Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
723
116.709.330
 
Luyện văn – luyện tư cách
Lê Ký Thương

 

 

Năm tôi học đệ lục (lớp 7 bây giờ) không biết ma xui quỉ khiến thế nào, bỗng dưng tôi muốn trở thành... nhà văn.

 

Nhưng trớ trêu thay, tôi là một học sinh dốt văn trong lớp! Bài luận cô giáo ra đề tả một đám cháy, tôi nhớ mình đã viết câu: Sau đám cháy, chỉ còn lại một đống tro tàn vô giá của khu nhà ổ chuột. Cô giáo đã sửa câu này thành: Sau đám cháy, khu nhà ổ chuột chỉ còn lại một đống tro tàn... và gạch đỏ hai chữ vô giá rồi ghi bên lề bài luận của tôi: Em định bán đống tro này bao nhiêu? Còn ô ghi: lời phê của giáo sư, thì hiện lên câu: ý được, nhưng văn lủng củng. Thật sự thì lúc đó tôi chưa hề chứng kiến một đám cháy nào, chỉ viết một cách khó khăn theo trí tưởng tượng non kém của mình.

 

Sau bài luận này, cô giáo khuyên tôi nên tìm đọc quyển Luyện văn của Nguyễn Hiến Lê.

 

Về sách đọc thêm, đối với một học sinh nhà quê nghèo như tôi quả thực là khó có. Hồi đó, cả tỉnh tôi chưa có thư viện công cộng, tôi biết chỉ có phòng đọc báo của Ty Thông tin, nơi tôi thường vô đọc báo ngày và dẫu thèm đọc những quyển tạp chí Văn hóa chưng trong tủ kính cũng không được, vì chúng chỉ để làm cảnh.

 

Ước muốn trở thành nhà văn thôi thúc tôi tìm mượn quyển Luyện văn. Một người bạn cùng lớp mách cho tôi biết ngoài phòng đọc báo của Ty Thông tin còn có phòng đọc sách báo của đoàn thể Thanh Sinh Công (Thanh niên, học sinh Công giáo) nằm trên đường Lê Quí Đôn (Nha Trang), do một thầy dòng Phan-xi-cô phụ trách. Nơi này có cả báo ngày, tạp chí, và sách cho mượn đọc tại chỗ.

 

Duyên may, Luyện văn là quyển sách đầu tiên trong số nhiều tác phẩm của bác Lê mà tôi được đọc.

 

Tôi phấn chấn khi cầm cuốn sách trong tay, nhưng khi đọc tiêu đề đầu tiên ở Chương I thì bỗng nhiên tôi... vỡ mộng cho riêng mình: ''Nghề cầm bút rất bạc bẽo, những cũng rất say mê''. Bác Lê dẫn giải: ''Ở nước ta, mười nhà văn (thi sĩ và văn sĩ) thì năm, sáu người oán nghề của mình và cho nó là một nghiệp chướng. Tản Đà phàn nàn ''văn chương hạ giới rẻ như bèo''. Một trăm nhà văn chỉ sống về nghề cầm bút mà lại biết trọng cây viết của mình thì 99 người lâm trong cảnh khốn cùng''. Câu này như một gáo nước lạnh tạt vào mặt giúp tôi tỉnh người và tự nghĩ: Rõ đúng mình là con nhái mà muốn trở thành con bò! Hết sức ảo tưởng. Vả lại, cha mẹ cố công cố sức cho mình ăn học để có chút ít chữ nghĩa, kiếm cái nghề đàng hoàng nuôi thân sau này chớ cha mẹ nào muốn con lâm vào cảnh khốn cùng.

 

Nhưng khi tôi đọc đến những đoạn tiếp theo, bằng lời lẽ động viên ôn tồn của bác Lê, tôi an tâm hơn. Bác Lê không khuyên hết thảy mọi người nên lựa nghề cầm bút, nhưng bác nghĩ ''ai cũng nên tập viết văn để biết một cách tiêu khiển thanh nhã...''. Theo bác, ''luyện văn tức là luyện tư cách, nâng cao nhân phẩm lên'', như vậy thì đáng cho mình phải gắng công học tập và rèn luyện chứ. ''Chịu học tập thì dù không có thiên tư, ta viết văn cũng kha khá được, còn như không chịu mất công thì dù có khiếu, cũng vị tất đã thành công''.

