Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
672
116.695.752
 
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8)
Lê Ký Thương

 

Lê Ký Thương dịch từ bản tiếng Anh:
A PERSONAL MATTER  của John Nathan
NXB CHARLESE - TUTTLE COMPANY JAPAN -1994

 

 

 

8


Khi Điểu bước lên cầu thang, tay cầm giày, nách kẹp túi nho tươi, đến phòng bệnh của vợ anh thì viên bác sĩ trẻ có con mắt giả cũng vừa đi xuống. Hai người gặp nhau giữa cầu thang. Viên bác sĩ một mắt dừng lại, cách Điểu năm bảy bước, nói vọng xuống làm cho Điểu cảm thấy có điều gì khẩn cấp lắm. Thực ra thì anh ta chỉ hỏi ”Mọi chuyện ra sao rồi?”.
“Cháu nó còn sống”, Điểu trả lời.
“Còn chuyện giải phẫu thì thế nào?”.
“Họ sợ cháu yếu và chết trước khi có thể giải phẫu được”, Điểu lên tiếng, cảm thấy khuôn mặt mình đỏ lên vì thẹn.
“Tốt, có lẽ thế là tốt nhất!”.
Sắc mặt của Điểu càng đỏ thấy rõ và hai khỏe miệng anh giật giật. Sự phản ứng của anh cũng làm cho viên bác sĩ đỏ mặt.
“Vợ anh chưa biết chuyện bộ não của cháu”. Anh ta nói trống không. “Chị ấy biết đứa bé có một bộ phận khuyết tật. Dĩ nhiên não là một bộ phận, chẳng có gì là lừa bịp cả, vì vậy đó không phải là lời nói dối. Anh đang có cơ sở để nói dối và anh chỉ phải nói dối thêm một lần nữa khi mà sự thực phơi bày. Anh hiểu tôi muốn nói gì không?”
“Tôi hiểu.” Điểu trả lời.
“Thôi được, có chuyện gì tôi có thể giúp được cứ cho tôi biết nhé, đừng ngại”. Điểu và viên bác sĩ cúi đầu chào nhau một cách lịch sự rồi hai người bước qua mặt mà không nhìn nhau. Tốt, có lẽ như thế là tốt nhất! Viên bác sĩ đã nói. Yếu đi và chết trước khi họ có thể giải phẫu. Điều đó có nghĩa là thoát khỏi gánh nặng về một đứa con có đời sống thực vật và không phải nhúng tay vào tội giết người. Tất cả mọi chuyện mà bạn phải làm là chờ cho một đứa bé suy yếu và chết một cách hợp vệ sinh trong một bệnh viện hiện đại. Cũng không thể nào không quên được trong những khi bạn chờ đợi: điều đó sẽ là công việc của Điểu. Tốt, có lẽ như thế là tốt nhất! Cái cảm giác xấu hổ sâu xa và tâm tối sống dậy trong người Điểu và anh cảm thấy cơ thể cứng đờ. Giống như những bà mẹ gần ngày sanh nở và những phụ nữ mới sanh, mặc những chiếc váy bằng tơ nhân tạo nhiều màu đi ngang qua mặt anh, giống như những người bụng mang dạ chửa và những người chưa hoàn toàn thoát khỏi kỷ niệm và thói quen về thời kỳ mang thai, Điểu bước chậm rãi và thận trọng. Chính anh cũng mang thai, cái bào thai nằm trong não bộ của anh chính là khối cảm giác xấu hổ to tướng. Chẳng hiểu lí do gì, những người phụ nữ trên hành lang đưa mắt nhìn anh một cách hằn học khi đi qua, và trước mỗi cái nhìn Điểu chỉ biết cúi đầu. Họ là những phụ nữ đã thấy anh rời bệnh viện trong chiếc xe cứu thương cùng với đứa con quái dị, cũng giống như những phụ nữ có mang đứng trên ban công ở phố. Trong khoảnh khắc, anh tin chắc rằng họ biết được điều gì đã xảy ra cho con anh ngay từ lúc đó. Và có lẽ giống như những người nói thầm, họ đang thì thầm trong cổ họng rằng: “A! nếu đó chính là đứa trẻ mà anh muốn nói đến, nó đã được đặt nằm trên hệ thống băng chuyển trong một lò giết thịt trẻ con và trong giờ phút này đang thoi thóp trước khi chết, đúng vậy, điều đó có lẽ là tốt nhất!”.

