Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
732
116.710.146
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 3: Chuyện cũ)
Võ Anh Cương

 

Một hôm sau buổi học Trương Thái rủ Trương Đại Quá đi thăm mấy cái bẫy mà Thái đã đặt mấy hôm trước. Họ bắt được một con heo rừng cả hai ra về rất là vui vẻ. Vừa đi Trương Thái nói với Trương Đại Quá:

- Quá đại ca tối nay em sẽ cho bác Năm và anh ăn món thịt heo rừng hầm thuốc bắc, đây là một món mà thầy em học được của người Tàu khi phiêu bạt ở Quảng Đông. Hiềm một nỗi là thuốc bắc mà em có thiếu mất một vị: đó là nhân sâm  nhưng em đã có cách. Em đã thấy một bụi sâm núi mọc trên đường chúng ta đi thăm bẫy  tuy không giống nhân sâm nhưng em nghĩ có thể thay nhân sâm được ít nhất là ở mùi vị. Món này thật là đại bổ thầy em dặn rằng chỉ người già là ăn thường xuyên được, còn trẻ như anh và em lâu lâu ăn một lần thì không sao. Quá đại ca anh không được ăn quá ba bát, anh nhớ chưa?

Trương Đại Quá cười to:

- Em chẳng nói rồi sao món đại bổ này người trẻ lâu lâu ăn một lần không sao cả, vậy thì chiều nay anh ăn kỳ no mới thôi!

- Anh ăn nhiều có chuyện gì không được đổ thừa cho em đó nghe. Mà Quá đại ca này  lâu nay anh có nhớ chị Ba không?

Trương Thái đột ngột chuyển đề tài khiến Trương Đại Quá bối rối, anh hỏi lại:

- Em nói sao chị Ba nào hả?

- Còn chị Ba nào nữa, chị Ba Trần Thị Huyền đó mà!

Nói xong Trương Thái bỏ chạy đi mất để Trương Đại Quá một mình với những kỷ niệm đau đáu trong lòng. Hình ảnh người con gái có mái tóc mượt mà, đôi môi cắn chỉ và khuôn mặt trái xoan khiến Trương Đại Quá cảm thấy nhớ nàng da diết. Anh không biết ngày nào mình mới có thể tìm cho ra hai chiếc sừng tê giác để về Tây Sơn nộp sính lễ cho ông Bá hộ? Đã hơn hai năm trôi qua, đêm nào trước khi chìm sâu vào giấc ngủ anh cũng nghĩ về nàng. Đã nhiều đêm anh nằm mơ thấy nàng và khi thức giấc giữa đêm, Trương Đại Quá chợt buồn khi một mình nằm trên chiếc giường cách xa nàng vạn dặm. Không biết nàng có mạnh giỏi không, nàng có nhớ anh không? Khi từ giả thôn Trường Định anh đã tự nhủ trong lòng rằng anh chỉ trở về khi trên tay có hai chiếc sừng tê giác, anh sẽ đem nộp làm sính lễ sau khi giữ lời hứa với ông Tư. Sau đó anh sẽ đưa nàng đi thật xa để hưởng trọn hạnh phúc bên nàng. Vậy mà giờ phút này trong tay anh chưa có một chút gì….

Tối hôm đó bên bếp lửa hồng ông Năm và anh em họ Trương có một bữa ăn rất ngon đúng như Thái nói. Quả thật Thái đã học được nghề nấu ăn của thầy nên những món Thái nấu đều được ông Năm và Trương Đại Quá tán thưởng. Cũng nhờ một bầu Linh Chi kỳ tửu mà ông Năm ngâm từ ba năm trước làm cho bữa ăn càng ngon hơn. Khi bữa ăn tối đã xong như thường lệ Trương Đại Quá ôn luyện lại võ công và chỉ vẻ cho Trương Thái những đòn thế mới. Võ công của Trương Thái trong hơn một năm qua đã tiến bộ rất nhiều. Có thể nói Thái có hai sư phụ, đó là Trương Đại Quá và ông Năm. Về phần Trương Đại Quá anh rất thắc mắc chuyện ông Năm là đồng môn với cha anh  nhưng trong thời gian qua ông già không nhắc nhở gì đến chuyện ấy cả. Còn về võ công quả thật những gì ông già Năm chỉ cho Thái đúng là võ công đích truyền của Ngọc Trản thần công. Trương Đại Quá không hồ nghi chút nào về chuyện này nhưng anh cũng không dám hỏi ông già Năm về những chuyện ngày xưa. Tối nay sau khi luyện công xong Trương Đại Quá đem cuốn Hồng Vũ cấm thư ra xem lại. Những kiểu địa huyệt rắc rối khiến anh khó nhớ nhưng Trương Đại Quá có lòng kiên trì hơn người, bên ánh lửa hồng của những nhánh củi ngo dầu (nhựa thông), mặt Trương Đại Quá cau lại khi tập trung suy nghĩ về những cuộc đất ghi trong cuốn kỳ thư này. Bên cạnh Trương Đại Quá ông Phan Ngọc Ẩn cũng trầm ngâm nghĩ ngợi. Cuộc sống ông thời gian qua quả là vui hơn rất nhiều nhờ sự hiện diện của hai người trai trẻ, tối nay ông định nói một điều với anh em họ Trương. Nhưng khi nhìn Trương Đại Quá tập trung suy nghĩ về môn phong thuỷ học ông già Năm bất giác nói:

- Quá à những cuộc đất mà ta chỉ dạy cho cháu qua cuốn Hồng Vũ Cấm Thư này thật là linh diệu. Ta sẽ kể cho các cháu nghe những chuyện liên quan đến cuốn sách này trước khi các cháu chia tay ta biết đâu cũng làm nhẹ lòng ta suốt mấy chục năm qua!

Quá bất ngờ với những lời ông Phan Ngọc Ẩn nói, hai anh em họ Trương đồng thanh nói:

- Sao vậy bác chúng cháu đã học xong đâu?

