ông Hai hỏi bà Hai:

 

– Ở nhà có chuyện gì không mình?

 

Bà Hai nói:

 

– Thì cũng không có gì nhưng mà mình ơi, tui nghe người ta đồn sắp tới người di cư đến đây ở với người mình?

 

Hồi sáng bà Hai ra ngã ba mua ít đồ dùng bà nghe chuyện này. Con đường cái dẫn ra ngã ba là một con đường đất, từ nhà bà Hai đi một đoạn bằng thẳng rồi leo lên một con dốc tới tận đỉnh đồi tiếp giáp với đường Vòng Lâm Viên, từ đây con đường chạy xuống một con dốc nhỏ, đoạn đường kế tiếp khá bằng trước khi đổ xuống một con dốc dài khác là tới ngã ba.

 

Từ trên con đường cái nhìn xuống là một thung lũng, ở giữa là một con suối hai bên bờ lau sậy và cây bông trắng mọc um tùm. Sáng nay khi vừa ra tới ngã ba, bà Hai thấy một xe ủi đất màu vàng nhạt đang từ từ thả cái càng có gắn một bảng thép sáng bóng xuống mặt đất. Chiếc xe như một con quái vật bất ngờ gào lên bằng một giọng hổn hển dữ dội như thể nó lấy sức dồn xuống đôi bánh xích để bậm môi tiến tới. Đất cuồn cuộn dồn ứ trước cái lưỡi thép trước khi đổ sang hai bên để lộ một mặt đường tươi rói màu đất sét vàng.

 

Chiếc xe ủi chạy lui, cái càng được kéo lên, lúc nó dừng cái càng lại hạ xuống rồi tiếng máy gầm rú dồn đất về hai phía. Bà Hai đứng coi say sưa, cảnh trí này trong đời bà chưa thấy bao giờ. Không riêng gì bà, mấy người ăn mặc lịch sự ra vẻ là thầy thông, thầy ký cũng chụm đầu vào một tờ giấy khổ to rồi giơ tay chỉ chỏ về phía trước.

 

Bà Hai hỏi một người đứng coi chiếc xe ủi đất bên cạnh:

 

– Thím Lục, họ làm cái gì vậy thím?

 

– Cô không biết sao, người ta ủi đường để đón dân di cư lên đây lập nghiệp!

 

Bà Hai không hiểu lắm bèn hỏi lại:

 

– Dân di cư là dân làm sao hả thím?

 

Người đàn bà tên Lục lắc đầu:

 

– Con cũng không biết cô à, chỉ nghe ông Xã Thảo nói là người chạy nạn cộng sản, họ là người theo Công giáo, Chúa bỏ vào miền Nam nên họ chạy theo tới tận đây.

 

Bà Hai càng mù tịt sau giải thích, bà chỉ biết một điều là những người sắp đến đất này lập nghiệp là người miền Bắc, họ là những người theo đạo Công giáo, còn Công giáo khác đạo thờ cúng ông bà như thế nào bà không biết.

 

Bữa cơm tối bà Hai đem chuyện này nói với chồng, ông Hai không nói gì, ông chỉ bưng tô nước chè xanh lên uống. Thấy vậy bà Hai cũng không nhắc đến chuyện này nữa.

 

Ngoài trời tối nhanh, mới đó mà bóng đêm đã đậm đen, ngoài sân tiếng côn trùng bắt đầu rên rỉ, chúng cùng nhau hoà tấu khúc nhạc của tự nhiên theo một nhịp điệu của đất trời. Bên trong nhà, bà Hai thắp lên ngọn đèn hột vịt, bà chụm môi thổi phụt một cái vào chiếc đèn Huê Kỳ, vùng ánh sáng toả rộng khắp gian bếp nhường chỗ cho cái đèn nhỏ được bà Hại vặn thấp tim đèn xuống thành một đốm sáng nhỏ như hột đậu.

 

Vợ chồng ông bà Hai sắp đi ngủ.

