Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
735
116.716.467
 
Một nỗi đau riêng: Tiểu thuyết(Chương 3)
Lê Ký Thương

 

Lê Ký Thương  dịch từ A Persional Matter của Nhà văn Nhựt Bản Oe Kazenburo.

 

3


Điểu ngồi trên tam cấp trước khu chăm sóc tập trung, kẹp chặt đùi bằng đôi tay đầy bụi, trong một cuộc vật lộn với sự mệt mỏi đã triền miên săn đuổi anh từ khi những giọt nước mắt cạn khô, thì viên bác sĩ có con mắt giả từ khu chăm sóc hiện ra nhìn phá ngang, Điểu đứng dậy và viên bác sĩ nói: “Bệnh viện này quan liêu thấy mẹ, cả những y tá cũng chẳng buồn nghe anh nói một lời”. Sự thay đổi bất ngờ trong con người này đã có từ khi họ cùng ngồi trong xe cứu thương: giọng nói của anh ta có vẻ bực bội. “Tôi có lá thư giới thiệu của vị giám đốc chúng ta đến vị giáo sư y khoa ở đây – họ là bà con xa với nhau! – và tôi chẳng tìm ra ông ta ở đâu cả!”.

Bây giờ Điểu hiểu tâm trạng chán ngán bất ngờ của viên giám đốc. Ngay trong khu chăm sóc này, mọi người đều được đối xử như một đứa con nít: viên bác sĩ trẻ có con mắt giả đã bắt đầu hồ nghi phẩm giá của mình.
“Còn đứa bé thì sao?” Điểu hỏi và ngạc nhiên về sự ái ngại trong giọng nói của mình.
“Đứa bé à? Ồ, chúng ta chẳng biết được gì hơn khi bác sĩ giải phẫu não khám xét xong, nếu đứa bé còn sống được cho đến lúc đó. Nếu nó không sống thì sau cuộc giải phẫu, chúng ta sẽ biết đầy đủ chi tiết hơn. Tôi không tin rằng đứa bé có thể chịu đựng hơn một ngày – khoảng ba giờ chiều mai anh phải tạt lại đây thăm nó. Nhưng tôi xin báo cho anh biết: bệnh viện này thật quan liêu – ngay cả các y tá!”.

Tỏ vẻ không muốn nghe thêm một câu hỏi nào nữa của Điểu, viên bác sĩ đảo cả hai mắt, thật lẫn giả, nhìn lên trần nhà rồi bỏ đi. Điểu đi theo anh ta như một người thợ giặt, nách bên hông cái giỏ trống trơn. Trên hành lang dẫn đến mái hiên chính, họ gặp người tài xế xe cứu thương và anh chuyên viên gây mê. Hai người này dường như thấy ngay rằng thái độ vui vẻ hồi sáng sớm của viên bác sĩ đã biến mất. Và chính họ cũng không còn giữ thái độ tự mãn: trong khi họ lái chiếc xe cứu thương chạy như bay qua trung tâm thành phố như chạy qua chỗ không người, bóp còi inh ỏi một cách tự phụ và vượt cả đèn đỏ thì phẩm giá của họ đã được thổi phồng lên trong bộ đồng phục của họ. Nhưng ngay lúc này thì điều ấy cũng đã qua đi. Nhìn từ sau lưng, Điểu thấy hai người này giống như anh em sinh đôi. Họ không còn trẻ nữa, có chiều cao và dáng dấp trung bình, và cả hai đều hói như nhau.

“Công việc đầu tiên của ngày hôm nay đối với anh là cần dưỡng khí, anh cần nó suốt ngày đó”, một người nói với vẻ thông cảm.
“Đúng rồi, lúc nào anh cũng nói như thế mà”, người kia trả lời cùng một thái độ.

Viên bác sĩ một mắt lờ đi cuộc trao đổi nhỏ này, Điểu, mặc dù không mấy xúc động, hiểu rằng hai người này đang ấp ủ nỗi lo âu  của nhau, nhưng khi anh quay lại người phụ trách bình dưỡng khí và gật đầu một cách đầy thiện cảm, thì anh ta trở nên cứng rắn như thể bị chất vấn, và gắt gỏng càu nhàu “cái gì vậy?” buộc Điểu phải trả lời, Điểu bối rối nói: “Tôi muốn biết về chiếc xe cứu thương – anh cũng bóp còi vượt đèn đỏ trên đường trở về chứ?”.

“Trên đường trở về à?” Giống như hai ca sĩ sinh đôi có cùng một giọng ca thiên phú, hai nhân viên cùng lập lại câu hỏi trong cùng một giọng, đưa mắt nhìn nhau, mặt họ đỏ bừng lên như người say rượu, và cười hô hố làm phồng cả hai cánh mũi. Điểu vừa giận câu hỏi ngớ ngẩn của mình lẫn câu trả lời của hai anh nhân viên. Và sự giận dữ ấy bắt nhịp với cơn phẫn nộ mà anh cố nén trong lòng. Cơn giận có từ lúc hừng đông càng lúc càng tăng áp lực bên trong mà anh không có cách nào làm cho nó thoát ra được.
Nhưng lúc này hai anh nhân viên có vé bối rối, như thể họ hối tiếc vì đã cất tiếng cười khinh suất một người cha trẻ bất hạnh. Vẻ đau khổ rành rành trên khuôn mặt của họ đã làm dịu bớt cơn tức giận của Điểu. Ngay cả anh cũng cảm thấy một nỗi nhức nhối ăn năn. Ai là người đã đặt câu hỏi cực kỳ ngớ ngẩn đó đầu tiên? Và chẳng phải là câu hỏi bắt nguồn từ sự mụ mẫm trong đầu vì nỗi thống khổ và thiếu ngủ của anh sao?

