Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
725
116.716.271
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 21: Tao ngộ)
Võ Anh Cương

 

 

Tư Đực nhìn đăm đăm vào dòng suối. Nước từ thượng nguồn đổ xuống cứ miên man chảy qua vô vàn lau sậy mọc ken dày hai bên bờ. Bên dưới chắc chắn có cá, Tư nghĩ. Bỗng nhiên Tư Đực thèm món cá cô Nghỉ nấu quá chừng, chà ước gì bây giờ mà có bát cháo cá bốc hơi nghi ngút vừa thổi vừa húp thì mới tuyệt vời làm sao! Thèm thì thèm vậy nhưng Tư biết mình không bao giờ có món cháo cá ấy đâu, tự nhiên Tư liên tưởng đến món cá bọc lá chuối nướng vùi trong tro. Đã gần mười ngày qua Tư chưa có bữa ăn nào ra hồn sau khi ăn hết chỗ gạo của cô Nghỉ dấm dúi cho vào túi lát và số thịt nai sấy ít ỏi. Nghĩ tới đây Tư Đực lại thấy tức tối lũ khỉ ăn cắp thực phẩm của mình. “Nhưng tức mà được gì, mình phải tự đi tìm cái ăn thôi”. 

 

Nghĩ là làm, Tư Đực tìm đến bộ xương con nai, nó tìm một cái xương nhỏ có thể chế thành móc câu. Quả nhiên Tư tìm được, không chỉ một mà đến cả hai lưỡi câu, chỉ cần nó gia cố chút xíu là xong. Dây câu thì vô vàn nơi hoang dã, Tư biết một loại dây leo tươi, bóc lớp da bên ngoài sẽ lộ lớp vỏ lụa màu trắng ngà có thể bện thành dây câu. Sau nửa ngày hì hụi, Tư Đực có được một cần câu hai lưỡi, có cả phao hẳn hoi. Tư đào giun, thứ mồi này khiêu khích lũ cá trắng dữ lắm. Giun sống vô số ở những chỗ đất ẩm, nhất là tại mấy cụm chuối rừng lác đác trong rừng ma. Lại chuối này cho quả nhưng Tư biết chẳng được gì bởi bên trong tuyền là hột. Nhưng nếu lột vỏ thân cây chuối non, xắt mỏng ta có thể được một món rau rừng ăn vào rất mát bụng. Vừa thả câu Tư Đực vừa nghĩ lan man. Giờ này nếu ở trường, Tư phải là nhiệm vụ của một học sinh, ít nhất những bài giảng của Mat Tư phải tìm cách thực hành theo cách của mình. Mat không bao giờ giảng lại lần thứ hai cho đám học sinh đang nhìn Mat bằng một cái nhìn cầu cứu, ông thầy chỉ mỉm cười thay cho câu trả lời. Vậy là đám nhóc nhao nhao chạy tứ tán vào cánh rừng gần trường để tự mình tìm ra câu trả lời cho bài giảng của Mat. Có lần Tư Đực mải suy nghĩ cách thực hiện phương thuật Mắc Xương mà Mat dạy hồi sáng, nó vào rừng cạnh học viện để tập trung suy nghĩ. Mat không hề nói điều gì khi dạy phương thuật này, ông thầy bí hiểm quả nhiên…bí hiểm, ông chỉ làm dấu bằng những động tác tay và đầu. Ban đầu Tư nghĩ có lẽ khi áp dụng phương thuật này phải đọc thần chú, nhưng khi nhớ lạ từng việc làm của Mat, Tư biết mình nhầm. Ông thầy không hề nhép miệng khi giảng nên sẽ không có chuyện thần chú gì ở đây. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi ta Tư thực hiện phương thuật Mắc Xương? Tư từng bị mắc xương cá một lần hồi mới vào trường. Thật là khó chịu, cái xương mắc ở cổ họng nuốt vào không được và nhả ra cũng không xong! Lúc ấy Mat tới, ông thầy nhẹ nhàng nâng đầu Tư lên bằng tay phải, tay kia ông vỗ nhẹ vào lưng Tư. Lát sau cái xương cá mắc dịch biến mất, dấu vết để lại của nó chỉ còn là chút nhói đau khi Tư nuốt nước bọt.