 

Bất ngờ trong giây phút đó ngoài nhà có tiếng đập cửa khiến lũ côn trùng im bặt, một giọng nam cất lên:

 

– Cho tui hỏi thăm…có phải là nhà của chú Hai Phong không?

 

Hai vợ chồng ông Hai Phong đưa mắt nhìn nhau, dường như ai cũng thắc mắc trong lòng. Ông Hai Phong tiếp lấy cái đèn từ tay vợ, ông từ từ tiến ra ngoài phòng khách:

 

– Ai đó, tui là Hai Phong đây hỏi tui có việc gì?

 

Tiếng ông Hai lộ rõ vẻ ngạc nhiên trong giọng nói, ngoài sân tiếng gọi cửa hồi nãy trả lời bằng một giọng xứ Quảng đặc sệt lộ rõ vẻ mừng rỡ:

 

– Chú Hai, con là Trần Hành đây mà!

 

Ông Hai vừa mở cửa vừa hỏi tiếp:

 

– Trần Hành nào, phải thằng Hành con anh Bốn Tỏi không?

 

– Dạ đúng, con là thằng Hành đây chú ơi!

 

Cánh cửa bật mở, ông Hai Phong gọi với vào bên trong:

 

– Mình ơi đốt cho tui cây đèn Huê Kỳ, vô nhà đi con, cứ để chiếc xe đạp đó chút nữa đem vô sau cũng được.

 

Bà Hai Phong bưng cây đèn Huê Kỳ lên phòng khách, ánh sáng của ngọn đèn soi rõ bóng hai người lạ, một nam và một nữ ôm một túi đồ nhỏ. Người nam cất tiếng:

 

– Trình thím, con là Trần Hành kêu chú Hai bằng chú!

 

Người nữ lí nhí trong miệng:

 

– Dạ, con chào chú thím!

 

Ông Hai Phong nhìn người cháu:

 

– Chu choa…hồi chú về thăm quê con còn nhỏ, vậy mà bây giờ lớn bộn rồi.

 

Ánh sáng ngọn đèn Huê Kỳ soi rõ gương mặt anh thanh niên, đó là một người chừng ba mươi tuổi, gương mặt anh góc cạnh và có nét của ông Hai Phong qua cái mũi và cặp mắt. Ông Hai quay qua bà Hai nói:

 

– Thằng Hành này là con anh Bốn Tỏi, cha tui với cha Bốn Tỏi là anh em ruột.

 

Quay qua người con gái ông Hai hỏi:

 

– Ai đây….

 

Trần Hành hơi lúng túng nhưng chỉ một thoáng anh lấy lại bình tĩnh:

 

– Trình chú thím, đây là… vợ con!

 

Người được Trần Hành gọi là vợ khẽ cúi đầu dường như cố ý tránh cái nhìn của bà Hai. Bà Hai hỏi:

 

– Hai cháu đi đường xa chắc là đói bụng, xuống nhà dưới rửa tay chân mặt mũi rồi ăn bậy chén cơm thím nấu hồi chiều!

 

Bữa cơm trôi qua trong bầu không khí vui vẻ, ông Hai hỏi cháu đủ thứ chuyện về quê nhà, bà Hai ngồi bên cái cốt bới cơm cho hai người cháu. Thường thường vào bữa cơm chiều bà nấu dư một chút để sáng mai hâm nóng lên ăn và bới cho ông Hai đem theo ăn bữa trưa. Tối nay có khách nên bà đem chỗ cơm đó ra mời vợ chồng đứa cháu. Nhìn hai người ăn cơm với chén mắm ruốt ớt tỏi và dĩa sú luộc bà đem từ gát măng giê (tủ đựng thức ăn, phiên âm chữ garde manger) ra, họ ăn ngon lành như thể bị đói từ lâu. May quá cơm cũng còn bộn nên hai đứa cháu chồng không phải để bụng đói đi ngủ.

