Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
716
116.715.911
 
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 18: Lên đường )
Võ Anh Cương

 

- Lên đường!

Vương Đình Huệ vui vẻ ra lệnh. Trương Đại Quá mỉm cười nói “tuân lệnh, thưa Gru!”. K’Quang và K’Sa nhìn Trương Đại Quá, dường như họ ngạc nhiên không hiểu vì sao Trương Đại Quá vui như vậy. Vương Đình Huệ nghiêm mặt ra vẻ không vừa lòng, còn ông K’Rè không nói năng gì cả, ông im lặng đi, tay ông thỉnh thoảng đập vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Đó là thói quen của ông, không một con côn trùng nào có thể bám vào người ông được. Mỗi khi đi rừng, ông K’Rè đều lấy một ít muối bọc vào một miếng vải, đó là “đồ nghề” đập vắt của ông. Mùa mưa vắt rừng là nỗi kinh hoàng của những người đi rừng. Chúng đánh hơi nhanh lắm, bằng một cái búng mình, con vắt đã bám vào động vật máu nóng không kể thú hay người. Chúng tìm một mạch máu và hút cho bằng no mới thôi, lúc đầu con vắt chỉ bằng đầu tăm, khi no máu nó có thể to bằng đầu đủa! Nhưng với ông K’Rè, một con người sinh ra từ rừng núi, bất kỳ con vắt bám chỗ nào ông đều biết cả. Với một cái đập tay bằng túm muối con vắt rơi ngay xuống đất! 

 

Nhưng đó là chuyện ngày xưa! Ngày no muối, còn bây giờ ông K’Rè không có một túm muối nào cả, ông cũng không có thói quen xin xỏ, có thì dùng không có thì thôi. Vả chăng mùa này vắt chỉ có ở những nơi ẩm ướt nên không đáng ngại lắm. Nhưng với thói quen ông K’Rè thỉnh thoảng vẫn đập tay vào một bộ phận nào đó của cơ thể như thường. Vương Đình Huệ không biết điều này, anh hăng hái đi trước mở đường. Ông K’Rè cũng không có ý kiến, đúng ra khi còn là già làng bon Cây Ngo đỏ, bao giờ đi rừng ông cũng là người đi trước. Vậy mà giờ này ông lại là kẻ đi sau, thôi thì đành vậy, mình là người phục vụ mà! Ông già chua chát nghĩ.

Con ngựa có màu lông đỏ cất tiếng hí vang. Đó là một con ngựa đực độ hai tuổi đang sung sức. Ông K’Rè âu yếm nhìn con ngựa, ông quý ngựa lắm, người K’Ho nào mà chẳng thế. Con ngựa và con trâu là những con gia súc thân cận với con người mà. Con ngựa chở trên người nó nước suối Đen dành cho Trương Đại Quá và ông K’Rè, ngoài ra lương thực dành cho cả đoàn trong năm ngày cũng được nó mang nốt. Vậy mà nó đi cứ hơn hớn, lại còn hí vang cả núi rừng nữa chứ, hình như con ngựa muốn thông báo đến các con thú khác sự hiện diện của nó bằng cái đầu vươn cao và một tràng hí dài kiêu hãnh.

Trương Đại Quá đi sau Vương Đình Huệ, tuy anh to gấp bốn lần Huệ nhưng không vì thế mà Huệ đi thua anh. Vương Đình Huệ có thân thủ rất là nhanh nhẹn. Với tầm vóc nhỏ thó, Huệ nhanh nhẹn né tránh tất cả chướng ngại vật trên đường. Đặc biệt Vương Đình Huệ không để lại bất cứ một dấu vết nào, đó là điều bắt buộc đối với học viên Langbiang! Không thể nào để lại bất cứ dấu vết nào là yêu cầu tối thiểu của Mat, đứa học trò nào trong khi đi đường để lại một cọng cỏ vô ý bị dày xéo cũng đều bị Mat phê phán gay gắt và bắt làm lại cho kỳ được mới thôi. Chính nhờ sự nghiêm khắc của Mat nên Vương Đình Huệ mơi có ngày nay, anh biết rõ điều đó và thầm cảm ơn ông thầy khả kính.

Quan sát cách đi của Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá phát hiện một điều: đó là những cái lách mình mềm mại và uyển chuyển. Thân thủ này quả là hợp với tính cách của môn Ngọc Trản thần công. Trương Đại Quá kinh ngạc nhận ra điều đó, anh chú ý đến thân pháp của Vương Đình Huệ, quả nhiên rất giống với thân pháp của anh. Nhưng nhìn kỹ Trương Đại Quá phát hiện những khác biệt căn bản trong vận khí. “Thằng nhỏ này không biết cách vận khí”, Trương Đại Quá thở phào nghĩ, chắc là nó thấy trong tự nhiên những động tác của cây, của thú, của chim nên vận dụng vào bộ đi của mình chứ không có liên quan gì đến môn phái cả! Dù sao Vương Đình Huệ cũng là người thông minh, Trương Đại Quá nghĩ thầm như vậy.