- Có hợp thì phải có tan đó là quy luật tất yếu của tự nhiên, các cháu phải thuận theo thời thì mới là người tuấn kiệt. Trong quãng thời gian hơn một năm qua ta đã truyền dạy những gì ta gom góp cả một đời người cho các cháu nay đã đến lúc các cháu phải đem ra thực hành trong cuộc sống. Đó cũng là một cách tự học mà người ta gọi trường đời. Ta cũng thuận theo lẽ tự nhiên thôi, các cháu hãy lập một quẻ Mai Hoa đi. Lúc ta gặp các cháu là ngày Bính Tý, giờ Giáp Ngọ, tý thuỷ, ngọ hỏa… ta lập được quẻ Thuỷ Hoả Ký Tế. Ký tế nghĩa là đã thành rồi, nhẩm tính đến nay đã đến ngày chúng ta phải chia tay. Duyên của chúng ta đến đây đã hết ta nói ít các cháu tự mình chiêm nghiệm. Thôi bây giờ ta sẽ kể cho các cháu nghe về những tao ngộ của ta trong thời niên thiếu biết đâu các cháu sẽ biết thêm những việc tiền nhân đã làm.

…Lần trước ta đã kể cho các cháu nghe chuyện ta đi ngao du trong thiên hạ và đã gặp một lão thầy tu. Quả thật đó là duyên kỳ ngộ sau này khi ngẫm nghĩ lại ta mới thấy điều này chứ lúc đó ta cứ cho lão sư là một ngươi càn rỡ. Sau khi dạy ta tâm pháp để tự chữa bệnh khi đã chia tay đi được một đỗi đường, lão sư quay lại tìm ta. Lúc đó ta chưa vội đi vì còn ngồi lại sơ chế mớ thịt trăn để làm thức ăn cho những ngày sắp tới. Ta rất ngạc nhiên khi nhìn thấy lão ta hỏi liền:

- Đại sư, có chuyện gì chăng mà đại sư quay trở lại?

Lão trả lời:

- Ta đã đi rồi  nhưng sực nhớ có một vật ta muốn tặng cho thí chủ. Đối với ta tất cả chỉ là một chữ không nhưng biết đâu với thí chủ vật này lại có chỗ dùng?

Nói xong lão cho tay vào bọc vải đeo bên mình lấy ra một cuốn sách cổ được viết trên  giấy dó, một loại giấy rất bền. Lão sư nói:

- Đây là một cuốn sách cổ tên là Hồng Vũ Cấm Thư ta tặng cho thí chủ, biết đâu thí chủ có thể dùng những kiến thức trong này mà giúp ích cho thế gian. Thí chủ lần này ta quay mặt là sẽ đi luôn chắc trong cõi hồng trần này ta và thí chủ không còn có duyên gặp nhau nữa. Vậy thí chủ hãy nghe cho kỹ:

Đen như cứt chó

Của một lão khùng

Nhớ mang bên mình

Tay giơ khỏi trán

Cuộc sống khốn nạn

Ẩn cư một mình

Không nhận môn sinh

Học trò hai đứa

Quay  ra gặp lửa

Cúi mặt mà đi

Không được sân si

Suốt đời an phận

Đọc xong lão quay đi liền không nói thêm một điều gì cả dù ta gọi khan cả cổ lão cũng mặc  không hề động tâm. Phút chốc không thấy lão sư đâu nữa lão sư lẫn vào mây ngàn gió núi mất tăm mất tích. Ta tần ngần cả buổi trời đầu óc cứ xoay vần những câu trong bài kệ mà lão sư vừa đọc. Ta không hiểu gì cả nhưng nhập tâm những câu kệ ấy và nhớ mãi cho đến hôm nay ta mới vỡ vạc ra hai phần bài kệ. Lúc ấy ta cứ ngẩn người ra vì chữ nghĩa có vẻ ngô nghê nhưng vì thái độ của lão sư quá trịnh trọng nên ta thấy trong những câu kệ kia có chứa một huyền cơ mà nhất thời ta không hiểu được. Nhưng có một điều ta luôn tâm niệm là phải làm theo những câu trong bài kệ đó. Vì vậy ta luôn giơ tay khỏi trán mỗi khi có dịp và trở thành một thói quen của ta. Chính vì vậy mà ta thoát chết khi lọt vào bẫy rập của bọn lùn như ta đã kể với các cháu. Đến khi bệnh đã đỡ ta mới có thì giờ nghiệm ra những điều vi diệu trong những câu ngô nghê của lão sư. Đến khi gặp hai cháu khi hai cháu xin gọi ta là thầy trong lòng ta rất lấy làm xúc động nhưng như một ánh chớp những câu kệ của lão sư ngày xưa xuất hiện trong ta: “không nhận môn sinh/ học trò hai đứa” phải chăng là để chỉ hai cháu? Thật ra trong vùng này ta muốn tìm một người để làm đệ tử cũng cực khó vì người Kinh rất ít còn người Lạch có một đời sống văn hoá khác xa cho nên ta không thể tìm ra một người đủ tố chất để có thể tiếp thu sở học của ta. Ta và các cháu không có danh nghĩa sư đồ là vì lẽ đó! 

Chuyện con dao màu đen ta sẽ kể cho các cháu sau còn bây giờ ta kể tiếp chuyện đời ta. Ta họ Phan các cháu biết rồi. Cha ta và ông nội cháu Đại Quá là bạn tâm giao cùng quê nhưng khác thôn. Thuở nhỏ ta cũng được học một ít chữ thánh hiền (chữ nho) nhưng ta là một đứa trẻ hiếu động nên ta xin cha cho học nghề võ. Cha ta bèn dẫn ta qua nhà bác Trương Thìn. Lễ bái sư của ta là một cặp gà trống thiến và một thúng gạo nếp tất nhiên không thể thiếu chai rượu nút lá chuối khô “vô tửu bất thành lễ” mà! Thật ra bác Thìn không thu nhận học trò, bác chỉ truyền võ công cho con bác trong nhà nhưng vì nể cha ta nên bác mới nhận ta làm đồ đệ. Trong thôn Trường Định thuở ấy  có một thiếu nữ nhà kế bên bác Trương chỉ cách một mảnh vườn trồng rau đậu.  Mỗi đêm  khi ta và cha cháu rèn luyện võ công cô gái ấy đều ra xem. Cho đến một đêm ta và cha cháu không diễn lại được một thức rất khó trong Ngọc Trản thần công và bị thầy quở chúng ta xấu hổ trước vẻ giận của thầy thì người con gái đó từ đầu hè bước ra và nói với chúng ta:

- Anh Bổn, anh Ẩn để em chỉ cho!

Chúng ta chưa kịp trả lời thì nàng đã múa quyền vun vút, thế thức đúng là Ngọc Trản rồi. Nàng múa đẹp quá biểu diễn ra một lượt, nàng từ từ diễn lại để chỉ cho chúng ta tập luyện. Khỏi phải nói chúng ta ngạc nhiên thế nào đến thầy ta cũng không giấu nỗi vẻ sửng sốt:

- Con nhỏ ai dạy cháu múa quyền?