Tiếng la khóc của nhiều đứa bé bao vây Điểu như một cơn gió xoáy. Đôi mắt anh điên dại xoáy một vòng quanh những dãy nôi trong khu chăm sóc, Điểu bước nhanh gần như chạy xuống hành lang: anh có cảm giác lũ trẻ nhìn chòng chọc sau lưng anh.
Trước cửa vào phòng vợ, Điểu cẩn thận đánh hơi đôi bàn tay, cánh tay và vai mình, cả ngực nữa. Chẳng biết phải ăn nói thế nào, nếu vợ anh đang đợi anh trên giường bệnh, đánh hơi được mùi thơm của Himiko trên thân thể anh. Điểu xoay quanh như để kiếm một con đường thoát thân: anh thấy những phụ nữ trẻ trong chiếc áo ngủ đứng dọc theo hành lang đang chòng chọc nhìn anh qua ánh sáng mập mờ, Điểu có ý muốn quắc mắt trả đũa, nhưng anh chỉ lắc đầu một cách yếu ớt và quay lưng, rồi gõ nhẹ cửa phòng. Anh  trình diễn vai trò của một người chồng trẻ vừa gặp phải nõi bất hạnh bất ngờ.
Khi Điểu bước vào phòng, mẹ vợ anh đang đứng bên cửa sổ đầy màu xanh cây lá ngoài vườn và vợ anh đang nhìn về phía anh, đầu nàng nâng lên khỏi đống mền đang phủ kín thân dưới của nàng trông giống như một con chồn. Cả hai ánh mắt đều mang vẻ hoảng hốt dưới ánh sáng nhuốm màu xanh tươi, chói lọi, Điểu nhận ra, trong những thời khắc bất ngờ, buồn khổ, mối quan hệ máu mủ giữa hai người đàn bà này lộ rõ trên cả nét mặt cũng như trong cử chỉ nhỏ nhặt nhất của họ.
“Anh không có ý định làm cho mẹ và em hoảng hốt, anh đã gõ cửa, nhưng nhẹ…”.
“Ồ, anh Điểu”, vợ anh thở dài, nhìn anh với đôi mắt đau buồn rồi đột nhiên tràn trề ngấn lệ. Với khuôn mặt không còn phấn son, trông nàng có vẻ rắn rỏi, nhiều nam tính như thời nàng còn là một cầu thủ quần vợt mà Điểu đã gặp cách đây nhiều năm. Bị bóc trần trước cái nhìn của vợ, Điểu cảm thấy mình bị tổn thương rất nặng. Khi đặt túi nho lên giường, anh cúi rạp người như thể để tìm chỗ trốn và đặt đôi giày xuống dưới gầm giường. Giá mà, anh ước muốn một cách thảm hại, anh có thể nói chuyện với vợ từ sàn nhà và bò quanh như một con cua. Chẳng đặng đừng: Điểu đứng thẳng lên, cố nở nụ cười.
“Em”, anh lên tiếng, cố giữ giọng nhỏ nhẹ, “bây giờ hết đau rồi phải không?”.
“Nó vẫn còn đau theo chu kỳ. Và mỗi lần như vậy luôn luôn có một cơn co thắt. Ngay cả khi không đau chẳng biết vì lý do gì em cũng không cảm thấy khỏe, và lúc em cười nó cũng đau”.
“Thật khốn khổ”.
“Đúng vậy. Anh Điểu này, con mình có điều gì không ổn phải không?”.
“Không ổn à? Nếu có gì thì viên bác sĩ một mắt phải giải thích chứ”. Khi lên tiếng, anh cố giữ giọng nói thanh thót và nhìn nhanh về phía mẹ vợ giống như một võ sĩ thiếu tự tin ném nhanh cái nhìn vào huấn luyện viên của mình. Trong khoảng không gian chật hẹp giữa đầu giường và cánh cửa sổ, bà mẹ vợ đang hối hả ngầm ra dấu cho anh, Điểu không nắm bắt được hết những dấu hiệu bí mật đó, chỉ biết chắc rằng anh chẳng được quyền nói bất cứ điều gì với vợ anh.
“Giá mà họ cho em biết con mình có sao không”, giọng nói của vợ anh như người bị bỏ rơi, Điểu biết rằng con quỉ hoài nghi đã xui khiến  vợ anh thốt lên cùng một câu nói trong cùng một giọng vô vọng như thế này cả trăm lần.
“Có một bộ phận nào đó bị khuyết tật, nhưng bác sĩ không nói rõ chi tiết. Có lẽ họ vẫn còn đang xét nghiệm. Một vấn đề khác nữa là những bệnh viện của trường đại học này quan liêu như quỉ!”. Ngay khi vừa nói ra, Điểu đã cảm thấy mùi hôi thối trong câu nói dối của mình.
“Em vừa biết có lẽ tim con mình có vấn đề nên họ phải làm quá nhiều cuộc thử nghiệm, nhưng tại sao con em lại bị bệnh tim?”. Vẻ hốt hoảng trong giọng nói của vợ lại khiến Điểu cảm thấy mình như đang chạy trốn quanh sàn nhà. Thay vào đó, anh lại nói với giọng khàn khàn, giống như một cậu bé đến tuổi dậy thì: “Đã có các chuyên gia rồi, tại sao chúng ta không để họ chẩn đoán! Có ngồi đoán mò thì cũng vô ích thôi!”.