 

Vậy phương thuật Mắc Xương có gì bí hiểm? Tư lập lại động tác của Mat theo trí nhớ của mình. Một lần, lần kế tiếp…và nhiều lần nữa nhưng không có chuyện gì xảy ra cả! Vô tình Tư Đực vung tay lại trúng vào một thân cây ngo đỏ, thân cây trúng đòn của Tư xuất hiện một vòng tròn màu đỏ nhạt. Bỗng nhiên Tư ngộ ra phương thuật bí hiểm này. Thật ra chẳng có gì là bí hiểm cả, khi tập luyện những động tác Mat dạy, người trúng phương thuật sẽ xuất hiện một đốm đỏ trên cổ gây nên sự khó chịu như khi bị mắc xương và chỉ người ra tay mới có thể hóa giải được bằng động tác nâng cằm và vỗ vào lưng như Mat gỡ mắc xương cho Tư Đực! Lúc đó phát hiện ra điều này, Tư mừng như phát điên, nó hú lên một hồi, tiếng đồng vọng lập lại bên kia rặng núi như thể chia vui với Tư. Về trường Tư Đực thực hiện ngay phương thuật này với K’RaJan Đích, khi thấy đồng môn khổ sở với cái cổ có một chấm đỏ lờ mờ, cuống họng K’RaJan Đích liên tục nuốt nước bọt nhưng “cục xương” vẫn không trôi. Khi thấy bạn như sắp khóc, Tư mới đến bên và đề nghị giúp. K’RaJan Đích mắc nợ Tư một món nợ ân tình cho đến nay chưa có dịp trả lại….

 

Mải nghĩ những chuyện hồi còn học ở học viện, chiếc phao bị chìm từ hồi nào Tư Đực không rõ. Khi phát hiện ra Tư Đực bị lôi tuột đi theo chiếc cần câu. Tư mừng thầm chắc có cá to cắn câu, Tư biết nếu mình không dìu theo chiếc cần thì khi cá quẫy sẽ đứt mất dây câu. Đây là kinh nghiệm tự thân đứa nhỏ nào trong học viện Langbiang cũng đều biết bởi dưới quy định “Tự Mình” vô hình trung giúp chúng trải qua những tình huống có ích trong cuộc sống. Tư Đực chạy theo chiếc cần câu, thấp thoáng dưới nước, bóng con cá lăng to đùng đang cố sống cố chết vùng vẫy để thoát khỏi sợi dây câu oan nghiệt! Con cá to quá, Tư Đực chưa từng thấy con cá nào to như vậy trong đời nên nó rất quyết tâm bắt cho bằng được con cá. Tư hào hễn chạy dọc theo con suối, mặt nước càng lúc càng rộng ra. Đã có tiếng reo ầm ào của nước, “sắp đến một con thác” Tư nghĩ. Con cá vẫn kéo Tư Đực chạy theo nó với tốc độ càng lúc càng tăng. Bỗng nhiên Tư Đực kêu “oái”, nó dẫm vào một cục đá mọc đầy rêu. Theo quán tính Tư Đực buông cần câu để chống tay xuống đất. Không xong rồi, Tư Đực lăn tòm xuống con suối, dòng nước dường như mừng rỡ đón thân hình Tư và lẹ làng cuốn Tư trôi theo!

 

Khi biết mình không thể cưỡng lại con nước đang trôi, Tư Đực lập tức thực hiện phương thuật Ngủ Đông. Nó cố co chân về phía cắm, đồng thời tay Tư ôm gáy còn người Tư thì cong lại như một con tôm. Khi dạy học trò phương thuật này, Mat nói:

-Các con phải biết rằng đây là phương thuật cứu sinh trong trường hợp khẩn cấp, các con phải đoạn tuyệt hơi thở thuận với tự nhiên như thể khi các con còn trong bụng mẹ vậy.

 

Chính câu ví von của Mat khiến lũ học trò xì xào nhiều nhất. Anh em nhà K’RaJan quả quyết rằng khi còn trong bụng mẹ, chúng không thể co chân tay và cong mình như một con tôm, đơn giản lúc đó chúng đang ôm nhau. “Chúng mày thử ôm nhau xem, có phải tay đứa này choàng qua lưng đứa kia, còn chân thì đứng yên trên mặt đất!”. Tư Đực muốn phản biện lại, bởi Mat nói ra là điều đó phải đúng nhưng Tư không tìm ra lý lẽ để phản bác lại anh em K’RaJan, tụi nó dù sao cũng chỉ tính được một người thôi! Vương Đình Huệ không tham gia vào cuộc cãi vã của đám nhóc, dù sao Vương cũng đủ lớn để làm ra vẻ chững chạc của một bậc đàn anh. Khi Tư hỏi ý kiến Vương về chuyện này, Huệ cười:

-Chúng mày chỉ là một lũ nhóc, mày nên nhớ lúc trong bụng mẹ mày không nói được mà đã không nói được thì mày chưa được tính, hiểu chưa!