Điểu nhìn vào chiếc giỏ mây của đứa bé dưới tay mình. Bây giờ nó giống như một lỗ trống được đào không để làm gì. Trong giỏ chỉ còn có cái mền được xếp lại, vài miếng bông gòn và một cuộn băng mỏng. Máu thấm trên bông và băng, vẫn còn đỏ tươi, đã ít nhiều gợi lên hình ảnh một đứa bé đầu quấn băng nằm trong đó, thở bằng dưỡng khí qua ống cao su thông qua hai lỗ mũi. Điểu cũng không tài nào nhớ lại một cách chính xác cái đầu kỳ lạ của đứa bé, hay cái màng nhầy sáng lung linh bọc kín bằng lớp da đỏ rực của nó. Ngay lúc này, hình ảnh của đứa bé cũng nhanh chóng lùi xa trong ký ức của anh. Điểu cảm thấy trong lòng mình mang một nỗi sợ hãi sâu xa trộn lẫn với sự khuây khỏa một cách tội lỗi. Anh nghĩ: chẳng mấy chốc tôi sẽ quên hết đứa bé, một cuộc đời hiện ra ngoài cõi tối tăm vô hạn, lơ lửng chin tháng trong bào thai, nếm qua vài tiếng đồng hồ tình trạng bất an tàn khốc, và rồi lại bước vào cõi tăm tối, tận cùng và vô định. Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu tôi quên đứa bé ngay. Cho đến lúc chết, tôi có thể nhớ, và lúc này đây, tôi đang nhớ, nếu sự đau đớn và sợ hãi của cái chết gia tăng trong người tôi, tôi sẽ thực hiện một phần nhỏ bổn phận của tôi như một người cha.

Điểu và những người kia tới lối vào phía trước hiên chính. Hai anh nhân viên chạy đến bãi đậu xe. Vì nghề nghiệp của họ luôn luôn đặt họ trong tình trạng khẩn cấp, cho nên việc chạy bá thở là biểu lộ một thái độ bình thường trong cuộc sống. Họ chạy vụt qua khu nhà kiên cố sang lấp lánh, hai tay vung vẫy, như thể có con quỷ đói đang đuổi theo chân họ. Trong lúc ấy, từ phòng điện thoại công cộng viên bác sĩ một mắt gọi về bệnh viện xin gặp bác sĩ giám đốc. Anh giải thích tình cảnh của đứa bé một cách vắn tắt: hầu như chẳng có sự tiến triển nào mới đế báo cáo. Mẹ vợ của Điểu đến nghe điện thoại... “Mẹ vợ của anh đây”, viên bác sĩ quay lại nói với Điểu. “Anh có muốn nói chuyện với bà không?”.

Không đâu! Điểu muốn la lên. Bởi vì những cuộc điện đàm thường xuyên đêm hôm trước, tiếng nói của mẹ vợ qua đường dây điện thoại đến tai anh, giống tiếng kêu vo ve vô vọng của một con muỗi, như một nỗi ám ảnh đã săn đuổi Điểu. Điểu đặt cái giỏ của đứa bé xuống nền nhà bê-tông và buồn bã cầm lấy ống nghe.
“Bác sĩ chuyên môn về não chưa khám nghiệm. Con phải trở lại vào chiều mai”.
“Nhưng vấn đề chính là gì? Mẹ muốn nói con có hy vọng làm được cái gì không?” Bà mẹ vợ hỏi lại Điểu với giọng nói mà anh đã từng mong được tha thứ nhiều nhất, vì anh nghĩ bà cho anh là kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp trong chuyện này.
“Vấn đề chính là ở chỗ lúc này đứa bé còn sống”, Điểu trả lời và chờ đợi với một linh cảm rằng bà sẽ giận dữ nói lại. Nhưng bà im lặng, từ đầu giây bên kia chỉ có mỏng manh một tiếng thở dài lo lắng.
“Con sẽ đến đó và giải thích cho mẹ biết”, Điểu nói và bắt đầu gác máy.
“Alô? Con đừng lại đây nhé”. Bà mẹ vợ vội vàng nói thêm. “Vợ con nghĩ con đã đưa đứa bé đến một dưỡng đường tim. Nếu con đến lúc này nó sẽ nghi ngờ. Con nên đến vào hôm khác thì sẽ tự nhiên hơn, khi đó vợ con bình tĩnh hơn, và nói rằng thằng bé chết vì suy tim. Con có thể liên lạc thường xuyên với mẹ bằng điện thoại.”.
Điểu tán thành. “Con sẽ đến trường đại học ngày và giải thích sự việc đã xảy ra”, anh đang nói thì nghe tiếng cúp máy một cách tùy tiện ở đầu dây bên kia. Quả là tiếng nói của anh đã khiến cho người nghe phẫn nộ. Điểu đặt ống nghge xuống và nhặt cái giỏ của đứa bé lên. Viên bác sĩ một mắt đã ngồi trong xe cứu thương. Thay vì leo lên theo ông ta, Điểu đặt cái giỏ lên cáng cứu thương.
“Xin cám ơn mọi việc. Tôi nghĩ tôi sẽ đi một mình”.
“Anh sẽ về nhà một mình à?” Viên bác sĩ hỏi.
“Vâng”, Điểu trả lời, ý muốn nói “Tôi sẽ đi ra ngoài một mình”. Anh phải tường thuật những tình huống sinh nở đứa bé cho cha vợ anh biết, nhưng sau đó anh sẽ có một ít thì giờ tự do. Và chuyện thăm viếng vị giáo sư cũng như việc trở lại với vợ và mẹ vợ là để chứng tỏ anh đã cai rượu hoàn toàn.