 

Ông Hai lên tiếng sau khi vợ chồng đứa cháu ăn cơm xong:

 

– Cháu lên nhà trên uống nước, để đó thím bay rửa chén cho.

 

Vợ Trần Hành nói:

 

– Thím để con, ai lại bắt thím rửa chén bao giờ?

 

Ông Hai không cản, ông cùng đứa cháu đi lên nhà trên và biểu Trần Hành xách giùm ông cái ấm nước chè xanh, còn phần mình ông lục trong gát măng giê lấy ra hai cái chén.

 

Sau khi hai chú cháu ngồi đối diện nhau trên cái bàn gỗ thông phòng khách trước chén chè xanh còn khá nóng, ông chưa kịp hỏi gì thì Trần Hành đã lên tiếng:

 

– Trình chú thím, ngoài quê tụi con làm ăn khó quá nên con nghĩ đại hay là vô trong này xin ở nhờ chú thím một thời gian để kiếm công chuyện mà làm, biết đâu lại được. Con đèo nhà con bằng chiếc xe đạp ra Châu Ổ rồi lần hồi xin đi quá giang mấy lần xe hàng mới tới đước xứ này chiều nay. Đạp xe hỏi thăm miết mới tìm ra nhà chú!

 

Ông Hai Phong nhìn thằng cháu thưa chuyện, có lẽ trong lòng ông vui lắm, niềm vui thể hiện qua nét mặt đầy dấu vết thời gian của một người từng trải. Hàng năm ông Hai Phong gởi “măng đa” (gởi tiền bằng đường bưu điện) về quê để giỗ quảy tổ tiên, ông nhờ cô thư ký Nhà dây thép ghi thêm mấy chữ ngắn gọn mà chủ yếu là về sức khoẻ. Ông nói:

 

– Bay tìm được nhà chú qua cái địa chỉ ghi trên măng đa phải không?

 

Không đợi đứa cháu xác nhận ông nói tiếp:

 

– Nhà chú thì chừng này thôi không đủ sức chứa chục người nhưng với vợ chồng con thì dư sức. Để chú tính, ăn thì thêm bát thêm dĩa có gì ăn nấy miễn là có cơm ăn chắc bụng được rồi, còn ở chú thím ngủ một phòng, còn dư một phòng hai đứa bay vô đó mà ngủ. Còn chuyện làm ăn, con đừng bận tâm, trong này người ta cần công dữ lắm miễn là con có sức khoẻ mà đặc biệt là phải chịu thương chịu khó. Chú tính như vầy: buổi đầu con cứ theo chú làm nghề ở mỏ đá, cực một chút nhưng lại có việc làm quanh năm. Còn vợ bay, cứ ở nhà với thím nó chăm con heo con gà, tập làm những việc như nhổ cỏ, gánh nước tưới rau hay có sức thì đi nỉa đất, xúc rò… chừng chục ngày là rành rẽ, tới đó ai kêu công thì đi làm… cái ăn là chuyện không phải lo!

 

Ít khi ông Hai nói dài như hôm nay, ông nói như thể ông đã suy nghĩ lâu lắm. Thực ra ông Hai không phải suy nghĩ gì nhiều về những điều vừa nói, những chuyện đó là những chuyện diễn ra hàng ngày chung quanh ông. Cái điều ông lo lắng và bây giờ lộ vẻ mừng rỡ là chuyện bà Hai cứ lủi thủi ở nhà một mình, nay có thêm đứa cháu dâu ở cùng thì còn gì hay hơn nữa? Bà Hai có bệnh trong người, bà có thể lăn đùng ra xỉu bất cứ lúc nào nên chi đi làm mà lòng ông lo lắm…

 

Trần Hành nghe ông chú nói chuyện, gương mặt anh dãn ra trông thấy, nói nào ngay anh không nghĩ công việc lại trơn tru như vậy, lòng anh vui lắm.