- Bác Hai (thầy ta thứ hai) cháu thấy đêm đêm bác dạy hai anh cháu nhớ nằm lòng. Đêm nay thấy bác giận mấy ảnh, cháu tội nghiệp mấy ảnh nên chỉ vẻ lại thôi mà!

Cô gái đó thật là một người thông minh thầy ta rất hài lòng vì bài quyền mà cô gái múa, tuy cũng còn khiếm khuyết  nhưng ẩn chứa bên trong là một người có năng khiếu võ công. Ngẫm nghĩ một hồi thầy ta nói:

- Cháu có muốn ta thu cháu làm học trò không?

Từ đêm đó ta và cha cháu Đại Quá có thêm một người em gái cùng luyện tập võ công. Cả ba chúng ta chơi rất thân với nhau. Lúc đó ở tuổi thiếu niên, ta và Bổn đều nhường nhịn nàng trong lúc học cũng như lúc chơi đùa. Đến khi ta và Bổn lớn hơn một chút một hôm ta thấy nàng đẹp quá, ta nhớ nàng quá đỗi khi nàng theo gia đình qua làng bên dự đám cưới đến một tuần. Ta tưởng chỉ mình ta tưởng nhớ nàng không ngờ sư đệ của ta cũng nhớ nàng không kém ta, Bổn hỏi ta:

- Hôm Lâm Phụng đi có nói ngày nào về không anh, sao mà lâu quá?

Ta bất ngờ trước câu hỏi của Trương Bổn, ta cũng thấy sao Lâm Phụng đi lâu quá chừng. Thực ra nàng đi chỉ mới có mấy ngày, ta thấy những ngày không có nàng trôi qua thật là vô vị ta trả lời Trương Bổn:

- Lâm Phụng có nói sẽ đi quá ngày rằm, hôm nay là ngày mười ba em không biết sao?

Trương Bổn lắc đầu, ta thấy trong mắt Bổn một ánh mắt rất lạ khiến ta hơi chột dạ. Ta cứ thắc mắc hoài với ánh mắt này và ta ân hận vì đã nói ra câu đó. Thật ra với người khác câu trả lời của ta thật là bình thường nhưng rất tiếc Trương Bổn không là người bình thường vì Trương cũng là người yêu nàng tha thiết. Sau này ta mới biết rằng qua câu trả lời hời hợt của ta, Trương Bổn nghĩ rằng Lâm Phụng coi ta trọng hơn Bổn. Vậy là vì một thiếu nữ ta và Trương Bổn đã có một khoảng cách trong lòng nhau. Điều ấy khiến ta ray rức không nguôi ta thấy như có lỗi với cả thầy ta. Nhưng đôi lúc ta nhận thấy rằng mình không thể sống thiếu nàng, ta đã từng nghĩ ta sẽ rủ Lâm Phụng cùng ta đi xứ khác sống để hưởng hạnh phúc bên nhau. Nhưng đến khi thấy ánh mắt say đắm của sư đệ ta lại không chịu được mặc cảm phạm tội trong lòng. Thầy ta dường như biết tình ý của hai chúng ta đối với Lâm Phụng đôi khi ta thấy sự lo âu hiện ra nét mặt của thầy, nhất là mỗi khi hai bác nhìn ta với một cặp mắt khác lạ. Quả thật Lâm Phụng xứng đáng với những lời khen từ làng trên đến xóm dưới. Nàng thật là thông minh lanh lợi, ăn nói ứng xử rất vừa lòng mọi người. Nói chung Lâm Phụng tài sắc vẹn toàn! 

Trương Đại Quá nín thở theo dõi câu chuyện liên quan đến cha mẹ anh. Còn Trương Thái là một người rất ham chuyện lạ, cậu thấy ông Năm ngừng lời hơi lâu thì nóng ruột hỏi:

- Rồi sao hả bác?

- Sao à, cả ba chúng ta không ai nói với ai nhưng cả ba thầm hiểu tâm sự của nhau. Theo ý của ta hình như Lâm Phụng có vẻ dành tình cảm của nàng cho ta nhiều hơn sư đệ. Dầu gì ta cũng lớn hơn Bổn hai tuổi lại cao lớn hơn. Ta tự nhận biết có nhiều điều nhỉnh hơn Bổn. Ta biết làm thơ, ta từng làm những bài tứ tuyệt tặng nàng. Ta còn nhiều tài vặt khác nữa và biết cách chiều Lâm Phụng trong tất cả mọi chuyện. Một hôm  cả nhà đi vắng cả, ta vào phòng của sư đệ tìm một sợi dây Bổn mượn của ta. Ta không tìm thấy dây đâu  nhưng trên chiếc gối của Bổn ta thấy một tờ giấy. Ngạc nhiên ta giở ra xem. Bên trong là một bức thư tuyệt mệnh mực còn đang ướt. Hết hồn  ta vụt chạy ra đầu xóm nơi ấy có một cây gạo cổ thụ, ta linh cảm có một điều không lành nào đó. Đúng như ta nghĩ  khi ta cách cây gạo khoảng chừng chục trượng, ta thấy Trương Bổn vừa chui đầu vào thòng lọng. Ta cho tay vào túi lấy ra một ngọn phi đao và xử ngay chiêu Ngọc Trản phi đao quỷ kiến sầu. Một ánh bạc lóe lên chiếc dây thừng đứt, Trương Bổn té úp mặt với một sợi dây tòn teng trên cổ! Ta chạy lại đỡ sư đệ dậy và tát liền hai cái. Cháu Đại Quá, ta làm vậy không phải là hạ nhục cha cháu đâu mà chỉ để cảnh tỉnh cha cháu trước một bến mê.

Ta quát lớn :

- Bổn, sao em lại làm như vậy? Anh hùng trong thiên hạ không qua khỏi ải mỹ nhân nhưng trên đời đâu chỉ có tình trai gái? Nếu ai cũng như em liệu môn phái của ta có tồn tại trên đời này?

Ta nói một lèo cứ như rằng ta nhìn thấu ruột gan Trương Bổn. Trương Bổn nghệt mặt  đứng nghe. Khi ta nói đã nư, Trương Bổn mới trả lời vỏn vẹn có một câu:

- Đại ca nhưng em không thể sống thiếu Lâm Phụng được!