-Chưa được tính là sao anh Huệ?

Tư không hiểu hỏi ngược lại Huệ:

-Là mày chưa đủ tư cách làm người!

Bây giờ Tư Đực nhớ lời Mat dạy trong lúc nguy cấp, câu chuyện ấy lóe lên như một tia chớp trước khi Tư Đực chìm vào mông lung.

Không biết trải qua thời gian bao lâu Tư Đực mở mắt. Đập vào mắt nó là một khuôn mặt một người đàn ông đen đúa, nét khắc khổ đọng lên khuôn mặt người lạ khiến Tư Đực nẫy lên một câu hỏi tại sao. Người lạ nói:

-Tốt, mi đã tỉnh. Nào ngồi lên!

Tư Đực rùng mình, nó cố hết sức mới vươn người dậy theo lời người đàn ông. Ngồi trên mặt đất Tư Đực đưa mắt nhìn ra chung quanh. Đây là một khoảng trống rộng chừng một căn nhà dài nơi thường dành cho khách trong học viện Langbiang. Mỗi ba mùa trăng một lần, hai chục người của đoàn tiếp tế lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác đến học viện, họ để lại những gùi lúa, những chiếc xà gạc hoặc mấy mảnh vải màu đen có vài hoa văn vui mắt…rồi họ lại ra đi liền sau khi nhận từ tay Bạc Đầu Râu mấy đồng bạc màu trắng, đó là bạc thật!

Người đàn ông nhìn Tư Đực:

-Mày đói rồi phải không? Được, ăn một chút rồi nói chuyện!

Ông đi về một hốc đá, bởi “cái nhà” mà ông đang ở được tạo thành bởi hai khối đá to có một cái vòm mát mẻ với khung cửa rộng thênh thang, tay ông cầm một vật vàng đen đưa cho Tư:

-Ăn đi, con chuột núi này ta mới nướng lúc nãy!

Quả nhiên là con chuột nướng còn nóng, Tư không lạ gì với món thực phẩm này. Nó đón lấy con chuột nướng, tay xé ra và bỏ miếng thịt vào miệng nhai ngấu nghiến. Tư Đực đói quá, nó ăn giống  như cả chục ngày nó chưa được ăn gì vậy! Người đàn ông đưa quả bầu nước cho Tư khi thấy nó ăn xong. Tư Đực biết ơn nhìn người lạ, dù sao qua cử chỉ thân thiện của ông ta Tư nhận ra vẻ gì đó rất quen với mình nhưng nó không nhớ ra được vẻ quen thuộc ấy là gì.

-Mày lên quan thế nào đến con chó nhà tao?

Tư Đực nhướng mắt ngạc nhiên. Tư có liên quan đến con chó nào đâu? Thực tình hồi còn ở quê, Tư có nuôi một con chó màu đen. Con chó quấn quýt bên Tư Đực như bất kỳ con chó nào quấn quýt bên chủ của nó vậy. Khi Tư rời nhà đến học viện Langbiang, Tư cũng nhớ con chó nhỏ của mình lắm nhưng rồi thời gian trôi qua nỗi nhớ ấy cũng phôi pha! Bây giờ người đàn ông lạ này lại nói đến con chó, Tư lắc đầu làm ra vẻ không hiểu. Người đàn ông nhận thấy nét mặt ngơ ngác của Tư Đực, ông vỗ tay ba cái. Từ bên ngoài một con hổ trắng nghe tiếng gọi chạy vào, Tư la lớn:

-Bạch hổ…sao mi lại ở đây?

Con hổ trắng chạy đến bên Tư, nó le cái lưỡi màu đỏ liếm mặt Tư ra vẻ mừng rỡ lắm. Tư cũng âu yếm vuốt ve con hổ mặc cho mùi thối hoắc từ mồm con vật bốc ra. Người đàn ông nhìn Tư:

-Mày giải thích đi?

Tư kể lại chuyện mình cứu con hổ bị nạn gãy chân khi mới vào rừng ma cho ông ta nghe. Người đàn ông gật gù:

-Hóa ra là vậy…nó là con chó ta nuôi từ hồi còn nhỏ xíu!

Ông ra hiệu cho con hổ đi ra ngoài bằng một khẩu lệnh dị biệt khác hẳn những âm thanh mà Tư Đực đã từng nghe thấy. Con hổ trắng nhìn qua Tư một cái rồi nó chạy ra ngoài. Người đàn ông hỏi tiếp:

-Bây giờ chúng ta đã có chút liên quan, mày hãy kể hết mọi chuyện của mày. Nhớ dừng bỏ qua chuyện nào cả đó!

