Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.688.143
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 30: Bản năng gốc)
Võ Anh Cương

 

Tư Đực nghe lời ngồi xuống bên người con gái đẹp, lúc này ánh trăng vừa khuất vào một đám mây. Bầu trời bỗng trở nên đen tối, ánh trăng ban nãy biến mất. Tư Đực hầu như không để ý đến sự kiện này, tâm trí nó đang bị vẻ đẹp của người con gái hát trong đêm trăng thu hút hết. Tư Đực vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng, nó ngây ngất như lần đầu tiên nếm thử rượu vậy.

Người con gái hỏi:

-Sao anh đến đây, anh không sợ sao?

Câu hỏi của nàng khiến Tư ngạc nhiên, nó hỏi:

-Tại sao lại sợ?

Tư trả lời bằng tiếng Lạch bởi nàng hỏi nó bằng thứ tiếng ấy. Nói chung học viên Langbiang phải biết các thứ tiếng Ê Đê, M’Nông, Ja Rai, Lạch…đó là điều bắt buộc. Nàng nhìn Tư:

-Anh không sợ tôi là ó ma lai sao?

Tư Đực nhìn nàng. Lúc này trăng đã ra khỏi đám mây, trăng sáng vằng vặc trên bầu trời trên thảo nguyên cỏ hồng. Bộ ngực để trần của người con gái cho biết rằng cô chưa có chồng, nói theo cách của người Lạch là cô chưa “bắt chồng”. Đẹp khoe, xấu che là quan niệm của người Lạch. Quả thật bộ ngực của người thiếu nữ tuyệt đẹp trong tuổi dậy thì, nó đủ sức quyến rũ đám con trai xun xoe bên người con gái và người con gái sẽ chọn cho mình người mình “ưng cái bụng”, nàng sẽ đem dê, lợn, gà…để cưới chàng, đó là cách nói theo kiểu người Việt. Cưới xong, người con trai sẽ dọn qua nhà người con gái ở, nói chung người đàn bà là chủ gia đình.

Tư Đực được thầy Râu dài dạy sơ qua về phong tục của người Lạch nên nó biết người con gái đẹp ngồi bên cạnh nó còn là xử nữ. Ngực nàng màu trắng sữa được ánh trăng rọi chiếu càng làm cho bộ nhũ phong thêm cao vút thanh tân. Nàng có chiếc cổ thanh tú, khá cao so với người con gái Lạch và đặc biệt là nó có đến ba ngấn. Khuôn mặt nàng tuyệt đẹp với chiếc mũi dọc dừa, cái miệng chúm chím, trên má phải của nàng có một cái lúm đồng tiền. Nàng có cặp mắt đen huyền lung linh ngấn nước, nàng nhìn ai như muốn hớp hồn người ấy, nhất là đám con trai. Đó là cảm nhận của Tư Đực trong khoảnh khắc ấy nhưng trong lúc đó nó chưa biết diễn tả như vậy, sau này khi tiếp xúc với nền văn minh đương đại, Tư mới nhớ lại giây phút gặp nàng, đó là những phút giây tuyệt diệu. Dù sao những lời ấy cũng chưa diễn tả hết vẻ đẹp của người con gái hát dưới trăng, hình ảnh đó ăn sâu vào tâm thức của Tư, không bao giờ Tư quên được.

Tư Đực không bất ngờ khi nghe nàng nhắc đến ó ma lai, đơn giản nàng có là ó ma lai hay không là điều Tư không bao giờ để ý đến bởi đó không phải là nỗi sợ truyền đời trong Tư. Nó chỉ biết rằng nàng đẹp quá, vẻ đẹp của nàng chiếm hết tâm hồn Tư lúc này. Tư nhìn nàng lắc đầu:

-Không, tôi không sợ!

Nàng có vẻ không tin:

-Tôi sẽ “thư” anh đến chết, anh sợ không?

Tư say đắm nhìn nàng:

-Nếu được chết dưới tay nàng tôi rất sẵn sàng, nàng đẹp quá!

Đó là sự diễn dịch của ngôn ngữ đương đại sẽ là như vậy nhưng lúc ấy, trong đêm trăng huyền ảo, bên người đẹp bất cứ người đàn ông nào cũng dùng vô ngôn để diễn tả tâm trạng của mình. Tư sẵn sàng chết dưới tay nàng, có lẽ ý tưởng ấy xuất hiện trong Tư rất mới mẻ nhưng đó là sự thật. Còn nàng khi cảm nhận được tâm ý của Tư, nàng ngạc nhiên bởi cho đến giờ chưa có chàng trai nào ngõ với nàng những lời như vậy. 

-Có thật anh muốn chết dưới tay tôi?

Tư gật đầu khẳng định và nói thêm:

-Nàng đẹp quá!

Từ thượng cổ đến nay đàn bà vẫn là đàn bà. Nàng là người thiếu nữ đang xuân nghe những lời tán tụng nhan sắc mình từ người khác phái, bỗng dưng trong tâm hồn nàng rực rỡ như một đóa hoa vừa mới nở. Bất giác nàng mỉm miệng cười:

-Tôi đẹp lắm sao?