Sống cùng Vương Đình Huệ một thời gian, Trương Đại Quá cũng quen dần với làn lãnh khí phát ra từ Huệ. Anh chịu không thể giải thích làn lãnh khí đó xuất phát từ đâu nhưng thấy nó cũng không hại gì đến mình nên Trương Đại Quá cũng thôi tìm hiểu.

Cứ lan man như vậy cả đoàn người đi một đoạn xa. Học viện Langbiang đã khuất sau dẫy núi xanh thẳm. Mặt trời lên cao không khí không nóng lắm, trời đang độ giữa thu. Trên những đồi cao những cây quỳ đã nở hoa vàng óng. Màu vàng của hoa quỳ không lẫn vào đâu được, màu vàng nổi bật trong không gian xanh ngắt của cao nguyên! Vương Đình Huệ lại không chú ý đến cảnh vật nên thơ trên đường đi, tâm trí anh tập trung vào những chữ mới học của thầy Bạc Đầu Râu. Thầy Bạc dặn rằng:

- Trên đường đi, con phải tự ôn những điều đã học, con phải nhớ rằng “văn ôn võ luyện” nghe chưa?

Vậy thì Vương Đình Huệ phải ôn thôi, có như vậy mới tiến bộ như sự mong mỏi của Bạc Đầu Râu. Anh đọc to:

- O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu!

Đi sau Vương Đình Huệ, Trương Đại Quá nghe thằng lùn đọc câu vè như vậy, anh hỏi:

- Ô, em cũng biết chữ a?

Đang đi Vương Đình Huệ dừng lại, anh ngạc nhiên nhìn Trương Đại Quá:

- Anh cũng biết chữ a?

Cả hai nghĩ như nhau, cùng ngạc nhiên như nhau rồi bỗng nhiên cả hai nhìn nhau cười. Trương Đại Quá nói:

- Lúc trước ở quê, anh được học chữ nho và một ít chữ quốc ngữ, còn em ai dạy em học chữ quốc ngữ thế?

Vương Đình Huệ im lặng, anh đang nghĩ đến lời dặn của Bạc Đầu Râu, không được tiết lộ việc học chữ với bất cứ ai, Huệ im lặng không trả lời Trương Đại Quá. Quá cũng không hỏi nữa, anh lảng sang chuyện khác:

- Học chữ có cái lợi vô cùng, những kiến thức của loài người đều ghi lại trong sách vở. Huệ ạ, anh có một cuốn sách hay lắm, trước đây nó là của một ông già ngoài quê tặng anh nhưng tiếc quá, bây giờ anh không thể nào vận dụng những điều trong sách vào thực tế được!

Vương Đình Huệ tò mò, anh hỏi dồn:

- Đó là cuốn sách gì, trong đó nói điều gì hả anh Quá?

Trương Đại Quá cười bí hiểm:

- Tên cuốn sách là Mai hoa dịch số của Thiệu Khang Tiết, đó là một cuốn sách dùng để dự báo, nói nôm na là dùng để bói, tức là tìm câu trả lời cho những sự việc mà mình cần biết.

Nghe Trương Đại Quá trả lời như vậy, Vương Đình Huệ không hiểu gì cả, anh như lạc bước vào một khu rừng bí hiểm, những từ ngữ như “dự báo”, “bói” là những tiếng lần đầu tiên Vương Đình Huệ nghe, Huệ hỏi:

- Đó là cái thứ gì hả anh Quá, trước giờ tôi chưa nghe bao giờ cả?

Trương Đại Quá cười:

- Cuốn sách đó không phải là “cái thứ gì” như em nghĩ đâu, đó là một môn học rất có ích trong cuộc sống mà người xưa đã phát minh ra!

Lại những điều khó hiểu, chưa bao giờ nghe thấy cả, Vương Đình Huệ nghĩ thầm trong đầu như vậy. Trương Đại Quá giảng giải những điều cơ bản cho Vương Đình Huệ nghe, bắt đầu từ âm, dương, ngũ hành, sinh khắc, chế, hoá đến vượng, tướng, hưu, tù, tử…. Vương Đình Huệ chăm chú nghe, không riêng gì anh, cả ông K’Rè cũng lắng nghe những lời của Trương Đại Quá. Trong thâm tâm họ phục anh chàng này vô cùng, bề ngoài trông có vẻ củ mỉ cù mì, nhưng trong bụng là một rừng kiến thức, những thứ trong đời họ chưa nghe qua bao giờ.

