Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
729
116.706.166
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 19: Một mình giữa rừng ma)
Võ Anh Cương

 

Tư Đực cố nhớ cách làm áo của người Mạ mà Mat từng dạy lớp Nhập môn. Đầu tiên là phải tìm được cây Ie, một loại cây thân cổ thụ và rọc lớp vỏ cây khoảng vừa với thân người. Sau đó cẩn thận bóc lớp vỏ bên ngoài và giữ lại lớp vỏ lụa bên trong, khoét hai tay là có ngay thân áo. Muốn chiếc áo khỏi tuột phải làm một cái cổ và nối với thân áo là xong. Nói thì dễ dàng như vậy nhưng tìm được thứ vật liệu cần dùng cực kỳ khó. Trong buổi sáng ngày thứ ba ở một mình trong rừng, Tư Đực lùng nát cả một khoảnh rừng rộng lớn nhưng không tìm thấy loại cây cần tìm. Buổi trưa Tư ngồi dưới một gốc cây cổ thụ, nhìn lên bên trên, trong tán lá rậm rạp có tiếng chim. Mắt sáng lên Tư nhanh nhẹn leo lên cây, cách leo của Tư rất đặc biệt, nó dùng cả tay và chân bám vào những điểm nhô ra của thân cây và những cành cây một cách điệu nghệ. Nói chung Tư tận dụng mọi thứ có trong cây cổ thụ để làm sao leo lên cây một cách nhanh nhất.

 

Tư Đực hả hê tuột xuống gốc với một tổ chim chiến lợi phẩm, trong ấy chừng một chục trứng chim màu hồng hồng mà Tư gom lại từ nhiều tổ trên cây. Cành lá rậm rạp là nơi cư ngụ lý tưởng của nhiều loại chim, chim to chim nhỏ, từ cu đất đến cà cưỡng, cò và cả những con chim gi màu xám xịt. Tư nhớ đến bài học của Mat. Mat nói rằng, con người là chúa tể của muôn vật nhưng không vì thế mà con người có quyền tàn sát các loài khác. Các loại chim, thú có trong thiên nhiên đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, không trừ một loài nào cả, kể cả con người. Vì vậy khi cần thiết ta có thể bắt chim thú để làm thực phẩm nhưng không được lạm sát, ta chỉ cần lấy đủ với nhu cầu của mình mà thôi. Đặc biệt những con vật đang có thai, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được giết chúng, chúng còn phải sinh sản để duy trì nòi giống. Nhớ lời thầy Tư cẩn thận chọn những tổ chim mới đẻ, chim chưa kịp ấp, đó chính là những tổ chim chỉ mới có một quả trứng mà thôi.

Tư đi ra bờ suối móc một ít đất bùn và cho số trứng vào bên trong. Tư gom một ít vỏ cây khô để làm đồ nhóm lửa. Nó thử cách làm ra lửa kiểu mới mà Mat dạy lớp Nhập môn nhưng nó chưa có dịp áp dụng trong thực tế. Tư chọn một cành khô, dùng xà gạc khoét một cái lỗ to cỡ ngón tay cái. Một khúc cây khô khác cỡ hai gang tay được Tư đẽo một đầu cho vừa cái lỗ, đầu kia khúc cây được quấn một vòng bởi một đoạn dây rừng rồi cột hai đầu dây vào một cành cây cong. Vậy là Tư có ngay một cái cưa, Tư cho đầu khúc cây vào lỗ, bên dưới là vỏ cây khô được Tư xé nhỏ làm mồi dẫn lửa, Tư kéo qua kéo lại cái cưa đặc biệt này. Một lúc sau một làn khói mỏng manh bốc ra từ cái lỗ, Tư càng nhanh tay, một cục than nhỏ xíu xuất hiện, Tư nhanh chóng phủ lớp vỏ cây và thổi một làn hơi nhẹ. Nó hài lòng với thành quả của mình: một đống lửa giữa trưa rừng sẽ cho nó một bữa ăn chín. 

 

Tư khoan khoái thưởng thức món trứng chim lùi trong bùn, chỉ một nhoáng sau Tư dùng xong bữa trưa, từng ấy trứng chim là một bữa ăn thịnh soạn giữa rừng sâu. Tư không có thói quen ngủ trưa nên nó tiếp tục lùng loại cây Ie như Mat nói. Nhìn dáng đi uyển chuyển của Tư, người ta nghĩ ngay đến những thợ săn. Quả thật Tư Đực đang đi săn mồi, sau bữa trưa, nó sực nhớ đến con cọp trắng nằm dưỡng thương dưới gốc cây cổ thụ chưa có cái ăn. Tư biết rằng đi săn trong buổi trưa rất khó bắt được mồi nhưng Tư nghĩ con bạn hổ của nó đang đói nên Tư đang cố gắng tìm chút gì có thể dùng làm thực phẩm cho bạch hổ. Nếu là con người, không có thịt ta có thể ăn cây cỏ hoặc trái hoang mọc vô số trong rừng nhưng bạch hổ không phải là người, nó là thú ăn thịt nên chỉ có thịt là thực phẩm duy nhất dành cho nó mà thôi.

