Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.706.187
 
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 41:Bản tango cho người xa xứ)
Võ Anh Cương

 

Đêm đầu tiên ở “thế giới văn minh” như lời ông Dê giới thiệu với K’Breo trôi qua lặng lẽ. Hồi chiều ông Dê kéo ông Thủy Bạc lên nhà, hai người nói chuyện rất lâu. Hình như ông Dê không muốn cho K’Breo nghe câu chuyện của họ nên mới làm như thế. Nếu là một người có kinh nghiệm trong giao tiếp ắt sẽ hiểu ngay ông Dê không muốn cho K’Breo nghe nội dung hai người trao đổi. K’Breo chỉ là một người thanh niên sống ngoài hoang dã, lại ít giao tiếp với người đời nên anh không hiểu một chút nào và cũng không hề lấy làm ngạc nhiên. K’Breo đang lạ lẫm ngắm nhìn khung cảnh chung quanh. Anh quá quen với cảnh rừng xanh núi đỏ chập chùng nhưng lại ngạc nhiên với việc…trồng rau dưới lòng thung lũng.

 

Dưới lòng thung có một con suối nhỏ chảy qua, nó vòng vèo như vốn thế! Suối, ở bất cứ nơi đâu đều chảy như vậy bởi nó lệ thuộc vào địa hình và từ chỗ cao chảy đến chỗ thấp. Không có địa hình nào ngăn được con nước, phải có một chỗ để nước “thoát ra” nếu không nước sẽ dâng cao mãi, mà nước đã dâng thì đất sẽ ngập!

K’Breo lại không để ý đến con suối đang róc rách chảy, anh đang mãi ngắm vườn rau mọc hai bên bờ suối. Anh đoán chừng rằng đó là rau bởi thoạt nhìn một loại cây anh thấy rất giống thứ lá nhíp mà anh hay hái trong rừng để làm thức ăn. Loại lá nhíp này nấu với đọt mây rất ngon, tuy thứ canh này vị nó hơi đắng một chút nhưng bên trong lại ẩn chứa vị ngọt tự nhiên, nhất là khi người ta cho thêm vào một ít tấm. Bây giờ anh thấy rất nhiều loại cây trồng ngay hàng thẳng lối nên đoán là rau cũng là điều dễ hiểu nhưng anh lại không biết người ta trồng rau để làm gì? Rừng đối với K’Breo là một kho thực phẩm sẳn có, con người chỉ cần đi lấy về dùng mà thôi. Nhưng điều quan trọng là ta chỉ nên lấy đủ số mình cần, như thế mẹ đất mới đủ sức cung phụng cho ta mãi mãi!

Anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy một người từ dưới suối đi lên vườn rau, ông ta đang gánh nước tưới rau. Thật ra ngay lúc đó K’Breo không thể biết thế nào là vườn, thế nào là rau cũng như cách người làm vườn gánh nước tưới rau bởi dễ hiểu rằng trong thế giới anh sống lâu nay những điều này không có. Ta chấp nhận những chuyện này, trước sau gì K’Breo cũng tiếp nhận được những hoạt động của con người, đây là hoạt động bắt chước tự nhiên trong việc tạo ra của cải nên dù là chưa biết nhưng con người sẽ tiếp thu rất nhanh. Đúng vậy, trời mưa đem nước đến cho cây cỏ, cây cỏ sử dụng nước để lớn lên, già đi rồi chết theo đúng quy luật từ ngàn xưa. Tự nhiên không ưu tiên cho bất cứ sinh vật nào cả bởi mỗi sinh vật đều có vị trí của mình, sinh vật này gắn vào sinh vật khác để sinh tồn, chính điều đó mới tạo ra một tự nhiên hài hòa và bình đẳng!

