Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
756
116.718.369
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ)
Võ Anh Cương

 

 

Phan Đình Sin thực ra không phải tên như vậy, anh tên là Phan Đình Xin. Khi anh mới chào đời, hai người anh trai của anh chết non nên cha mẹ anh mới đặt anh tên Xin với ý nghĩa hai người chỉ “xin” anh về nuôi chứ anh không phải là con ruột họ, có như vậy người “khuất mày khuất mặt” mới không bắt anh giống như hai người hai người con trai chết non kia.

Ngày đầu Phan Đình Xin vào làm người hầu tại đồn điền cà phê Santé ở xứ Djiring, anh gặp ngay cậu chủ con ngài Pierre Reno, chủ nhân đồn điền lớn nhất xứ. Cậu Jean Reno là một người Pháp thứ thiệt nhưng lại hỏi anh bằng giọng mũi:

-What your name?

Anh đang ngơ ngác không biết cậu hỏi điều gì và thứ tiếng cậu nói là tiếng gì thì ông quản gia họ Lục đã trả lời giúp anh:

-Thưa cậu chủ, nó tên là Xin, Phan Đình Xin!

Jean nhướn mắt hỏi lại:

-Sin? Tức là sin, cosin phải không?

Rồi cậu cười khà khà ra vẻ khoái trá. Ông quản gia và Phan Đình Xin không hiểu điều gì khiến cậu chủ khoái trá, họ cũng cười góp. Sau này Sin mới biết cậu chủ Jean đặt cho anh cái tên mới là Sin, với anh Xin hay Sin gì cũng được, anh đâu cần biết rằng đó là hàm sin trong lượng giác học! Cậu Jean đang học dưới Sài Gòn, cậu lên đồn điền nhân dịp nghỉ hè và ngày đầu tiên của cậu gặp ngay Sin. Với Sin chuyện đó là bình thường, nhưng với ông quản gia đồn điền người giới thiệu Sin vào làm người hầu đó là “duyên”. Chữ duyên là vô cùng vô tận, ông thường nghĩ như vậy. Tuy làm quản gia cho một ông lớn, bởi ngài Pierre Reno làm một chức quan lớn trong chính phủ, ông lại theo đạo Phật. Nhưng chuyện đi lễ ngày chúa nhật ông không bao giờ quên, ông nhắc giờ xin lễ cho tất cả các thành viên trong gia đình ngài. Cậu Jean là một người…ham ngủ, lên xứ cao nguyên cậu càng ngủ nhiều hơn nữa bởi ở đây mát mẻ, khí hậu ôn hòa hơn dưới Sài Gòn ở Nam kỳ. Cậu càu nhàu khi ông quản gia kêu dậy đi lễ sớm, ông quản gia lại không hiểu cho cậu cần ngủ như thế nào. Bực mình quá cậu chửi:

-Mẹc xà lù!

Lục quản gia giận tím mặt, ngay ngài Pierre cũng chưa bao giờ lớn tiếng với ông, nay cậu chủ lại buông một câu vừa hạ cấp vừa xúc phạm đến ông như vậy thì không thể nào chấp nhận được. Nhưng ngay bây giờ ông phải lôi bằng được cậu chủ dậy để đi lễ còn chuyện cậu chửi thề ông sẽ tính sau! Vị trí quản gia trong các đại gia rất là quan trọng. Ngoài chuyện là một người tin cẩn của gia đình, quản gia còn biết rất nhiều thứ. Chính người quản gia quyết định mọi chuyện trong gia đình với người làm chứ không phải là ông chủ và không bao giờ ông chủ phản đối quyết định của quản gia bởi người quản gia phải dựa vào “gia quy” để đưa ra quyết định. Ông quản gia vẫy tay gọi Xin lại gần bảo:

-Mi vào phòng lôi cậu chủ dậy cho ta!