Cái tên Điểu dối trá đưa đôi mắt tội lỗi quay lại nhìn vợ và thấy nàng nhắm nghiền đôi mắt. Anh nhìn xuống gương mặt của nàng và khó chịu tự hỏi giá mà cái cảm giác cân bằng hàng ngày được trở lại như cũ, hai hàng mi buồn tẻ, đôi cánh mũi phồng lên, và đôi môi có vẻ rộng hơn tỷ lệ bình thường. Vợ anh nhắm mắt nằm bất động, dường như nàng đang ngủ. Đột nhiên, một going lệ trào ra dưới hàng mi của nàng. “Ngay khi đứa bé chào đời, em đã nghe các cô y tá kêu ‘ồ’ lên! Vì vậy, em nghĩ rằng phải có điều gì không ổn. Nhưng rồi em nghe vị giám đốc cười một cách vui vẻ, hoặc là em tưởng như vậy, nên em không thể nói cái gì là thật và cái gì là mơ - khi em tỉnh lại thì con đã được xe cứu thương đưa đi rồi”. Nàng nói mà mắt vẫn nhắm.
Vị giám đốc đầy lông lá đó chó má thật! Cơn giận đã làm tắt nghẹn cổ họng Điểu. Hắn đã ré lên cười đến nỗi một bệnh nhân trong tình trạng gây mê cũng nghe được. Nếu hắn có thói quen như thế mỗi khi ngạc nhiên, tôi sẽ thủ một thanh sắt chờ hắn trong bóng tối và cũng sẽ cười ré lên khi cho hắn tiêu đời. Nhưng cơn giận của Điểu chỉ là cơn giận của một đứa trẻ con, ngắn ngủi trong phút chốc. Anh biết mình sẽ không bao giờ giữ kỹ một thanh sắt nào, không bao giờ nằm chờ ai trong bất kỳ chỗ tối tăm nào. Anh biết rằng mình đã đánh mất yếu tố cần thiết của lòng tự trọng để khiển trách người khác.
“Anh đem cho em một ít nho”, Điểu nói với giọng xin tha thứ.
“Nho à!?”. Vợ anh sừng sộ thốt lên. Điểu nhận ra ngay lỗi lầm của mình.
“Quỉ thật! Anh quên rằng em luôn luôn ghét mùi nho”, anh nói lắp bắp tự trách mình. “Nhưng tại sao anh lại quên điều đó mà đi mua nho cho em chứ?”.
“Có lẽ vì thật sự anh chẳng quan tâm đến em hay con cả. Anh Điểu, có bao giờ anh quan tâm  một cách nghiêm túc đến ai khác ngoài bản thân anh không? Chẳng phải chúng mình đã bàn cãi về món nho khi trù tính thực đơn trong tiệc cưới không? Anh Điểu, làm sao anh có thể quên được chứ?”.
Điểu lắc đầu bất lực. Anh lẫn tránh đôi mắt đầy kích động của vợ, quay sang nhìn bà mẹ vợ vẫn đang ngầm ra dấu cho anh từ trong góc tường chật hẹp. Đôi mắt anh van xin bà giúp đỡ.
“Anh có ý định tìm mua ít trái cây và anh nghĩ rằng nho có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, vì vậy anh mua mà chẳng nghĩ xem vì sao mà chúng đặc biệt. Anh sẽ làm gì với chúng đây?”.
Điểu đã đến cửa hàng nho với Himiko, và chắc chắn rằng sự hiện diện của nàng đã tỏa bóng che mất cái ý nghĩa đặc biệt mà anh cảm thấy. Từ lúc đó đến giờ, Điểu nghĩ, cái bóng của Himiko sẽ đè lên từng đường tơ kẽ tóc của cuộc đời anh.
“Anh phải biết rằng em không thể đội trời chung với ngay cả một quả nho chứ? Cái mùi làm em phát cáu một cách kinh khủng”. Vợ Điểu vẫn không buông tha anh. Anh tự hỏi không biết nàng đã khám phá ra cái bóng của Himiko chưa.
“Sao con không đem hết túi nho xuống cho các cô y tá ở văn phòng?”. Mẹ vợ anh nháy mắt ra hiệu và nói. Ánh sáng lọc qua vòm cây xanh tươi bên cửa sổ chiếu thẳng vào đôi mắt sâu hoắm và hai bên khóe mũi cao của bà thành một vầng sáng xanh lung linh. Cuối cùng Điểu hiểu: lời nói bóng gió của bà mẹ vợ muốn cho anh biết rằng bà cụ sẽ đợi anh ở hành lang khi anh từ phòng y tá trở lại.
“Con  sẽ trở lại ngay”, anh nói. “Văn phòng ở tầng trệt phải không mẹ?”.
“Kế phòng đợi”. Bà trả lời kèm theo cái nhìn Điểu thật lâu.