Viên bác sĩ trong trong xe đóng cửa lại và chiếc xe cứu thương chuyển bánh một cách im lặng, chạy theo tốc độ hạn chế, giống như trước kia vốn là con quái vật mà giờ thì bất lực và bị tước mất tiếng kêu. Xuyên qua  vuông cửa xe mà một giờ trước đó Điểu đã ngồi khóc và nhìn những bộ hành trên đường, bây giờ thì anh thấy viên bác sĩ và một trong hai nhân viên cấp cứu ngồi lắc lư về phía tài xế. Anh biết họ đang ngồi lê đôi mách về anh và con anh, và điều đó không làm anh bực mình. Tự cuộc điện đàm với bà mẹ vợ đã đưa đến cho anh những giây phút nghỉ xả hơi không mong đợi, anh có thời gian để sống một mình như anh thích – ý tưởng này làm cho  đầu óc anh sảng khoái.

Điểu đi ngang qua khuôn viên bệnh viện dài và rộng như một sân bóng đá. Giữa đường, anh quay lại nhìn lên tòa nhà mà anh vừa bỏ lại đứa con đầu lòng của mình, một đứa bé đang kề bên cái chết. Tòa nhà khổng lồ, dáng dấp uy nghi, giống như một pháo đài. Lấp lánh dưới ánh mặt trời đầu hạ, tòa nhà này khiến cho con anh đang khóc yếu ớt trong một góc tăm tối của nó có vẻ tầm thường hơn một hạt cát.

Tôi sẽ làm được gì nếu ngày mai tôi trở lại? Tôi có thể lạc trong mê cung của pháo đài hiện đại này và đi thơ thẩn như kẻ mất hồn. Có thể tôi không bao giờ tìm thấy cái chết của mình hay có lẽ đứa bé đã chết. Ý niệm này đã giải thoát một phần nào sự bất hạnh của Điểu. Anh bước một bước dài qua cổng trước và đi vội xuống đường.

Trước 12 giờ: thời điểm phấn chấn nhất của một ngày đầu hạ. Một cơn gió nhẹ gợi lại những buổi dạo chơi tập thể thời tiểu học đã kích thích niềm vui sướng lâng lâng trên đôi má và vành tai của Điểu, xóa tan cơn buồn ngủ. Càng xa rời sự kiềm chế của ý thức bao nhiêu thì những tế bào thần kinh trong da thịt Điểu càng khát khao uống trọn hương vị ngọt ngào của không gian và thời gian này. Chẳng bao lâu một cảm giác một cảm giác tự do dâng tràn lên bề mặt ý thức của anh.