 

Ông Hai Phong nói tiếp:

 

– Thôi, cứ như vậy, vợ chồng con đường xa chắc là mệt mỏi lắm rồi, con vô trong buồng ngủ đi, sáng mai theo chú đi làm liền, được không?

 

Trần Hành mừng rỡ:

 

– Dạ được, chú!

 

3. Buổi sáng mặt trời chưa lên Trần Hành đã thức dậy, anh rón rén mở cửa buồng để vợ anh đang ngủ trong giường không bị ảnh hưởng. Trần Hành đẩy cửa phòng khách bước ra sân đưa mắt nhìn cảnh vật nhưng sương mù giống như một tấm màn khổng lồ ngăn cản tầm mắt của anh.

 

Trần Hành quay lại khi nghe tiếng mở cửa, ông Hai Phong xuất hiện trong cái áo bành tô màu cứt ngựa dầy cộm. Ông hỏi:

 

– Con dậy sớm như vậy bộ không ngủ được sao, có lạnh lắm không?

 

Trần Hành nhìn chú:

 

– Dạ, con dậy giấc này quen rồi, định bụng đi một bài quyền cho ấm người.

 

Ông Hai Phong ra vẻ chú ý đến chuyện này:

 

– Đâu, con thử đi một vài bài thảo cho chú coi ra sao?

 

Trần Hành cười cười:

 

– Dạ, con chỉ biết chút ít chỉ sợ chú cười!

 

Ông Hai Phong nhìn cháu:

 

– Hồi thanh niên, cha con được một ông già họ Trương từ Bình Định ra nhận làm đệ tử môn Ngọc Trản quyền, có phải cha con chỉ dạy cho con môn quyền pháp này không?

 

Trần Hành thưa:

 

– Con tối dạ chỉ học được nơi cha con chút ít thôi, chú đừng cười!

 

– Ừ, con múa quyền đi?

 

Trần Hành xuống tấn, đôi tay anh thu vào trước ngực làm động tác khởi thức bắt đầu cho bộ quyền Ngọc Trản.

 

Nhìn chàng thanh niên múa quyền, ông Hai Phong như nhớ lại ký ức quê nhà. Ngày đó ông cũng mon men tới sân tập võ trong làng nhưng sau một hồi xem xét cẩn thận, vị sư phụ họ Trương từ chối dạy môn quyền Ngọc Trản cho ôngmà không nói ra lý do. Nay thấy đứa cháu múa quyền đôi tay dẽo dai, uyển chuyển đầy sức mạnh, đôi chân lướt êm trên mặt đất ông bỗng nhớ lại nỗi thất vọng ngày nào….

 

Tiếng bà Hai cắt đứt dòng tư tưởng của ông:

 

– Mình ơi vô ăn cơm, mình kêu thằng Hành giùm tui!

 

Bữa cơm sáng được bà Hai chuẩn bị cho bốn người, sau khi ăn xong ông Hai nhận từ tay bà Hai hai cái lon guigoz đựng cơm trưa dành cho hai chú cháu. Ông Hai còn mang thêm một bình bi đông của lính Pháp đựng nước chè tươi, thứ nước uống ông dùng hàng ngày.

 

Sáu giờ sáng hai chiếc xe đạp nối đuôi nhau chạy trên con đường đất sau nhà, lên đến đỉnh đồi hai chú cháu thả cho xe chạy xuống con dốc nhỏ cho đến khi xe chạm mặt con đường được trải một lớp dầu hắc ở ngã ba mà không phải đạp một vòng nào.

 

Ngã ba đang hồi đông đúc nhất. Nơi này gọi là ngã ba cũng do thói quen từ trước, lúc con đường chạy từ thị xã lên đập thuỷ điện Ankroet, đến đây gặp con đường từ cây số bốn chạy tới hình thành nên một ngã ba, từ đó dân cư tụ tập sống quanh cái ngã ba này. Hồi ông Hai Phong xin Sở điền địa khai hoang đất trồng la ghim (rau – tiếng Pháp là léghumes, là âm đọc trại của người làm vườn ở Đà Lạt) ông đã thấy một con đường đất nối từ ngã ba đến con đường trên đỉnh đồi nhà ông mà người ta gọi bằng đường Vòng Lâm Viên. Bây giờ ở đây đích thị là một ngã tư và đang hình thành một ngã năm với sự góp mặt của con đường đất mới mở sáng hôm qua dẫn vô xóm đạo.