Một lúc sau Trương Đại Quá kết luận:

- Chuyện này còn nhiều thứ để nói lắm, chúng ta phải chiêm nghiệm trong cuộc sống mới có thể thấy hết cái tài giỏi của người xưa, ta tiếc rằng hiện nay chỉ còn áp dụng phần hậu thiên của Mai hoa dịch số khi có sự việc xảy ra, chứ không thể dùng phần tiên thiên của cuốn kỳ thư này được!

Ông K’Rè lúc này mới hỏi:

- Vì sau hả cháu?

Trương Đại Quá đáp:

- Vì cháu không có cuốn lịch vạn niên để tra ngày giờ, mà phần tiên thiên của Mai hoa thì gắn chặt với ngày giờ. Thôi chuyện này chúng ta sẽ nói tiếp sau bác ạ!

Đoàn người ngựa đi vào một thung lũng rộng lớn, phía dưới là một con suối ngoằn ngoèo chảy qua những bụi lau sậy mọc xanh tốt. Trương Đại Quá nói:

- Ta nghỉ ngơi thôi, bác K’Rè, bác nấu cơm cháu câu vài con cá làm thức ăn đây.

Vương Đình Huệ đi theo Trương Đại Quá ra bờ suối, anh tò mò muốn thấy cách câu cá ra sao mà cô Nghỉ cứ khen mãi Trương Đại Quá. Từ trước đến nay Vương Đình Huệ chưa câu cá bao giờ, muốn bắt cá Vương chỉ việc nhảy ùm xuống nước, anh có tài bắt cá trong nước và nín hơi cũng khá lâu. Nhưng đây là cách bắt cá mới, Vương Đình Huệ cần phải biết. Anh nhìn chăm chú cách Trương Đại Quá tìm mồi câu, cách móc mồi vào lưỡi câu và cả cách giật cá khi cá cắn câu. Cách này cũng hay, Vương Đình Huệ nghĩ thầm trong bụng, mình khỏi phải lặn xuống nước, cứ nhàn nhã buông câu và chờ cá cắn mồi. Trương Đại Quá quả là tay sát cá, chỉ một lúc mà anh đã câu được sáu con cá khá lớn đủ cho ba người ăn. Khi cuốn dây câu lại, Trương Đại Quá nói với Vương Đình Huệ:

- Mình cần chừng nào thì bắt từng ấy, không nên tham lam, tham quá cá không kịp sinh sôi nẩy nở thì lần sau làm sao có cá mà ăn?

Vương Đình Huệ góp lời:

- Ủa, tôi tưởng chỉ mình học viện dạy điều này, cả anh cũng biết sao?

Trương Đại Quá nhìn Vương Đình Huệ:

- Ta từng sống ngoài thiên nhiên ta biết rõ điều này trong thực tế nhưng lúc nhỏ thầy ta thường dạy những điều hành xử trong đời, ta cũng biết đôi chút, em à!

Buổi chiều người ngựa bắt gặp một dòng sông, Trương Đại Quá mừng rỡ nói:

- Đúng là sông K’Rông Nô rồi, ta đã đi đúng hướng phải không bác?

Ông già người Lạch cười xác nhận, ông nói:

- Ta cứ đi theo con sông này sẽ dẫn đến một cây thông có nhánh to bằng thân cây chỉ về hướng đông, đó là nơi ta đến.

Vương Đình Huệ cũng vui ra mặt, anh biết rằng sắp tới chỗ có thứ dược liệu cần tìm, cô Nghỉ sẽ mau trở lại người thường. Còn Trương Đại Quá thì trầm ngâm, anh nói với ông K’Rè:

- Bác ơi, bác nhớ không: khi Trương Thái tách đòn hình như tại chỗ này thì phải, vì sao mà Thái lại mất tích một cách bí hiểm, lâu nay cháu cứ loay hoay đi tìm câu trả lời mà không thể nào tìm ra được?

Ông K’Rè im lặng, tính ông vốn thế, ông không bao giờ để lộ ý nghĩ của mình ra bên ngoài. Ông cũng suy nghĩ về trường hợp của Trương Thái và mừng thầm trong bụng, vì theo ông nếu Thái mà không tách đoàn để đi câu thì giờ này cũng lệ thuộc vào thứ nước Đen rồi. Nhớ đến nước Đen, ông thấy khát, ông uống thứ nước ngon ngọt đó và mời Trương Đại Quá cùng uống. Riêng Vương Đình Huệ, anh không uống nước suối Đen, anh dùng ngay nước sông K’Rông Nô đang cuồn cuộn chảy.

Vương Đình Huệ nói:

- Đêm nay ta hạ trại ở đây!