Tư Đực say đắm nhìn nàng:

-Tôi chưa hề gặp một người con gái nào đẹp như nàng!

Đôi mắt Tư nói lên sự ngưỡng mộ và đắm say của nó, ôi tình yêu đến với Tư đầy bất ngờ và hấp dẫn. Ngay lúc đó Tư Đực không biết đó là tình yêu bởi nó chưa trải qua một mối tình nào, sau này khi nhớ lại phút giây đầu tiên bên cạnh người con gái hát dưới trăng Tư mới biết hương vị của mối tình đầu đời, tình yêu mang đến tâm hồn hoang dã của Tư biết bao cảm xúc mới mẻ đầy hương vị.

Bất ngờ người con gái nhìn Tư nói:

-Anh còn nhỏ quá, anh làm tôi nhớ đến em trai tôi!

Câu nói của nàng khiến Tư cảm thấy Tư phải chứng tỏ với nàng rằng Tư đã lớn hơn những gì nàng nhận xét. Đó là tự ái, ngay lúc đó nó không biết loại cảm xúc này nhưng bản năng giống đực mách bảo Tư rằng phải tỏ ra mình đủ sức để bảo vệ cho nàng để chứng tỏ tình yêu của Tư dành cho người đẹp hát dưới trăng!

Tư mím môi:

-Tôi đã mười sáu mùa rẫy, có thể làm bất cứ điều gì mà nàng cần!

Tư nói vống lên một chút, tự thâm tâm Tư cũng không giải thích tại sao mình phải làm như vậy, nó chỉ biết rằng có như thế mới thể hiện được bản lĩnh của mình. Nàng dò hỏi:

-Sao anh không lớn?

Câu hỏi của nàng hơi tối nghĩa nhưng không vì thế mà Tư không nắm được vấn đề. Đây là lần đầu tiên Tư mới để ý đến vóc dáng của mình, hơn bao giờ hết Tư mong lời ông Dê A Vê đúng sự thật: rồi một ngày Tư trở lại người thường như thầy Bạc, lúc đó nàng hết chê nó lùn nhỏ! Tư tự tin trả lời:

-Rồi nàng sẽ thấy tôi thay đổi nhanh chóng như thế nào, nhất định thế!

Người con gái tròn mắt tỏ vẻ không tin, thấy vậy Tư giải thích:

-Nếu nàng gặp tôi một con trăng trước nàng sẽ thấy tôi còn nhỏ hơn cả bây giờ!

-Tại sao?

Tư chẳng biết tại sao bởi lâu nay nó cho vóc dáng của nó hiện có là lẽ tự nhiên giống như con cá thì bơi dưới nước hay mùa xuân là mùa tình yêu của muôn loài. Ngẫm nghĩ một lúc Tư nói:

-Tôi bị lời nguyền của Cau Gru Cơnang (thầy phù thủy) nay đã giải được!

Nghe Tư nói đến Cau Gru Cơnang, nàng biến sắc. Có lẽ một nỗi sợ mơ hồ mang tính cách truyền đời trong nàng khiến nàng có cảm giác đó. Nhưng khi nghe Tư đã giải được lời nguyền tự nhiên nàng thấy nhẹ nhõm và nhìn Tư bằng một cái nhìn khác hẳn. Nàng nói:

-Có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của…em được không?

Ngay lập tức Tư như bị ai đó đánh một cú trời giáng vào đầu, nó choáng váng. Nàng chỉ coi Tư như đứa em trai của nàng, nàng gọi Tư bằng “em”, một cách xưng hô cuả bậc làm anh làm chị bởi nàng cho rằng Tư chỉ là một thằng nhỏ. Không cam chịu với cách xưng hô như vậy Tư nói:

-Tôi không thể làm em nàng được, tôi muốn làm chồng nàng thôi!

Đến lượt nàng biến sắc, nàng nghĩ không ra tại sao một thằng lùn lại muốn làm chồng nàng, theo luật tục của bon làng, người quyết định bắt chồng là nàng chứ không phải đám thanh niên lúc nào cũng nhìn nàng bằng một cặp mắt rực lửa, trong đó không loại trừ những cái bụng xấu xa chỉ chực hại nàng. Nàng đáp:

-Tôi không có dê, có heo, có gà để bắt em làm chồng đâu.

Tư kiên quyết:

-Tôi không cần heo, dê, gà của nàng, tôi chỉ cần nàng!

Đó là ý nghĩ tự thâm tâm của Tư, bản năng đàn ông trong Tư bắt nó nói thế, Tư sẽ là người bảo bọc nàng, đó là nghĩa vụ của người đàn ông trong gia đình người Việt. Nàng ngạc nhiên khi nghe Tư nói thế. Với người Lạch chủ gia đình là người đàn bà, đàn ông phải tuân theo sự sắp xếp của người chủ nhà, ngay khi được bắt làm chồng chàng thanh niên phải về nhà vợ ở. Nghĩ vậy nàng nói:

-Không được…Giàng không chịu đâu mà già làng cũng không cho!