Tất nhiên K’Breo không thể biết hết sự nhiệm màu của tự nhiên nhưng anh “bắt chước” rất nhanh những điều con người làm khi lao động để xây dựng cho mình một môi trường sống ngày càng tốt hơn. Đầu tiên là việc mặc quần áo. Từ nhỏ tới giờ, K’Breo chỉ đóng khố che phần hạ bộ, phần còn lại của thân thể anh vẫn phơi ra bên ngoài như mọi người trong học viện Langbiang. Điều đó không có gì lạ cả bởi quan niệm của nhà trường phải đào tạo học viên làm sao để trong bất kỳ hoàn cảnh nào học viên cũng có thể tồn tại trong tự nhiên và lấy trong tự nhiên những thứ mình cần để sinh tồn. Do vậy người nam chỉ cần che phần “con giống” là đủ, những bộ phận khác cần phải tiếp xúc với môi trường, như thế mới có thể hòa nhập với tự nhiên. Với ý nghĩ đó, K’Breo rất ngạc nhiên khi ông chủ nhà có tên là Thủy Bạc đưa cho anh một bộ áo quần, ông nói:

-Cháu thay đồ đi, bộ đồ này là đồ cũ của ta, cháu mặc tạm vậy!

Thấy vẻ mặt của K’Breo, ông Dê A Vê giải thích:

-Người Việt không đóng khố như người Lạch, Sre hay các tộc người khác trên vùng cao. Nếu không quen, mi có thể mặc quần bên ngoài cái khố, còn áo mặc lúc đầu thấy vướng nhưng nó sẽ giữ ấm cho cơ thể.

Thật là vướng víu khó chịu, đó là cảm giác của K’Breo khi mặc bộ quần áo từ tay ông Thủy Bạc đưa. Đến lúc ăn cơm lại càng thấy khác hẳn những tập quán của học viện Langbiang. Cả nhà ông Thủy Bạc, ông Dê A Vê và K’Breo vừa đúng mười người. Tất cả ngồi chung quanh một cái bàn dài, hai bên có hai cái ghế dài. K’Breo lặng lẽ quan sát mọi người. Người ngồi đầu bàn là một cô gái, sau này anh mới biết đó là con gái lớn của ông Thủy Bạc, thường được gọi là chị Hai, chị Hai chính là người xới cơm vào các chén cho cả nhà. Cơm nhà ông Thủy Bạc hơi khô không dẽo như thứ cơm gạo đồi của học viện Langbiang được cô Nghỉ nấu rất ngon trong các nồi đất. Cô Hai lại nấu cơm trong một cái nồi thắt lại ở giữa, phía dưới đáy nồi loe rộng ra, sau này K’Breo biết đó là nồi đồng. Thức ăn gồm cá khô, rau luộc và canh rau, đặc biệt có một chén chứa thứ nước màu cánh gián đặt giữa bàn. Khi đã quen thuộc với cách ăn uống của người miền xuôi, K’Breo mới biết đó là nước mắm, linh hồn bữa ăn của người Việt.

Đêm ấy K’Breo lần đầu tiên ngủ trên giường, anh được ông Thủy Bạc mang cho một cái chăn, nhờ vậy K’Breo cảm thấy khá ấm tuy không có bếp lửa. Đêm trôi qua trong lặng lẽ, tiếng côn trùng rả rích ngoài sân vang vọng đến giường của K’Breo khiến anh khó ngủ. Trong rừng, anh thường ngủ bên đống lửa, chân đưa vào trong, đầu hướng ra ngoài như tất cả những học viên của học viện Langbiang. Có lửa đồng nghĩa với có sự an toàn, tuy vậy K’Breo không bao giờ ỷ lại hoàn toàn vào lửa, anh tin vào bản thân mình hơn bất cứ thứ gì khác, kể cả những bạn đồng môn. 