Trước khi tôi đi gặp cha vợ tôi, tôi sẽ tắm rửa và cạo râu sạch sẽ! Điểu bước đến tiệm hớt tóc đầu tiên mà anh nhận ra. Người thợ hớt tóc tuổi trung niên đưa anh đến ghế ngồi cứ như anh là một khách hàng bình thường. Ông không nhận ra nỗi bất hạnh trong con người Điểu. Bằng cách biến mình thành một người bình thường dưới cặp mắt của người thợ hớt tóc, Điểu mới có thể thoát khỏi buồn rầu và lo sợ. Anh nhắm mắt. Cái khăn lông nóng và nặng trịch có mùi thuốc sát trùng bốc lên má và quai hàm anh. Nhiều năm về trước, anh đã xem một vở hài kịch về một tiệm hớt tóc: cậu học trò của ông phó hớt có cái khăn lông nóng khủng khiếp, quá nóng đến độ cậu không dám cầm hay giữ trong tay, vì vậy cậu đập nó vào mặt khách. Từ đó đến giờ, Điểu cười bất cứ khi nào mặt mình phủ khăn lông. Ngay lúc này, anh cũng cảm thấy mình muốn cười. Ồ lại đi quá đà rồi! Điểu rùng mình, bật cười và bắt đầu nghĩ về đứa bé. Điểu đã phát hiện ra nụ cười trên khuôn mặt anh là bằng chứng tội lỗi của riêng mình.
Cái chết của một đứa bé có đời sống thực vật - Điểu xem xét tai họa của con anh từ góc độ đau đớn sâu xa nhất. Cái chết của một đứa bé chỉ sống bằng đời sống thực vật thì không đem lại đau đớn gì cả. Đúng thế, nhưng cái chết có nghĩa gì đối với một đứa bé như thế không? Hay cho một vấn đề nào khác, phải chăng là cuộc sống? Cái mầm sống hiện lên trên cánh đồng hư vô đã trải dài hàng tỷ tỷ năm và ở đó nó lớn lên trong chín tháng. Dĩ nhiên không có ý thức trong một bào thai, nó chỉ co tròn trong một cái bọc và tồn tại, chiếm hoàn toàn một thế giới ấm áp, đen tối và nhầy nhụa. Và rồi, nó bước vào thế giới bên ngoài một cách nguy khốn. Cái thế giới lạnh lẽo, vừa cực khổ, độc ác, khô khan, vừa chói chang khốc liệt. Thế giới bên ngoài là vô hạn, vì vậy đứa bé không thể một mình choán hết được: nó phải sống với vô số người xa lạ. Nhưng, đối với một đứa bé giống như cây cỏ chỉ tồn tại trên cõi đời này không quá vài tiếng đồng hồ khổ đau thầm  kín thì nó không thể giải thích nổi. Và lại một lần nữa, cát bụi sẽ trở về cát bụi trong cõi hư vô. Điều gì sẽ xảy ra nếu có ngày phán xét cuối cùng? Dưới phạm trù nào của Thần Chết bạn có thể gởi trát đòi ra hầu tòa, khởi tố và kết án một đứa bé chỉ sống đời sống thực vật đã chết chẳng bao lâu sau khi chào đời? Chỉ vài tiếng đồng hồ trên cõi trần gian này để mà khóc, lưỡi thì run rẩy trong cái miệng bóng đỏ bành ra, liệu có vị quan tòa nào quan tâm đến bằng chứng không đầy đủ này không? Mẹ kiếp cái bằng chứng thiếu sót! Điểu há hốc miệng thở trong nỗi sợ hãi đã ngấm sâu thăm thẳm trong lòng anh cho đến tận bây giờ. Có thể tôi sẽ được gọi ra tòa như một nhân chứng và tôi sẽ không thể nhận ra con tôi trừ khi tôi nhận ra cái khối u trên đầu nó như một bằng chứng, Điểu cảm thấy môi trên của anh đau điếng.

“Làm ơn ngồi yên! Tôi cứa anh bây giờ”, anh phó hớt rít lên, để yên lưỡi dao cạo trên nhân trung của Điểu và nhìn chăm bẩm vào mặt anh, Điểu đưa ngón tay sờ lên môi trên của mình. Anh nhìn thấy máu và muốn nôn ngay, Điểu thuộc nhóm máu A và vợ anh cũng vậy. Một phần tư lượng máu lưu thông trong cơ thể đang chết dần của đứa bé cũng có thể là máu A. Điểu để tay vào lại trong tấm khăn choàng và lại nhắm mắt. Anh phó hớt tà tà cạo quanh vết đứt trên môi Điểu, rồi lẹ tay cạo má và cằm anh như thể vớt vát lại thời gian đã mất.
“Anh muốn gội đầu không?”.
“Không, thế đủ rồi”.
“Trên tóc anh có một ít đất và cỏ”, anh phó hớt nói với vẻ khó chịu.
“Tôi biết, tối qua tôi đã té”. Bước ra khỏi ghế, Điểu nhìn mặt mình trong tấm gương lấp lánh như một biển trăng. Đầu tóc của anh tết lại chẳng khác nào một ổ rơm, nhưng khuôn mặt anh từ hai gò má cao đến cằm đều nhẵn bóng và đỏ au như bụng một con cá hồi bảy sắc. Nếu chỉ có ánh sáng chói chang đang chiếu sáng trong đôi mắt màu keo, nếu hai mi mắt căng ra được nới lỏng và đôi môi dày không co rúm lại, thì sẽ dễ dàng nhận ra Điểu trẻ hơn và hoạt bát hơn cái chân dung phản chiếu trong ô kính cửa hàng tối hôm qua.

Việc ghé vào tiệm hớt tóc đã là một ý tưởng hay: Điểu hài long về chuyện đó. Ít ra thì yếu tố tích cực thay thế cho ý tưởng tiêu cực có từ buổi hừng đông đã giúp Điểu lấy lại được sự cân bằng tâm lý. Anh nhìn thoáng vết máu khô dưới mũi giống như một nốt ruồi hình tam giác rồi rời khỏi tiệm hớt tóc. Trong thời điểm Điểu đến trường đại học, cái cảm giác âm ấm của lưỡi dao cạo để lại trên đôi má anh có lẽ tan dần. Nhưng lúc này anh muốn dùng móng tay khảy vết máu khô để tránh gây ấn tượng cho cha vợ nhìn anh như một kẻ lố lăng và buồn phiền. Trong khi tìm kiếm trạm xe buýt trên đường, Điểu nhớ đến món tiền dư mà anh mang theo trong túi và vẫy chiếc taxi chạy ngang.