Tư long trọng nói:

-Tôi sẽ che chở cho nàng suốt đời!

Nàng cảm động, dù sao nàng cũng chỉ là một người con gái cần được một người khác phái mạnh mẽ chở che nhưng dưới luật tục của bon làng bắt buộc người đàn bà phải là người đứng đầu một gia đình buộc nàng phải chấp nhận điều mặc định này. Nay nàng nghe Tư nói những lời lạ lẫm khác hẳn với những gì bọn thanh niên từng nói với nàng khiến nàng vừa thích thú vừa cảm động:

-Có thật không?

Tư giơ tay lên trời:

-Ta mà nói sai sẽ bị Trời đánh chết!

Bản năng truyền đời giúp Tư nói những lời này như những gì ông cha Tư từng nói. Nàng ngây ngốc nhìn Tư không hiểu, tại sao phải giơ tay lên rồi nói tới ông Trời, ông Trời là ông nào nàng không hiểu được.

Thấy nàng có vẻ không hiểu Tư Đực giải thích:

-Ông Trời với người Việt là …Giàng của người Lạch, tôi là người Việt. Để tôi nói về lai lịch của tôi cho nàng rõ nhé.

Nàng chẳng biết lai lịch là cái gì, với nàng đó là những gì bí ẩn như tiếng tiếng sấm mỗi khi mưa to nhưng trong thâm tâm nàng khao khát được biết hết những gì thuộc về một người đàn ông muốn…làm chồng nàng. Tư bắt đầu nói:

-Tôi tên Tư, họ Nguyễn. Nguyễn Văn Tư là tên cha mẹ tôi đặt cho tôi từ lúc tôi ra đời. Bởi càng lớn tôi có thân hình càng rắn rỏi nên người ta gọi tôi là Tư Đực giống như một loại tre đực rất rắn chắc ở quê tôi. Từ nhỏ sống với cha mẹ ở làng quê, khi lên 10 tuổi cha mẹ tôi qua đời tôi phải sống một mình. Một hôm Bạc Đầu Râu đi ngang qua làng thấy vậy thầy mới đem tôi về học viện Langbiang, tôi đang học lớp Nhập môn của Mat, vì bị phạm luật tôi tới đây ở và gặp nàng.

Tư kể sơ qua như vậy nhưng có vẻ nàng không hiểu hay bản năng của nàng cho rằng những chuyện của Tư trước đây không liên quan gì đến nàng, điều nàng mong muốn là giây phút hiện tại có người bằng xương bằng thịt nói chuyện với nàng mới là điều quan trọng. Thấy nàng không hỏi điều gì Tư hỏi:

-Còn nàng sao lại đến đây ở?

Nàng ngạc nhiên với câu hỏi của Tư, nàng không hiểu “ở” là như thế nào bởi với nàng thiên nhiên là bà mẹ vĩ đại, nàng hòa lẫn vào thiên nhiên với nhiều người khác ở  cùng một bon như là một điều tự nhiên không có gì lạ lùng cả. Thấy người con gái hát dưới trăng có vẻ không hiểu câu hỏi của mình Tư giải thích:

-Tôi muốn hỏi nàng ở bon nào, có xa đây lắm không?

Nghe Tư hỏi bỗng nhiên gương mặt nàng thoáng một nét buồn, nàng đáp với đôi mắt xa xăm:

-Tôi ở bon Kon Ó, xa lắm…phải đi hai mươi cái xà gạc!

Tư hỏi tiếp:

-Vì sao nàng đến đây?

Nàng không đáp lời Tư, vẻ im lặng của nàng khiến Tư thấy khó hiểu. Tư ở rừng học hát một mình bởi phải đáp ứng lời hứa với ông Dê, còn nàng một thân một mình trong rừng vắng bóng người phải vì một lý do nào đó chứ? Lý do nào mà một người con gái đẹp như nàng phải đến đây?

Người con gái hát dưới trăng chỉ tay về một căn nhà sàn nhỏ ven đồi:

-Đó là nhà tôi, em về nhà tôi tránh sương đi, ở đó có lửa….

Từ lúc nào sương giăng bàng bạc khắp nơi khắp chốn, ánh trăng vàng cũng trở thành mờ ảo dưới sương đêm, Tư Đực đi bên nàng về nhà. Tư mong ước mình sẽ không bao giờ rời phải nàng nửa bước!

 

CHƯƠNG 31

CÔ Ó MA LAI XINH ĐẸP

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 603
Ngày đăng: 14.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 29: Cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 28: Tiếng hát giữa rừng khuya) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 2) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 27: Sự cố bất ngờ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 26: Inrasara) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 25: Bảy con ve sầu) - Võ Anh Cương
Ạch liên Tây Hồ(*) - Trương Đình Phượng
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 24: Kỳ mỹ nữ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 23: Dưới gốc cây cổ thụ(2)) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)