K’Breo không ngủ được trong đêm đầu tiên về với “thế giới văn minh” như lời giới thiệu của ông Dê, thật tâm anh không mường tượng được chút gì về cái thế giới này và cũng không có tâm ý để hội nhập hay đối phó. Đơn giản K’Breo đang đi trốn…chính mình! K’Breo không biết rằng chuyện thao thức khi ngủ một nơi xa lạ là điều bình thường xảy ra với nhiều người chứ không riêng gì anh. Trong đêm thanh vắng K’Breo để mặc cho tư tưởng của mình dẫn anh trở lại căn nhà sàn, nơi anh và Liêng Hót Niêng có những ngày tuyệt đẹp. Anh rơi vào vòng xoáy của ký ức, đó chính là nỗi nhớ đến đau thắt cả ruột gan. Chính ký ức đã khiến anh thờ ơ với tất cả mọi chuyện trừ chút ngỡ ngàng lúc ban đầu. Hồi chiều K’Breo đã ngỡ ngàng trước khung cảnh một thung lũng trồng rau khi vừa bước ra khỏi cánh rừng thông với ông Dê. Trong đêm đầu tiên ngủ trong “thế giới văn minh” anh lại ngỡ ngàng thêm một lần nữa khi tình cờ nghe cuộc đối thoại của chủ nhà.

Đầu tiên là tiếng đàn bà:

-Này ông…thằng đó ông tính sao?

Tiếp theo là tiếng ông Thủy Bạc:

-Ngủ đi…đàn bà biết gì mà hỏi!

-Ông vừa phải thôi…tui tuy đái không qua ngọn cỏ nhưng cũng cần phải biết để còn giúp ông nữa chớ!

Im lặng, một lúc sau tiếng người đàn bà lại cất lên, lần này vẻ bực dọc hiện rõ trong giọng nói:

-Ông không nói phải không, được…ngày mai tui dẫn đám con về lại Phan Rang để ông muốn làm gì thì làm!

Có lẽ cuối cùng ông Thủy Bạc cũng phải xuống nước:

-Bà muốn biết à? Là như vầy: cái nhà ông Vê đó nhờ tui liên lạc với cậu Út để nhờ cậu Út nói với ông chủ của cậu dạy cái thằng Thượng đó hát. Ông Vê cam đoan rằng nó hát rất hay….Hà hà…hát hay hay hay hát gì tui không cần biết, tui lại đang cần một thằng trai sức vóc mạnh khỏe phụ làm vườn, bà không được nói gì với cậu Út nghe chưa, cứ để nó ở đây, cho nó ăn no bắt no làm việc cho nhà mình! Bà thấy tui tính có được không?

Trong đêm vắng tiếng cười cười khúc khích của vợ chồng ông Thủy Bạc khẽ vang lên, tiếng cười của họ đánh thức sự cảnh giác trong lòng K’Breo. Thật tâm khi tình cờ nghe lóm vợ chồng ông Thủy Bạc nói chuyện, K’Breo không hề nghĩ họ nói về mình. Anh cứ tưởng rằng họ nói về một người nào đó, người mà họ nhắc là “cái thằng Thượng”, còn với anh bao giờ ông Thủy Bạc cũng một điều cháu hai điều cháu đến nỗi anh những tưởng rằng ông Thủy Bạc tưởng tên anh là … Cháu.

Sự cảnh giác là một bản năng được hun đúc trong quá trình đào tạo của học viện, “các con phải để lòng mình trống không mới có thể thấu hiểu được điều gì sắp xảy ra, khi gặp sự cố chỉ có mình mới có thể cứu mình nhanh nhất thôi, các con phải nhớ điều này”, thầy Râu dài đã dạy học trò của mình như thế. Ban đầu K’Breo không hiểu gì cả nhưng với trí nhớ tốt của mình, anh thuộc nằm lòng lời dạy của thầy. Bây giờ, một mình trong đêm vắng, với đầu óc không chút thành kiến, sự cảnh giác báo cho anh biết rằng “cái thằng Thượng” mà ông Thủy Bạc nói là mình, chỉ có điều anh không hiểu Thượng là như thế nào, tại sao họ lại gọi anh là Thượng?

