Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
711
116.715.170
 
1929 - Thomas Mann (Đức, 1875 – 1955)
Lê Ký Thương

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000) 

 

(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

           

Tiểu thuyết hiện thực - người ta có thể gọi nó là một thiên sử thi hiện đại ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lịch sử và khoa học - là sáng tạo của người Anh, Pháp và Nga, với những tên tuổi như Dickens và Thackeray, Balzac và Flaubert, Gogol và Tolstoy. Không có đóng góp đáng kể nào từ nước Đức trong một thời gian dài. Đến cuối thế kỷ thứ 19, khi một nhà văn trẻ 27 tuổi, con trai một thương gia từ thành phố Hanse cổ xưa của xứ Lubeck, phát hành cuốn  tiểu thuyết Buddenbrooks (1901) thì hai mươi bảy năm sau, kể từ ngày, ấy đã chứng minh rằng Buddenbrooks chính là tác phẩm lấp đầy khoảng trống đó. Đây chính là cuốn tiểu thuyết hiện thực đầu tiên của nước Đức và vẫn chưa có ai vượt qua được về mặt văn phong kỳ vĩ của nó. Chính nó đã tạo ra một chỗ đứng bình đẳng và không thể chối cãi trong dòng văn học châu Âu.

 

Buddenbrooks là một cuốn tiểu thuyết viết về giai cấp tư sản, vì thế kỷ mà nó mô tả là thời đại của giai cấp tư sản. Nó mô tả một xã hội không quá lớn khiến người đọc phải bối rối nhưng cũng không quá hạn hẹp làm cho người ta phải ngạt thở. Một cấp độ vừa phải thích hợp cho một nhà phân tích thông minh, sâu sắc, tinh tế và một  phản ảnh phức tạp. Chúng ta bắt gặp một nền văn minh tư sản với tất cả những sắc thái của nó, những chân trời lịch sử, những sự thay đổi thời đại, thay đổi thế hệ, sự chuyển đổi dần dần từ  những nhân vật độc lập, mạnh mẽ, không e thẹn đến những loại nhân vật đầy suy tư với tính đa cảm yếu đuối. Cách trình bày rõ ràng nhưng đi sâu vào phần chìm để che dấu quá trình phát triển của cuộc sống; nó đầy uy lực nhưng không thô bạo, và chạm nhẹ nhàng vào những điều tế nhị, nó buồn và nghiêm túc nhưng không bao giờ là tuyệt vọng vì nó tràn đầy tâm trạng trầm tĩnh, sâu lắng được phản chiếu một cách đa dạng màu sắc trong lăng kính của một trí thông minh châm biếm.

 

Trong một truyện ngắn sâu sắc nhất của Thomas Mann, Tonio Kroger (1903), ông đã tìm ra những từ ngữ xúc động đơn giản nhất để diễn tả tình yêu cuộc đời. Nó biểu hiện óc phê phán, tự  quan sát, tinh tế về mặt tâm lý, sâu sắc về mặt triết lý và cảm quan mỹ học đối với chàng trai Thomas Mann như những sức mạnh tàn phá và phân hủy. Vì ông đứng ngoài thế giới tư bản mà ông mô tả, ông có cái nhìn tự do, nhưng ông có cảm giác luyến tiếc quá khứ vì đánh mất tính ngây thơ trong sáng, một cảm giác cho ông am hiểu, đồng cảm và kính trọng.

 

Các truyện ngắn trong Tonio Kroger và Tristan (1903) mô tả về những cuộc sống đày đọa, những kẻ say mê nghệ thuật, tri thức, và cái chết, thú nhận niềm ao ước của họ về một cuộc sống đơn giản và lành mạnh, về ''cuộc sống vô vị đầy sức cám dỗ của nó''. Chỉ có tình yêu nghịch lý của riêng Mann dành cho bản chất hạnh phúc và đơn giản mới có thể nói lên được những điều đó.

 

Trong tiểu thuyết Vị Hoàng tử - Konigliche Hoheit (1909), hình thức hiện thực của nó ngụy trang bằng một câu chuyện tượng trưng, ông đã hòa hợp cuộc sống của một nghệ sĩ với cuộc sống của một con người hành động, và ông đã đề ra phương châm cho lý tưởng con người đó: ''sự cao quý và tình yêu - một niềm hạnh phúc đơn sơ''. Nhưng sự tổng hợp này không thuyết phục cũng không sâu sắc như phản đề trong Buddenbrooks và ở các truyện ngắn khác. Trong vở kịch Fiorenza (1906), nhà đạo đức học Savonarola và nhà mỹ học Lorenzo di Medici như những kẻ thù không đội trời chung, hố ngăn cách giữa con người với con người lại lộ ra lần nữa. Trong tác phẩm Cái chết ở thành Venice - Der Tod in Venedig - (1913) nó lại chạm vào ý nghĩa bi kịch.

 

Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và hậu quả của nó buộc Mann phải từ bỏ thế giới của lòng ngưỡng mộ, sự phân tích tài tình và cách nhìn tinh tế về cái đẹp, để quay lại với thế giới của hành động thực tiễn. Ông đi theo lời chỉ bảo của riêng mình, hàm ý trong cuốn tiểu thuyết Vị Hoàng tử của ông, rằng hãy cảnh giác với cái dễ dãi và tiện nghi, và tự buông mình vào một nhận định mới đầy đau đớn về vấn đề đất nước của ông đang đối diện với thời kỳ tai họa. Đặc biệt cuốn tiểu thuyết Ngọn núi kỳ bí - Der Zauberberg (1924), minh họa cuộc đấu tranh tư tưởng mà bản chất biện chứng của ông chiến đấu đến phút cuối và nó báo trước những tuyên ngôn về quan điểm của ông./

 

 

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 405
Ngày đăng: 27.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1928 - Sigrid Undset (Na-uy, 1882 – 1949) - Lê Ký Thương
Nhà Văn Cung Tích với truyện ngắn "Ngoại Ô, Dĩ An và linh hồn tôi". - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (Phần 83) Lương Túy Vân, nhà thơ “Riêng một góc trời” - Trần Dzạ Lữ
NĂM 1927 - Henri Bergson (Pháp, 1859 – 1941) - Lê Ký Thương
1926 - Grazia Deledda (Ý, 1871 – 1936) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần cuối ) - Đỗ Nguyễn
1925 - George Bernard Shaw (Anh, 1856 –1950 - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 15) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 14) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 13) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)