Tư Đực nhìn người đàn ông:

-Trước khi kể tôi muốn biết mình đang ở đâu và ông là ai được không?

Người đàn ông cười xòa, khi cười những cơ mặt của ông dãn ra khiến nét mặt trông khác hẳn, vẻ khắc khổ dường như lập tức biến mất.

-Ừ, tao quên mất chưa nói cho mày biết chỗ này. Mày được con chó của tao cõng về từ ba ngày trước. Trong ba ngày đó mày không thở, mắt cứ nhắm lại nhưng thân thể vẫn ấm, không lạnh như những thây ma. Vì vậy tao mới tìm mọi cách để làm cho mày tỉnh dậy nhưng không thành công. Trưa nay tự nhiên mày mở mắt, chuyện là như vậy đó!

Hóa ra câu chuyện chỉ là như vậy, dù sao ông cũng là người cưu mang mình trong ba ngày qua. “Dù sao ông ta cũng là ân nhân của mình”, Tư Đực nghĩ như vậy. Tư đem tất cả những chuyện xảy ra với nó kể cho người đàn ông nghe, không bỏ xót chuyện nào. Nghe xong người đàn ông lẩm bẩm:

-Bạc Đầu Râu…Bạc Đầu Râu, được lắm!

Nghe ông ta nói đến tên của thầy hiệu trưởng, Tư Đực ngạc nhiên hỏi:

-Chú biết thầy Bạc à?

Người đàn ông lắc lắc đầu không trả lời thẳng câu hỏi của Tư, ông chỉ nói:

-Gọi ta là Dê A Vê, bây giờ mày hẵng ở đây khỏi phải trở về rừng ma nữa!

Tư Đực giãy nãy không chịu:

-Không được…không được, cháu phải về rừng ma để chịu kỷ luật, luật tục của học viện quy định thế!

Ông Dê A Vê trợn mắt quát:

-Cấm cãi, thằng nhỏ…ở đây tao là luật tục, luật tục là tao!

Nhìn gương mặt bí xị của Tư, ông Dê A Vê dịu giọng:

-Mày không thể trở về nơi ấy được đâu, Gru Lớn đã phán rằng “ai ra khỏi rừng ma là đã được Giàng ưng cái bụng sẽ không nhớ đường trở lại rừng ma”. Bộ ở học viện Langbiang ông Bạc Đầu Râu không dạy cho mày điều đó sao?

Lời nhắc của ông Dê A Vê khiến Tư Đực sực nhớ đến việc lan truyền những hiểu biết về rừng ma trong đám học viên. Ai cũng sợ rừng ma nhưng từ trước đến giờ chưa từng nghe nói ai còn sống từ rừng ma trở về nên lời phán truyền của Gru Lớn bị lãng quên! Hóa ra mình là người đầu tiên còn sống mà không bị rừng ma “ăn”! Phát hiện ra điều này Tư Đực mừng rỡ quá sức, để chắc ăn nó hỏi lại ông Dê A Vê:

-Có thật đây không còn thuộc rừng ma hả chú?

Ông Dê A Vê bỗng nhiên nỗi giận:

-Không có chú chiết gì ở đây hết, mày phải gọi tao là ông Dê A Vê. Ông Dê A Vê, nghe rõ chưa thằng nhỏ? 

Tư Đực ngạc nhiên nhìn ông Dê A Vê nó nghĩ không lẽ nó sai trong việc gọi ông ta bằng chú? “Mình muốn thể hiện chút tình thân như người cùng trong một nhà mà sao ông ấy lại không thích nhỉ”. Nghĩ thế Tư cười phá lên, nó cười đến đỏ mặt tía tai. Thấy vậy ông Dê A Vê nhìn nó hỏi:

-Có gì đáng cười đâu thằng nhỏ?

Tư nghiêm nét mặt, nó cũng không trả lời thẳng câu hỏi của ông Dê:

-Thôi được, ông đã muốn vậy thì tôi chiều theo ý ông là xong!

Con hổ trắng tiến vào cửa động, nó ngậm một con hoẵng còn đang nhỏ máu. Đó là món quà rừng chào đón một thành viên mới của chủ tớ Dê A Vê!

 

CHƯƠNG 22

DƯỚI GỐC CÂY CỔ THỤ (1)

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 587
Ngày đăng: 29.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm :Tiểu thuyết ( Chương 20 : Đêm trường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)