Tâm hồn K’Breo là một trang giấy trắng, người đời tha hồ muốn vẽ, thậm chí bôi bẩn, những nét đó sẽ thành những vết hằn, những vết hằn sẽ đi theo anh đến cuối đời. Sau này anh chua chát nhận ra rằng những hệ lụy của cái gọi là “thế giới văn minh” mà ông Dê dụ hoặc anh vào đem đến cho anh niềm vui thì có giới hạn còn sự ganh ghét, lòng đố kỵ…nhiều đến vô cùng, phải chi anh vẫn sống ở rừng, có lẽ anh sẽ bình an với tự nhiên và chết một cách an nhiên tự tại!

Cuộc đời không bao giờ chấp nhận có cái gọi là “phải chi”….

Sáng hôm sau ông Dê nói với K’Breo:

-Mi cứ ở đây với ông Thủy Bạc, mọi chuyện phải nghe lời ông ấy. Ta có việc cần đi khỏi đây, trễ nhất là ba tuần trăng sau ta sẽ trở lại. 

“Đầu tiên cháu phải học là vườn” ông Thủy nói với K’Breo như vậy sau khi ăn sáng. Ông Thủy nói tiếp “làm vườn không khó, cháu cứ coi ta làm rồi bắt chước theo là được”. Ông Thủy Bạc thậm chí không cần hỏi ý của K’Breo có chịu ở với ông không, ông dựa hoàn toàn vào lời dặn dò của ông Dê A Vê với K’Breo và coi chuyện anh làm vườn cho ông là đương nhiên! Còn K’Breo với tâm hồn thuần phác, anh được dạy rằng khi mình ăn của người thì phải làm việc cho người, đó là lẽ công bằng của tự nhiên. Anh hoàn toàn không có một ý niệm nào khác ngoài việc đã được ông Thủy cho ăn cơm thì phải làm vườn cho ông Thủy!

Thật ra làm vườn không khó, đúng như ông Thủy nói bữa đầu tiên, chỉ một tuần sau – bây giờ ta sử dụng thời gian của một tuần là bảy ngày theo lịch của người Tây, khác với tuần trăng phải dài đến một tháng và càng khác lắm với tuần của người Tàu, K’Breo đã thông thạo công việc đồng áng.

Cô Hai, con gái lớn của ông Thủy là một người con gái đang tuổi mới lớn. Trước kia cô phải xuống vườn phụ ông bà Thủy Bạc cùng với hai người em gái kế cô, còn bốn đứa em trai chúng còn quá nhỏ để có thể làm lụng nên được ở trên nhà coi chừng bầy gà không cho lũ gà ranh mãnh bới tung những luống hạt giống mà nhà ông Thủy gieo. Nay có K’Breo làm, cô Hai và hai cô em được đặt cách nấu cơm cho cả nhà, việc làm vườn nếu là việc nặng thì đã có K’Breo và ông Thủy Bạc, còn việc nhẹ do bà Thủy Bạc lo. Cô Hai hình như không nói được tên K’Breo của anh, hoặc giả cô làm bộ như thế bởi phàm là con gái có rất nhiều những mánh lới dụ hoặc đám con trai, một hôm cô nói với anh:

-Tui kêu anh là anh Beo nhé, cái tên Ka Bờ Reo khó kêu quá!

K’Breo chỉ cười không nói gì, cô Hai thấy chàng thanh niên này hay hay cô càng làm tới:

-Mà anh có mạnh như …beo không?

K’Breo ngạc nhiên hỏi lại:

-Beo là cái gì?

Cô Hai cười hết cỡ:

-Con beo mà anh không biết sao, là con báo đó!

K’Breo cười:

-Tôi biết con báo, con báo chạy nhanh nhất thảo nguyên mà!

Đến lượt cô Hai ngạc nhiên:

-Thảo nguyên là gì?

K’Breo cười to:

-Thảo nguyên là vùng đất rộng mọc toàn cỏ mà mà nàng cũng không biết sao?