Men theo bờ suối Tư Đực vừa đi vừa quan sát cảnh vật chung quanh. Đây là một khu rừng khá bằng phẳng, cây cối mọc không dầy lắm, tuy vẫn thuộc địa phận của rừng ma nhưng hình như khu rừng này ít vẻ huyền bí thì phải. Do ánh mặt trời chiếu rọi một cách dễ dàng qua những lớp lá thưa nên cái không khí âm u vốn có của rừng ma ít nhiều cũng phai lạt đi! Đang đi Tư bỗng ngồi xuống mắt nó sáng lên khi phát hiện một dãy dấu chân móng guốc trước mặt. Tư reo thầm trong bụng “nai!”. Phải rồi, trước mặt Tư Đực là một dãy dấu chân nai. Móng con vật để lại dấu vết khá sâu, chắc là con vật phải phóng bạt mạng mới tạo nên những dấu chân sâu đến thế. Tư hít một hơi dài. Đây là cách dùng khứu giác để tìm dấu vết trong rừng mà Mat dạy cho bọn học trò lớp Nhập môn tuần trăng trước. Trong không khí khô ráo, một mùi vị hơi hăng hăng và tanh tao thốc vào mũi Tư. Nó reo lên “mùi nai, nó vừa chạy qua đây!”. Không chần chừ Tư Đực tăng tốc độ rượt theo dấu chân nai. Vừa chạy Tư vừa nghĩ không hiểu con vật vì sao chạy trối chết như vậy chứ. Phải có một cái gì khiến con vật chạy hoảng loạn. Tư dừng bước, nó quan sát kỹ những dấu hiệu chung quanh những dấu chân nai. Nó à lên một tiếng khi nhìn thấy những đốm máu vương vãi quanh những ngọn cỏ bị dập nát. Lúc nãy Tư không chú ý vì chỉ tập trung vào những dấu chân. Nay thì đã rõ: con nai này bị thương không nặng lắm, vì nếu bị thương nặng con vật không còn sức chạy và vết thương cũng không nhẹ lắm vì nếu nhẹ máu sẽ không ra nhiều như vậy.

 

Tư Đực men theo dấu chân nai, dấu vết con nai xuyên qua một ngọn đồi cỏ thưa và mất hút vào một bụi rậm. Tư vạch cỏ và cẩn thận chui vào bụi rậm mọc chung quanh một gốc cây to, trước mặt nó xác con nai màu đen đang nằm chết dưới gốc cây.  Vì sao con vật chết, Tư đi quanh con vật và quan sát. Một mũi tên chỉ còn ló cái chui trước ngực con nai. “Nó chết vì mũi tên này”. Nhưng sao nó vẫn chạy một thôi dài mới chịu gục ngã chứ? Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu Tư Đực lúc Tư dùng chiếc xà gạc mổ thịt con nai. Có lẽ mũi tên chỉ làm con vật bị thương vì máu không ra nhiều lắm nhưng do con vật chạy trối chết nên va vào gốc cây cổ thụ, chính cú va đó giúp mũi tên đâm mạnh vào đúng quả tim, con nai chết tức khắc! Có lẽ đó là kịch bản gần đúng của một cuộc sinh tử trong tự nhiên! Tư Đực rút mũi tên ra khỏi ngực con nai. Nó reo lên “tên của người Lạch”. Quả vậy, dấu hiệu mũi tên đang hiển hiện trước mắt Tư Đực. Con nai này bị bắn bên ngoài khu rừng ma, nó chạy vào rừng ma và chết tại đây. Người bắn con nai không dám vào rừng vì cái danh tiếng “ăn người” khiến không một người K’Ho nào dám vào một nơi mà Gru đã cấm dân làng bén mảng, kể cả chỉ phạm vào một nhánh cây ven rừng cũng không!

