Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
703
116.714.524
 
Thung lũng trăm năm:Tiểu thuyết (Chương 1: Hai anh em)
Võ Anh Cương

 

 

 

Về hướng đông nam của dãy núi Langbiang là những quả đồi tròn. Những quả đồi nối tiếp nhau như một làn sóng và chỉ bị chận lại bởi một dãy núi mờ nhạt ở cuối chân trời. Buổi sáng hôm ấy, người ta thấy một thiếu niên mặc quần áo màu chàm, lưng mang gùi, một loại giỏ có quai đan bằng mây và tre  đang leo lên triền núi. Đó là một cậu bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Nước da cậu trắng hồng, khác hẳn người dân bản địa là điều khiến người ta chú ý. Cậu tiến đến một gốc thông già, mắt cậu lom lom nhìn xuyên qua những tầng lá màu xanh. Trên cành thông, một con sóc đang dùng đôi chân trước nhỏ xíu bóc một trái thông của mùa năm trước. Những cánh màu nâu của trái thông rơi lả tả xuống đất, biết đâu trong đó có một hạt thông còn sót lại, thiên nhiên sẽ có thêm một sinh vật nữa khi mùa mưa đến? Cậu cho tay vào bọc và lôi ra một mũi phi tiêu. Cậu vung tay. Con sóc nhỏ đang thanh bình thưởng thức bữa ăn sáng trúng thương rơi xuống đất. Cậu đến nhặt con vật săn được và khuôn mặt cậu lộ vẻ hân hoan. Có lẽ cậu thích thú vì tài phóng phi tiêu của mình chăng? Không ai biết cậu nghĩ gì cả vì cậu đi chỉ có một mình, người ta chỉ thấy cậu đi ngay xuống thung lũng dưới chân dãy núi và nhóm lên một đống lửa bằng những cành thông khô. Cậu nướng con sóc, một con gà rừng và bắt đầu đánh chén. Nhìn cách sinh hoạt của cậu, người ta biết ngay rằng tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu đã quen thuộc với cách sống của người hay đi ra ngoài hoang dã. 

 

Ăn xong cậu nằm lăn ra bãi cỏ xanh. Trên trời mây trắng bay bay, đám mây đang là một hình này, lát sau đã trở thành hình khác. Những hình dáng liên tục thay đổi của đám mây khiến cậu thích thú ngắm không chán mắt. Tiếng con chim hoạ mi cất lên hoà trong tiếng thông reo khi một cơn gió thổi qua bỗng trở thành một bản nhạc giao hưởng của đất trời. Thanh bình quá, quả là thiên nhiên hoang dã dưới chân núi Langbiang mới đẹp làm sao! Trong tiếng nhạc của đất trời đang giao hoà, cậu bé thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Khi cậu thức dậy, mặt trời đã lên cao đang hào phóng phả những tia nắng xuống mặt đất khiến cậu chói mắt. Cậu ngồi bật dậy xốc vội chiếc gùi và đi ngay ra khỏi lòng thung lũng. Men theo một con suối nhỏ hai bên bờ lau sậy mọc ken dày, cậu vừa đi vừa quan sát cảnh vật chung quanh. Ra khỏi thung lũng trước mặt cậu là một vùng đất khá bằng phẳng cỏ mọc xanh rì, xen lẫn vào đó là những bụi sim, mua, ngũ sắc và những loài cây hoang dại khác. Cậu tiến về một bụi dâu rừng, những trái dâu chín đỏ như ra vẻ khiêu khích cậu. Không riêng gì cậu, lũ kiến rừng cũng bị những trái dâu đỏ tươi kích thích. Chúng tiến lại trái dâu hai chiếc râu ngộ nghĩnh huơ huơ trong không khí. Cậu hái một trái dâu cho vào miệng sau khi thổi một hơi dài khiến lũ kiến rơi lả tả. Khoái trá với vị dâu tươi cậu hái lấy hái để, vừa ăn vừa cho vào bọc. Một lát sau cây dâu hoang không còn một trái nào.

 

Hoan hỉ cậu bé đi càng lúc càng xa trảng bằng cậu tiến vào một cánh rừng thưa sau khi chứng kiến cảnh một đàn nai chừng năm con đang chạy, chúng tung một đám bụi đỏ sau lưng. Đó là một cánh rừng hỗn giao trong đó có những loại cây lá rộng xen kẻ với loại lá kim. Điểm xuyết vào đó là những cây dẻ với hai màu lá, mặt trên là màu xanh thẩm còn mặt dưới là màu trắng bạc. Tiếng róc rách của một con suối nhỏ chảy ra từ một ngọn đồi trước mặt lọt vào tai cậu. Nước suối trong leo lẻo soi rõ những con cá lòng tong với chiếc đuôi xinh xắn có một chấm màu xanh đang bơi lội một cách vô tư. Thỉnh thoảng một con cá tràu đen thủi xuất hiện đột ngột từ một hóc hẻm nào đó như một kình ngư trong thế lao lên hung tợn. Càng lên cao con suối càng nhỏ dần và cạn kiệt. Nước đọng thành từng vũng nhỏ ở chỗ đất tương đối bằng phẳng. Nơi ấy là chỗ trú ngụ của loài tôm và cua núi. Chúng đen thui thủi với những râu và ria  có lẽ dùng để đe doạ kẻ thù? Tinh nghịch cậu chọc môt cành cây nhỏ vào càn một con cua. Nó vội vã kẹp lại nhanh như cắt cậu giật lên. Con cua núi nhỏ những giọt nước trong vắt xuống bãi cỏ xanh nhưng nhất định không chịu buông cành cây ra, điều ấy khiến cậu lấy làm thích thú. Theo cách ấy cậu bắt được trên chục con cua, cậu dùng một sợi dây cỏ xâu chúng lại với nhau. Để bắt tôm, cậu làm cách khác. Cậu lôi từ chiếc gùi ra một cái gói nhỏ làm từ một chiếc lá rừng to bản, trong đó là một ít thức ăn thừa. Cậu đổ thức ăn xuống nước và chờ đợi. Một, hai, ba rồi bốn con tôm xúm lại rỉa mồi. Nhanh nhẹn cậu cho tay vào nước từ từ tiến lại và bắt từng con một. Lát sau cậu đã có một xâu tôm đáng kể. Cậu gom chỗ tôm và cua lại, cho vào gùi rồi lên đường. Lần này cậu men theo triền đồi tiến đến một hẻm núi là nơi gặp nhau giữa hai quả đồi dưới chân núi Langbiang. Trong ấy có vô vàn những loài thảo mộc mọc thành từng đám vì đó là nơi đất ẩm. Mắt cậu sáng lên khi nhìn thấy một bụi cây có những chiếc lá dài và nhọn chỉa lên trời. Cậu moi đất chung quanh gốc, củ của bụi cây này mọc thành một chùm. Bên cạnh những củ già có màu nâu đậm là những củ còn non. Cậu bẻ một củ và ngửi. Một vị hăng hắc bốc ra khiến cánh mũi cậu chun lại trông thật ngộ nghĩnh. Nét hân hoan trên gương mặt cậu cho người ta biết cậu đang lấy làm đắc ý. Cậu nhổ vội một số cây cho vào gùi rồi đi xuống chân đồi sau khi quan sát thật kỹ cánh rừng dưới chân núi Langbiang.