Điểu bước ra khỏi chiếc taxi, lẩn vào đám đông sinh viên đang tụ tập ngang cổng chính để đi ăn cơm trưa: 12giờ 05. Trong khuôn viên trường, anh chặn một người bạn to con và hỏi thăm đường đến khoa Anh ngữ. Chàng sinh viên ngạc nhiên nở nụ cười rạng rỡ và nói ê a như luyến tiếc thời quá khứ: “Lâu quá em mới gặp lại thầy!” Điểu lấy làm khó chịu. “Em học với thầy ở lớp luyện thi, thầy biết, nhờ ông giờ em tặng cho trường một ít tiền mà em vào được đây bằng cửa sau”.
“Vì vậy bây giờ anh là sinh viên ở đây”, Điểu nói với vẻ xoa dịu, và nhớ lại chàng sinh viên này là ai. Anh chàng dẫu không có vẻ gì xấu xí, nhưng đôi mắt to và tròn cùng với cái mũi cà chua đã làm anh nhớ đến những bức minh họa mấy người nông dân Đức trong Những Truyện Thần Tiên của Grimm.
“Nghe có vẻ như lớp luyện thi chẳng giúp gì nhiều cho anh”, Điểu nói.
“Thưa thầy, không phải đâu! Học thì không bao giờ lãng phí. Có lẽ thầy không nhớ một điều duy nhất, thầy biết chứ, học là học!”.

Điểu nghi rằng mình bị giễu cợt và anh quắc mắt nhìn chàng sinh viên. Nhưng anh ta đang cố gắng với cả tấm thân bồ tượng của mình để chứng tỏ thiện ý. Điểu nhớ như in trong một lớp có cả trăm học sinh, anh chàng này là một đứa ngu thấy rõ. Và rõ ràng chính vì vậy, anh chàng mới có thể cười cợt trình bày một cách đơn giản với Điểu rằng anh ta đã vào trường đại học tư thục hạng hai này bằng cửa sau, còn biểu lộ lòng biết ơn những tiết học vô bổ đối với anh ta. Bất kỳ ai trong số chin mươi chin học sinh khác cũng đều muốn tránh mặt thầy luyện thi của họ.
“Với học phí cao như ở trường chúng ta, thật là nhẹ người khi nghe anh nói như thế”.
“Ồ, học phí như vậy là đáng đồng tiền bát gạo. Có phải thầy sẽ dạy ở đây kể từ bây giờ không?”.
Điểu lắc đầu.
“Ồ…” Chàng sinh viên lịch thiệp tiếp tục câu chuyện: “Để em đưa thầy đến khoa Anh ngữ, xin thầy đi lối này. Nhưng thưa thầy, nghiêm túc mà nói, việc học của em ở lớp luyện thi cũng không hẳn là phí phạm. Tất cả những kiến thức ấy vẫn tồn tại một nơi nào đó trong đầu em, một phần nào được bén rễ và một ngày kia sẽ trở nên hữu dụng. Vấn đề chỉ là thời gian thôi, và thưa thầy, rốt cuộc lại là việc học chẳng bao giờ thừa phải không thầy?”.

Điểu theo chân người học trò cũ lạc quan và có phần mô phạm này, băng qua một lối đi với hai hàng cây đầy hoa, rồi đến trước một tòa nhà bằng gạch đỏ màu anh đào. “Khoa Anh ngữ nằm trên tầng ba, phía sau. Em rất sung sướng khi được vào học ở đây, em đã thám hiểm hết mọi ngỏ ngách trong trường cho tới khi thuộc nằm lòng”, Chàng trai nói một cách hãnh diện và cười toe như tự chế giễu mình khiến cho Điểu nghi ngờ cặp mắt của mình.
“Em có vẻ đơn giản quá phải không thầy?”
“Không, không quá đơn giản đâu”.
“Thật là thú vị nghe thầy nói vậy. Bây giờ thì thưa thầy, em sẽ gặp lại thầy sau. Thầy hãy quan tâm đến sức khỏe: trông thầy có vẻ hơi xanh xao!”.

Khi leo lên cầu thang, Điểu nghĩ: cái anh chàng này khi ra đời sẽ xoay xở cuộc sống khôn ranh hơn mình bây giờ hàng ngàn lần, ít nhất cậu ta cũng không đi thơ thẩn với đứa con chết trên tay mình vì chứng thoát vị não. Nhưng trước mặt học sinh, anh đã từng đóng vai một nhà đạo đức kỳ quặc kia mà!

Điểu chăm chú nhìn vào văn phòng khoa Anh ngữ và nhận ra chỗ cha vợ ngồi. Trên cái bao lơn nhỏ trải dài từ góc xa của căn phòng, vị giáo sư ngồi sụp trong chiếc ghế xoay bằng gỗ sồi, nhìn ra một phần khuôn cửa sổ mở. Văn phòng của giáo sư mang dáng dấp một phòng họp, rộng hơn và sang hơn những cơ sở Anh ngữ ở trường đại học mà Điểu tốt nghiệp. Cha vợ Điểu luôn luôn nói (ông vẫn bóp méo câu chuyện như một trò đùa ưa thích) rằng cách đối xử mà ông nhận được ở trường đại học tư này bao gồm những thuận lợi chẳng hạn như cái ghế xoay, là tốt hơn một cách thể so sánh được với những cái mà ông đã có được ở trường Đại học Quốc gia: Điểu có thể thấy rằng những điều ông nói không hẳn là hoàn toàn đùa cợt. Dẫu ánh mặt trời có gắt hơn thì chiếc ghế xoay cũng có thể dời lui lại hay bao lơn được che bằng một tấm bạt, một trong hai việc.

Nơi cái bàn rộng gần cửa sổ, ba thầy phụ giảng trẻ tuổi, mặt mày bóng lưỡng hồng hào, đang ngồi uống cà phê, rõ ràng là sau giờ ăn trưa. Cả ba người Điểu đều biết mặt: những sinh viên danh dự lớp đàn anh của anh ở đại học. Nếu không vì rượu chè mà bỏ thi thì chắc chắn anh cũng theo đuổi nghề nghiệp như họ.