 

Thoả mãn với cách giải thích của mình, Tư Đực mổ con nai một cách nhanh chóng. Mat đã cho từng học viên thực hành những kỹ năng xẻ thịt bằng cách cử từng học viên giúp cô Nghỉ mổ heo dùng làm thực phẩm cho trường nên việc làm này Tư không mất bao nhiêu thời gian. Đây là số thực phẩm trời cho, Tư có thể ăn cả tháng trời mới hết. Vậy là vấn đề cái ăn không lo gì nữa, việc đáng lo là làm sao chế biến đống thịt to kia? Tư nhìn bộ da và mắt nó sáng lên. Khỏi cần phải tìm cây Ie chi cho mệt, nó đã có bộ da nai có thể làm quần áo mặc qua cả năm mà chưa hề hấn gì cả. Vấn đề là phải ở đây để chế biến thịt, thuộc da trong vài ngày tới. Nhưng còn bạch hổ thì sao, nó đang bị gãy chân, không thể cùng Tư đến chỗ này. Tư tạm gác việc chế biến lại, nó cần phải đem thịt về cho con thú ăn cái đã. Nhưng trong thời gian Tư đi vắng nhỡ có con vật ăn thịt nào vào sơi mất thì sao? Tư  nghĩ như vậy và một tia sáng loé lên trong đầu. Con vật nào cũng sợ lửa cả, Tư sẽ đốt lửa chung quang gốc cây to này trong thời gian đi vắng, lửa sẽ thay Tư canh chừng kẻ trộm nếu có, mặt khác lúc trở về nó sẽ có lửa ngay để làm món nai xông khói, một món ăn mà Mat đã tận tình hướng dẫn học trò của mình cách làm.

 

Con bạch hổ vẫn ngoan ngoãn nằm im trong đống lá cây lúc Tư trở lại, nó hoan hỉ ngoặm ngay một miếng thịt to với tiếng gừ gừ trong họng. Tư nói “Mi chịu khó nằm đây, ngày mai ta tới mang tiếp thức ăn cho mi và xem vết thương cho mi nhé”. Con cọp nhìn Tư với một cặp mắt ươn ướt. Chắc là nó cảm động, Tư nghĩ, nó không nói đựơc nhưng chắc trong lòng nó biết ơn. Tư vui vẻ trở lại cánh rừng thưa để làm nốt chỗ thịt với những ý nghĩ như vậy.

Quả thật, lửa đã đánh động muôn thú không cho chúng bén mảng trong phạm vi gốc cây to, chỗ thịt vẫn còn nguyên. Tư xắt thịt ra thành từng miếng nhỏ, nó làm một dàn xông khói bằng những thân cây sậy có rất nhiều ở bờ suối cách đó không xa. Tư sắp thịt lên dàn xông và đốt lửa bên dưới đúng như cách Mat dạy học viên lớp Nhập môn. Xong việc cũng là lúc mặt trời lặn, Tư bắt đầu làm quần áo cho mình bằng bộ da nai. Đây là một viêc làm nó chưa biết phải bắt đầu bằng cách nào. Mat cũng không dạy học viên việc này, không biết Mat có biết cách làm không nữa? Nhìn bộ da còn một ít thịt dính vào, Tư nghĩ, trước hết phải làm sạch chỗ thịt này. Nó chọn một hòn đá có cạnh khá sắc và nạo lớp thịt còn bám chắc vào lớp da. Công việc kết thúc vào lúc nửa đêm, Tư mệt mỏi leo lên cây đánh một giấc sau khi cho thêm củi vào đống lửa.

Ánh mặt trời ban mai đánh thức Tư dậy. Vừa dụi mắt, nó vừa nghĩ bụng “thôi chết, hôm nay mình dậy muộn quá!”. Quả vậy với học viên học viện Langbiang, con gà rừng gáy lần thứ nhất chúng phải thức giấc để vào rừng học thuật ẩn thân, chưa bao giờ chúng bỏ qua thủ tục này từ ngày nhập học đến nay. Vậy mà Tư lại thức giấc khi mặt trời đã mọc! Bậy quá nếu còn ở trường, Mat sẽ không tha thứ cho Tư. Một mình trong rừng sâu không có Mat, không có bạn bè, Tư sẽ không bị ai phát hiện chuyện thức dậy muộn cả. Nhưng trong thâm tâm Tư, nó thấy xấu hổ vì điều này. Tư sẽ xin chịu tội với Mat ngay khi trở lại trường và một hình phạt nữa sẽ đến với Tư. Tư nghĩ: hay là mình tự phạt mình, đằng nào cũng đã ở trong rừng ma một con trăng, Tư sẽ ở đến hai con trăng để khỏi phải chịu một hình phạt nào khác nữa. Nghĩ như vậy Tư thấy nhẹ lòng, nó bắt tay ngay vào việc chế biến bộ da nai sau khi điểm tâm một miếng thịt xông khói. Mùi khói hơi hắt nhưng không sao, thực phẩm sẽ để được lâu hơn mới là điều chính yếu. Tư tìm được một hòn đá hình tròn và bắt đầu dần bộ da nai cho mềm. Nhìn đống than đen xì tối qua, Tư nghĩ, hay là ta thử dùng than chà xát lên bộ da nai xem thế nào. Tư biết đâu rằng những điều nó làm đều đúng cả, từ ngàn xưa con người đã biết tận dụng những điều có trong thiên nhiên để cuộc sống của mình dễ chịu hơn.