Điểu cầm túi nho bước xuống dãy hành lang đầy bụi. Anh vừa bước đi thì nho bắt đầu rụng ra khỏi chùm. Mùi thơm của chúng dường như ngấm vào mặt và ngực anh, Điểu nghĩ chắc chắn mùi nho làm cho những người mắc bệnh hen  bị dị ứng. Anh nghĩ đến vợ mình đang nằm nhăn nhó trên giường và người đàn bà có vầng hào quang xanh trong hố mắt đang ra hiệu giống như điệu bộ trong điệu múa Kabuki. Còn bản thân anh thì thế nào khi lại đem  nho ra đùa nghịch với bệnh suyễn! Tất cả đó là một màn diễn, một vở kịch tồi, chỉ có đứa bé với cục bướu trên đầu là thực: chí có đứa bé suy yếu dần vì ăn kiêng bằng cách uống nước đường thay cho sữa. Nhưng tại sao lại nước đường chứ? Đó là một cách tước đoạt phần sữa của thằng bé, nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào việc làm tăng mùi vị của khẩu phần thay thế phải chăng là một thương vụ bẩn thỉu hơn là một mánh khóe đê tiện?
Điểu tặng túi nho cho các cô y tá hết phiên trực rồi tự giới thiệu mình. Đột nhiên, dường như tật nói lắp đã làm anh khổ sở khi còn là một cậu học sinh quay về, anh nhận ra mình không thể thốt lên một lời nào. Anh nấc lên, cúi đầu im lặng rồi vội vã bỏ đi. Tiếng cười trong trẻo của các cô y tá rộ lên sau lưng anh. Tất cả đều là một màn diễn, một sự giả vờ, tại sao mọi thứ phải là hão huyền đến thế? Giận dữ, hơi thở nặng nề, Điểu bước lên một lần ba cấp rồi thận trọng bước qua khu nhi đồng, sợ rằng anh có thể vô ý liếc nhìn vào trong.

Trước bếp ăn dành cho thân nhân người bệnh sử dụng, mẹ vợ Điểu với ấm nước trên tay đang đứng thẳng người một cách kiêu hãnh, Điểu tiến lại gần, nhìn thấy trong đôi mắt của bà một khoảng trống không thảm hại thay vì vầng hào quang trước kia đến độ khiến Điểu rùng mình. Rồi anh nhận ra rằng cách đứng của bà chẳng có gì đáng kiêu hãnh: sự kiệt sức và tuyệt vọng đã cướp đi vẻ mềm mại tự nhiên của cơ thể bà.
Họ trao đổi với nhau vài câu đơn giản, nhưng mắt thì nhìn chừng cánh cửa phòng của vợ Điểu cách đó vài thước. Khi mẹ vợ Điểu xác nhận rằng thằng bé chứa chết, bà nói với vẻ trách móc, “Con không thể dàn xếp mọi chuyện được ngay sao? Nếu con bé thấy con nó, nó sẽ phát điên lên mất!”.
Điểu run sợ, chỉ biết im lặng.
“Giá mà có một bác sĩ trong gia đình”. Người đàn bà nói với tiếng thở dài cô quạnh.
Chúng ta là một lũ sâu mọt, Điểu nghĩ, một liên minh đáng ghét của những kẻ tự vệ. Tuy nhiên, anh giải bày sự việc, giọng thì thầm, đề phòng những bệnh nhân có thể núp sau những cánh cửa đóng kín dọc theo hành lang, giống những con dế lặng câm đang vểnh tai nghe ngóng vì tò mò: “Sữa của thằng nhỏ đang bị giảm và nó được thay bằng nước đường. Viên bác sĩ phụ trách bảo rằng trong vài ngày tới chúng ta sẽ biết kết quả”.
Khi dứt lời, Điểu thấy ám khí đã bao phủ mẹ vợ anh hoàn toàn biến mất. Cái ấm nước đầy dường như quá nặng trên tay bà. Bà chậm rãi gật đầu và bằng một giọng nhẹ nhàng, tuyệt vọng như muốn chợp mắt ngủ ngay, bà lên tiếng, “Ồ, mẹ biết. Vâng, mẹ biết. Khi việc này kết thúc, chuyện bệnh hoạn của thằng nhỏ chỉ có hai mẹ con mình biết thôi”.
“Vâng”, Điểu hứa mà quên rằng anh đã nói với cha vợ.
“Nếu không thì con bé sẽ không bao giờ đồng ý với con nữa đâu anh Điểu ạ”.
Điểu gật đầu, nhưng thái độ phản kháng của anh đối với bà chỉ tăng lên thêm. Lúc này mẹ vợ anh đi vào nhà bếp, còn anh một mình trở lại phòng của vợ. Liệu nàng có biết đến cái mưu mẹo đơn giản này không? Tất cả đều là một vở kịch đang diễn và mỗi nhân vật trong vở kịch đặc biệt này đều là kẻ giá trá.