 

Mặt trời xuống thật nhanh. Mới đó mà cánh rừng đã bắt đầu âm u, một vẻ âm u huyền bí chỉ xuất hiện khi mặt trời đã bắt đầu nhạt nắng. Cậu ra khỏi cửa rừng bỏ lại phía sau một cánh rừng đen thẩm. Xa xa một làn khói bốc lên từ một gốc một cây thông cổ thụ. Cậu hơi ngạc nhiên và đi chậm lại, cố men theo bóng tối của những lùm cây bụi cỏ để ẩn thân mình. Đó là thói quen của những người thường tiếp xúc với hiểm nguy, một bản năng có được qua cuộc sống đầy bất trắc. Trước mặt câu là một người thanh niên khoảng mười tám đôi mươi. Anh ta đang lui cui nướng một miếng thịt nai khô. Mùi thịt nướng khiến cậu thấy bụng mình sôi lên sùng sục. Một thoáng cau mặt, hình như cậu quyết định một điều gì thì phải. Cậu tiến về phía người thanh niên, lần này cậu không ẩn thân nữa mà đàng hoàng bước đi với vẻ tự tin. Cậu lên tiếng kèm theo một nụ cười khi người nọ ngước lên:

- Chào anh, anh đang chuẩn bị bữa tối à, anh cho em tham gia với được không?

 Người thanh niên có vẻ không chút ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu, anh điềm tỉnh trả lời:

 - Được thôi… mời chú, chúng ta đều là người trong thiên hạ cả mà?

 - Anh chờ em một chút, em nấu nồi cơm, em có cả một xâu tôm cua nữa nè.

Cậu nhanh nhẹn đặt gùi xuống đất rồi lấy ra một chiếc nồi đồng. Bên trong chiếc gùi là gạo được đậy cẩn thận bằng những chiếc lá khô to bản và dai. Cậu lấy ra một ít gạo cho vào nồi và nhanh nhẹn đi ra bờ suối.

Khoảng nửa canh giờ sau một bữa cơm được dọn ra trước đống lửa đang hừng hực cháy. Trông hai người  trai trẻ ăn mà bắt thèm, họ ăn ngon lành quá. Quả là một bữa cơm ngon đối với cả hai người. Thức ăn của họ là thịt nai khô nướng chấm muối ớt, canh cua nấu rau rừng, tôm nướng  và tráng miệng là món dâu rừng. Ăn xong người trẻ tuổi nói với người thanh niên:

- Đại ca bữa nay anh cho em ăn ngon quá. Anh chờ một chút, em nấu ấm trà rồi anh em ta đàm đạo.

Nói xong cậu đi ngay ra suối và mang về một nồi nước. Bình trà của hai người là một quả bầu khô lên nước bóng loáng. Sau khi nhắp một ngụm trà người thanh niên hỏi:

- Bây giờ em cho ta biết tên được chưa?

- Em tên Thái họ Trương. Thầy em nói rằng khi đặt tên cho em, thầy em dùng tên quẻ Thái để mong cuộc đời em lúc nào cũng hanh thông!

- Vậy nhà em ở đâu, vì sao em phải ra ngoài hoang dã làm gì?

- Em ở với thầy, nhà em cách đây độ một ngày đường, em đi tìm cây thuốc cho thầy trị bệnh cứu người.

- Hóa ra là vậy thầy em là y sư, thảo nào mà ta thấy dược thảo trong gùi của em.

- Còn anh là ai và lên trên này làm gì? Nhìn anh em biết ngay không phải là người sống ở vùng này!

Người thanh niên trầm ngâm một hồi rồi thủng thỉnh trả lời:

- Ta tên là Đại Quá nghĩa là gian nan, cũng họ Trương như em, cũng được thầy đặt tên theo một quẻ trong Kinh Dịch. Này Thái à ta có một ý nghĩ: ta và em đều là người trong thiên hạ lại cùng họ với nhau, chúng ta không có bà con nhưng ta muốn cùng em kết nghĩa đệ huynh được chăng?

Trương Thái mừng rỡ:

- Ý anh hay lắm từ nhỏ em đã không có anh em, nay tình cờ gặp anh được một người như anh nhận làm anh em kết nghĩa thì còn gì bằng. Đại ca em làm lễ ra mắt đại ca nhé?

Trương Đại Quá vội vàng ngăn lại:

- Anh em ta bèo nước gặp nhau như vậy là có duyên lắm rồi ta không thích đa lễ làm gì, miễn rằng từ nay về sau em đối đải với ta bằng một tấm chân tình là được. Ta lớn tuổi hơn tất nhiên làm anh, để ta kể cho đệ nghe gia thế của ta.