Điểu gõ vào cánh cửa mở, bước vào phòng và chào ba bậc đàn anh của mình. Sau đó, anh đi ngang qua phòng đến bao lơn. Cha vợ anh xoay người lại nhìn anh khi anh bước tới gần, đầu ông ngửa ra sau để giữ thăng bằng thân mình trên chiếc ghế. Những thầy phụ giảng cũng nhìn theo, cả ba cùng nở nụ cười băng quơ. Thật sự họ xem Điểu như một hiện tượng hiếm hoi nào đó, nhưng đồng thời anh cũng là người ngoài, vì vậy không phải là một đối tượng đang quan tâm. Cái nhân vật đặc biệt, kỳ quặc đó đã không hiểu vì sao dấn thân vào thế giới rượu chè be bét và cuối cùng bỏ thi tốt nghiệp - đại loại như thế.

“Chào thầy ạ!” Điểu thưa theo thói quen đã có trước khi cưới con gái ông. Cha vợ anh xoay người trên chiếc ghế, đối diện với anh, những con quay bằng gỗ kêu cót két dưới sàn, và chỉ cho Điểu chiếc ghế xoay có hai tay dựa dài.
“Đứa bé sinh rồi à?” Ông hỏi:
“Dạ, đứa bé đã sinh…”. Điểu co rúm người lại để nghe tiếng nói the thé của mình quặn thắt trong miệng, và anh nín thinh. Sau đó, anh tự buộc mình kể luôn một mạch sự việc: “đứa bé bị chứng thoát vị não, bác sĩ cho biết nó sẽ chết vào ngày mai hay ngày kia, còn mẹ nó thì khỏe!”.

Làn da màu kẹo bơ cứng trên khuôn mặt khoáng đạt giống sư tử của vị giáo sư hoàn toàn biến thành màu đỏ son. Ngay cả hai bọng mi mắt cũng biến sắc như thể máu đang thấm qua. Điểu cảm thấy mặt mình cũng thay đổi sắc diện. Anh lại nhận ra tất cả nỗi cô đơn và không nơi nương tựa mà anh đã có từ lúc hừng đông.
“Thoát vị não. Con đã thăm đứa bé rồi chứ?”.
Điểu khám phá ra một ẩn ý trong tiếng nói của vợ anh ngay cả trong giọng nói khàn khàn của vị giáo sư và dù thế nào nó cũng khiến anh nhớ nàng.
“Dạ, con đã thăm rồi. Đầu nó băng kín, như nhà thơ Apollinaire… đầu băng kín”. Vị giáo sư cố nói theo cách giễu cợt riêng của mình như thể có cân nhắc. Khi ông lên tiếng, cốt không nhắm nhiều đến Điểu mà nhắm vào ba người phụ tá: “Vào tuổi của chúng tôi bây giờ, khó mà nói chắc rằng sống trên đời này là tốt hơn không được sinh ra”. Ba chàng thanh niên cố nén cười nhưng lại nghe rõ tiếng. Điểu quay lại và chăm bẫm nhìn họ. Họ nhìn lại và vẻ điềm tĩnh trong ánh mặt của họ hàm ý họ chẳng phải là kẻ cuối cùng ngạc nhiên về chuyện một anh chàng kỳ quặc như Điểu lại gặp phải cái tai nạn lạ lùng ấy. Điểu hậm hực nhìn xuống đôi giày dính bùn của mình. Anh nói: “Con sẽ gọi lại cho ba khi công việc hoàn tất”.

Vị giáo sư nhẹ đu đưa chiếc ghế ông đang ngồi, không nói một lời. Điểu bất chợt nghĩ rằng có lẽ cha vợ anh đang cảm thấy hơi ghê tởm sự thoải mái mà chiếc ghế xoay thường mang lại cho ông.
Điểu cũng lặng im không nói. Anh cảm thấy mình đã nói hết mọi điều cần nói. Còn đối với vợ, liệu đến lúc cần phải nói thì anh có thể thổ lộ điều bí mật ấy một cách đơn giản và rõ ràng như thế không? Không thể được! Lúc ấy sẽ là những giọt nước mắt, hàng tá câu hỏi, những lời nói huyên thuyên vô bổ, cổ họng đau thắt và đầu óc nóng bừng, cuối cùng những sợi thần kinh đang gào thét sẽ là sợi dây thừng trói buộc Ông và Bà Điểu.
Cuối cùng Điểu nói: “Tốt hơn là con phải trở về, còn những giấy tờ phải ký ở bệnh viện”.
“Mong con vượt qua cơn khốn khó”. Vị giáo sư vẫn ngồi yên trên ghế, Điểu đứng dậy, cảm thấy thật may mắn khi không bị cha vợ bắt ngồi lại lâu hơn. Vị giáo sư nói: “Trong bàn giấy có chai whisky, con mang nó theo đi”.

