Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
699
116.715.411
 
1936 – Eugene Gladstone O’neill (Mỹ, 1888 – 1953)
Lê Ký Thương

 

 

Kịch của Eugene O’neill là kịch của một người lúc nào cũng u sầu. Đối với ông toàn bộ cuộc đời là một bi kịch ngay từ phút đầu tiên. Khuynh hướng này được hình thành do những kinh nghiệm đắng cay mà ông nếm trải trong thời trẻ tuổi và đặc biệt hơn là trong thời gian làm thủy thủ. Tư tưởng bi quan của ông có lẽ một mặt là do tính bẩm sinh, mặt khác là do một phần của dòng văn học thời đại, nhưng đúng hơn có thể được lý giải như một phản ứng sâu xa của cá nhân đối với truyền thống lạc quan cố cựu của Mỹ. Cho dù nguồn gốc bi quan đó bất kể từ đâu mà ra, nhưng ông đã vạch sẵn từ đầu phương châm phát triển nó và dần dần ông trở thành nhà viết bi kịch khốc liệt và độc nhất vô nhị mà cả thế giới đều biết đến.

 

Những vở kịch đầu tiên của O’Neill phần lớn là kịch một màn, viết theo lối hiện thực, hơi khô khan, dựa trên vốn sống những năm ông đi biển. Tiêu biểu trong loạt kịch này là vở Trăng trên biển Caribbe [The Moon of the Caribbees] (1918), mang đầy chất thơ, một phần nhờ mô tả cuộc sống khốn khổ của một  thủy thủ với những ảo tưởng rồ dại về niềm vui, một phần nhờ bối cảnh của vở kịch: những bài hát buồn giống như những bài ca truy điệu của người Da đen cất lên từ rặng san hô nằm dưới những cây cọ lấp lánh như kim loại và mặt trăng khổng lồ của vùng biển Caribbe. Tất cả đều mang vẻ u sầu, hoang dại, khát khao, ngời sáng và tiêu điều ngột ngạt.

 

Năm 1922 O’Neill ra mắt vở kịch Con Dã nhân lông rậm [The hairy Ape]. Ông muốn giới thiệu một tượng đài người nô lệ nổi loạn trên một chiếc tàu chạy bằng hơi nước, Anh ta say sưa với sức mạnh và những ý tưởng siêu nhân của mình. Bề ngoài anh mang hình dáng của con người sơ khai và tự ví mình là một loài dã thú. Vở kịch miêu tả sự thất bại và sụp đổ một cách thảm hại của con người muốn đứng lên chống lại xã hội tàn bạo.

 

O’Neill cũng đã bỏ ra nhiều năm dồn tâm sức nghiên cứu những tư tưởng mang tính biểu hiện táo bạo và những vấn đề xã hội. Kết quả là sau đó ông cho ra đời nhiều vở kịch có chút ít liên quan đến đời sống thực tế. Hoàng đế Jones [The Emperor Jones] (1920) là vở kịch đầu tiên trong chủ đề này đã tạo danh tiếng cho ông. Chủ đề bám sát sự sụp đổ tinh thần của một bạo chúa người Da đen cai trị một quần đảo toàn cư dân da đen ở Tây An. Vở kịch gây ảnh hưởng mạnh lên thần kinh và cảm giác người xem đến nỗi họ không thể rời mắt được từ màn đầu đến màn cuối.

 

Năm 1928, vở Một vở kịch; thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ [A Play; Strange Interlude] được khán giả và giới phê bình tán thưởng nhiệt liệt. Nó được mang tên “Một vở kịch” bằng cách dùng phương pháp trình diễn khoáng đạt và phóng túng nên không thể được xem như một vở bi kịch mà nên xem nó như một tiểu thuyết tâm lý có nhiều cảnh là thích đáng nhất. Về phụ đề “thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ” là đầu mối trực tiếp được đưa ra trong tiến trình của vở kịch: “Cuộc đời, hiện tại, là thời gian nghỉ giải lao kỳ lạ giữa quá khứ và cái sắp đến”. Tác giả cố làm sáng tỏ ý tưởng của ông, càng rõ càng tốt, bằng cách sử dụng đến một phương kế đặc biệt: một mặt những diễn viên nói và trả lời khi hành động kịch đòi hỏi, mặt khác họ biểu lộ đúng bản chất và hồi ức của mình dưới hình thức độc thoại, không thể nghe thấy những nhân vật khác trên sàn diễn. Một lần nữa, ông sử dụng yếu tố mặt nạ hoá trang!