Ta nhìn Trương Bổn một lúc lâu, Trương Bổn cũng nhìn lại ta bằng một ánh mắt buồn phiền. Ta thấy trong đó sự van vỉ mối tình si và cả những ước mơ. Ta vụt hiểu kẻ xứng đáng làm chồng Lâm Phụng chính là Trương Bổn chứ không phải là ta! Bổn yêu Lâm Phụng bằng tất cả tấm chân tình và Bổn sẽ mang lại cho Phụng một cuộc sống hạnh phúc. Phát hiện ra điều đó ta đau lắm nhưng đó chính là sự thật. Ta trầm ngâm một hồi lâu rồi nói:

- Sư đệ có thể sau ngày hôm nay ta và sư đệ sẽ khó có dịp gặp nhau, chốc nữa thôi  ta sẽ lên đường chưa biết sẽ đi đâu nhưng ta chỉ cần em hứa với ta một điều thôi: đó chính là em phải mang lại hạnh phúc cho Lâm Phụng, suốt đời em không được cãi lại nàng, sư đệ có hứa không?

Ta nói bằng một giọng trầm trọng và nghiêm nghị, ta nhìn thẳng vào mắt Bổn. Bổn cũng nhìn lại ta không chớp. Sư đệ ta gật đầu và một giọt nước mắt lăn ra từ đôi mắt. Ta quay đi và không một lần nhìn trở lại, ta bỏ làng quê nghèo khổ của ta để lang bạt giang hồ chỉ vì một mối tình. Sau này ta cứ bị dằn vặt hoài vì chuyện này và tự hỏi rằng ta hành động như vậy là đúng hay là sai? 

Ông già Năm trầm ngâm nhấp một ngụm rượu Linh Chi hình như rượu làm cho ông già hưng phấn và cũng nhờ đó mà ông mới kể cho hai người tuổi trẻ nghe chuyện của ông. Trương Đại Quá không ngờ cha mẹ mình và ông Năm lại có những ẩn tình như vậy. Từ trước đến giờ Quá cứ nghĩ rằng cha mẹ mình sống tự nhiên với nhau như những cặp vợ chồng khác.  Anh đâu ngờ cha mẹ mình lại trải qua những tình huống ly kỳ như vậy. Còn Trương Thái lại cảm thấy khác. Là một thiếu niên mới lớn đối với chuyện tình cảm giữa trai và gái Thái cũng có chút tò mò nhưng những chuyện phiêu lưu mới hấp dẫn Thái. Trương Thái nói:

- Bác Năm sau rồi sao nữa hả bác, bác đi giang hồ như vậy một mình sao?

Ông già Năm thở dài đánh thượt một cái rồi trả lời:

- Số của ta một đời cô độc cho nên trong những ngày lang thang khắp chốn cũng chỉ một mình ta với con chó vàng là người bạn chia ngọt sẻ bùi. Vậy mà bọn quỷ lùn lại nhẫn tâm giết nó, ta căm tức lắm nhưng phải nuốt hận vào trong bụng để chuyên tâm luyện tâm pháp trục tà khí ra ngoài cơ thể. Bây giờ tuổi đã xế chiều mọi chuyện đối với ta chỉ như một giấc mộng mà thôi. Hai cháu ta không kể nữa vì chuyện của ta sắp hết rồi nhưng đây mới chính là điều ta muốn nói với cháu: ta học trong cuốn kỳ thư này một số điều và ta nhận thấy rằng cuộc đất nhà Trương sư phụ chỉ có độc đinh (một người con trai). Bằng cách sửa lại hướng nhà và trồng thêm một ít cây cảnh thì có thể phá được thế này. Ta trở về quê sau bao năm phiêu bạt chưa kịp đến nhà ta đã gặp một người làng. Ông ta cho ta biết về cha mẹ ta, về nhà thầy Trương Thìn và nhất là Trương Bổn đã cưới Lâm Phụng và đã có một đứa con. Không hiểu sao lòng ta đau như cắt. Ta quay đi ngay cứ y như ông thầy tu quay đi khi chia tay ta dưới chân núi Hồng Lĩnh. Đó là lần duy nhất ta trở về quê sau lần đó ta theo người ta đến Phan Rang, ở đây ta gặp mấy người Lạch từ trên núi xuống đổi lâm sản lấy muối, sắt và những vật dụng khác. Ta theo họ lên đây vậy mà ta đã sống ở đây đã mười mấy năm trời. Đại Quá này nếu ngày đó ta trở lại quê nhà giúp cho nhà cháu thì biết đâu cháu đã có em? Nhưng thôi ông trời đã định đoạt cả rồi, ta có oán trách cũng không làm gì được cả! 

Ông Năm ngừng lại gương mặt ông giờ đây đã trở lại vẻ bình thản thường ngày. Hình như qua những lời tâm sự với anh em Đại Quá ông đã giải toả được những u ẩn trong lòng. Trương Đại Quá cảm thấy ông già Năm thật là tội nghiệp, chuyện tình cảm của những người lớp trước anh không có quyền có ý kiến nhưng anh lại chạnh lòng khi nghĩ đến chuyện của mình với cô Ba. Tiếng gà rừng eo óc gáy như càng làm tăng lên phần tịch mịch của đêm trường. Ông Năm nói:

- Đi ngủ thôi hai cháu ngày mai ta còn có việc phải làm.

Nói xong ông đứng dậy về phòng của mình. Trương Đại Quá mắt nhìn về dáng già nua đến tội nghiệp của ông Năm, anh nói với Trương Thái:

- Thái à anh em ta cũng đi ngủ thôi.

Sáng hôm sau Trương Đại Quá và Trương Thái thức dậy cả hai không thấy ông Năm đâu cả. Trương Thái tìm quanh quẩn hết đi ra ngoài vườn rồi lại vào trong nhà nhưng vẫn không tìm thấy ông Năm. Trương Thái đi vào nhà bếp nơi Đại Quá đang nấu một ấm nước để pha trà như thường lệ, Thái hớt hải nói:

- Anh Quá à không biết bác Năm đi đâu mà em tìm khắp nơi không thấy?

Trương Đại Quá ngạc nhiên hết sức.  Ông Năm thường không đi đâu xa mỗi khi có việc cần trao đổi mua bán với người Lạch ông mới rời khỏi nhà. Từ khi có Đại Quá và Thái ở trong nhà những việc đó ông đều giao cho anh em Đại Quá làm ông không để tâm đến. Vậy mà sáng nay ông già đi đâu Đại Quá lo lắng cho ông già Năm:

- Em đã tìm khắp nơi chưa, bác thường không đi đâu cả mà?