Cô Hai ngưng cười, cô trố mắt nhìn K’Breo với ánh mắt lạ lẫm, hồi nào tới giờ chưa ai gọi cô bằng nàng như vậy:

-Anh gọi tui là…nàng à?

Bất ngờ cô cười lên khanh khách, tiếng cười trong trẻo của cô Hai vang lên khiến bầy gà đang bới đất kiếm ăn cũng ngừng lại để nghe. Cô lấy làm thích thú với cách gọi của K’Breo và ngày càng thấy anh rất…thú vị! Khi người con gái thấy người con trai thú vị nghĩa là cô đã để ý đến chàng ta, hiển nhiên là vậy bởi trong thế giới con người khác nhau nhiều thứ nhưng có những điều cơ bản thì chỉ là một. Cô Hai nói:

-Anh Beo ơi anh vui quá!

K’Breo nhướng mắt nhìn cô không trả lời, cô nhận thức được rằng anh coi lời khen của cô là lẽ tự nhiên. Anh không phản đối cũng không đồng ý khiến cô ngày càng thấy tò mò. Không tò mò sao được một khi người con trai càng tỏ ra bí ẩn càng khiến phụ nữ càng muốn tìm hiểu. Và cứ như vậy hình bóng chàng Beo ngày càng lớn lên trong hồn cô gái vừa mới lớn.

Hôm đó cô Hai vừa nấu cơm vừa hát một khúc ca. Giọng cô vút lên cao theo giai điệu vui nhộn nhưng mượt mà, nét lả lướt trữ tình trong ca từ khiến bài hát hút người nghe. Người nghe hôm đó là anh chàng Beo đang im lìm nghe cô hát. Cô hát rằng “ở bên này anh hát bài ca thiết tha/ nhớ về em lòng anh nghe xót xa/ mấy thu rồi anh không gặp em vắng xa/ ơi người em yêu dấu trong lòng ta…”.

K’Breo sửng sốt. Chưa bao giờ anh nghe một bài hát trừ những bài dân ca của người Lạch. Thinh không một cơn ớn lạnh như thể là “điển” ập đến trong lòng anh, anh biết mình vừa gặp một điều quý giá rất lung linh và quyến rũ! Một cách rất tự nhiên K’Breo hát theo cô gái, hình như cô Hai rất thích bài ca này nên cứ hát đi hát lại hoài. Điều đó khiến cho K’Breo thích thú. Chỉ cần cô Hai hát ba lần là anh thuộc cả bài, vả chăng chính thời gian ông Dê bắt anh học hát bằng tiếng hát của tự nhiên nay anh đem ra áp dụng và sở đắc ngay một bài hát trữ tình!

Anh hát lại bài hát vừa học được, lần này anh hát to khác hẳn lúc nãy chỉ vừa đủ một mình anh nghe. Cô Hai im bặt lắng nghe anh hát, khi bài ca vừa chấm dứt, cô buông rổ rau đang rửa chạy đến chỗ anh đang đứng, giọng cô như muốn hụt hơi:

-Beo…Beo, ai bày anh hát?

Từ tốn anh trả lời:

-Ta nghe nàng hát nên học theo, vậy thôi!

Nàng sửng sốt:

-Vậy thôi ư…anh hát quá hay Beo ơi!

Rồi cô nói tiếp, giọng cô gần như rên rỉ:

-Bài hát Bản tăng gô cho người xa xứ…cậu Út ơi có người hát được rồi!

 

CHƯƠNG 42

TÌNH YÊU LÀ GÌ?

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 519
Ngày đăng: 05.02.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 40: Nụ cười tuyệt đẹp) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 39: Gương mặt thủy thần) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 38:Thoát chết) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 6) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 37: Kẻ bị thần núi bắt mất linh hồn) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 36: Đêm định mệnh) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 5) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 35: Buổi nói chuyện giữa Thầy và trò: Bí mật của Phương Thuật) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: tiểu thuyết (Chương 34: Tội ác) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 33: Cái vòng tay của bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)