Điểu cảm thấy khó xử và anh thấy khuôn mặt của ba anh chàng phụ giảng đang căng thẳng. Họ cũng như cha vợ Điểu biết rõ giai đoạn rượu chè be bét của anh, giờ đây anh có cảm giác đôi mắt của họ bắt đầu dõi theo từng hành động và cử chỉ của anh. Điểu do dự, nhớ lại một câu trong quyển sách Tiếng Anh mà anh đang dạy cho học trò, qua đó một người Mỹ đã nói một cách giận dữ: “Anh chơi khăm tôi à? Anh muốn ăn thua đủ phải không?”.
Tuy thế, Điểu vẫn chồm tới, mở hộc bàn và lôi chai Johnny Walker lên bằng cả hai tay. Mặt anh đỏ bừng, ngay cả đôi mắt cũng vậy, nhưng anh cảm thấy một niềm vui vô hạn dâng trào. Nếu cần phản bội Chúa như Juda thì cũng chẳng có gì phải ngần ngại.
Điểu nói: “Cám ơn ba”. Gương mặt của ba anh chàng phụ giảng dịu lại. Vị giáo sư chầm chậm xoay tròn chiếc ghế, đầu ngẩng cao, gương mặt ông vẫn còn sắc diện đỏ bừng và uể oải. Điểu liếc nhìn ba chàng trai, chào phớt qua, và rời căn phòng.

Anh bước xuống cầu thang, tới khoảng sân lát đá, kẹp chặt chai rượu cẩn thận như đang cầm một quả lựu đạn. Thời gian còn lại của ngày hôm nay anh có quyền sống theo ý thích của mình. Ý nghĩ đó hòa nhập với hình ảnh chai Johnny Walker cùng dấy lên một triển vọng mê ly và tai họa.

Ngày mai, ngày kia hoặc có thể là sau một tuần lẫn tránh, khi vợ tôi biết được cái chết của đứa con bất hạnh của mình, cả hai chúng tôi sẽ bị nhốt kín trong chốn tù ngục của kẻ điên loạn. Vì vậy – Điểu tranh luận với nỗi e sợ sôi sùng sục trong lòng anh – tôi có toàn quyền với chai rượu mạnh và thời gian tự do của ngày hôm nay. Nỗi e sợ đó nhanh chóng tiêu tan. Tốt! Hãy uống cho bằng thích. Trước tiên Điểu nghĩ chuyện quay về lại căn hộ của mình và vào phòng làm việc uống, nhưng rõ ràng là không ổn. Nếu anh trở về, bà chủ nhà và bạn bè sẽ bao vây lấy anh bằng những cú điện thoại nếu đường dây không bận với những câu hỏi cặn kẽ về đứa bé, ngoài ra cứ mỗi lần nhìn vào phòng ngủ, thấy cái nôi tráng men trắng dành cho đứa bé thì lòng anh tan nát. Điểu lắc mạnh đầu xua tan ý nghĩ này ngay. Tại sao mình không trốn vào một khách sạn rẻ tiền nơi chỉ toàn những người xa lạ? Nhưng Điểu lại hình dung ra mình say gục trong một căn phòng khóa kín và anh cảm thấy sợ hãi, Điểu thèm khát nhìn chăm chăm vào ông già người Ê-cốt vui tính trên dãi băng mài đỏ sãi bước qua nhãn hiệu Johnny Walker. Ông ta đi đâu mà vội thế? Bỗng nhiên Điểu nhớ đến người bạn gái cũ. Mùa đông cũng như mùa hạ, suốt ngày nàng luôn luôn nằm dài trong phòng  ngủ tăm tối, vừa suy tư những điều triết lý cao xa vừa rít thuốc liên hồi cho đến khi chiếc giường mịt mù khói. Nàng không bao giờ rời khỏi nhà trước khi trời tối.

Điểu đứng ngoài cổng trường đại học chờ ta-xi. Qua khung cửa sổ lớn của quán cà phê bên kia đường, anh thấy người hoc trò cũ của mình đang ngồi với vài người bạn. Anh chàng sinh viên đó nhận ra Điểu ngay và vẫy tay ra hiệu một cách thân thiện và ngây ngô như một chú chó con dạt dào tình cảm. Bạn bè của anh ta cũng nhìn Điểu với vẻ tò mò lộ liễu. Anh ta sẽ giải thích với bạn thế nào về Điểu? Là một thầy giáo tiếng Anh đã từng rượu chè đến bỏ thi tốt nghiệp, một người có nỗi đam mê không thể giải thích được, hay có thể là một người điên đáng sợ?
Anh chàng sinh viên mỉm cười với Điểu cho đến khi anh ngồi vào chiếc ta-xi. Khi xe chạy, Điểu nhận ra rằng mình cảm thấy như vừa nhận được một sự bố thí. Và nó lại từ một người học trò mà trong suốt thời gian học ở trường luyện thi không bao giờ biết phân biệt những động danh từ tiếng Anh với những động tính từ thời hiện tại, một học trò dốt đặc cán mai!

Người tình của Điểu sống trên một trong những ngọn đồi của thành phố, trong khu đầy những miếu thờ và nghĩa địa. Nàng ở một mình trong ngôi nhà nhỏ cuối con hẻm. Điểu đã gặp nàng trong một lớp giao tiếp vào tháng Mười khi anh đang là sinh viên năm thứ nhất. Khi đến lượt nàng đứng dậy để tự giới thiệu, nàng đã thách đố cả lớp đoán ra nguồn gốc cái tên khác thường của nàng Himiko – đứa bé thấy lửa, Điểu đã trả lời một cách chính xác rằng tên này được lấy từ biên niên sử của tỉnh Higo cổ - Vị Đại để ra lệnh cho những người chèo chuyển: đằng xa kia có ánh lửa hiệu, hãy đi thẳng đến đó. Sau đó, Điểu và cô gái Himiko của đảo Kyuchu đã thành bạn với nhau.