- Em tìm rất kỹ rồi không sót chỗ nào, quái lạ không hiểu bác đi đâu?

Trương Đại Quá đi lên nhà trên nơi ông Năm thường ngồi uống trà mỗi sáng. Cây chè trồng trên đất này hình như có vị đậm hơn nơi khác. Bên hông căn nhà nhỏ  ông Năm trồng một hàng chè. Đây là giống chè tuyết ông đem giống từ miền Bắc xa xôi vào trồng, ông Năm thường ngắt đọt sao khô và pha mỗi sáng một ấm trà. Cái thú này ông không bỏ được ông thường nói với anh em họ Trương:

- Các con phải nhớ uống trà mỗi sáng giống như ta uống một liều thuốc ngăn ngừa bệnh tật. Người Tàu họ phát hiện ra điều này cách đây đã trên bốn ngàn năm!

Vậy mà sáng nay không thấy ông Năm uống trà như thường lệ. Trương Đại Quá bồn chồn lo lắng trong lòng. Hai anh em nhìn nhau và ngồi xuống ghế làm bằng những thân cây. Lúc đó Trương Thái thấy chân mình ngứa ngáy hình như một con bọ chét đốt, Thái cúi xuống gãi chân bỗng nhiên cậu la lên:

- Quá đại ca hình như bác Năm viết thư cho chúng ta?

Trương Thái nhặt từ dưới đất lên một tờ giấy. Thì ra ông Năm viết thư cho anh em họ Trương và bị gió thổi bay xuống đất. Trương Thái đưa bức thư cho Trương Đại Quá, bức thư được viết trên loại giấy dó màu xám. Trương Đại Quá nghiêm mặt đọc thư, trong thư ông Năm dặn hai anh em cứ đi tìm dược thảo trong xứ người lùn nhưng phải cực kỳ cẩn thận. Những gì là sở học ông Năm đã chỉ dạy hết cho hai người nhưng khi vận dụng trong thực tế cần phải thật là tinh tế, không thành kiến thì mới tỏ hết tinh thần của đạo Dịch. Ông dặn sau này khi đã tìm ra dược thảo hai người nhớ ghé lại thăm ông  nếu còn duyên thì sẽ còn gặp nhau. Phần ông, ông rời nhà đi theo một nhóm người Lạch xuống Phan Rang có thể ông sẽ trở lại thăm quê sau bao năm xa cách.

Đọc xong bức thư Trương Đại Quá nói với người em:

- Như vậy là bác Năm không muốn bịn rịn chia tay bọn ta, Trương Thái anh em ta cũng đi thôi. Bác đã chuẩn bị lương thực và những vật dụng cần thiết cho anh em ta như trong thư bác dặn.

Xuống nhà bếp quả nhiên ông Năm đã sắp sẳn hai cái gùi to trong đó chứa lương thực và một ít vật dụng như trong thư ông nói. Trương Thái mang một ít khoai lang mà tối qua cậu luộc ra mời Trương Đại Quá ăn, Thái hỏi anh:

- Quá đại ca bây giờ anh tính sao?

Trầm ngâm một chút Trương Đại Quá trả lời:

- Thái à người quân tử đã nói ra thì cứ như đinh đóng cột, ta đã hứa với em đi tìm dược thảo để thầy em luyện thuốc, ta chắc chắn phải làm đến nơi đến chốn. Nhưng ta cũng từng hứa với ông Tư sẽ tìm cho ra sừng tê giác để về cưới cô Ba làm vợ. Vậy trong lúc đi tìm nơi ở của người loắc choắc, em giúp ta tìm ra ngọn núi có tên là Ngọc Linh để tìm ra Lão Khùng có được chăng? Thái à ta có một số điểm hồ nghi trong lòng đang định sáng nay hỏi bác Năm  không ngờ bác đã đi mất nên ta chưa biết tính sao?

Trương Thái nhìn Trương Đại Quá cười, nụ cười hơi tinh quái và thần bí:

- Quá đại ca anh định hỏi điều gì?

- Từ lâu ta muốn hỏi bác Năm về lão khùng núi Ngọc Linh nhưng không dám. Đêm qua bác Năm có hứa sẽ kể cho bọn ta nghe về con dao cùn nhưng cực kỳ sắc bén  ta cứ đinh ninh mình sẽ có duyên tìm được lão nhân Khùng và có được con dao này để đi tìm sừng tê. Ngờ đâu sáng nay bác Năm đi mất ta ân hận vì chưa kịp hỏi nhưng chuyện đã rồi chẳng biết tính làm sao?

Trương Thái hỏi Trương Đại Quá vẫn với một nụ cười bí mật:

- Vậy Quá đại ca có muốn biết không?

Trương Đại Quá lộ vẻ ngạc nhiên:

- Em biết thật sao, sao lâu nay em không kể ta nghe?

Trương Thái nói:

- Quá đại ca chuyện này em mong anh thứ lỗi, em định kể với anh nghe lâu rồi nhưng em muốn chúng ta toàn tâm toàn ý học tập những kỳ môn của bác Năm. Em ngại nói ra anh sẽ bắt em dẫn đi tìm ngay lão nhân Khùng để mong tìm sừng tê giác mà bỏ qua cơ hội học tập. Đây chính là lý do em không kể cho đại ca nghe về sư môn của em. Quá đại ca thiên hạ thật là có nhiều chuyện ngẫu nhiên, khi mới gặp anh em đã nhận thấy rồi nhưng chưa tiện nói: lão nhân Khùng ở núi Ngọc Linh chính là sư tổ của em. Núi Ngọc Linh ở cách đây rất xa, sư tổ em là một người kỳ dị, ông có hai học trò là sư phụ em và bác Năm nhưng cả hai không ở với ông được vì tính tình thất thường của sư tổ. Chính bác Năm cũng bị ảnh hưởng tính khí kỳ quái của sư tổ còn sư phụ em lại là một người ham chơi. Không phải em nói xấu sư phụ đâu  nhưng sự thật là thế. Những chuyện của sư tổ em đều nghe sư phụ kể lại thật ra em cũng chưa từng gặp mặt sư tổ một lần nào!