Khi bước vào phòng, Điểu thấy khuôn mặt của vợ quay về phía mình, anh biết rằng nàng đã quên đi sự kích động về chuyện nho. Anh ngồi xuống mép giường. “Anh tàn tạ quá”, vợ anh nói, bất ngờ đưa bàn tay trìu mến sờ vào má Điểu.
“Anh…”
“Anh trông giống như con chuột cống muốn chạy trốn vào hang”. Anh như bị một cái tát bất ngờ. “Đến nỗi như thế à?” Anh nói với giọng cay đắng, “như một con chuột cống à?”.
“Mẹ sợ anh bắt đầu rượu chè trở lại, đó là cố tật của anh, vô độ, suốt ngày đêm…”.
Điểu nhớ lại những cảm giác say mèm kéo dài, cái đầu nóng bừng và cổ họng khô khốc, bụng đau cơ thể nặng như chì, những ngón tay tê cóng và trí óc bạc nhược. Nhiều tuần liền như một người sống trong hang động bị nhốt kín giữa bốn bức tường rượu mạnh.
“Nếu anh đã bắt đầu uống lại, anh sẽ kết liễu đời mình bằng rượu và chẳng tốt đẹp gì khi mà con chúng ta đang thực sự cần anh. Anh sẽ chết, anh Điểu à”.
“Anh không bao giờ uống lại theo cách đó”, Điểu nói. Quả thật là cái dư vị tàn bạo sau cơn say bí tỉ giống như mãnh hổ vồ lấy anh, nhưng anh đã vuột khỏi nhanh vuốt của nó. Nhưng nếu Himiko không giúp đỡ thì sự thể sẽ ra sao? Chẳng phải anh đã lại một lần trôi giạt trên đại dương tối tăm, tuyệt vọng hàng chục tiếng đồng hồ đó ư? Anh không chắc mình có thể tự thoát được hay không, và cũng không thể đề cập đến Himiko khiến cho việc thuyết phục vợ về khả năng kháng cự sự quyến rũ của rượu đối với anh trở thành khó khăn.
“Anh Điểu, em rất muốn anh sống đàng hoàng. Đôi khi em nghĩ rằng, đến giây phút quyết định thực sự, hoặc là anh sẽ say sưa hoặc là anh sẽ bị ám ảnh bởi một giấc mơ điên rồ nào đó và chỉ sống như người đi trên mây”.
“Sống với nhau ngần ấy thời gian mà em vẫn còn nghi ngờ như thế về ông chồng của em à?”. Điểu nói một cách bông đùa, nhưng vợ anh thì không vấp vào cái bẫy ngon ngọt của anh, ngược lại nàng tiếp tục châm chích:
“Anh biết không, anh thường mơ về chuyện đến châu Phi và nói mớ bằng thổ ngữ Swahili! Từ trước đến nay em đã giữ im lặng về chuyện này, nhưng em biết anh không thực lòng ước muốn một cuộc sống yên ổn, đàng hoàng với vợ con. Đúng thế không anh Điểu?”.
Điểu im lặng nhìn bàn tay khô héo của vợ đang đặt trên đầu gối mình. Sau đó, giống như một đứa con nít phản khảng một cách yếu ớt vì bị rầy la, mặc dù anh nhận ra rằng mình đã xử sự không đúng, anh lên tiếng: “Em nói anh mơ bằng tiếng Swahili, vậy anh nói cái gì thế?”.
“Em không nhớ anh Điểu ạ. Em luôn luôn nửa tỉnh nửa mê, hơn nữa em không biết tiếng Swahili”.
“Thế thì tại sao em tin chắc đó là tiếng Swahili?”.
“Những từ ngữ nghe rất giống tiếng gào của loài dã thú mà ngôn ngữ văn minh không có”.
Điểu im lặng, buồn bả suy gẫm nhận thức sai lầm của vợ về bản chất của thổ dân Swahili.
“Cách đây hai hôm và mới tối hôm qua nữa, mẹ cho em biết anh đang ở một bệnh viện khác, em nghi anh đã say sưa hay trốn đi đâu đó. Quả tình là em đã nghi ngờ đấy anh Điểu ạ”.
“Anh đã quá quẫn trí để nghĩ đến những chuyện như thế”.
“Nhưng sao mặt anh lại đỏ lên kìa!”.
“Vì anh điên lên rồi”, Điểu trả lời một cách cộc lốc. “Tại sao anh phải trốn chạy chứ? Với đứa con vừa sanh và mọi chuyện…”.
“Nhưng khi em nói với anh em có mang, chẳng phải là anh đã nổi gai ốc lên sao? Anh Điểu, anh có thực sự muốn một đứa con không?”.
“Dù gì đi nữa, mọi chuyện cũng phải chờ cho đến khi con nó hồi phục – đó là tất cả vấn đề lúc này”, Điểu lên tiếng cố làm giảm bớt sự căng thẳng.
“Đó là tất cả vấn đề đấy anh Điểu. Và con có hồi phục được hay không là tùy thuộc vào bệnh viện anh chọn và tùy thuộc vào khả năng của anh. Em không thể bước ra khỏi giường, cũng chẳng được ai nói cho biết bệnh tình của con mình ra sao. Em chỉ còn tùy thuộc vào anh thôi, anh Điểu ạ”.
“Thôi được, để anh lo”.
“Không biết em có thể trông cậy vào anh chuyện săn sóc ho con được không, và em đã nghĩ rằng em chưa hiểu anh trọn vẹn. Anh Điểu, anh có phải loại người có trách nhiệm với con cái ngay cả việc phải hy sinh bản than mình không?” Vợ anh hỏi: “Anh có phải loại người can đảm và có trách nhiệm không?”.
Điểu thường nghĩ, nếu anh đã từng tham chiến, anh có thể khẳng định được mình có phải là loại người can đảm hay không. Ý tưởng này đã đến với anh trước những cuộc tranh đấu, những kỳ thi và ngay cả trước cuộc hôn nhân của anh. Và thường anh đã hối tiếc vì không có câu trả lời khẳng định. Ngay cả lòng khát khao được tự trắc nghiệm mình ở vùng châu Phi hoang dã, đối nghịch lại với những điều bình thường, đã từng làm anh kích động với cảm giác rằng anh có thể phát hiện ra câu trả lời trong quá trình đấu tranh với chính mình. Nhưng ngay lúc này Điểu biết mà không cần viện đến chiến tranh hay cuộc thám hiểm châu Phi rằng anh không phải là hạng người được tin cậy: một loại người hèn nhát.
Tức tối vì sự im lặng của anh, vợ Điểu nắm chặt bàn tay đang để trên đùi anh. Điểu ngập ngừng đặt bàn tay mình lên tay vợ: bàn tay ấy nóng ran lên biểu lộ vẻ đang cố nén giận với một thái độ thù nghịch.
“Anh Điểu, em tự hỏi anh có phải là hạng người ruồng bỏ kẻ yếu đuối khi người đó cần đến mình nhất hay không – theo cái cách mà anh đã ruồng bỏ bạn của anh ấy”, vợ Điểu mở to đôi mắt rụt rè như muốn quan sát phản ứng của Điểu”, … cậu bé Kikuhiko phải không?”.