 

Bên một góc đường một cây nước viện trợ Mỹ đang được các cô các bà thay phiên nhau lấy nước bằng cách kéo một cái cần bằng gang theo chiều từ trên xuống dưới. Dòng nước từ vỉa nước ngầm bên dưới mặt đất hào phóng cho cư dân một thứ nước trong vắt chảy ra từ cái vòi xuống đôi thùng thiếc mà người ta đang hứng.

 

Cạnh bến xe lam, thứ xe của hãng Lambretta nước Ý được mấy người mua về dùng làm xe chở khách chạy từ ngã ba đến chợ mới và ngược lại phục vụ việc đi lại cho người dân vùng ngoại ô này, là một quán phở của một ông già người Bắc. Đây là quán phở duy nhất trong vùng, phở là món ăn chơi đang chinh phục khẩu vị của người tứ xứ đang quần tụ ngày một đông chung quanh ngã ba có con đường nhựa dẫn lên đến đập thuỷ điện Ankroet Suối Vàng.

 

Khi hai chú cháu vừa mới đến bến xe lam, một người đàn ông từ trong quán phở bước ra, ông ta thấy ông Hai Phong bèn gọi lớn:

 

– Chú Hai… ghé lại tôi có chút chuyện.

 

Ông Hai bóp thắng, chiếc xe chạy thêm một đoạn ngắn rồi dừng hẳn, ông cười tươi chào người vừa gọi mình:

 

– Chào ông thầu khoán, có việc gì mà ông kêu tui dừng lại?

 

Ông thầu khoán Giám là một người tầm thước, ông ăn mặc giống như một viên chức làm việc cho chính phủ. Chiếc áo sơ mi trắng được bỏ trong quần cẩn thận, bên ngoài là chiếc áo veste màu cà phê sữa, ông mang đôi giầy cure da sầnmũi gồ hợp thời trang. Ông tươi cười giơ tay ra bắt tay ông Hai Phong:

 

– Bonjour (chào) ông Hai, ông khoẻ chứ?

 

– Tui khoẻ, có việc gì không ông thầu khoán?

 

Ông Giám cười khoe chiếc răng nanh bọc vàng như những người thành đạt thời nay, ông nói:

 

– Tôi mới nhận một contrat (hợp đồng) xây dựng cần lượng đá hộc và đá 4×6 khá gấp, chú Hai lo được không?

 

Ông Hai Phong hỏi số lượng và thời gian ông thầu khoán cần rồi chào ông Giám và tiếp tục lên đường.

 

Con đường trải nhựa đưa chú cháu ông Hai Phong về phố thị rất thuận tiện cho các loại xe cộ chạy, vừa ít bụi lại bằng phẳng nên ông đạp xe không tốn sức là mấy. Hai bên đường thỉnh thoảng có những ngôi nhà ván nằm lọt thỏm trong một khu vườn vừa mang dáng dấp của một vùng quê vừa lại ra vẻ một vùng nông thôn sắp lên thành phố. Ông Hai nhớ lại hồi mới lên đây, ông nhìn thấy cái gì cũng lạ, từ thứ không khí trong lành đến cây thông vươn lên trời chìa ra những nhánh trông tựa đuôi con công… đều khiến ông ngẩn người ra!