Trương Đại Quá nghe Trương Thái kể chuyện  anh mới nhận thấy trong lần kể chuyện trước, ông Năm dùng từ “sư tổ ngươi” có hàm ý là hai người cùng một sư môn  nhưng anh không để ý. Bây giờ nghe Thái kể lại anh mới hoàn toàn hiểu hết.

- Thái à  anh cảm ơn em đã có lòng tốt với anh.  Hoá ông lão Khùng núi Ngọc Linh là sư tổ em vậy không hiểu bác Năm nhập môn từ lúc nào?

- Chuyện này em thật không biết Quá đại ca à. Khi bắt đầu có trí nhớ em đã biết bác Năm, bác thường qua nhà sư phụ em ở chơi và sư phụ em chưa bao giờ nhắc chuyện bác Năm nhập môn từ lúc nào. Quá đại ca chuyện của tiền nhân em không tiện tìm hiểu, sư phụ có cho biết chút nào thì em hay chút nấy thôi. Bây giờ anh tính sao?

Trương Đại Quá trầm ngâm nghĩ ngợi một hồi rồi nói:

- Ta phải giúp em trước. Theo lời bác Năm dặn, anh em ta phải lên đường ngay trong ngày hôm nay. Ta tính vầy:  anh em ta trở lại chỗ ở ngày trước của bác Năm thử tìm manh mối bọn người loắc choắc xem sao?

Trương Thái reo lên:

- Anh nói hay quá chúng ta cứ gọi bọn lùn là người loắc choắc là hợp lắm rồi. Bây giờ ta đi Quá đại ca chỗ ở trước kia của bác Năm chính là dưới chân núi Bi Đúp, cách chỗ này độ một ngày đường.

Sáng hôm ấy là một sáng mùa hè, mặt trời tỏa những tia nắng gay gắt xuống muôn vật dù chỉ mới giờ thìn. Trương Đại Quá và Trương Thái lưng mang gùi nhắm hướng núi Bi Đúp mà đi. Buổi trưa hai người ngồi nghỉ mát dưới một gốc thông già mọc ven bờ suối. Trong khi chờ Thái nấu cơm trưa, Trương Đại Quá ngắm nhìn phong cảnh xinh tươi mà lòng cảm khái. Anh nói với Thái:

- Thái à hôm nay anh em ta ngồi nghỉ trưa dưới một gốc thông già y như cách đây trên một năm chúng ta từng ngồi nghỉ trước khi đến nhà bác Năm. Ta thật áy náy trong lòng trước khi chia tay chúng ta không gặp được bác, quả là có lỗi. Trong lòng ta lúc nào cũng coi bác như một người thầy, cho dù bác không chịu nhận danh nghĩa đó.

- Em cũng thấy như anh vậy Quá đại ca ơi. Trước kia bác Năm khó gần lắm, em nghĩ cũng nhờ đại ca nên bác mới dễ dàng như vậy. Thôi mời anh ăn cơm, nghỉ một chút anh em ta lại lên đường.

Buổi chiều anh em nhà họ Trương đi đến một cánh rừng thưa. Lúc đó mặt trời vẫn chói chang nhưng đi trong cánh rừng này thật là mát mẻ. Trương Thái vừa đi vừa hát  những giai điệu véo von không biết cậu học ở đâu nhưng Trương Đại Quá nghe rất say sưa. Đang hát bỗng nhiên Trương Thái ngừng ngang, cậu nói:

- Anh Đại Quá  ra khỏi cánh rừng này là ta đã ở dưới chân núi Bi Đúp rồi. Vùng này quả là quá rộng không biết ngày trước bác Năm ở chỗ nào?

Trương Đại Quá cũng không biết phải tìm chỗ trú ngụ ngày trước của ông Năm bắt đầu từ chỗ nào. Hai người cứ loanh quanh dưới chân núi cho đến khi mặt trời bắt đầu nhạt nắng. Với gương mặt không vui Trương Đại Quá nói:

- Thôi đêm nay chúng nghỉ dưới chân núi này vậy mai lại lùng sục tiếp, em thấy sao?

- Cũng đành chịu vậy thôi Quá đại ca ơi.  Chuyện anh em chúng ta đi tìm dược thảo thầy em từng nói là không dễ dàng gì. Không biết lâu nay thầy em ở đâu, em nhớ thầy quá!

Trương Đại Quá gợi chuyện:

- Lâu nay ta nghe em nói đi tìm dược thảo ta cũng chỉ biết vậy nhưng nay ta hỏi thật em loại dược thảo nào em đi tìm mà quý giá như vậy và tại sao nó chỉ mọc ở xứ người loắc choắc?

- Đó là một loại sâm. Anh Đại Quá  anh có nhớ hôm trước em đãi anh món giò heo hầm thuốc bắc anh ăn có ngon không?

Trương Đại Quá lấy làm ngạc nhiên, anh đang hỏi Thái về dược thảo Thái lại trả lời một món ăn nhưng anh cũng đáp:

- Ngon lắm chớ sao không nhưng em hỏi như vậy là có ý gì?

- Trong món ăn đó thay vì nhân sâm  em cho củ sâm núi vào, mùi vị nó thật là giống nhau chỉ những người có học qua dược tính mới mong phân biệt được. Củ sâm núi đó trên vùng cao nguyên này không phải là thứ hiếm nhưng chuyện củ sâm núi đại vương ngàn năm lại là chuyện khác! Thầy em nói rằng củ sâm này cực kỳ quý hiếm, nó là dược liệu chính để chế nên loại thuốc có công dụng cải tử hoàn sanh. Thầy em đã sưu tầm được chín mươi chín vị rồi  chỉ cần có thêm một củ sâm núi ngàn năm tuổi là có thể luyện được loại thuốc này. Tương truyền củ sâm có tuổi ngàn  năm mọc ở những nơi không ai ngờ tới. Chỉ những người có phúc phận mới có duyên tìm được loại dược thảo quý hiếm này. Cách đây năm năm thầy em trong một lần gặp gỡ một người Thượng ông ta cho biết rằng ở chung quanh núi Langbiang ông ta đã  từng trông thấy một cây sâm núi như thầy em mô tả nhưng nó lại mọc trong vùng của những người lùn cai quản. Ông ta không nói thêm điều gì cả  ngoài thái độ tỏ ra lo sợ khi nhắc lại chuyện này. Quá đại ca đừng cho là ông già người Thượng đơm đặt chuyện, em sống ở vùng này em biết rằng người Thượng rất thật không bao giờ nói dối một điều gì. Thầy trò em cũng đã đi khắp vùng này nhưng chưa phát hiện ra nơi nào có cây sâm núi và vương quốc của những người lùn. Thầy em giao lại nhiệm vụ này cho em nhưng cũng như thầy, em không tìm ra một dấu vết nào của củ sâm đại vương cả. Vậy mà trong đêm đầu tiên quen biết Quá đại ca anh đã trông thấy một người lùn, điều này khiến em liên tưởng đến nhiệm vụ tìm sâm đại vương. Em nghĩ rằng qua tao ngộ trong đêm ấy tất anh có “duyên” với những người loắc choắc như anh nói, vậy biết đâu nhờ phúc khí của anh em hoàn thành nhiệm vụ thầy giao. Quá đại ca tâm sự của em là như vậy, bây giờ anh rõ rồi anh có còn ý định giúp em nữa không?