Trong trường đại học của Điểu có rất ít nữ sinh viên, chỉ có một nhóm nhỏ ở Khoa Nghệ thuật Tự do từ các tỉnh đến Tokyo, và tất cả bọn họ, theo như Điểu biết, chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp đều biến thành những con quỉ cái. Một phần trăm những tế bào trong thân thể họ phát triển quá mức, tụ lại và kết dính với nhau một cách chậm rãi cho đến khi các cô đi đứng như kẻ mất hồn và trông giống như người đần độn, u sầu. Cuối cùng, họ không đủ khả năng thích ứng với cuộc sống hàng ngày trước khi tốt nghiệp. Nếu họ lập gia đình thì ly dị, đi làm thì bỏ việc. Họ không làm gì ngoài chuyện đi đó đi đây và gặp toàn những tai nạn ô tô khủng khiếp, lãng xét. Himiko, một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, đã kết hôn với một sinh viên ra trường và rồi nàng cũng rời xa chàng vĩnh viễn. Điểu tồi tệ hơn là một năm sau cuộc hôn nhân, chồng nàng đã tự tử. Cha chồng của Himiko đã tặng nàng căn nhà mà hai vợ chồng đã sống, và hàng tháng ông vẫn chu cấp tiền cho nàng để sống. Ông hy vọng rằng Himiko sẽ tái giá, nhưng vào lúc này, ban ngày thì nàng trầm tư mặc tưởng còn ban đêm thì lái chiếc xe hơi thể thao rong chơi khắp phố.

Điểu đã nghe thiên hạ xì xào rằng Himiko là một kẻ phiêu lưu tình dục, đã phá vỡ quĩ đạo tập tục. Họ cũng bàn tán rằng chồng nàng tự tử vì nàng là một con ngựa bất kham. Điểu đã ngủ với nàng chỉ một lần, nhưng cả hai đều say bí tỉ và chàng chẳng xơ múi được gì. Lần đó xảy ra khá lâu trước cuộc hôn nhân bất hạnh của Himiko. Mặc dù bị cuốn hút bởi dục vọng mãnh liệt và đã theo đuổi niềm khoái lạc của mình một cách tích cực, trong thời gian đó Himiko cũng chỉ là một cô sinh viên thiếu kinh nghiệm.

Điểu xuống xe ngay đầu hẻm nhà Himiko. Anh nhanh tay đếm số tiền còn lại trong ví, anh không có gì phải băn khoăn về chuyện nhận tiền lương ứng trước tháng này sau giờ lên lớp ngày mai.
Điểu xoắn chai Johnny Walker vào túi áo khoác rồi vội vã đi vào con hẻm, tay không rời cổ chai rượu. Vì những người hàng xóm biết hết cuộc sống lập dị của Himiko, nên những khách đến nhà nàng cũng không thể tránh khỏi những cặp mắt tò mò một cách kín đáo từ khắp mọi nơi quanh đây.


Điểu nhấn chuông ở phòng ngoài. Không có tiếng trả lời. Anh khua cửa một chập và khẽ gọi tên Himiko. Đây chỉ là thủ tục. Điểu đi vòng ra sau nhà và thấy chiếc MG cũ đầy bụi nằm dưới cửa sổ phòng ngủ của Himiko. Với những ghế ngồi giơ khung, chiếc MG màu đỏ tươi có vẻ như bị bỏ rơi ở đây khá lâu. Nhưng nó chứng tỏ rằng có Himiko ở nhà. Điểu kê chiếc giày dính bùn của mình lên càng xe móp một cách tệ hại rồi nhấn mạnh khiến chiếc MG chao nhẹ, giống như một chiếc thuyền, Điểu gọi tên Himiko một lần nữa và nhìn lên vuông cửa sổ kéo kín màn. Trong phòng, bức màn nhẹ nhàng nâng lên, qua cái lỗ nhỏ ở cửa, một con mắt nhìn xuống Điểu và hai người thấy nhau, Điểu không lắc lư chiếc xe nữa và mỉm cười: anh luôn luôn xử sự một cách tự do và tự nhiên trước mặt người con gái này.

“Chào anh!” Tiếng nói của nàng nghe như một hơi thở mỏng manh, yếu ớt và rồi nàng mở rộng màn và cánh cửa kính.
Điểu biết mình đã phát hiện ra một điểm lý tưởng để khui chai Johnny Walker vào giữa buổi sáng. Cái cảm giác này khiến anh càng sảng khoái, anh lui bước trở lại trước căn nhà./

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1150
Ngày đăng: 20.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 31: Cô ó ma lai xinh đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 30: Bản năng gốc) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 29: Cỏ hồng) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 28: Tiếng hát giữa rừng khuya) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 2) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 27: Sự cố bất ngờ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 26: Inrasara) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 25: Bảy con ve sầu) - Võ Anh Cương
Ạch liên Tây Hồ(*) - Trương Đình Phượng
Tiểu thuyết : Một nỗi đau riêng (Chương 1) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)