 

Đạp xe chạy theo người chú, trong đầu Trần Hành cũng mang cảm xúc tươi mới như vậy. Hôm qua anh chạy xe tới nhiều nơi để tìm ra nhà chú Hai nên không có tâm trí đâu để mà ngắm cảnh. Sáng nay là buổi đi làm đầu tiên, nhìn thấy cái gì cũng lạ bỗng dưng trong lòng anh dâng lên một cảm giác bình an. Trong đầu anh nỗi lo lắng đeo đẳng mấy lâu nay dường như biến mất, càng ngắm cảnh anh càng nhận ra nắng lung linh hơn, bầu trời trong xanh hơn miền quê anh vừa từ giã.

 

Vùng đất cao nguyên này là một vùng đồi núi, những ngọn đồi thoai thoải mới được khai phá một phần để làm vườn, dân cư còn thưa thớt. Trần Hành đạp xe theo chú đi làm ngày đầu tiên không biết anh nghĩ gì mà gương mặt anh coi bộ tươi tắn lắm.

 

Đến mỏ đá Cam Ly Hai Phong ngừng xe lại rồi dựng vào vách một cái lán trại mái lợp tôn, vách làm bằng ván. Ông nói với cháu:

 

– Kể ra chú cũng may mắn, hôm qua thằng Sau Ri lại xin nghỉ việc về quê, nó là đứa làm từ hồi ông thầu khoán Giám giao lại cho chú. Trước nó thì hai đứa anh của nó nghỉ từ tháng trước, chú định hôm nay bỏ thời gian đi tìm người làm thời may cháu lại vô tìm chú, thôi thì hai chú cháu mình cố gắng làm, ít người có cực một chút nhưng tiền bạc lại rủng rẻng, Hành à!

 

Trần Hành cười tươi nhìn chú:

 

– Con chịu cực được mà chú!

 

– Vậy là tốt rồi, thôi để chú chỉ cho con cách đục đá.

 

Ông Hai Phong lấy từ trong lán trại ra hai cây búa, hai cây xì rô bằng sắt đã toe đầu, ông nói với Trần Hành:

 

– Đây là cái búa năm ký, cái kia mười ký, con làm theo chú để chẻ chỗ đá này thành đá hộc xây nhà.

 

Nói xong ông làm mẫu cho Trần Hành làm theo, tiếng búa đập xuống xì rô tạo thành những tiếng động phá tan sự yên tỉnh của núi rừng. Công việc nặng nhọc này cũng không khó lắm, chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ là Trần Hành có thể chẻ được những viên đá có mỗi cạnh chừng hai mươi xăng ti mét.

 

Vừa làm ông Hai Phong gợi chuyện:

 

– Hành à, tối qua con ngủ có được không?

 

Không đợi đứa cháu trả lời, ông tiếp:

 

– Chẳng là hồi hôm lúc đi giải, chú nghe hai đứa bay rì rầm nói chuyện. Con nhỏ người đâu ta?

 

– Dạ, cổ người Đức Phổ, con nghe cổ kể cha mẹ đều còn hiện đang sống với người anh đầu, cổ còn hai đứa em trai họ đều đang ở quê.

 

Ông Hai Phong lấy làm ngạc nhiên, ông hỏi lại:

 

– Con nói “nghe kể” là sao, bộ bay chưa về quê vợ hay sao?

 

Gương mặt Trần Hành bỗng dưng đỏ lên trong ánh nắng đã bắt đầu gay gắt. Anh ngần ngừ một hồi rồi mới nói:

...

 

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 536
Ngày đăng: 18.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khu vườn trồng hoa - Nguyễn Chí Kham
Về trong lá úa - Nguyễn Chí Kham
Đón xuân trên đường - Phan Tấn Uẩn
Hà Nội Penthouse - Hải Âu
Đôi bạn - Nguyễn Đại Duẫn
Giờ trước Giáng Sinh - Mỹ Ca
Đàn bướm quanh chân ngựa - Nguyễn Chí Kham
Vẫn còn hương nhãn - Đặng Chương Ngạn
Hà Nội, bướm trắng - Nguyễn Chí Kham
Tình đầu - Mỹ Ca
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)