 

Vở bi kịch đúng nghĩa và xuất sắc nhất của O’Neill là Tang tóc đến với Electra [Mourning Becomes Electra] (1931). Nó gần với truyền thống kịch cổ điển, tuy nhiên  được chỉnh lý cho thích hợp cả những chi tiết về cuộc sống lẫn cách suy nghĩ hiện đại. Cảnh là ngôi nhà thời hiện đại của gia đình Atreu được lồng vào giai đoạn nội chiến khốc liệt của nước Mỹ, một thiên hùng ca Iliad của Mỹ.

 

Trong vở A, nơi hoang dã [Ah, Wilderness] (1933) nhà viết bi kịch đáng kính làm ngạc nhiên những người mến mộ ông bằng cách giới thiệu với họ vở hài kịch về giai cấp trung nông. Trong vở kịch có nhiều bài thơ mô tả đời sống tinh thần của thanh niên, tuy có những cảnh vui nhộn nhưng không ảnh hưởng đến chất hài hước của một vở hài kịch.

 

Năm 1934, vở Tháng ngày vô tận [Days Without End] ra đời, tác giả đứng trên quan điểm của một nhà khoa học tự nhiên thích tranh luận đưa ra vấn đề tôn giáo. Ông tách nhân vật chính ra làm hai phần, trắng và đen, không những đi sâu vào nội tâm mà còn thể hiện đời sống bên ngoài một cách cụ thể, mỗi phần chỉ huy thể xác độc lập của riêng mình – một loại người như anh em sinh đôi mâu thuẫn nhau. Tuy có rủi ro kèm theo việc mạo hiểm đó, nhưng vở kịch được thể hiện bởi thủ pháp xử lý sân khấu hiếm có của tác giả. Về nhân vật thầy tu, người phát ngôn của đạo Thiên Chúa, O’Neil đã tạo ra một trong những nhân vật giống y như ngoài đời. Dù gì chi tiết này cũng có thể được hiểu như một thay đổi dứt khoát trong quan điểm của tác giả về những gì còn lại của cuộc đời được nhìn thấy trong tương lai.

 

Eugene Gladstone O’Neill được tặng giải Nobel Văn chương “vì những kịch bản của ông đã biểu hiện nhận thức căn cơ của bi kịch, có sức hấp dẫn mãnh liệt, tính trung thực và những mối xúc cảm sâu sắc”.

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 268
Ngày đăng: 26.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1934 - Luigi Piradello (Ý, 1867 – 1936) - Lê Ký Thương
1933 –Ivan Bunin (Nga, 1870 – 1953) - Lê Ký Thương
Chân dung nhà thơ Sương Biên Thùy – Lê Mai Lĩnh - Trần Thoại Nguyên
1932 – John Galsworthy (Anh, 1867 – 1933) - Lê Ký Thương
1931 – Erik Axel Karlfeldt (Thụy Điển, 1864 – 1931) - Lê Ký Thương
1930 –Sinclair Lewis (Mỹ, 1885 – 1951) - Lê Ký Thương
Quách Tấn – Sứ giả đời Đường của một thời đại trong thi ca - Chế Diễm Trâm
1929 - Thomas Mann (Đức, 1875 – 1955) - Lê Ký Thương
1928 - Sigrid Undset (Na-uy, 1882 – 1949) - Lê Ký Thương
Nhà Văn Cung Tích với truyện ngắn "Ngoại Ô, Dĩ An và linh hồn tôi". - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)