Tuân lời ông quản gia, Xin hăm hở vào phòng cậu chủ Jean, căn phòng hướng đông có cửa sổ nhìn ra một vườn hoa bao giờ cũng được chăm sóc cẩn thận, mùa nào thức nấy các loại hoa đua nở làm vui lòng gia chủ, Xin gọi to:

-Thưa ngài, xin mời ngài dậy!

Trước khi xin vào làm người hầu tại đồn điền Santé, Xin được ông quản gia dạy sơ sơ cách xưng hô với ông chủ, ngài Pierre Reno, rằng bao giờ cũng bắt đầu bằng cách “thưa ngài”. Xin nhớ cách xưng hô này và anh nghĩ rằng anh sẽ xưng như thế với bà chủ, các cô cậu con ông bà chủ có lẽ họ sẽ vui lòng hơn. Xin là một người có đầu óc liên tưởng tốt nên ta không ngạc nhiên chút nào khi anh gọi Jean Reno – một cậu học sinh bao giờ cũng được các thầy giáo gọi trò hoặc trò Jean là “thưa ngài”. Chưa bao giờ được nghe ai gọi mình là “ngài” – Jean như bao đứa bạn con các quan Pháp, ngoài tiếng mẹ đẻ nó thông thạo tiếng bản xứ, Jean khoái tỉ trong lòng. Cơn buồn ngủ biến mất, để chứng tỏ ta đây là một chàng thanh niên hâm mộ vũ điệu tango, xứng đáng với danh cậu tự xưng là Carlos Gardel nhỏ, cậu mới hỏi bằng giọng mũi “what your name?” tuy cậu biết rằng nhạc sĩ kiêm ca sĩ Carlos không phải là người Mỹ nhưng lại nổi tiếng với những bài hát tango ở Mỹ. Nhìn vẻ mặt của Sin, cậu tiếc rằng thằng này không biết gì về tiếng Mỹ bằng giọng mũi!

Sáng chủ nhật đó, cậu Jean có người tháp tùng đi lễ nhà thờ. Sin chưa từng đi lễ nhà thờ bao giờ nên tới cổng anh đứng lại nói:

-Mời ngài vào dự lễ, tôi đứng chờ ở đây!

Jean ngạc nhiên nhìn anh:

-Thế là mi chưa phải là con chiên à? Hôm nào ta sẽ thưa cha xứ rửa tội cho mi nhé?

Phan Đình Sin nhìn cậu chủ ngạc nhiên hỏi:

-Thưa ngài, tôi nào có tội chi mà phải rửa?

“Ngài” Jean nhìn Sin, cố bắt chước cha xứ, ngài nghiêm trọng nói “là tội tổ tông” rồi quay lưng đi một mạch vào nhà thờ bỏ mặc Sin đang ngơ ngác nhìn theo.

Đấy, cách Sin làm người hầu ngày đầu tiên là như vậy đấy. Sau ngày đó, cậu chủ đi đâu là Sin theo đó như hình với bóng. Cậu chủ Jean ra vẻ hợp với Sin, nói cho cùng hai người tuổi tác không chênh lệch nhau mấy nên hợp với nhau cũng là điều dễ hiểu. Sin bước qua tuổi hăm lăm thì cậu chủ vừa tròn mười bảy. Thế cho nên có dịp là cậu chủ Jean về ngay đồn điền trà cà phê Santé, điều mà trước đây cậu không thường làm. Nói cho cùng, Djiring là một xứ khỉ ho cò gáy làm sao bằng Sài Gòn, ngay cả ngài Pierre cũng chỉ một năm đôi bận về thăm đồn điền, mọi việc có ông quản gia và thầy ký lo tất. Điều cốt lõi ở tình bạn – nếu có, giữa hai người là một người nghe và một người nói. Ở trường nội trú, cậu Jean chỉ là một học trò như các học trò khác, tuy cha cậu là quan lớn nhưng điều đó không có chút ảnh hưởng nào đến cách nhà trường đối xử với cậu. Cho nên cậu Jean lúc tranh luận đều bình đẳng với mọi người, nghĩa là nếu cậu đúng thì ai cũng đồng ý với cậu nhưng nếu cậu sai mọi người phản đối tới cùng. Khi về đồn điền Santé, Sin một mực gọi cậu bằng ngài, “thưa ngài, ngài muốn đi đâu tôi đưa ngài đi?” hay đơn giản hơn là “thưa ngài, tôi mời ngài dùng petit déjeuner (ăn sáng)”. Jean cảm thấy mình quan trọng hẳn, cảm giác đó khiến cậu lâng lâng. Cảm giác đó Jean chỉ có được khi ở đồn điền và chỉ khi cậu đối diện với người hầu Sin, còn với ma măng hay mấy cô chị thỉnh thoảng cũng về đồn điền, cậu chỉ là một thằng nhải vừa nứt mắt! Nói vậy để biết người nghe chính là Sin, đó là một nghệ thuật đặc biệt đối với kẻ dưới mà lúc đó Sin chưa nhận ra, đơn giản những điều cậu chủ nói đều là những điều xa lạ.