Nói xong anh mang những đồ vật trên mình con ngựa xuống và tháo dây cương để con ngựa muốn đi đâu thì đi. Thấy vậy Trương Đại Quá hỏi:

- Em không sợ con ngựa đi mất sao?

- Ô không đâu, đây là một con ngựa tôi nuôi từ nhỏ, tôi rất hiểu nó. Đêm nay nó sẽ trở về chỗ chúng ta sau khi ăn uống no nê!

Nhìn con ngựa chạy vừa khuất tầm mắt, Trương Đại Quá ra vẻ ái ngại. Anh nhanh chóng đi chặt một số cây rừng để hạ trại qua đêm. Địa thế mà đoàn người dừng chân cách bờ sông khoảng một tầm tên, đó là một trảng cỏ trống có vài cây cổ thụ xen kẻ là những gộp đá lớn màu xám nhạt. Trương Đại Quá chọn khoảng trống giữa hai tảng đá lớn làm mái trại, chung quanh dựng những cành cây sát nhau trông cũng kín đáo. Trước cửa trại, Trương Đại Quá đào một cái bếp cạn có hai lỗ thông hơi. Làm như vậy than củi rừng sẽ được giữ bên dưới tiện cho việc giữ lửa trong đêm. Đó là kinh nghiệm của Trương Đại Quá trong mấy năm qua, trong đêm tối lửa là một thứ tối quan trọng, nó cho ta hơi ấm và quan trọng nhất là thú dữ rất sợ lửa.

Ông K’Rè đặt một nồi cơm sau khi đi đâu đó dọc theo dòng sông. Cơm chín, ông dần cạnh bếp và nướng ba con cá lăng buổi trưa còn lại. Mùi thơm của cá nướng quyện trong khói chiều tạo nên một quang cảnh thanh bình. Ông K’Rè lấy một ống giang to, không hiểu bằng cách nào mà ông có ống giang này, Trương Đại Quá hỏi:

- Bác ơi, ống giang ở đâu hả bác?

- Dưới kia có một khóm giang rừng, ta vừa chặt lúc nãy. Quay sang Vương Đình Huệ, ông tiếp:

- Cháu cho ta một ít muối để ta nấu món canh rau dớn.

Quả thật lúc nãy ông K’Rè đi hái rau rừng và chặt ống giang để nấu canh cho ba người ăn, ông bỏ vào nồi canh một ít thịt ráy ra từ con cá lăng nướng vừa xong.

Bữa ăn trong rừng ngon quá, ba người ăn xong thì mặt trăng từ hướng đông cũng vừa ló dạng. Ông K’Rè trầm ngâm với tẩu thuốc trên môi, lúc này Vương Đình Huệ mới nói:

- Anh Trương Đại Quá, tôi muốn nhờ anh một việc được không?

Ngạc nhiên Trương Đại Quá trả lời:

- Em nói đi nếu ta làm được ta sẽ không từ chối em làm gì!

- Em chỉ nhờ anh dạy cho biết ráp vần thôi, được không anh?

Đây là lần đầu tiên Vương Đình Huệ gọi Trương Đại Quá bằng anh và xưng “em”, chắc trong lòng Vương Đình Huệ bắt đầu nhìn Trương Đại Quá bằng một cặp mắt khác?

Trương Đại Quá trả lời:

- Tưởng chuyện gì chứ chuyện học ta sẳn lòng. Nào em nhìn lên trời kìa, mặt trăng đêm nay sáng lắm, ta bắt đầu từ từ trăng nhé. Em đọc theo ta: ă ngờ ăng, trờ ăn trăng!

Vương Đình Huệ đọc theo, lớp học kỳ dị giữa rừng sâu có lẽ là một lớp học từ khai thiên lập địa đến nay chưa từng có!

 

CHƯƠNG 19

MỘT MÌNH GIỮA RỪNG MA

 

 

Võ Anh Cương
Số lần đọc: 566
Ngày đăng: 14.09.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết ( Chương 17: Khai tâm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 16 : Gặp Bạch Hổ lúc nửa đêm) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 15: Tương tư) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết ( Chương 14: Phiên bản) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 13: Trở thành người phục vụ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 12: Rừng ma) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 11: Tư Đực) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 10: Dẫn dược) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 9: Bạc đầu râu) - Võ Anh Cương
Thung lũng Trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 8: Tù nhân) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Hồng Mây (truyện ngắn)
Về xứ sương giăng (truyện ngắn)
Hàm Luông (truyện ngắn)
Thung lũng tình yêu (truyện ngắn)
Ma xó núi (truyện ngắn)
Hai ốm (truyện ngắn)
Sương khói quê nhà (truyện ngắn)