 

Trong quyển Luyện văn I có tất cả 16 chương thì 6 chương bác Lê viết về ''đức'': Đức sáng sủa, Đức tinh xác, Đức gọn, Đức thành thật và phép miêu tả, Đức đặc sắc, Đức biến hóa. Đó là những chương gây ấn tượng sâu đậm cho tôi nhất. Bác chẳng sợ mích lòng ai, kể cả những bậc thiên tài như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, khi phân tích cho chúng ta thấy những chỗ không hay, không hợp lý trong thơ văn của họ bằng lời lẽ nhu hòa và chân xác. Những điều này tôi không được học trong trường, không có trong những quyển sách giáo khoa. Chính nhờ nó, trí óc non nớt của tôi mới vỡ ra: dù thiên tài (ở bất kỳ lãnh vực nào) cũng không tuyệt đối hoàn hảo, nếu bây giờ người ta chưa phát hiện chỗ không ổn của họ thì tương lai cũng có người thẳng thắn chỉ cho chúng ta thấy những chỗ đó. Từ đó tôi bắt đầu theo lời khuyên của bác Lê tập tính nhận xét và suy nghĩ độc lập...

 

Cách nay hơn nửa thế kỷ, từ khi quyển Luyện văn I xuất bản lần đầu, bác Lê đã viết: ''Đã đành, khi mới tập viết, ai cũng phải bắt chước những nhà văn có tài năng, kinh nghiệm; nhưng điều quan trọng vẫn là phải tập cho trẻ nhận xét lấy đã; nếu thấy chúng nhận xét sai thì ta sửa đổi rồi chỉ, trong trường hợp đó, các đại bút nhận xét ra sao. Vậy nếu ra đầu đề ''Tả một bến tàu'' thì ta phải dắt trẻ tới bến tàu, hướng dẫn qua loa rồi để mậc chúng nhận xét lấy. Đừng nên cho một bài ám tả hoặc một bài tập đọc về một bến tàu rồi biểu các em phỏng theo đó mà viết. Ta cũng không được giảng hết bài, để chúng chỉ nhớ lời của ta rồi chép lại. Lối cho chép những bài luận kiểu mẫu cũng rất tai hại. Nó chỉ tập cho trẻ cái thói mà hầu hết chúng ta bây giờ đều mắc phải, là thói nhìn bằng cặp mắt người khác, và ''tả ở trong phòng'', nghĩa là tả theo tưởng tượng mà không thèm quan sát.'' Thiết nghĩ, những ý kiến này hiện giờ vẫn còn giá trị không những trong nhà trường mà cả ngoài xã hội.

 

Theo bác Lê: ''Lỗi viết sai sự thực còn một nguyên nhân nữa là tác giả sơ ý, không biết nhận xét, hoặc nhận xét không kỹ, không kiểm soát tài liệu''.

 

Khi đọc lại câu này, bỗng nhiên tôi nhớ đến một vài chi tiết sai sự thực trong bộ trường thiên tiểu thuyết, đã được quay thành phim truyền hình nhiều tập, của một nhà văn-học giả nổi tiếng đương thời. Trong đó, nếu tôi nhớ không lầm thì ông tả cảnh một chiến sĩ liên lạc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam lái xe honda dame chạy trong chiến khu vào thời chế độ Ngô Đình Diệm cai trị Miền Nam, và một học sinh hoạt động nội thành trong thời điểm 1965 học tiếng Anh theo bộ English For Today!

 

Theo tôi biết thì xe honda dame của Nhật, còn gọi là honda quân tiếp vụ, do Mỹ viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa  vào năm 1965, mỗi quân nhân được đăng ký mua một chiếc với giá rẻ và được phân phối từng đợt. Còn bộ English For Today gồm 6 cuốn đến năm 1968 mới được dùng giảng dạy trong nhà trường miền Nam, thay thế cho bộ Practise Your English!

 

Đó là chi tiết sai trong văn chương mà bác Lê đã có nhận xét: ''Ở nước ta chắc chưa có văn sĩ nào chịu khó tìm tài liệu như Guastave Flaubert. Trước khi viết tiểu thuyết ''L'Educationn sentimental'', ông lại thư viện đọc những sách về cuộc cách mạng ở Pháp, rồi viết thư hỏi han bạn bè về phong trào Tân Cơ Đốc (néo- catholique) vào năm  1840, về đời sống của thợ thuyền ở Lyon thời đó. (...) Ông định tả đường xe lửa từ Paris đến Fontainebleau trong năm 1848, nhưng sau ông biết năm 1849 mới bắt đầu có đường ấy, ông phải bỏ đi hai đoạn dài trong bản thảo rồi tra cứu xem khi chưa có xe lửa thì người ta đi bằng cách nào, lên xe ở đâu, xuống xe ở đâu. (...) Chính vì chịu khó tra cứu như vậy mà những tiểu thuyết của ông gợi được rõ ràng hình ảnh thời xưa và ông được người đời sau suy tôn làm tổ của phái Tả chân ở Pháp''.