Cậu Jean là một người mê âm nhạc và khiêu vũ như những người Pháp khác. Đặc biệt cậu ưa thích vũ điệu tango như nói ở trên đến nỗi cậu tự xưng mình là Carlos Gardel nhỏ. Tại sao? Cậu Jean giải thích cho Sin hiểu bởi cậu có giọng hát giống y như Carlos, chỉ thiếu một chút hơi nữa là bằng! Sin mù tịt về hát với hò, với điệu tango anh càng không biết, anh chỉ gọi tất cả các loại nhạc mà mấy ông tây bà đầm hay hát là nhạc tây, thế thôi. Còn nhạc ta Sin cũng không biết nhưng những bài hát ru anh rất thích vì chúng khiến anh nhớ lại hồi còn nhỏ, anh nằm trong lòng mẹ và chỉ chịu ngủ khi mẹ anh cất giọng hát ru em. Đến khi lớn không những bài hát ru em đó Sin vẫn nhớ như in, thực ra cũng chỉ có mấy bài nhưng âm điệu nó ghi dấu vào hồn anh hồi nhỏ. Còn với Jean, cậu chủ chẳng biết hát ru là hát làm sao, Sin lại không đủ lời để giải thích cho cậu chủ hiểu nên chi bằng nín thinh là cách tốt nhất.

Jean lại biết soạn nhạc, nói theo kiểu dân dã là cậu “làm” những bài hát, đôi khi cậu soạn bằng tiếng Pháp rồi chuyển ngữ qua tiếng bản xứ vì ngôn ngữ nào cậu cũng rành như nhau. Cậu truyền cho Sin bài “Bản tango cho người xa xứ” và nửa úp nửa mở nói rằng:

-Mi biết bài này ai soạn không, mi sẽ bất ngờ nếu ta nói người đó là…thiên tài âm nhạc!

Sin đâu biết ai là người soạn nhạc ngoài cậu chủ nên đoán:

-Người soạn bài đó chắc là ngài?

Jean cười sung sướng, mắt cậu chủ nhắm tít, gương mặt với nước da con gà tây càng thắm đỏ nhưng cậu lại lắc đầu:

-Không…mi phải biết người này phải ngang tài Carlos Gardel mà ta chỉ là Carlos Gardel nhỏ mà thôi!

Sin chả biết Carlos là …cái ông gì mà Carlos nhỏ chắc cũng như vậy nhưng nghệ thuật nghe là phải biết im lặng, Sin gật gật đầu làm như mình đồng tình với Jean còn trong bụng thì mắng thầm:

-Bà mẹ mi…còn làm ra vẻ bí mật, sao không nói quách ra cho anh mày biết?

Jean thấy người hầu của mình đồng tình, cậu càng làm ra vẻ thần bí:

-Bây giờ ta giao cho mi một nhiệm vụ, nhớ là phải bí mật nghe chưa?