- Em đánh giá ta hơi thấp đó Thái à, ta đã hứa giúp em là giúp đến nơi đến chốn em cứ tin như vậy đi. Nhưng ta cũng chẳng có tài gì hơn người cho lắm, ta chỉ sợ làm em thất vọng thôi?

- Không đâu Quá đại ca ơi em tin là anh sẽ giúp em tìm được củ sâm đại vương biết đâu nhờ đó mà chúng ta có thể cứu nhiều người bệnh? Mà thôi chuyện này dông dài lắm chúng ta chỉ mới bắt đầu những ngày thực thi nhiệm vụ. Ngủ đi Quá đại ca, em thức canh cho đại ca ngủ.

- Em sao chóng quên quá có đêm nào ta ngủ trước khi hành công đâu?

Trương Thái cười lỏn lẻn:

- Là vì em thương đại ca thức đêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chứ em có quên đâu?

Trương Đại Quá nghiêm nét mặt:

- Thái à trong sinh hoạt hàng ngày ta lúc nào cũng phải chiến thắng bản thân, không vì tận hưởng một chút khoái lạc mà bỏ qua chuyện luyện công. Có như vậy võ công mới ngày càng tinh tiến, thân thể cường tráng bách bệnh không thể xâm nhập vào. Đó là tâm pháp nhập môn của phái Ngọc Trản chúng ta!

Sáng hôm sau hai người tiếp tục quần thảo khắp nơi dưới chân núi Bi Đúp nhưng không tìm ra một chút manh mối nào. Cây chè mà ông già Năm đến đâu cũng mang giống theo để trồng cũng không tìm thấy. Có lẽ những trận cháy rừng đã thui rụi mấy cây chè xanh, Trương Thái nghĩ thầm như vậy. Cậu tuy không nghiện trà như ông Năm  nhưng qua những ngày hầu trà sư phụ cậu cũng biết giá trị của trà trong việc bảo vệ sức khỏe của con người. Vì vậy khi nhớ đến những cây chè xanh, Trương Thái ước chi giờ này có một ít lá chè hảm một ấm chè xanh thì quả là sảng khoái. Lúc ấy trời nắng gắt  trên trời mây đen bắt đầu hình thành ở phía đông. Với một cặp mắt của những người hay ra ngoài hoang dã, Trương Thái biết rằng chỉ chậm lắm là trưa nay  khoảng qua giờ ngọ thể nào cũng có một trận mưa to. Nghĩ như vậy nên cậu nói với Trương Đại Quá:

- Quá đại ca ơi ta tìm ngay một chỗ trú  nếu chậm chân sẽ gặp một trận mưa rừng thì bất lợi vô cùng!

Trương Đại Quá cũng nhìn trời. Anh tỏ vẻ lo lắng và đồng ý với nhận xét của Thái. Hai người vừa đi vừa quan sát địa hình chung quanh. Dòng suối dưới chân đồi vẫn hiền hòa uốn lượn quanh những lùm lau sậy. Tiếng róc rách nghe vui tai  hình như thiên nhiên cố làm ra vẻ êm đềm của nhằm đánh lừa những sinh vật còn non kinh nghiệm. Nhưng thật ra chỉ chút nữa thôi, khi mưa rừng nặng hạt dòng suối đang hiền hòa sẽ trở thành cuồng bạo, nước sẽ cuốn trôi tất cả những gì nó gặp trên đường đi. Trương Đại Quá và Trương Thái biết rất rõ điều này nên hai anh em họ rất khẩn trương tìm một chỗ an toàn. Mây đen ở phương đông kéo đến mỗi lúc một nhiều, bầu trời trở nên đen kịt. Trời bắt đầu mưa. Những hạt mưa to bằng hạt đậu rơi lộp bộp xuống cánh rừng, thoáng chốc khung cảnh chung quanh đều chìm đắm trong trận mưa rừng.

Đúng lúc đó anh em nhà họ Trương nhìn thấy một hang núi. Họ chui ngay vào hang vừa kịp những hạt mưa đã biến thành một thảm nước rơi xuống từ trời. Bên trong hang núi tối đen như mực  nhưng lại khô ráo vô cùng. Cẩn thận Trương Đại Quá vơ một nắm lá khô và châm lửa đốt. Ánh sáng bừng lên xóa tan bóng tối soi rõ lòng hang sâu thăm thẳm. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau cả hai đều có một linh cảm rằng đây có lẽ là cái hang mà ngày xưa bác Năm đã thám hiểm một lần? Nhưng ngọn lửa không giữ được lâu, nó tắt phụt khiến lòng hang tối trở lại. Trương Thái nói :

- Để em tìm xem có chút củi khô nào không?

Dưới lòng hang khô ráo, ngoài đống lá khô không có một cành cây nào có thể dùng làm đuốc được. Trương Thái thất vọng:

- Không có củi rồi Quá đại ca à, ta phải đợi tạnh mưa thôi.

Trương Đại Quá không trả lời, anh cho tay vào chiếc túi mang trong người và lấy ra một vật. Ánh sáng yếu ớt bừng lên. Trương Thái reo lên:

- Cái gì mà phát ra ánh sáng vậy đại ca?

Trương Đại Quá đưa vật mà anh vừa lấy ra rồi nói với Trương Thái:

- Em cầm thử xem: đây là viên ngọc rắn mà ta đã có dịp kể cho em nghe. Ngoài chuyện có thể trừ tà khử độc viên ngọc này có thể phát ra ánh sáng trong đêm. Tuy không sáng lắm  nhưng dầu sao cũng có thể thay được chút ánh sáng ban ngày. Thái à  em cùng ta vào thử trong lòng hang xem sao?