Kikuhiko! Điểu nghĩ. Người bạn nhỏ tuổi hơn anh từ những ngày còn để chỏm ở thị trấn, Kikuhiko đã từng lẽo đẽo theo Điểu như hình với bóng. Một hôm, tại thị trấn lân cận, hai người đã có một kỷ niệm đặc biệt. Nhận công việc săn đuổi một người điên đã trốn thoát khỏi bệnh viện tâm thần, họ đã đạp xe lang thang khắp phố suốt đêm. Trong khi Kikuhiko nhanh chóng buồn chán công việc, bắt đầu làm trò hề, và cuối cùng đánh mất chiếc xe đạp mà cậu đã mượn ở bệnh viện, thì sự say mê của Điểu chỉ tăng lên khi anh nghe những thị dân bàn tán về người điên, và anh vẫn hăng hái tìm kiếm suốt đêm ròng. Kẻ mất trí tin chắc rằng thế giới hiện hữu này là địa ngục, và anh ta khiếp sợ những con chó mà anh cho là ma quỉ trá hình. Lúc rạng sáng, một đàn chó săn giống Đức của bệnh viện được thả ra đi tìm dấu vết người điên, mọi người đồng ý rằng anh ta sẽ chết vì hoảng sợ nếu những con chó cất tiếng sủa. Vì vậy Điểu tìm đến sáng mà không một giây phút nghỉ ngơi. Khi Kikuhiko khăng khăng đòi bỏ cuộc săn đuổi và trở về nhà, Điểu nổi cơn giận, nhục mạ cậu bạn trẻ. Anh nói với Kikuhiko rằng anh biết rõ chuyện quan hệ tình cảm của cậu ta với một người Mỹ đồng tính luyến ái trong CIA. Trên đưởng trở về nhà trong chuyến tàu chót của đêm, Kikuhiko nhìn thấy Điểu vẫn đạp xe trong đêm tối háo hức đi tìm người điên. Chồm người ra cánh cửa sổ, cậu ta la lên gần như khóc”… anh Điểu ơi, em sợ lắm!”.
Nhưng Điểu đã bỏ rơi người bạn đáng thương của mình và tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng anh chỉ đạt được mục tiêu khi phát hiện ra người điên treo cổ trên một ngọn đồi giữa thị trấn, nhưng kinh nghiệm ấy đã đánh dấu một sự chuyển tiếp trong cuộc đời anh. Sáng hôm đó, cỡi xe đi bên cạnh người đạp xe ba gác chở thi thể người điên, Điểu đã linh cảm rằng chẳng bao lâu anh cũng sẽ nói lời từ biệt cuộc đời của một kẻ phạm tội. Mùa xuân tiếp đó, anh vào học một trường đại học ở Tokyo. Chiến tranh Triều Tiên tiếp diễn, và Điểu đã sợ hãi vì những lời đồn đại cho rằng những thanh niên chơi bời lêu lỏng ở tỉnh lỵ sẽ bị bắt vào những đơn vị cảnh sát và đưa xuống tàu thủy chuyển đến Triều Tiên. Những điều gì đâ xảy ra cho Kikuhiko sau khi Điểu đã bỏ rơi cậu ta trong đêm đó? Đối với anh, nó như một bóng ma nhỏ bé đã trôi nổi bềnh bồng từ bóng đêm quá khứ và nói lời chào anh.
“Những điều gì khiến em muốn tấn công anh với chuyện đã qua như chuyện Kikuhiko vậy? Anh đã quên nó ngay sau khi anh kể với em chuyện đó rôi mà”.
“Nếu chúng ta có một đứa con trai, em nghĩ sẽ đặt tên là Kikuhiko”, vợ anh nói.
Đặt tên cho nó! Nếu như thằng bé quái dị ấy cũng có được một cái tên! Điểu co rúm người lại.
“Anh Điểu, em nghĩ có lẽ em sẽ ly dị anh, nếu anh bỏ rơi con chúng ta”. Vợ anh nói. Nàng nằm chống hai chân trên giường, đưa mắt nhìn màu xanh tràn ngập bên khung cửa sổ, lập lại rõ ràng từng chữ một.
“Ly dị à? Chúng ta không thể ly dị được”.
“Có thể không, nhưng chúng ta nên tranh luận chuyện này lâu dài, anh Điểu”. Điểu nghĩ, cuối cùng khi được xác định rằng mình là hạng người hèn nhát, không đáng được tin cậy, anh sẽ bị thải ra lề sống cuộc đời sầu muộn còn lại như một thằng đàn ông không xứng đáng làm chồng. Ngay lúc này, trong khu chăm sóc tràn đầy ánh sáng ở bệnh viện đó, đứa bé đang yếu dầm và sắp chết. Và tôi đang cược tương lai cuộc hôn nhân của chúng tôi vào chuyện tôi có đầy đủ trách nhiệm cho sự hồi phục của đứa bé hay không – tôi đang chơi ván bài mà biết trước mình sẽ thua. Tuy nhiên, vào lúc này, Điểu chỉ có thể chứng tỏ trách nhiệm của mình. “Con nó sẽ không chết”, anh nói lấp lửng.
Vừa lúc đó mẹ vợ anh mang trà vào. Vì bà không trao đổi những tín hiệu ngầm ở hành lang và vợ Điểu cố tình giấu mẹ mình chuyện hiềm khích giữa hai người, nên lần đầu tiên cuộc trà đàm gọn nhẹ của họ chỉ toàn chuyện thông thường, Điểu cũng cố kể câu chuyện khôi hài vô duyên về đứa bé không có gan và ông cha nhỏ con của nó.