Nói xong Trương Đại Quá bắt đầu kể:

- Cha ta kể rằng dòng họ Trương nhà ta là một dòng họ lâu đời ở Tây Sơn Thượng Đạo, ông tổ nhà ta là người sáng lập ra môn phái Ngọc Trản thần công. Cụ tổ nhà ta theo ba anh em nhà Tây Sơn cũng là hàng danh tướng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Đến đời cha ta ông không đi theo con đường võ quan mà chỉ lý thú làm ruộng sống một đời dân dã. Cha ta chỉ có một người con là ta, nên cũng muốn ta tiếp tục làm ruộng như ông vậy. Ông cho ta học ít chữ nghĩa của cụ đồ trong làng,  hàng đêm cha ta truyền dạy võ công của gia phái. Số trời không cho cha ta sống thọ, cách đây ba năm  ông bị bạo bệnh mà chết. Mẹ ta buồn rầu vì cái chết của cha ta nên cũng đi theo ông hai năm trước. Vậy là ta trở nên mồ côi khi vừa mười tám tuổi. Còn vì sao ta lên vùng ngược này à? Ta nói cho em nghe là ta đi tìm chiếc sừng tê giác, em biết sừng tê chứ?

- Có phải tê giác còn gọi là tê ngưu không, nếu như vậy em đã nghe thầy em kể lại rồi?

- Thầy em nói sao em kể cho ta nghe được không?

Trương Đại Quá nôn nóng hỏi, Trương Thái trả lời:

- Năm ngoái nhân có người bạn ghé thăm thầy hai người nói chuyện tận khuya, em là người hầu trà nên có nghe hóng chuyện. Thầy em nói rằng sừng tê là một vật trân quý từ thời xa xưa, khi người Tàu còn đô hộ nước ta quan Đô Hộ Phủ đã bắt dân ta lên rừng tìm sừng tê giác để cống nộp về phương Bắc cho vua Tàu. Như vậy đủ biết sừng tê là một loại quí giá biết bao. Theo truyền thuyết tê giác sống thành từng đàn khoảng năm sáu con, chúng sinh sống ở những cánh rừng gai góc, lại là nơi có đầm lầy địa thế hiểm trở. Ngoài ra tê giác tuy mắt kém, nhưng khứu giác nó linh mẫn vô cùng. Da nó dày lắm khó có tên, giáo mác nào xuyên thủng. Loài tê giác lại rất to lớn và khi phát hiện ra kẻ thù thì nó tấn công bằng chính cái sừng rất sắc bén cho nên hung hiểm vô cùng. Em nghe thầy kể: thầy em đã từng thấy một chiếc sừng tê ở nhà một người bạn thầy là ông K’Briểu ở cách đây xa lắm. Lúc đó hai người đang uống rượu cần, thì có một người trong buôn đến nói nhỏ với ông K’Briểu xin mượn chiếc sừng tê để mài ra thoa cho vú vợ bị bệnh gì đó sau khi đẻ con. Nghe thầy em nói chỉ cần thoa vài lần như vậy thì bệnh sẽ hết hẳn. Thầy em  còn nói rằng sừng tê còn trị nhiều thứ bệnh khác, đặc biệt nó là vị thuốc không thể thiếu được trong bài thuốc tăng tuổi thọ của ông Hoa Đà bên Tàu ngày xưa. Em chỉ nghe đến đó thôi rồi đi ngủ khi thầy em và bác Võ Đại Huynh chuyển qua uống rượu. Bây giờ nghe anh nói em mới sực nhớ ra chứ người có chiếc sừng tê là ông K’Briểu em cũng không biết ở đâu và hiện nay có còn chiếc sừng không nữa?

Nghe Trương Thái kể xong Trương Đại Quá trầm ngâm nghĩ ngợi, không thấy người anh của mình nói gì thêm, Trương Thái hỏi:

- Vậy chớ anh tìm thứ của hiếm đó để làm gì?

Trương Đại Quá trả lời:

- Chuyện này ta kể với em cũng được nhưng ta chỉ ngại em còn nhỏ tuổi, không hiểu hết tâm sự của mối tình trai gái?

Trương Thái ngạc nhiên cậu chưa bao giờ nghe nói đến tình yêu, nhưng trong tâm hồn non trẻ của cậu bỗng nảy sinh một tình cảm mà từ trước đến giờ cậu chưa từng trải qua. Thái lơ mơ nghĩ rằng có lẽ đó là những tình cảm rất riêng và cũng rất thiêng liêng nên anh Đại Quá mới phải bôn ba gian khổ để đi tìm sừng tê ngưu để… Thái không tìm ra chữ diễn tả tâm trạng này. Nghĩ như thế nên Thái giục:

- Đại Quá anh kể đi em nóng ruột muốn biết quá chừng rồi?

Trương Đại Quá chưa chịu kể ngay anh trầm ngâm như đang để tâm hồn mình dõi tận đâu đâu, hình như anh quên mất thằng em mới kết nghĩa đang nôn nóng chờ nghe anh kể chuyện. Trương Thái giục tiếp:

- Kể đi anh Đại Quá?

Mắt Trương Đại Quá mơ màng anh kể bằng một giọng trầm buồn:

- Như em biết quê ta ở Tây Sơn. Thôn Trường Định của ta là một vùng trồng lúa rụông đất cũng thuộc loại phì nhiêu nhất là ruộng rộc. Nhưng đất đai phần lớn là của chủ đất đó là những người chủ giàu có ở thôn quê. Quê ta có người họ Trần tên là Trung Thế, nhưng mọi người không bao giờ dám gọi như vậy, ai cũng gọi là ông Bá hộ. Ông Bá hộ giàu nứt đồ đổ vách người làm công cho ông hầu hết là dân làng ta. Nhà ta cũng vậy hàng năm đều phải nhận ruộng của ông Bá làm và nộp tô, vì ngoài mấy sào vườn nhà ta không có một mảnh ruộng nào. Khi cha mẹ ta chết đi ta cũng phải tiếp tục công việc cha mẹ ta đã làm từ trước đến nay. Hôm đó ta đang ăn cơm chiều sau khi đi đồng về thì người nhà của ông Bá đến gọi ta lên nhà ông có việc. Ta ngạc nhiên hết sức bởi vì ta vừa đóng tô cho ông Bá xong, không thiếu dù chỉ một hạt lúa. Ta không hiểu ông Bá cho kêu ta lên nhà có việc gì? Không kịp ăn xong bữa cơm chiều ta vội theo tên gia nhân lên nhà ông Bá. Lúc ấy mặt trời vừa mới lặn ông Bá ăn cơm chiều xong ngồi chễm chệ trước hàng hiên, ông đang xỉa răng phía sau là hai người hầu gái đang phe phẩy quạt cho ông Bá. Thấy ta làm lễ ra mắt, ông Bá cười nói:

- Miễn lễ ngươi biết vì sao ta cho gọi ngươi lên đây không?