 

Tôi lại nhớ đến chuyện ''không kiểm soát tài liệu''.

 

Trong quyển Lịch sử Việt Nam, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981, ở chương viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Trung kỳ, có nhắc đến ông Ba Su ở Phú Yên. Tôi nghi ngờ cái tên Ba Su là không có thật trong lịch sử chống Pháp của tỉnh này, bèn hỏi một nhà văn có tiếng, lớn tuổi, quê Phú Yên thì được trả lời: ''Ở Phú Yên của qua chỉ có ông Bá Sự, một trong những người tập hợp phong trào nông dân nổi lên chống Pháp trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chớ ông Ba Su thì qua hổng biết. Bá là chức danh bá hộ, còn Sự là tên riêng. Qua nghĩ người ta viết Ba Su là dựa theo tài liệu của Tây mà hổng chịu kiểm chứng...''!

 

Bác Lê còn nhắc nhở: ''Muốn cho dụng ngữ được phong phú, ta phải đọc nhiều, nghe nhiều, từng trải nhiều, du lịch nhiều và thường dùng tự điển'', và phê bình: ''Nhiều khi ta dùng tiếng không đúng vì ta biếng nhác, cứ hễ tiếng nào hiện ra trong óc là ta vội ghi liền, không chịu cân nhắc kỹ lưỡng''.

 

Về cách dụng ngữ, lâu nay, tôi thường thấy và nghe báo đài từ trung ương đến địa phương dùng hai cặp từ ''di dời'', ''in ấn'' và “fan hâm mộ”. Tôi nghĩ, từ di nguyên gốc tiếng Hán, được Việt hóa, cùng nghĩa với dời, còn in là tiếng Việt cùng nghĩa với ấn tiếng Hán, như vậy các nhà báo, nhà đài chỉ cần nói hay viết dời hoặc in là đủ nghĩa, tại sao họ cứ thích ''di dời'' và ''in ấn''? Rồi, đã là “fan” thì hà cớ gì them cái đuôi “hâm mộ”

Hay lỗi tại mình không theo kịp đà phát triễn của tiếng Việt?

 

Theo thói quen dùng tự điển mà tôi học được qua sách của bác Lê, lật quyển Tự điển Tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988, trang 3 có in thủ bút của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề ngày 7-3- 1987 giới thiệu: Quyển Tự điển tiếng Việt này là quyển tự điển đầu tiên ở nước ta do một tập thể cán bộ ngôn ngữ học biên soạn trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ. Nó có tác dụng thiết thực với việc chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là quyển sách cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, học tập, trau dồi tiếng Việt..., tìm mục từ di  in thì hoàn toàn không có hai cặp từ trên

 

Mộng trở thành nhà văn của tôi đến nay vẫn chưa thành, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ quyển Luyện văn I của bác Nguyễn Hiến Lê, nên cảm thấy tự tin khi viết một câu tiếng Việt. Và mỗi lần cầm cây viết hay ngồi trước computer, hình ảnh đống tro tàn vô giá ngày xưa lại hiện lên trong trí tôi như để nhắc nhở tôi: hãy viết câu văn sạch.

 

Sài Gòn, 2003

 

 

(*) Những câu, đoạn trong dấu ''...'' được trích từ quyển Luyện văn I của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa-Thông tin, 1993.

       

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 927
Ngày đăng: 06.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô bé bán ruốc - Võ Quê
Quyển sách - Trần Hạ Vi
Tản mạn về khổ đau và vượt thoát khổ đau - Phạm Nga
Xóm bông ơi, Thược dược ơi, còn không ? - Trang Thùy
Tiếng chuông - Bạch Diệp
Nhớ gió Tuy Hòa - Lê Ký Thương
Thị ơi thị rơi bị bà… - Trang Thùy
Điệu luân vũ chóng mặt - Nguyễn Thỵ
Sài Gòn, nhớ... - Lê Ký Thương
Trong chiều tối - Nguyễn Thị Kim Lan
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)