 

Chuyện may một bộ quần áo là một điều dễ dàng, Tư không biết may nên nó chỉ chắp nối những mảnh da nai thành một thứ mà nó gọi là quần áo bằng sợi dây leo rừng. Dầu sao khi xỏ tay vào bộ đồ do công sức cả ngày trời mới có, Tư thấy khoan khoái lắm tuy bộ áo quần này có hơi nặng một chút. Không sao cả, đến đêm mới thấy giá trị của áo quần trước những cơn gió cộng hưởng với sương đêm thành một thứ lãnh khí làm con người ta cứ co rút lại trước sức mạnh của tự nhiên.

Tư sực nhớ đến con hổ, sáng giờ nó chưa ăn gì cả, chắc cu cậu đói lắm rồi đây. Tư dùng chỗ da nai còn lại và chế thành một cái bọc rồi dồn chỗ thịt nai vào đó. Nó treo số thịt lên cây cổ thụ sau khi mang một ít cho con cọp trắng. Nó không đơn độc giữa rừng ma!

Con cọp trắng hăm hở ăn, Tư thì chú ý đến vết thương nơi chân con thú. Nó vạch đám lá rừng dùng làm vải bọc bên ngoài vết thương của con hổ và mừng rỡ reo lên:

- Hay quá, vết thương đã lành hẳn rồi nè!

Quả vậy, bài thuốc mà Tư học được từ Mat quả thật hiệu nghiệm, Tư tháo những sợ dây rừng quấn quanh chân hổ, phủi lớp đất khô còn vươn mùi lá thuốc, nó nói:

- Mi đứng dậy thử coi?

Hình như con hổ hiểu tiếng người, nó đứng lên nhìn Tư bằng một cái nhìn biết ơn, Tư nghĩ như thế:

- Mi cảm ơn ta phải không?

Con hổ nhìn Tư không chớp mắt, bỗng nhiên nó tiến lại gần Tư, Tư cười giang hai tay ra ôm con hổ. Con hổ lè lưỡi ra liếm lên mặt Tư, liếm xong nó vụt đứng dậy rồi phóng vào rừng mất dạng. Cách cảm ơn của con hổ trắng mới kỳ lạ làm sao!

Tư trở về chỗ gốc cây cỗ thụ, nơi cất lương thực dự trữ của nó. Một bầy khỉ đang ghé thăm cây, chúng đang chí chóe tranh giành nhau cái gì thì phải. Bỗng Tư thốt lên:

- Thôi chết rồi!

Nó phóng thật nhanh lên cây, bọn khỉ đang hí hửng thưởng thức món quà mà trong đời chưa bao giờ chúng có. Tư nhanh chóng dùng xà gạc chặt sợi dây cột túi thịt nai xông khói, cái túi rơi xuống gốc cây vang lên một tiếng “bịch” nhỏ, thấy vậy bọn khỉ chí chóe tiếc rẻ món quà rừng.

Cũng may chỗ thịt còn lại một ít nếu Tư dùng tằn tiện thì cũng được chục ngày. Tư giơ quả đấm về phía bầy khỉ đang chuyền đi phía xa xa, nó hét lên:

- Đồ ăn cắp!

Ăn cắp là một hành vi xấu xa nhất tại học viện Langbiang, ai mà bị mắng là “đồ ăn cắp” là một sự sĩ nhục vô cùng lớn, đã có trường hợp mất mạng vì lời xỉ vả này, Tư Đực nghe Mat kể như vậy!

Nó nghĩ tiếp. Vậy là nó không thể ở trên cây được rồi, nó phải tình cách khác thôi. Không sống trên cây thì ở dưới đất, Tư nghĩ. Tư phải làm một căn nhà sàn dưới gốc cây cỗ thụ này để làm chỗ trú ngụ trong những ngày ở rừng ma.

Hai ngày sau ngôi nhà sàn nho nhỏ được hình thành bằng những thứ vật liệu dễ kiếm quanh con suối nhỏ.

 

CHƯƠNG 20

ĐÊM TRƯỜNG

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 552
Ngày đăng: 21.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)