Ta trả lời là không biết mong ông Bá chỉ dạy. Ông Bá hộ nói:

- Ta nghe nói ngươi là truyền nhân của Ngọc Trản thần công phải không? Hôm nay ta có nhả hứng kêu ngươi lên trên này biểu diễn môn công đó cho ta xem được chăng?

Nói xong ông bá lim dim mắt và vuốt râu ra vẻ tự đắc còn ta đang rất là khó xử. Thái biết không ta đúng là truyền nhân một chi nhánh của Ngọc Trản thần công, nhưng môn quy của bản phái không cho phép ta phô diễn võ công ra bên ngòai một cách khinh xuất. Do đó ta mới trả lời không thể biểu diễn võ công cho ông Bá xem được, ông Bá đùng đùng nổi giận:

- Hay cho tên nhà quê này ngươi dám từ chối yêu cầu của ta sao? Bay đâu kêu thằng Út Đực ra đây, thử xem hắn có cả gan đứng đó chịu đòn của thằng Út hay không?

Ta từng nghe danh tên Út. Đó là một người rất to lớn, y là trợ thủ đắc lực của ông Bá trong việc thu tô, cấn nợ. Y sẳn sàng làm bất cứ việc gì cho dù việc đó có thất nhơn ác đức đến đâu chăng nữa, miễn là ông Bá hài lòng hoặc việc làm đó có lợi cho y. Út Đực nổi tiếng với môn Ngũ Hổ đoạn môn đao mà y theo học được của một ông thầy Tàu trước khi về đầu quân cho ông Bá. Đao pháp của y rất bá đạo, đuổi tận giết tuyệt là cách mà y ra tay khi lâm sự. Đã có nhiều người thất bại dưới tay tên Út Đực, nhẹ thì bị thương trở thành người tàn phế, còn nặng là mất mạng về tay y. Vì vậy nên tên Út Đực rất là kiêu ngạo, dưới mắt hắn quê ta là chốn không người. Nghe lệnh của ông Bá, Út Đực vênh váo nhảy ngay ra sân đất nện với ngọn đao có nước thép lạnh buốt trên tay. Nhìn bộ dạng của Út Đực ta càng thêm căm ghét hắn. Ta thường nghe người ta kể về tên Út với vẻ sợ sệt trên nét mặt, ta lấy làm tức lắm. Nhưng cha ta thường dạy chớ cậy võ công cao cường mà đi gây hấn với người, môn quy không cho phép làm điều đó. Hôm nay tên Út lại ra khiêu chiến với ta theo lệnh của ông Bá chính là điều hợp ý ta: ta không phạm môn quy mà vẫn được thử võ công của tên ác ôn này!

Sau khi xuống tấn Út Đực lên tiếng:

- Tên kia mi nghe rõ chưa, mi phải thi triển Ngọc Trản công để mà giữ mạng đao ta không có mắt đâu!

Nói xong Út nhe răng ra cười khả ố với một giọng cười cứ nghe như là cú kêu ma khóc, ai non gan thế nào cũng chết khiếp với tiếng cười này. Ta đã nghe cha ta dạy rằng trong thiên hạ có một môn công phu dùng tiếng cười để làm rối địch thủ trước khi xuất chiêu có lẽ là đây chăng ? Ta biết rằng tên Út Đực quả là hảo thủ chứ không phải là người không có thực tài. Ta tập trung tinh thần quan sát đao pháp của y.  Nhìn thế thủ của tay đao ta nhận thấy y thủ rất kín, không để lộ chút sơ hở nào. Về phần ta cũng vậy ta không dám khinh suất….

Nghe đến đây Trương Thái hồi hộp xen vào:

- Rồi ai thắng hả đại ca?

Trương Đại Quá nghiêm giọng:

- Tất nhiên là ta rồi nếu không sao ta có thể gặp em ở chốn này? Khi Út Đực phát chiêu một làn lãnh khí bao trùm lên ta. Ta sử dụng thân pháp gia truyền tìm những vị trí sơ hở của Út Đực mà phản công. Phải mất hơn một canh giờ ta mới khuất phục được tên này bằng cách xông vào khoảng hở của đao quang và điểm trúng huyệt Khí Hải tên Út Đực. Ông Bá thất thần khi nghe ta nói rằng tên Út Đực từ nay mất hết võ công và phải nằm tỉnh dưỡng trong vòng một trăm ngày thì tính mạng mới bảo toàn được. Từ nay Út Đực không còn là mối hiểm hoạ của người dân lương thiện nữa. Lúc ấy ta đâu biết rằng ông Bá rất căm tức ta đã hủy một gia nhân đắc lực của ông. Ta còn đang tự mãn vì đã trừ khử được một mối hiểm họa cho dân lành, ta không để ý thấy nét mặt khác lạ của ông Bá. Lát sau ông Bá nói:

- Hay lắm ngươi có một thân võ công rất khá, ta muốn ban cho ngươi một đặc ân: ngươi có muốn làm gia nhân của ta không?

Ta trả lời ngay:

- Thưa ông Bá tôi đã nhận ruộng của ông Bá làm từ ngày cha tôi còn sống, tôi xin ông Bá cứ cho tôi làm ruộng như cũ là được lắm rồi.

Ông Bá hộ nhìn ta cười nhạt một hồi lâu ông nói:

- Thôi được ngươi không muốn là người hầu cho ta cũng không sao… nhưng một tên khố rách áo ôm như ngươi ta không thể gả con gái ta cho ngươi được, trừ phi….