***

Để cho chắc, Điểu quay nhìn những cánh cửa sổ bệnh viện và dòm chừng những  người khuất sau đám cây sum suê cành lá trước khi bước đến chiếc xe hơi thể thao màu đỏ. Himiko đang ngủ say, chèn người dưới tay lái như bị nhét vào túi ngủ, đầu kê lên ghế ngồi. Khi Điểu khom người lay nàng dậy, anh cảm thấy mình như được thoát khỏi vòng vây của những người xa lạ và trở về với gia đình thực sự của mình. Như kẻ phạm tội, anh nhìn lui những cành cây rẻ quạt đang xào xạc trên ngọn cao. “Hi, Điểu!” Từ trong chiếc MG, Himiko chào anh giống như một nữ sinh viên Mỹ rồi ngọ nguậy ra khỏi tay lái và mở cửa cho anh, Điểu bước nhanh lên xe.
“Chạy đến căn hộ anh trước, chắc em không phiến chứ? Trên đường đến bệnh viện kia chúng ta có thể ngừng ở nhà băng”.
Himiko de xe ra đường và bất ngờ rồ ga tăng tốc, Điểu mất thăng bằng, vẫn dựa lưng vào thành ghế, nói với Himiko trên đường đến nhà:
“Em tin chắc mình đã tỉnh ngủ rồi chứ? Hay em nghĩ rằng mình đang bay trên đường cao tốc trong mơ?
“Dĩ nhiên em tỉnh rồi! Em mơ thấy mình đang làm tình với anh”.
“Lúc nào em cũng nghĩ đến chuyện đó hay sao?” Điểu ngạc nhiên hỏi.
“Vâng, sau cuộc truy hoan như tối qua. Chuyện này không hẳn thường xảy ra, và ngay cả với anh cái trạng thái căng thẳng như thế cũng không kéo dài mãi mãi. Anh Điểu này, nếu như anh biết phải làm gì để biến cuộc sống thành một bài ca tuyệt diệu thì quả là thú vị lắm phải không? Trước khi chúng ta trải qua cái kinh nghiệm ấy, cả anh lẫn em cũng không thể che dấu  sự chán chường khi trần truồng nhìn nhau”.
“Nhưng chúng ta chỉ mới bắt đầu mà!” – Điểu bắt đầu lên tiếng trong lúc bàn tay điên cuồng của Himiko trên tay lái làm chiếc MG khuấy tung con đường lát sỏi rồi lao thẳng vào khu vườn.
“Năm phút nữa anh sẽ xuống, bằng ấy thời gian em cố thức nhé. Em không thể mơ mộng nhiều trong năm phút được đâu!” Trong phòng ngủ trên lầu, Điểu tập trung vài thứ mà anh cần ngay trước mắt khi ở lại nhà Himiko. Anh mang chiếc xe nôi của con trên lưng: nó giống như một cổ áo quan bé nhỏ, màu trắng. Vật cuối cùng anh gói theo là quyển tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh của một nhà văn châu Phi. Sau đó, anh lấy những tấm bản đồ châu Phi treo trên tường xuống, cuộn lại một cách cẩn thận rồi nhét vào túi áo khoác.
“Chúng là bản đồ chỉ đường phải không?” Himiko nhìn vào túi áo khoác của Điểu bằng đôi mắt tinh tế và hỏi. Họ lại quay ra đường, lái xe thẳng đến ngân hàng.
“Đúng thế. Những tấm bản đồ này em có thể sử dụng được”.
“Như thế thì em có thể tìm ra một con đường tắt đến bệnh viện của đứa bé trong khi anh vào nhà băng”.
“Đùa cho vui vậy thôi. Đây là những tấm bản đồ châu Phi”, Điểu nói, “những tấm bản đồ chỉ đường đầu tiên mà anh có”.
“Có lẽ sắp đến lúc anh có thể sử dụng chúng rồi đấy”. Himiko lên tiếng pha một chút chế giễu.