Sin cười:

-Sure…thưa ngài!

Nghệ thuật làm vừa lòng chủ là một năng khiếu của Sin, anh biết cậu chủ nhỏ thích nói tiếng Mỹ nên không nói “chắc chắc thế, thưa ngài” mà nói sure…, điều đó khiến cho Jean càng tin tưởng người hầu. Jean nói nhỏ:

-Bài “Bản tango cho người xa xứ” phải hát bằng giọng Tenor (giọng nam cao), từ khi bài hát ra đời chưa có ai hát được bài này. Nay ta giao cho mi đi tìm người có giọng hát này, được chứ?

Sin cười, anh biết lấy lòng cậu chủ nên nói liền:

-Tôi thấy giọng ngài rất hợp với bài này mà, ngài mà cất tiếng hát lên thì ai cũng phải lắng nghe, nhất là các mesdemoiselles (quý cô) bên đồn điền nhà ngài thị trưởng….

Bỗng dưng Jean quát:

-Mi giỡn mặt ta đấy à…mẹc xà lù, cái bọn Annamite! Nếu ta có giọng Tenor thì đâu nhờ mi đi tìm làm gì cho mệt?

Nhìn gương mặt đực ra của Sin, Jean khám phá rằng thằng người hầu chẳng biết gì hết, nó chỉ nịnh cho mình vui lòng. Nghĩ thế, cậu cười phá lên:

-Nhiệm vụ này mi thực hiện được không?

Thực tâm Sin chẳng hiểu nỗi cậu chủ, cậu mới nổi giận với anh rồi lại phá ra cười, Sin  “Oui, Oui (vâng, vâng)” trong miệng nhưng trong lòng thì nghĩ “bà mẹ, mấy thằng tây…”.

“Bà mẹ, mấy thằng tây…” nhưng rồi anh lại đi theo mấy thằng tây. Sin giờ đây là một con chiên ngoan đạo, không ngoan cũng không được vì anh phải theo cậu chủ Jean đi nhà thờ mỗi chủ nhật cậu chủ về đồn điền. Cha xứ là một ông tây không để anh ở không mỗi khi cậu chủ vắng mặt ở xứ Djiring, ông có nhiều cách để anh đến nhà thờ mỗi tuần mà anh không thể nào nghĩ ra. Jean dạy cho Sin những điều mình biết, đó là một học trò xuất sắc của Jean trong lĩnh vực tango và những vũ điệu say đắm.

Thế nhưng không vì những bài hát tango hay các vũ điệu lả lướt, Sin quên nhiệm vụ của mình. Sin là một người toàn tâm toàn ý với công việc, mỗi khi về nhà ông anh rể Thủy Bạc anh đều đem chuyện tìm người biết hát ra kể và nhờ anh chị để ý tìm giùm. Ông bà Thủy Bạc là một người làm vườn thì không biết gì về nhạc nhẽo nên chỉ nói vuốt đuôi cho cậu Út vui mà thôi. Nhưng ông bà Thủy Bạc lại không ngờ người quen với ông bà là ông Dê A Vê trong một lần tình cờ ghé chơi nhà gặp cậu Út lại lưu ý chuyện hát hò này và như ta biết chuyện xảy ra với K’Breo là như thế nào.

Tất nhiên cô Hai là người cậu Út thương nhất, cô được cậu truyền lại bài hát “Bản tango cho người xa xứ”, cô hát không hay nhưng lại hay hát mỗi khi cô đang làm việc. Của đáng tội, cô chỉ biết mỗi bài này và chính bài này anh Beo của cô bước vào một thế giới đầy màu sắc và lắm nỗi thương tâm. Đó là chuyện về sau.

 

 

CHƯƠNG 47

BUỔI RA MẮT ĐẦU TIÊN

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 529
Ngày đăng: 28.02.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 39: Gương mặt thủy thần) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 38:Thoát chết) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)