Em Thái có lẽ chưa biết thế nào là tình yêu còn ta đã nếm trải  hương vị của nó từ ngày ta tình cờ gặp cô Ba ra cầu ao làng rửa chân khi từ đồng về. Cô Ba tên là Trần Thị Huyền là con nuôi của ông Bá hộ. Thực ra ông Bá danh nghĩa là cha nuôi cô Ba nhưng ông Bá là một trọc phú làng quê nên cô Ba cũng như bao nhiêu người ăn kẻ ở của ông Bá đều phải làm việc  không thua kém một tá điền nào. Ta và cô Ba thương nhau và đã tự đính ước với nhau sau một  thời gian chúng ta gặp nhau đến giờ ta ngớ người ra khi ông Bá nhắc chuyện cô Ba, ta không ngờ ông ta cũng biết chuyện này. Thấy ta lúng túng ông Bá đắc chí nói:

- Ngươi muốn biết điều kiện ta đặt ra với ngươi lắm phải không? Ta cũng không giấu ngươi làm gì muốn ta gả con gái ta cho ngươi ngươi phải có một cặp sừng tê giác làm sính lễ, nếu không có thì đừng hòng. Thôi ngươi về đi ta nghĩ rằng ngươi nên từ bỏ ý định cưới cô Ba đi thôi. 

Nói xong ông Bá cười to ra vẻ đắc ý rồi vẫy tay đi vào nhà trong. Ta đứng trơ ra giữa sân đất nện mà lòng thì ngổn ngang trăm mối. Thái biết không quê ta ở đồng bằng cả đời ta chưa đi ra khỏi lũy tre làng thì biết ở đâu có loài tê giác mà tìm lấy sừng? Ngay cả tên một loài vật là tê giác hôm ấy cũng lần đầu tiên ta nghe, vậy thì biết tìm chúng ở đâu? Thấy ta suy nghĩ những người nhà ông Bá nhìn ta nhưng họ không giúp cho ta một điều gì cả ngoại trừ một cái nhìn thông cảm. Ta ra về đêm ấy không sao ngủ được cứ đi ra rồi lại đi vào. Sáng ra ta không đi đồng như thường lệ, ta ra quán ông già Tư ngoài đầu làng và kêu một bầu rượu. Quê ta có loại rượu rất ngon tên là rượu Bầu Đá ta cũng có thử qua nhưng chưa lần nào uống nhiều cả. Hôm nay buồn quá ta thử uống xem có giải được sầu như người ta thường nói hay không? Uống hết một bầu rượu ta thấy một làn khí nóng đang công kích thân tâm, bỗng nhiên ta cảm thấy mình cứng rắn hơn, ta quyết tâm lấy cho được cô Ba làm vợ nhưng chưa biết bằng cách nào. Đúng lúc ta suy nghĩ như vậy thì ông chủ quán nói với ta:

- Anh hùng khó qua khỏi ải mỹ nhân, chàng trai có muốn ta chỉ cho đường đi nước bước không?

Nghe ông già Tư hỏi ta như người đang vật lộn với sóng nước bỗng vớ được phao, ta liền hỏi:

- Bác Tư bác chỉ cho cháu đi, dù có gian khổ ra sao cháu cũng không từ!

Ông già Tư trả lời:

- Sáng nay cả làng này đều nghe tin cháu trừ khử tên Út Đực. Việc làm này của cháu đã khiến những người bị y ức hiếp lấy làm hả hê, Út Đực quả đúng với câu “gieo nhân nào gặt quả đó”. Ta cũng vậy ta khen cháu đó. Nhưng ta biết cháu đang rầu rĩ trong lòng, có phải vậy không? Ta nghe ông Bá thách cưới với cháu là hai chiếc sừng tê giác. Cả cái làng và cả tổng này nào ai đã thấy chiếc sừng tê hả cháu, vậy thì cháu tìm ở đâu ra vật đó? May mà cháu gặp ta….

Nghe đến đây mắt ta sáng lên, ta biết ông già Tư có thể giúp ta tìm ra chiếc sừng tê giác, ta cầu khẩn ông Tư:

- Bác Tư bác cố giúp cháu, bác và dân làng đều biết cháu và cô Ba thương nhau. Ông Bá lại ra món thách cưới thắt ngặt quá chừng bác thương cháu với, bác Tư!

- Ta thương cháu nên mới định kể chuyện bí mật của ta cho cháu nghe, may ra giúp cháu đôi phần…. mà lại giúp cả ta nữa! Trương Thái em phải biết rằng người nhà quê đã nói ra là giữ lấy lời, ta cũng vậy ta thề khi tìm được sừng tê giác trước khi nộp cho ông Bá hộ ta cắt một khúc phía gốc sừng cho ông Tư. Ông Tư nghe lời thề chắc như đinh đóng cột của ta ông từ tốn nói:

 - Không biết câu chuyện ta kể cho cháu sau đây có giúp ích gì cho cháu không vì không liên quan trực tiếp đến chiếc sừng tê giác nhưng ta nghĩ chỉ có vật đó mới có thể giết con tê giác và chiếm lấy sừng của nó được. Cha của ta thuở trai tráng là một người lênh đênh kiếp sống giang hồ rày đây mai đó với chiếc ghe bầu chạy dọc ven biển. Cha ta là thương nhân đi buôn bán tận xứ đàng trong sau này khi đã gặp mẹ ta, chán kiếp sống giang hồ cha ta mới dọn về làng này và sinh ra ta. Vì vậy cháu thấy đó ta cũng nối nghiệp cha ta trong nghề buôn bán nhưng không như cha, ta chỉ có chiếc quán nghèo này để làm sinh kế. Thuở còn đi buôn một hôm cha ta có cứu một người, ông này bị trúng phong và nằm trong bụi rậm ven đường. Lúc ấy cha ta đi ngang qua thấy người gặp nạn ông liền đem người bị trúng phong về chiếc ghe bầu của mình và cạo gió, cắt lể cho người nọ. Nếu không gặp cha ta có lẽ người đó đã chết rồi. Để trả ơn cha ta người đàn ông đó tặng cho cha ta hai vật trân quý. Thứ nhất là một viên ngọc rắn, những người hay đi vào vùng sơn lam chướng khí chỉ cần ngậm viên ngọc này trong miệng là không có một tà khí nào có thể thâm nhập cơ thể gây bệnh cả. Vật quý thứ hai là một tấm họa đồ làm bằng da dê vẽ vùng núi tên là Ngọc Linh sơn ở trên xứ Thượng. Trong núi này có một người ẩn tu tự xưng là Lão Khùng núi Ngọc Linh, ông ta có một thanh đao tuy rất cũ  nhưng lại sắc bén vô cùng. Lão đã ước hẹn rằng ai đem tấm hoạ đồ này cho lão, lão sẽ tặng cho người đó  thanh đao quý. Ban đầu cha ta không nhận hai vật kia nhưng người đàn ông nọ không chịu, ông ấy để hai vật ấy lại và bỏ đi mất. Cha ta cũng không chú ý hai vật này cho lắm, ông đem cất vào một chỗ và quên đi. Khi đã định cư ở đây một hôm ông lục tìm vật cũ thì mới sực nhớ ra hai món đồ người đàn ông bỏ lại. Ông kể cho ta nghe và dặn rằng đến một ngày sẽ có một người  cần đến hai món này và dặn ta phải trao lại cho người đó. Ta hỏi người đó là ai cha ta không trả lời chỉ nói rằng chữ duyên là vô cùng vô tận, con cứ nghe lời ta là được rồi. Ta cũng như cha ta đem cất hai món này, ta giấu dưới chiếc lư đồng trên bàn thờ đã nhiều năm rồi. Bỗng đâu tối qua ta nghe chuyện của cháu ta sực nhớ tới lời cha ta dặn, ta đem hai vật này để sẳn ở trong bọc thử xem lời cha ta dặn ngày xưa có linh ứng hay không ? Ngờ đâu  mới sáng sớm cháu đã xông đất quán ta và hỏi mua rượu, ta biết rằng vật trân quý đã gặp chủ nhân nên sớm có ý định tặng cháu hai món này. Cháu phải biết rằng chỉ có thanh đao của lão nhân này mới có thể giết được tê giác và lấy sừng của nó. Nhưng lòng ta cũng có chút tham lam nếu cháu có lấy được sừng tê, ta muốn cháu cho ta một phần chiếc sừng tê trước khi nộp làm sính lễ. Thiên địa thật bất công người ta đã giầu rồi mà còn được hưởng những sản vật trân quý… Nhưng mà thôi ta biết mọi sự đã được sắp đặt cả rồi, cha ta lúc cuối đời chuyên chú nghiên cứu Mai Hoa Dịch số, ông có truyền dạy cho ta. Phẩm chất ta tầm thường nên không tiếp thu được gì nhiều. Cuốn sách của cha ta để lại ta giao cho cháu tự học, biết đâu trong muôn một chút kiến thức trong sách này sẽ có ích cho cháu. Cháu thấy đó cha ta đã biết trước có một ngày hai vật quý sẽ có người cần, quả Mai Hoa Dịch số thật là linh nghiệm.

Trương Thái nghe Trương Đại Quá kể chuyện lấy làm thích thú. Từ nhỏ Thái đã rất mê những chuyện cổ tích mà mỗi lần nổi hứng thầy cậu mới kể cho nghe. Lần này Trương Đại Quá kể cho cậu một chuyện có thật mà cứ y như chuyện cổ tích, Thái nghĩ biết đâu chuyện cổ tích cũng là chuyện có thật trên đời? Thấy Trương Đại Quá ngừng kể sốt ruột Trương Thái hỏi:

- Rồi sao nữa hả đại ca, anh có đi tìm sừng tê giác không?

Trương Đại Quá bật cười:

- Nếu ta không đi tìm sừng tê giác thì làm sao gặp em ở chốn này? Trương Thái, ta rời quê nhà sau mấy tháng trời chuẩn bị và cũng là thời gian ta học những điều trong sách. Quả là một cuốn kỳ thư. Ta thuộc lòng cuốn Mai Hoa Dịch số nhưng khi đi vào việc thực hành vẫn còn thấy còn những chỗ mình vẫn chưa nghiệm ra. Ta tìm hiểu nguyên nhân và nhận ra rằng do kinh nghiệm sống của ta còn non nớt lắm nên chi trong phán đoán sự vật còn có chỗ chưa thông. Vì vậy ta quyết tâm lang bạt giang hồ để tìm cho ra chỗ ẩn cư của ông lão Khùng, không biết giờ này ông ấy còn sống hay không  để xin thanh đao quý và tích lũy kinh nghiệm sống nhằm vận dụng Mai Hoa vào việc đoán định cát, hung, họa, phúc. Sau đó ta sẽ dò hỏi chỗ có tê giác sinh sống và đi tìm vận may biết đâu ta sẽ có hai chiếc sừng tê để làm sính lễ và cưới cô Ba? Tính từ ngày lên đường cũng đã gần một năm trời  nhưng ta chưa tìm ra nơi nào có địa thế như trong bản hoạ đồ. Chiều nay ta tới chân núi này thì gặp em ta định ngày mai sẽ quan sát ngọn núi thử xem có phải là núi Ngọc Linh không?

Trương Thái cười nói:

- Lần này đại ca lại không may  rồi, ngọn núi này có tên là núi Langbiang. Lang là tên một người con trai, còn Biang là tên một người con gái, cả hai yêu nhau và chết vì mối thù của hai bộ tộc… em nghe thầy em kể chuyện như vậy.

Nghe Trương Thái cho biết tên ngọn núi, Trương Đại Quá thở ra và nói :

- Ta một thân một mình lang thang trên vùng cao này đã nhiều tháng nhưng vẫn chưa tìm ra ngọn Ngọc Linh sơn. Trương Thái, em có muốn cùng ta đi tìm núi đó không?

Trương Thái reo lên:

- Em muốn lắm  anh cho em theo với, trong vùng này em cũng thông thuộc chút ít.

Trương Đại Quá mừng rỡ:

- Quả là ông Trời cho ta gặp em để em giúp ta. Trương Thái em đã biết gia thế nhà  ta rồi. Còn em, em có thể kể cho ta biết thêm về em được chăng?