Để cho Himiko nằm thu người dưới tay lái và bắt đầu rơi vào giấc ngủ, Điểu vào văn phòng đóng viện phí cho con. Nhưng thiếu tên đứa bé lại sinh ra vấn đề. Điểu trả lời những câu hỏi liên tục của cô nhân viên ở vuông cửa phòng tiếp tân và cuối cùng anh lên tiếng phản đối: “Con tôi sắp chết rồi. Có thể nó chết rồi cũng nên. Vậy thì xin cô vui lòng cho tôi biết tại sao tôi buộc phải cho nó một cái tên?” Anh bướng bỉnh nói.
Cô nhân viên bối rối một cách đáng thương, đành chịu thua. Khi thốt lên những lời như vậy, lúc ấy Điểu có cảm tưởng mà không lý do đặc biệt nào rằng thằng bé đã chết rồi. Anh lại còn hỏi thăm để làm thủ tục giải phẫu và tang ma.
Nhưng viên bác sĩ gặp Điểu ở khu chăm sóc đặc biệt đã làm cho anh tỉnh ngộ ngay”. Anh căn cứ vào đâu mà nôn nóng chờ cái chết của con anh vậy? Viện phí ở đây không cao, anh biết đó! Và anh phải có bảo hiểm y tế. Thực tế là con anh đang yếu, nhưng dù sao đi nữa nó vẫn còn sống. Vì vậy tại sao anh không thư giãn đi một chút và hành xử như một người cha? Anh thấy sao?”.
Điểu viết số điện thoại của Himiko vào quyển số nghi nhớ của viên bác sĩ và yêu cầu ông ta gọi cho anh khi có điều gì xảy ra. Anh cảm thấy mọi người trong khu chăm sóc đặc biệt xem anh như một vật đáng ghê tởm, vì thế anh đi thẳng ra xe, không dừng lại để nhìn vào lồng ấp con mình. Sau khi chạy dưới trời nắng và qua khu bệnh viện, người Điểu cũng ướt sũng mồ hôi chẳng kém gì Himiko đang ngủ trong xe mở cửa.

Suốt buổi chiều hôm đó, họ chỉ chú ý đến điện thoại. Ngay cả lúc phải đi mua đồ ăn tối, Điểu cũng ở nhà, sợ điện thoại reo trong khi anh ra ngoài. Sau bữa cơm tối, họ nghe một nghệ sĩ Nga quen thuộc biểu diễn dương cầm trên radio, nhưng với âm lượng thật nhỏ để có thể nghe được tiếng chuông điện thoại reo. Cuối cùng Điểu ngủ thiếp đi, nhưng trong giấc mơ anh vẫn thức, nghe tiếng chuông ma quái reo lên và bước tới máy điện thoại để kiểm tra. Anh nhấc ống nghe và nghe tiếng của viên bác sĩ cho biết cái chết của đứa bé. Vào khoảng nửa đêm, Điểu lại thức giấc, anh cảm thấy căng thẳng như một tên tội phạm giết người trong thời gian tạm hoãn án hành quyết. Và anh khám phá ra mình có được nguồn động viên sâu xa, mãnh liệt khi có Himiko bên cạnh suốt đêm chứ không phải một mình. Từ khi trưởng thành đến giờ, anh chưa một lần cần một người khác đến như vậy. Đây là lần đầu tiên.












 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 815
Ngày đăng: 20.02.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 43: Dẫu có lỗi lầm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 42: Tình yêu là gì?) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 7) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 39: Gương mặt thủy thần) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 38:Thoát chết) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 6) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 37: Kẻ bị thần núi bắt mất linh hồn) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)