Hai người lần dò từng bước vào bên trong lòng hang. Phải lom khom một đoạn độ hai chục trượng Trương Đại Quá và Trương Thái mới có thể đứng thẳng được. Ánh sáng phát ra từ viên ngọc rắn tuy rất yếu ớt nhưng vẫn đủ cho họ thấy được chung quanh trong vòng nửa trượng vuông.  Cứ như vậy  Trương Đại Quá và Trương Thái đi dần vào trong. Tận cùng lòng hang là một bức tường bằng đá không có một khe hở nào cho dù họ săm soi rất kỹ. Trương Thái thất vọng:

- Quá đại ca khi thấy cái hang này ăn sâu vào trong, em cứ ngỡ đó là cái hang mà bác Năm đã dò ra và xâm nhập vào nước  loắc choắc nhưng xem ra cái hang này không phải cái mình tìm.  

Trương Đại Quá trả lời:

- Ta lại không nghĩ như vậy, ta tin đây là con đường mà mấy năm trước bác Năm đã đi nhưng vì con đường này bị lộ nên bọn lùn đã lấp đi. Em xem chung quanh chỗ đất còn văng tung tóe như vậy đâu có phải tự nhiên?

Trương Thái gật gật đầu:

- Anh nói có lý hay là ta thử đào xem có thông vào xứ loắc choắc không?

- Ta lại tính khác, ta không biết bọn chúng lấp một đoạn hang dài bao nhiêu, cho nên ta không đủ sức đào đâu. Tốt nhất ta nên leo lên đỉnh núi này thử xem dưới chân nó có phải là chỗ ta cần tìm không?

Hai người ra khỏi hang. Lúc này trời vẫn còn mưa nhưng không còn nặng hạt như lúc đầu. Hai anh em bàn bạc nhau một hồi, họ nhận thấy rằng đây là một chỗ trú chân tuyệt vời nên cả hai quyết định ngủ qua đêm trong hang này.  Trương Thái nói:

- Quá đại ca hang núi này là dấu vết đầu tiên mà anh em ta tìm thấy, em muốn đặt tên cái hang này là Hy Vọng được chăng?

Trương Đại Quá cả cười:

- Hay đó nhưng mà Thái hy vọng điều gì?

- Em hy vọng nhiều lắm. Trước hết hy vọng anh sẽ tìm được sừng tê để cưới chị Ba làm vợ, sau nữa em hy vọng anh ở lại trên này luôn không về quê nữa, và cuối cùng là anh sẽ có một bầy con!

Trương Đại Quá ngạc nhiên:

- Vậy chớ em không hy vọng em sẽ đạt được một điều gì sao?

- Em mong cho anh trước  còn em không biết ngoài củ sâm đại vương em hy vọng đạt được điều gì?

- Thái à con người ta sống ở đời phải có nhiều ước mơ, điều  đó tuổi trẻ ai cũng có như vậy cuộc sống mới không tẻ nhạt, mới đáng sống. Ta trước kia cũng như em vậy. Ta sống cứ tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống, không nghĩ một điều gì cả nhưng khi đã lang bạt giang hồ ta thấy rằng cuộc đời này còn nhiều người khổ lắm. Vì vậy khi nào giúp ai được  một điều gì, cho dù mang lại cho họ một niềm vui nho nhỏ cũng là điều nên làm. Khi lên cao nguyên này ta cứ nghĩ rằng mình chỉ ráng tìm hai chiếc sừng tê giác rồi sẽ trở về quê sau đó sẽ lập gia đình. Nhưng trải qua một thời gian ta nhận ra một điều đó là ở trên này ta thật sự tự do. Đất cao nguyên này tiếng là của người Lạch nhưng rộng mênh mông nếu ta lập nghiệp ở đây thật là hay quá. Trên này không có những ông bá hộ, không có những ông quan mà ruộng đất đều là của họ còn đa số dân quê là những tá điền, làm thuê cực khổ suốt đời. Ta chưa biết tương lai ra sao  nhưng qua những hy vọng của em, ta rất cảm kích Thái à. Ta sẽ cố gắng chừng nào hay chừng nấy!

Trương Thái reo lên:

- Ở lại đi Quá đại ca… không có anh em buồn lắm!

Đêm đó trôi qua trong yên tỉnh, hai người ăn tạm một chút cơm vắt mà bửa trưa Trương Thái đã nắm sẳn. Sáng hôm sau chờ cho sương mù tan hẳn, hai anh em nhà họ Trương leo lên đỉnh núi Bi Đúp. Càng lên cao không khí càng mát lạnh. Vạch những lùm trúc rừng mọc ken dầy trên triền núi, Trương Thái nói với Trương Đại Quá:

- Quá đại ca anh có nghĩ những người loắc choắc cũng leo lên ngọn Bi Đúp này như chúng ta không?

- Ta chưa nắm được một điều gì về họ ngoài những điều bác Năm kể và những huyền thoại trong các bộ tộc người Lạch như em nghe lại cho nên ta cũng không biết họ có đi bằng đường này không? Thái à chừng nào ta tận mắt chứng kiến những người loắc choắc trong lãnh địa của họ ta mới biết họ ra sao.

Hơn một canh giờ sau hai người lên tới đỉnh. Nhìn từ trên cao  vùng đất dưới chân núi Bi Đúp là những cánh rừng bất tận. Một màu xanh của cây, cỏ, đất, trời là màu duy nhất họ thấy được trong vùng đất dưới chân núi này. Không một dấu hiệu nào chứng tỏ vùng đất này có người ở dù đó là những người lùn. Hai người hy vọng nhìn thấy một làn khói tỏa  nhưng không gian trong vắt của cao nguyên làm hai người thất vọng. Câu đố về người loắc  choắc vẫn chưa có lời giải đáp!

 

CHƯƠNG 4

CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 765
Ngày đăng: 14.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 2: Bái Sư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 1: Hai anh em) - Võ Anh Cương
Đặc nhiệm chính phủ (Chương 1: Phố của mùi lanh chanh) - Nguyễn Thị Kim Lan
Đền rùa vàng (phần cuối) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 2) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 1) - Ngô Nguyên Dũng
Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky - Vương Kiều
Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào - Đỗ Quyên
Giết con chim nhại - Phạm Văn
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ Thương tặng những người con xa xứ - Nguyễn Phương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)