Trương Thái đang vui nghe câu hỏi của Trương Đại Quá nét mặt cậu bỗng xịu xuống, cậu nói:

- Em không biết cha mẹ chỉ biết có thầy. Thầy em hẹn khi em đủ lớn thầy sẽ kể cho em nghe gốc tích của em. Em nhiều lần gặn hỏi nhưng thầy em cứ lắc đầu hoài. Đại Quá, nhà thầy trò em cũng gần đây thôi nhưng thật không may, thầy em đã đi rồi nên anh không thể gặp được!

- Tiếc thật  nhưng biết làm sao được, thôi bây giờ em ngủ đi ta canh chừng cho.

Trương Thái nghe lời Đại Quá cậu quay lưng về phía đống lửa, Trương Thái lấy từ chiếc gùi ra một tấm chăn được dệt bằng những sợi vải rất thô có nhiều hoa văn lạ mắt, cậu trùm chăn và ngủ. Trương Đại Quá thấy Trương Thái đã ngủ, anh lẳng lặng ngồi thế bán già và bắt đầu buổi tập khí công trong ngày. Anh hít một hơi thật dài nén vào bụng chỗ huyệt đan điền, bụng  dưới anh phồng to lên mỗi khi hít vào và thót lại khi anh thở ra. Gương mặt anh thật trầm tỉnh, bình lặng như mặt nước hồ thu. Trên trời vầng trăng lưỡi liềm chiếu một thứ ánh sáng bàng bạc xuống cao nguyên, ngoài tiếng dế kêu và tiếng những con chim ăn đêm người ta không nghe một âm thanh nào khác. Nhưng cuộc sống dưới chân núi Langbiang huyền bí không bình yên như vẻ bên ngoài, trong ánh trăng yếu ớt  muôn vật vẫn sinh hoạt trong đêm với những nét riêng, đầy bí ẩn. Trăng khuya sương lạnh, ánh sáng chập chờn của ngọn lửa càng làm tăng thêm vẻ cô tịch của đêm trường. 

Khi Trương Đại Quá hành công xong, thời khắc đã vào khuya, Đại Quá sau khi nhìn quanh  anh định ngủ một chút. Bên kia đống lửa Trương Thái ngủ ngon lành, không biết trong mơ cậu thấy gì mà cậu mỉm cười một nụ cười trẻ thơ vô tư vô lự. Nửa đêm  Trương Đại Quá  thức giấc vì một tiếng động nhỏ bên kia bờ suối. Anh ngồi bật dậy trong ánh sáng yếu ớt của đống lửa sắp tàn, Đại Quá thấy một vật đang chuyển động. Đại Quá  đứng dậy, trước mắt anh là một người lùn đang ra sức kéo một con thỏ! Trương Đại Quá sửng sốt, từ trước đến nay anh chưa bao giờ thấy một người lùn kỳ dị như vậy. Lão lùn cũng nhìn về phía Trương Đại Quá, y không kéo con thỏ nữa mà quay lưng bỏ chạy  chớp mắt không còn thấy tung tích y đâu nữa. Chậm hơn lão lùn một nửa cái chớp mắt, Trương Đại Quá phóng mình qua con suối chỗ lão già lùn lúc nãy kéo con thỏ. Con thỏ vẫn còn đó nó bị trọng thương và đang kiệt sức vì máu ra nhiều. Nhưng lão già biến mất như có phép thuật, Trương Đại Quá không tìm thấy một chút dấu vết nào của lão cả. Anh cẩn thận vạch từng bụi cỏ nhưng tuyệt  nhiên không thấy gì cả. Thất vọng Trương mang con thỏ về bên đống lửa lúc này nó đã chết hẳn. Anh trầm ngâm nghĩ ngợi. Tai mắt những người luyện thần công Ngọc Trản tinh tiến vô cùng, một tiếng động nhỏ trong đêm không thể qua mắt những người đã luyện Ngọc Trản âm thuật. Huống chi Trương chỉ mới vừa chợp mắt một lúc chưa ngủ say. Chạng vạng tối  lúc Trương Thái xuất hiện, Trương Đại Quá đã nhận biết bước chân có vẻ  do dự của Thái. Một lúc sau Trương thấy cũng bước chân ấy nhưng lại đầy vẻ tự tin, anh thầm đánh giá người mới đến là một  người cẩn thận. Mà đã là người cẩn thận thì trong cuộc sống dễ thành công  nhưng trước tiên Trương thấy có thể tin được hạng người này. Vì vậy anh không ngạc nhiên chút nào khi một chàng thiếu niên đẹp trai xuất hiện trước mắt anh. Vậy mà giờ đây một ông già lùn lại chạy thoát khỏi tai mắt của anh thật là một chuyện khó ai tin được. 

Đang trầm ngâm suy nghĩ  mắt Trương nhìn về phía đông lúc này chân trời đã rạng màu dưa lê, báo hiệu một ngày đẹp trời trên cao nguyên xanh. Ngày mai anh sẽ phải tìm cho ra sự thật Trương Đại Quá thầm nghĩ như vậy. Chính lúc đó Trương Thái thức giấc, cậu lấy làm ngạc nhiên khi thấy Trương Đại Quá ngồi trầm ngâm bên đống lửa sắp tàn. Thái hỏi:

- Đại ca anh không ngủ sao?

Trương Đại Quá trả lời với một giọng nghiêm trọng:

- Em có biết vừa rồi ta gặp chuyện gì không?

Ngạc nhiên Thái hỏi:

- Chuyện gì hả đại ca?

- Ta gặp một lão già lùn đang kéo con thỏ này!

Trả lời xong Trương kể tỉ mỉ chuyện lão già lùn thoát khỏi cặp mắt anh chỉ trong nửa cái chớp mắt cho Trương Thái nghe. Anh nói tiếp:

- Ta đã nghe nhiều chuyện lạ kỳ trong thiên hạ nhưng đây là lần đầu tiên ta tận mắt chứng kiến một chuyện kỳ bí như vậy Thái à, hồi nào tới giờ em có nghe về những người lùn bao giờ chưa?

Trái với dự đoán của Trương Đại Quá Thái không mấy ngạc nhiên như anh nghĩ cậu chỉ nghiêm nét mặt một chút thôi, cậu nói:

- Đại ca chuyện những người lùn em có nghe thầy em kể lại. Đại khái chung quanh ngọn núi Langbiang tuyệt đẹp này có một tộc người lùn, họ là những người không có chiều cao, cùng lắm là chỉ ngang gối của anh thôi. Rất hiếm khi những người lùn này để cho chúng ta thấy họ, họ có một môn công phu giống như con tắc kè: đó là ẩn thân thuật. Cho nên em tin lúc phát hiện ra anh lão lùn kia chỉ ẩn thân chung quanh chỗ anh trông thấy lão thôi nhưng vì kỹ thuật ẩn thân của lão cao cường nên anh không thể phân biệt lão già với những lùm, bụi chung quanh lão. Chưa ai vào được vương quốc của những người lùn nghe đâu trị vì họ là một thiếu nữ rất đẹp. Đặc biệt  người thiếu nữ đó giống y như chúng ta chứ không phải người lùn. Đại ca những chuyện em biết về người lùn chỉ có chừng đó thôi.

Trầm ngâm một chút Trương Thái nói tiếp:

- Đại ca bây giờ chúng ta đã là anh em với nhau em phải cho anh biết chuyện này: thầy em cho em ra ngoài hoang dã ngoài chuyện tìm một số dược thảo thông thường mọc chung quanh núi Langbiang em còn có một nhiệm vụ đặc biệt thầy giao là tìm manh mối để vào vương quốc của những người lùn và tìm cách lấy cho được một loại dược liệu quý giá để về bào chế linh đơn. 

Trương Đại Quá gật gù:

- Hoá ra là vậy từ trước đến khi gặp ta em đã tìm ra manh mối nào chưa?

- Rất tiếc là chưa có một chút manh mối nào đại ca à. Em đã gặp nhiều người Lạch và dọ hỏi, họ rất ngạc nhiên và không ai biết một chút gì về tộc người lùn này anh Quá à. Đôi khi em nghĩ rằng người lùn chỉ là truyền thuyết chứ thật ra họ không có thật như người ta đồn đãi. Bây giờ anh kể lại chuyện tao ngộ vừa qua, em mới thật sự khẳng định là tộc người lùn có thật. Đại ca anh có giúp em thực hiện nhiệm vụ của thầy giao cho em không? 

Lời mời của Thái rất hợp với những suy nghĩ lúc nãy của Trương Đại Quá, anh chấp thuận liền:

- Ta sẳn sàng Thái à. Từ ngày rời bỏ quê hương đi tìm Ngọc Linh sơn, ta mới nhận ra rằng thiên hạ rất là rộng lớn và chứa nhiều bí ẩn dễ gì một đời người khám phá hết được. Nếu ta cứ mãi quanh quẩn bên bờ ruộng luỹ tre làng thì làm sao biết được những chuyện kỳ bí trong thiên hạ hả Thái? Sống như vậy là sống hoài sống phí, ta nhận ra một điều như vậy trong một năm qua. Bây giờ gặp em ta thấy đời sống của em ung dung tự tại, ta ngẫm nghĩ trong lòng rằng em sống vô tư với bao nhiêu điều hấp dẫn thực là một cuộc đời đáng sống lắm thay.

Nghe Trương Đại Quá tâm sự Thái ngẩn người ra. Từ nhỏ cậu sống như vậy là điều bình thường bây giờ cậu vẫn vậy và mai sau cũng vậy, đó là một chuyện tất nhiên như đói thì ăn, khát thì uống, Thái không nghĩ sâu sa gì cả. Thái nói:

- Đại ca em rất mừng khi đại ca nhận lời cùng em đi tìm dược liệu quý. Chuyện đó anh em mình chắc phải gắng sức nhiều lắm. Bây giờ có một chuyện em phải làm ngay đại ca có biết chuyện gì không?

Ngạc nhiên Trương Đại Quá hỏi Trương Thái:

- Chuyện gì vậy hả em?

- Đó là chuyện giải quyết món quà mà lão già lùn biếu cho đại ca. Anh chờ em một chút em sẽ đãi anh món thỏ nướng muối ớt, ngon tuyệt phích!

Nói xong Thái nhanh nhẹn lột da con thỏ. Cậu lấy trong thắt lưng ra một con dao cậu khoanh vào cổ con thỏ một vòng và nắm da con thỏ và kéo xuống. Thái bỏ bộ đồ lòng và lấy gói muối ớt trong chiếc gùi và xát vào mình con thỏ. Một lát sau mùi thơm điếc mũi của thịt nướng toả ra. Trương Đại Quá nhìn Thái với cặp mắt ngưỡng mộ, anh nói:

- Ta không ngờ em còn nhỏ tuổi như vậy mà đã có tài nấu nướng, em nấu ăn ngon lắm!

- Đó là do công của thầy dạy em đại ca Quá à. Thầy em kể hồi trẻ thầy lưu lạc bên Tàu và học được nghề nấu ăn và bây giờ truyền lại cho em. Nhưng đại ca ơi những món ăn hôm qua và sáng nay không phải là món ăn Tàu đâu, chỉ là món bình dân của người Việt ta thôi!

Trương Đại Quá không nói nữa, anh im lặng thưởng thức món thỏ nướng và thầm tính toán trong đầu.

 

CHƯƠNG 2

BÁI SƯ

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 1059
Ngày đăng: 07.06.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc nhiệm chính phủ (Chương 1: Phố của mùi lanh chanh) - Nguyễn Thị Kim Lan
Đền rùa vàng (phần cuối) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 2) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 1) - Ngô Nguyên Dũng
Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky - Vương Kiều
Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào - Đỗ Quyên
Giết con chim nhại - Phạm Văn
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ Thương tặng những người con xa xứ - Nguyễn Phương
Từ rày đỡ lo.../ Tối lửa tắt đèn.../ Vẫn chưa đầy đủ! - Hòa Văn
giáng sinh buồn - Hoàng Chính
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)